CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – năm B

Bài 1

Cv 3,13-15.17-19; Lc 24,35-48
Chủ đề: dựa vào Kinh Thánh, tín hữu là chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh

* Cv 3,15: …nhưng Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

* Lc 24,46.48: Kinh Thánh chép rằng: Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại… chính anh em là chứng nhân về những điều này.

Lời Chúa, đặc biệt bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh tiếp tục trình bày cho chúng ta những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Và đây là lần cuối, vì tuần IV, các bài đọc Tin Mừng sẽ trở lại hoạt động trần thế của Đức Giêsu. Tuy nhiên điều mà các trình thuật hiện ra nhắm tới không phải là SỰ KIỆN HIỆN RA mà là NHỮNG YẾU TỐ NÀO là NỀN TẢNG để nhân loại có thể dựa vào đó mà tin chắc rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh; Và một điều quan trọng nữa là: thái độ mà con người phải có trước mầu nhiệm đó.

 Tin Mừng hôm nay Lc 24,35-48 thuật lại lần hiện ra cuối cùng của Đấng Phục Sinh theo Tin Mừng Luca. Những người được gặp trực diện Đấng Phục Sinh trong lần hiện ra này là Nhóm Mười Một và các bạn hữu (Lc 24,33) cùng với hai môn đệ làng Emmau. Những người này là những người đã từng một lần gặp gỡ Đấng Phục Sinh:

  • Các bạn hữu ở Giêrusalem làm chứng: “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra cho ông Simon” (Lc 24,34). Lời chứng đó hàm nghĩa là:

    • Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho Simon, và Simon đã loan báo niềm vui, hạnh phúc mình có được cho Nhóm Mười Một và bạn hữu

    • Nhóm bạn hữu đó đã tin lời Phêrô và đang rất phấn khởi

  • Còn hai môn đệ làng Emmau cũng có một kinh nghiệm đích thân gặp gỡ, đối thoại với Đấng Phục Sinh suốt lộ trình từ Giêrusalem về tới Emmau, và cuối cùng qua cử chỉ bẻ bánh, họ đã nhận ra Người, nên vội quay về Giêrusalem chia sẻ niềm vui.

Thế nhưng khi hai nhóm Giêrusalem và Emmau gặp nhau và phấn khởi chia sẻ niềm vui được gặp Chúa như thế nào thì Đấng Phục Sinh đột ngột hiện ra, đứng giữa họ, chúc lời “bình an cho anh em”, thì thật BẤT NGỜ, ĐÁNG NGẠC NHIÊN thay: phản ứng tức thời của họ trước sự kiện là “KINH HỒN BẠT VÍA vì tưởng là THẤY MA” (Lc 24,37). Thế là Đấng Phục Sinh lại phải tốn công giải thích, thuyết phục họ rằng: Người không phải là ma. Các chứng từ thể lý, được Đấng Phục Sinh lập lại: Người lên tiếng, Người mời họ sờ vào Người, Người giải thích “ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (24,39). Vậy mà “các ông còn CHƯA TIN” (24,41). Và tác giả sách Tin Mừng Luca biện minh cho họ “vì MỪNG QUÁ” nên chưa tin. Tình trạng ấy cho thấy họ chỉ mới nhận ra sự kiện, buộc phải nhìn nhận một thực tế vì nó đang có sờ sờ trước mắt chứ chưa đạt tới đức tin. Đây là tình trạng của các tông đồ và của đám đông dân chúng chứng kiến một phép lạ của Đức Giêsu lúc Người còn sinh tiền: họ chỉ sững sờ, thán phục, đồn đãi chứ chưa thật sự tin (x.Mc 4,36; 8,25).

Như vậy chuyện tiếp xúc bằng giác quan với Đấng Phục Sinh là không cần thiết để đi đến đức tin chân chính vào mầu nhiệm Phục Sinh. Vả lại niềm vui gặp gỡ thể lý rất chóng qua và chỉ có một số nhỏ được hưởng, không thể đủ sinh lực để nuôi dưỡng đức tin của toàn thể Hội Thánh cho đến tận thế. Vậy đâu là NGUỒN MẠCH LÀM NỀN CHO ĐỨC TIN? CHỨNG TỪ CỦA KINH THÁNH ! Tin Mừng Luca trả lời.

Thật vậy phần tiếp bài đọc Tin Mừng cho thấy Đấng Phục Sinh phải nhắc lại cho các môn đệ lời Kinh Thánh, mặc khải cho họ thấy các lời Kinh Thánh ấy nay đã ứng nghiệm nơi bản thân Người, đồng thời mở lòng trí cho họ hiểu lời Kinh Thánh rằng “Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại…”. Lúc ấy các môn đệ mới thực sự đi vào cảnh vực đức tin siêu nhiên. Và như thế họ đủ kiên vững để lãnh nhận sứ vụ mà Đấng Phục Sinh trao phó là:

  • Rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho muôn dân và kêu mời họ sám hối;

  • Môn đệ còn phải LÀM CHỨNG về những gì mình rao giảng.

Sứ mạng đó được Hội Thánh kiên trì thực hiện; Và bài đọc một là một minh họa:

  • Bài đọc một mở đầu bằng việc Phêrô công bố Tin Mừng Thập Giá và Phục Sinh với lời lẽ nặng phần trách móc, tố cáo “chính anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống”. Nhưng ngay tiếp đó Phêrô đã trấn an, an ủi: Thiên Chúa đã thứ tha bằng cách khắc phục hậu quả sai trái của anh em là cho Đức Giêsu Phục Sinh. Các tông đồ là chứng nhân cho sự Phục Sinh đó.

  • Nhưng các tông đồ dựa vào đâu để làm chứng? Kinh Thánh đã được các ngôn sứ báo trước: Thiên Chúa đã dùng những sai trái của anh em để hoàn tất “những gì Người đã dùng các ngôn sứ mà báo trước”. Và Phêrô kêu mời dân SÁM HỐI. Tóm lại:

  1.Kinh Thánh 2. Lời rao giảng và chứng từ tông truyền 3. Chân tâm sám hối của người nghe là nền tảng vững bền đưa nhân loại mọi thời đến với đức tin “CHÚA ĐÃ PHỤC SINH”.

