CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Kn 2,12.17-20; Mc 9,30-37
Chủ đề: Mưu đồ của phàm nhân và đường lối của Thiên Chúa. 

* Kn 2,20: nào ta kết án cho kẻ công chính chết nhục nhã vì nó nói nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.
* Mc 9,31: Con Người sẽ bị nộp… họ sẽ giết chết Người… và ba ngày sau sẽ sống lại.

 Lời Chúa, Chúa Nhật XXV B mời chúng ta chiêm ngắm đường lối của Thiên Chúa và các phản ứng, toan tính của con người trước đường lối đó. Cũng cùng chủ đề với tuần trước, đường lối của Thiên Chúa là CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ, con đường duy nhất đưa tới ơn cứu độ. Bài đọc Tin Mừng tuần trước là trích đoạn Đức Giêsu loan báo Thập giá lần thứ nhất; Và hôm nay là loan báo Thập giá lần thứ hai.

Về phần phản ứng của con người, Chúa Nhật XXIV B chú trọng đến phản ứng của cá nhân: Người tôi trung trong bài một đã sẵn sàng đi vào đường lối của Thiên Chúa như một môn đệ; Còn Phêrô đã cản Đức Giêsu đi đường Thập Giá nên bị Người mắng nặng nề là Satan. Còn hôm nay, Mùa Thường Niên XXV B nhấn mạnh phản ứng theo NHÓM từ phía con người. Bài đọc một nói đến phản ứng và đúng hơn là mưu đồ của PHƯỜNG VÔ ĐẠO, chúng chống lại đường lối của Thiên Chúa, kéo theo mưu đồ tìm cách hãm hại người công chính vì người này đi theo đường lối Chúa. Trong Tin Mừng, phản ứng từ phía con người là của NHÓM MƯỜI HAI. Thái độ của nhóm môn đệ này cũng là một thái độ tiêu cực: theo đường của Đức Giêsu mà trong trí vẫn còn in đậm tham vọng lợi lộc cho cá nhân đến khi bị Chúa vạch mặt ra thì tìm lẩn tránh trong thái độ im lặng. Và rồi sự việc không chỉ dừng lại ở đó; Vì một khi đã chống lại đường lối của Thiên Chúa, thì rồi cái phải tới là con người chống lại nhau, tranh giành địa vị lợi lộc, loại trừ nhau. Đó là nét tiêu cực mà Chúa Nhật XXV B thêm vào nơi phản ứng của con người.

Thật vậy bài đọc một, Sách khôn ngoan phơi bày ra ánh sáng những mưu đồ thâm độc của phường vô đạo đối với người công chính, cũng như trong tương quan với đường lối của Thiên Chúa. Chúng vi phạm lề luật, không chịu tuân hành lễ giáo (2,12), chúng cư xử hung bạo, bất nhân đối với những người công chính và những kẻ yếu đuối (2,10-11). Sự phóng túng và lòng vô đạo giết chết lòng thương cảm và bác ái mà tâm hồn cao thượng vẫn dành cho những người yếu đuối và bất hạnh. Việc sống lạc xa đường lối Chúa lại khiến cho kẻ vô đạo đâm ra oán ghét những ai công chính, sống theo đường lối Chúa, vì lối sống ngay lành của con cái Chúa là những lời tố cáo không khoan nhượng không ngừng nhắm vào mọi thứ vô đạo. Việc người công chính sống trung tín với đường lối Chúa đã là một kết án nặng nề đối với phường vô đạo.

Để ngụy biện cho lối sống vô đạo của mình, kẻ ác lập luận xấc xược dựa trên bạo lực thách thức cả Thiên Chúa: Nếu quả thực Thiên Chúa uy quyền, nếu người công chính là con của Thiên Chúa thì Thiên Chúa hãy can thiệp bảo vệ người công chính đi. Vậy bây giờ chúng ta cứ ra tay hạ nhục, tra tấn bọn công chính, thử xem Thiên Chúa có cứu được chúng hay không? (so Is 36,13-20); Thử xem bọn công chính có còn sống hiền hòa, nhẫn nhục nữa hay không? Ta cứ kết án rồi giết phức chúng là xong để xem Thiên Chúa viếng thăm như thế nào? Những gì sách Khôn Ngoan mô tả là một báo trước Thập giá Đức Kitô.

