CHÚA NHẬT XXVIII A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Is 25,6-10a; Mt 22,1-14
Chủ đề: Bữa tiệc cánh chung nói lên tính phổ quát và nhưng không của hồng ân cứu độ.

* Is 25,6: Ngày ấy, YAVÊ các đạo binh sẽ đãi MUÔN DÂN một bữa tiệc.
* Mt 21,39.41: Anh em gặp ai cũng MỜI HẾT VÀO Tiệc Cưới.

Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII A, bài đọc một lẫn Tin Mừng đều sử dụng hình ảnh BỮA TIỆC để diễn tả ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Chúa. Bỏ qua đi những khía cạnh tiêu cực, lạm dụng bữa ăn, say sưa, chè chén… thì cách chung, bữa ăn, nhất là bữa TIỆC là biểu tượng của niềm vui, dấu chỉ của hiệp thông. Những người cùng nhau tham dự một bữa ăn, chia sẻ cùng một lương thực, đồng bàn với nhau tạo thành một cộng đoàn hiệp thông, có chung một sức sống.

          Nhìn dưới góc cạnh tôn giáo, bữa ăn còn diễn tả sự hiệp nhất với thần linh, được thông phần quyền năng sự sống của Thiên Chúa: trong việc dâng lễ tế tạ tội cho dân, tư tế phải ăn phần lễ vật được quy định dành cho mình (x.Lv 6,9-10.19.22); Thiên Chúa ban cho các tư tế ăn phần đó để họ được thông phần tha tội cho dân, cử hành lễ xá tội cho dân (x.Lv 10,17)

          Lời Chúa XXVIII A còn chú trọng đến TÍNH PHỔ QUÁT và NHƯNG KHÔNG của bữa tiệc cứu độ: bữa tiệc được mở rộng ra đón tiếp tất cả mọi người. Vì thế chính thái độ đáp trả của khách được mời trước thịnh tình của chủ tiệc lại trở thành yếu tố quyết định cho số phận của khách mời có được hưởng trọn vẹn ân phúc do bữa tiệc mang lại hay không.

          Bằng những hình ảnh biểu tượng quen thuộc thường được Kinh Thánh sử dụng để diễn tả niềm vui và hạnh phúc nhận loại, bài đọc một trình bày ơn cứu độ như là một sự can thiệp chung cuộc của Thiên Chúa: Thiên Chúa lấy sáng kiến, đi bước trước đến với con người, thiết đãi MUÔN DÂN, không trừ ai; một bữa tiệc thịnh soạn, đặc biệt: tiệc thịt BÉO, BÉO NGẬY, tiệc rượu ngon tinh chế.

          “Thịt béo ngậy” là thịt còn nhiều mỡ, đó là thịt chỉ dùng để tiến dâng lên Thiên Chúa (Lv 3,3-5.9-11); còn “rượu ngon tinh chế” gợi lên thứ rượu tuyệt vời do ĐỨC KHÔN NGOAN pha chế mở tiệc đãi khách (x.Cn 9,2.5), ai uống vào sẽ hết ngây thơ khờ dại và tiến bước trên con đường khôn ngoan hiểu biết (Cn 9,6).

          Như vậy ngang qua bữa tiệc thịnh soạn thịt béo ngậy, rượu tinh chế, cả nhân loại đã được Chúa cho hưởng, thông phần vào ân phúc thần linh của Người. Bữa tiệc ấy báo trước tiệc THÁNH THỂ sẽ do chính Chúa Giêsu thiết đãi kẻ tin.

          Và một khi niềm vui, hạnh phúc cánh chung đã tới thì khổ đau, chết chóc sẽ không còn; Vì Chúa tiêu diệt vĩnh viễn Tử Thần, Người xé bỏ chiếc khăn tang, lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người. Ngày đó, người người mừng vui vì được Chúa cho hưởng dồi dào ơn cứu độ.

          Bài đọc Tin Mừng cũng nói về chủ đề BỮA TIỆC; Tính phổ quát cũng được đề cập đến khi chủ sai đầy tớ “đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào Tiệc Cưới”. Tuy nhiên, điểm được Tin Mừng nhấn mạnh là: thái độ đáp trả phải có của khách được mời để được hưởng trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc mà Bữa Tiệc Cưới mang lại. Thật vậy, đây là TIỆC cưới do vua tổ chức.

          Khách được mời có hai loại:

* Loại khách được Vua mời trước; Khi sắp đến lúc mở tiệc, Vua lại sai đầy tớ đi nhắc nhở nhiều lần; Thế nhưng tất cả, viện đủ lý do, nhất loạt từ chối đến dự tiệc; lại còn có kẻ xấc xược dám “bắt các đầy tớ của vua hành hạ và giết đi”.

Mặc dù có nhiều chi tiết khá lạ lùng trong dụ ngôn, nhưng rõ ràng cách tổng quát, dụ ngôn gợi lại những gì đã xảy ra trong lịch sử dân Israel. Họ là tuyển dân, được mời sớm vào bàn tiệc Nước Trời; Chúa đã gởi nhiều đợt ngôn sứ đến nhắc nhở, chuẩn bị cho họ; Họ từ chối! Họ giết một số ngôn sứ.