Bài 2

“Tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và nói …. “Chính anh em là CHỨNG NHÂN về điều ấy”. (Lc 24, 44b– 45.48)

          Chủ điểm chính vẫn là Đức Giêsu đã sống lại sau khi chịu khổ hình thập giá. Yếu tố chính giúp nhận ra và tin vào chân lý mặc khải này là Lời Chúa. Các tông đồ đã được thiết đặt làm chứng nhân và người loan báo biến cố thập giá và phục sinh này. Về phần những người nghe, Lời Chúa mời gọi hãy sám hối để được thứ tha tội lỗi.

          Tin Mừng Luca thuật lại lần hiện ra thứ ba của Đấng Phục Sinh, sau khi hiện ra cho 2 môn đệ làng Emmaus và cho Simon. Mặc dầu đã biết Người sống lại, nhưng việc Người hiện ra đột ngột đứng giữa các ông khiến mọi người kinh hoàng tưởng là ma. Đức Giêsu phải trấn an bằng cách cho các ông thấy các vết đinh rồi ăn trước mặt các ông. Tuy nhiên các ông vẫn chưa tin. Đức Giêsu phải dùng lời Kinh Thánh giải thích cho các ông hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Cuối cùng Người sai các ông làm chứng cho Người, ra đi rao giảng kêu mời mọi người sám hối để được ơn tha tội.

          Công vụ thuật lại lời của Phêrô nhân dịp chữa lành cho một anh què tại Đền Thờ. Phêrô trách dân Do Thái đã giết Đức Giêsu và xin tha cho kẻ sát nhân và ông công bố: nay Người đã sống lại. Đó là công trình Thiên Chúa tôn vinh Người Tôi Trung đã được các ngôn sứ loan báo. Các tông đồ làm chứng nhân về điều đó. Sau đó, Phêrô an ủi dân chúng đã phạm sai lầm ấy vì không biết. Phần Thiên Chúa, Người cũng đã khai thác sai lầm ấy để thực hiện dự tính cứu độ của Người. Từ đó, Phêrô kêu mời dân sám hối trở về cùng Thiên Chúa để được xóa bỏ tội xưa.

BÀI ĐỌC I: Cv 3, 13-15.17-19

Văn mạch

          Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ mạnh dạn xuất hiện công khai loan báo Tin Mừng phục sinh cho tín đồ Do thái giáo đang kéo nhau về dự lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem. Tuy nhiên nơi họ qui tụ không còn là Đền Thờ nữa, mà là nơi các tông đồ đang lưu trú. Đền Thờ đã được thay thế bằng phòng Tiệc Ly. Và bài giảng đầu tiên của Phêrô tại đây đã lôi cuốn được ba ngàn người tin vào Đấng Phục Sinh (Cv 2, 1-41). Một cộng đoàn đông đảo những người tin vào Đấng Phục Sinh đã hình thành: họ chuyên cần với lời giáo huấn của các tông đồ, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng, hiệp nhất, đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung… kết quả là cộng đoàn ngày thêm đông số (2,42-47). Lối sống độc đáo của cộng đoàn và lời giảng dạy của các tông đồ ngày thêm lôi cuốn nhờ các phép lạ điềm thiêng do các tông đồ thực hiện. Điều này được minh họa bằng phép lạ Phêrô chữa lành một anh què từ thuở lọt lòng mẹ (3,1-10). Phép lạ này đã thu hút dân đến với Phêrô và Gioan, tận dụng thời cơ thuận lợi, Phêrô công bố Tin Mừng phục sinh lần hai cho dân (3,11-26). Tuy nhiên đây đã là nguyên cớ khiến các tông đồ bị giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem cấm đoán, bắt bớ các tông đồ; Thế nhưng ngay trong khung cảnh bất lợi ấy, Phêrô đã tận dụng giảng luôn Tin Mừng Phục Sinh cho các thượng tế (ch. 4). Vậy loan báo Tin Mừng Phục Sinh là bận tâm duy nhất của các tông đồ vào thời điểm này dù thời thế có thuận lợi hay không.

Bài đọc một là trích đoạn lời rao giảng của Phêrô cho đám đông kéo đến do việc chữa lành anh què; Tuy nhiên bản văn phụng vụ bỏ đi tất cả các chi tiết có liên quan đến anh què, chỉ giữ lại lời Kerygma và lời kêu mời sám hối.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Kerygma: lời rao giảng tiên khởi loan báo cái chết và Phục Sinh của Đức Giêsu (Cv 3,13-15):

  • Nền tảng Kinh Thánh: “Thiên Chúa của Abraham… đã tôn vinh tôi tớ của Người là ĐGS (13a).

  • Loan báo thập giá dưới dạng cáo tội người Do Thái, nhắc lại quá khứ:

  • Philatô xét là phải tha Đức Giêsu.

  • Người Do Thái khăng khăng chối bỏ, nộp Đức Giêsu, Đấng Thánh, Đấng Công Chính để xin tha cho một tên sát nhân.

  • Họ đã giết Đấng khơi nguồn sự sống (13b-15a)

  • Công bố Phục Sinh: “Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (15b)

  • Các tông đồ là chứng nhân về những điều ấy (15c)

       Người ta tưởng rằng anh què được lành là nhờ quyền năng của các tông đồ nên Phêrô phải giải thích. Chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu mà anh què được cứu. Vấn đề cốt lõi là phải TIN vào DANH Đức Giêsu, vì tên là biểu tượng cho con người. Mà Đức Giêsu là ai?

           Là Đấng mà anh em đã nộp, chối từ và đóng đinh thập giá. Ấy thế, Đấng đó lại là Người Tôi Trung mà các ngôn sứ đã loan báo (Is 52,13-53,12); là Đấng mà Thiên Chúa của các tổ phụ chúng ta đã tôn vinh. Qua trích dẫn lời ngôn sứ và việc nại vào Thiên Chúa của các tổ phụ, sách Công vụ hàm ý Đức Giêsu qua cái chết của Người đã hoàn tất mọi lời hứa Cựu Ước.

