CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN năm B

Bài 1

G 7,1-4.6-7; Mc 1,29-39
Chủ đề: Đức Giêsu chữa lành và giải cứu những người cùi khỏi bệnh và hồi phục phẩm giá họ.

* Lv 13,45-46: ai mắc bệnh cùi đều trở nên ô uế và phải ở riêng ra bên ngoài trại.
* Mc 1,41-44: Đức Giêsu đụng đến anh cùi và anh được sạch…Người bảo anh hãy đi trình diện tư tế.

Lời Chúa của Chúa Nhật VI B Mùa Thường Niên tiếp tục đề cập đến vấn đề nỗi thống khổ của con người trước những bất hạnh gặp phải trong cuộc sống của kiếp làm người. Lần này chủ đề hẹp hơn, chỉ quy về một căn bệnh đặc biệt duy nhất: BỆNH PHONG CÙI.

          Nỗi bất hạnh mà căn bệnh này mang lại cho bệnh nhân thật lớn lao, đáng sợ: – thể xác đớn đau đã đành – về mặt luân lý xã hội, họ bị coi là kẻ tội lỗi và bị Chúa phạt – hơn nữa, về mặt tôn giáo xã hội họ bị công khai loại trừ ra khỏi cộng đoàn: phải sống cách ly với mọi người, hoàn toàn bị cô lập.

          Xã hội lẫn tôn giáo đều đưa ra những qui chế ngăn cấm người cùi tiếp cận với cư dân bình thường, họ bị buộc phải cách ly, ra ở một nơi riêng biệt bên ngoài trại. Như thế đồng nghĩa với việc họ không được tham dự phụng tự với cộng đoàn, không được gặp gỡ thờ phượng Thiên Chúa trong các nghi thức tế tự cộng đồng.

          Theo cái nhìn của người Do Thái, chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh cùi (Ds 12,13-16; 2V 5,7) hoặc vị ngôn sứ được Chúa ban quyền mà thôi (2V 5,8). Do đó việc chữa lành bệnh cùi là một trong những dấu chỉ khai mạc thời thiên sai (x.Mt 10,8; 11,5; Lc 7,22).

          Và việc chữa lành bệnh cùi không chỉ đơn giản là khôi phục lại tình trạng khỏe mạnh thể lý mà còn phải được bổ sung thêm bằng nghi thức trình diện tư tế để được vị này công bố là bệnh nhân đã được sạch và được hội nhập lại với cộng đoàn xã hội và tôn giáo.

          Vậy việc chữa lành bệnh cùi không chỉ giải phóng bệnh nhân khỏi những khổ đau thể xác mà còn là phục hồi tinh thần và nhất là đưa họ tái hòa nhập vào cộng đoàn, được cùng toàn dân Chúa đến trước thiên nhan ca tụng Thiên Chúa. Đây quả là một cuộc giải phóng toàn diện chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được hoặc những nhân vật vĩ đại như Môsê, Êlia. Do đó việc chữa lành bệnh cùi được xem là dấu chỉ vững chắc giúp nhận ra được Đấng Mêsia.

          Bài đọc một chỉ đề cập đến vài qui chế để xác nhận một người có thật sự bị cùi hay không. Đó là vai trò của tư tế. Sau khi tư tế xác nhận thì bệnh nhân trở thành ô uế; họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên “ô uế! ô uế”, và bị tách riêng ra ở bên ngoài trại. Xã hội, tôn giáo chỉ đưa ra được qui chế xác nhận ai bị cùi, chứ không có một cách thức nào để trợ giúp, ủi an họ. Chỉ trong Đức Giêsu, họ mới được hồi phục trọn vẹn về thể lý, phẩm giá con người lẫn tôn giáo.

          Bài Tin Mừng của Marcô thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành một anh cùi, rồi sai anh đi thực hiện những gì luật Môsê đã dạy để được hội nhập vào lại với cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên trong trình thuật này có vài nét “tin mừng” chúng ta cần lưu ý tới:

  • Cái gì đã khiến anh bị cùi trong Tin Mừng này dám cả gan vượt qua luật cấm để đến gặp Đức Giêsu, quỳ xuống van xin Người?

  • Cái gì đã khiến Đức Giêsu không sợ những “ô uế” do luật qui định để dám “giơ tay đụng vào anh cùi” và chữa lành anh ta?

Đó là vì nơi Đức Giêsu, “lòng chạnh thương” của Thiên Chúa đã tỏ bày rõ nét. Đức Giêsu chính là hiện thân của “lòng chạnh thương của Thiên Chúa”. Và việc chữa lành anh cùi đã là MỘT DẤU CHỈ KINH THÁNH kín đáo mặc khải Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, là Thiên Chúa.

          Phần anh cùi được chữa lành, dường như anh không vâng lời Đức Giêsu: anh không giữ bí mật như Đức Giêsu dạy; Anh không đi trình diện tư tế; Trái lại, anh rao truyền, loan tin ấy khắp nơi? Thực ra đối với những ai đã gặp được Đức Giêsu, được chữa lành thì việc tuân thủ chi tiết luật trở thành THỨ YẾU. Điều quan trọng là CA NGỢI Thiên Chúa, Vì Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã dành cho ta. Cuối cùng là một điều biến đổi kỳ diệu đã xảy ra cho DÂN CHÚA: hiệu năng mang tính cộng đoàn của phép lạ được nhấn mạnh: vì lời rao truyền của anh cùi, Đức Giêsu không vào thành được, “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Nhưng nơi nào có Đức Giêsu, nơi đó không còn là hoang vắng nữa vì “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”.