          * Còn loại khách thứ hai: bất kỳ ai cũng được mời gọi vào dự tiệc, không giới hạn, không chọn lựa tốt xấu. Các bàn tiệc cũng nhiều đến độ đủ chứa hết tất cả mọi khách mời. Đó chính là hình ảnh báo trước bàn tiệc của Đức Kitô và Giáo Hội mở ra cho toàn thế giới. Mọi người được mời vào bàn tiệc của Chúa.

          Tuy nhiên, Matthêu cũng cảnh cáo các Kitô hữu đang được mời vào bàn tiệc hãy coi chừng đừng để bị rơi vào trường hợp như người Do Thái qua một chi tiết lạ lùng ở phần cuối của dụ ngôn: tất cả các khách được mời dù là đột xuất đều “mặc y phục lễ cưới”, chỉ có MỘT NGƯỜI “không có”. Văn mạch cho phép nghĩ rằng anh từ chối y phục lễ cưới. Qua việc từ chối, anh nói rằng mình không muốn thuộc trọn về cộng đoàn. Đây là trường hợp cá nhân: với tự do, mỗi cá nhân có thể từ chối mặc y phục dự tiệc cưới, dù Bàn Tiệc Nước Trời không khước từ ai.

Bài 2

Is 25, 6-10a
Mt 22, 1-14

Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới…nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách (Mt 22, 8-10).

Lời Chúa hôm nay tiếp tục chủ đề của Lời Chúa tuần trước: đó là mối tương quan đầy sóng gió giữa Thiên Chúa và dân Người. Chúa Nhật 27A và 28A đều nói lên sự bất trung, bất tín, bất nghĩa của dân Chúa trước Tình Yêu săn đón, đầy quan tâm, luôn để mắt trên dân và tạo cho họ những phương thế, điều kiện tốt đẹp nhất để họ được sung túc và hạnh phúc vui tươi. Tiếc thay dân phản bội!

Trước thực tế phũ phàng ấy, Lời Chúa mặc khải cho chúng ta dung mạo một vị Thiên Chúa công minh chính trực luôn trung thành với dự tính từ ban đầu đầy yêu thương của mình; Đồng thời cho thấy quyền năng thống trị của Chúa trên mọi việc được biểu lộ ngang qua đường lối, phương thế hành động kì lạ của Người. Kết quả chung cuộc là ý Chúa chắc chắn sẽ được thể hiện, nhưng những kẻ ngoan cố chống lại ý định, đường lối của Chúa thì sẽ không thừa hưởng được phúc lộc mà Thiên Chúa tặng ban cho mọi người.

Để diễn tả những chủ điểm trên, Chúa Nhật 27A đã sử dụng hình ảnh minh họa là mối tương quan hỗ tương giữa bộ ba: Thiên Chúa – vườn nho – và các tá điền. Còn Chúa Nhật 28A, hình ảnh được vay mượn là “BỮA TIỆC”:

Một bữa tiệc thịnh soạn, dư tràn được Thiên Chúa các đạo binh mở ra đãi MUÔN DÂN, không còn phân biệt đối xử, không ai bị loại trừ. Bữa tiệc ấy đưa mọi người vào một cuộc sống mới không còn khổ đau, ô nhục, không còn nước mắt, sự chết nữa. Khía cạnh phổ quát của bữa tiệc Chúa ban được nhấn mjanh (bài đọc 1). Và bài đọc 1 kết thúc bằng niềm vui tưng bừng của dân Chúa nhận ra rằng Chúa chính là Đấng mà dân hằng mong đợi, Người là Thiên Chúa cứu độ. Niềm vui rõ ràng vì được Chúa cứu, giữ gìn: bàn tay Yavê đặt trên núi Chúa.

Còn trong bài đọc Tin Mừng, “bữa tiệc” đó là một TIỆC CƯỚI của Hoàng Tử do Vua đích thân đứng ra tổ chức và mời gọi khách dự tiệc. Mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ấy vậy mà, thật là bất ngờ trước thái độ đáp trả quá hững hờ, ngạo ngược của TẤT CẢ các khách đã được mời trước: họ đồng loạt đưa ra những lý do để từ chối đến dự tiệc dù đã được mời từ trước; lại còn có kẻ dám giết cả đầy tớ sứ giả của Vua.

Trước thái độ đó của bọn họ, tiệc cưới có nguy cơ bị hủy bỏ vì không có khách dự. Cỗ bàn lại đã dọn sẵn ra hết rồi. Làm sao đây?

Vua đã đưa ra một giải pháp kép đầy bất ngờ:

– Đối với đám khách đã được mời trước, bọn người đã coi những việc cá nhân đột xuất như đi thăm nông trại, đi buôn… có kẻ còn sát hại đầy tớ của vua. Họ đã xem những lợi lộc nhỏ bé, nhất thời trước mắt hơn là được giao kết thân tình với vua. Án phạt là khó tránh: vua sai lính tru diệt bọn sát nhân và tiêu hủy thành phố chúng.