Qua bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu trực tiếp đề cập đến con đường Thập giá, Phục Sinh lần thứ hai; Đối tượng vẫn là các môn đệ. Như vậy đường lối của Đức Giêsu đã quá rõ ràng, dứt khoát: muốn làm môn đệ Người, chỉ có một lối đi là đường Thập Giá. Và cũng như Phêrô trong lần mặc khải trước, các môn đệ vẫn chưa chia sẻ được ý nghĩa con đường thập giá của Đức Giêsu; nhưng lần này các ông rút kinh nghiệm từ việc của Phêrô lần trước, nên họ đã chọn thái độ IM LẶNG để đối phó với đòi hỏi của Đức Giêsu.

Thế nhưng tương quan nội bộ giữa các môn đệ với nhau thì sao? Họ chia rẽ nội bộ, tranh dành quyền lợi xem ai là người lớn hơn cả (c.34). Và tình trạng còn tệ hại hơn nữa khi Đức Giêsu mặc khải thập giá lần ba: các ông tức tối, ganh tỵ nhau (10,41) và chóp đỉnh, khi từ chối đường Thập giá sẽ là PHẢN BỘI: Phêrô chối Thầy, Giuđa bán Thầy. Vậy thái độ quyết liệt chọn đường thập giá của Đức Giêsu đã buộc các môn đệ phải bộc lộ không sao giấu diếm được con người thật, khuynh hướng thật của mình. Điều quan trọng tiếp theo là CHỈNH SỬA: “ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (9,36). Đó là LÀM LỚN theo đường Thập Giá; và nền tảng của tầm nhìn đó, chính là Thiên Chúa đã đồng hóa Người với nhân loại bé nhỏ hèn yếu: “ai đón tiếp em nhỏ…là đón Thầy…là đón Đấng đã sai Thầy” (9,37). Vậy hãy chỉnh sửa cái nhìn, phản ứng, ước vọng của mình theo đường lối Thập Giá của Đức Giêsu.

Bài 2

Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau… Người sẽ sống lại… Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. (Mc 9,31.35)

Lời Chúa của Chúa Nhật XXV B Mùa Thường Niên tiếp tục chủ đề của tuần trước đề cập đến đường lối cứu độ của Thiên Chúa và phản ứng đáp trả lại từ phía của con người. Chủ đề hiện rõ nét trong hai bài đọc TinMừng: Đức Giêsu hai lần báo trước cuộc thương khó và phục sinh. Đối tượng chính và trực tiếp được Đức Giêsu nhắm tới là nhóm các môn đệ thân thiết, tức là mười hai tông đồ. Cả hai lần đều gặp phản ứng tiêu cực là từ phía các ông. Lần đầu là phản ứng biểu lộ cách công khai của cá nhân Phêrô và kết quả là Phêrô đã bị Chúa mắng cho là “Satan”. Lần thứ hai đụng phải phản ứng tập thể của tất cả nhóm môn đệ. Thế nhưng rút kinh nghiệm của Phêrô lần trước bị mắng nặng nề, nên lần thứ hai này, phản ứng chỉ biểu lộ ngầm giữa nội bộ với nhau thôi, không dám cho Thầy biết. Lần thứ nhất, Phêrô dường như sợ khó khăn nguy hiểm, muốn tìm sự an toàn nên đã ngăn cản Đức Giêsu. Còn lần thứ hai, hôm nay, các ông không thể hiểu được đường lối của Chúa vì các ông theo Người với khát vọng thâm sâu là để tìm tư lợi, để được thống trị kẻ khác: muốn làm người lớn hơn cả (9,34); Trong khi đó đường lối, mục đích của Đức Giêsu là chỉ đến để phục vụ mọi người trong khiêm tốn, đơn sơ (9,35-37).

