SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV A MÙA CHAY

“Người là một vị ngôn sứ”…Người ấy có phải là kẻ tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được…Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,17.25.38).

          Chúa Nhật IV Mùa Chay luôn là Chúa Nhật vui. Tuy nhiên niềm vui thì đa dạng và phong phú. Vậy niềm vui của Mùa Chay là niềm vui nào? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một câu đáp. Đó là niềm vui giả từ cuộc sống tối tăm để đi vào cuộc sống đầy ánh sáng của Thiên Chúa (Tin Mừng); đó là niềm vui được trở thành ánh sáng (Ep 5,8 bài đọc hai); đó là niềm vui được ánh sáng Chúa soi dẫn để nhận chân đúng bản chất sự vật, nhờ đó hoàn tất được sứ mạng Chúa đã trao (bài đọc một). Đó là niềm vui trong Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa, đưa chúng ta đi vào trong ánh sáng của Chúa, trở thành ánh sáng của Chúa và trở nên chứng nhân của Chúa, hoàn tất sứ mạng Chúa đã trao.

          Tin Mừng hôm nay thuật lại dấu lạ Đức Giêsu làm cho một anh mù từ thuở mới sinh. Đức Giêsu đã yêu thương anh, muốn biến anh nên công cụ để “thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3b). Người đã đi bước trước đến với anh, tự động cứu chữa anh dù anh không hề dám xin. Ánh sáng, tình yêu của Đức Giêsu đã “xóa mù” cho anh: xóa mù con mắt xác thịt và xóa mù luôn về linh hồn. Anh đã không phụ lòng Đức Giêsu: anh được sáng sau khi tin làm theo lệnh Đức Giêsu (câu 7b), rồi anh trở thành ánh sáng giúp mọi người biết Đức Giêsu, kể cả dám “làm thầy” các người Pharisêu (câu 33); Sau cùng khi anh can đảm cắt đứt hoàn toàn với các tay sai của bóng tối – chấp nhận bị đuổi khỏi hội đường – thì anh đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu, nhận Người là “ Con Người” (cau 35-38) tức là Đấng được Thiên Chúa trao cho toàn quyền trên trời dưới đất (x.Đn 7,13-14).

          Qua dấu lạ này, Đức Giêsu không chỉ cứu một mình anh mù, Người còn cứu cả các môn đệ của Người, và qua họ Người còn cứu cả một xã hội lẫn tôn giáo Do Thái còn chìm trong một quan niệm bất toàn của cách hiểu về luật nhân quả tức thời. Thật vậy, khi vừa nhìn thấy anh mù thì các môn đệ của Đức Giêsu đã bộc lộ ngay cái nhìn sai lạc về nhân quả của thời đại đó: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, khiến anh ta sinh ra đã bị mù? (c.2). Đức Giêsu có một cái nhìn khác với truyền thống của người Do Thái (x.Ed 18,20; Xh 20,5). Thực ra, Đức Giêsu  cũng nhìn nhận rằng tội là nguyên nhân của những sự dữ mà con người phải chịu (x.Ga 5,14). Tuy nhiên Người không liên kết chúng theo lối nhân quả ngay tức thời, sòng phẳng để rồi cứ thế mà độc đoán kết án tha nhân như trường hợp ba người bạn của ông Gióp trong sách Gióp. Trái lại người xem điều bất hạnh đó là một tai họa mà chính Người – và sau này là môn đệ Người – phải chiến thắng, diệt trừ để giải cứu nhân loại bất hạnh, đồng thời giúp mọi người nhận ra công cuộc mà Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại này. Do đó, thay vì kết tội anh mù theo thành kiến xã hội, Đức Giêsu ra tay giải cứu anh ta và qua đó đưa anh ta và mọi người vào ánh sáng của Thiên Chúa.

          Tiếc thay, ngoài anh mù, tất cả các nhân vật có mặt trong trình thuật này đều không hưởng nhận được ánh sáng, niềm vui mà Đức Giêsu mang tới. Họ vẫn tiếp tục “mù” vì bị tác động của nhiều yếu tố mà họ chưa vượt qua được:

  1. Trước tiên là các môn đệ: họ chỉ xuất hiện ở đầu câu chuyện, sau đó họ biến mất. Câu hỏi mà họ đặt ra cho Đức Giêsu “…ai đã phạm tội…” rõ ràng cho thấy họ bị “nhốt” trong phạm trù luân lý “tội của ai?”; Do đó mầu nhiệm Đức Giêsu tỏ mình là ánh sáng, họ không có vị trí để tham dự. Bản văn đã để họ qua một bên.

