CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN -năm C

Bài 1

Am 8, 4 – 7; Lc 16, 1 – 13
Chủ đề: Mối tương quan giữa Con người – Thiên Chúa – Tiền Của

*Am 8, 4a. 7b: Hãy nghe đây hỡi những ai đàn áp người cùng khổ … Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

*Lc 16, 13a: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.

   Lời Chúa của Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên C đề cập đến một vấn đề thiết thân với cuộc sống của con người, luôn mang tính thời sự, đầy lôi cuốn, hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy, lo âu, kể cả hiểm họa cho mọi thời, mọi nơi, mọi người, mọi giới … Ai nấy đều quan tâm vì vấn đề này có liên quan không nhiều thì ít đến cuộc sống cụ thể của mọi người, từng người. Và trong một chừng mực nào đó, vấn đề này còn là yếu tố quyết định, xoay chuyển tình huống cuộc sống. Đó là vấn đề TIỀN CỦA.

   Nói cách chính xác hơn, đó là vấn đề CÁCH THỨC SỬ DỤNG tiền của. Nghĩa là chúng ta phải sử dụng tiền của như thế nào, phải có một lập trường, tương quan như thế nào để tiền của – vốn tự bản chất chỉ là của phù vân, mang một giá trị tạm thời nơi cõi thế này – có thể mang lại lợi ích vững bền, kể cả mang lại phúc trường sinh cho những ai mang nhiều của cải, lẫn người nghèo khó.

    Lời Chúa mời gọi chúng ta, ngay từ thế tạm này, trong phút giây hiện tại, phải sống làm sao để khi ra trình diện Chúa thì được Chúa khen thưởng. Phải có một chọn lựa dứt khoát ngay bây giờ! Vậy điều quan trọng không nằm ở chỗ CÓ NHIỀU hay có ÍT tiền của, mà nằm ở mối tương quan được “cái tôi” tạo ra giữa bản thân tôi với tiền của, với Thiên Chúa và với tha nhân. Đặc biệt, trong Tin Mừng, điều Đức Giêsu để tâm cảnh cáo là đừng mê muội gán cho tiền của một giá trị ảo đến độ đánh mất phẩm giá làm người để “làm tôi tớ của tiền của”, và còn tồi tệ hơn nữa khi coi tiền của như Thần Linh, rồi trao phó vận mạng, cuộc đời mình cho thứ NGẪU TƯỢNG do sự ngu dốt, khờ khạo cứng đầu của mình tạo ra.

   Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Amos. Các sấm ngôn này được công bố vào thời kỳ đất hứa bị phân chia thành 2 vương quốc: Bắc quốc là Israel, còn Nam quốc là Giuda. Amos là một người chăn súc vật và chăm sóc cây sung, ông cư ngụ ở Giuda, Nam quốc, nhưng bị Thiên Chúa “bắt cóc” phải ra Bắc quốc là Israel, tuyên sấm, vạch mặt các tội ác của vua dân Bắc quốc (x. Am 1, 1; 7,14 – 15), kèm theo lời ngăm đe Thiên Chúa sẽ xét phạt (x. Am 8,7). Trong bài đọc 1 hôm nay, đối tượng chính mà sấm ngôn của Amos nhắm tới là những kẻ giàu có nhờ buôn gian, bán lận, đầu cơ bóc lột người nghèo. Chúa sai Amos tới vạch mặt, cảnh cáo họ.

    Amos nặng lời gọi họ là “những kẻ đàn áp người cùng khổ”, là bọn ác nhân muốn “tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (x. Am 8, 4); Ngôn sứ phơi bày ra ánh sáng những âm mưu buôn thần bán thánh, mua gian bán lận của chúng. Thời gian nghỉ ngơi trong các dịp lễ, trong ngày Sabat là để có thêm giờ tôn vinh, thờ phượng Chúa, thì chúng lại dùng để tính kế bày mưu, hãm hại người nghèo, làm giàu bất chính, mua dư bán thiếu: chúng “làm cho cái đấu nhỏ lại”, cho quả cân nặng thêm; … làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ” (8,5), để rồi khi ngày lễ nghỉ qua đi, chúng đem cái trò gian trá ấy ra bóc lột thiên hạ. Người nghèo là kẻ bị thiệt hại, chịu nhiều bất công nhất: chúng ép người nghèo phải mua lúa nát, gạo hư; Phải chịu vay với tiền lời cắt cổ đến độ món nợ chỉ bằng giá một đôi dép thì chúng cũng có thể “phù phép” làm nên nguyên cớ để chiếm đoạt vợ con, bắt người nghèo làm nô lệ (8, 6).

    Chúa quyết tâm can thiệp! Cái điều chúng toan tính, âm mưu, “thầm nghĩ”(8, 5a) đều không qua khỏi cặp mắt công thẳng của Chúa. Người sẽ tính sổ đòi lại lẽ công bình (8, 7).

   Lời Chúa ngầm bảo ta: hãy lo hoán cải kịp thời để ngày Chúa can thiệp là ngày vui cho ta.

   Chủ đề mối tương quan giữa Thiên Chúa – con người – tiền của được Tin Mừng minh họa rõ nét bằng một dụ ngôn: Ông Chủ là Thiên Chúa; Người quản gia với thời gian còn lại ngắn ngủi có thể sử dụng được phần gia sản Chủ giao là biểu tượng cho từng người chúng ta khi còn đang sống tại thế; Còn số tài sản của Chủ mà anh còn có quyền sử dụng trong một thời gian ngắn nữa chính là những gì Thiên Chúa đã ban cho từng người trong cuộc sống này.

