Núi TaBo – Núi Sọ

NÚI TABO – NÚI SỌ

Tám ngày cuối tháng hai vừa qua, Tôi được Thầy dắt lên Núi với Thầy, suốt ngày cứ leo lên lại trèo xuống, ở đó tôi đã có biết bao cảm nghiệm về Thầy, về cuộc đời, đúng là một cuộc hẹn tràn đầy thú vị, một cảm nghiệm về vị ngọt của tình yêu. Hôm nay Thầy lại kéo tôi lên Núi với Thầy, nhưng không giống như cuộc lên núi hôm trước, tôi không phải leo lên leo xuống, nhưng là phải lấy hết sức mình cố từng giờ, từng giây, từng phút, ở đây Thầy cho tôi cảm nếm vị đắng của tình yêu. Tôi hình dung cuộc lên núi lần trước là lên Núi Tabo, còn cuộc lên núi lần này là lên Núi Sọ.

Núi Tabo thơ mộng, rộng thênh thang. Sáng có sương mù, trưa vương vạt nắng nhẹ. Gió lao xao, hàng thông trên cao vẫy gọi, từng đàn cá dưới hồ thi nhau múa lượn. Tiếng thác reo, róc rách, ào ào, khiến nhiều người tò mò muốn khám phá. Bầu khí luôn tươi mát, trong lành và thánh thiện…

 Còn núi Sọ thì ngược lại: bầu khí như chùng hẳn lại, hoa lá cỏ cây hôm nay cũng như nhuốm màu buồn thảm. Khi biết Cô Vi đã ghé thăm cộng đoàn, sự sợ hãi, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt mọi người, cùng với sự xa cách dần dần, những con người mới mấy phút trước đây còn gần gũi thân thương cười nói, giờ đây lẩn tránh nhau để khỏi bị lây nhiễm. Thay vào bầu khí vui tươi ồn ào là một sự im lặng ngột ngạt.

Trên Núi Tabo cảm thấy lòng mình bình an, thanh thoát, mỗi ngày với ba đề tài cầu nguyện thật dồi dào phong phú. Mỗi phút giây trôi qua là những khám phá mới, những cảm nghiệm ân tình: Chúa, Tôi hoà nên một.

Trên Núi Sọ, cảm thấy lòng mình day dứt khuôn nguôi, mỗi sáng mỗi tin chẳng lành: nay thêm chị này bị nhiễm, lát nữa lại một cô giáo bị rồi, chiều lại thêm em kia bị sốt, bị cách ly. Tiếng các bé ho, sốt khóc ré, tiếng ho sù sụ của chính mình cũng như của chị này chị kia càng làm cho lòng tôi thêm đắng đót. Mỗi sáng tôi chỉ đứng nhìn xa xa bóng dáng những em bé còn khoẻ mạnh tung tăng, trên miệng bịt một chiếc khẩu trang mà lòng xót xa tự hỏi: Chúa ơi! hôm nay nó vui cười đó rồi mai nó sẽ ra sao? nó đâu biết rằng có biết bao nguy hiểm của dịch bệnh đang rình rập!? bầu trời nắng gay gắt khiến cây cối trong vườn bao ngày tháng chăm sóc nay cứ vàng dần, héo dần, gục đầu vì không còn người tưới tắm. Còn ít người khoẻ nên các chị phải tất bật phục vụ, cơm cháo, thuốc men cho chị em nhiễm bệnh, đặc biệt chăm sóc những cháu bé mới vất vả biết bao, nấu nước sả gừng cho các cháu xông, rồi tắm rửa cho chúng, thật tội nghiệp các chị.

Trên Núi Tabo dù không có tiếng kinh cầu to nhỏ, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp vì những cuộc gặp gỡ thật thầm lặng và sâu lắng, vinh quang Thầy luôn rực rỡ trong tim những con người rất riêng tư với Ngài.