          Đức Giêsu đến để hồi phục con người, thiên nhiên! Tất cả được thăng hoa, tràn đầy sức sống. Hãy đến với Đức Giêsu, nhất là lúc gặp khó khăn, mở rộng lòng đón nhận Người để ta được chữa lành, và qua ta, vũ trụ được khởi sắc.

Bài 2

Lv 13, 1-2. 44-46
Mc 1, 40-45

Đức Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh phong hủi và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch (Mc 1,41-42)…anh bắt đầu tung tín ấy khắp nơi (1, 45a)

                   Lời Chúa của Chúa nhật 6B MTN tiếp tục suy niệm về chủ đề mầu nhiệm của sự đau khổ trong phận người tội lỗi. Tuần này không bàn rộng về mọi thứ đau khổ: quỉ ám, tật bệnh, đói khát, tai họa, kẻ thù…mà chỉ xoáy sâu vào một dạng đau khổ đặc biệt là BỆNH PHONG HỦI và những hậu quả rộng lớn của nó. Chẳng những nó phá hủy về thể xác mà còn về tinh thần, và phá hủy hết mọi mối tương giao với tha nhân, xã hội lẫn tôn giáo. Các thứ tật bệnh, tai họa khác, dù cũng bị coi là ô uế, bị phạt, nhưng vẫn được cộng đồng cưu mang, an ủi; Trái lại những ai bị bệnh cùi thì hoàn toàn bị loại trừ, tách biệt khỏi cộng đoàn, mọi tương giao đều bị cắt đứt, họ như những “thây ma” còn di động vật vờ (Poroles sur le chemin. Année B p 285), thân nhân cũng nhờm tởm tránh xa họ (G 19, 13-17.19), tình trạng còn tồi tệ hơn cái chết, muốn chết cũng không được (G 3, 21). Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa, qua các ngôn sứ của Người mới chữa lành được bệnh cùi này (Sđđ 285); Và việc chữa lành bệnh cùi là một dấu chỉ thời Mêsia đã tới (x. Mt 11, 5)

              Bài đọc 1 đưa ra những qui chế về bệnh cùi, cấm cản họ đến với cộng đoàn; Bài đọc  Tin Mừng làm nổi bật quyền năng thần linh của Đức Giêsu: Người chữa lành bệnh cùi, chỉ bằng một lệnh truyền và đưa bệnh nhân hội nhập lại vào cộng đoàn xã hội, tôn giáo. Như vậy qua việc chữa lành bệnh cùi; Đức Giêsu tỏ mình không chỉ là Đấng chữa lành tật bệnh, hồi phục sức khỏe thể lý con người, mà Người còn là Đấng hàn gắn những vết thương tâm hồn, làm cho bệnh nhân được phục hồi nhân phẩm, được hội nhập lại với cộng đoàn, được tham dự vào việc phụng thờ Thiên Chúa.

            Và phương tiện Đức Giêsu dùng để giúp bệnh nhân được hồi phục nhân phẩm, đời sống cộng đoàn là các tập tục đã được quy định trong bài đọc 1. Vậy Đức Giêsu không hề coi thường luật lệ, hủy bỏ tập tục hoặc loại trừ vai trò của các tư tế. Tất cả mọi sự đều tốt để trả lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa.

         Lời Chúa hôm nay cũng gợi lên cho chúng ta một thực tại đáng buồn của phận người tội lỗi. Tội lỗi đã làm cho con người rơi vào cảnh khốn cùng. Và sự khốn cùng ấy còn thê thảm hơn nữa khi con người lại bị chính đồng loại, ngay cả những người thân yêu nhất của mình ruồng bỏ; Tệ hơn nữa lại còn xúi dục mình lìa xa Thiên Chúa (x. G 2,9); Thêm nữa, xã hội, dư luận, tôn giáo lại gán cho mình một căn nguyên luân lý: có tội nên bị Chúa phạt!

          May thay Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối công chính: Người luôn trung tín theo đuổi dự tính của mình đến cùng để được Người khắc ghi trong công trình Sáng Tạo; Lòng yêu thương của Người lớn hơn mọi hậu quả của tội; Người có thừa tình yêu, quyền năng và phương tiện để hồi phục con người. Thiên Chúa đi bước trước tìm đến với con người để thứ tha, hồi phục trong Đức Giêsu. Mọi rào cản, ngăn cách con người đến với Thiên Chúa,  đến với nhau, đến với vạn vật, đến với bản thân mình đã được Đức Giêsu tháo bỏ.

           Vậy các Kitô hữu đừng bao giờ là tác nhân xây lại các bức tường ngăn cách, trái lại hãy là cánh tay nối dài của Đức Giêsu, biến mọi sự kiện lành hay dữ đều thành phương tiện để con người nhận ra và đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa.