         Đấng Thánh là chính Thiên Chúa : Người là Đấng được tung hô 3 lần Thánh và “Đấng Thánh” được coi là một tên của Người (Is 6,3), là tên mặc khải tương đương với tên “Yavê”. Trong tiếng Do thái “thánh” là qôdesh = “cắt, tách rời”, từ đó Thiên Chúa thánh có nghĩa là Thiên Chúa là duy nhất không có ai, có gì giống như Người; Thật vậy chỉ có Người là Tạo Hoá, là thần linh, tất cả mọi sự đều là thọ tạo của Người. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn thông chia cái THÁNH của Người bằng cách tách riêng một số vật ra chỉ để dùng phụng sự Chúa, cái gì được tách ra ấy đều là “Thánh”: dân thánh (Xh 19,6); núi thánh (Xh 19,23); ngày thánh (Xh 20,18); đền thánh…

         Để con người nhận ra Người là Đấng Thánh, Thiên Chúa đã biểu lộ ra ngoài sự thánh của Người bằng sự ngăn cách: chỉ có một mình Người là Thiên Chúa (Xh 20,3; Đnl 6,4); không có gì so sánh, biểu tượng được Người (Xh 20,4); không ai đến gần Người được, bằng không sẽ chết (Xh 19,13.21). Sự thánh thần linh còn được biểu lộ trong dòng lịch sử nhân loại: qua các thử thách, việc quyền năng, phạt (Ds 20,12; Ed 38,23; 39,7); qua tình yêu tha thứ (Ed 28,25; Hs 11,9); rõ nhất là nơi Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu (Lc 1,35).

Đấng Công Chính: “công chính”, “công minh”, “chính trực” là thuộc tính của Thiên Chúa: Đnl 32,4; Is 30,18; Gr 12,1; Tv 116,5; 119,137; 129,4.. Chỉ có một mình Thiên Chúa là công chính: Is 45,21. “Đấng Công Chính” là chính TC: Xh 9,27; Xp 3,5. Ngoài Thiên Chúa ra tất cả là tội nhân. Con người được nên công chính là nhờ Thiên Chúa công chính hoá, nghĩa là được Thiên Chúa tha thứ, chứ không nhờ công lao hay tự bản chất phàm nhân là công chính. Vậy Thiên Chúa là chuẩn mực của công chính, người công chính là người được Thiên Chúa tỏ cho thấy sự công chính của Người – qua Lề Luật – và sống hài hoà với đường lối mà Người đã mặc khải, nói dễ hiểu là giữ Giao Ước Chúa đã ban.

     Sự công chính của Thiên Chúa chính là việc Người trung tín với chính mình, với những dự tính của Người, với lời hứa cứu độ của Người (Rm 5,6-11) bất chấp những bội phản, tiêu cực từ phía con người. Thiên Chúa đã biểu lộ sự công chính của Người trong công trình sáng tạo: tất cả mọi vật đều tốt đẹp, hài hoà với nhau; thế nhưng con người đã làm hỏng công trình ấy: Thiên Chúa tiếp tục trung tín với dự tính của Người: tái thiết. Nhưng con người đã bị vết hằn của nguyên tội, nên tự sức mình thì luôn sa đi ngã lại, không tự mình đạt tới ơn cứu độ được. Do đó sự công chính của Thiên Chúa – biểu lộ qua tái thiết – chủ yếu là THỨ THA: con người được nên công chính hoàn toàn là do ân ban của Thiên Chúa, câu chuyện 2 người biệt phái và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện là một minh hoa tuyệt vời (Lc 18.14).

     Vậy khi nói Đức Giêsu là Đấng Công Chính hàm ý Người là hiện thân của tình yêu tha thứ tột cùng của Thiên Chúa, qua Người Thiên Chúa thực hiện công trình công chính hoá nhân loại mà không kể đến công lao bất xứng của con người, chỉ cần một điều: đón nhận Đức Giêsu. Đi xa hơn nữa Đức Giêsu chính là Thiên Chúa.

     Đấng khơi nguồn sự sống: khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thông ban sự sống thần linh cho nhân loại: nơi con người có nguồn sự sống nhờ thông hiệp với Thiên Chúa, “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”; con người trở thành sinh vật nhờ hơi thở thần linh. Tiếc thay, con người đã làm tắc nghẽn nguồn sự sống ấy nơi bản thân mình do phạm tội. Đức Giêsu là Đấng được Cha sai đến để khơi nguồn lại sức sống. Thật vậy, nơi Đức Giêsu nhân tính hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và tuân phục tuyệt đối Ngôi Lời Thiên Chúa. Sự sống đã được khơi nguồn trở lại và từ nay không còn bị tắc nghẽn vì bất kỳ lý do nào nữa và còn hơn nữa nhân tính được nâng lên hàng con Thiên Chúa.

     Cáo tội: Ấy vậy mà người Do thái đã “chối từ”, “nộp”, “giết” Đấng Thánh, Đấng Công Chính, “Đấng khơi nguồn sự sống” ấy đi. Hậu quả sẽ là gì? Theo lẽ thường là quả báo, diệt vong. “Cứ để máu hắn đổ trên đầu chúng và con cháu chúng tôi (x.Mt 27, 25). Tuy nhiên cái nhìn của Thiên Chúa lại khác: “…đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28), nghĩa là Đức Giêsu muốn máu Người đổ trên đầu họ là để tha tội chứ không để kết án: “Thiên Chúa sai Con mình đến để cứu  (x. Ga 3, 17); chính Đức Giêsu trước khi chết cũng đã xin Cha “tha cho họ vì họ không biết …” (x. Lc 23, 34). Vậy Mt 27, 25 trở thành một lời tiên tri,  dù đó là ác ý của con người:Thiên Chúa đã lợi dụng ác ý đó để biểu lộ sự “thánh”, “công chính”, “nguồn sống” của mình, để rồi từ đó công chính hóa, khơi nguồn sống cho nhân loại bằng cách cho nhân tính Đức Giêsu phục sinh và tôn vinh làm CHÚA. Về phía con người Chúa chỉ cần sám hối; nhận mình lầm, sai, hối lỗi, nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa.

           Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết:  Tâm điểm của Kerygma, nền tảng của đức tin Kitô giáo, biến cố làm cuộc đời người Kitô hữu có ý nghĩa, biến cố hồi phục và tôn vinh toàn thể nhân loại (1Cr 15, 17 – 18) .

           Quyền năng và tình yêu vô địch của Thiên Chúa là ở chỗ này: Cái sai lầm tệ hại nhất của nhân loại là giết đi “Đấng Thánh, Công Chính, Khơi nguồn sự sống” đã được Chúa đảm nhận và biến thành cửa ngõ đưa nhân tính vào vinh quang phục sinh thần linh, biến toàn thể nhân loại thành con Thiên Chúa. Việc cho Đức Giêsu phục sinh là lời khẳng định tuyệt đối của Thiên Chúa tha thứ tội giết Đức Giêsu của các tội nhân. Sự tha thứ đó còn đi xa hơn nữa là làm cho tội nhân sám hối được làm con Thiên Chúa.

