HƯỚNG DẪN “HAI MƯƠI BỐN GIỜ CHO CHÚA”

CHỦ ĐỀ MỤC VỤ:  GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:
nhờ LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
Thứ Sáu và Thứ Bảy, 08-09/3/2024

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

  1. ĐGH Phanxicô giải thích về “24 giờ cho Chúa”: “Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.” (Misericordiae Vultus).

  2. Ban Phụng Tự Giáo Phận xin được gợi ý như sau:

  3. Tùy hoàn cảnh, mỗi giáo xứ tổ chức “24g cho Chúa”: có thể tổ chức Chầu TT từ sau lễ sáng đến trước lễ chiều Thứ Sáu, Thứ Bảy, hoặc ít là tổ chức được hai giờ Chầu tối thứ Sáu và thứ Bảy, nếu được cùng lúc 19g-20g.

  4. Trong giờ Chầu, các linh mục ngồi Tòa giúp hối nhân Giao Hòa.

  5. Nếu tổ chức 12g hoặc 24g chầu liên tiếp, thì tổ chức như sau:

  6. Giờ Chầu Khai Mạc:

1/ Đọc Lời Dẫn Nhập (ngồi): (sau Lời Nguyện Hiệp Lễ – Nếu ngoài thánh lễ, thì hát Kinh Chúa Thánh Thần rồi đọc lời dẫn).

2/ Linh mục tiến ra đặt Mình Thánh Chúa (đứng).

3/ Thực hiện giờ Chầu theo Bản Hướng Dẫn.

  1. Các Giờ Chầu ở Giữa:

1/ Không hát Kinh Chúa Thánh Thần – Thinh lặng giây lát để mỗi người hồi tâm – Đọc Lời Hướng Dẫn để gợi ý chủ đạo  (ở trên)

2/ Thực hiện giờ Chầu theo Bản Hướng Dẫn.

  1. Giờ Chầu Kết Thúc:

1/ Thực hiện giờ Chầu theo Bản Hướng Dẫn.

2/ Hát Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng – Tantum Ergo – Phép Lành Thánh Thể.

  1. Các bài hát có thể thay đổi cho phù hợp.

MẪU I

HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
Nhờ LỜI CHÚA và THÁNH THỂ

  • Nên chọn ba người thay nhau hướng dẫn Giờ Chầu, họ cần chuẩn bị trước để đọc cách sốt sắng và đạo đức.

  • HÁT: KINH CHÚA THÁNH THẦN (Quỳ) – Không hát nếu Giờ Chầu tiếp nối Thánh lễ

  • Đọc Lời Dẫn Nhập trong khi chuẩn bị giờ Chầu.

LỜI DẪN NHẬP (Kính mời cộng đoàn ngồi)

Kính thưa Cộng đoàn,

Trong bài diễn văn vào 18/9/2021, ĐTC Phanxicô đã giải thích rằng “hiệp hành biểu lộ bản chất của Hội Thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh”. Lối sống hiệp hành trong Hội Thánh được nêu lên ngay trong chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ. Tất cả những điều này được nuôi dưỡng và kín múc sức mạnh từ Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo”[1]. Nơi Thánh Thể, mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau chia sẻ và cùng tham gia xây dựng một Hội Thánh Hiệp Hành. Nhờ Thánh Thể, chúng ta trở nên những con người hiệp thông, nghĩa là, biết từ bỏ những gì là riêng tư, ích kỷ trong đời sống hàng ngày, ngõ hầu xây dựng tình hiệp thông huynh đệ ở mọi nơi chúng ta sống, từ trong gia đình, xóm làng cho đến cộng đoàn Giáo xứ, Giáo phận. Từ những ý tưởng này, chúng ta cùng bước vào giờ Chầu Thánh Thể để hiệp thông với Hội Thánh khắp nơi trên thế giới sống “24 giờ cho Chúa”.

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Chủ sự tiến ra đặt Mình Thánh Chúa

  • Kính mời cộng đoàn quỳ

  • Hát: QUỲ TRƯỚC NHAN NGÀI – Đinh Thanh Hiền (có thể thay bằng một bài khác).

  1. Quỳ trước nhan Ngài con dâng lời chúc tụng ngợi ca. Tình yêu của Chúa ôi thiên thu vững bền chẳng vơi. Yêu con ví tựa ngàn non, dù con rất ư mỏng giòn. Chúa yêu con người đã ban cho đời Mình Máu cao vời.

ĐK: Ôi lạy Chúa, Chúa ơi! Con xin cất lời tụng ca, Thánh Thể tình yêu chan chứa. Muôn đời và muôn muôn thuở Chúa yêu con mãi còn yêu con.

  1. Quỳ trước nhan Ngài con chân thành cảm tạ tri ân. Tình yêu của Chúa thân con đây dám nào lãng quên. Con xin Chúa Trời từ nhân, hằng luôn giúp con trung thành, xứng danh con người lãnh ơn cao vời Mình Máu Chúa Trời.

  • Thinh lặng giây lát rồi NHD đọc cách tâm tình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã trao ban chính Mình và Máu để nuôi dưỡng chúng con trên đường lữ hành trần gian. Không chỉ thế, Chúa con cầu nguyện với Chúa Cha để xin ơn hiệp nhất cho các môn đệ, là những người chung chia cùng một tấm bánh với Chúa và với nhau (x. Ga 7,1-26). Trước khi về trời, Chúa đã trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ (x. Mt 28,19-20). Từ đó, Hội Thánh luôn được mời gọi sống tính thần hiệp thông – tham gia và cùng nhau thực thi sứ vụ Chúa đã uỷ thác. Như các môn đệ xưa, giờ này, cộng đoàn chúng con cũng quây quần bên Thánh Thể Chúa, để được lắng nghe Lời Chúa và để kín múc nguồn sức mạnh hầu tiếp tục dấn thân mang Tin mừng của Chúa đến muôn người.

  • Mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: Lắng nghe Lời Chúa (tùy ý – PK 1, ĐK) (đứng)

  • Chủ sự đọc Tin Mừng.

Lời Chúa   Mt 26,26-29

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu

Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”.

  • Mời cộng đoàn ngồi.

  • Linh mục có thể ra ngồi tòa giải tội.

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

NHD 1: Khi đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em cầm lấy mà ăn […] hãy uống chén này”, các môn đệ được bước vào sự hiệp thông với Chúa. Kể từ giây phút đó và cho đến tận thế, Hội Thánh được xây dựng qua sự hiệp thông với Bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”. Khi cử hành Thánh Thể, Hội Thánh trở nên một cộng đoàn của sự hiệp thông. Thật đẹp biết bao hình ảnh hiệp thông trong Thánh lễ, mọi thành phần Dân Chúa quy tụ chung quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, dưới sự chủ toạ của Giám mục. Nơi đó rực sáng lên mầu nhiệm Hội Thánh. Ước gì tiến trình hiệp hành của Hội Thánh cũng cho thấy được sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô, và Hội Thánh sẽ được đổi mới, được củng cố không ngừng nhờ tham dự vào Hy Tế Thánh Thể. Trong tiến trình hiệp hành, nhờ Bí Tích Thánh Thể, không những mỗi người chúng ta đón nhận Chúa Kitô, nhưng chính Chúa Kitô cũng đón nhận từng người chúng ta. Người thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta: “Anh em là bạn hữu của Thầy(Ga 15,14). Phần chúng ta, chúng ta sống nhờ Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời(Ga 6,54). Sự hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể làm cho Chúa Kitô ngự trong chúng ta và chúng ta ở lại trong Chúa Kitô: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em(Ga 15,4).

  • Thinh lặng giây lát rồi đọc tiếp.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong bữa tối sau hết, Chúa đã ban cho chúng con chính Mình và Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng chúng con trong sự hiệp thông với Chúa, và nhờ đó chúng con cũng được mời gọi sống hiệp thông với nhau như một Thân Thể. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con luôn biết trân quý hồng ân Thánh Thể và siêng năng đón nhận Thánh Thể; nhờ đó, cuộc đời chúng con luôn có Chúa ở cùng. Xin Chúa cũng ban cho cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn biết quy hướng về Thánh Thể Chúa, để tiến trình hiệp hành của chúng con luôn là sự hiệp thông giữa Chúa và chúng con, và giữa chúng con với nhau. Trong tiến trình hiệp hành này, xin Chúa giúp cho các mục tử và đàn chiên luôn biết hiệp thông với nhau, để tất cả được nên một trong Chúa.