           Kết thúc bài đọc Tin Mừng là một cuộc trao đổi diệu kỳ đã diễn ra:

        – Sau khi được chữa lành, anh cùi đã hội nhập vào cuộc sống cộng đoàn, rao giảng cho họ kỳ công Đức Giêsu đã làm cho anh.

         – Còn Đức Giêsu, đổi lại, lại rơi vào tình trạng “không thể công khai vào thành” mà phải “ở lại trong nơi hoang vắng”

          – Nhưng rồi điều diệu kỳ hơn nữa đã xảy ra: sự hiện diện của Đức Giêsu lại biến đổi hoang địa thành nơi qui tụ dân chúng, nơi dân gặp được Tình Yêu, lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Chủ điểm phụng vụ

           Lời chúa hôm nay đề cập đến bệnh phong và các quy chế mà xã hội và tôn giáo Do Thái dành cho những ai chẳng may bị bệnh đó: Họ bị loại trừ khỏi cộng đoàn cư dân, bị cô lập vì đã ra ô uế. Tình trạng họ thật khốn cùng, cô đơn.

         Nhưng rồi Đức Giêsu đã đến. Người giải thoát họ khỏi khổ đau thể xác lẫn tinh thần khi chữa lành và giúp họ tái hội nhập vào cộng đồng dân Chúa.

        Bài 1 trích từ sách Lê vi, kể ra những triệu chứng bị nghi là phong cùi. Kẻ nào bị như thế sẽ bị đưa ra trước các tư tế. Nếu bị xác nhận là có bệnh, người ấy sẽ bị tư tế công bố là ô uế. Từ đó kẻ có bệnh phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và đi đâu phải kêu lên “ô uế! ô uế!” để mọi người biết và lánh xa; bị loại trừ khỏi khu cư dân, sống cô lập.

        Tin Mừng thuật lại chuyện một người phong dám vi phạm luật, đến gặp Đức Giêsu xin Người chữa lành. Vượt trên mọi rào cản, Đức Giêsu đã CHẠNH LÒNG  THƯƠNG, đưa tay đụng vào anh ta và chữa lành. Tiếp đó, Người căn dặn anh phải giữ kín chuyện và đi thi hành những điều Luật dạy để được tái hội nhập vào cộng đồng. Nhưng vừa đi khỏi đó, anh đã loan truyền tin ấy khắp nơi. Kết quả: Đức Giêsu không công khai vào thành phố được: Nhưng rồi nơi hoang vắng, nơi Đức Giêsu định ẩn mặt, lại trở nên đầy người vì thiên hạ kéo đến với Đức Giêsu.

BÀI ĐỌC 1: Lv 13, 1-2. 44-46

Văn mạch

          Sách Lêvi là một tác phẩm chủ yếu về Luật phụng tự gồm tới 85% nội dung là các mệnh lệnh Đức Chúa truyền cho ông Môsê, cho các tư tế, hoặc cho toàn thể Israel. Ngoài ra là các trình thuật và các lời giới thiệu mệnh lệnh của Đức Chúa qua công thức “Đức Chúa phán”.

          Có thể chia sách làm 5 phần chính:

– Nghi thức các lễ tế (ch 1-7);

– lễ tấn phong tư tế (ch 8-10); -luật về cái thanh sạch và cái ô uế (ch 11-16)

– luật về sự thánh thiện (ch. 17-26);

– phụ chương về giá biểu cho lời khấn (ch 27)

       Phần 3 về Luật sạch, dơ trong đó trích ra bài 1, gồm:

           – Các tiêu chuẩn về loài sạch và loài ô uế, cùng những quy định khi bị các loài vật ô uế đụng tới (Ch 11)

          – Các quy định thanh tẩy đàn bà mới ở cữ (ch 12)

          – Các quy định liên quan đến bệnh phong hủi ở người và các nghi thức thanh tẩy khi lành bệnh (13, 1-14, 32) và kết bằng một đoạn nói về phong hủi nơi nhà cửa.

        – Các quy định liên quan tới ô uế về sinh dục (ch 15)

        – Ngày lễ xá tội (ch 16)

        Bài 1 trích 2 câu đầu và 44-46 của ch 13, nói về bệnh phong và các qui chế liên quan.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Lệnh truyền của Ya vê cho Mô sê và Aharon (Lv 13, 1)

  2. Điều phải làm cho người bị nghi là phong hủi (2,44)

  • Triệu chứng: da phát ra nhọt, lác hoặc đốm và cái đó thành vết thương phong hủi

  • Việc phải làm: đưa ngay đến Aharon hay một tư tế, con của Aharon

  • Vai trò tư tế:

         – khám và biện phân xem đó có phải là bệnh phong? (Phụng vụ không đọc)