    Dụ ngôn kể rằng anh quản gia sắp bị cách chức! Anh có thể lạm dụng thời gian ngắn ngủi còn tại chức để gom thu tích lũy thêm cho mình một số vốn để khi mất việc anh có chỗ dựa an toàn. Coi bộ cũng hợp lý! Nhưng đừng quên, Đức Giêsu không dạy ta giải quyết các vấn đề trần thế; Người đang chỉ lối cho ta vào Nước Trời, nên Đức Giêsu giải quyết, ngang qua thái độ của anh quản gia, bằng một cách ứng xử khác. Đức Giêsu ngầm bảo: tiền của tích lũy ở trần gian không có giá trị trong Nước Trời. Chỉ có tình yêu, tình người mới đưa được chúng ta vào Nước Trời và sống hạnh phúc. Đó là điều Đức Giêsu muốn gởi tới chúng ta qua dụ ngôn.

   Anh quản gia đã không tích lũy thêm của cải (có lẽ vì ham những thứ đó mà anh bị đuổi việc?) từ những con nợ. Anh đã tặng lại cho họ bằng cách ghi lại biên lai nợ với số nợ ít hơn. Tầm nhìn của anh không đặt vào yếu tố “có thêm nhiều tiền”; Anh có một chính sách khác “có người đón rước anh về nhà họ” sau khi anh bị đuổi việc.

Trong tương quan đó anh tiếp tục được các con nợ đối xử kính trọng như là một ân nhân của họ. Vật chất anh khỏi lo vì đã được tình người đùm bọc do các kẻ nghèo, con nợ của anh.

   Bài học cho Kitô hữu: ở đời này, chúng ta chỉ là quản gia về tiền tài, thời giờ, sức khỏe, tài năng … Hãy sử dụng thế nào để khi lìa thế sẽ có người đón rước chúng ta! Ai đón rước ta? Thiên Chúa và người nghèo mà ở thế nay ta đã rộng tay giúp đỡ vì Đức Giêsu cũng đã nói Nước Trời là của người nghèo mà (x. Lc 6, 20). Vậy cuộc đời này chính là nơi chúng ta quyết định vận mạng ĐỜI SAU của mình: chọn Thiên Chúa, tha nhân hay chọn tiền? Yêu người, phụng sự Chúa hay mê tiền, chạy theo ngẫu tượng?

Bài 2

   Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia … Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được! (Lc 16, 13).

   Lời Chúa hôm nay đặt chúng ta trước một vấn đề rất là cụ thể và luôn mang tính thời sự đối với cuộc sống nhân loại: TIỀN CỦA. Chính xác hơn, Lời Chúa hôm nay đề cập đến chủ đề CÁCH THỨC SỬ DỤNG TIỀN CỦA. Sử dụng như thế nào để cuối cùng được Thiên Chúa khen ngợi.

   Lời Chúa hôm nay không giới hạn “tiền của” trong các tài khoản, trong các tiền mặt … mà mở rộng ra cho nhiều thứ khác nữa. Đó là tất cả những gì tôi có, tôi sở hữu, không phải chỉ là những thứ thấy được rõ ràng như xe cộ, nhà cửa, vật dụng, … mà còn là những thứ không thấy được bằng giác quan như sức khỏe, tài năng, địa vị, quyền lực, … nghĩa là tất cả những gì tôi có đều nên vô ích, mà còn làm gia tăng các nỗi đau khổ của tôi. Như trường hợp Abram trong St 15 khi được Chúa hứa ban cho vùng đất ông đang tạm cư, thì ông đã buồn sầu thưa với Chúa “… Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không có con cái (St 15, 2) và người thừa tự hưởng tất cả những gì ông có là Eliede, một người dân xứ Đamas. Vì thế cách thức sử dụng tiền của không chỉ giới hạn trong của cải vật chất mà còn bao trùm cả cuộc sống của con người.

   Thật vậy, các con buôn trong bài đọc 1, người quản gia trong bài đọc Tin Mừng đã vận dụng toàn bộ những gì mà họ có để thực hiện các mưu mô, dự tính của họ: các con buôn đã tận dụng thời gian của các dịp lễ nghỉ để thiết kế bày mưu làm ăn gian dối thay vì dùng để ca ngợi thờ phượng Chúa; tận dụng trí tuệ; khai thác bất chính các phương tiện làm ăn đang có; bóc lột tận tủy các người nghèo …. Cũng vậy, trong Tin Mừng, anh quản gia bất trung đã sử dụng tất cả những gì anh có để phục vụ cho mưu mô của mình: trí khôn, khả năng, tiền của, thời giờ ít ỏi còn được ở lại trong nhà chủ, quyền lực hợp pháp mà anh ta còn được phép sử dụng, các con nợ của anh …. Vậy  vấn đề không chỉ dừng lại ở chỉ một yếu tố là tài khoản, hiện kim, hiện vật mà là toàn thể con người mình.