  • Thinh lặng giây lát rồi đọc tiếp.

NHD 2: Nhờ sự hiệp thông trong Thánh Thể, Hội Thánh ngày càng trở nên vững mạnh trong sự hiệp nhất giữa các chi thể, trong cùng một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói đến hiệu quả hiệp nhất này, khi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh(1 Cr 10, 16-17). Như tấm bánh chỉ là một, tuy nó được hợp thành bởi rất nhiều hạt lúa, mặc dù, không ai nhìn thấy được, nhưng nhiều hạt lúa đã được nghiền nát, để ở trong cùng một tấm bánh và liên kết với nhau cách trọn vẹn. Cùng một cách như thế, trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh, chúng ta cùng hiệp thông với nhau và cùng nhau tham gia, góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh.

  • Thinh lặng giây lát rồi đọc tiếp.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã cho các môn đệ tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa. Sứ mạng ấy đã được các môn đệ nhiệt tâm thi hành dù phải hiến dâng mạng sống của mình. Hội Thánh Chúa qua mọi thời vẫn tiếp tục canh tân đổi mới, ngõ hầu có thể tiếp tục chu toàn sứ mạng cứu độ Chúa đã uỷ thác. Xin Chúa cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn biết quy hướng về Thánh Thể Chúa, để chúng con biết cùng nhau sẻ chia và cùng nhau tham dự vào sứ mạng chung. Xin Chúa thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt thành cho các thành phần Dân Chúa, để tất cả cùng nhau tham gia xây dựng Hội Thánh thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

  • Thinh lặng giây lát rồi đọc tiếp.

NHD 3: Khi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh được mời gọi trở thành “bí tích” cho nhân loại, thành ánh sáng cho trần gian, thành dấu hiệu và khí cụ của ơn cứu độ. Thật vậy, sứ mạng của Hội Thánh tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em(Ga 20,21). Vì thế, Hội Thánh nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ mạng của mình được tìm thấy trong cử hành Thánh Thể, qua việc đón nhận và hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô. Trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh, Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn suối, vừa là chóp đỉnh của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng. Thánh Thể đưa chúng ta vào sự thông hiệp với Chúa Kitô, và trong Người, tất cả cùng hiệp thông với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần. Tiến trình hiệp hành của Hội Thánh cũng cần phải thi hành sứ mạng “loan truyền Chúa chị chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến” qua việc cử hành Hy Tế Bàn Thờ của Chúa Kitô. Ước gì khi thi hành sứ mạng của mình, Hội Thánh bước vào Mầu Nhiệm Cứu Độ, với tư cách là một cộng đoàn cùng tiến đến Bàn Tiệc Thánh Thể, để được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Chúa.

  • Thinh lặng giây lát rồi đọc tiếp.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp sức cho các thành phần trong Hội Thánh, luôn ý thức về sứ mạng Chúa đã uỷ thác và nhiệt thành đem Tin mừng về muôn phương. Xin Chúa cũng hướng dẫn cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh luôn biết quy hướng về Thánh Thể, để trên đường sứ mạng, Hội Thánh không nản lòng hay bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho mỗi người chúng con biết trở nên nắm men được vùi sâu trong khối bột thế gian, để bột được dậy men và trở thành tấm bánh bẻ ra cho nhiều người.

  • Thinh lặng giây lát – Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát một bài thích hợp

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

Lạy Chúa Giês, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những giây phút được quy tụ trước Thánh Thể Chúa, để chiêm ngắm và cầu nguyện cho tiến trình hiệp hành của Hội Thánh. Trong cùng một đức tin, chúng con tin Chúa luôn yêu thương chúng con đến cùng. Chúa luôn ban Mình và Máu nuôi dưỡng cuộc đời mỗi người đang hiện diện nơi đây hoặc đang vắng mặt. Trong cùng một đức mến, chúng con tha thiết nài xin ơn được hiểu biết Chúa hơn, yêu Chúa nhiều hơn và theo Chúa gần kề hơn. Nhờ đó, chúng con nhiệt thành tham gia vào các công việc chung để xây dựng Hội Thánh, xây dựng Giáo phận cũng như cộng đoàn Giáo xứ. Chúng con cầu xin Chúa luôn ở bên đồng hành với mỗi người trong cuộc sống thường ngày, để chúng con biết dùng chính cuộc đời của mình thi hành sứ mạng Chúa trao phó là làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Lạy Chúa, xin giúp sức cho chúng con. Amen.

  • Thinh lặng 5 giây hay hơn tùy theo khả năng của cộng đoàn.

  • Hát và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

  • Hát Tantum Ergo – Lời Nguyện – Phép Lành Thánh Thể.

  • Nếu Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ, thì bỏ hát và Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hát ngay Tantum Ergo….

  • Kết thúc Giờ Chầu, hát một bài tôn kính Đức Mẹ.

  • Nếu giáo xứ cử hành trọn “24 giờ cho Chúa”, nghĩa là tiếp tục giờ Chầu khác, hát một bài chúc tụng, cảm tạ Chúa Thánh Thể, rồi làm dấu, quỳ gối thờ lạy Thánh Thể và ra về.

MẪU II

“NHƯNG CHÚA VẪN RỘNG LÒNG THA THỨ
ĐỂ CHÚNG CON BIẾT KÍNH SỢ NGÀI”
(Tv 130,4)

  • Có thể chọn hai hoặc ba người hướng dẫn Giờ Chầu, họ cần chuẩn bị cẩn thận, thay đổi nhau đọc Lời Chúa, Suy Niệm và Cầu Nguyện cách sốt sắng và đạo đức.

  • HÁT: KINH CHÚA THÁNH THẦN (Quỳ) – Không hát nếu Giờ Chầu tiếp nối Thánh lễ.

  •  Đọc Lời Dẫn Nhập trong khi chuẩn bị lại bàn thờ.

LỜI DẪN NHẬP (Kính mời cộng đoàn ngồi)

Kính thưa Cộng đoàn,

Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, giáo xứ chúng ta tổ chức Giờ Chầu này. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể đưa chúng ta đến với Ngài, để con tim chúng ta được thắp bừng ngọn lửa đức tin, đức cậy và đức mến, dẫn chúng ta bước vào con đường hoán cải bền vững, mà trở nên nhân chứng tình yêu nhiệt thành của Chúa cho gia đình và mọi người. Xin Chúa đổ muôn ơn trên Hội Thánh, trên Giáo Phận và Giáo xứ chúng ta.

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Linh mục đặt Mình Thánh Chúa

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

  • Hát bài thờ lạy Thánh Thể: CON THỜ LẠY

PK1: Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong Phép Thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh. Nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say, dâng hiến Vua Trời khúc hoan ca tràn đầy.

ĐK: Lòng con hân hoan mến tin thành tâm. Dù cho dương gian khó nguy lệ sa. Trông cậy ở Chúa giúp con mau vượt qua. Đời con tin yêu bước đi gần xa, ngày đêm vang lên biết bao lời ca, dẫu ngày sầu thương vững tin thiết tha.

  • Thinh lặng giây lát rồi NHD dâng tâm tình thờ lạy.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con yêu mến thờ lạy Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần, xin Chúa dẫn chúng con đi vào tình yêu Chúa qua chuỗi Kinh Mân Côi Mùa Thương này, để chúng con biết nhìn vào khổ đau đời mình với đôi mắt đức tin, biết biến đổi gian khó trong đời nên những bậc thang đưa chúng con đến sự hoàn thiện, đến vinh quang Nước Trời.

Xin cho chúng con cảm nếm được tình yêu khôn cùng của Chúa biểu tỏ qua các mầu nhiệm Thương Khó, để trở về bước tiếp con đường Thập giá cuộc đời chúng con cách dũng cảm mà tiến tới Nước Trời (x. Rm 6,8; Cl 2,12).

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • HáT: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

  1. Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

  1. Lạy Chúa, lưỡi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con.

Mầu Nhiệm Thứ Nhất
CHÚA GIÊSU HẤP HÔI NƠI VƯỜN CÂY DẦU

LỜI CHÚA  Lc 22,41-42

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.”

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Đứng trước cuộc thương khó và cái chết đớn đau, Đức Kitô cũng mang lấy sự khiếp sợ đến toát cả mồ hôi máu và khẩn nài “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con”. Nhưng dầu phải đối diện với cái chết đớn đau và nỗi lo sợ lớn lao, Người vẫn một mực tin tưởng thưa lên: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42), nhờ vậy, ý muốn cứu độ của Chúa Cha đối với nhân loại được hoàn thành.