– Đối với sự kiện tiệc cưới đã dọn sẵn hết rồi: thật bất ngờ, vua cho lệnh đi khắp nẻo đường mời tất cả mọi người vào dựu tiệc cưới. Và ngầm hiểu là điều lạ lùng là tất cả khách đợt 2 này đã đáp lời vào tham dự tiệc cưới.

– Và một điểm bất ngờ hơn nữa: vào phần cuối của trích đoạn Tin Mừng (cc 11-14), chúng ta thấy bản văn không nói rõ, bằng cách nào mà tất cả khách bị ép một cách bất ngờ vào tiệc cưới lại có đủ y phục lễ cưới đứng kích cỡ cho từng người để vào dự lễ cưới; và chỉ có một trường hợp duy nhất của một CÁ NHÂN là không có y phục lễ cưới, và anh đã bị quở trách và bị đối xử như một tội phạm.

Vượt qua những trục trặc, sự cố ngoài ý muốn như thế, Vua vẫn có đủ quyền năng và phương thức để hoàn tất dự tính của Người: Bữa tiệc thịnh soạn do Thiên Chúa các đạo binh thiết đãi muôn dân báo trước trong bài đọc 1 này được Thiên Chúa hoàn tất trong tiệc cưới hoàng tử.

Hôm nay với Tiệc Thánh Thể, Thiên Chúa đang chuẩn bị cho mọi người sẽ dự tiệc cưới hoàng tử vào lúc cánh chung. Mỗi người đừng để mình rơi vào tình trạng “ không mặc y phục lễ cưới”. Hãy sẵn sàng để hưởng trọn niềm vui trong bàn tiệc của Chúa.

BÀI ĐỌC I: Is 25, 6 – 10a

Bằng thể văn khải huyền nhằm củng cố lòng tin dân Chúa trong lúc khốn cùng, Is 24-27 đề cập đến ngày tận cùng của thế giới: đó là thời điểm Thiên Chúa can thiệp mạnh và dứt khoát để lập lại công lý của Người: kẻ ác sẽ bị tiêu diệt, dân trung tín công chính sẽ được giải cứu hưởng vinh quang. Ý tưởng chủ đạo trên được lặp lại 3 lần:

1/ 24, 1-25, 10a: loan báo phán xét của Thiên Chúa sẽ ập xuống trên đất và dân cư không trừ ai (24, 1-6); Niềm vui (biểu tượng là rượu) không còn nữa, phố phường vui nhộn sẽ nên hoang tàn (24, 7-12); phần những kẻ tín thành còn sót lại sẽ vang lời ca mừng Thiên Chúa (24, 13-16a); vì Thiên Chúa sẽ toàn thắng khuất phục kẻ ác và thần minh của chúng trong trận chiến cuối cùng (24, 16b-23).

Trước viễn cảnh ấy, đoàn dân được cứu chuộc cất lời cá khen Chúa (25, 1-5). Ở đây khía cạnh phổ quát của ơn cứu độ được bộc lộ: niềm vui trên không chỉ riêng cho dân Chúa mà còn mở rộng cho MUÔN DÂN được diễn tả qua hình ảnh BỮA TIỆC (25, 6-10a).

2/ 25, 10b-26, 19: kẻ thù của dân Chúa – Moab là biểu tượng – sẽ bị trừng phạt (25, 13-13); trái lại, dân Chúa được giải cứu, tạ ơn, ca tụng, tin tưởng vào Thiên Chúa (26, 1-19).

3/ 26, 20-27, 13: Chúa hứa can thiệp cứu dân (26, 20-27,1); qua hình ảnh vườn nho được chăm sóc, Chúa hứa bảo vệ dân (27, 2-5); kết quả là dân trổ nụ đươm hoa, vì sau khi bị đánh phạt, Israel đã hối cải (27, 6-7), kẻ áp bức bị trục xuất, dân Chúa được thứ tha (27, 8-11), được hồi hương ca ngợi, tôn thờ Thiên Chúa trên núi thánh (27, 12-13).

Bài đọc 1 trích phần nói về niềm vui được cứu độ cánh chung, không chỉ dành cho Israel mà cho cả muôn dân nữa. Qua hình ảnh bữa tiệc thiết đãi MỌI người, tính phổ quát và nhưng không của ơn cứu độ được nhấn mạnh.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

1/ Loan báo sự can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa vì ích lợi cho muôn dân (Is 25,6)

  • Thời điểm: “Ngày ấy”

  • Nơi chốn: “trên núi này”

  • Hình ảnh diễn tả sự can thiệp: “Bữa tiệc”

– chủ tiệc: “Đức Chúa các đạo binh”

– đối tượng được chiêu đãi: “muôn dân”

– chất lượng tuyệt vời “thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”.