     Kẻ đang đắm chìm trong nô lệ Tiền Của, quên mất rằng tất cả các tài năng, thời giờ, vận may… đều là ơn huệ Chúa ban cho để phục vụ. Không để chỉ phục vụ cá nhân, bè nhóm họ, mà là phục vụ mọi người và nhất là góp phần phục vụ công trình cứu độ của Thiên Chúa. Còn các dạng tiền của hữu hình như tài khoản, hiện kim, hiện vật… chỉ là những sản phẩm của xã hội loài người, được chính con người tạo ra để tạo sự dễ dãi trong công cuộc giao dịch, trao đổi sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt đời thường. Giá trị của chúng là do con người bày vẽ ra tùy theo nhu cầu tùy lúc tùy nơi. Khốn thay những tiện nghi, phúc lợi, thoải mái do chúng mang lại dần dần thấm sâu vào não trạng hưởng thụ của con người rồi dần thống trị con người, mê hoặc con người, dẫn dụ con người chỉ còn biết đi tìm khoái lạc, hưởng thụ cá nhân nơi những gì chúng mang lại mà quên mất đi khía cạnh phục vụ cộng đồng, phục vụ công ích mà lẽ ra con người có thể khai thác được nơi chúng. Để rồi khi đã nghiện nhiễm những hưởng thụ khoái lạc do chúng mang lại, con người không thể nào dứt bỏ được chúng; Trái lại còn lao đầu vào chúng như các con nghiện ma túy, chỉ còn tìm thấy được chút khoái lạc, an bình trong khói thuốc một cách vô ý thức không sao cưỡng lại được. Lúc ấy con người như 1 con thiêu thân tự lao vào những đóm thuốc làm vật tế sinh cho Tiền Của. Trước nguy cơ con người cứ điên cuồng lao vào chỗ chết ấy, Thiên Chúa nặng lời cảnh cáo trong bài đọc 1 (Am 8,7b). Còn trong Tin Mừng Đức Giêsu đã đẩy mạnh lời cảnh cáo lên tới chóp đỉnh khi gọi Tiền Của là “Mamon” nghĩa là “Thần Tài”, coi nó như 1 ngẫu tượng trong tâm hồn mình thay thế cho vị trí của Thiên Chúa.

       Vì đâu mà con người bị Mamon hút vào vòng xoáy chết người ấy? Do lòng tham. Trong trường hợp này, lòng tham không chỉ là một tật xấu luân lý, mà chính là tội thờ ngẫu tượng, Thánh Phaolô cũng cảnh cáo chúng ta như thế (Cl 2, 5c).

       Lời Chúa hôm nay chất vấn tín hữu: Tiền của chiếm vị trí nào trong tâm hồn tôi? Tôi có đặt nó vào vị trí cao nhất, tức là vị trí của Thiên Chúa trong tôi hay không? Trong tương quan với tha nhân, tôi sử dụng tiền của như thế nào để được Chúa khen là người khôn khéo?

BÀI ĐỌC I: Am 8, 4-7

   Amos là người gốc Tơqoa thuộc vương quốc Giuđa, làm nghề chăn súc vật ( Am 1, 1; 7, 14). Ông được Chúa gọi làm ngôn sứ cho dân Bắc quốc vào thời vua Giơrôbôam II (786-746). Đây là thời thái bình thịnh vượng, kéo dài tới 40 năm, khiến có người ảo tưởng rằng triều đại hoàng kim của vua Salomon đang trở lại. Tiếc thay, sự giàu sang vật chất mang tính thụ hưởng ấy đã kéo theo sự suy thoái về mặt tôn giáo, đạo đức : xã hội đầy dẫy bất công, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng. Amos bị ép lãnh nhiệm vụ vạch mặt những sai quấy ấy, công bố lời ngăm đe của Thiên Chúa. Ông là ngôn sứ văn sĩ đầu tiên; sứ điệp của ông được ghi lại trong sách Amos, có thể chia làm 4 phần ( CGKPV-“Các Sách Ngôn Sứ” trang 701, ấn bản 1996)

    Bài đọc 1 thuộc phần III. Phần này gồm 5 thị kiến và 2 trình thuật xen vào giữa 3 thị kiến cuối. Nội dung phần này nói về án phạt Chúa sắp giáng xuống Israel. Chúa đã không thi hành án phạt của 2 thị kiến đầu nhờ lời nài xin của ngôn sứ. Nhưng trong 2 thị kiến 3 và 4 Chúa dứt khoát trừng phạt. Trong thị kiến 3, Am loan báo các đền thờ của Bắc quốc sẽ đổ nát, Chúa dùng gươm chống lại nhà Giơrôbôam (7,9). Đoạn 7, 1-17 được xen vào chắc là để phản ánh lại thái độ không tin của Bắc quốc vào nội dung lời đe phạt trong thị kiến, người tiêu biểu là tư tế Amatgia; nhưng Am vẫn kiên trì trong sứ mạng: công bố lưu đày, cái chết ở xứ người của Amatgia và tiếp tục báo họa qua thị kiến 4 (8,1-3) và qua trình thuật tiếp theo ( 8, 4-14), đặc biệt là lên án cách cụ thể nhắm vào các con buôn gian ác ( 8, 4-8). Và phần này kết thúc bằng thị kiến 5 nói về sự sụp đổ của Đền Thờ (chắc là đền ở Bethel) và tất cả tội nhân đều phải chết (9, 1-10). Bài 1 là trích phần trình thuật lên án các con buôn gian ác (8,4-7).