  • Thinh lặng 3 giây.

Chúng ta không thể chối bỏ khổ đau. Đó là thành phần của cuộc sống và làm nên cuộc sống. Chúa đến cứu độ không để cất khỏi chúng ta những khổ đau, nhưng làm khổ đau của chúng ta mang ý nghĩa và giá trị cứu độ. Một ân sủng lớn lao là chính Chúa hiện diện và ban ơn nâng đỡ chúng ta trong cơn khổ đau.  Thay vì quay quắt với câu hỏi tại sao, thì nên biết rằng: chịu đau khổ mà có Chúa thì vạn lần hơn là thiếu vắng Ngài.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con gặp thử thách, xin Chúa cầm tay chúng con và cho chúng con nghe được tiếng Chúa nói: “Nào, Cha con mình cùng đi!” Chỉ trong tay Chúa, chúng con mới bước về hạnh phúc vĩnh cửu trong bình an. Amen.

– Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Kinh Sáng Danh.

– Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Mầu Nhiệm Thứ Hai
CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN

LỜI CHÚA  Ga 18, 39-40 – 19,1

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Ông Philatô ra gặp người Do Thái và bảo họ: “Các người có muốn ta tha vua dân Do Thái cho các người không?” Họ lại la lên rằng: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” Baraba là một tên cướp. Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

Sau khi tra xét, quan Philatô đã tuyên bố: Đức Kitô vô tội. Vậy mà dân Do Thái vẫn nằng nặc đòi lên án Chúa. Họ thà tha một tên sát nhân, chứ không chịu bỏ qua bản án bất công cho Đấng Thánh, Đấng vô tội. Sự thù ghét của con người với Chúa của mình thâm độc đến khó hiểu.

  • Thinh lặng giây lát.

Chúa Giêsu vô tội nhưng đã chịu đòn vọt và bao nhục hình đớn đau để đền bù tội lỗi chúng ta như tiên tri Isaia đã loan báo: “Người bị đâm xé vì tội lỗi chúng ta(Is 53,5-7). Người nhận lấy nhuốc hổ, để ta được vinh dự. Người nhận lấy khổ đau, để ta được hạnh phúc. Người gánh nhận bất công, để ta được bình an. Người thương chúng ta dường bao!

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vui chịu những khổ đau, bất công, bệnh tật trong đời để đền tội cho mình, cho gia đình và tha nhân. Xin cho gia đình chúng con biết cư xử hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và biết sống cho nhau như Chúa dạy. Amen.

– Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Kinh Sáng Danh.

– Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Mầu Nhiệm Thứ Ba
CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI MẠO GAI

LỜI CHÚA  Ga 19,2-3

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do thái!” rồi vả vào mặt Người.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

Chúa Giêsu là Vua các vua, là Chúa các chúa, Đấng duy nhất đáng nhận “mọi uy quyền, danh dự và vinh quang”, vậy mà con người đã đội cho Người triều thiên bằng gai, bắt chịu đau đớn và ô nhục. Nhưng đó là con đường cứu độ của Con Chúa, Đấng không hề biết đến tội lại nhận mọi hình khổ của tội để chúng ta được thứ tha; Đấng quyền năng cao cả lại chịu mọi sỉ nhục để chúng ta thoát khỏi ô nhục tội lỗi mà dự phần vinh quang đời đời của Chúa.

  • Thinh lặng giây lát.

Nhiều lần vì chúng ta không noi gương Chúa: “chịu mọi sỉ nhục bằng lòng”, nên để cái tôi tự cao tự đại của mình trồi lên, gây nên xung đột trong gia đình, mất đi niềm vui, gây ra gương xấu.

Trái ý, khổ đau là lẽ thường trong cuộc sống và làm nên cuộc sống, giúp con người trưởng thành. Nhờ cầu nguyện, chúng ta biết đón nhận trái ý, khổ đau, kể cả sỉ nhục trong đức tin và biến nó thành bậc thang đưa chúng ta đến gần Chúa hơn.

Lạy Chúa, nhiều lần chúng con đã nổi xung với bạn đời, con cái, tha nhân chỉ vì không kềm được cảm xúc nóng giận vì cái tôi chúng con quá lớn. Xin giúp chúng con biết kềm lòng tránh đi lời nói nóng nảy hoặc hành động bạo lực, giữ lòng thanh thản, tha thứ, và lấy yêu thương mà hoán cải lòng người. Amen.

– Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Kinh Sáng Danh.

– Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Mầu Nhiệm Thứ Bốn
CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

LỜI CHÚA  Ga 19,16-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

Trên đường đi tới Đồi Sọ, trên vai Chúa không chỉ có giá gỗ nặng nề, mà còn có sức nặng của tội lỗi và mọi nỗi thống khổ của toàn thể nhân loại như lời Tiên tri Isaia loan báo: “Những đau khổ của chúng ta đè nặng trên vai Người. Người bị đâm xé vì tội lỗi chúng ta. Người tình nguyện hiến thân mà không mở miệng than trách, như con chiên bị dẫn đến lò sát, Người không một lời kêu la” (Is 53, 5-7).

Trong Đức Kitô, thập giá mang một ý nghĩa mới: ý nghĩa cứu độ. Thánh giá thành đường dẫn đến vinh quang. Từ đây, niềm hy vọng được thắp lên cho toàn thể nhân loại tội lỗi và trong từng người dám “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” (Lc 9,23) mà bước theo Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, đời sống gia đình đã quá nhiều vất vả, xin cho chúng con đừng đặt thêm những gánh nặng trên nhau bởi những tật xấu như say xỉn, nóng nảy, vũ phu, càm ràm, lạnh lùng, thiếu tôn trọng hoặc thiếu trách nhiệm gia đình. Amen.

– Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Kinh Sáng Danh.

– Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI QUA

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Mầu Nhiệm Thứ Năm
CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐANH TRÊN THÁNH GIÁ

LỜI CHÚA  Lc 23,33-34

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá. Chúa đã hiến trao đến cùng mạng sống và sự tự do của Người cho thánh ý Chúa Cha để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Thập giá vốn là điều ô nhục với người Do Thái, thì nay, lại trở thành “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”[2]. Trên Thập giá, đôi tay Chúa mở ra để ôm cả nhân loại vào lòng thương xót vô biên của Ngài.

Trong đời sống gia đình, nhiều lần đôi tay chúng ta đã khép lại khước từ nhau bằng thái độ lạnh lùng, chấp. Gia đình chúng ta thay vì lan tỏa “dầu thơm” của lòng thương xót lại chỉ tỏa lan bầu khí của hận thù, đố kỵ. Cuộc đời thật ngắn ngủi, mỗi giờ sống trong lạnh nhạt là làm mất một thời gian hạnh phúc bên nhau. Yêu thương biến gia đình thành thiên đàng tại thế và là đường dẫn gia đình tới Thiên Đàng mai sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa bên chúng con trong khổ đau, mà can đảm bước theo Chúa trên đường Thánh giá. Amen.

– Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Kinh Sáng Danh.

– Lạy Chúa Giêsu…

  • Kính mời cộng đoàn đứng

  • HáT: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

LỜI KẾT

Lạy Chúa Giêsu, chúng con vừa suy niệm các Mầu nhiệm cứu độ của Chúa qua Kinh Mân Côi. Xin cho ý nghĩa và ân sủng cứu độ của các Mầu Nhiệm này thấm nhập cuộc đời chúng con, đưa chúng con vào sự kết hợp sâu xa với Chúa, và biến đổi chúng con trở nên nhân chứng tình yêu, niềm vui và hy vọng của Chúa cho mọi người. Amen.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

  • Thinh lặng 7 giây.

  • Hát và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

  • Hát Tantum Ergo – Lời Nguyện – Phép Lành Thánh Thể.

  • Nếu Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ, thì bỏ hát và Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hát ngay Tantum Ergo….

  • Kết thúc Giờ Chầu, hát một bài tôn kính Đức Mẹ.

  • Nếu giáo xứ cử hành trọn “24 giờ cho Chúa”, nghĩa là tiếp tục giờ Chầu khác, hát một bài chúc tụng, cảm tạ Chúa Thánh Thể, rồi làm dấu, quỳ gối thờ lạy Thánh Thể và ra về. 