          Các tông đồ là chứng nhân của mầu nhiệm Phục Sinh, và của tình yêu tha thứ; Đồng thời mời mọi người sám hối để ơn Chúa bén rễ và lớn lên trong nhân loại và từng người.

  1. Biện hộ và kêu mời sám hối (Cv 3, 17 -19))

 * An ủi, biện hộ: thưa ANH EM… anh em đã hành động vì KHÔNG BIẾT (x. Lc 23, 34)

* Thiên Chúa đã khắc phục hậu quả: làm lời ngôn sứ ứng nghiệm “Đức Kitô phải chịu đau khổ”

* Điều phải làm trong hiện tại: sám hối trở về cùng Thiên Chúa để được tha tội.

 Phêrô gọi những kẻ nộp giết Đức Giêsu là ANH EM (Brothers  = Frères) không loại trừ họ, lại còn an ủi, biện hộ coi họ như người trong gia đình. Thật vậy khi cho Đức Giêsu phục sinh là Thiên Chúa đã tha thứ tất cả và mở ra con đường sống mới: quá khứ qua rồi, bây giờ Đức Giêsu đang hiển vinh, vậy hãy nhìn nhận sai lầm của mình trong quá khứ, hối lỗi và cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều quan trọng trong hiện tại là SÁM HỐI: tin rằng Đấng mà mình đã nộp, giết, nay đã phục sinh; tin Đấng đó là Đấng Thánh, Đấng Công Chính, Đấng khơi nguồn sự sống và đón nhận Người; tin rằng đó là con đường duy nhất đưa tới ơn cứu độ.

  1. TÓM KẾT

            Phêrô công bố lời Kerygma, sứ điệp nền tảng của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu đã bị người Do Thái khước từ, nộp và giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh. Ngang qua lời cáo tội người Do Thái, Phêrô công bố Đức Giêsu là Thiên Chúa ngang qua những tước hiệu truyền thống vẫn dành cho Thiên Chúa: Đấng Thánh, Đấng Công Chính, Đấng khơi nguồn sự sống; từ đó mời gọi mọi người hãy sám hối, sửa sai và tin vào Đức Giêsu để được ơn tha thứ. Quá khứ: hãy trao phó tất cả vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, Người đã khắc phục tất cả hậu quả khốc hại của những sai lầm của chúng ta rồi khi cho Đức Giêsu phục sinh; Vấn đề bây giờ là hiện tại: tin thập giá của Đức Giêsu là đường cứu độ đúng theo Thánh Ý Chúa; tin Đức Giêsu đã phục sinh; tin Người là Thiên Chúa. Đó là con đường cứu độ.

TIN MỪNG: Luca 24, 35-48

Văn mạch

           Về biến cố sau phục sinh, Luca thuật lại:

  • Ngôi mộ trống: tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra mộ để ướp xác Đức Giêsu, thì khám phá ngôi mộ đã không còn xác Chúa và gặp một thiên sứ loan báo phục sinh (24, 1-7). Trong Luca, các bà không hề được Đấng phục sinh hiện ra cho gặp.

  • Các bà về báo sự kiện cho các tông đồ; các ông không tin, nhưng Phêrô vẫn chạy ra mộ và thấy trong mộ chỉ còn những băng vải liệm (24, 8-12)

  • Chiều cùng ngày, Đấng Phục Sinh hiện ra cho 2 môn đệ làng Emmau (24, 13-35)

  • Câu 34 nói Chúa cũng đã hiện ra cho Simon.

  • Lần hiện ra cuối cùng cho đoàn môn đệ gồm Nhóm 11 và các bạn hữu, cùng 2 môn đệ Emmau, Đấng Phục Sinh dặn dò, trao sứ vụ loan Tin Mừng và làm chứng về phục sinh cho họ và bảo họ ở lại Giêrusalem chờ đón nhận Thánh Thần (24, 36-49)

  • Sau đó, Người thăng thiên (24, 50-54)

             Tin Mừng là trình thuật về lần hiện ra cuối cùng nhưng không đọc câu 49 nói về chờ đón nhận Chúa Thánh Thần.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Đấng Phục Sinh đưa ra các chứng từ thể lý nhằm thuyết phục đoàn môn đệ tin Người đã sống lại (Lc 24, 36-43):

  • Đối tượng: nhóm 11 + các bạn + 2 môn đệ Emmau.

  • Khung cảnh: Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho Simon và 2 môn đệ Emmau, các ông đang bàn tán chia sẻ với nhau về sự kiện ấy.

  • Sự kiện mới: Đức Giêsu đột ngột hiện ra đứng giữa các ông và “chúc anh em được bình an”.

  • Phản ứng các môn đệ yếu tin: “sao lại hoảng hốt, sao còn ngờ vực?”

  • Thuyết phục tin: – cho xem tay chân, mời sờ, giải thích: ma đâu có xương thịt.

                       -Vẫn chưa tin. Luca biện hộ: vì mừng quá
-Thêm chứng từ: Đức Giêsu ăn trước mặt các ông.

           Đối tượng của lần này là một cộng đoàn lớn hơn Nhóm 11 (33, 36) và cả cộng đoàn này đã được chuẩn bị trước cho lần gặp gỡ này: Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho Simon và cho 2 môn đệ làng Emmau và họ đang chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đoàn; và mục đích của lần hiện ra này là để thiết đặt các chứng nhân cho biến cố Phục Sinh và trao sứ mạng rao giảng kêu mời muôn dân hối cải để được tha tội (46-48).

Đi vào chi tiết, ta thấy Lc 24,13-43 mất sự mạch lạc khi có câu 34 trong đó. Thật vậy, nếu bỏ câu 34 thì bản văn mạch lạc hơn : 2 môn đệ Emmau được Đấng Phục Sinh cho gặp. họ vội quay lại Giêrusalem làm chứng cho cộng đoàn, nhưng cộng đoàn không tin nên khi Đấng Phục Sinh hiện ra cho cả nhóm thì « các ông kinh hoàng bạt vía tưởng là thấy ma » (37) ; ngược lại với câu 34, ta có thể hiểu : Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho Simon trước nhất, ông này đã kể lại cho cộng đoàn, cộng đoàn đã TIN nên khi vừa thấy mặt 2 môn đệ Emmau thì cả cộng đoàn đã nhao nhao lên tiếng làm chứng trước. Như vậy theo câu 34 thì thứ tự của chứng từ là :

1/ Simon được Chúa hiện ra trước tiên và đã làm chứng cho cộng đoàn và họ đã tin

2/ Vì vậy họ mới phấn khởi làm chứng lại cho 2 môn đệ Emmau trước khi 2 ông này kịp lên tiếng

3/ Đến câu 35 mới nói tới chứng từ của 2 môn đệ Emmau, và chứng từ này lại được nối tiếp với sự yếu tin của cả cộng đoàn trước lần hiện ra cuối cùng này của Đấng Phục Sinh (37).