         – ai bị phong, tư tế tuyên bố là ô uế

       Theo luật Hipri xưa, tất cả các thứ bệnh ngoài da được kể ra trong chương 13 sách Lê vi: nhọt, lác, đốm, phong kinh niên, ung, phỏng, chốc, lang ben, sói đầu đều có thể thành phong hủi; Đó được coi là triệu chứng. Phải đem mấy người này đến ngay với tư tế. Tư tế sẽ khám, biện phân xem có phải là phong hủi thật hay không rồi sẽ công khai tuyên bố là bệnh nhân đó là thanh sạch hay ô uế. Các chuẩn mực để xác nhận sạch dơ được ghi ở chương 13. Ngoài ra những vết loang lổ trên y phục (13,47-59) hoặc trên mặt tường của nhà ở (14,33-53) cũng bị coi là triệu chứng của phong hủi và phải có những cách xử lý thích hợp. Qua chương 14, sách Lêvi quy định các nghi thức thanh tẩy người bị cùi đã may mắn lành bệnh để được tư tế tuyên bố là đã trở lại trong sạch và như thế là được hội nhập lại với cộng đoàn xã hội và tôn giáo.

    Lêvi 13 cho thấy bị cùi không thuộc phạm trù luân lý; Nhưng qua chương 14, nghi thức thanh tẩy người phong lại được trình bày như một lễ xá tội cá nhân (14,19-20). Từ một căn bệnh ngoài da, phong hủi bị coi như là dấu chỉ bên ngoài của một tội phạm trầm trọng, đó là một hình phạt của Thiên Chúa đối với tội nhân như trường hợp của Maryam, chị của Môsê trong Ds 12,9-10; hoặc của Giêkhadi tôi tớ của Êlisê trong chuyện chữa lành Naaman tướng quốc Syri trong 2V 5,27; hoặc của Vua Utdigiahu (Ozyas) vì tội tự ý tiếm quyền tư tế trong 2Sb 26,16-21.

     Chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh này (Ds 12,13-16; 2V 5,7), hoặc vị ngôn sứ được Chúa ban quyền (2V 5,8). Do đó việc chữa lành bệnh này là 1 trong những dấu chỉ khai mạc thời thiên sai (x.Mt 10,8; 11,5; Lê 7,22).

    Trong trình thuật này, lúc sách Lêvi được viết, ta thấy vị trí ưu việt của các tư tế trong đời sống phụng tự lẫn trong đời sống xã hội; và Đức Giêsu cũng tôn trọng truyền thống này khi bảo người phong được chữa lành hãy đi trình diện tư tế (Mc 1,43). Nhiều nét trong truyền thống vẫn có vai trò tích cực trong thời Mêsia.

3) Quy chế cho người phong hủi (Lv 13,44-46)

   * Y phục: mặc áo rách

   * Phong cách: xõa tóc, che râu, đi tới đâu phải la to “ô uế! ô uế!”

   * Chỗ ở: bị cô lập riêng ra “ở… một nơi bên ngoài trại”

     Trong nhà khi có người thân qua đời, người do thái thường biểu lộ lòng thương tiếc bằng nhiều cách: xé y phục (2Sm 1,11); tóc, râu không săn sóc nên phải che đi hoặc cạo đi (Ed 24,17; Is 22,12. Trong Ed 24,17, báo trước lưu đày: không được biểu lộ thương tiếc thân nhân qua đời nên không được che râu…). Vậy khi mặc áo rách, xõa tóc, che râu là người phong tự để tang cho mình: thân xác bị thối rữa của họ khiến họ bị coi như người đã chết mà còn di động. Tệ hơn nữa họ còn bị coi là biểu tượng của tội lỗi, là cái chết còn đáng kinh khiếp hơn là sự mất mát về thể lý.

Để tránh lây lan và nhất là để tránh cho người khác khỏi bị ra ô uế vì đụng phải người bệnh nên người phong khi đi đâu phải hô to: “Ô uế! Ô uế!” để người khác biết mà tránh đi. Và một khi đã ô uế thì không được tham gia phụng tự thờ lạy Thiên Chúa. Từ cái nhìn như vậy, các người phong bị loại ra khỏi cộng đồng dân cư, bị cô lập, bị đuổi ra bên ngoài trại. Tình trạng họ thật bi đát.

    Vậy việc chữa lành bệnh không chỉ giải phóng bệnh nhân khỏi những khổ đau thể xác mà còn là phục hồi tinh thần và nhất là đưa họ vào tái hòa nhập cộng đoàn, được cùng toàn dân đến trước thiên nhan ca tụng Thiên Chúa. Đây quả là một cuộc giải phóng toàn diện chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được, hoặc những đại ngôn sứ như Môsê, Êlisê. Từ đó việc chữa lành bệnh cùi là dấu chỉ giúp nhận ra Đấng Mêsia.