MẪU III

MUÔN LOÀI NGÓNG CHỜ NGÀY THIÊN CHÚA MẶC KHẢI VINH QUANG CỦA CON CÁI NGƯỜI (A)  (x. Rm 8,19)

  • Nên chọn ba người thay nhau hướng dẫn Giờ Chầu, họ cần chuẩn bị trước để đọc cách sốt sắng và đạo đức.

  • HÁT: KINH CHÚA THÁNH THẦN (Quỳ) – Không hát nếu Giờ Chầu tiếp nối Thánh lễ

  •  Đọc Lời Dẫn Nhập trong khi chuẩn bị giờ Chầu.

LỜI DẪN NHẬP (Kính mời cộng đoàn ngồi)

Kính thưa Cộng đoàn,

Trong Tông sắc Misericordiae Vultus, Đức Phanxicô dạy: “Rất đông người đang trở lại với Bí tích Hòa Giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa, sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ, để bí tích này là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự cho mỗi hối nhân…”

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu trong Giờ Chầu này, để chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin mà hân hoan trở nên chứng nhân lòng thương xót của Chúa giữa gia đình và mọi người.

Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Chủ sự tiến ra đặt Mình Thánh Chúa.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

  • HÁT: LÒNG CHÚA ÁI TUẤT

PK1: Đây lòng Chúa ái tuất không bến bờ. Thương loài nhân thế đang vướng tội nhơ. Đem trót Máu Thịt nuôi dưỡng xác hồn. Ngày đêm ban xuống cho muôn ngàn ơn.

ĐK: Con xin kính tin sấp mình thờ lạy Chúa. Và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống Tình Yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn Thiên Đình.

  • Thinh lặng giây lát rồi NHD đọc cách tâm tình:

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã nhập thể làm người để chia sẻ đến cùng phận người của chúng con. Chúa đã vui nhận cái chết khổ đau để giải thoát chúng con khỏi tội và đã sống lại để đưa chúng con vào sự sống mới thần linh. Với tình yêu khiêm hạ, Chúa tiếp tục hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con, đồng hành và dẫn dắt chúng con tiến về Quê Trời. Lòng tràn ngập hân hoan, chúng con thờ lạy và cảm tạ Chúa.

Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con nên tinh tuyền, để chúng con đón nhận được dồi dào ân sủng có sức đổi mới và làm phong phú tâm hồn và cuộc sống chúng con từ những phút giây bên Chúa lúc này. Xin thương đổ xuống trên giáo xứ, giáo phận chúng con muôn hồng ân của Chúa.

  • Thinh lặng 5 giây.

  • Mời cộng đoàn đứng. NHD đọc Lời Chúa.

Lời Chúa   Rm 8,18-25

Trích thư của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma.

Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Thật vậy,… cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa…? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

  • Linh mục chủ sự có thể đến tòa giải tội.

  • Thinh lặng 5 giây rồi NHD tiếp tục đọc. (Không đọc tựa đề như Suy Niệm, Cầu Nguyện– đọc luôn vào lời suy niệm).

SUY NIỆM

“Việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua là đỉnh cao của năm phụng vụ, mời gọi chúng ta thực hiện một hành trình chuẩn bị, với nhận thức rằng việc chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29) chính là một món quà vô giá bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.[3]

Khi được Thánh Thần dẫn dắt (x. Rm 8,14) để sống như những con cái đích thực của Thiên Chúa, chúng ta có khả năng nhận biết và tuân giữ lề luật của Chúa được viết nơi tâm hồn ta, chúng ta cũng sẽ làm lợi cho công trình sáng tạo bằng cách cộng tác trong ơn cứu chuộc nó. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng mọi loài thọ tạo ngóng trông ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… (x. Rm 8,19). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa được tạo ra bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết. [4]

  • Thinh lặng 3 giây.

  1. TỘI LỖI PHÁ ĐỔ CÁC TƯƠNG QUAN

Lạy Chúa, ngày nay người ta nhạy cảm hơn với môi trường sinh thái: những bãi rác bừa bãi, những xí nghiệp thải chất độc gây ô nhiễm môi trường đều bị lên tiếng vì gây hại sức khỏe thể xác. Nhưng những bãi rác của tệ nạn, bất công, dối trá lại cứ ngập tràn gia đình, học đường, xã hội gây ô nhiễm môi trường tinh thần, băng hoại đạo đức con người thì chưa được chúng con lo lắng đủ.

Những hành động như vậy tỏ rõ đức tin yếu hèn của chúng con. Chúng con trọng tiền hơn Chúa, trọng thân xác hơn linh hồn, trọng cái chóng qua hơn vĩnh cửu, tìm cách chiếm hữu của cải hơn là tập nhiều nhân đức. Những giá trị tinh thần làm nên phẩm giá, ý nghĩa và hạnh phúc cho con người như thành thật, công bằng, quảng đại, bao dung, khiêm hạ bị coi thường, còn những giá trị vật chất chóng qua như tiền bạc, của cải lại được đề cao. Chúng con ở nhà lầu, đi xe hơi, nhưng tâm hồn lại nghèo tình yêu và lòng thương xót… Đó là lúc gia đình chúng con đang lao theo dục vọng, đang sống và dạy con cái nguyên tắc: “Tiền là tất cả! Có tiền mua tiên cũng được. Phải có tiền lập tức, có nhiều, có mau chóng mà ít vất vả” hoặc “Bấy nhiêu chưa đủ, cần nhiều, cần hơn mãi, phải hơn người, làm sao có nhiều tiền bất chấp tiếng lương tâm!”

Thân xác bệnh tật nhưng tâm hồn cao thượng thì con người vẫn có thể sống một đời ý nghĩa, dũng cảm và hạnh phúc. Nhưng tâm hồn bệnh hoạn thì dù thân xác khỏe mạnh, của cải dư dật, thì đời người kể như đã chết, không thể có được bình an. Một tâm hồn tội lỗi vừa phải gánh chịu bất hạnh, khổ đau tại thế, có khi phải lãnh nhận án phạt muôn đời.

Lạy Chúa, lúc này, chúng con cần nghe lại lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). Khi chúng con sống theo dục vọng bản năng, khi gia đình sống theo tinh thần thực dụng, hưởng thụ, thế gian bất chấp lương tâm:

– Đó là lúc chúng con đang làm xói mòn ĐỨC TIN của mình và con cái vì chạy theo cuộc sống trần gian mà quên bỏ Chúa, cậy vào tiền bạc mà dửng dưng với Chúa. Đây là cách sống chắc chắn đưa chúng con và gia đình đến hủy diệt, khổ đau và sự chết như Lời Chúa khẳng định và thực tế xác thực: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

NHD: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con!

CĐ:  Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con!

– Đó là lúc chúng con đang làm tê bại TRÁI TIM của mình và con cái vì chạy theo hưởng thụ ích kỷ. Một trái tim dần khép kín nơi chính mình, chỉ biết lạc thú chóng qua mà quên sự sống đời đời. Một trái tim chỉ biết sống cho mình mà quên bỏ Chúa và tha nhân sẽ không bao giờ tìm được bình an, niềm vui và sự thỏa nguyện. Một trái tim không thể vươn tới một tình yêu đích thực với Chúa, với người sẽ không bao giờ được lấp đầy trong niềm vui của Chúa. Trái tim thiếu lòng thương xót, nhẫn nại và bao dung, chúng con không sống thực là một con người.

NHD: Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim của chúng con!

CĐ:  Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim của chúng con!

– Đó là lúc chúng con đang làm băng hoại ĐỜI SỐNG của mình và con cái bằng lối sống sai trái, bất công, hưởng thụ, dẫn tới sự hủy hoại đời sống và đổ vỡ gia đình, không còn khả năng để sống thật, sống quảng đại, sống đạo đức làm nên ý nghĩa thần linh và giá trị trường tồn cho đời sống chúng con. Chúng con xác tín rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi kèm tiến bộ trong việc hình thành luân lý con người, trong việc tăng trưởng nội tâm tương ứng (x Eph 3,16; 2 Cor 4,16), thì nó chẳng là tiến bộ gì cả, nhưng là mối đe dọa cho con người và cho thế giới”.[5]

NHD: Lạy Chúa, xin canh tân đời sống chúng con!

CĐ:  Lạy Chúa, xin canh tân đời sống chúng con!