Tóm lại có 2 sự việc mâu thuẫn nhau trong trình thuật này : (1) (2) mâu thuẫn (3). Luca chấp nhận sự thiếu mạch lạc này nhằm làm nổi bật lý tưởng thần học : đức tin và chứng từ của Phêrô chính là nền tảng cho đức tin và chứng từ của cả cộng đoàn về Đấng Phục Sinh, điều này đã được Đức Giêsu báo trước trong bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,32b và chú thích « b », CGKPV « KInh Thánh Tân Ước năm 2008 trang 351).

          Lòng yếu tin của cộng đoàn : trở lại bản văn theo nhãn giới đồng đại, các câu 35-43 rõ ràng cho thấy lòng yếu tin của cộng đoàn và sự kiện phục sinh quả là điều khó tin, vượt quá suy luận trí khôn và tưởng tưởng của con người. Tuy nhiên những tiêu cực đó lại là một bảo đảm cho các chứng từ của họ là trung thực vì họ không phải là những kẻ dễ tin, lòng tin của họ không do tình cảm, ảo tưởng, quá mơ ước, cuồng tín mà ra, nhưng bắt nguồn từ một kinh nghiệm thực sự đã được kiểm chứng. Mặc dù vậy, chứng từ thể lý không phải là yếu tố cần thiết để tin.

          Ý nghĩa của các chứng từ thể lý : các ông tưởng Đức Giêsu là ma, nghĩa là một thực tại không thuộc về thế giới vật chất hữu hình, cụ thể là cái hình hài đang có trước mắt các ông chỉ là một ảo ảnh, một hình hài vay mượn tạm thời có đó chứ không có thật. Đấng Phục Sinh phải điều chỉnh ngay: Người cho thấy mình là con người thật, cho xem tay chân, ăn trước mặt các ông.

     Các chứng từ thể lý ấy nhằm nói lên điều này Đấng Phục Sinh đang đứng trước mặt họ chính là Đấng đã từng chung sống với họ, Đấng mà họ đã theo làm môn đệ, cũng là Đấng cách đây mấy ngày đã bị treo trên thập giá chứ không phải là ai khác, càng không phải là “ma”. Đây cũng là cách Luca giải thích cho các tín hữu gốc Hy Lạp vốn khó tin vào việc thân xác sống lại (x. Cv 17,32; 1Cr 15,12).

     Vậy phục sinh chính là nhân tính của con cái Adam được tôn vinh, là đường lối Thiên Chúa dùng để đưa nhân loại tiến đến mức viên mãn của công trình sáng tạo: con người là hình ảnh của Thiên Chúa; ai thấy Thầy là thấy Cha. Chính nhân tính của cái nhân loại được dựng nên từ bùn đất sẽ được tôn vinh chứ không phải là một nhân loại mới chỉ có phần thiêng liêng. Điều mới là nhân tính ấy, nhờ phục sinh của Đức Giêsu đã đi vào trong quỹ đạo thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

   2) Yếu tố nền tảng để tin vào Đấng Phục Sinh: hiểu Kinh Thánh (Lc 24, 44-48)

  * ĐGS nhắc lại lời dạy cơ bản của Người lúc sinh tiền: “những gì sách Luật Môsê, các sách ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm (c44)

  * Mở trí cho môn đệ hiểu Kinh Thánh: “Đấng Kitô phải chịu đau khổ, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. (cc. 45-46)

  * Trao sứ mạng: nhân danh Người rao giảng kêu mời hối cải để được ơn tha thứ và làm chứng nhân cho biến cố phục sinh. (cc.47-48)

Theo sát bản văn, cộng đoàn đã được nghe 2 chứng từ của Simon và của 2 môn đệ làng Emmau, sau đó được thấy Đấng Phục Sinh, nhìn, coi, rờ tay chân Người nhưng các ông vẫn CHƯA TIN. Cũng như trình thuật trước đó về 2 môn đệ làng Emmau: suốt ngày đi với Đấng Phục Sinh, đàm đạo, rồi cùng ngồi ăn, vẫn không nhận ra Người. Vậy chuyện tiếp xúc giác quan với Đấng Phục Sinh hoàn toàn không cần thiết để tin Đức Giêsu đã phục sinh. Vả lại niềm vui được tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh diễn ra quá ngắn ngủi và chỉ có một số nhỏ được hưởng, không thể đủ sinh lực để nuôi dưỡng đức tin của toàn thể môn đệ qua dòng lịch sử cho đến tận thế, nhất là những khi phải đối đầu với những thử thách khắc nghiệt, những lúc thất vọng ngã lòng. Vậy đâu là mạch nguồn phát sinh đức tin? Luca nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại cách rõ ràng: chứng từ của Kinh Thánh và chỉ chừng ấy là đủ:

Trong chuyện người phú hộ và anh nghèo Lazaro: để tin, chứng từ người chết hiện về cũng vô ích, chỉ cần nghe lời Mô sẽ và các ngôn sứ là đủ (16,27-31)

Trong trình thuật 2 môn đệ làng Emmau cũng vậy: Đấng Phục Sinh đã dùng lời Kinh Thánh bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (24,27) nhờ vậy lòng họ đã bừng cháy lên (24,32) và họ đã nhận ra được Người lúc Người bẻ bánh, và họ đã tin khi không còn tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh nữa.

Và ở đây, Đấng Phục Sinh nhắc họ ý nghĩa của Kinh Thánh: “Tất cả… phải được ứng nghiệm” và mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Và một khi họ đã hiểu Kinh Thánh rồi thì Đấng Phục Sinh không cần hiện diện thể lý hữu hình với họ nữa: Người thăng thiên. Từ nay, với Kinh Thánh, đoàn môn đệ có thể an tâm lên đường loan Tin Mừng, kêu mời sám hối và làm chứng nhân.