4/ TÓM KẾT:

     Bài đọc 1 chỉ đề cập đến cách cư xử của xã hội đối với người bị nghi là phong hủi: phải đưa người ấy đến với tư tế để vị này xác nhận có thật là bị bệnh phong hay không. Nếu có thì tuyên bố người ấy là ô uế, phải chịu một quy chế về cách ăn mặc, lối cư xử và bị tách biệt khỏi cộng đoàn. Điều ấy nói lên số phận hẩm hiu của người bị mang chứng bệnh này. Phía con người, xã hội lẫn tôn giáo chỉ có thể công bố tình trạng đáng buồn của người ấy và thi hành quy chế chứ không làm gì hơn được để giúp đỡ. Sự bất lực này khiến việc chữa lành bệnh phong trở nên một dấu chỉ thuyết phục giúp dân Chúa nhận ra được sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa khi một bệnh nhân phong hủi được chữa lành; thời thiên sai đã tới. Đấng chữa lành là người của Thiên Chúa, và còn đi xa hơn nữa người ấy là chính Thiên Chúa. Điều này dọn đường cho Tin Mừng, giúp ta nhận ra được Đức Giêsu là ai khi Người lành cho người phong hủi và hội nhập anh ta vào cộng đoàn xã hội lẫn tôn giáo. Hơn nữa, nơi nào có Đức Giêsu thì hoang địa cũng trở thành nơi dân cư đông đúc vì Đức Giêsu chính là trung tâm qui tụ. Đó là điều mà Tin Mừng sẽ mặc khải cho chúng ta.

TIN MỪNG: Mc 1, 40-45

Văn mạch:

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật 6B Mùa Thường niên. Bài đọc Tin Mừng hôm nay tiếp ngay sau bài đọc Chúa Nhật 5B tuần trước. “Một ngày mẫu”, một ngày Sabat thật bận rộn, nhưng thành công đã trôi qua bình an. Dân Capharnaum tỏ vẻ bằng lòng, ủng hộ các hoạt động trừ quỷ, chữa lành của Đức Giêsu cho dù được làm trong ngày Sabat. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau, tức ngày thứ nhất trong tuần, có một khoảng cách giữa ước muốn của Chúa Giêsu và ước muốn của dân dần lộ ra:

– dân đến với Đức Giêsu chỉ mong được hưởng phép lạ vật chất trước mắt, dường như họ không lưu tâm gì mấy đến những lời giảng dạy của Đức Giêsu;

– Trái lại, Đức Giêsu thì lại muốn rao giảng Tin Mừng, muốn họ sám hối đón nhận Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa họ.

          Thật vậy, sau một đêm ngon giấc với giấc mơ đẹp được chữa lành. Ngay sáng hôm sau, Marco bắt đầu hé cho thấy những nét không ăn khớp nhau giữa Đức Giêsu, các môn đệ và đám đông.

          Ngày thức nhất trong tuần là ngày Thiên Chúa khởi sự công trình sáng tạo. Ngày mà Lời phát xuất từ Thiên Chúa đã hoàn tất trọn vẹn Thánh Ý Người: “Chúa phán ‘hãy có…’; tức thì có”. Vào cuối ngày Sabat, chuyển sang ngày mới “lúc chiều đến, khi mặt trời đã lặn” (1,32) thì mọi Lời của Đức Giêsu đã hoàn tất tốt đẹp.

          Marco muốn trình bày công trình cứu độ của Đức Giêsu như là một công cuộc sáng tạo mới (sẽ được thực hiện từng bước một trong suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, và cuối cùng, tấm màn che ngăn cách Thiên Chúa với dân cũng được xóa bỏ lúc Đức Giêsu gục đầu tắt thở, biểu lộ trọn vẹn vinh quang thần linh của Người: Mc 15,39). Thật vậy, sau một ngày Sabat cật lực làm việc (thay vì “nghỉ”), Đức Giêsu đã ổn định lại trật tự. Bộ mặt của Hội Đường, của nhà Simon, của thành Capharnaum, đổi mới hoàn toàn, có thể so sánh đó là một “Vườn Eden mới” đã bắt đầu hình thành:

  • Đã có Đức Giêsu, có cộng đoàn thiên sai ở giữa

  • Thần ô uế đã bị trục xuất, môi miệng dối trá lọc lừa của y cũng bị khóa lại.

  • Ngày Sabat được hồi phục ý nghĩa, thực sự là ngày giải cứu.

  • Cộng đoàn thiên sai thực thi tốt vai trò trung gian nối kết nhân loại ốm đau với Cứu Chúa của mình.

  • Nhân loại ốm liệt đã được phục hồi trở nên người phục vụ Đức Chúa và cộng đoàn

  • Ngôi nhà của môn đệ, ngôi nhà nhân loại trở nên trung tâm quy tụ, nơi những ai khốn cùng đến gặp Chúa và được chữa lành.

Như vậy, trong ngày Sabat, Đức Giêsu đang dần khôi phục lại một “Eden mới”. Vấn đề tiếp theo là môn đệ và nhân loại phải tiếp tục công việc mà Đức Giêsu đang khởi sự và đưa tới chỗ hoàn tất. Tuy nhiên phải chiến đấu cam go, vì quỷ ma vẫn còn hiện diện quấy phá (giống như “Con Rắn” đối với Ađam và Vợ trong vườn Eđen): trước khi bị trục xuất, quỷ đã la lớn tiết lộ sớm căn tính thần linh của Đức Giêsu với âm mưu ác độc lừa con người chỉ bám vào phép lạ mà bỏ quên lời giảng dạy, “giáo lý mới mẻ” và cứu thoát của Đức Giêsu. Mặc dù quỷ đã bị Đức Giêsu ngăn chặn và đuổi đi, nhưng (cũng như Eva trong St 3,6 tự mình đút đầu vào tròng) nọc độc của lời gian trá của quỷ luôn là cơn cám dỗ chết người của nhân loại, của từng người.