Lạy Chúa, bản thân chúng con yếu đuối, cám dỗ thế gian quá mãnh liệt, xu hướng xã hội duy vật, hưởng thụ, thực dụng ngày nay đối nghịch với tinh thần Tin Mừng, việc sống đức tin lúc này là lội ngược dòng đầy gian khó. Để trung thành bước theo Chúa đòi chúng con thật nhiều dũng cảm, hy sinh, sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cần ơn Chúa trợ giúp “… vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thật chúng con quá sức lầm lạc khi coi trọng thân xác mà quên linh hồn, trọng đời này mà quên đời sau. Ngày nào đứng trước tòa Chúa, chúng con thấy mình khốn khổ bởi vì: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” muôn đời (Ga 5,29). Lúc đó, chúng con dù có muốn làm lại một đời sống mới cũng không có thể.

Giữa thế giới mà nhiều người Kitô hữu chạy theo thói đời vì đức tin hời hợt, chúng con dễ biện minh: “Ta sao mình vậy, sống khác người sao được!” Nhưng lại không ý thức rằng “yêu Chúa và được Chúa yêu” là một ân huệ tuyệt đối cao quý trong đời; dù được cả thế gian mà mất linh hồn cũng vô nghĩa, huống chi chỉ vì một mớ của cải ít ỏi và hưởng thụ ngắn ngủi mà mất Chúa, mất đi hạnh phúc đời đời thì thật vô cùng ân hận, một ân hận không thể sửa đổi. Thật điên rồ khi chúng con chỉ lo tích trữ của cải với niềm tin viển vông rằng chúng con có thể đảm bảo một tương lai vốn chẳng hề thuộc về chúng con[6]. Chẳng lẽ người ta kéo nhau xuống hỏa ngục, chúng con cũng theo họ xuống đó sao?

Lo cho con cái bằng cấp và nghề nghiệp có lẽ dễ hơn giáo dục con có đức tin vững mạnh và sống đời đạo đức. Nhưng con cái chúng con giàu có và sở hữu bằng cấp, mà trái tim chúng cằn cỗi, vô đạo, dửng dưng với Chúa, với người, thì cuộc đời chúng chắc chắn bất hạnh tại thế và khổ đau đời đời. Vậy thì bằng cấp để làm gì? Tiền nhiều để làm gì? Con cái sẽ làm chúng con đổ lệ chứ không là nụ cười của cha mẹ. Lo lắng giáo dục đức tin cho con cái quan trọng là thế, cần thiết là vậy!

  • Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: GIỮ GÌN CON CHÚA ƠI

ĐK: Giữ gìn con Chúa ơi. Vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm. Trong cánh tay Người hồn con vui sống. Tình yêu Chúa khoan dung bền vững muôn đời.

  1. Hồn con thao thức bên lòng Chúa. Chúa là gia nghiệp duy nhất đời con. Là chén phần phúc con trông mong. Con tiến dâng Người tấm lòng cậy trông.

  2. Hồn con lên tiếng ca tụng Chúa. Chúa là hy vọng nâng đỡ đời con. Là chính cùng đích con trông mong. Nơi cánh tay Người vững một niềm tin.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi. NHD tiếp tục đọc lời cầu nguyện.

  1. HOÁN CẢI TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH

Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một xã hội có nhiều xu hướng đối nghịch với tinh thần Kitô giáo. Chúng con có thể thấy rõ sức mạnh của ma quỷ như đang quyết liệt chống phá Giáo Hội khiến nhiều người chúng con hoảng sợ. Có những Kitô hữu vì không dành giờ cầu nguyện để phân định sự thật dưới ánh sáng của Chúa, không đủ hiểu biết đức tin nên vội ngả theo tiếng nói thù nghịch, mà buông mình sống theo thế gian, có khi còn hùa với nó để chống lại Giáo Hội, phỉ báng cả Chúa. Một thụ tạo chóng qua, hư vô lại buông bỏ Thiên Chúa Hằng Sống, Chủ Tế mọi loài, thì đời họ chắc chắn đi đến tuyệt vọng, hủy diệt và sự chết như Thánh Kinh xác quyết: “Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8,13).

Trong những tháng năm này, khi con thuyền Giáo Hội đang bập bềnh giữa cuồng phong của thế gian, mà Chúa thì dường như đang thiếp ngủ giống ngày nào trên thuyền của Phêrô (x. Lc 8,23), nhiều người chúng con xem ra hoang mang, hoảng sợ. Nhưng hành động tìm đến Chúa của các Tông đồ cũng đang thúc đẩy chúng con mạnh dạn tiến lại gần Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp (x. Dt 4,16), để được Chúa giải cứu khỏi sự dữ và làm vững mạnh đức tin.

Chúng con mạnh dạn tiến lại gần Chúa là đặt trọn niềm tin vào một Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng đã chết và đã sống lại, Đấng đang làm chủ vũ trụ và lịch sử nhân loại, Đấng đang hiện diện với từng người chúng con, làm Chủ Tể duy nhất của cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, nhiều người trong chúng con vốn có một đời đạo đức nề nếp, siêng năng dự lễ và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, dành nhiều giờ bên Thánh Thể. Có người còn rất nhiệt thành với việc bác ái và tông đồ nơi giáo xứ. Hẳn Chúa cũng đang đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến chúng con như xưa Chúa đã dành cho người thanh niên giàu có (x. Mc 10,21). Nhưng chúng con cũng đang nghe được tiếng Chúa gọi mời chúng con: Con chỉ còn thiếu một điều nữa, hãy bán đi những gì con có và đến theo Ta (x. Mc 10,22).

Chúng con sống đời đạo đức tốt lành, làm nhiều việc thiện để lập công phúc với Chúa, nhưng chính Chúa thì chúng con có khi lại rất xa lạ. Chúng con chờ đợi ân huệ của Chúa, mà lại không yêu mến, không khao khát có một tương quan mật thiết với Chúa như Cha với con, như hai người bạn tri kỷ, như hai người yêu thương nhau sâu đậm. Chúa muốn chúng con sống tình thân với Chúa. Chúa khao khát chúng con có một gắn bó yêu thương. Chúa cần gì công việc của chúng con. Chúng con giống như người thanh niên giàu có đã giữ đủ lề luật, nhưng lại thiếu điều cốt lõi là thiếu Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Xin giải thoát chúng con khỏi tình trạng đức tin thụ động này. Xin giải thoát chúng con khỏi sự an lòng giả tạo với một số bổn phận và lề luật làm vì Chúa, nhưng rất thường chúng con chỉ chọn làm những gì chúng con thích mà không muốn làm những điều Chúa yêu, nhất là khi phải chấp nhận hy sinh vật chất hoặc từ bỏ bản thân. Đời sống đức tin của chúng con chỉ diễn tả trong nhà thờ mà chưa thể hiện trong cuộc sống. Một đời sống đạo với những công việc bề ngoài xem rất xum xuê, khiến chúng con thỏa nguyện nghĩ mình đạo đức, nhưng kỳ thực chúng con còn thiếu một điều rất đỗi quan trọng như thân xác thiếu linh hồn, đó là thiếu chính Chúa trong cuộc đời chúng con hoặc sống tình thân với Chúa cách thật hời hợt.

NHD: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

CĐ:    Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

Xin hãy cho chúng con có một bước nhảy trong đức tin, mạnh mẽ nhảy vào lòng Chúa và ở lại trong tình thương của Chúa. Xin hãy đến viếng thăm tâm hồn chúng con như Chúa đã thăm nhà Giakêu hôm nào, để từ nay, chúng con hy vọng vào Chúa chứ không cậy dựa vào ân huệ của Chúa. Chúng con hạnh phúc vì có Chúa chứ không chỉ vì những ơn huệ Chúa ban. Xin cho chúng con một lần gặp gỡ Chúa thật sâu xa, để từ nay cuộc đời chúng con luôn ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con. Chúng con cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa chăm sóc cuộc đời chúng con để luôn lớn tiếng tuyên xưng: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ con suốt cả cuộc đời…” (Tv 23,6).

NHD: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con!

CĐ:    Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con!

Vì tâm hồn chúng con là nơi Chúa ngự và đời sống là nơi Chúa đến gặp gỡ chúng con, xin cho chúng con biết hướng lòng về Chúa mọi nơi, mọi lúc, biết yêu mến và sống thánh ý Chúa trong mọi việc làm, để dần xây đắp mối tình mật thiết với Chúa đến độ cảm nghiệm được Chúa, là Cha, là Đấng Yêu Thương vô biên, tuy vô hình nhưng thực đang ở với chúng con, đang chăm sóc cuộc đời chúng con như Chúa đã dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

NHD: Lạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với chúng con!