Như vậy, nói chung, khuynh hướng tự nhiên của con người là chẳng ai muốn đi con đường Thập Giá của Đức Giêsu trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách tập thể. Cả hai Chúa Nhật XXIV B và XXV B đều nói đến đáp trả tiêu cực từ phía con người trước lời mời gọi “vác thập giá của mình mà theo Thiên Chúa” của Đức Giêsu. Chúa Nhật XXV B nhấn mạnh đến khía cạnh tập thể. Trong chiều hướng đó của chủ đề bài đọc một trích từ Sách Khôn Ngoan trình bày những toan tính mưu mô của PHƯỜNG (số nhiều) vô đạo, chúng mưu toan chống lại Thiên Chúa và tìm cách hãm hại người công chính. Khi bàn bạc với nhau chúng tự xưng là “ta” = ngôi thứ nhất số nhiều, tức là “chúng ta”. Vậy khía cạnh tập thể, kéo bè kéo lũ của chúng được nhấn mạnh. Khi Thiên Chúa bày tỏ đường lối Chúa để cứu nhân loại, khi người công chính dám sống theo đường lối đó thì chắc chắn là kẻ thù truyền kiếp của Thiên Chúa sẽ tụ họp bè lũ của Nó lại để hùa nhau chống lại Thiên Chúa và chính nhân.

Cái gian ác, hiểm độc của phường vô đạo là cái tính “bầy đàn” của tội lỗi, của điều ác: một khi cả một tập thể đồng lòng toa rập với nhau để làm điều ác thì chúng lại tráo trở, tuyên truyền “cả vú lấp miệng em” rằng đường lối của chúng là đúng. Và nếu không có ai dám nói lên sự thật, vạch mặt sự dối trá của chúng ra thì nhân loại có nguy cơ tự hủy diệt vì cứ mù quáng (hoặc vì bị đe dọa, sợ hãi) lao vào những ảo tưởng đầy sai trái do phường vô đạo vạch ra dưới sự chỉ đạo của “Con Rắn”.

Đường Thập Giá là phương thức hữu hiệu để ngăn chặn mưu đồ ma quỷ và tạo lại nguồn sinh lực đưa con người thoát khỏi ách quỷ ma. Thấy được dấu hiệu giờ tận số của Nó sắp tới, nên ma quỷ cuống cuồng huy động toàn bộ lực lượng của Nó để chống lại con đường Thập Giá. Tất cả mọi thế lực, mọi người đều bị chúng xung công; Qủy tận dụng mọi mánh khóe để đẩy nhân loại tránh xa Thập Giá, kể cả các môn đệ nếu họ không cẩn trọng: Giuđa đã bán Thầy, Phêrô đã chối Thầy, đoàn môn đệ bỏ Thầy một mình trên Thập Giá, tất cả đều trốn chạy.

Vì thế, Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta:

1/ Xác tín vào con đường Thập Giá. Đó chính là vũ khí đập nát đầu Rắn.

2/ Phải hết sức tỉnh táo, đề phòng Qủy và các thuộc hạ phe nhóm của Nó luôn rình rập, gài bẫy đẩy ta xa lìa con đường Thập Giá.

Ma quỷ và bè lũ đồng bọn tay sai dư biết là chúng không thể nào chống lại được Thiên Chúa, do đó chúng dồn mọi nỗ lực tấn công nhân loại. Hai loại vũ khí Qủy thường dùng là bạo lực, hăm dọa… do bọn tay sai của Qủy thực hiện (bài 1) và loại vũ khí thứ hai là đánh vào những khát vọng, bản năng cơ bản của con người: muốn an toàn (Mc 9,32b; Mt 16,22b); thích được thể hiện con người mình (Mc 9,34); thích được thống trị (Mc 10,37), không muốn kẻ khác trổi trang hơn mình (Mc 10,41).