Chứng nhân và sám hối: Rao giảng và làm chứng là phần của các môn đệ được Đấng Phục Sinh sai đi; còn sám hối là ơn thức đẩy bên trong được Lời Chúa (KT) tác động nơi người nghe. Hai yếu tố này phối hợp trổ sinh hoa trái là Đức Tin, bền vững cho đến tận thế.

3 .TÓM KẾT : Rõ ràng Luca soạn thảo đoạn văn này cho chúng ta là những người không có may mắn gặp được Đấng Phục Sinh về mặt thể lý. Tuy nhiên chúng ta không hề bị thua thiệt về mặt đức tin so với các tông đồ và nhóm môn đệ được Đấng Phục Sinh hiện ra, bởi vì yếu tố nền tảng cần thiết để tin là Kinh Thánh và chứng từ tông đồ thì chúng ta hôm nay vẫn có đủ trong tầm tay. Vấn đề còn lại là phải hoán cải, tin lời Kinh Thánh để qua đó gặp được Đấng Phục Sinh hằng sống đang luôn hiện diện và gặp chúng ta trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong Giáo Hội, tin vào Người và trở nên chứng nhân của Người. Điều xưa kia Đấng Phục Sinh đã làm cho đoàn môn đệ, hôm nay Người vẫn tiếp tục nơi chúng ta: mở lòng cho chúng ta hiểu Kinh Thánh. Vậy hãy thường xuyên tiếp xúc với Kinh Thánh trong niềm tôn kính tri ân, chắc chắn chúng ta, các tín hữu mọi nơi mọi thời, sẽ gặp được Đấng Phục Sinh. 

SUY NIỆM TIN MỪNG (Bổ sung)

Theo cách sắp xếp các bài đọc của lịch phụng vụ Mùa Phục Sinh, hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng mà các bài đọc Tin Mừng còn sử dụng các bản văn nói về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Tuần sau, Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bài đọc Tin Mừng sẽ quay trở lại với các bản văn nói về sứ vụ công khai của Đức Giêsu trước khi Người chịu khổ nạn.

Còn theo sách Tin Mừng Luca, bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đoạn cuối của Tin Mừng Luca mô tả lần hiện ra cuối cùng của Đấng Phục Sinh sau khi sống lại. Đối tượng được Đấng Phục Sinh cho hưởng ân phúc này là Nhóm Mười Một và một số bạn hữu, cùng với hai môn đệ vừa quay trở lại từ làng Emmau (câu 33).

Và điểm chung của tất cả mọi người trong Nhóm này là mọi người đều đã có được một kinh nghiệm gặp Đấng Phục Sinh, đã tin Người sống lại và họ đang ở trong tình trạng rất phấn khởi, thi nhau thuật lại kinh nghiệm của bản thân mình đã gặp và nhận ra Đấng Phục Sinh như thế nào. Thế nhưng đó chỉ mới là dáng vẻ bên ngoài, chỉ mới là một niềm vui hời hợt, chóng qua, còn mang đậm nét hiếu kỳ hơn là một xác tín thâm sâu có thể hoán cải đời người. Do đó kinh nghiệm đó chưa đủ sinh lực để mang sức sống phục sinh đến cho kẻ khác và nhất là chưa đủ nội lực để thúc đẩy họ làm chứng nhân, dám hy sinh mạng sống để công bố Tin Mừng phục sinh bất chấp mọi cản trở.

Phục Sinh là hạt mầm sức sống thần linh được Thiên Chúa cấy vào nhân tính của nhân loại nhờ và trong Đức Giêsu; Và tin vào Đấng Phục Sinh nghĩa là đón nhận hạt giống thần linh ấy vào nhân tính yếu hèn của từng con người chúng ta, làm nó bén rễ, nẩy mầm, lớn lên, sinh trái; Để rồi trái trăng của cây phục sinh trong mỗi người tín hữu đó, đến phiên mình sẽ từng bước gieo tiếp sức sống thần linh cho các thế hệ tương lai, cho đến tận thế. Đó là những đòi hỏi vượt sức phàm nhân của người thế; Do đó Đấng Phục Sinh cần phải can thiệp để làm một cuộc đổi mới tận căn giúp đoàn môn đệ trở thành CHỨNG NHÂN (xem câu 48). Và cuộc đổi mới ấy chỉ thực sự khởi đầu cách công khai một khi đoàn môn đệ đón nhận Chúa Thánh Thần (c.49)

  1. Giúp nhận ra chân diện: tất cả những người được Luca nêu lên ở đây đều đã gặp được Đấng Phục Sinh một lần, hoặc đã được thông tin về việc sống lại của Người. Nghĩa là đối với họ, việc Đấng Phục Sinh sống lại không còn là một cái gì bất ngờ nữa. Do đó khi Đấng Phục Sinh hiện ra ở giữa họ thì họ nhận ra ngay là Người. Lẽ ra nếu đã tin Người phục sinh thì phải vui mừng đón tiếp Chúa? Đàng này họ biến đổi đột ngột từ phấn khởi kể cho nhau nghe về kinh nghiệm của mình thì họ xoay hẳn một trăm tám mươi độ thành hoảng hốt đến độ “kinh hoàng bạt vía”, vì tưởng Người là ma, nghĩa là đối với họ, Đấng đang đứng trước mặt họ không phải là một con người thật. Như vậy rõ ràng là những gì họ đang nhao nhao thuật lại cho nhau chỉ là những khoe khoang về một đặc ân mà họ được hưởng chứ họ chưa hề có được ĐỨC TIN vào Mầu Nhiệm Phục Sinh như Đấng Phục Sinh mong muốn. Chính vì thế, trước phản ứng sợ hãi thất thần của họ, Đấng Phục Sinh vạch ra cho họ thấy cái bộ mặt thật của họ: niềm phấn khởi họ đang khoe với nhau đúng là “bong bóng xà phòng”. Đấng Phục Sinh nói thẳng với họ: họ chưa hề tin, họ còn nghi ngờ, thái độ hoảng hốt của họ đã tố cáo những gì đang ngự trong con tim của họ. Đấng Phục Sinh giúp đưa họ về lại với con người thật của họ. Đó là điều căn bản để đi tới đức tin chân thật. Phải tin với con người thật của mình, với niềm vui chân chính chứ không tin với những phấn khích bên ngoài của những “bong bóng xà phòng”. Tất cả những thứ đó sẽ nổ tung tan xác khi có sự cố, khi có va chạm xảy ra.

  2. Đấng Phục Sinh giúp khắc phục nghi ngờ: cho xem các chứng cớ thể lý “nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Luca 24,39). Việc cho kiểm chứng không phải là để xác minh Chúa đã sống lại mà là để:

  • Giúp môn đệ xác tín rằng: Đấng đang đứng giữa họ đây chính là một CON NGƯỜI thật (so với St 2,23: lời xác nhận của Ađam trước một sinh vật mới mà Thiên Chúa vừa đem đến giới thiệu: “đây là XƯƠNG tôi, là THỊT tôi”) đồng bản thể, bản tính với một con người, giống như các môn đệ mọi đàng. Đấng đó chính là Giêsu mà họ từng chung sống và đã thấy Người bị đóng đinh cách đây vài ngày. Chính CON NGƯỜI THỨ THIỆT đó, giờ đây đã chiến thắng Tử Thần.

  • Đồng thời một cách kín đáo qua câu 39, Luca muốn nói rằng cái CON NGƯỜI THỨ THIỆT đang đứng giữa môn đệ cũng “CHÍNH LÀ TA ĐÂY MÀ”: “êgô êimi autos”, nghĩa là “con người thật” đó cũng là Thiên Chúa.

Vậy điều mà Đấng Phục Sinh muốn củng cố, mặc khải cho đức tin các môn đệ không phải là sự kiện Chúa sống lại, không phải là thanh minh Chúa không phải là ma. Mà là bày tỏ một mặc khải hoàn toàn mới mẻ đối với các kẻ tin: con người Giêsu từng sống với các môn đệ, đã chết trên Thập Giá giờ này Người đang sống trong tư cách VỪA LÀ THIÊN CHÚA THẬT, VỪA LÀ CON NGƯỜI THẬT. Vừa là “chính Ta là”, vừa là “có xương có thịt”.

  1. Phản ứng của môn đệ trước mặc khải của Đấng Phục Sinh: bản văn viết có vẻ mâu thuẫn: “họ vẫn chưa tin được vì niềm vui và ngỡ ngàng” (Lc 24,41a).

Thực sự đứng trước một mặc khải quá lớn lao, vượt quá mọi trí hiểu, tưởng tượng của nhân loại thì không thể nào chỉ trong một khoảng khắc mà đoàn môn đệ đang còn yếu tin, ngỡ ngàng có thể “tiêu hóa”, “tin ngay” được chân lý mà Thiên Chúa đã dự tính từ ngàn xưa mà tới giờ này Người mới tỏ hiện: một con người mà lại là Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà lại làm người, hai bản tính lại bất khả phân ly và hiệp nhất trong một ngôi vị thần linh duy nhất. Niềm tin đó, Giáo Hội phải trải qua bao thế kỷ vất vả chiến đấu, chiêm ngưỡng mới dần định dạng được. Thiên Chúa đã soi sáng cho Luca tóm lại chỉ trong một câu: “Đấng có xương có thịt” (St 2,23) lại là “chính là Ta” (Xh 3,6; Ga 8,24.27.57). Quả thật mầu nhiệm “con người – Chúa” này đã được Đức Giêsu báo trước rồi để chuẩn bị cho môn đệ tin (x.Ga 13,19).

Họ chưa tin nổi vì mầu nhiệm quá lớn! Nhưng mặc khải đó đúng là một NIỀM VUI. Niềm vui không diễn tả được, chỉ nói là “NGỠ NGÀNG”. Điều loài người không dám nghĩ tới thì nay Thiên Chúa thực hiện: không gì là không thể được đối với Thiên Chúa, tất cả chỉ vì tình yêu (x.Lc 1,37; Ga 3,16a). Từ nay, Thiên Chúa vĩnh viễn ở cùng chúng ta, từ nay nhân tính và thiên tính hiệp nhất nên một trong Đức Giêsu Kitô.

  1. Yếu tố nâng đỡ đức tin, giúp các môn đệ thông hiệp vào mầu nhiệm “con người – Chúa” của Đấng Phục Sinh: Đó là “ĂN”!

Đọc lại Lc 24 cách cẩn thận, ta có thể thấy rằng:

Đấng Phục Sinh không hề hiện ra cho các phụ nữ. Các bà ra mộ chỉ gặp hai thiên thần. Hai vị này chỉ nhắc các bà lời Đức Giêsu đã nói lúc còn sinh tiền là Người sẽ chịu khổ hình rồi sau ba ngày sẽ phục sinh. Các bà không hề được trao cho sứ mạng nào (x.Lc 24,1-7).

Luca chỉ thuật lại hai lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho người phàm được gặp gỡ Người trực tiếp đó là: hiện ra cho hai môn đệ làng Emmau và lần hiện ra này cho Nhóm Mười Một cùng các bạn hữu và hai môn đệ Emmau. Trong cả hai lần hiện ra này thì yếu tố chính giúp các đối tượng nhận ra được Đức Giêsu rồi đưa tới đức tin là “ĂN”. Thật vậy, chính trong bữa ăn mà hai môn đệ Emmau nhận ra người lữ khách đồng hành với mình là Thầy mình, giờ đây là Đấng Phục Sinh; Chính khi Đấng Phục Sinh cầm lấy cá và ăn thì các môn đệ (chứ không phải chỉ các tông đồ) nhận ra “Đấng có xương có thịt” lại là “Đấng chính là Ta đây mà”. Phối hợp thêm với một chi tiết trong bữa Tiệc Ly, lúc Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể thì chỉ có Đức Giêsu trong Luca truyền thêm mệnh lệnh này cho môn đệ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19b). Qua lần hiện ra này, có thể hiểu ngầm là “CÁC BÀ” cũng được đặc ân gặp Đấng Phục Sinh trong tư cách là thành viên của cộng đoàn đang ở với Nhóm Tông Đồ chứ không được gặp trong tư cách cá nhân. “CÁC BÀ” là thành phần trong “các bạn hữu” mà theo tiếng Hi Lạp dịch sát là “các người” (đang ở) với họ” (“họ” là Nhóm Mười Một) (x. Cv 1, 14a).

Như vậy phải chăng đối với Luca yếu tố chính giúp nhận ra Đấng Chịu Đóng Đinh thật sự đã phục sinh, đồng thời tôn nhận luôn quyền làm Chúa của Người, được Người đưa vào huyền nhiệm “Con Người – Chúa” của Người, chính là Lời Chúa và BÍ TÍCH THÁNH THỂ.