CĐ:    Lạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với chúng con!

Xin cho chúng con vững tin vào tình yêu, sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa và dũng cảm thực thi lề luật và thánh ý Chúa, dù đó là những điều đòi chúng con phải hy sinh vật chất hoặc chính bản thân chúng con, bởi lẽ Chúa có thể “làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Chắc chắn, Chúa chẳng bao giờ chịu thua tình yêu và lòng quảng đại của chúng con dành cho Chúa và Chúa thường ban lại cho chúng con những ân huệ, có khi là thiêng liêng, lớn lao vạn vạn lần hơn những gì chúng con dám mong đợi. Một khi cảm nghiệm được tình yêu và lòng tốt của Chúa, chúng con chắc chắn có được niềm vui mà thánh Phêrô nói: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13).

NHD: Lạy Chúa, chúng con hân hoan chúc tụng tình yêu của Chúa!

CĐ:  Lạy Chúa, chúng con hân hoan chúc tụng tình yêu của Chúa!

Xin cho tình thân với Chúa trong tâm hồn chúng con dần sâu đậm đến độ chi phối và hướng tất cả suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con theo thánh ý Chúa. Ước gì một ngày nào đó, nhờ ơn Chúa, lời Kinh Thánh nói về Môisen cũng được hiện thực phần nào nơi cuộc đời chúng con: “Đức Chúa đàm đạo với ông Môisê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau…” (Xh 33,11). Một kinh nghiệm về Chúa như vậy chắc chắn mang đầy đoàn sủng có sức canh tân đời sống thiêng liêng của chúng con cách mạnh mẽ và bền vững. Chúng con biết rằng được gặp gỡ Chúa, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa, được sống mật thiết với Chúa là ân huệ của lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con, chứ không phải tự sức chúng con có được. Xin cho chúng con biết mở cánh cửa lòng mình, cánh cửa của gia đình mình như ông Giakêu ngày nào, để Chúa có thể bước vào tâm hồn, vào gia đình và ở lại mãi với chúng con. Nhờ sự hiện diện của Chúa, cuộc đời chúng con luôn tươi vui, gia đình chúng con luôn an bình tiến bước giữa cuộc đời đầy gian khó với niềm hy vọng thật lớn lao mà lời Kinh Thánh dạy: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

NHD: Lạy Chúa, xin cho chúng con được ở lại trong tình thương của Chúa!

CĐ:  Lạy Chúa, xin cho chúng con được ở lại trong tình thương của Chúa!

  • Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn quỳ.

  • Hát DÙ CON CHƯA THẤY NGÀI – Lm Nguyễn Duy

  1. Này linh hồn con, nguyện hướng về Chúa tâm tư khấn xin từ đây, Chúa đừng để con xót xa bao giờ. Vì ai cậy Chúa và tin ở Chúa, tâm tư chứa chan niềm vui, chẳng khi nào ngơi tiếng ca tuyệt vời.

ĐK. Chúa ơi bao tháng năm rồi con vẫn u hoài ngước trông về Chúa. Chúa ơi con hướng lên Ngài chan chứa hy vọng vững tin muôn đời.

  1. Đời con tội lỗi, tuổi xuân lầm lỡ, xin thương thứ tha Ngài ơi đoái trông hồn con tháng năm dại khờ. Đường ngay nẻo chính, Ngài đã dạy con đi theo bước chân tình yêu ngước trông trời cao chứa chan ngọt ngào.

  • Kinh Đền Tạ Trái Tim Chúa Giêsu (tùy ý đọc hay bỏ).

NHD: Giờ đây, chúng ta cùng thiết tha dâng lên Chúa lời kinh Đền Tạ Trái Tim Chúa Giêsu. Đền tạ vì tội lỗi của chúng ta, của gia đình chúng ta, của toàn thể nhân loại. Xin Thánh Tâm Chúa thương tha thứ và cứu độ chúng ta, ban ân sủng, niềm vui và bình an cho cuộc đời chúng ta.

KINH ĐỀN TẠ TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi; nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ hằng làm sỉ nhục Thánh Tâm Chúa hay thương dường ấy.

Song le chúng con nhớ lại: xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha; chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi, hoặc bởi vô tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội, mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.

Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, lại dốc lòng đền riêng những tội này: như cách ăn ở buông tuồng mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh, tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ, sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các thánh, những lời sỉ nhục phỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy, những điều ơ hờ khinh dể cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí tích mến yêu; sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền, cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy.

Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy, ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá, mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày, lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ đồng trinh và các thánh cùng các kẻ lành, cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa. Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa: từ này về sau, nhờ ơn Chúa giúp, thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Phúc Âm cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con, cùng tội thiên hạ đã bội ơn phụ nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy, lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa, cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa. Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân, chúng con cậy vì lời Đức Nữ đồng trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhậm lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời, cho ngày sau chúng con hết thảy được về Quê thật, là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

  • Thinh lặng một chút, sau đó hát và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

  • Hát Tantum Ergo – Lời Nguyện – Phép Lành Thánh Thể.

  • Nếu Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ, thì bỏ hát và Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hát ngay Tantum Ergo….

  • Kết thúc Giờ Chầu, hát một bài tôn kính Đức Mẹ.

  • Nếu giáo xứ cử hành trọn “24 giờ cho Chúa”, nghĩa là tiếp tục giờ Chầu khác, hát một bài chúc tụng, cảm tạ Chúa Thánh Thể, rồi làm dấu, quỳ gối thờ lạy Thánh Thể và ra về.

MẪU IV

MUÔN LOÀI NGÓNG CHỜ NGÀY THIÊN CHÚA MẶC KHẢI VINH QUANG CỦA CON CÁI NGƯỜI (B)  (x. Rm 8,19)

  • Nên chọn ba người thay nhau hướng dẫn Giờ Chầu, họ cần chuẩn bị trước để đọc cách sốt sắng và đạo đức.

  • HÁT: KINH CHÚA THÁNH THẦN (Quỳ) – Không hát nếu Giờ Chầu tiếp nối Thánh lễ

  • Đọc Lời Dẫn Nhập trong khi chuẩn bị giờ Chầu.

LỜI DẪN NHẬP (Kính mời cộng đoàn ngồi)

Kính thưa Cộng đoàn,

Đức Kitô -Con Thiên Chúa- đã làm người. Ngài bước vào thế giới, bước vào tâm hồn mỗi người để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, ban cho ta ơn bình an và mở ra cho đời ta một tương lai tươi sáng. Khi mở lòng đón nhận Chúa Kitô là sự sống và hy vọng của đời mình, mà vượt thắng quyền lực tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng góp phần làm cho gia đình mình và cả thụ tạo được thông dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời đặt tất cả vào cuộc đợi chờ ngày Chúa đến hoàn tất ơn cứu độ của Người.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu trong Giờ Chầu này, để Ngài đổi mới tâm hồn chúng ta.

Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Chủ sự tiến ra đặt Mình Thánh Chúa.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ.

  • HÁT: LẠY CHÚA CON TIN – Lm Ân Đức

ĐK: Lạy Chúa con tin Chúa thật uy quyền mà ngự dưới hình bánh mong manh. Phải chăng tình Chúa bao la, ôi tình yêu thăm thẳm cao vời, trí phàm nhân ai hiểu được Chúa ơi.

PK1: Ôi, tình yêu lạ lùng khôn ví, ôi tình yêu muôn trùng cao quý, Chúa trở nên Tấm Bánh Trường Sinh. Để luôn nuôi dưỡng muôn người, để ban sức sống bởi trời, để con được chung phần phúc muôn muôn đời.

  • Thinh lặng giây lát rồi NHD đọc cách tâm tình:

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã nhập thể làm người để chia sẻ đến cùng phận người của chúng con. Bằng cái chết và sự Phục Sinh, Chúa đã cứu độ chúng con. Với tình yêu khiêm hạ tột cùng, Chúa tiếp tục hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con, đồng hành và dẫn dắt chúng con tiến về Quê Trời. Với lòng tràn ngập hân hoan, chúng con thờ lạy và cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ôm chúng con vào lòng như đứa con nhỏ bé nhất của Chúa, như một tội nhân thứ nhất của Chúa, như một thụ tạo nghèo hèn nhất của Chúa, để chúng con được hưởng nếm trọn vẹn Lòng Thương Xót mà Chúa dành cho chúng con.

  • Thinh lặng 5 giây.