  1. Lời mời lắng nghe hàm ý thức tỉnh khỏi đường gian ác (4)

  • Mời gọi lắng nghe: “ hãy nghe đây”.

      (ý định của Thiên Chúa luôn là cứu độ. Vì thế khi Chúa ngăm đe có mục đích mời con người hoán cải. Cách chung, lời mời, “ hãy lắng nghe” có mục đích mời đối tượng nghe những gì sắp được phát biểu tiếp sau để thấu triệt ý Chúa, mở lòng ra với Người và thực thi lời Chúa ( ĐNTHTK “ Lắng nghe”. Xem Đnl 4, 1; 5,1; 6,4; (2,28…) Ngoài ra mệnh lệnh “Lắng nghe” còn là một lời mời tin tưởng rằng Chúa sắp can thiệp để thực thi một điều gì đó (Đnl 9, 1-6; 20,3).)

  • Đối tượng: Kẻ gian ác đàn áp người cùng khổ…trong xứ.

    Chúa muốn những kẻ ác này hãy nghe để ý thức những sai quấy, tội phạm của chúng, hàm ý Chúa sắp can thiệp để chấn chỉnh, do đó hãy mau thức tỉnh lo hoán cải. Để giúp ý thức, thức tỉnh và hoán cải, Chúa vạch tội (5,6) và ngăm đe (7).)

  1. Vạch mặt tội phạm: (5-6)

    Tiền bạc là trên hết. Để có được nhiều tiền kẻ gian tham không từ một thủ đoạn nào. Tất cả luật Chúa về phụng tự, về công bình xã hội, về tình đồng loại bác ái đều bị bọn con buôn xấu dẹp bỏ hết, miễn là có tiền. Sấm ngôn vạch mặt:

  • Các ngươi thầm nghĩ: (5a)

     Mệnh đề trên cho thấy Thiên Chúa thấu suốt mọi cái ẩn giấu tận thâm sâu của lòng người. Mọi toan tính gian ác của kẻ giữ đều hiện ra tỏ tường trước mặt Chúa. Từ “thầm nghĩ” nhắc cho ta nét luân lý cơ bản này: không phải hành động cụ thể bên ngoài quyết định giá trị luân lý, tôn giáo của việc làm, nhưng chính là những tư tưởng toan tính từ bên trong. Và chính Chúa là Đấng thấu suốt tâm can).

  • Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa…? (5bcde)

   (xem chuyện buôn bán bạc tiền trọng hơn việc phụng tự thờ phượng Chúa. Bề ngoài, rõ ràng bọn gian thương vẫn giữ luật hưu lễ: chúng nghỉ việc ngày mồng 1 (dịch sát là “trăng mới”: ngày này cũng là ngày lễ nghỉ như ngày Sabat; 1Sm 20,5; Lv 23,24), và nghỉ ngày Sabat. Nhưng dù xác ở nhà, tâm trí chúng vẫn đầy ắp những toan tính làm ăn bất chính, lo chuyện bán buôn: trong tâm trí chúng không có một chỗ nào cho Thiên Chúa. Vị trí lẽ ra là của Thiên Chúa, bọn chúng đã đem tiền tài thế vào đó).

  • “Ta làm cho cái đấu nhỏ lại…để đánh lừa thiên hạ” (5fgh)

  (buôn bán gian lận, vi phạm luật công bình xã hội. Vạch trần các mánh khóe gian lận của những con buôn bất hảo: làm sai lệch đi những chuẩn mực nền tảng của đo lường, của buôn bán nhằm trục lợi nhiều, bất chính. Trong đầu óc không lo nghĩ đến Chúa, phụng sự Người thì ma quỷ và sự ác sẽ vào xâm chiếm là lẽ tự nhiên)

  • “Ta sẽ … đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ”, bán lúa nát gạo mục (6)

        (đây là tội áp bức, bóc lột kẻ nghèo hèn. Người nghèo đâu có gì đáng giá để bọn gian thương cân đo gian lận, thế là bọn họ lừa đảo bằng cách ép họ chịu những bất công bóc lột:

  • Bán lúa nát gạo mục cho người nghèo: có lẽ vì thiếu tiền, mua chịu rồi bị xử ép, nhưng người nghèo quá nên không biết kêu vào đâu.

  • Phải bán thân làm nô lệ nhiều khi món nợ chỉ giá bằng đôi dép. (x. CGKPV Các Sách Ngôn Sứ trang 724 nốt “l”)

    Nỗi cùng khốn trên của người nghèo là hậu quả của cả một hệ thống xã hội bất công, đạo đức niềm tin suy đồi: do sự thiên vị của các người nắm giữ công lý (5, 10.12b.15 …), cái nhìn lệch lạc về tế tự (5, 21 – 24) và do lòng tham vô độ của bọn nhà giàu …. Tất cả những điều ấy đã khiến người nghèo bị chà đạp xuống tận bùn đen. Do nghèo họ bị ép mua đồ thiếu phẩm chất, phải vay nợ, chịu lãi nặng, bị tòa án phân xử bất công, thêm mưu mô của bọn chủ nợ giàu có khiến họ không sao trả được nợ dù chỉ là một đôi dép. Họ bị xiết đồ (2, 8), bán cả vợ con và bản thân làm nô lệ. Câu 6 cho thấy nỗi khốn cùng của người nghèo lên tới tột đỉnh: con người họ không đáng giá 1 đôi dép.