Trên Núi Sọ, chỉ thấy u sầu và buồn bã, chết chóc và khổ đau. Mấy bữa nay tôi thèm thuồng những giờ kinh của cộng đoàn, tôi không được đến nhà nguyện, chỉ ngồi nhà bên này hướng qua của sổ để thông công với chị em, và mỗi ngày nghe tiếng kinh cũng thưa dần, nhỏ dần vì bớt đi người đọc và có thêm chị phải cách ly…Mọi khi cộng đoàn luôn có thánh lễ hằng ngày thật ấm cúng và tràn đầy ân phúc, thì những ngày này không có thánh lễ nữa, ai chưa bị nhiễm thì đi lễ ngoài giáo xứ, thật buồn! Tại phòng cách ly này tôi cảm nhận được nỗi cô đơn và sự thiếu thốn của những con người nhiễm bệnh, sự đau đớn nơi thân xác và sự khao khát dày vò nơi tâm hồn. Phải cố gắng nuốt từng miếng cơm, phải oằn mình với những cơn ho rúm người, phải nhắm mắt nuốt từng chút nước miếng với sự đau xé nơi cuống họng, cái đầu cứ tưng tưng vì cả ngày cả đêm không chợp mắt. Tôi nhìn lên Thầy trên tập giá, Thầy cũng đang oằn mình đau đớn, Thầy đang cố rướn mình thở từng hơi thở nhỏ nhoi, đứt đoạn, từng phút, từng giây, trái tim Thầy tê tái và như muốn nổ tung vì nó đầy ắp yêu thương. Thầy đang âu yếm nhìn tôi mỉm cười cà nói: “cố lên con”. Tôi có thêm sức mạnh từ Thầy để chống chọi, chiến đấu với dịch bệnh và với yếu đuối của chính bản thân.

Chẳng biết nguồn lây từ đâu, và lây nhiễm từ bao giờ, chẳng biết ai bị ai không để mà tránh né. Rồi có biết bao câu hỏi hiện lên trong tâm trí tôi: Bao giờ mọi sự mới trở lại bình thường? bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt? bao giờ cộng đoàn mới có thánh lễ trở lại? bao giờ con người mới hết đau khổ? Bao giờ con người mới được sống trong “tự do” và bình an? Chỉ vì một con vi khuẩn bé tí, chẳng ai có thể nhìn thấy nó, thế mà nó đã làm đảo điên cuộc sống của con người. Nền kinh tế trên toàn thế giới xuống dốc trầm trọng, nhiều công ty xí nghiệm phá sản, biết bao nhiêu người lúc ra đi còn là một người phương phi béo tốt, lúc trở về chỉ còn là hũ tro bất động. biết bao em bé phải sống cảnh mồ côi không nơi nương tựa. Khi ba môn đệ yêu dấu được diện kính dung nhan Thầy trên núi thánh, các ông tràn đầy hạnh phúc và muốn được kéo dài vinh quang ngọt ngào ấy trong cuộc đời. Nhưng khi đối diện với thực tế phũ phàng qua cái chết nhục nhã của Thầy, các ông đã không thể chấp nhận được sự thật ấy. Con người là như thế, chẳng ai muốn đau khổ, ai cũng muốn chạy trốn nó, và tránh xa nó. Nhưng thực tế trong cuộc đời, đau khổ lại luôn gắn liền với con người. Phải chi Chúa thích để con người đau khổ? Và Ngài vui thích khi thấy con người đau khổ? Không, đau khổ là do chính con người gây ra, chứ Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ, nhưng Ngài muốn con người đón nhận đau khổ với một tình yêu phó thác cậy trông. “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Chính vì yêu con người, mà Ngài đã gánh lấy tội lỗi và khổ đau của con người, Ngài ôm lấy khổ đau và đưa lên đóng đinh nó nơi thập giá, để qua đau khổ con người mới đạt được vinh quang. Như thế ta đâu phải chịu đau khổ một mình, mà chính Chúa cùng chịu với ta.

Tôi đang sống trong thời đại chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ. Nỗi sợ hãi cứ ám ảnh con người cả đêm cũng như ngày: sợ nghèo đói, sợ mất việc làm, sợ thua kém bạn bè, sợ bị lừa dối, sợ nói sự thật và sợ sống sự thật, sợ người lạ, và sợ cả người thân, sợ không nuôi dạy được con cái, sợ khó, sợ khổ… Chính vì thế mà mỗi ngày có biết bao sinh linh bé bỏng phải chết oan và con người sống không còn niềm tin và niềm hy vọng nữa, hồi hộp, lo âu, bất an, đi vội, sống vội, ăn vội, ngủ vội, làm việc cũng vội. Con người đua nhau đi tìm hạnh phúc mà tìm không ra, bởi vì con người không còn niềm tin vào Thiên Chúa, muốn bá chủ mọi loài, muốn tự khẳng định sức mạnh của mình là trên hết, họ tìm hạnh phúc ở ngoài Thiên Chúa nên không thể đạt đến hạnh phúc đích thực, từ đó có biết bao hệ luỵ kéo theo như: tranh giành, gian lận, trộm cắp, bạo động, chiến tranh, giết người, tự tử…Mở mắt ra là nghe toàn những tin chẳng tốt lành. Sống giữa một thế giới như thế tôi phải làm gì? Phải sống thế nào để trở nên chứng nhân của Tin Mừng? Trong khi Lời Chúa luôn vang vọng và mời gọi tôi: “chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13-14). Muối và ánh sáng là hai thứ rất cần thiết cho cuộc sống con người. Nhưng muối mà nhạt thì lấy gì ướp cho mặn lại? Nó sẽ trở thành vô dụng. Ánh sáng mà trở thành bóng tối thì tối biết chừng nào?! Đặc biệt sứ điệp mùa chay cũng nhắc nhở tôi: “hãy sám hối trở về với Chúa: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí”, “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Càng suy gẫm tôi càng cảm thấy day dứt: tôi đang là một người nhiễm bệnh, phải cách ly mọi người, tôi trở thành muối và ánh sáng thế nào đây? Tôi ăn chay làm sao đang khi tôi cần phải ăn uống cho có sức để vượt qua con dịch này? Tôi cầu nguyện thế nào trong khi lòng tôi cứ rối bời lên mọi chuyện? tôi làm phúc bố thí cho ai đang khi tôi thiếu thốn nhiều thứ? Tôi nên hoàn thiện thế nào được đang khi tôi thấy mình đầy những yếu đuối bất toàn?! “ Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nưới Trời” (Mt 18, 3).

Chợt tôi bừng tỉnh: Ồ! Từ hồi nào tới giờ tôi toàn là nhìn vào tôi với vẻ bi quan. Nếu tôi cứ dừng ở đây, tôi có hai nguy cơ: một là tôi thấy mình đạo đức, cũng hy sinh, cũng cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa…Tôi sẽ kiêu ngạo. Hai là tôi thấy mình đau khổ nhiều, tôi bị, tôi chịu, tôi đâm ra phàn nàn kêu trách. Cả hai điều này đều không phải ý Thầy muốn nơi tôi. Chỉ có một cách duy nhất là nhìn lên Thầy, và học nơi Thầy (Mt 11, 28-30). Phải vào sa mạc với Thầy, suốt bốn mươi ngày chay tịnh, Thầy luôn sống với Cha, và trong Cha Thầy Thầy không tìm ý mình, mà Thầy tìm thấy rõ ý Cha như lương thực nuôi sống Thầy, để thi hành trong suốt cuộc đời Thầy (Ga 4, 34). Trong suốt ba năm Thầy rong ruổi không biết mệt mỏi rao giảng Nước Trời và chữa lành bệnh tật. Nơi phòng tiệc ly, Thầy đã hạ mình cúi xuống rửa chân cho môn đệ (Ga 13, 4-5). Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với con người cho đến tận thế (Lc 22, 19-20). Trong Vườn Dầu, Thầy của tôi cũng day dứt nhiều chuyện để hoàn tất chương trình và thánh ý Chúa Cha. Thầy thể hiện tính chất rất người, cần có người bầu bạn, cần có người sẻ chia: “ tâm hồn Thầy buồn đến chết được, anh em ở lại đây mà chanh thức với Thầy” (Mt 26, 38). “ Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời. Nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 2639). Nhưng Thầy không dừng lại ở buồn tủi, hay xua đuổi đau khỏ rời xa khỏi minh, mà Thầy đón lấy như một món quà Cha trao tặng: Ngài tiến ra trao nộp cho người ta bắt đem đi hành hình (Ga 18, 4). Trên đường lên núi Sọ, chính Thầy vác thập giá ra đi (Ga 19, 17). Thầy kiên tâm chịu đựng với những bước chân xiêu vẹo mà không ca thán, không trách móc, không rên la, “như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông…” (Is 53, 7). Đến núi Sọ, họ đóng đinh Người vào thận giá (Lc 23, 33). Thầy sẵn sàng đón nhận tất cả những sỉ nhục phỉ báng: dân chúng thì đứng nhìn, các thủ lãnh buông lời nhạo báng, lính tráng thì chế diễu (Lc 23, 35-38). Tất cả vì yêu, yêu đến điên cuồng. Ngài tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả, trao ban đến tận tuyệt: (Ga 19, 34), để ý Cha được thành tựu: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ những kẻ khôn ngoan, những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã dùng để hạ nhục những kẻ hùng mạnh (1 Cr 1, 27). Vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể (Lc 1, 37). Sự im lặng đau thương đến tận cùng ấy đã là lời chứng hùng hồn: “quả thật ông này là Con Thiên Chúa (Mt 27, 54).

Thầy bảo tôi: con hãy đi và hãy làm như vậy (Lc 10, 37). Đó là bài học đắt giá và là sứ mạng của tôi trong thời gian này và trong suốt cả cuộc đời tôi. Nhưng Thầy nhắn nhủ tôi: “ơn của Thầy đã đủ cho con” (2 Cr 12, 9).

Ly Ly