BÀI ĐỌC 1: Kn 2,12.17-20

Sách Khôn Ngoan là tác phẩm được soạn thảo cuối cùng của bộ Cựu Ước, vào khoảng giữa thế kỷ I TCN tại Alexandria trong một môi trường Do Thái hi lạp hóa.

Do sống chung đụng giữa chư dân, trong một môi trường văn hóa ngoại đạo, nên đã có những người Do Thái bội giáo, chỉ lo tìm an thân phú quý trong lối sống chạy theo ngoại bang. Bọn bội giáo này đã phối hợp với phường vô đạo ngoại bang tìm đủ cách bách hại những người Do Thái vẫn còn trung tín với Lề Luật, Lễ giáo của cha ông, dám sống theo Luật Chúa giữa chợ đời; Bởi vì lối sống ngay chính của các tín hữu trung thành là cái gai trước mắt bọn vô đạo, tự bản chất là một lời kết án nặng nề cho bọn bất trung.

Sách được viết ra để vạch mặt bọn điêu ngoa, xảo trá, đồng thời khích lệ những ai trung tín hãy kiên vững trong đức tin của mình. Nội dung của sách gồm 19 chương được chia làm ba phần: * Kn 1-5; * Kn 6-9; * Kn 10-19.

Bản văn bài đọc 1 trích từ phần đầu Kn 1-5. Phần này trình bày vai trò của Đức Khôn Ngoan trong vận mạng của con người; đồng thời đặt đối nghịch số phận của những người công chính với những phường vô đạo ở đời này cũng như sau khi chết. Riêng chương 2, tác giả cho thấy những suy tính sai lệch của ác nhân: chúng tưởng rằng giết hại người công chính là chúng sẽ che lấp được tội lỗi của mình. Chúng đã lầm vì Thiên Chúa có đó. Chính Chúa mới là Đấng quyết định chung cuộc và bền vững phúc hay họa (chương 3).

Kn 2 trình bày lý luận của kẻ gian ác:

  • Chúng cho rằng cuộc đời này chóng qua, cuối cùng tất cả đều chết và vào âm ty tất cả (2,1-5).

  • Do đó sống ở đời này chỉ cứ việc lo thụ hưởng, nhất là khi còn trẻ, hàm ý bất chấp luật lệ, lễ giáo (c.12). Chúng lấy bạo lực theo dục vọng của chúng làm quy luật cho công lý (c.11) (2,6-11).

  • Từ đó chúng toa rập mưu đồ hại người công chính vì họ đã cản trở, tố cáo, vạch mặt lối sống vô đạo của chúng. Tự bản chất, lối sống tự nhiên của người công chính là một lời kết án cho kẻ vô đạo rồi (2,12-20).

Bài đọc 1 trích từ đoạn thứ ba của chương 2 trên. Đây là một tội, một dự tính tập thể, có chủ ý tính toán chứ không phải là chuyện yếu đuối cá nhân cục bộ. Phường vô đạo liên minh lại để hành động, kết bè kết lũ thành KHỐI, tạo thành một lực lượng, một lối sống vô luân, phi lễ giáo, một phe nhóm có cơ cấu, có tính pháp nhân được công khai nhìn nhận, ủng hộ (chẳng hạn như những bè nhóm ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính hôn nhân…). Bản văn cho thấy rõ nét tập thể của các loại tội phạm đó, bằng chính lời hô hào, kích động đám đông của phường vô đạo: “CHÚNG TA HÃY…” (các câu 12.17.19). Mọi luật lệ, lễ giáo đều bị chúng xem như không có (câu 12); Bọn chúng dám ngang nhiên thách thức cả Thiên Chúa (câu 18.20); Còn đối với người công chính, chúng chụp mũ, hãm hại, bịt miệng… bằng “gài bẫy”, bằng những trò vu khống, bằng bạo lực (câu 12.17.19). Và cuối cùng, bọn chúng ra tay hành hạ và giết chết người công chính. Chúng lầm tưởng rằng với cái chết của người công chính thì Thiên Chúa cũng đành “bó tay” (c.20).