          “Núi này” tức núi Sion (x. 24,23). Muôn dân được dự tiệc, nhưng Israel được vinh dự đặc biệt là nơi đăng cai tổ chức, tại Giêrusalem; nơi tiếp đón phục vụ, nơi được Chúa chọn để ban tặng hồng phúc thần linh cho muôn dân.

          “Ngày ấy” tức “Ngày của Yavê”, cụm từ đặc biệt thường được dùng để nói đến thời điểm Thiên Chúa sẽ đến can thiệp cách trọng đại vào lịch sử để phán xét kẻ ác và cứu rỗi những ai tin tưởng (ĐNTHTK “Ngày của Chúa”). Vậy về ý nghĩa, ngày này mang tính lưỡng diện. Trong câu 6, ý nghĩa đối tượng nổi bật lên và đối tượng được hưởng nhờ là phổ quát: MUÔN DÂN. Giêrusalem đang mở hội, giấc mơ thiên sai được hoàn thành: toàn thể chư dân tụ họp trên núi thánh để hưởng tiệc thiên sai.

“dự tiệc”: một bữa tiệc thịnh soạn được chính Thiên Chúa chuẩn bị đang chờ đợi muôn dân. Được dự tiệc với ai là hiệp thông với người ấy. Người Do Thái thường cử hành “hi lễ hiệp thông”, qua hi lễ đó thần linh coi như chia sẻ với các tín hữu của mình bữa ăn mà họ dâng cho thần: phần của thần được thiêu đốt trên bàn thờ. Nhưng vào ngày ấy thì chính Đức Chúa dọn tiệc với rượu tinh chế, thịt béo để mời chư dân. Bữa tiệc này được gợi hứng từ bữa ăn kết giao ước (Xh 24, 11) chính thức khai sinh dân Israel, đưa dân vào mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, là dân riêng, dân tư tế, dân thánh của Thiên Chúa. Vậy bữa tiệc cánh chung là niềm vui hoàn hảo trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Và sự hiệp thông này là phổ quát, mở rộng cho MUÔN DÂN; là nhưng không, vượt mọi công thức.

2/ Điều Chúa sẽ thực hiện trên núi Chúa (Is 25, 7-8)

  • Sự chết không còn nữa: chính Yavê “sẽ xé bỏ chiếc khăn…”

“sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”

  • Đau khổ cũng sẽ chẳng còn: Yavê “sẽ lau khô dòng lệ”

“ sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người”

“chiếc khăn, tấm màn che phủ” ở đây là những biểu tượng của đau khổ, tang chế: 2Sm 15, 30; 19,5. Đau khổ và chết là hậu quả của tội (St 2, 17; 3, 18-19) không còn đau khổ và sự chết nghĩa là Chúa đã thứ tha và còn hơn nữa, từ nay sự chết vĩnh viễn bị tiêu diệt.

Cũng có thể hiểu “chiếc khăn, tấm màn che phủ” là sự ngăn cách con người với Thiên Chúa. Vậy khi xé chiếc khăn…là Thiên Chúa cho con người hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (ý c.6). Các câu 6-8 gợi nhớ tới Thánh Thể: Bữa tiệc cánh chung Thiên Chúa đãi muôn dân, ai ăn sẽ không phải chết và có chết cũng sẽ sống lại. Nơi Thánh Thể, niềm vui và ơn cứu độ cánh chung đã hiện diện và trọn vẹn.

3/ Đáp trả của con người “trong ngày ấy” (Is 25, 9-10a)

  • Nhìn nhận Yavê là Thiên Chúa của muôn dân: “đây là Thiên Chúa, là Yavê chúng ta từng mong đợi”.

  • Nhìn nhận ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa: “CHÚNG TA đã được Người thương cứu độ”

  • Hoa trái: niềm vui vì được Người cứu độ

  • Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ: “câu 10a” 

Lần can thiệp này của Thiên Chúa chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt đẹp: muôn dân sẽ nhận ra Yavê là Thiên Chúa của họ. Người chính là vị Thiên Chúa mà họ hằng mong chờ, nghĩa là những gì tốt đẹp nhất – niềm tin vào Thiên Chúa và ơn cứu độ – xưa kia được coi như là phần riêng của Israel, thì giờ đây là hồng ân chung cho toàn nhân loại.

          Hoa trái là niềm vui vì nhận ra mình được Thiên Chúa thương cứu độ.

Câu 10a dịch sát: bàn tay của Đức Chúa sẽ nghỉ ngơi trên núi này: Cách nói này hàm ý Thiên Chúa hoàn tất công trình cứu độ, giống như cách nói “ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2) sau khi hoàn tất công việc sáng tạo của Ngài (St 2,3). Việc can thiệp cứu độ vào dòng lịch sử đã hoàn tất: muôn dân đã nhận ra Yavê là Thiên Chúa của họ, vui mừng đón nhận ơn cứu độ và tất cả được quy tụ lại trên núi thánh chung hưởng phúc vinh thời thiên sai.

