Tháng Tư, Ngày 23

 

Tôi cũng sẽ phải học sao cho biết cách nói chuyện với những tâm hồn. Tôi đã tâm niệm điều này suốt cuộc đời tôi” (Suy niệm trong những ngày đầu của đời linh mục).

Với tầm nhìn xa hơn, cha thánh nhận ra rằng Lời Chúa không chỉ tác động đến lý trí, nhưng còn tác động đến con tim. Khi chúng ta chỉ giới hạn Lời Chúa trong phạm vi của trí óc, thì chúng ta mau chóng kết luận rằng ‘sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo’. Như thánh Phaolo đã nhận định trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinto “Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn tình yêu thì xây dựng” (1Cr 8,1) và sự hiểu biết này chẳng góp phần vào sự trưởng thành trong đời sống tâm linh. Thực sự, cái làm nên sự khác biệt chính là sự đụng chạm đến con tim, và ở đây hạn từ “con tim” không chỉ mang ý nghĩa là trạng thái của những cảm xúc, nhưng là phần cốt lõi, trung tâm sự sống của con người; nó chi phối những quyết định mà con người đưa ra. Nếu con tim không được sưởi ấm và gợi hứng bởi sự khám phá những kỳ công của Thiên Chúa, những điều không thể tin được, thì sẽ chẳng có gì thay đổi trong cuộc đời của chúng ta cả. Không có sự tiến triển nào trong mối dây kết hiệp cùng Thiên Chúa cũng như trong cách cư xử với những người đi theo chúng ta.  
Thế nhưng, việc cư xử với nhau bằng chính con tim thì không phải là một chuyện dễ dàng. Giải thích một điều gì đó bằng lý trí thì dễ dàng hơn là nói bằng chính con tim, vì nó đòi hỏi kinh nghiệm cá nhân về những điều mà người nói muốn đề cập đến. Vì thế, tiến trình này diễn ra như sau: Trước tiên, người ta cần ngồi dưới chân thầy chí Thánh để học hỏi Lời Chúa, và chỉ khi ấy người ta mới có thể truyền đạt lại những gì mình đã học được cho người khác. Chỉ khi nào những hiểu biết sâu xa và những khám phá của người ấy được nhìn nhận một cách thích hợp đối với đời sống thực hành Ki-tô giáo, thì khi đó người ấy mới có thể giới thiệu cho mọi người về những cách thế thực sự thúc đẩy và gây cảm hứng cho họ hành động trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Để nói với những tâm hồn, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng những hình ảnh bằng lời nhiều hơn là những khái niệm trừu tượng; những từ khơi lên cảm giác hơn là những sự kiện và số liệu khô khan. Vì vậy khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả trong sách Hô-sê (11,1-4) giống như một người cha đầy tình thương cúi xuống gần đứa con để đút cho nó ăn và nâng nó lên để áp vào má mình, thì hình ảnh này sưởi ấm tâm hồn nhiều hơn là việc chỉ nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và làm cho chúng ta trở nên con cái của Người!  Kinh Thánh còn kể lại cho chúng ta về những cảm xúc của Thiên Chúa: “Hỡi Epraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi It-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma, để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được, Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm” (Hs 11,89), hình ảnh Thiên Chúa đấu tranh với chính mình khi đưa ra một phán quyết cứng rắn để trừng phạt hay tha thứ cho dân Người, làm cho chúng ta càng nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thật sâu thẳm và chân thật dường nào. Chỉ khi nào cảm nếm được tình yêu ấy qua nhiều ví dụ minh họa như vậy, người ta mới ao ước là không từ chối Chúa bất cứ điều gì. Câu trả lời của chúng ta cũng giống như điều mà Thánh Vịnh đã viết: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,10) hay như thánh Phê-rô đã xác tín: “Lạy Thầy! chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Quả thật đây là một sứ vụ tuyệt vời mà các linh mục được mời gọi để dấn thân, và thật buồn thay khi còn quá ít linh mục sẵn sàng hy sinh thời gian cho sứ vụ rao giảng Lời. Cha Eymard đã nhận ra tầm quan trọng lớn lao của công việc này khi là một linh mục, và cha đã chân tình khuyên người khác làm như vậy!