Đứng trước dã tâm của phường gian ác; Phần Thiên Chúa, chưa thấy Chúa phản ứng gì. Trong đức tin, những người còn tin vào Chúa và đường lối của Chúa có thể rút ra được bài học gì?

*Một lời đáp từ Cựu Ước:

Các chi tiết trong bài đọc 1 gợi lại câu chuyện ông Gióp: Satan (thủ lãnh của mọi phường vô đạo) không tin rằng lối sống đạo đức, công chính của ông Gióp là chân thật. Nó dường như mỉa mai Chúa, cho Chúa là thiên vị vì Chúa cho Gióp đầy đủ mọi thứ… Vì thế Nó đòi Chúa hãy thử thách Gióp. Nó dám thách thức, đánh cá với Chúa (G 1,9-11; 2,3-6). Kết quả: Qủy thua. Gióp vẫn trung tín đến cùng. Satan thì trốn tiệt. Chúa ân thưởng cho Gióp.

*Lời đáp đích thực: Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu:

Đứng trước mầu nhiệm sự dữ, bất công, khổ đau… lời đáp rốt ráo trong đức tin Công Giáo là Thập Giá Đức Giêsu. Những chi tiết ta thấy trong bài đọc 1 sẽ gặp lại trong cuộc thương khó của Đức Giêsu; để rồi sau đó, lời đáp là phục sinh. Thật vậy, trong diễn tiến của cuộc khổ nạn:

  • Căn tính “Con Thiên Chúa” của Đức Giêsu được mặc khải qua những lời thách thức, khích bác của phường ác nhân (x.Mt 27,43 so với bài 1: Kn 2,13.18)

  • Đức Giêsu bị gài bẫy, bị bách hại, bị kết án chết (x.Mc 14,53-15,20 và các đoạn song song trong Mt và Lc, so với Kn 2,18.19.20).

  • Bọn chúng đem những việc Đức Giêsu đã làm trước kia ra chế giễu, nhục mạ Người (x.Mc 15,29-32); Bọn chúng dám thách thức cả Thiên Chúa (x.Mt 27,25.39-44) so sánh với bài 1 Kn 2,18.20.

Những lời mỉa mai, cay độc tưởng chừng là niềm vui chiến thắng của chúng khi Đức Giêsu tắt thở… Tất cả đột nhiên bị tắt ngóm: Thiên Chúa can thiệp lạ lùng, ngay lúc Đức Giêsu gục đầu tắt thở, thì kẻ đóng đinh Người đã phải gục đầu tôn vinh: “con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

*Tạm kết: Thập giá của Đức Giêsu và nhất là cái chết của Người (đặc biệt nơi Mc 15,39) là lời đáp minh bạch cho những khúc mắc ẩn tàng trong bài đọc 1: ác tâm, gian kế của kẻ thù, của phường vô đạo đã được Thiên Chúa sử dụng làm phương thế cứu độ; Qua đó Thiên Chúa biểu dương, khen ngợi lòng tín trung của Người Công Chính; Đồng thời khẳng định Thiên Chúa luôn bênh đỡ người lành ngay; Và đó cũng là lời cảnh cáo cho ác nhân đừng ở lì trong những toan tính lầm lạc của mình. Đối với kẻ tin vào Đức Giêsu thì Thập Giá là con đường cứu độ: hãy kiên vững trong ơn gọi của mình. Tin Mừng tiếp tục khẳng định chân lý ấy qua lần thứ hai Đức Giêsu công bố cho môn đệ về con đường Thập Giá và phục sinh của Người.

