Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 11 ngày 23

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Công trình của Thiên Chúa khởi đầu tại Bê-lem, bị thử thách ở Na-da-rét, và đơm bông kết trái dưới bóng của Thập giá trên đồi  Gôn-gô- tha.” [Gửi cho cha Arthur Dhe, tháng 11/1866]

Trong khi trật tự mà cha Eymard đề ra trong lời trích dẫn trên kéo theo trình tự thời gian trải dài trong đời sống của một con người, nó cũng cho thấy ba giai đoạn khác nhau của sự trưởng thành. Mỗi  khi  một  công  việc mới hay một việc làm khó khăn bắt đầu, thì nó thường khởi đầu với một sự thịnh vượng. Có một loạt hành động ập đến và mọi  thứ dường như diễn ra suông sẻ… nó tiến về phía trước với một hứa hẹn to lớn. Những người tham gia thì đều hăng hái và chăm chỉ để nhắm đến những mục tiêu và mục đích của công việc. Điều này giống như Bê-lem trong cuộc đời của Đức Giê-su, các thiên thần ca hát và các mục đồng sấp mình thờ lạy! Đây chính là giai đoạn vui mừng tột cùng và hành động tích cực. Điều này cũng đúng với đời sống cầu nguyện mà người ta thực hiện trong giai đoạn đầu tiên này. Đó là một trong số những niềm an ủi cũng như những ân huệ mà Chúa tuôn đổ trên ứng sinh.

Nhưng ngay lập tức sẽ đến giai đoạn mà tất cả ‘những độ cao’ này sẽ dần dần tụt dốc và theo lẽ thường thì dường như khựng lại. Sự say mê ban đầu dường như giảm dần và những  công việc cực nhọc và nhàm chán hằng ngày dần dần phát triển. Trong việc cầu nguyện, đây là giai đoạn khô khan khi việc đi đến để cầu nguyện là một nỗ lực rất lớn. Vô số những khó khăn và thử thách phải gặp trong suốt giai đoạn này và nếu đức tin của người ta không mạnh (và hằng được tăng sức sau này) thì người ta sẽ từ bỏ và buông xuôi dự án này. Điều này được ví với cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Trong suốt thời gian này, Người bị những người Pha-ri-sêu và những người khác thách thức, họ thường thử thách Người và thậm chí là một vài người khác còn khước từ Người! Đức tin và lòng trung tín với cam kết của con người là những nhân đức quan trọng cần phải có trong suốt giai đoạn này.

Trong khi lý trí muốn có một giai đoạn tươi sáng diễn ra tiếp theo giai đoạn khô khan này, thì điều luôn luôn xảy ra đó là Na-da-rét mở ra để hướng đến Giệt-si-ma-ni cũng như Thập giá trên đồi Can-vê. Chính trong giai đoạn này mà người ta bị đòi hỏi phải hy sinh Cái Tôi của mình ở mức cao nhất, một cuộc sống hoàn toàn ‘chết đi cho Cái Tôi’ để sự sống đối với công trình của Thiên Chúa được trổ bông. Thập giá có thể nhiều hay ít đau khổ, cũng như là phải chết đi nhiều hay ít, thế nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng Can-vê được tiếp nối bằng vinh quang của Sự Phục Sinh. Thật đáng lưu ý là đấu mà chúng ta chia sẻ qua cái chết của Đức Ki-tô chính là đấu mà chúng ta cũng được chia sẻ trong vinh quang phục sinh của Người. Điều này có thể hiểu dễ dàng qua một ví dụ đơn giản. Nếu một cái ly được đổ đầy nước tới miệng và rồi người ta đổ dầu vào đó, bấy giờ không quan trọng là chúng ta đã đổ dầu trên mặt nước nhiều đến mức nào, nhưng tất cả sẽ tràn ra ngoài, không có gì được đổ vào ly nữa vì  ly đã đầy rồi.

Nhưng nếu chúng ta đổ hết lượng nước khỏi cái ly, thì nó cũng chỉ có thể chứa được một lượng dầu ngang bằng như vậy… Người ta càng đổ nước khỏi ly, thì người ta lại càng có thể đổ dầu vào ly như vậy. Cũng thế, chúng ta càng loại bỏ Cái Tôi khỏi mình, chúng ta sẽ càng có thể chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta lưu ý đến hình thức này (được gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua) không chỉ nơi những biến cố, nhưng còn trong cuộc sống của con người, đặc biệt những người đang tìm kiếm để bước theo Đức Ki-tô. Đây chính là kiểu mẫu về chính cuộc đời của Đức Giê-su, và đó cũng sẽ là kiểu mẫu trong cuộc đời chúng ta.