Và cuộc chiến thực sự đã khai mở ngay “sáng sớm (của ngày thứ nhất trong tuần) lúc trời cón tối mịt”. Đức Giêsu, các môn đệ và dân thành đều thức dậy sớm nhưng với ba hướng hoạt động hoàn toàn khác nhau. Đã có sự lệch pha, lạc điệu giữa Đức Giêsu và đám đông:

          – Đức Giêsu ngay từ giây phút đầu của ngày mới, tuần mới, đã đến với Chúa với Cha để biện phân Ý Cha, tìm cách thực thi chương trình của Cha (1,38): chủ yếu là rao giảng Lời Chúa, chứ không tìm làm thỏa mãn những nhu cầu hưởng các phép lạ mà đám dân Capharnaum chờ đợi.

          – Trái lại đám đông đi tìm Người, dù bản văn không nói rõ ra, nhưng chắc chắn chỉ là để thụ hưởng lợi lộc vật chất do các phép lạ mang đến.

          – Còn các môn đệ thì đi tìm Đức Giêsu, nhưng không để hiệp lòng cùng Người cầu nguyện mà chỉ để thông tin đám đông đang tìm Người.

          Đức Giêsu có sứ mạng phải RAO GIẢNG cho nhiều nơi, còn dân Capharnaum chỉ muốn chiếm Người làm “của riêng” họ. Thế là phải tạm chia tay, Đức Giêsu không quay lại Capharnaum gặp đám đông mà đi đến các nơi khác để rao giảng.

  • Các ngày kế tiếp, Đức Giêsu hoạt động bên ngoài Capharnaum. Nội dung hoạt động tóm lại trong Mc1,39: rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ, tiếp sau là một trình thuật chữa lành một người phong hủi (1,40-45). Các việc đó làm dân Capharnaum phật ý (cũng như dân Nadaret trong Lc 4, 16-30) nên chỉ vài ngày sau, khi Người về lại Capharnaum, dân chúng kéo đến, lại làm phép lạ, lần này chữa người bại liệt với cách chữa bệnh hơi khác, Người nói “này con, tội con được tha”, câu nói chỉ dành cho Thiên Chúa. Ở đây lại xuất hiện một tác nhân mới: “mấy kinh sư”, thế là có chuyện, bắt đầu bị chống đối (2,1-12). Tiếp đến là ơn gọi Lêvi thu thuế (2,13-4) và bữa ăn cùng với kẻ thu thuế và tội lỗi gây xung đột với các kinh sư thuộc nhóm biệt phái (2, 15-17). Ngay sau đó, Marco đặt 3 cuộc tranh luận: một về ăn chay (2,18-22) và hai tranh luận liên quan đến ngày Sabat (2,23- 3,5). Và Marco kết thúc hết sức đột ngột: nhóm Biệt phái LẬP TỨC bàn tính với phe Hêrôđê chống Đức Giêsu, để tìm cách giết Người (3,6).

Biến chuyển quá nhanh: ở chương 1, “một ngày Sabat tại Capharnaum”, Đức Giêsu làm nhiều phép lạ, không ai chống đối, Đức Giêsu lại nổi danh. Thế       nhưng chỉ một thời gian vắng mặt, quay trở lại, mọi sự đều diễn ra khác hẳn đến độ tìm giết Đức Giêsu. Yếu tố nào đã làm xoay chuyển tình huống?

  • Trong “một ngày mẫu ở Capharnaum” không có một nhóm kinh sư biệt phái vụ Luật. Đám dân hoàn toàn đón nhận hành vi giải phóng của Đức Giêsu dù diễn ra trong ngày Sabat. Lần trở lại Capharnaum, nhóm biệt phái xuất hiện nhân danh các quy chế, tập tục để bắt Đức Giêsu.

  • Yếu tố xoay chuyển tình huống có lẽ nằm nơi Đức Giêsu: Người ăn nói, làm như một vị Thiên Chúa: “này con, tội con đã được tha”, trong khi đó Người lại kêu làm môn đệ một tên thu thuế, lại còn la cà ăn uống với bọn thu thuế, dân tội lỗi. Đây quả là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa Chí Thánh, Đấng không dung túng tội lỗi. Thế nhưng trong Đức Giêsu, Thiên Chúa Chí Thánh ấy đã đến để kêu gọi kẻ tội lỗi, mở đường cứu độ cho họ. Nếu không thay đổi não trạng và tin vào Tin Mừng thì không thể đón nhận Người.

Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Đức Giêsu hoạt động bên ngoài thành Capharnaum, có vẻ như lạc lõng trong tổng thể những hoạt động ở Capharnaum: Đức Giêsu chữa lành một anh phong cùi, bảo anh giữ kín chuyện, đi trình diện tư tế để được hội nhập cộng đoàn, nhưng anh đã cao rao hồng ân lãnh nhận và Đức Giêsu không thể công khai vào thành, nhưng bù lại nơi hoang vắng lại trở thành nơi đông người đầy sức sống nhờ có Đức Giêsu ở đó. Vậy đây quả là một đoạn chuyển tiếp cần thiết: Đức Giêsu đến làm thay đổi các mối tương quan, kẻ bị loại khỏi cộng đoàn (phong cùi) lại trở thành người loan báo Đức Giêsu cho dân và họ kéo đến với Người dù Người ở trong hoang địa; Trong khi kẻ phải loan báo Đấng Mêsia (kinh sư, biệt phái) lại tìm cách giết Người. Lý do vì Đức Giêsu đến cứu tội nhân bằng con đường đến tiếp xúc với họ trong khi đó những người tự xưng đạo đức vụ Luật lại muốn loại họ, những kẻ bất hạnh ra khỏi cộng đoàn tôn giáo. Vậy nếu không đổi não trạng thì khó lòng đón nhận Đức Giêsu.

                             CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM

  1. Chữa lành bệnh phong hủi (Mc 1,40-42)

  • Thái độ bất ngờ của người bệnh

– đến gặp Đức Giêsu

– quỳ xuống xin Người chữa lành: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

  • Đáp trả của Đức Giêsu:

– chạnh lòng thương, chữa lành

– cách thức: giơ tay đụng vào anh và nói “Tôi muốn, anh hãy được sạch”

  • Kết quả tức khắc: “LẬP TỨC bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch”.

Trong bài 1, ta đã thấy quy chế dành cho bệnh phong. Ở đây người bệnh đã vượt qua quy định dám đến nơi có người ở để gặp gỡ Đức Giêsu và van xin Người. Điều này hàm ý: Đức Giêsu phải có một lòng nhân hậu, một phong cách thế nào đó đến nỗi phá vỡ được bức tường ngăn cách bao đời của xã hội và tôn giáo để lôi cuốn được người bệnh dám vượt rào đến với Người. Và Người cũng chấp nhận nét phá rào ấy khi Người cũng phá rào luôn: giơ tay đụng vào anh mà không bận tâm tới vấn đề ô uế cho mình. Đây quả là một nét “xé trời ngự xuống” trong đời sống cụ thể.

          “Nếu Ngài muốn”: Cách nói biểu hiện lòng phó thác tuyệt đối. Tất cả tuỳ thuộc vào ý muốn của Đức Giêsu. Không đòi hỏi, không đặt điều kiện cho Thiên Chúa. Hàm ý chấp nhận thân phận mình như tội nhân- theo cái nhìn Cựu Ước, giống như Đức Giêsu cũng vui lòng chịu phép rửa- do đó chỉ còn một hy vọng duy nhất: lòng xót thương của Thiên Chúa.

          …cho tôi được sạch”: ngôn từ liên quan tới tha tội, thanh tẩy hơn là chữa lành thể lý. Chi tiết này dọn đường cho 2,5-7 hàm ý Đức Giêsu là Thiên Chúa. Thật vậy, cách thức chữa lành được Marcô mô tả bằng những nét kín đáo cho thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa.

          – Chạnh lòng thương: SPLAGKHNIZOMAI có nghĩa là “xúc động, rung động đến tận đáy lòng” do danh từ SPLAGNON LÀ “lòng dạ”, “trái tim”, “tình cảm thâm sâu”. Động từ này chỉ dành riêng cho Đức Giêsu, trừ một trường hợp gán cho người cha trong dụ ngôn Lc 15,11-32 vì ông là hình bóng của thiên phụ, xúc động trước nỗi khốn cùng của đứa con lầm lạc dại khờ. Trong Cựu Ước, “xin Chúa chạn lòng thương” là nét đặc trưng của lời khấn cầu chỉ dâng lên Thiên Chúa mà thôi (1V 8,50; Tv 4,2; 6,3; 9,14…79,8; 106,45…)

          – Lệnh truyền ra, kết quả có LẬP TỨC.

Tuy nhiên những nét thần linh ấy được ẩn bên trong một con người rất cụ thể gần gũi, có lòng thương đối với kẻ bất hạnh, không kỳ thị loại trừ, không sợ mình bị ra ô uế: Đức Giêsu đưa tay ra đụng vào anh và chữa lành. Tưởng đâu Đức Giêsu ra ô uế, hoá ra người phong hủi lại nên lành sạch. Dấu chỉ thiên sai đã xuất hiện.

          Tóm lại, qua phép lạ chữa lành này, một lần nữa Marcô giới thiệu nét chính của Tin Mừng thứ hai: Con người Đức Giêsu đầy lân ái chính là Đấng Mêsia và là Thiên Chúa. Chính qua nhận định của Người, mà nhân loại hưởng dồi dào hồng ân thần tính được tiếp cận với Thiên Chúa.

  1. Phản ứng lạ lùng của Đức Giêsu (Mc 1, 43 – 44).

* Nghiêm giọng đuổi anh đi ngay

* Ra lệnh truyền mâu thuẫn:

– Đừng nói gì với ai

– Đi trình diện tư tế, tiến dâng lễ vật theo luật Môsê để làm chứng cho người ta biết anh đã sạch bệnh.