  1. Lời ngăm đe của Thiên Chúa (7)

  • “Đức Chúa đã thề nhân danh niềm tự hào của Giacob”

   (x. CGKPV 724 m. Thiên Chúa đã chọn Giacob và ban cho ông nhiều đặc ân. Thiên Chúa xác định rằng Người chính là niềm tự hào duy nhất của dân Người, dân chỉ cậy dựa thờ lạy duy chỉ Thiên Chúa thôi. Cách nói đặc biệt này chắc là nhằm nhắc những kẻ sống cậy dựa vào tiền, chỉ thấy có tiền mà thôi hãy lo tỉnh thức và cách nói đó có nghĩa là nhân danh chính Chúa.)

  • “Ta chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”.

   (đừng tưởng “thầm nghĩ” mà Chúa không biết. Chúa sẽ tính sổ. Trước khi bị tính sổ, vẫn còn một chút thời gian. Lời ngăm đe hàm ẩn lời mời hoán cải. Tiếc thay lịch sử đã cho thấy dân cứ cứng đầu, do đó lời ngăm đe đó đã thành án phạt.)

Tóm lại: kẻ gian ác làm tôi tiền của, đắm chìm trong những mưu toan bất chính và tìm đủ cách làm giàu bằng mọi giá bất chấp đạo lý, tình người. Chúng tưởng rằng có thể thụ hưởng được mãi những gì đã tích lũy được. Chúng lầm to! Thiên Chúa còn có đó. Người vạch trần mưu mô kẻ gian tà, sẽ ra tay đòi lại lẽ công bình, giương cao công lý.

   Trong chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay, liên quan đến việc sử dụng tiền bạc, bài đọc 1 lên án việc sử dụng tiền của cách sai lệch: xem tiền như chủ tể tối cao, suốt đêm ngày tưởng nghĩ đến và lo tìm kiếm, tích lũy bằng mọi giá đến độ coi thường cả luật Chúa, bán rẻ tha nhân, lao đầu vào những mưu toan bất hảo, tưởng rằng che được mắt Thiên Chúa. Lời Chúa ngầm bảo hãy lo hoán cải trước khi án phạt công minh của Thiên Chúa ập đến.

TIN MỪNG: Lc 16, 1-13

    Đức Giêsu đang ở những chặng cuối của giai đoạn 2 của cuộc hành trình tiến về Giêrusalem. Người tiếp tục mặc khải cho những kẻ đang theo Người (với đầu óc so đo, tranh dành biêu lộ qua câu hỏi “ ít người được vào Nước Trời”? Lc 13, 23) con đường hẹp để vào được Nước Thiên Chúa. Đừng bận tâm vấn đề “ ít hay nhiều người được cứu độ” mà hãy xác tín rằng Nước Trời không từ chối ai cả, nhưng để vào được thì phải “ chiến đấu để qua cửa hẹp”. Đừng hiểu lầm, “ chiến đấu” là tranh dành với người khác; Mà hãy hiểu rằng: với việc Đức Giêsu xuất hiện, cửa Trời đã mở ra cho mọi người rồi ( Lc 3, 21b; Mc 1, 10; Mt 3, 16). Vấn đề còn lại về phía con người là mỗi người chiến đấu với chính bản thân mình để từng người có thể vào được Nước Trời qua “ cánh cửa hẹp” mà Đức GiêSu đã mở ra. Và trong giai đoạn 2 này, Đức GiêSu hé mở cho kẻ theo Người hiểu phải chiến đấu với cái gì nơi bản than mình để có thể vào được cửa hẹp:

  • Chúa nhật 21 C: trước tiên là phải chiến đấu với bản thân để thay đổi não trạng về ơn cứu độ: ơn cứu độ là phổ quát, được dọn sẵn cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cho tuyển dân, cho những người “quen biết”. Đừng cậy dựa vào tính thân quen (mà người trần thế theo đuổi: nhất thân nhì thế), tự hào mình là “bà con, lối xóm” của Chúa để rồi không lưu tâm đến, không chiến đấu với bản thân đón nhận những điều mới mẻ, mới lạ, phổ quát của ơn cứu độ do Đức GiêSu mang tới. Đức GiêSu cảnh cáo: nếu không hoán cải kịp thời sẽ bị rơi vào tình trạng phải hối tiếc của những người vốn là thân quen, nhưng đã bị “lỗi dịp”, trễ hẹn như Đức Giêsu đã cảnh cáo trong Lc 13, 25-29 (điều này cũng đã được Gioan Tiền Hô cảnh báo trước trong Lc 3, 7-9; Mt 3, 8-10).

  • Chúa Nhật 22 C: chiến đấu để khi bản thân được mời dự tiệc thì đừng tìm ngồi chỗ nhất; Rồi khi mình đãi tiệc thì chiến đấu để nghe theo lời Đức Giêsu chỉ mời người nghèo hèn, kẻ bị loại bỏ,…

  • Chúa Nhật 23 C: chiến đấu để bản thân dám đặt Đức Giêsu vào vị trí số Một trong cuộc đời mình hơn cả cha mẹ, vợ con…và dám vác thập giá của mình mỗi ngày theo Người.