TIN MỪNG: Mc 9,30-37

Sau khi chỉnh sửa, kiện toàn Lề Luật (Mc 7,1-23: ở đây là Luật về sạch dơ), Đức Giêsu mở rộng hồng ân thiên sai cho dân ngoại (Mc 7,24 – 8,10), rồi mở rộng thêm cặp mắt đức tin cho môn đệ qua phép lạ chữa lành anh mù ở Bet-sai-đa, Đức Giêsu giúp đoàn môn đệ, đặc biệt Phêrô tiến sâu hơn vào huyền nhiệm Mêsia của Người: tuyên tín (Mc 8,29), và tiếp đó là đưa riêng các môn đệ vào một giai đoạn mới của chương trình huấn luyện của Người: Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã ba lần mặc khải Thập Giá và phục sinh đặc biệt dành riêng cho đoàn môn đệ:

  • Lần 1: ngay sau tuyên tín (8,31-32a).

  • Làn 2: ngay sau Hiển Dung. Tức khoảng chỉ một tuần sau mặc khải lần 1 (x.Mc 9,2).

  • Lần 3: lúc Đức Giêsu sắp tới Giêrusalem (10,32; 11,1) sau khi kín đáo tỏ mình là Đấng Mêsia qua việc chất vấn (10,18) và đòi hỏi một người giàu có, đạo đức phải bỏ tất cả mọi sự và đi theo Người để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp (10,17-21).

Như vậy cứ sau mỗi lần hé lộ vinh quang thì Đức Giêsu lại mặc khải ngay “con đường” Người phải trải qua để đi tới vinh quang đó. “Vinh quang thần linh” và “con đường làm người, đường Thập Giá” là hai mặt không thể tách rời nhau được nơi con người Giêsu, đặc biệt Marcô rất chú trọng điểm đó (Mc 1,1). Và đối với Marcô, chết sống trọn vẹn như một con người theo ý Cha thì đủ để mặc khải vinh quang thần linh rồi (Mc 15,39).

Tin Mừng hôm nay là lần thứ hai Đức Giêsu mặc khải về Thập Giá và phục sinh. Tiếc thay, đáp trả của đoàn môn đệ trước mặc khải này là tiêu cực (hai lần kia cũng vậy): họ “lén lút” tranh nhau xem ai là người lớn nhất. Và Đức Giêsu đã phải khổ công điều chỉnh: Đức Giêsu không cấm làm lớn (cơ chế đặt Phêrô làm lớn với quyền bính bao trùm thế giới là do Đức Giêsu lập ra mà); vấn đề là động cơ và mục đích: làm lớn là vì yêu Chúa và để phục vụ tha nhân, để đem cả mạng sống mà làm chứng nhân cho Chúa (x.Ga 21, 15-19; Mc 9,35).

*Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời (9,31b) chi tiết này không có trong lần loan báo thứ nhất (8,31). Mc 8,31 chỉ trình bày các sự kiện xảy ra: “chịu đau khổ nhiều”, “bị loại bỏ”, “bị giết chết” và nhấn mạnh tới vai trò chủ động của các lãnh đạo Do Thái; kỳ mục, thượng tế, kinh sư. Bọn họ là tác nhân chính gây ra cái chết của Đức Giêsu; nhưng điểm đến của khổ đau là phục sinh. Sự đau khổ, cái chết không đem lại ơn cứu độ; chỉ sức sống mới của phục sinh mới giải cứu, đem lại sự sống đời đời cho con người.

Trong Mc 9,31b xuất hiện cụm từ “bị nộp trong tay”. Cụm từ này thường gặp trong Kinh Thánh diễn tả tình trạng người công chính bị nộp vào tay kẻ dữ: Đn 3,32; 7,25; 14,29-30; Tv 27,12; 41,3; 44,12; 119,121… nhưng rồi cuối cùng Thiên Chúa cũng can thiệp giải cứu (Đn 14,42), được chiếm hữu vương quốc (Đn 7,22), vương quốc đã được trao ban cho Con Người (Đn 7,22)…

Như vậy câu “Con Người bị nộp trong tay” mặc khải cho ta một khía cạnh vô cùng quý giá của cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu: cuộc khổ nạn này đúc kết và hoàn tất trọn hảo nỗi đau khổ của những người công chính, sự bách hại mà các ngôn sứ đã trải qua, và cái chết của các vị tử đạo.