Thật vậy, chính trong cử hành Bí Tích Thánh Thể, khi làm theo lệnh của Đức Giêsu để tưởng nhớ đến Người (x.Lc 22,19b) thì đoàn môn đệ đã thể hiện quyền Chúa của Người trên toàn thể vũ trụ. Bởi vì trong tấm bánh, vốn chỉ là vật chất, sản phẩm đất đai “hoa màu ruộng đất, lao công con người” thì khi môn đệ cử hành Bí Tích Thánh Thể, tấm bánh ấy đích thực là thần lương nuôi nhân loại, trong đó hiện hữu “Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô và như vậy là Đức Kitô toàn thể, hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể” (GLHTCG số 1374). Vậy chính trong Bí Tích Thánh Thể mà quyền làm Chúa của con người Giêsu được thể hiện trọn vẹn nhất nơi các tín hữu. Chính trong Bí Tích Thánh Thể mà Thiên – Địa – Nhân nên một trong một TẤM BÁNH.

Với bản văn này, Luca gởi đến cho các tín hữu một sứ điệp: chính  khi họp mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua, cử hành Thánh Thể, các tín hữu nhận ra, tuyên xưng, và loan truyền Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu cho tới khi Chúa lại đến (lời tung hô sau truyền phép: đây là mầu nhiệm đức tin) để rồi tới hiệp lễ, chúng ta được ĂN vị “con người – Chúa” dọn đường cho việc chúng ta được thông phần thiên tính trọn vẹn ngày Quang Lâm.

Nhưng đừng quên: để có THÁNH THỂ phải có LỜI CHÚA trước!

  1. Những lời dặn dò cuối cùng cho đoàn môn đệ (Lc 24,44-48)

Có thể nói đây là những bảo bối mà Đấng Phục Sinh truyền lại cho đoàn môn đệ giúp họ dựa vào đó để tin nhận và công bố Tin Mừng Phục Sinh cho mọi thời:

  • Lời Chúa: phục sinh chính là sự ứng nghiệm, hoàn tất dự tính cứu độ của Thiên Chúa đã từng bước được mặc khải trong dòng lịch sử cứu độ và được lưu truyền trong Kinh Thánh (Lc 24,44).

  • Do đó phải hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng Đức Kitô Thập Giá và Phục Sinh (Lc 24,45-46). Đó là phương thức Thiên Chúa dùng để tha thứ cho nhân loại, nâng cao ơn gọi làm người và đưa ơn gọi đó đến mức viên mãn: từ nay nhân tính được tháp nhập hoàn toàn với thiên tính cách trọn vẹn trong Đức Kitô.

  • Phải công bố Tin Vui đó cho mọi người: qua những lần Đấng Phục Sinh kiên trì hiện ra, giáo dục đoàn môn đệ, tạo điều kiện giúp họ đi vào sự thật và sám hối đón nhận Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa, thì giờ đây tới phiên mình, đoàn môn đệ phải bắt chước Đức Kitô thực thi những gì mình đã được đón nhận từ Đức Kitô cho người khác (Lc 24,47).

  • Đoàn môn đệ phải là CHỨNG NHÂN (Lc 24,48): như Đức Kitô đã phải hy sinh mạng sống để đem Tin Mừng “Thiên Nhân Địa hiệp nhất” cho môn đệ thì môn đệ cũng phải làm như thế cho mọi người.

Với những di sản được Đấng Phục Sinh lưu tuyền và bảo đảm chất lượng cho như thế, đoàn môn đệ mọi thời đã có đủ phương tiện để tin, để loan truyền và làm chứng nhân cách trung thực và hiệu quả cho mầu nhiệm Phục Sinh.

Thật vậy, tuân lệnh Đấng Phục Sinh, Giáo Hội hôm nay công bố Lời Chúa, cử hành Bí Tích, nhất là Thánh Thể và dùng chính cuộc sống của mình và của từng tín hữu để bảo chứng, để làm chứng nhân, nhờ đó nhân loại mọi thời, mọi nơi đều có thể thông hiệp vào hồng ân Thập Giá – Phục Sinh của Đức Giêsu, được trở thành chi thể của Nhiệm Thể “Con Người – Chúa” Giêsu, được trở thành con Cha hoàn tất ơn gọi làm người, làm hình ảnh của Thiên Chúa.

  1. Vai trò đầu tàu của Phêrô trong sứ vụ của Giáo Hội:

Trong hai trình thuật nói về việc Đấng Phục Sinh hiện ra cho đoàn môn đệ, Luca có chêm vào hai câu ngắn khiến mạch văn của tổng thể bị chút trục trặc; Nhưng đó là chủ ý của Luca – chấp nhận chút trục trặc nhỏ về văn chương – nhằm làm nổi bật ý thần học: vị trí ưu việt của Phêrô trong vai trò CHỨNG NHÂN loan truyền mầu nhiệm Thập Giá – Phục Sinh cho thế hệ tương lai.

  • Thật vậy, theo Luca 24,12, chỉ có một mình Phêrô chạy ra ngôi mộ và chứng kiến “Ngôi Mộ Trống”, cho dù chi tiết này không ăn khớp với 24,24.

  • Luca không mô tả chi tiết việc Đấng Phục Sinh hiện ra cho Phêrô, nhưng chỉ đề cập đến sự việc đó chỉ trong một câu ngắn: Lc 24,34. Sứ điệp của Lc 24,34 khá rõ ràng: – Đấng Phục Sinh đã hiện ra trước tiên cho Phêrô – và Phêrô là người đầu tiên loan báo Tin Mừng đó cho kẻ khác; – và chứng từ đó của Phêrô là hữu hiệu, nên những người được nghe Phêrô loan báo đến phiên mình đã trở thành chứng nhân cho hai môn đệ Emmau trước khi hai vị này kịp loan báo niềm vui của mình dù đang háo hức muốn thuật lại.

Đối với Luca, trong việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Phêrô đóng vai trò ĐẦU TÀU, THỦ LĨNH; CHỨNG TỪ của ông là NỀN TẢNG.

Ga 20, 6-7 cũng có cùng ý tưởng đó khi nói rằng Phêrô là người đầu tiên hiện diện ngay trong long NGÔI MỘ TRỐNG và cũng là người đầu tiên thấy toàn bộ hiện trường, dù ông đến sau người môn đệ Chúa yêu. Khi Phêrô thấy xong mọi sự rồi thì “người môn đệ kia mới cùng đi vào, rồi thấy và tin (x. Ga 20, 8).

Frère Pierre Đình Long FSC