  • Chúa Nhật 24 C: chiến đấu để thông hiệp với lòng thương xót của Cha, đừng so đo, kể công, đòi tính toán sòng phẳng với Chúa, với nhau, nhưng hãy chung vui với Cha, với tha nhân: niềm vui đón nhận, niềm vui tha thứ, niềm vui sống trọn vẹn tình yêu gia đình, tất cả sum họp trong nhà Cha

    Và hôm nay Chúa Nhật 25 C chiến đấu với của cải, với lòng tham lam của bản thân để có thể sử dụng tất cả những gì được Chúa trao ban ở đời này, dù là phù du, mau hư nát, không cho ta sự sống lâu dài,…để xây dựng tương lai vĩnh cửu trong Nước Trời.

   Để nắm bắt được trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa hôm nay 25 C, cần lưu ý:

  * Những án lệnh được công bố trong bài 1 (Am8, 7b) và trong Tin Mừng (Lc 16,21), chỉ mới là những lời ngăm đe: các con buôn gian ác (bài 1) lẫn người quản gia ma giáo vẫn còn đang ở trong cương vị trước đó của mình. Họ còn có một khoảng thời gian để phản ứng lại lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Họ không còn thời giờ để chọn lựa, thay đổi.

 * Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa công bố một án phạt, không có nghĩa là Thiên Chúa muốn điều dữ bắt buộc phải xảy ra đúng như lời Chúa phán. Án lệnh có thể xảy ra y như thế trong tương lai hay không là còn tùy thái độ đáp trả của người nghe trong hiện tại. Trường hợp dân Ninivê trong sách Giôna là một ví dụ. Lời ngăm đe cho tương lai thực ra là một lời cảnh cáo với ước mong người nghe hoán cải, thay đổi cách ứng xử để được thứ tha và được sống. Tin Mừng tuần trước 24 C đã cho thấy tội của hai cậu con và lòng thương xót của Cha như thế nào. Phần Cha: tha tất cả; số phận của con là tùy quyết định , chọn lựa của từng đứa trước tấm lòng của Cha.

  * Theo tầm nhìn đó, chúng ta đọc dụ ngôn “người quản gia” không chỉ thuần túy dưới góc cạnh luân lý: Thiên Chúa sẽ xét phạt công bình, cân xứng với những gì xấu mà con người đã làm; nhưng hãy đọc trong đó, khám phá ra điều mà Thiên Chúa mong đợi khi cất lời ngăm đe nặng nề. Chắc chắn điều Thiên Chúa mong đợi là “tội nhân hoán cải”, án phạt không bao giờ là tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa.

    * Bài đọc dụ ngôn quá phong phú, nhiều ý tưởng, chi tiết; chỉ xin giới hạn suy tư vào 2 nhân vật: quản gia và ông chủ.

NGƯỜI QUẢN GIA

  1. Quản gia bất lương, man trá

    Dụ ngôn này được Đức Giêsu nói cho các môn đệ (16, 1). Do đó ít nhiều gì, Đức Giêsu cũng muốn gửi đặc biệt đến các môn đệ 1 sứ điệp. Sứ điệp ấy nằm nơi thái độ, cách ứng xử của người quản gia. Lưu ý, trong dụ ngôn này, người quản gia được trình bày dưới 2 dung mạo trái nghịch nhau: – một dung mạo bất lương man trá với hậu quả là bị tố cáo, bị đuổi việc (16, 1b-2); và một dung mạo được chủ khen là “đã hành động một cách khôn khéo” (16, 8). Lưu ý Đức Giêsu không khen con người, nhân cách anh ta là khôn khéo, mà khen “cách hành động”. Cũng xin nhắc lại, đứa con hoang đàng trong Lc 15 không hề thay đổi con người đạo đức luân lý của nó, nó về với Cha là vì sợ chết đói. Thế nhưng chính hành vi đầy nét toan tính, vụ lợi đó đã đưa nó tới Cha và gặp lòng thương xót của Cha và đời nó đổi thay. Bản văn nói chính cách hành động của mình mà quản gia được khen và dù bản văn không nói nhưng vận mạng anh ta có cơ may thay đổi.

    Trong xứ Palestin, theo luật Do Thái liên quan đến vai trò của người quản lý, địa vị này phải được trọng kính. Quản lý không phải là một nhân viên được trả công, cũng không phải là người môi giới giữa chủ và đối tác, nhưng là người toàn quyền thay mặt cho chủ, kể cả trong việc cho người khác vay tiền của chủ, và chủ phải tôn trọng các giao dịch làm ăn của người quản lý. Thường đây là người ở với chủ lâu năm và được chủ tin cậy đặc biệt có thể giao những việc hệ trọng thân tín (x. St 24, 1-9). Trong trường hợp người quản lý lừa bịp chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt y phải bồi hoàn cho chủ. Hình phạt có chăng cũng chỉ là trách móc rồi sa thải, bị mất uy tín. Sau khi nhận giấy sa thải, viên quản lý phải tính sổ, liệt kê tài sản của chủ mà y đã sử dụng làm ăn. Việc này cần một thời gian. Trong giai đoạn này y vẫn là người đại diện cho chủ theo đúng luật, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C MTN trang 316-317)

    Trong dụ ngôn này, tên quản lý bị người ta tố cáo. Chắc chắn là hành vi gian trá của y đã quá lộ liếu nên không thể chống chế. Y im lặng, tìm cách xoay xở để lo cho tương lai: phải tận dụng tối đa và có hiệu quả thời gian vắn vỏi còn lại trước khi bị đuổi ra khỏi nhà chủ.