Còn trong Marcô, đây là hạn từ chuyên môn diễn tả sự phản bội: Giuđa “nộp” Đức Giêsu cho các thượng tế (Mc 14,10); đến lượt các thượng tế “nộp” Người cho Philatô (Mc 15,1.10), cuối cùng Philatô “nộp” Người cho bọn lính đem đi đóng đinh (Mc 15,15)
(chú giải Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Thường Niên B 472).

*Về mặt ngôn ngữ:

Con Người” = huios tou anthropou dịch sát là “người con trai của con người, của nhân loại”; “Người đời” = anthropon = “những con người” = nhân loại.

bị nộp” = parađiđôtai, động từ ở thì HIỆN TẠI, THỤ ĐỘNG hàm ý “bị nộp” không phải là một tai nạn nhất thời, bị phản bội và xảy ra chỉ một lần trong dòng lịch sử rồi xong. Động từ ở thì “hiện tại” hàm nghĩa việc làm này lập đi lập lại và luôn mang tính thời sự. Còn thể thụ động trong Kinh Thánh thường được sử dụng để nói đến một hành động của Thiên Chúa, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến TÊN của Người.

“Sẽ sống lại” = anastesêtai, động từ ở dạng chủ động, thì tương lai, lối trình bày, hàm ý hành động sống lại là do Đức Giêsu chủ động, mang tính lịch sử và giá trị vĩnh tồn.

Vậy hàm ý của câu này trong tiếng hi lạp rất rõ: Đức Giêsu thực sự là con cái của nhân loại (Con Người), nhưng rồi lại bị chính “những con người” tức là bà con, người nhà của mình phản bội, chối từ, bắt bớ (Ga 1,10-11). Và việc làm “nộp” này là HIỆN TẠI, là chuyện thường ngày trong thế giới nhân loại tội lỗi; Và kẻ góp phần gây ra Thập giá trong từng giây phút, tại chỗ của dòng lịch sử chính là MỖI NGƯỜI CHÚNG TA khi chúng ta chọn nghiêng về điều xấu. Còn dạng thụ động hàm ý đây là hành động, dự tính của Thiên Chúa.

Tại sao Thiên Chúa lại có một dự tính kỳ cục như thế? Tại sao Chúa lại làm khổ “Con Người vô tội” (Đức Giêsu) và để cho “con người dù bội phản” (nhân loại) lại chìm đắm trong sai lầm chết người như thế?

Không đâu!

Chỉ nghĩ tới khổ đau và chết, đó là “tư tưởng của loài người”, còn “tư tưởng của Thiên Chúa” là phục sinh. Khổ đau, chết là ngưỡng cửa phải bước qua để vào nhà chứ không phải là nơi ở lì tại đó. Thật vậy:

* Bị giết rồi, sau ba ngày, Người sẽ sống lại:

Ở đây, con số “ba” không hiểu theo nghĩa toán học. Trong Kinh Thánh, “ba ngày” ám chỉ giai đoạn thử thách, tối tăm, chiến đấu, khổ đau… nhưng đó cũng là giai đoạn thanh luyện tận căn nhằm lột hết đi, hủy diệt những gì là cũ kỹ mục nát, chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới. Thật vậy: 

  • Abraham, “ba ngày vác thập giá” đưa con là Isaac tới núi Moriyah để hiến tế cho Thiên Chúa. Nhưng sau ba ngày đó ông thấy “phục sinh” (St 22,11-18)

  • Giona, sau ba ngày tối tăm, tưởng chết trong bụng cá thì lại nhìn thấy ánh mặt trời và con người hoàn toàn biến đổi: từ một kẻ trốn chạy trách nhiệm, trở thành người công bố lời Chúa cho dân Ninivê (Gn 2,1-11).

  • “Sau ba ngày” còn gợi lên Hs 6,2: hai ngày Thiên Chúa sửa phạt và ngày thứ ba là ngày chữa lành.