  • Mời cộng đoàn đứng. NHD đọc Lời Chúa.

Lời Chúa  Rm 8,18-25

Trích thư của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma.

Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Thật vậy,… cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi.

  • Linh mục chủ sự có thể đến tòa giải tội.

  • Thinh lặng chừng 5 giây rồi NHD tiếp tục đọc. (Không đọc tựa đề như Suy Niệm hoặc Cầu Nguyện – đọc luôn vào lời suy niệm).

SUY NIỆM

“Việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua là đỉnh cao của năm phụng vụ, mời gọi chúng ta thực hiện một hành trình chuẩn bị, với nhận thức rằng việc chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29) chính là một món quà vô giá bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.[7]

Khi được Thánh Thần dẫn dắt (x. Rm 8,14) để sống như những con cái đích thực của Thiên Chúa, chúng ta có khả năng nhận biết và tuân giữ lề luật của Chúa được viết nơi tâm hồn ta. Chúng ta cũng sẽ làm lợi cho công trình sáng tạo bằng cách cộng tác trong ơn cứu chuộc nó. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng mọi loài thọ tạo ngóng trông ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… (x. Rm 8,19).

Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa được tạo ra bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.[8]

  • Thinh lặng 4 giây.

  1. TỘI LỖI PHÁ ĐỔ CÁC TƯƠNG QUAN

Lạy Chúa Giêsu, chúng con biết rằng căn nguyên của mọi sự ác là tội lỗi. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, tội của Ađam đã làm mất đi vẻ đẹp hài hòa tuyệt hảo của tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên. Vì tội mà vườn địa đàng xinh đẹp là môi trường sống thuở ban sơ của nguyên tổ nay sinh nhiều gai góc, gây bao khổ đau và nhọc nhằn cho cuộc sống con người. Cái đẹp của tình yêu gia đình là sống cho nhau và vì nhau, sẵn sàng đồng phận với nhau trong mọi hoàn cảnh nay trở nên tệ hại vì mỗi người tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình và sẵn sàng chất tội, chất nợ, hận trên đầu nhau với lời đổ tội: “vì mi”.

Sự rạn nứt trong mối hiệp thông với Chúa cũng làm suy yếu mối tương quan của con người với môi trường sống. Tội lỗi khiến con người tự xem mình là chúa tể tuyệt đối và tùy ý sử dụng thụ tạo theo ý mình, nhất là khai thác chúng theo lòng tham vô độ, bất chấp mục đích mà Đấng Tạo Hóa mong muốn, gây tổn hại trầm trọng cho muôn loài thụ tạo, cho môi sinh. Điều mà chúng con đang chứng kiến trong thế giới ngày nay.[9]

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng vũ trụ xinh đẹp, với nguồn tài nguyên phong phú để làm môi trường sống cho con người qua các thế hệ. Chúa đã trao tặng chúng con trái đất để làm chủ và phát triển hầu cuộc sống được ấm no. Nhưng chính con người đang tự gây nên thảm họa cho mình bằng việc tàn phá thiên nhiên không thương xót.

Nhìn kỹ lại, mỗi người chúng con cũng đang là tác nhân góp phần làm ô nhiễm môi sinh. Từng nạm rác mà chúng con quét ra đường, ném xuống cống, xả ra suối đang gây nên ô nhiễm. Nhiều dòng nước sinh hoạt dơ bẩn từ gia đình chúng con đi thẳng vào cống, chảy ra sông, ra biển, cũng đang làm cho nguồn nước trở nên dơ bẩn, tác hại đến sự sống của bao sinh vật và rồi quay về lại với chúng con.

NHD: Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu quý và bảo vệ môi trường sống của chúng con!

CĐ:    Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu quý và bảo vệ môi trường sống của chúng con!

Nhưng nhất là lòng tham lam tiền bạc đang là nguyên nhân thúc đẩy chúng con đến những hành động gian dối, bất công, độc ác làm hại tha nhân, đồng thời gây nên tác hại khủng khiếp cho chính chúng con, cho gia đình và con cái.

Tiền bạc lôi kéo chúng con làm điều gian dối, bất công, đong thừa cân thiếu, sản xuất hàng giả, hàng nhái. Vì muốn làm giàu mau chóng mà ít vất vả, nhiều người sử dụng hóa chất độc hại vào thức ăn, vào chăn nuôi, trồng trọt, vào mua bán… gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự sống tha nhân, gây nên mầm bệnh hiểm nghèo, là hành động giết người thầm lặng tiệm tiến.

Ngay trong giáo xứ, nơi những hàng quán của các tín hữu, chúng con có thể tin nhau đến độ biết chắc mình không mua hớ, không bị lừa hàng giả, không cân thừa đong thiếu, tiền bạc sòng phẳng, mua được thịt, cá, rau củ quả sạch nữa không? Những việc làm sai trái này không chỉ làm hại sức khỏe, mà còn làm mất niềm tin vào nhau khiến cuộc sống xã hội trở nên ngột ngạt, nghi kỵ, bất ổn. Đức tin nơi Chúa có còn là nền tảng để chúng con tin nhau nữa không hay lại nghe những lời đớn đau: Tin đạo chứ không tin kẻ có đạo!

NHD: Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến và tôn trọng sự sống của tha nhân!

CĐ:    Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến và tôn trọng sự sống của tha nhân!

Đặt vấn đề như vậy, chúng con mới dễ nhận ra hậu quả trầm trọng của tội lỗi gây ra bởi lòng tham, thấy được mối tương quan mật thiết giữa cuộc sống hằng ngày với đức tin. Đức tin phải gắn liền vào cuộc sống. Sự dối trá không chỉ làm môi trường sống thêm tồi tệ, làm hại sự sống tha nhân, nhưng còn đang làm băng hoại môi trường tinh thần gây cái chết tâm hồn vạn lần nguy hại hơn. Làm sao chúng con có thể sống an vui, thanh thản khi chúng con không tin nhau, ăn gì cũng sợ hại, chữa bệnh nơi đâu cũng dè chừng người “lương y” nhưng lại như “ác mẫu”.

  • Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát: XIN CHO ĐỜI TÔI – Phạm Quang

  1. Đã làm người mỗi người đều có một lần sinh ra một lần chết đi. Nên đừng uổng phí hay không có gì cho anh em mình. Chúa làm Người, Ngài cũng như anh, Ngài cũng như tôi nhưng sống hết tình và sống hết mình phục vụ anh em chết trên thập hình.

ĐK. Xin, xin cho đời tôi đừng sống hững hờ làm ngơ giả điếc. Nhưng xin cho cuộc đời mở rộng đôi tay để biết cho đi. Xin, xin cho đời tôi đừng sống vô tình lợi danh khép kín. Nhưng yêu thương con người để khi chết đi chẳng hối tiếc gì.

  1. Giữa cuộc đời kiếm tìm hạnh phúc chẳng tìm đâu ra vì còn đam mê sang giàu quyền thế riêng tư cho mình quên đi ân tình. Muốn tìm được hạnh phúc quanh đây chẳng có đâu xa là sống hết tình và sống hết mình phục vụ anh em chết cho cuộc đời.

  • Kính mời cộng đoàn ngồi. NHD tiếp tục đọc lời cầu nguyện.

  1. HOÁN CẢI TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH

Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, trong đỉnh cao của mầu nhiệm nhập thể, Chúa chạm đến chiều sâu tận cùng của chúng con qua xác thể. Chúa đã mặc lấy một phần thế giới vật chất vào bản tính thần linh của Chúa, và qua đó, gieo vào đó hạt giống của sự biến đổi cánh chung, nhờ đó, cuộc đời chúng con và cả thế giới trở nên nên cao cả khi đang được cùng Chúa tiến tới vinh quang đời đời.

Lạy Chúa, trái đất nơi chúng con sống, đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi trường, không những gây tổn hại mà còn có nguy cơ hủy diệt sự sống của chúng con. Con người càng tiến bộ về khoa học kỹ thuật, thì môi trường sinh thái dường như càng bị đe dọa trầm trọng. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi nó liên hệ đến cả một hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Chỉ mình Chúa mới là Đấng làm chủ tâm hồn, có thể hoán cải lòng người, giúp con người vượt qua tư lợi để tôn trọng và phục vụ cho lợi ích chung của nhân loại.