    Thời gian còn lại thật vắn vỏi! không thể chần chừ! Phải quyết định và hành động ngay! Phải lưu ý đến chi tiết này. Nó nói lên tính cách khẩn cấp mà sứ điệp của Đức GiêSu đòi hỏi những kẻ đang nghe Người.

  1. Toan tính trong hiện tại của tên quản gia:

    Trước mặt, y biết là sắp bị đuổi việc chỉ còn 1 thời gian rất ngắn còn sử dụng được quyền bính để làm công việc báo cáo “tính sổ đi”. Lúc này y vẫn còn chút quyền trên con nợ, trên sổ tài sản của chủ mà y đã cho vay. Và y đã vận dụng những gì mà y còn đang có, mà chủ chưa lấy lại. Và theo cách trình bày trong dụ ngôn thì chủ mặc nhiên đồng ý cho y làm như vậy. Tại sao?

    Vì ông chủ này là hình ảnh của 1 Thiên Chúa từ nhân, là “Cha của đứa con phá sản”. Ông chủ này không cần thu hồi lại số tiền, tài sản mà ông đã đầu tư qua trung gian tên quản gia. Điều ông mong chính là con người, nhân cách của tên quản gia. Dù sao y cũng là người trung tín trong 1 khoảng thời gian nên mới được ông tín nhiệm chọn làm quản gia. Tiếc thay giờ đây y đã bị đồng tiền làm ra hủ hóa, đến độ tự sức mình không sao thoát ra khỏi vòng trói buộc của lòng tham không đáy. Cần phải mạnh tay để cảnh tỉnh y. Đó là cái mà ông chủ cần, tốn thêm bao nhiêu ông cũng không tiếc. Giống như người Cha chỉ mong con  quay về dù thân tàn ma dại; Cha đâu cần tài sản!

    Ông chủ trong dụ ngôn này là 1 người đặc biệt như thế, nên tên quản gia mới còn được tự do trọn vẹn dù trong 1 khoảng thời gian ngắn, để tính toán.

* Toan tính của tên quản gia (c, 4)

    Trước khi nhận được thông tin bị đuổi việc, tên quản gia này chỉ biết sống vì tiền một cách vô trách nhiệm, được Luca diễn tả qua từ “phung phí”: “tên quản gia bị tố cáo với chủ nhà như là TÊN PHUNG PHÍ ( diaskorpizon = động tính từ, hiện tại của diaskorpizo) tài sản của chủ” (16, 1b). Vậy cách xài tiền của y giống như thằng con hoang đàng trong Lc 15, 13 đã PHUNG PHÍ ( cùng 1 động từ, thì aorist) tiền Cha đã chia cho y. Chính vì tiêu xài vô độ phung phí như thế, cho nên sau bao nhiêu năm làm quản gia, y chẳng

tích lũy được bao nhiêu vốn liếng để sau này “dưỡng già”. Vì thế khi được tin bị đuổi việc y mới hốt hoảng: “mình sẽ làm gì đây để sống” (c.3a).

   Và y đã tính toán như thế này: làm cách nào để có NGƯỜI ĐÓN TIẾP Y VỀ NHÀ HỌ, sau khi y bị cách chức (c.4). Đây chính là chiến lược định hướng cho toàn bộ thời gian ngắn ngủi y còn trong nhà chủ với chút quyền hạn quản gia còn sót lại. Tất cả những việc làm trong Lc 16, 5-7 chỉ là minh họa cho chiến lược ở c.4 thôi. Đó cũng chính là bài học mà Đức Giêsu muốn dạy cho môn đệ được nói ở c.9.

   * Y thi hành toan tính trên như thế nào?

    Khi nghe thông báo bị đuổi việc và phải lo tường trình sổ sách, con người của tên quản gia vẫn còn trong nhà chủ, quyền hạn vẫn chưa bị tước đoạt ngay, mọi việc trong nhà chủ vẫn trôi chảy bình thường. Tuy nhiên, có một điều thay đổi: đó là cung cách ứng xử của tên quản gia trong tương quan với chủ, với của cải của chủ, với con nợ của chủ và với bản thân y.

  • Đối với tiền của của chủ còn nắm trong tầm kiểm soát của y, y không dùng để ăn chơi phung phí nữa; Trái lại đã trở thành yếu tố giúp y gây cảm tình với các con nợ, mang lại cho họ niềm vui.

  • Các con nợ thay vì là những đối tượng để y bóc lột, chèn ép, khai thác lợi nhuận để hưởng khoái lạc phung phí, thì giờ đây đã trở thành những đối tượng để ý tìm cách kết thân, tạo hòa khí, thông cảm.

  • Với bản thân: không còn gom tiền để ăn chơi nữa mà là cho tặng tất cả cho các con nợ. Giờ đây, y không còn lo chăm chút ích kỷ cho các dục vọng bản thân trong hiện tại nữa mà hướng đến một cuộc sống trong tương lai không cậy dựa trên tiền của bất chính nữa, mà trên TÌNH NGƯỜI, mong “được đón rước về nhà”

  • Đối với chủ: đã đến thời phải “tính sổ” không qua mặt chủ được nữa.

   Vậy bài học Đức Giêsu muốn gửi tới cho các môn đệ không chủ yếu thuộc bình diện luân lý, đạo đức, mà là mối tương quan phải được các môn đệ xác định rõ ràng giữa bản thân với tiền của, với tha nhân và với Thiên Chúa.