          Nếu để anh phong được lành đi theo mình thì mọi chuyện sẽ lộ hết, nên Đức Giê-su đuổi anh đi ngay và ra lệnh đừng nói với ai cả. Khi mầu nhiệm thập giá chưa được tỏ lộ thì bí mật thiên sai phải được giữ kín, đó là nét thần học độc đáo của Maccô: Thật vậy trong trình thuật Đức Giê-su  chịu phép rửa, cảnh thần hiện được Macco trình bày là riêng cho Đức Giêsu mà thôi: Thần ô uế biết Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa nên la lên liền bị cấm…Tất cả là vì sứ mạng của Người: Chỉ có thập giá mới là tác nhân trung thực mạc khải trung người Người là ai (15,39): nếu để thiên hạ biết Người là Đấng Mêsia  trước khi cái chết mạc khải bản chất đích thực của sứ mệnh Người tức là đã mắc vào cạm bẫy của ma quỷ nhằm thúc đẩy người Do Thái lẫn lộn vương quốc Thiên Chúa với một vương quốc trần gian.

          Thế thì tại sao Đức Giêsu lại chữa lành một căn bệnh mang dấu ấn thiên sai, rồi còn bảo anh cùi đi trình diện tư tư tế (một vị là đủ), rồi dâng lễ vật minh chứng lành bệnh để họ (người ta, số nhiều ám chỉ toàn thể giai cấp tư tế) biết anh lành bệnh.

          Trước tiên, việc bảo mật thiên sai chỉ thực sự cần khi việc tiết lộ sớm căn tính Đức Giê-su gây nên trào lưu Mêsia thế tục, duy quốc gia chủ nghĩa; còn nếu việc biết Đức Giê-su đưa dân Chúa đi vào truyền thống của lịch sử cứu độ thì không có  gì phải che giấu. Vậy Đức Giê-su muốn đi con đường truyền thống bình thường: Người đến không phải để phá Luật, mà để hoàn chỉnh bằng cách sử dụng Luật để giúp viêch chữa lành được nên hoàn thiện hơn:

Nhờ thi hành Luật – theo lệnh Đức Giê-su – mà người bệnh nay đã lành, được hội nhập vào lại cộng đoàn dân Chúa.

Riêng với giới tư tế: họ phải là người hướng dẫn dân nhận ra Chúa khi Người đến; Do đó có lẽ khi bảo anh phong cùi đến trình diện tư tế (một vị) và cho họ (giới tư tế) biết, Đức Giê-su kín đáo gởi cho họ một thông điệp: thời thiên sai tới rồi, và Đấng Thiên Sai chính là Đức Giêsu. Nếu giới tư tế nhận ra được thông điệp, và bằng truyền thống họ giúp dân nhận ra Đức Giêsu là Mêsia thì quá tốt. Tiếc thay điều đó đã không diễn ra vì vậy con đường thập giá của Đức Giêsu là không tránh khỏi.

  1. Kết quả cuối cùng (Mc 1, 45)

* Niềm vui được lành bệnh: “… tung tin khắp nơi”

* Hậu quả: Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, phải ở nơi hoang vắng nhưng người ta vẫn kéo đến với Người.

           Anh phong không vâng lời, không giữ kín, không đi trình diện tư tế. Anh loan tin mừng anh vừa lãnh nhận. Niềm vui quá lớn không thể giữ riêng cho mình; vả lại một chuyện lớn như vậy làm sao giữ kín. Kết quả là Đức Giê-su không thể vào thành được cách công khai vì đám đông sẽ đến với Người, hy vọng được hưởng lợi như trong Ga 4, 15; 6, 26. Đó là điều Đức Giê-su không muốn. Tuy nhiên Đức Giê-su vẫn không từ chối người ta đến với Người, vì đó là sứ vụ của Người. Vấn đề là làm sao giúp người ta hiểu được con đường thiên sai đích thực! Thập Giá chính là câu trả lời.

  1. TÓM KẾT

          Trước nỗi khốn cùng của anh cùi, Đức Giê-su đã làm phép lạ cho dù bí mật thiên sai của Người có thể bị bại lộ. Qua phép lạ này, Đức Giê-su muốn gởi tới đám đông, đặc biệt giới tư tế một sứ điệp dò đường: Thời thiên sai tới rồi, tuy nhiên đây là thời thiên sai cứu độ của Thiên Chúa, chứ không phải là thiên sai thế tục. Sự căng thẳng giữa hai nhãn giới về thiên sai đã khiến Đức Giêsu gặp lắm khó khăn trong sứ vụ và dẫn đến cái chết của Người. Vậy trước sứ điệp của Đức Giê-su, chúng ta đáp trả lại thế nào? Thời điểm thiên sai tới rồi, ta có thể thay đổi não trạng để hội nhập vào cộng đoàn mới của Người.

          Bệnh cùi thể xác ngày nay không còn là bệnh nan y nữa. Tuy nhiên cùi tinh thần, cùi thiêng liêng vẫn là nguy cơ cho con người, cô lập con người với nhau. Chỉ khi can đảm nhìn nhận thực trạng của mình và đến với Đức Giê-su trong tin tưởng phó thác: “ Nếu Ngài muốn…” thì chúng ta mới được chữa lành, được hội nhập vào cộng đoàn thiên sai.

Frère Pierre Đình Long FSC