Xin cho ngày càng có nhiều người can đảm đấu tranh để bảo vệ môi trường sống, và tiếng nói của họ được những nhà lãnh đạo, những người nắm giữ quyền lực về kinh tế, xã hội và mọi người lắng nghe;

Xin cho mỗi người chúng con không chỉ dừng lại ở lời cầu nguyện, mà biết thực sự dấn mình góp phần vào việc chăm sóc bảo vệ môi trường trong cuộc sống chúng con:

– Xin cho chúng con nỗ lực góp phần làm môi trường sạch đẹp, như không xả rác bừa bãi ra đường hoặc ném xuống kênh, xuống suối; biết giữ gìn vệ sinh trong gia đình và góp phần quét dọn nhà thờ hoặc những nơi công cộng;

NHD: Lạy Chúa, xin cho chúng con quý trọng môi trường sống như quà tặng Chúa ban!

CĐ:    Lạy Chúa, xin cho chúng con quý trọng môi trường sống như quà tặng Chúa ban!

– Xin dạy chúng con tìm cách xử lý để hạn chế hết sức mức độ dơ bẩn, độc hại của những nước sinh hoạt mà chúng con thải ra ngoài cống rãnh công cộng;

NHD: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quý trọng và bảo vệ thiên nhiên!

CĐ:    Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quý trọng và bảo vệ thiên nhiên!

– Xin giúp chúng con can đảm vượt thắng lòng tham, để không làm hại người bằng những hóa chất độc hại, khi xác tín rằng, chính Chúa yêu thương, chăm sóc đời sống chúng con và mọi người;

NHD: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn trọng sự sống của tha nhân!

CĐ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tôn trọng sự sống của tha nhân!

– Xin giúp chúng con nỗ lực dạy con cái ý thức về sự hiện diện của Chúa nơi tạo vật, biết quý trọng và gìn giữ trái đất như hồng ân Chúa ban, luôn thương mến mọi người và can đảm bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại.

NHD: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết gìn giữ ngôi nhà chung của nhân loại!

CĐ:    Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết gìn giữ ngôi nhà chung của nhân loại!

Hôm nay, chúng con đang được Chúa mời gọi hoán cải “cõi lòng” vì đó là nơi dính bén, là nguồn cội mọi thứ nô lệ và ước muốn xấu xa, từ đó phát sinh những hành động dối trá, bất công, oán thù. Có hoán cải “trái tim”, chúng con mới có thể canh tân “đời sống”. Xin Chúa đổ đầy Chúa Thánh Thần trong chúng con, để Ngài thanh tẩy chúng con khỏi tinh thần thế tục, khỏi những dục vọng xấu xa, và mặc cho chúng con những tâm tư của Chúa. Nhờ đó, những hoa trái của Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ” (Gl 5,22-23) được trổ sinh nơi cuộc đời chúng con. Xin Chúa luôn hiện diện trong chúng con và trở thành sự sống nuôi dưỡng cuộc đời chúng con, giúp chúng con sống an vui tại thế và đạt tới hạnh phúc đời đời.

Cuối cùng, xin cho chúng con “biết bước theo con đường nhỏ của tình yêu, không bỏ lỡ một lời nói tử tế, một nụ cười hay một nghĩa cử nhỏ bé để gieo rắc bình an và tình bạn.”[10] Amen.

  • Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Hát CON ĐƯỜNG BÉ NHỎ – Phanxicô

  1. Con muốn làm một bông hoa nhỏ, dưới chân bàn thờ ngày lễ thường. Con muốn làm một bông hoa trắng, từng chiều vắng đơn sơ nguyện cầu.

ĐK. Chúa ơi những con đường bé nhỏ, dễ thương mà sáng ngời, dẫn đưa về cõi trời. Cuộc đời của người con thơ bé, là nụ hoa khiêm nhường mà nồng hương Thiên Đường.

  1. Con muốn làm một ngôi sao nhỏ, tháng năm mịt mờ ở cuối trời. Con muốn làm một ngôi sao tím, nhìn về Chúa như muôn mặt trời.

  2. Ai khiêm nhường nhỏ bé trong đời, Chúa ban ơn cho hiểu lẽ trời. Ai khiêm nhường ngồi bên chân Chúa, được Người nói muôn câu nhiệm mầu.

  • Kính mời cộng đoàn quỳ. Đọc lời dẫn vào Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu (tùy thời gian có thể bỏ).

Lạy Chúa, khiêm tốn nhận biết thân phận tội lỗi và yếu hèn của mình, chúng con đầy lòng tin tưởng nơi Chúa và tha thiết khẩn cầu Thánh Tâm yêu thương của Chúa cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho gia đình và cho chính bản thân chúng con.

  • NHD xướng kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu:

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con.

Chúa Kitô nhận lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.

Thương xót chúng con. (Câu nào cũng thưa như vậy).

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.

Ba Ngôi cùng là một Đức Chúa Trời.

Trái Tim Đức Chúa Giêsu (TTĐCG). Con Đức Chúa Cha hằng có đời đời.

TTĐCG bởi phép Đức Chúa Thánh Thần đã dựng nên trong lòng rất Thánh Đức Mẹ Đồng trinh.

TTĐCG hợp làm một cùng Ngôi Thứ Hai cho trọn.

TTĐCG oai vọng vô cùng.

TTĐCG là Đền Thánh Chúa Trời.

TTĐCG là Toà Đấng cực cao cực trọng.

TTĐCG là đền đài Chúa Trời cùng là cửa Thiên đàng.

TTĐCG là Vua lòng mọi người, cùng là chốn phải hướng về thay thảy.

TTĐCG là kho mọi sự khôn ngoan thông thái.

TTĐCG là nơi trót tính Đức Chúa Trời ngự.

TTĐCG là chốn Đức Chúa Cha lấy làm ưa ý mọi đàng.

TTĐCG là mạch đầy rẫy hằng chảy ơn lành cho hết mọi người chúng con.

TTĐCG các Thánh trên trời khao khát.

TTĐCG hay nhịn hay thương vô cùng.

TTĐCG hay ở rộng rãi cùng những kẻ nguyện xin.

TTĐCG là cội rễ cho chúng con được nên lành
nên thánh.

TTĐCG là của lễ đền tội chúng con.

TTĐCG đã phải xấu hổ nhuốc nha bội phần.

TTĐCG đã phải tan nát vì tội chúng con.

TTĐCG đã vâng lời cho đến chết.

TTĐCG đã phải lưỡi đòng thâu qua.

TTĐCG là nguồn mọi sự yên ủi.

TTĐCG là sự sống cùng là sự sống lại chúng con.

TTĐCG ban cho chúng con được bằng yên và làm lành cùng Đức Chúa Trời.

TTĐCG dâng mình chịu phạt cho kẻ có tội.

TTĐCG hay cứu chữa kẻ trông cậy.

TTĐCG hay làm cho kẻ mong sinh thì được cậy trông.

TTĐCG hay làm cho các thánh được vui mừng.

Chúa Giêsu Chuộc Tội Cứu Thế.

Tha tội chúng con.

Chúa Giêsu Chuộc Tội Cứu Thế.

Nghe cho chúng con.

Chúa Giêsu Chuộc Tội Cứu Thế.

Thương xót chúng con.

Lạy ĐCG. hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. 

(Lời Nguyện)

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng hằng có đời đời, chúng con xin Chúa trông đến Trái Tim Con rất yêu dấu Chúa, cùng những lời ngợi khen và những việc lành Người dâng thay cho kẻ có tội, mà nguôi cơn giận và tha thứ cho những kẻ ăn năn kêu van vì một Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị, làm một cùng Chúa và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

  • Thinh lặng 5 giây.

  • Hát và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

  • Hát Tantum Ergo – Lời Nguyện – Phép Lành Thánh Thể.

  • Nếu Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ, thì bỏ hát và Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hát ngay Tantum Ergo….

  • Kết thúc Giờ Chầu, hát một bài tôn kính Đức Mẹ.

  • Nếu giáo xứ cử hành trọn “24 giờ cho Chúa”, nghĩa là tiếp tục giờ Chầu khác, hát một bài chúc tụng, cảm tạ Chúa Thánh Thể, rồi làm dấu, quỳ gối thờ lạy Thánh Thể và ra về. 

[1] X. LG, số 11)
[2] 1Cr 1,24
[3] Sứ điệp Mùa Chay 2019.
[4] x. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2019, số 1.
[5] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 30/11/2007, số 22.
[6] x. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2019, số 3.
[7] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2019.
[8] x. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2019, số 1.
[9] x. ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2019, số 2.
[10] Laudato sí, 229.