  2. Những người láng giềng đã từng quen biết anh mù (9,8-13): họ chỉ dừng lại ở trên sự kiện: ngạc nhiên, tò mò, chất vấn, tranh cải…kể cả “điều tra” trực tiếp anh mù (9,10-12). Và khi không moi được tin tức gì thêm, thay vì nhận ra đó là dấu lạ và ca khen Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu (x.Ga 2,11;4,53;Mc 2,12…) thì họ lại kéo anh mù đến gặp những người Pharisêu (câu 13). Ánh sáng, niềm vui của Đức Giêsu chưa thâm nhập được vào tâm hồn họ.

  3. Còn những người Do Thái chưa biết anh mù thì họ không tin có một phép lạ vĩ đại như vậy, nên họ đã điều tra đến tận gốc, họ truy vấn đến cha mẹ anh mù kiểm xem anh có thực là mù từ mới sinh hay không? Như vậy dấu lạ chẳng những không đem lại cho họ niềm vui mà trái lại còn là cớ vấp phạm đối với họ, trở thành yếu tố phơi bày ra bộ mặt cứng tin của họ.

  4. Cha mẹ anh mù cũng không hưởng trọn được niềm vui thấy con mình được sáng mắt, không dám nhận Đức Giêsu là Ánh Sáng vì sợ bị người Do Thái trục xuất khỏi hội đường nếu cả gan dám tôn vinh Đức Giêsu (x.Ga 9,22). Sự sợ hãi, sự bám víu vào sự an toàn đang có…luôn là một nguy cơ ngăn cản kẻ yếu tin đi vào được trong mối tương quan thân tình với Chúa. Họ không chung vui được với con của mình.

  5. Và chóp đỉnh của “đêm đen” chính là các biệt phái. Thực ra nhóm này đứng trước dấu lạ cũng chia là hai phe:

  • Một phe vụ luật: không chịu nhìn vào dấu lạ, mà chỉ lo soi mói, kết án vì phép lạ đã xảy ra trong ngày sabat. Đức Giêsu là tội phạm!

  • Phe khác chân thật hơn: nhìn vào dấu lạ để lập luận “một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Phe này không kết án Đức Giêsu nhưng vẫn chưa vượt qua được rào cản của vụ luật nên cũng chưa đón nhận được niềm vui và ánh sáng do Đức Giêsu mang tới làm của mình.

          Đỉnh cao của chống đối không chỉ nhắm vào Đức Giêsu mà còn giáng xuống trên tất cả những ai tin vào Đức Giêsu: họ bị loại khỏi hội đường (x.Ga 9,22).

          Cuối cùng chỉ còn mỗi anh mù là hưởng trọn niềm vui. Tuy nhiên anh phải CHIẾN ĐẤU:

  • Với bản thân để tin vào lời Đức Giêsu mò mẫm đi đến ao Siloac rửa vết bùn trên mắt.

  • Với dư luận để xác nhận mình chính là người mù, nhưng nay đã được chữa lành nhờ Đức Giêsu.

  • Với thế lực của nhóm Pharisêu, với các tập tục, thói vụ luật của người Do Thái để can đảm tôn vinh Đức Giêsu là Ngôn Sứ, là người của Thiên Chúa dù chưa thấy Người tận mắt.

  • Với nỗi sợ hãi bị lọai khỏi hội đường để giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu, làm chứng cho Người. Và khi được thấy Đức Giêsu tận mắt, anh đã tin Người là CON NGƯỜI và thờ lạy Người.

          Niềm vui đích thực của anh là được thấy tận mắt và Tin Đức Giêsu. Anh không tranh luận! Anh chỉ nói lên niềm vui mà Đức Giêsu mang đến cho anh “ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù. Mà nay tôi nhìn thấy” (9,25). Anh đã được chữa khỏi mù cả xác lẫn hồn. Còn đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Niềm vui của tôi là niềm vui nào?

Frère Pierre Đình Long FSC