Vậy dự tính của Thiên Chúa không phải là làm khổ mà là thanh luyện tận căn để đưa tới cuộc sống mới. Chỉ với Thập Giá, những gì thâm sâu nhất trong con người mới tỏ hiện. Đó là điều kiện tiên quyết để được chữa lành, được tha thứ và hồi sinh.

Trong tương quan với Nhóm Mười Hai: nếu Thập Giá không xuất hiện thì mãi mãi các ông là “Satan”, là “tranh lớn bé”, là “giành ngồi tả hữu”.

Nhờ Thập giá, mới lộ ra nét tiêu cực chết người, lộ ra con người thật: bán Thầy, chối Thầy, bỏ Thầy bơ vơ một mình trên Thập Giá. Nhưng đó không phải là điểm đến.

Điểm đến là NGƯỜI SẼ SỐNG LẠI.

*Phản ứng môn đệ (9,32,34)

Không có Thập Giá, môn đệ sẽ chết trong lầm lạc của mình:

  • Tạo bè lũ, tách rời khỏi Thầy: không hiểu lời Đức Giêsu, nhưng không hỏi lại muốn đi tìm đáp số trong bè lũ riêng mình.

  • Lén lút tranh nhau “ai lớn nhất”. Cơn cám dỗ lần này đến từ nội tâm lệch lạc của các ông. Tuy nhiên căn nguyên vẫn là một: lấy tư tưởng của mình làm chuẩn thay vì lấy tư tưởng Thiên Chúa (Mc 8,33).

  • Tội tập thể: đồng lòng che đậy cho nhau. Adam, Eva bị Chúa hạch tội thì đổ lỗi cho kẻ khác, để che đậy lầm lỗi cá nhân mình. Còn ở đây, rõ ràng sai lỗi là của cá Nhóm, đâu còn đổ lỗi cho ai được. Thế là tìm một hình thức khác để che tội cho cá nhân mình: đồng lòng “im lặng đáng sợ” trước lời chất vấn của Đức Giêsu: Tập thể đã trở thành một nơi để con người núp sau đó trốn tránh tội lỗi của mình. Danh nghĩa tập thể trở thành một chiêu bài vô hồn được dựng lên để che đậy cho nhau sống vô trách nhiệm; Cả bè lũ ru ngủ nhau để “an tâm” sống trên những sai lạc của mình. Như thế thì diệt vong là điều chắc chắn, nếu không có ai can đảm đứng lên ngăn chặn lại cái đà dối gian, đồng lõa đui mù ấy.

*Chỉnh sửa của Đức Giêsu (9,35-37)

Đối tượng Đức Giêsu nhắm trực tiếp đến là Nhóm Mười Hai. Không thể khởi đầu cái mới với đám đông đại trà được. Hai giáo huấn, Đức Giêsu dạy cho Nhóm Mười Hai ở đây là:

  • Phục vụ: ở phần dẫn nhập bài suy tư Tin Mừng chúng ta nhận xét: Đức Giêsu không cấm làm lớn, nhưng vấn đề là động cơ và mục đích. Các môn đệ nhấn mạnh đến quyền lợi, còn Đức Giêsu thì hướng tới phục vụ (9,35).

  • Đón tiếp: chi tiết Đức Giêsu nhấn mạnh là sự bình đẳng khi đón tiếp qua việc đồng hóa bản thân Người với một em bé (9,37).

Thoạt nhìn dường như Đức Giêsu không đáp trả trực tiếp nội dung điều các tông đồ tranh luận. Thực ra là có. Người lớn nhất là người PHỤC VỤ và ĐÓN TIẾP anh em mình. Đón tiếp, phục vụ như thế nào? Qua hình ảnh đồng hóa em bé (kẻ nhỏ nhất) với Cha (Đấng lớn nhất), Đức Giêsu nhắc lại các nền tảng của phẩm giá con người: con người là hình ảnh Chúa. Vậy người lớn nhất là người PHỤC VỤ và ĐÓN TIẾP tha nhân trong ý thức rõ rằng tất cả mọi người, kẻ cho người nhận, đều là hình ảnh của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC