Tháng Năm, Ngày 10

 

Hãy làm mọi sự cho Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.” [ ]

 

Khi chúng ta thực sự cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa cũng như khi Người trở thành tâm điểm của đời sống chúng ta, bấy giờ tự nhiên chúng ta gần như sẽ bắt đầu làm mọi sự cho Thiên Chúa. Làm thế nào để người ta biết rằng mình thực sự đã làm cho Thiên Chúa trở thành tâm điểm của đời mình? Có rất nhiều dấu chỉ cho chúng ta biết điều này. Một trong những dấu chỉ đó chính là chúng ta nhận thấy mình hằng luôn và liên tục đối thoại hay hiệp thông với Chúa. Những gì chúng ta làm hay nói sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không dừng lại đôi chút để tìm xem Chúa muốn gì trong tình cảnh này. Và cuộc trò chuyện nội tâm ấy không phải là một điều gì đó mang tính ép buộc hay giả tạo, nhưng nó có giá trị vì tâm điểm của đời sống con người chính là Chúa.

Một dấu chỉ khác, đó là: ai đã thực sự và thật lòng làm cho Thiên Chúa trở thành tâm điểm, thì người ấy luôn luôn được bao bọc trong sự an bình và niềm vui sâu thẳm. Khi những phiền phức và cản trở đẩy mọi thứ vào trong cuộc đời của người ta, người ta có thể bị xao động và rối loạn, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi. Người ấy sẽ mau chóng tìm lại được sự bình tĩnh, vì người ấy biết rằng Thiên Chúa chi phối tất cả và Người sẽ không để cho bất cứ điều gì xảy ra mà không nhắm đến lợi ích cho chúng ta. Điều này cũng tương tự với việc ngồi trên chiếc xe do một tài xế có kinh nghiệm lái. Hành khách cảm thấy an toàn bao lâu người tài xế ấy lái xe và thậm chí khi có điều gì xảy ra ở phía trước, cảm giác tin tưởng vẫn không mất đi.

Một dấu chỉ quan trọng hơn, đó là: chính chúng ta miễn cưỡng phải làm hay nói những gì chúng ta biết là đi ngược lại với ý định của Chúa. Chúng ta không muốn làm tổn thương Người hay chống lại những ước muốn của Người, thậm chí là trong vấn đề nhỏ nhất. Điều này được thực hiện không phải vì sợ hãi bị trừng phạt hay phải lo chu toàn bổn phận, nhưng là bằng tình yêu. Trái lại, mối bận tâm chính là làm việc một cách tốt nhất trong khả năng của mình vì đó là điều Chúa muốn. Nói cách khác, ý muốn, sự hài lòng và những ước muốn tha thiết của Người phải được đặt lên trước sự thoải mái, tiện nghi,… của chính chúng ta. Tình yêu luôn luôn ẩn chứa sự hy sinh, thậm chí là trong những vấn đề nhỏ.

Nhưng một dấu chỉ khác có thể là khi Chúa Giê-su là tâm điểm của cuộc đời chúng ta, Người cũng không bao giờ ở xa chúng ta. Người sẽ trở thành điều mà chúng ta cố gắng đạt được trong suốt ngày sống; mọi dự án, mọi hành động được thực hiện cùng với Người. Chúng ta phát triển một kiểu hợp tác với Thiên Chúa. Một người như thế sẽ thích nghi với mọi tình huống, người ấy không phải lúc nào cũng tìm kiếm những gì phù hợp với mình nhất, tuy thế người ấy không e ngại phải xin những gì cần thiết. Cơ bản người ấy là một con người vững tin, quân bình và hoàn thiện.

Quả vậy, khi hiểu được giá trị của việc sống kết hiệp với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã nắm bắt được ý tưởng mà cha Eymard đề nghị chúng ta thực hiện. Rõ ràng, việc này đòi hỏi phải có một tương quan mật thiết với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a cũng như phải chết đi cho Cái Tôi ngay trong những chuyện nhỏ nhặt. Khi nỗi lo sợ phải đánh mất những gì chúng ta cho là quý giá biến mất khỏi cuộc đời chúng ta, bấy giờ mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn.