MỘT ĐỜI SỐNG ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH BỞI THÁNH THỂ-THEO CHA EYMARD

THƯ GỬI CÁC CỘNG ĐOÀN
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 40 NĂM PHONG THÁNH
THÁNH PHÊRÔ GIULIANÔ EYMARD ĐẤNG SÁNG LẬP CỦA CHÚNG TA
1962 – 9 tháng 12 – 2002

Anh em thân mến, tôi xin gửi lời chào đến toàn thể anh em.

Khi gần như đã hoàn tất chuyến kinh lý đầu tiên của mình đến toàn thể Hội dòng, thì giờ đây tôi có thể trò chuyện cùng anh em, với xác tín rằng tôi đã hiểu anh em hơn, và nhận thấy là anh em cũng hiểu tôi hơn. Chính lý do duy nhất này- và cần phải mất một thời gian nữa để biết thêm về sức sống của gia đình tu sĩ chúng ta- cho thấy sự cách biệt giữa chuyến kinh lý này với lá thư đầu tiên của tôi.

Dịp viết thư cho anh em chính là dịp mừng kỷ niệm 40 năm phong thánh cho thánh Phêrô Giulianô Eymard, Đấng Sáng Lập của chúng ta. Đây là một ngày đáng nhớ. Dịp này giúp tôi có cơ hội để chia sẻ với anh em một vài suy tư mà tôi đã chia sẻ với Hội đồng Tổng quyền.

  • – SỰ THÁNH THIỆN TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Trong cuộc gặp gỡ mang tính quyết định với cha Favre tại Lyon vào ngày 22 tháng 4 năm 1856, để trả lời cho câu hỏi: “Nhưng, cha dựa vào niềm xác tín nào của cha vậy? Đâu là những bằng chứng thiêng liêng liên quan đến ơn gọi mới của cha?”, cha Eymard đáp: “Con không nhận được những phép lạ, cũng chẳng có những thị kiến, hay bất kỳ điều phi thường bề ngoài nào. Thiên Chúa đang ra sức lôi kéo con đến Công cuộc này, nhất là trong hai năm qua”.1

Cuộc đời của cha Eymard không được đánh dấu bởi những biến cố phi thường, những dấu chứng quả cảm, những chuyến hành trình phiêu lưu, những phép lạ hay những dấu chỉ lạ kỳ. Cha cũng không để lại cho chúng ta quyển sách nào, hay những khảo luận có tầm ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, cuộc đời cha lại chính là một phép lạ cả thể, một công trình kỳ diệu của Thần Khí, là Đấng đã biến đổi cha thành một “ký ức sống động” về cuộc đời của Đức Ki-tô. Đây là một cuộc đời của những khởi đầu bình dị, nhưng lại được lan tỏa nhờ một tặng phẩm lớn lao: “Ân huệ vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi, đó là niềm tin sống động vào Bí tích Thánh Thể ngay từ thuở nhỏ”.2

Khởi đi từ ân huệ này, cha đã trở thành một người khởi xướng cho một linh đạo tuy đơn sơ, nhưng đáng tin cậy và có thể áp dụng cho hết thảy mọi người; một linh đạo đặt nền tảng trên tâm điểm sự sống của Giáo hội, đó là: Thánh Thể. Chính vì thế, cha vẫn mãi là một vị ngôn sứ và là một bậc thầy về đường thiêng liêng không chỉ cho thời đại mình, nhưng còn cả thời đại chúng ta nữa.

Dĩ nhiên, cha Eymard dùng ngôn ngữ của thời đại mình và trình bày những lối tiếp cận thần học của thời đại mình, thế nhưng sứ điệp của cha có tầm quan trọng đáng kể; đó là một sứ điệp được viết bằng chính cuộc đời của cha và chúng ta có thể đọc sứ điệp ấy qua việc quy chiếu đến những trải nghiệm mà cha đã sống. Thế nên, với chúng ta, cha vẫn mãi là một người dẫn đường giàu kinh nghiệm về một Linh đạo Thánh Thể, về một đời sống được định hình nhờ Thánh Thể. Cha đã khám phá ra những bí nhiệm về cuộc đời này và mời gọi chúng ta cũng giống như cha, đó là trở thành những người dẫn đường giàu kinh nghiệm cho hết thảy mọi người.

  • – MỘT DI SẢN ĐÒI HỎI KHẮT KHE

Lịch sử minh chứng rằng: thật khó để các tu sĩ Thánh Thể của thế hệ đầu tiên hiểu được “chứng tá” của cha Eymard. Cha đã để lại cho chúng ta một di sản đòi hỏi khắt khe.

“Tôi giống như tổ phụ Giacóp, luôn luôn trên đường”. Đây là hình ảnh mà cha Eymard nói về chính mình và tạo nên một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất tóm lược cuộc đời cha;3 nó chứng thực trọn cuộc đời cha là một cuộc hành trình luôn mở ra với những hướng đi mới phát xuất từ Thần Khí, và trung thành với ơn hiện sủng. Mỗi bước tiến tại một thời điểm luôn là sự mở ngỏ cho một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ, và là sự khởi đầu cho bước kế tiếp.

Chúng ta biết rằng vào những năm tháng cuối đời, cha Eymard được Chúa dẫn dắt đến điều được xem là đỉnh điểm cho kinh nghiệm thiêng liêng của cha: lời khấn dâng hiến chính mình, món quà tự hiến nhờ tình yêu. Kinh nghiệm phi thường này, một kinh nghiệm được sống trong suốt cuộc

Đại tĩnh tâm ở Rôma vào 1865, đã mô tả đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ vào những năm cuối đời của cha.

  • – NON TUA VOLO, SED TE (XIN ĐỪNG THEO Ý CON, MỘT THEO Ý CHA)

Trong cuộc “Đại Tĩnh tâm” này, khi để cho mình được dẫn dắt bởi ân sủng của giây phút hiện tại và Lời Chúa trong ngày, cha Eymard đã suy xét và phân tích tỉ mỉ cuộc đời mình, về vai trò Vị Sáng Lập của mình, về tình trạng của Hội dòng… Có nhiều chủ đề được trình bày trong những bài suy niệm của cha minh chứng những điểm mà cha để lại cho chúng ta.4 Thế nhưng, khi ngày tháng trôi qua, mọi sự lại tuôn chảy ra xung quanh tâm điểm: cuộc đời cha trong Đức Ki-tô, sự sống hiệp nhất với Người qua món quà tự hiến chính thân mình cha.

Cha đã đến Rôma để thương lượng dự án Phòng Tiệc Ly. Cha đã phải từ bỏ nỗ lực của mình, nhưng cha đã trở về Paris với một ân huệ hơn cả mong đợi: một cái nhìn sâu sắc về Phòng Tiệc Ly nội tâm, “Phòng Tiệc Ly ở trong tôi”. Trước đó, chưa bao giờ cha cảm nhận rõ Nước Thiên Chúa đang bắt đầu ngay trong chúng ta, chưa bao giờ cha cảm nhận được tận thẳm sâu cõi lòng về việc sống đời sống Thánh Thể, về việc dâng mình cho Đức Ki-tô để sự hiện hữu của chúng ta đạt đến sự viên mãn, chưa bao giờ cha cảm nhận được rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta đòi buộc phải có một lời đáp trả trước tình yêu, chưa bao giờ cha cảm nhận được là việc định hình bản thân theo Đức Ki-tô hiện diện nơi Thánh Thể có nghĩa là bước vào mối hiệp thông vốn trở thành Sự Hiệp nhất: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).5

“Non tua volo, sed te” (xin đừng theo ý con, một theo ý Cha)6 : Điều này hệ tại ở mức độ hiệp thông với Đức Ki-tô mà cha cảm thấy được lôi kéo không thể cưỡng lại được. Lời khấn dâng hiến bản thân cho Đức Giê-su Ki-tô mà cha thực hiện vào 21 tháng 3 năm 1865 diễn tả ân huệ cha đã hiến mình cho tình yêu, và làm nên giai đoạn sau cùng cũng như đỉnh điểm của hành trình thiêng liêng lâu dài của cha.

Cũng thế, tâm điểm sống động đích thực của đời sống gia đình tu sĩ chúng ta chính xác hệ tại kinh nghiệm biến đổi này, một kinh nghiệm có Thánh Thể là năng lực định hình. Qua kinh nghiệm này, Thần Khí khai mở và đem Đức Ki-tô đến cho sự trưởng thành trong chúng ta; việc định hình tiệm tiến theo Đức Ki-tô sẽ thôi thúc chúng ta dâng hiến chính mình theo công thức absque sui proprio, qua việc hồi tưởng lại chính kinh nghiệm Nhập Thể và kiếp sống phàm nhân của Con Thiên Chúa. Qua việc sống tình yêu Thiên Chúa trong cộng đoàn huynh đệ, chúng ta sẽ xây dựng Thân Mình Đức Ki-tô.

Chỉ khi nào khởi đi từ kinh nghiệm thâm sâu này, một kinh nghiệm vốn là công trình của Thần Khí, chúng ta mới giống như cha Eymard, trở thành những sứ giả và nhân chứng của Thánh Thể có khả năng canh tân con người, Giáo hội và thế giới. Điều kiện cần thiết là phải tham dự đầy đủ và sáng tạo vào việc cử hành Lễ Vượt Qua của Chúa mỗi ngày: điều này giúp chúng ta đi vào sức năng động của ơn giải thoát và nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô.

  • – MỘT BUỔI HỘI THẢO CÒN MỞ NGỎ

Cha Eymard đã nhắc đến “cuộc cách mạng” này trong bài giảng mà cha muốn chia sẻ với các anh em của mình, cũng như với những người mà cha hướng dẫn7.

Thật chẳng dễ chút nào để các bạn hữu của cha đánh giá được “cuộc cách mạng” này, hầu theo bước cha trong cách hiểu mới và sâu rộng hơn về “đời sống Thánh Thể”, và để diễn tả đời sống ấy -sau khi cha qua đời- qua một lối sống và sứ vụ có liên hệ đến những sự hiểu biết sâu sắc này.

Chúng ta biết rõ lịch sử liên quan đến sự lưỡng phân không thể hòa hợp được vốn tạo ra một hố ngăn cách giữa chiêm niêm và hoạt động, và kết quả là phải đặt ra những đòi hỏi ưu tiên cho việc Chầu Thánh Thể hay hoạt động tông đồ Thánh Thể.

Chúng ta không thể biết liệu cha Eymard, nếu sống thêm vài năm nữa, thì ngài đã có thể làm sáng tỏ và thậm chí là đưa vào Hiến pháp mà cha đang tiếp tục viết, những tư tưởng “mang tính cách mạng” của cuộc Đại Tĩnh tâm ở Rô-ma không nhỉ. Liên quan đến điểm này, chúng ta có thể nhắc đến “cái chết sớm” của cha.

Thế nhưng, mặt khác, những gì mà công trình còn dang dở do cha để lại cho các tu sĩ cũng như anh chị em giáo dân qua muôn thế hệ lại tạo ra một buổi hội thảo còn mở ngỏ; nó để lại một thách đố cần phải vượt qua. Cha Eymard, giống như chòm sao chổi chói lọi, đã để lại dấu vết, nhằm vạch ra lối đi cho những ai bước theo cha. Họ được mời gọi phát triển những tư tưởng của cha và hiện thực hóa chúng qua sứ vụ nhằm đáp cứu cho những mong đợi của thời đại họ, như xưa kia cha đã làm trong thời đại của cha vậy.

  • – NẮM GIỮ LỊCH SỬ CỦA CHÚNG TA

Nếu không am hiểu và không ý thức chấp nhận lịch sử của mình, thì vô tình sẽ đưa đến sự mạo hiểm qua một lối sống phản động và… đi lại vết xe đổ.

Cha Eymard, nhất là trong những ghi chép tĩnh tâm của mình, đã thích thực hiện công việc gian khó này. Cha đã nhìn lại câu chuyện đời mình theo chiều sâu, trung thực và chân thật; cha đã  cố gắng nhận ra nó trong bàn tay của Chúa, qua những biến cố (ngay cả những biến cố bất lợi nhất) đã dẫn đưa cha đến với ơn gọi Thánh Thể, rồi sau đó là đồng hành với cha trong sứ vụ của mình.

Sau cha, chúng ta, gia đình tu sĩ của cha, đã sống một lịch sử kéo dài gần 150 năm (1856- ngày 13 tháng 5- 2006). Đây là một lịch sử được hình thành nhờ vào các thế hệ tu sĩ và giáo dân đã sống lý tưởng Thánh Thể bằng niềm tin, lòng quảng đại và sự tận hiến; do đó, lịch sử ấy đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Đó là một lịch sử hấp dẫn và phong phú, không thiếu những khoảnh khắc gian khó bao gồm xung đột và cả những thương tích. Thế nhưng, đây lại là lịch sử của chúng ta, và lịch sử ấy thuộc về chúng ta. Chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa đang cùng đi với chúng ta, là gia đình của cha Eymard, để biến lịch sử ấy thành một “lịch sử cứu độ”.

Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi nắm giữ lịch sử của mình cách điềm tĩnh và cẩn thận, biến chúng thành một phần thuộc căn tính của mình. Những người giữ vai trò chủ chốt của ngày hôm qua cũng như hôm nay, đều muốn bảo toàn nguyên vẹn di sản thiêng liêng của cha Eymard với vẻ ganh tị và phát triển sứ mạng đã nhận được từ nơi cha. Họ muốn sống và chuyển trao đặc sủng của cha.

Cũng nhờ những công cụ và công trình nghiên cứu sẵn có trong tầm tay, mà ngày hôm nay chúng ta mới có thể đánh giá đúng hơn về việc làm thế nào những nỗ lực này, dầu được thực hiện với thiện ý và ý hướng tốt, lại không phải lúc nào cũng có thể thu thập, hiểu biết và đánh giá được hơi thở của tư tưởng Eymard, cụ thể là sự tiến triển quan trọng trong những năm cuối đời của cha. Nhưng…người ta sẽ nói gì với chúng ta trong 100 năm qua?

  • – BẢNG CÂN ĐỐI CỦA 40 NĂM

40 năm đã trôi qua kể từ biến cố phong thánh cho Đấng Sáng Lập của chúng ta: thời điểm của một cuộc Xuất hành! Thời điểm ấy đã chứng kiến cuộc xuất hành được đánh dấu bằng sự kiện quan trọng nhất trong Giáo hội ở thế kỷ XX: Công đồng chung Vatican II. Chính xác là trong suốt việc cử hành sự kiện mang tính thời đại này, thì vào 9 tháng 12 năm 1962, cha Eymard đã được chỉ định làm người dẫn đường cho hết thảy mọi người bước theo, trở thành một thầy dạy để mọi người

lắng nghe, trở thành một vị thánh để mọi người noi gương bắt chước8. Thế nên, vào thời của Giáo hội, cha được mời gọi tiếp tục sứ vụ của mình như một Tông đồ Thánh Thể không mỏi mệt, một tông đồ của mầu nhiệm chiếm vị trí trung tâm của đời sống cộng đoàn, mầu nhiệm vốn là lương  thực hằng ngày cho mọi người đã chịu phép rửa, là lễ Hiện Xuống nối dài, là Lễ Vượt Qua có sức biến đổi thế giới.

Còn chúng ta, những người con của cha, trong 40 năm qua, đã cùng với Giáo hội trải qua những gian khổ của cuộc xuất hành “canh tân”: một thách đố hấp dẫn và nguy hiểm. Quả thực, trên con đường này, vài người đã nằm xuống, những người khác thì thích quay đầu lại, người khác nữa thì lại để cho mình xuôi theo dòng chảy cách thụ động, trong khi số còn lại chọn con đường khác để đi.

Hành trình này chứa đựng thời khắc của ân sủng- giống như kinh nghiệm ở núi Sinai- trong việc soạn thảo ra bản Luật Sống mới, vốn là hoa trái của việc cùng nhau kiếm tìm và là hoa trái của Thần Khí. Đây là một Luật mới mở ra điều mới mẻ cho thời đại của chúng ta, cũng như, có nguồn gốc từ truyền thống thiêng liêng của Hội dòng. Đó là một bản văn mà cha Eymard đã tháp vào đó sức sống và cội rễ, để đem lại cho nó nhựa sống.

Việc đọc lại cẩn thận và mang tính ngôn sứ cuộc đời của cha, người vẫn được xem là một thầy dạy về đời sống phúc âm phát xuất từ Thánh Thể9, đã cung cấp thêm và đưa gia đình tu sĩ chúng ta đến bến bờ của Luật Sống mới.

Được Tổng Tu Nghị diễn ra vào 1981 đồng lòng tiếp nhận và được Giáo hội phê chuẩn vào ngày 1 tháng 8 năm 1984, Luật Sống “diễn đạt cho thời đại của chúng ta hiểu về ơn linh hứng căn bản mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard đã nhận được”10. “Nhờ tiếp nhận Luật Sống như một tặng ân Chúa gửi đến, và nhờ sống theo luật sống này như lời khấn đòi hỏi, chúng ta sẽ được mạnh sức để trung thành với sứ vụ Thánh Thể giữa lòng Giáo hội vì nhân loại.”11

Ngày hôm nay, gần 20 năm sau khi Luật Sống được phê chuẩn, tôi tự hỏi: các cộng đoàn của chúng ta đã hấp thụ được linh đạo đề ra này hay chưa? Chúng ta đã thực sự hội nhập được các giá trị và những đòi hỏi của linh đạo ấy chưa? Đây là câu hỏi mà tôi thường đặt ra cho các tu sĩ của chúng ta trong suốt những chuyến kinh lý đến các cộng đoàn, để hiểu biết hoàn cảnh thực tế chúng ta đang sống.

Lẽ dĩ nhiên, một điều an ủi là Luật Sống đã được tiếp nhận và được mọi người đánh giá cao; nó được xem như việc diễn tả trung thực về đặc sủng của chúng ta.

Lời nhận xét này chứng thực cho chúng ta biết rằng Thần Khí đang đồng hành với Hội dòng trong những năm qua. Sự Hiệp nhất này cho thấy một phúc lành từ nơi Chúa!

Tuy nhiên, khởi đi từ lời đáp trả của các tu sĩ cũng như từ hoàn cảnh cụ thể trong đời sống của các cộng đoàn chúng ta, dường như đối với tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để “hạt giống tốt” này bén rễ sâu và đơm bông kết trái. Tôi không nói đây là một sự xét đoán tiêu cực, nhưng là một vấn đề phải quan tâm, cũng như là một lời mời gọi phản tỉnh.

  • – SỰ CÂN NHẮC KHÓ KHĂN

Tôi tự hỏi liệu Hội dòng của chúng ta ngày hôm nay có được mời gọi đối diện với thách đố giống như thế hệ đầu tiên đã sống, sau khi cha Eymard qua đời hay không.

Khi tôi hồi tưởng lại, thế hệ tu sĩ đầu tiên của chúng ta đã được kêu gọi chiếm lấy gia tài của Đấng Sáng Lập làm của riêng, và thổi đặc sủng của Hội dòng vào bên trong sứ vụ cũng như lối sống ổn định. Khi đối diện với thách đố này, ưu tiên hàng đầu vẫn là những đòi hỏi của việc Chầu Thánh Thể. Như lịch sử đã cho thấy, chọn lựa này quả thực đã để lại dấu ấn trên sứ vụ và hoạt động tông đồ Thánh Thể của Hội dòng, và trên lối sống của các cộng đoàn chúng ta.

Sau hết, Luật Sống đưa ra một câu trả lời rõ ràng và cân nhắc trước “câu hỏi” vốn làm cho Hội dòng của chúng ta bối rối ngay những ngày đầu, và nó đã chứng thực, không chút mơ hồ, rằng chúng ta, những người đang bước theo mẫu gương do Đấng Sáng Lập để lại, là một Hội dòng tông đồ.

Khi nói như thế, thực sự chúng ta phải lưu ý là các cộng đoàn của chúng ta vẫn còn đang tìm kiếm một sự quân bình đúng mực, liên quan đến một lối sống diễn tả lý tưởng mà Luật Sống đề ra theo một cách hài hòa và mạch lạc. Quả thực, tại nhiều cộng đoàn của chúng ta, những giá trị của việc cầu nguyện riêng và chung, cũng như những đòi hỏi của đời sống huynh đệ, đã trở thành hy tế vì sứ vụ của chúng ta. Dĩ nhiên, đây không phải là cách sống theo Luật Sống, cũng không phải theo kiểu mẫu của Đấng Sáng Lập chúng ta. Đơn giản là sứ vụ của chúng ta không được đồng hóa với hoạt động tông đồ, cũng như với chủ thuyết hoạt động quá mức.

Thực vậy, đây là hiện tượng phức tạp- đó là khuynh hướng của chủ thuyết hoạt động quá mức, vốn phổ biến trong các Hội dòng hoạt động khác giống như chúng ta- đòi hỏi phải suy xét kỹ. Thế nên, tôi muốn chia sẻ với anh em hai nhận định này.

Khuynh hướng này nơi thế hệ đã sống “cuộc canh tân” thì vẫn còn một yếu tố “phản động” chống lại quá khứ. Rõ ràng là có một lối sống dành cho những người không muốn quay lại lối sống cũ, nhưng rõ ràng nó chưa phải là điều mà lối sống mới nhắm tới.

Nhưng ngay cả trong thế hệ tu sĩ đã được khuôn đúc sau khi Luật Sống được thích nghi (cách riêng, tôi muốn nói đến những anh em trẻ của Hội dòng), thì khuynh hướng thích hoạt động này rõ ràng là vẫn như nhau.

Lịch sử dạy cho chúng ta nhiều bài học: nếu chúng ta không muốn đi lại vết xe đổ- thậm chí nó có thể đi theo chiều hướng ngược lại- thì chúng ta phải thật cẩn trọng!

  • – TIẾN LÊN PHÍA TRƯỚC: ƯU TIÊN CỦA LINH ĐẠO

Tổng Tu Nghị 32 mới đây vạch ra cho chúng ta một lộ trình để tiến về phía trước, hầu tìm ra một sự tổng hợp diễn tả đặc sủng của chúng ta theo một LỐI SỐNG mới, rõ ràng hơn, có thể nói với thế giới đương thời. Lối sống này sẽ được nuôi dưỡng nhờ tầm nhìn của Thánh Thể, một tầm nhìn mang tính năng động, gắn kết với Công đồng, rộng mở, như Đấng Sáng Lập đã sống và đã được diễn tả trong Luật Sống.

Tu Nghị mời gọi phải có một cái nhìn thống nhất về đời sống của chúng ta: MỘT LINH ĐẠO THÁNH THỂ CANH TÂN. Tu Nghị vạch rõ linh đạo này là “một định hướng cho đời  sống cũng như hoạt động của chúng ta” trong đó Thánh Thể là nguồn mạch, trọng tâm và chóp đỉnh cho hết thảy những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. “Đời sống được định hình nhờ Thánh Thể” này  được sống trong một cộng đoàn anh em và được diễn tả thành một LỐI SỐNG CHO SỨ VỤ, nơi mà các giá trị và đòi hỏi của tình huynh đệ, cầu nguyện và hoạt động tông đồ được pha trộn cách hài hòa.12

Tầm nhìn này của LINH ĐẠO mang tính hiện sinh và năng động, thống nhất và bất khả phân ly, vì Thánh Thể được hiểu trong tất cả sự sung mãn và mọi đòi hỏi. Tầm nhìn này giúp chúng ta thoát ra khỏi câu hỏi hạn hẹp và không còn được đặt ra nữa, đó là: Chúng ta là một Hội dòng hoạt động hay chiêm niệm? Chúng ta được mời gọi sống một lối sống liên hệ nhiều hơn với hình thức đan viện hay với hoạt động tông đồ?

Vả lại, sự hiểu biết sâu sa của cha Eymard đang khai sáng: “Chúng ta thâu tóm toàn bộ Nhiệm tích Thánh”13. Vì thế, chúng ta không phải lặp lại kinh nghiệm đã sống, khi “một người nào đó muốn bắt cha phải chọn lựa giữa Thánh Thể của những người chiêm niệm và tôn thờ, với Thánh

Thể của các tông đồ và các nhà thừa sai. Cha đã nghĩ rằng điều ấy sẽ phục vụ cho những gì mà chính Thiên Chúa đã kết hợp. Và toàn bộ linh đạo của Hội dòng, tất cả sứ vụ của Hội dòng được xây dựng trên hôn ước không thể tách lìa giữa chiêm niệm và hoạt động. Người ta thường nói cha đã không biết điều cha muốn, vì cha là một con người sung mãn và muốn tất cả mọi sự…”14

Chúng ta hãy cùng nhau nắm vững đóng góp quan trọng mà Tổng Tu Nghị 32 đề ra cho chúng ta, để tìm ra một bản tổng hợp về đời sống cũng như để hợp nhất sức năng động tinh thần và hoạt động của các cộng đoàn chúng ta theo Luật Sống.

Lộ trình do Tổng Tu Nghị vạch ra này hoàn toàn ngang hàng với Huấn thị mới đây, vốn gợi lại những yếu tố quan trọng cho một sự cam kết mới trong đời sống thánh hiến vào Ngàn Năm Thứ Ba15. Trong tài liệu này, trọng tâm dồn vào việc ưu tiên cho linh đạo, nghĩa là, sống theo Thần Khí, được hiểu như một định hướng vững chắc và thống nhất của toàn bộ sự tồn tại, vốn được diễn tả trong “đời sống cụ thể” và “trong sự giản dị của đời sống thường nhật.”16

  • – XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KI-TÔ

Thần Khí là vai chính trong việc tái sinh sức năng động vốn đào sâu và phát triển kinh nghiệm của các vị sáng lập theo một cách thức mới lạ và sáng tạo. Chính Ngài là Đấng đảm bảo cho tính kiên định của sự tươi mới và đáng tin cậy của những khởi đầu, tuôn đổ lòng can đảm, sự táo  bạo và sáng tạo, hầu giải đáp dấu chỉ thời đại.

Kinh nghiệm tái sinh và sáng tạo này- ở đây chính là ý nghĩa của việc đặt lại nền tảng- có được điểm khởi phát thực sự trong Đức Ki-tô. Về điều này, Huấn thị đề cập đến việc mời gọi những người sống đời thánh hiến: Xuất phát lại từ Đức Ki-tô!

Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Ki-tô, một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”. Điều đó bao hàm một sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên trung tâm của đời sống họ và nguồn mạch liên tục của mọi sáng kiến. Như tông huấn Đời sống thánh hiến nhắc nhở chúng ta, đó là một kinh nghiệm chia sẻ, “một ơn đặc biệt là sống trong tình thân thiết”. Đó là “trở nên một với Người, mang cùng những tâm tình, cùng một lối sống”, và đó là một cuộc sống “bị Đức Ki-tô chiếm hữu”, “được bàn tay Đức Ki-tô chạm đến, được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ”17.

Làm sao người ta lại không thể tìm thấy trong bản văn này một tiếng vang nơi những suy niệm của cha Eymard trong cuộc Đại tĩnh tâm ở Rô-ma và vai trò trọng tâm của Đức Ki-tô trong những bài suy niệm của cha nhỉ?18 Làm sao người ta lại không thể tìm thấy một âm vang của ân huệ khiến cha đã tự hiến chính mình theo khuôn mẫu của Mầu nhiệm Nhập Thể?

Làm sao người ta lại không thể nhận ra là mọi việc tái thiết chân thực thì không gì khác hơn là “xuất phát lại từ Đức Ki-tô”?

  • – TÂM ĐIỂM CỦA THÁNH THỂ

Thế nhưng, cụ thể là ngày hôm nay, chúng ta có thể chiêm ngắm dung nhan của Đức Ki-tô ở đâu vậy? Chúng ta có thể mở lòng mình ra trước công trình mang tính tái sinh và sáng tạo của Thần Khí mà cha muốn chuyển trao đó không? Văn kiện nói tiếp:

Dành cho đời sống thiêng liêng một chỗ đứng ưu tiên có nghĩa là xuất phát lại từ chỗ đứng trung tâm của việc cử hành Thánh lễ, nơi gặp gỡ dành riêng với Chúa […] Bí tích Thánh Thể, tưởng

niệm hi tế của Chúa, trung tâm đời sống Giáo hội và mọi cộng đoàn, biến đổi cuộc sống của ta, dự phóng của đời sống cộng đoàn và sứ vụ tông đồ thành của lễ được đổi mới. […].

Nơi đó sự thân tình trọn vẹn với Đức Ki-tô được thực hiện, bằng cách trở nên một với Người, nên đồng hình đồng dạng với Người, điều mà những người thánh hiến được kêu mời do ơn gọi. Quả thế, trong bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su liên kết chúng ta với Người trong chính của lễ vượt qua của Người dâng lên Chúa Cha. Chúng ta dâng hiến và được dâng hiến. Sự thánh hiến tu trì tự nó mặc lấy một cấu trúc của Thánh Thể, đó là sự dâng hiến trọn vẹn bản thân được liên kết với hi tế Thánh Thể.”19

Chẳng phải bản văn tuyệt vời này- vốn đem lại cho chúng ta một tầm nhìn năng động về đời sống thánh hiến là một Đời sống trong Thần Khí và có Thánh Thể làm trung tâm – nhắc chúng ta về kinh nghiệm thiêng liêng của cha Eymard và nhiều đoạn khác trong Luật Sống của chúng ta đấy sao?

Chẳng phải là nó cũng gợi nhớ cách tỏ tường về thực tại và tầm quan trọng của sứ vụ của chúng ta trong Giáo hội đó sao? Chẳng phải là có một lời mời gọi các cộng đoàn chúng ta tự giới thiệu mình như những trường học uy tín của linh đạo Phúc Âm phát xuất từ Thánh Thể đó sao?

  • – ĐƯỢC SINH ĐỘNG BỞI TINH THẦN CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP

Là những môn đệ của cha Eymard, chúng ta giành được chỗ đứng trong lịch sử khi dõi mắt nhìn ngài. Cha chính là “ngôi sao chỉ đường” của chúng ta, chỉ lối và giúp chúng ta trung thành với sứ vụ Thánh Thể của cha. Khởi đầu Ngàn Năm Thứ Ba, có nhiều thách đố đang chờ đợi chúng ta, nhưng mẫu gương của cha cũng như sự chuyển cầu của cha giúp chúng ta vững tin và thôi thúc chúng ta hướng ra biển cả trong sứ vụ của mình với lòng can đảm và sự sáng tạo. Cùng đi với  chúng ta sẽ là một thế hệ giáo dân mới, có cha Eymard làm người dẫn đường đáng tin cậy, giúp họ sống trung thành với Đức Ki-tô trên hành trình sống phúc âm được gợi hứng từ Thánh Thể20.

Anh em thân mến, ước gì dịp kỷ niệm 40 năm phong thánh cho thánh Phêrô Giulianô Eymard này sẽ là dịp để chúng ta lại ngước nhìn lên và hướng về cha. Dưới vòm trời chói lọi của các thánh nhân21, ánh sao của cha vẫn chiếu rọi với một ánh sáng sống động, mời gọi chúng ta lần theo dấu vết chói lọi trong kinh nghiệm thiêng liêng của cha, trong tình yêu vô điều kiện mà cha dành cho Đức Ki-tô, trong niềm tin sống động của cha vào Thánh Thể, trong món quà tự hiến của cha dâng lên Chúa bằng tình yêu, trong đời sống cầu nguyện thâm sâu và hoạt động tông đồ không ngừng nghỉ, trong khả năng diễn tả phi thường về sức năng động của Thánh Thể với một tầm nhìn sống động thống nhất.

Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã cho xuất hiện
trong Giáo hội của Cha vị thánh mang tên Phêrô Giulianô Eymard.
Cha mời gọi chúng con theo bước ngài,
để tiếp tục sứ mạng của ngài trong Giáo hội và trong thế gian.

Xin cũng ban cho chúng con
kinh nghiệm sâu đậm của ngài về tình yêu của Cha,
việc dâng mình cách vô điều kiện của ngài cho Đức Ki-tô, Con Cha, việc vâng nghe theo Thần Khí của ngài,
niềm tin sống động của ngài vào Thánh Thể, ngõ hầu chúng con có thể noi gương ngài,
trở thành những chứng nhân đáng tin cậy và những sứ giả dồi dào sinh lực của Sự Sống phát xuất từ Nhiệm tích này.

Rome, 10 tháng 11 năm 2002
Ngày cha Eymard đến Rome (1864)

 

1 Thư gửi cha De Cuers, 22 tháng 4 năm 1856.
2 Tĩnh tâm ở St. Maurice (1868), ngày thứ hai.
3 Đại tĩnh tâm ở Rôma, 5 tháng 2, suy niệm 2.
4 Những bài suy niệm này đem lại một nguồn mạch vô tận nuôi dưỡng linh đạo của chúng ta hơn một thế kỷ qua, và các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục khai thác chúng. Không phải là không có lý khi một ai đó đã viết trong những trang đầu của bản thảo về cuộc tĩnh tâm này mà vẫn còn lưu trữ trong Văn Khố của chúng ta, rằng: “Đây là bản thảo quý giá nhất mà cha đã để lại cho chúng ta.”
5 X. những suy niệm về đời sống Kết Hiệp của ngày 22 và 23 tháng 3, đưa đến lời khấn dâng hiến chính mình.
6 “Cha không đòi gì khác, mà chỉ đòi bản thân con.” [x. Gương Chúa Giê-su. 4, 8, 3]; Cuộc Đại Tĩnh tâm ở Rô-ma, ngày thứ tư, suy niệm 1.
7 Chúng ta có được lời chứng quý báu của bà Nathalie Jordan trong một lá thư gửi cho cô Gérin: «Lyons ngày 11 tháng  4 năm 1865…tôi vừa mới dọn phòng để cha Eymard ở lại ba ngày […] cha từ Rôma trở về […] cha nói với chúng tôi về điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi tâm hồn cha trong suốt kỳ tĩnh tâm kéo dài hai tháng tại nhà thờ Đức Bà Cả […]; cha đã biết rõ cần phải làm gì cho Đức Giê-su Ki-tô, để đi từ sự trưởng thành đến tình trạng trọn lành: người ta đạt đến tình trạng đó qua việc từ bỏ bản thân”, bản sao trong APSS, D2, 228-229
Xem thêm các chương 6 và 7: L’Apôtre du Cénacle (Tông đồ Phòng Tiệc Ly), trong quyển: L. SAINT-PIERRE, L'”Heure” du Cénacle dans la vie et les œuvres de Pierre-Julien Eymard (Giờ của Phòng Tiệc Ly trong đời sống và những trước tác của Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard), Lyon 1968.
8 Lối đi này được đề cao nhờ việc đưa lễ kính thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard vào lịch Phụng vụ chung của Giáo hội hoàn vũ vào ngày 2 tháng 8. Đây là một mục tiêu đạt được, cách riêng, là nhờ vào những nỗ lực tận tụy của cha Norman Pelletier.
9 Về giai đoạn này, chúng ta mắc nợ lời tri ân trước công trình nghiên cứu do những người anh em của chúng ta là L. SAINT-PIERRE và D. CAVE thực hiện.
10 Luật Sống, Lời tựa.
11 Ibid., số. 101.
12 x. bốn tuyên ngôn trong Tài liệu của Tổng Tu Nghị: Một linh đạo Thánh Thể được canh tân.
Tôi sẽ chỉ ra rằng tạp chí Ensemble/Together các số 75 và 76 đưa ra hai đóng góp quan trọng giúp nuôi dưỡng sự hiểu biết và đào sâu tài liệu này.
13 Thư gửi Virginie Danion, 24 tháng 8 năm 1857.
14 J. FOUGERAT, Panégyrique du saint, in Hommage à Saint Pierre-Julien Eymard , Rome 1963, trang. 29.
15 Xuất phát lại từ Đức Ki-tô: Canh tân cam kết sống Đời thánh hiến trong ngàn năm thứ ba (HUẤN THỊ của THÁNH BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ, 19 tháng 5 năm 2002).
16 Ibid. số. 20.
17 Ibid. số. 22
18 E. C. Nuñez, trong PHẦN DẪN NHẬP của Cuộc Đại tĩnh tâm ở Rô-ma (trang 41), khẳng định rằng kinh nghiệm này quả thực là kinh nghiệm “quy Ki-tô”.
19Xuất phát lại từ Đức Ki-tô, số 26.
20 Công việc khó khăn mà Hội dòng chúng ta đang đảm nhiệm cuối cùng có thể đem đến một ấn bản trung thực và đầy đủ những lời chứng về di sản thiêng liêng của cha Eymard, được xem như một lời đáp cứu cho những nhu cầu của những ai khát khao muốn biết cha Eymard và linh đạo của ngài.
21 Trong bài giảng của mình vào 9 tháng 12 năm 1962, ĐTC Gioan XXIII đã nói: “Bên cạnh một Vinh-sơn Phao-lô, một Gioan Eudes, một cha sở họ Ars, thì hôm nay Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard cùng sánh vai với những vì sao chói lọi ấy…”