  1. TÓM KẾT:

Ơn cứu độ được Thiên Chúa thương ban rộng rãi, vào ngày ấy, trên núi Chúa, cho tất cả mọi người cách nhưng không. Phần con người cũng hân hoan đón nhận.

Bản văn phụng vụ trình bày lần can thiệp quyết liệt, chung cuộc của Thiên Chúa vào dòng lịch sử nhân loại để tiêu diệt khổ đau, sự chết và trao ban ơn cứu độ vĩnh cửu cho mọi người, mọi dân nước. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa, là tình yêu nhưng không của Người được diễn tả bằng hình ảnh bữa tiệc thịnh soạn do chính Thiên Chúa tự ý dọn ra thiết đãi: và tính phổ quát của ân huệ thần linh cũng được nhấn mạnh khi đối tượng được mời là MUÔN DÂN. Với lần can thiệp chung cuộc này. Tình Yêu của Thiên Chúa được mọi người, mọi dân vui mừng đón nhận. Niềm vui thật bao la! Chúa hoàn tất ơn cứu độ!

Chính trong Bí Tích Thánh Thể, bữa tiệc thần Linh sẽ được khai mở cho toàn thể nhân loại: Tất cả được quy tụ và nên một trong TẤM BÁNH.

TIN MỪNG: Mattheu 22, 1 – 14

         Tin mừng hôm nay là dụ ngôn thứ ba tiếp ngay theo sau hai dụ ngôn trước được Đức Giêsu dùng để trả lời cho các thủ lãnh Do Thái: Thượng Tế và kỳ mục (x.Mt 21, 23) và Pharisêu (21, 45) về vấn nạn mà họ đặt ra cho Người: ông lấy quyền nào mà làm những điều ấy?…” Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp cho họ vì họ không chân thành, không chịu hối hận (21, 32). Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn đối thoại với họ: qua ba dụ ngôn, Đức Giêsu muốn giúp họ nhận ra những sai trái của họ, để rồi HỐI HẬN và tin vào đường lối Chúa (x.Mt 21, 32c).

          Cả ba dụ ngôn đều quy về một chủ điểm: hãy thực thi đường lối của Thiên Chúa đã được dự tính trước từ muôn đời; Đừng để những ý tưởng, sự việc, tình huống nhất thời, chợt đến làm chúng ta đi trệch, xa rời đường lối, dự tính thường tồn vĩnh hằng của Thiên Chúa.

        Tiếc thay con người đã không nghe lời Thiên Chúa: sự bất tuân của nguyên tổ trong vườn Eden như là nếp gấp xấu hằn sâu vào thân phận con người. Ở đây trong Mattheu 21, cả ba dụ ngôn cho thấy ba cách con người bất tuân lệnh Chúa đồng thời nhấn mạnh cường độ chống đối ngày càng gia tăng, cũng cho thấy cách ứng xử “TỪNG BƯỚC MỘT” của Chúa.

      – Dụ ngôn thứ nhất (21, 28-32) chỉ mới là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: phải tuân lệnh Cha và thế nào là tuân lệnh.

      – Dụ ngôn thứ hai (21, 33-43), khía cạnh bất tuân trong dụ ngôn thứ nhất đã được khai triển, kèm theo tính bạo lực ngày càng tăng: lúc được chủ giao vườn nho để canh tác thì tiếp nhận tử tế “xin vâng”; Thế nhưng khi chủ đến thu hoa lợi thì thái độ là  “không thi hành” và đã biểu lộ hành động bất tuân bằng bạo lực ngày càng gia tăng: bắt – đánh – giết – ném đá.

        Trước thái độ tàn bạo như thế, lẽ ra, chủ phải trừng trị ngay nếp gấp xấu hằn sâu vào thân phận con người đó theo như câu đáp của chính các tá điền đưa ra: tru diệt….. Nhưng chủ vẫn kiên trì tạm hoãn và áp dụng đường lối biến bạo ác thành hồng ân: “viên đá người thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình kỳ diệu Thiên Chúa đang làm trong hiện tại của thời kỳ chúng ta đang sống. Lý do chưa tru diệt: vì KỲ HẠN khi ông chủ vườn nho ĐẾN chưa tới lúc. Lời mời gọi HỐI HẬN vẫn còn giá trị. Mùa hái nho chỉ mới “GẦN ĐẾN” (21, 34a)

  • Dụ ngôn thứ ba (22, 1-14) “ngày chủ vườn nho ĐẾN” đã điểm. Tuy nhiên Mattheu dùng một hình ảnh biểu tượng khác: “Tiệc cưới Hoàng Tử”. Đã đến lúc khai tiệc rồi: mọi sự đã chuẩn bị sẵn sàng, vua sai đầy tớ đi thúc giục khách đẫ được mời (22, 3), không thể chần chờ được nữa vì cỗ bàn đã dọn xong rồi (22, 4). Phải có thái độ dứt khoát, và sự chọn lựa trong dụ ngôn này là mang tính quyết định, không thể vãn hồi, số phận được định đoạt dứt khoát.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn “Tiệc cưới Hoàng Tử” để mô tả thực trạng Nước Trời tại thế. Dụ ngôn này gồm hai phần khác biệt:

          1/ Phần đầu (Mt 22, 2-10): Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi; Những khách cũng đã được mời trước và còn được nhắc nhở giờ khai tiệc đã tới. Đối tượng được nói tới là MỘT TẬP THỂ. Họ từ chối! Và có một TẬP THỂ khác được mời thay thế vào. Phần này nói đến một thực tại của Lịch sử cứu độ: tuyển dân Do Thái bị loại do cứng lòng; Và dân ngoại được mời vào thay thế. Tính phổ quát của ơn cứu độ được nhấn mạnh.

          2/ Phần hai (22, 11-14) nói riêng cho những người đã ngồi vào bàn tiệc. Tất cả những người này (không rõ bằng cách nào, bản văn không nói) đều được trang bị “y phục tiệc cưới” đầy đủ. Chỉ có một cá nhân không có. Và theo cách trình bày của bản văn, (x. 22, 12) đó là LỖI của y. Khía cạnh trách nhiệm cá nhân được lưu ý tới.

          Và câu 14 kết luận: Tiệc cưới đã mở ra cho tất cả mọi người, hàng rào ngăn cách tuyển dân Do Thái và dân ngoại đã được xóa bỏ. Trong tay Chúa, mọi tiêu cực đều trở thành phương tiện tuyệt vời để mọi người không trừ ai đều được hưởng dùng Tiệc Cưới (x. Cv 13,46). Tuy nhiên, để niềm vui được trọn vẹn cho bản thân mình, từng người phải trở nên con người mới (mặc y phục lễ cưới) trong Đức Kitô.

CẤU TRÚC Mt 22, 1 -14 và SUY NIỆM

  1. Dụ ngôn ‘Tiệc cưới của hoàng tử” (Mt 22, 1 – 10)

    • Tấm lòng của Vua và sự bất xứng của khách mời (22, 1-6)

  • Thái độ lịch thiệp của Vua (3a)

  • Mời trước

  • Tới ngày lại sai đầy tớ đến thỉnh mời tiệc

  • Đáp trả phũ phàng của những khách được mời: không chịu đến (3b)

  • Lòng nhẫn nại của Vua: sai các đầy tớ khác kèm theo lời căn dặn (4)

  • Thái độ khinh thị quá mức của khách mời (5-6):

  • Không thèm đếm xỉa, bỏ đi

  • Chiêu bài: thăm nông trại, đi buôn

  • Có kẻ còn hành hạ giết chết tôi tớ Vua.

Đối tượng Đức Giêsu nhắm tới là các Thượng tế và Kỳ mục (22,1 so với 21,23). Chủ đề là mầu nhiệm Nước Trời: ai được mời dự tiệc thiên sai?

Nhóm được mời trước tiên là QUAN KHÁCH (dịch sát: những người đã được mời). Rõ ràng đây là nhóm được chọn lọc, được cho biết trước thời điểm, ý nghĩa buổi tiệc. Họ có thời giờ để sắp xếp chuẩn bị tham dự tốt đẹp buổi tiệc đó. Thế nhưng họ lại có thái độ tiêu cực trước tấm thịnh tình của nhà Vua đối với họ.

Khi đến ngày tiệc đã định, lẽ ra họ phải hồ hởi kéo tới dự tiệc; Đằng này Vua phải sai đầy tớ tới nhắc họ; Và thật không ngờ, đáp trả của họ ngày càng quá quắt:

  • đáp trả đợt mời đầu: họ không MUỐN TỚI. Động từ diễn tả sự từ chối thẳng thừng, một quyết định có ý thức hoàn toàn tự ý.

  • Vua kiên nhẫn sai đầy tớ đi mời lần nữa, kèm theo lời căn dặn đầy tớ: hãy thưa với quan khách, cỗ bàn đã sẵn…Sự ân cần càng lớn thì sự đáp trả càng tồi tệ: họ càng không thèm đếm xỉa tới. Chiêu bài họ đưa ra để từ chối không xứng tầm cỡ với bữa tiệc và địa vị của Chủ nhân. Họ xúc phạm danh dự nặng nề đến Vua. Tội của họ không phải là chuyện luân lý, đạo đức, công bình mà là “khi quân”, cụ thể là đã khước từ đến tham dự tiệc cưới hoàng tử. Họ coi chuyện riêng tư cá nhân (thăm nông trại, đi buôn) quan trọng hơn là dự yến tiệc Vua ban, được trở nên thân hữu đồng bàn với Vua.

Nhưng rồi thái độ thờ ơ khinh thị ấy đột ngột biến sang thái độ đối nghịch hận thù mà không thấy bản văn đưa ra lý do. Phải chăng vì sứ mạng, lời nhắc nhở của các đầy tớ đã quấy rầy dự tính của họ, làm họ áy náy, bất an, bắt họ phải suy nghĩ, trả lẽ trước thịnh tình của Vua…nên họ đã giết đầy tớ thay vì bỏ dự tính nhất thời của họ để đáp lại ân tình từ muôn đời của Vua.

1.2- Phản ứng của Vua: các kẻ khinh thị bị loại trừ (22,7)

  • Cơn thịnh nộ của Vua giáng xuống trên họ và thành trì của họ

  • Cụ thể Vua điều động quân lính đi tiêu diệt họ

Chi tiết này xuất hiện ở đây không hợp lý: Lẽ nào Vua bỏ buổi tiệc, điều quân đi đánh kẻ khi quân rồi sau đó mới về ăn trở lại bữa tiệc ấy? Kẻ gian ác, sát nhân là bao nhiêu mà Vua đòi thiêu hủy cả thành phố? Kẻ vô can bị họa lây?

Giả thiết: dụ ngôn nguyên thủy không có chi tiết này (so với Lc 14,15-24). Câu 7 được thêm sau. Lý do: hình như tác giả sách Tin Mừng thứ nhất đã liên tưởng đến biến cố Giêrusalem đã bị tiêu diệt vốn đang (hoặc đã) xảy ra lúc ông sọan thảo bản văn: Titus hủy diệt Giêrusalem năm 70. Đây là một trong những chi tiết được các học giả viện dẫn để đưa ra giả thuyết Tin Mừng Matthêu được viết sau 70.

Ý nghĩa cc 3-7: “các quan khách” là biểu tượng cho Israel. Họ đã đươc loan báo về Đấng và thời Mêsia; Họ đã có hiểu biết về ý nghĩa Tiệc Thiên Sai cánh chung (x. Is 25,6;55, 1-3…); Họ cũng biết phần nào dung mạo của Đấng Mêsia… Họ cũng biết phải sống, chuẩn bị tâm hồn, vật chất thế nào để nhận ra và tiếp đón Người khi Người đến. Thế nhưng, khi Đức Giêsu đến, họ khước từ Người. Qua các hành vi được diễn tả trong cc 3-6 (họ bách hại ngôn sứ, tông đồ và giết luôn Đấng Mêsia con Thiên Chúa. Trong Matthêu, việc Giêrusalem bị phá hủy điêu tàn là một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống Israel cứng lòng. Và trong lối nói bằng dụ ngôn: Vua là Thiên Chúa; Tiệc cưới hoàng tử là khai mở thời Mêsia, đầy tớ là các ngôn sứ và tông đồ; câu 7 là hậu quả.

1.3– Phản ứng của Vua: 1 quyết định bất ngờ: mời các thực khách mới (22, 8-10)

  • Nhắc lại ý c.3-6c: – Tiệc đã sẵn – Nhóm quan khách không xứng đáng (8)

  • Lệnh Vua: “ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới (9)

  • Lệnh được thi hành: các đầy tớ mời người tốt lẫn xấu, và phòng tiệc đã đầy thực khách (10)

Bất chấp sự chối từ của quan khách. Tiệc cưới vẫn diễn tiến, thực khách vẫn có đủ để lấp đầy phòng tiệc. Sự cứng lòng của con người không làm cản trở được tiến trình của công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thành phần của nhóm được mời thứ hai này là hỗn tạp. Tuy nhiên bản văn chỉ chú ý đến một chuẩn phân biệt: tốt/xấu. Vậy đặc điểm của nhóm này là không phân biệt tốt, xấu, sạch dơ, tất cả tốt/xấu đều được mời. Một trong những điểm tự hào của người Do Thái và họ dựa vào đó để kỳ thị phân biệt với dân ngoại đó là vấn đề sạch dơ, tốt xấu, điểm này càng rõ nét sau lưu đầy.

Như vậy nhóm thực khách mới chính là biểu tượng cho MUÔN DÂN. Trước tiên, lời mời đã được gởi đến cho Israel nhưng dân này đã không muốn đón nhận, nên bây giờ nó được ngỏ cho 1 dân mới (x. Cv 13,46), một dân không còn chỉ gồm những kẻ “trong sạch và thánh thiện theo tầm nhìn của dân Do Thái nữa”, nhưng là một xã hội rất đa tạp bao gồm cả người dữ lẫn người lành. Trong Giáo Hội, lành dữ lẫn lộn như cỏ lùng mọc chung lúa; Cửa phòng tiệc mở rộng, đó là chủ đề của dụ ngôn “y phục lễ cưới” tiếp sau

  1. Dụ ngôn “y phục lễ cưới” (Mt 22, 11-13)

  • Đích thân Vua vào QUAN SÁT khách dự tiệc

  • Phát hiện MỘT người không mặc y phục lễ cưới

  • Vua chất vấn

  • Người ấy câm miệng

  • Lênh Vua: bảo người PHỤC DỊCH

  • Trói … quăng vào chỗ tối tăm, BÊN NGOÀI

  • Hậu quả: ở đó khóc lóc nghiến răng

  • Kết lời dạy: gọi nhiều, chọn ít (14)

Những nét bất thường trong dụ ngôn: – Khách mời bị “bắt cóc” đột ngột không hề có chút chuẩn bị, từ mọi ngã đường thì làm sao có được y phục lễ cưới? – Cách nói “khi bước vào để xem xét (quan sát) thực khách, Vua thấy …” mang màu sắc xét đoán đe dọa. Câu chất vấn sau đó và hình phạt kèm theo củng cố ý kiến trên. – Tất cả nhóm sau đều bị mời bất ngờ, tại sao chỉ có MỘT người không có áo dự tiệc cưới? – Thêm nữa anh ta không biện hộ: Câm miệng hàm ý nhận lỗi. – Hình phạt “quăng vào chỗ tối tăm bên ngoài”, “khóc lóc nghiến răng” gợi án phạt trầm luân chung thẩm.

Có lẽ lúc ban đầu có hai dụ ngôn độc lập, sau được Mattheu gắn vào nhau. Thật vậy, dụ ngôn đầu dùng “đầy tớ”, dụ ngôn sau dùng “người phục dịch” để chỉ những người thi hành lệnh Vua. Về đối tượng: dụ ngôn đầu nói đến hai nhóm trong tương quan với việc được vào Nước Trời tại thế, dụ ngôn sau nói đến một cá nhân đã được vào Nước Trời tại thế rồi nhưng lại bị loại ra trở lại. Một bên không cần phân biệt tốt xấu, bên kia lại xét đoán dựa trên một sai phạm.

Ý nghĩa khá rõ! Dụ ngôn một nhấn tới ơn gọi của người Do Thái và dân ngoại: vì dân Do Thái không chịu đón sứ điệp của Đức Giêsu, nên  chỗ của họ đã bị dân ngoại vào thay thế. Dụ ngôn hai nhấn tới trách nhiệm cá nhân: các Kitô hữu là dân ngoại được mời vào phòng tiệc bị rơi vào sai lầm này là tưởng mình đương nhiên được hưởng ơn cứu độ một khi đã gia nhập Hội Thánh mà mình quên mất bổn phận phải giữ chiếc áo trắng nhận lúc rửa tội luôn tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Chúa. Dụ ngôn 2 là lời cảnh báo cho các Kitô hữu mọi thời. “Nếu trong trường hợp một bữa tiệc nào ở trần gian này, thực khách không áo cưới đó có thể bảo rằng mình không thể làm khác được bởi vì đã được mời đột xuất, nhưng trong lãnh vực ân sủng (Hội Thánh), một người đã chịu Phép Rửa, đã sống trong Hội Thánh Chúa, không thể thưa với Người trong giờ chết: con không kịp mặc áo cưới… Đã tin thì phải sống theo lòng tin thì mới được ơn cứu độ (CGKPV Tân Ước. Ấn bản 2008 trang 137 nốt b). Đường vào Hội Thánh tại thế được mở rộng thênh thang, ai cũng có thể vào không phân biệt tốt, xấu, không đòi điều kiện…Thế nhưng để được vào Nước Trời của thời thế mạc, cần phải sống thực hành niềm tin.

Câu 14: Cả hai dụ ngôn đều cho thấy: tất cả mọi người đều được gọi vào phòng tiệc, nhưng số người thực sự được dự tiệc thì ít hơn số được mời. Để thực được dự tiệc phải “chiến đấu vào cửa hẹp” như Lc 13, 14 nhắc nhở. Ở đây “vào cửa hẹp” là đúng hẹn, đáp lại lời mời của Vua, bỏ chuyện riêng tư, đến dự tiệc cưới; là “mặc y phục lễ cưới” khi dự tiệc.

  1. TÓM KẾT

          Nước trời là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa trao ban cho con người. Tất cả mọi người đều được gọi vào hưởng phúc Nước Trời ngay tại thế này, nghĩa là được vào cộng đoàn thiên sai do Con Một Thiên Chúa đến thiết lập tại thế. Thiên Chúa thực hiện công cuộc này qua hai giai đoạn: bước đầu là gọi dân Do Thái, sau đó là tất cả. Thế nhưng người Do Thái đã khước từ cách phũ phàng, thô bạo. Thiên Chúa tạm loại họ ra khỏi cộng đoàn thiên sai và nhanh chóng mở cửa cộng đoàn này cho mọi dân, và phòng tiệc đã đầy tràn thực khách.  Đến đây vết xe cũ của dân Do Thái lại lập lại nơi cá nhân của nhóm thực khách được mời sau, dưới một dạng thức khác. Có nhiều người tưởng rằng cứ được vào phòng tiệc là đương nhiên được hưởng phúc dự tiệc thiên sai vĩnh cửu. Không! Phải mặc y phục lễ cưới, tức phải sống và làm lớn lên tinh thần Kitô mà người tín hữu đã nhận lúc chịu phép rửa. Ơn cứu độ đã dọn sẵn, nhưng phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận, và làm cho ơn Chúa sinh hoa kết quả nơi từng người tín hữu.

Frère Pierre Đình Long FSC