   Cái khôn khéo mà các môn đệ phải học hỏi nơi tên quản gia là hành động y đang làm trong hiện tại khi biết tin sẽ mất chức: đó không phải là chuyện ký lại nội dung giấy nợ mà là y đã TẬN DỤNG TOÀN BỘ NHỮNG GÌ Y ĐANG CÒN CÓ để mua chuộc lòng người, xây dựng tình người cho tương lai. Con người, thời giờ, quyền hạn, tài năng, vị thế…tất cả đều dồn vào một việc duy nhất: chuẩn bị cho tương lai bằng cách xây dựng tình người.

   Y không còn đi tìm vơ vét vội vàng để tìm vốn cho tương lai. Điều đó sẽ không thể được, vì nghe y đi đòi thu nợ là người ta sẽ trốn hết nhất là khi biết anh ta chỉ còn thời gian rất ngắn nữa là phải “hạ cánh”.

     Trái lại nếu nghe tin y “xóa bớt nợ” vô điều kiện thì có thể là tất cả con nợ sẽ tìm vội đến với y để tận dụng dịp may ngắn ngủi hiếm có. Và như thế là ý đồ của y, bước đầu đã thuận buồm xuôi gió.

Ý ĐỊNH CỦA CHỦ

     Nếu ông chủ là người đời và có những suy tư rất đời thì chắc chắn là tên quản gia sau khi tường trình sổ sách sẽ bị đuổi. Sự khôn khéo mà y vừa tận dụng càng làm cho ông chủ phải loại trừ y để tránh môi nguy “nuôi ong tay áo”.

    Nhưng ở đây, chúng ta đừng quên, Đức Giêsu đang đi tìm đón rước tội nhân, đang chỉ đường lối cho họ vào Nước Trời bất chấp quá khứ của họ có tệ lậu đến đâu đi nữa, kể cả trong hiện tại họ chưa hẳn hoán cải như 2 đứa con trong Lc 15.

     Vì thế lời khen của ông chủ (Kurios ám chỉ Thiên Chúa hoặc Đức Giêsu) là lời khen thật lòng và Đức Giêsu muốn các môn đệ phải bắt chước cách hành động TRONG HIỆN TẠI của tên quản gia “Thầy bảo cho anh em biết hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (c. 9).

   Lời c. 9 là bài học theo sát dụ ngôn nhất: như tên quản gia đã khôn khéo giảm bớt nợ để những con nợ sẽ “đón rước y vào nhà họ”, các môn đệ Đức Giêsu cũng phải dùng “tiền của bất chính” (tức chóng qua, ẩn tàng nhiều hiểm họa và không đưa ta tới ơn cứu độ) mua lấy tình bằng hữu để những người này sẽ đón rước các môn đệ vào “nơi cư ngụ đời đời”.

          “Bạn hữu” ở đây ám chỉ người nghèo (mở rộng ra là tất cả mọi người cần đến sự trợ giúp của người môn đệ Đức Giêsu), họ cần ta giúp đỡ tiền bạc (hoặc các nhu cầu thiết yếu khác)

          “Khi hết tiền” ám chỉ lúc chết, khi qua đời sau không đem theo được gì. Lúc ấy người nghèo sẽ ủng hộ ta vì Nước Trời vốn là của họ mà ( Mt 5, 3; Lc 6, 20).

Tóm lại:

   Qua dụ ngôn, Đức Giêsu đặt các môn đệ trước một tình huống tế nhị phải sáng suốt chọn lựa: chọn lựa cách hành xử của tên quản gia trước hoặc sau khi bị thông báo cách chức.

  • Trước khi nghe tin bị cách chức, y sống “phung phí” tài sản chủ: sử dụng tất cả những gì Chủ bạn để hưởng lợi cho bản thân, làm tôi Tiền Của, thờ Mamon.

  • Sau khi nghe tin, y đổi hẳn lối sống: sử dụng tất cả những gì còn lại để xây dựng tình người, để chuẩn bị cho tương lai, phục vụ tha nhân, tôn thờ Thiên Chúa.

   Một điều cũng cần lưu ý trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay: thời gian còn lại để tính sổ rất ít. Hãy đổi thay, bắt tay vào việc ngay HÔM NAY.

  Đọc thêm: cũng như trong Lc 15, dụ ngôn không nói rõ đứa con thứ có vĩnh viễn ở lại với Cha hay không? Đứa con trưởng có chịu vào dự tiệc vui sum vầy hay không? Bản văn còn bỏ ngỏ …

    Cũng vậy bản văn Lc 16, 1 – 13 không nói rõ thái độ của chủ sau khi thấy và khen cách làm của tên quản gia là khôn khéo. Tuy nhiên theo Tin MỪNG Luca, ông chủ là hình ảnh Thiên Chúa đi tìm chiên mất thì ông sẽ đón lại tên quản gia vào nhà sau khi thấy y thay đổi lối sống. Ông vẫn hi vọng rằng với cú “sốc” vừa rồi, với những hành động mới mẻ mà y đang làm, con người y sẽ đổi mới và ông chủ có lại một quản gia tốt.

    Đức Giêsu đang mong các môn đệ làm một cuộc thay đổi như thế để có thể cùng Người lên đên Giêrusalem hoàn tất công trình Thập Giá cứu độ.

Frère Pierre Đình Long FSC