Chúa nhật 5 Phục Sinh – năm A

Bài 1

Cv 6,1-7    ;    Ga 14,1-12
Chủ đề: Hoa trái của niềm tin vào Đấng Phục Sinh.

  • Cv 6,6.7 : các tông đồ đặt tay trên bảy người được chọn… Lời Chúa lan tràn và số các môn đệ tăng lên rất nhiều.

  • Ga 14,12: Ai tin vào Thầy … sẽ làm được những việc Thầy làm, và còn làm những việc lớn lao hơn nữa. Vì thầy đến cùng Chúa Cha.

Lời Chúa của Chúa Nhật 5A Mùa Phục Sinh đưa chúng ta về lại cuộc sống thường ngày với bao thăng trầm, được mất tạo thành những thực tại của kiếp nhân sinh. Đối với những ai không tin vào Đức Giêsu Phục Sinh thì mọi sự rồi cũng tuần tự trôi qua với những may rủi, toan tính của trí tuệ đầu hẹp hòi của phận làm người. Ba vấn đề được lời Chúa đề cập hôm nay là:

  • Vấn đề cơ bản nhất của loài người: LƯƠNG THỰC. Bài đọc 1 cho thấy ngay trong cộng đoàn các tín hữu, tại Giêrusalem vẫn còn những thiên vị gây xáo trộn, chia rẽ dân bản xứ Do Thái với dân Do Thái theo văn hóa Hi lạp.

  • Còn bài đọc Tin Mừng cho thấy hai vấn đề, nếu không tin đủ vào Đức Giêsu:

  1. Sẽ gặp bế tắc trong việc đi tìm sự thật, lẽ sống, đường đi cho mình.

  2. Sẽ như người con không có khả năng tìm ra cha mình là ai.

Câu hỏi của Tôma và Philipphê cho thấy điều đó.

Trái lại những ai tin nhận Đức Giêsu Phục Sinh làm lẽ sống, làm CHÚA của mình thì Đức tin ấy giúp họ dám biện phân, nhận ra và đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống dưới ánh sáng Lời Chúa, đức tin; Đồng thời đức tin cũng giúp tín hữu tìm ra giải pháp để vượt qua được những giới hạn của thân phận làm người để SỐNG ĐƯỢC, ngay giữa thế gian còn đầy biến động này, cuộc đời của người môn đệ Đấng Phục Sinh, của Con Chúa.

Thực vậy, sau những chương đầu trình bày những nét lý tưởng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem, thì đến chương 5, Sách Công Vụ đưa chúng ta về lại cuộc sống thường tình của kiếp làm người: trong cộng đoàn vẫn có những cá nhân chỉ mới TIN NỬA VỜI đến độ đi đến sai lầm dám “LỪA DỐI CẢ THIÊN CHÚA” (Cv 5,4), “lừa dối, THỬ THÁCH CẢ CHÚA THÁNH THẦN” (5,3-9); Và đến Cv 6,1-7 được phụng vụ chọn làm bài đọc 1, thì một nét TỐI trong đời sống cộng đoàn của tín hữu cũng đã hé lộ ra.

May thay NHỜ NIỀM TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH, các tông đồ và cả cộng đoàn đã nhất trí đồng tâm, cùng nhau biện phân, tìm ra được giải pháp thích đáng, giải quyết vấn đề êm đẹp. Và hơn thế nữa, nhờ ơn Chúa, cộng đoàn đức tin ấy đã biến cơn thử thách thành cơ hội thuận lợi thiết lập một cơ chế mới dọn đường cho cơ cấu PHÓ TẾ sau này của Giáo Hội; Đồng thời chuẩn bị nhân sự cho việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại.

Số là cộng đoàn tín hữu ngày càng thêm đông, lại bao gồm cả Do Thái bản xử lẫn Do Thái ngoại kiều từ khắp nơi trở về; Mọi sự lại để chung; Do đó nảy sinh việc phân phối lương thực không đồng đều giữa hai nhóm bà góa: bản xử và hi hóa ngoại kiều. Biết chuyện, trong đức tin, các tông đồ tập họp cộng đoàn lại để giải quyết. Vấn đề thiết lập cơ cấu cộng đoàn, phân chia công việc được các tổng đồ đề nghị: Nhóm Mười Hai lo việc chính là RAO GIẢNG LỜI CHÚA. Cộng đoàn sẽ chọn Bảy vị khôn ngoan, đầy Thần khí và các tông đồ sẽ đặt tay trên họ trao quyền phục vụ bàn ăn cho cộng đoàn. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Thử thách lại trở thành yếu tố làm cộng đoàn thêm đông số.

Còn Tin Mừng, trích một phần bài diễn từ cuối cùng của Người trong buổi Tiệc Ly sau khi rửa chân cho các tông đồ. Đức Giêsu biết Người sắp giã từ môn đệ để về lại cùng Chúa Cha. Sự vắng mặt thể lý của Người là nỗi lo cho các môn đệ. Người trấn an họ: anh em đừng xao xuyến; Thầy về nhà Cha trước để dọn chỗ cho anh em, rồi sẽ trở lại đem anh em đến ở chung với Thầy. Như vậy Đức Giêsu đã cho môn đệ biết dự tính, đường lối của Người. Thế nhưng các môn đệ hiểu lời ấy theo nghĩa địa lý: đi đến một nơi nào đó trong xứ Palestin, nên Tôma mới thắc mắc “chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao biết được Thầy đi con đường nào ?” Lúc đó Đức Giêsu mới nói rõ: Người về với Chúa Cha và con đường để đến với Chúa Cha là chính Người: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Từ mặc khải ấy, Philipphê nài xin: “Xin cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện”. Philipphê lại giới hạn mặc khải của Đức Giêsu vào cái “thấy” của mắt phàm nhân. Đức Giêsu chỉnh sửa cái nhìn hạn hẹp ấy bằng cách tỏ bày cho môn đệ thấy MỐI TƯƠNG GIAO MẬT THIẾT giữa Chúa Cha và Người: “ai thấy Thầy là thấy Cha”, nói cách khác, Tin Mừng kín đáo mặc khải Người là Thiên Chúa.

Vậy chúng ta có dám nhìn mọi sự với cặp mắt đức tin không ? Để nhận ra những nét hèn yếu của phân con người, Ngôi Lời Thiên Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng ta, nhờ đó mọi chi tiết dù nhỏ nhất của đời người chúng ta đều là phương tiện hữu hiệu Chúa dùng để tỏ mình Người ra cho nhân loại.

Bài 2 

Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6) … Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (c.9) … Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (c.11)… Ai tin vào Thầy sẽ làm được những việc Thầy làm, … và còn làm những việc lớn hơn nữa (c.12). 

Lời Chúa hôm nay tiếp tục chủ đề “hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh”: ánh sáng Phục Sinh chiếu soi vào mọi biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu; Ánh sáng Phục Sinh là “CHÌA KHÓA” để giải mã mọi lời giáo huấn, mọi hành động của Đức Giêsu. Thật vậy, với biến cố vượt qua:

Tuần trước, chúng ta đã thấy Đức Giêsu thật sự là TRUNG GIAN để nối kết CHỦ – CHIÊN – MỤC TỬ – SỰ SỐNG – NGHỈ NGƠI qua hình ảnh chính Đức Giêsu tự mặc khải: “Tôi là CỬA CÁC CON CHIÊN” (10,7).

Tuần này cũng cùng một chủ đề, Đức Giêsu là trung gian giữa môn đệ và Cha; cùng một yếu tố mặc khải “Ta là = êgô eimi”, được Đức Giêsu diễn tả cách khác bằng hình ảnh “con đường”, “sự thật”, “sự sống”: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới trong tuần trước là những người Do Thái đang chống đối Người (Ga 10,1); Còn Lời Chúa trong Tin Mừng tuần này là nói cùng các môn đệ thân tín trong buổi Tiệc Ly. Người đang trấn an họ bằng cách hé mở cho họ thấy ý nghĩa, giá trị cứu độ của cuộc ra đi của Người (Ga 14,1-3). Đức Giêsu mời gọi họ tin vào Người hay ít ra là tin vì thấy công việc Người làm (14,11). Và Người còn bảo đảm thêm rằng một khi họ tin vào Người thì họ sẽ làm được những việc Người làm và còn làm được những việc còn lớn lao hơn nữa (14,12).

Thật vậy, sau biến cố Phục Sinh và được tràn đầy Thánh Thần, các môn đệ đã tin vào con đường Thập Giá của Đức Giêsu, họ đã nhận ra “Người đích thực là con đường, là sự thật và là sự sống”. Họ đã hăng hái đi theo con đường của Người; Và đúng như lời Người đã hứa: họ còn làm được những việc còn lớn lao hơn Đức Giêsu khi Người còn sinh tiền. Hoa trái cụ thể này được thấy rõ trong các bài đọc 1:

Tuần trước, Phêrô và tông đồ đoàn đã hiệp nhất đồng tâm rao giảng Đức Giêsu Thập Giá và Phục Sinh; Kết quả là người ta đã nghe lời các ông và chỉ trong ngày đó một kết quả lớn lao đã được thể hiện: 3000 người theo đạo (Cv 2,41); Và chính đời sống cộng đoàn ngày càng lôi cuốn nhiều người khác đến với cộng đoàn     (Cv 2, 42-47).

Tuần này, hoa trái của bài đọc 1 nhắm vào khía cạnh khắc phục những tiêu cực đang dần hé lộ trong cộng đoàn tín hữu sơ khởi để rồi trổ sinh thêm những hoa trái mới chuẩn bị cho tương lai khi cộng đoàn ngày càng mở rộng.

Thật vậy, mặc dù đã tin và sống theo tinh thần của Đấng Phục Sinh, nhưng cộng đoàn tín hữu vẫn là tập hợp của những con người phàm trần do đó vẫn không tránh khỏi những yếu đuối, lầm lỗi của thân phận làm người và ma quỷ vẫn không ngừng rình rập           thừa cơ tác hại.

Cụ thể, bài đọc 1 thuật lại một sự cố: khi cộng đoàn càng ngày càng đông và sự tăng trưởng lại tiến quá nhanh (3000 người, rồi 5000 người trong một ngày); Số cán bộ, tông đồ lại ít, việc đào tạo tín hữu đương nhiên là có chất lượng kém hơn, do đó dần dần nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Cv 5,1-11 cho thấy chuyện tiêu cực riêng của một gia đình Khanania và Xaphira. Rồi các tông đồ còn phải bận đối phó với những thách đố, bắt bớ đến từ bên ngoài, từ các nhà lãnh đạo Do Thái giáo (Cv 5,17-42); Do đó không quán xuyến hết được mọi góc cạnh của cuộc sống cộng đoàn (Cv 6,2), và hậu quả là các tiêu cực đã xuất hiện trong cộng đoàn (6,1).

May thay Đấng Phục Sinh giờ đây là ĐẦU của Giáo Hội: Thân thể dù vẫn còn đầy những yếu nhược, nhưng quyền năng thần linh của ĐẦU, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, bảo đảm sự trường tồn của thân thể và sức sống của cộng đoàn.

 Vậy một trong những hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh, đó là nhiệm thể Giáo Hội dám can đảm nhìn nhận, đương đầu với những yếu đuối của mình (không như Adam và Eva đã trốn chạy, che đậy) và trong Thánh Thần đã CÙNG NHAU tìm ra những giải pháp thích hợp nhất để khắc phục những sai trái vừa mới phát sinh trong hiện tại và còn biết nhờ đó mà hoàn thiện dần những cơ chế chuẩn bị cho tương lai khi thân thể ngày càng lớn lên lan tràn khắp thế giới.

Lòng tin vào Đấng Phục Sinh đã giúp các môn đệ dám nhận ra và đối đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống theo Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng giúp tìm ra giải pháp để vượt qua được những giới hạn của thân phận con người hầu sống tốt đẹp hơn niềm tin của mình.

Bài đọc 1 cho thấy những khó khăn về thể chế liên quan tới tổ chức đời sống cộng đoàn và cách giải quyết của các tông đồ. Cộng đoàn Giêrusalem đã nhận ra các thách đố của đời sống đức tin của mình: có sự bất công trong việc tổ chức tương trợ, có sự kỳ thị Do Thái, hi hóa trong cộng đoàn. Các lãnh đạo đã can đảm đối đầu với sự thật, triệu tập cộng đoàn và đề ra giải pháp: lập một thể chế mới là Nhóm Bảy tá viên. Nhờ lòng tin vào Đấng Phục Sinh, cộng đoàn đã vượt qua chướng ngại, mở thêm chân trời mới cho đời sống cộng đoàn, cơ cấu cộng đoàn. Và kết quả là cộng đoàn ngày thêm đông số.

Tin Mừng đề cập đến những khó khăn về thiêng liêng, tín lý liên quan đến căn tính của Đức Giêsu trong tương quan với Cha và môn đệ. Mặc dù đã theo Đức Giêsu, nhưng các môn đệ – mà Tôma và Philipphê là đại diện – vẫn còn vướng nhiều khó khăn, cản trở các ông nhận ra căn tính tương quan giữa Đức Giêsu với Cha. Các ông đã dám đặt thẳng vấn đề cho Đức Giêsu và nhờ vững tin vào Thầy (tức Đấng Phục Sinh, vì bài đọc này được chọn đọc trong Mùa Phục Sinh, nên đối với chúng ta nó thực sự là một mặc khải về Đấng Phục Sinh) nên các ông đã được mặc khải, vượt chướng ngại, giới hạn phàm nhân đi vào tương quan thâm sâu của Thiên Chúa: “Đức Giêsu là Đường…”, “ai thấy Thầy là thấy Cha”.

BÀI ĐỌC 1: Cv 6, 1-7

Trong các chương 2.4.5, chúng ta đã thấy sự hiệp nhất tuyệt vời của cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem. Đó là cộng đoàn lý tưởng, nhưng còn rất nhỏ bé. Mặc dù vậy vết nhơ tội lỗi cũng đã thâm nhập vào một số thành viên của cộng đoàn: chuyện Khanania và Xaphira gian dối (5,1-11). Và rồi cộng đoàn dần lớn mạnh, nét phổ quát bắt đầu rõ nét dần thì những vấn đề muôn thuở của kiếp phàm nhân tội lỗi lại nảy sinh: phân chia quyền lợi không đều, nạn nhân là những người bé mọn: các bà góa. Tuy nhiên ngang qua những yếu đuối ấy, cộng đoàn vẫn vững tiến nhờ lòng tin vào Đấng Phục Sinh (6, 1-7).

Bài đọc 1 chính là trích đoạn nói về cuộc tranh chấp đầu tiên trong nội bộ cộng đoàn các tín hữu tại Giêrusalem cũng như cách thức mà các tông đồ và cộng đoàn đã giải quyết vấn đề.

Sự cố phát sinh từ việc các bà góa hi hóa bị đối xử không công bình trong vấn đề được hưởng dùng lương thực. Việc để chung, chia sẻ của cải “mỗi người hưởng tùy theo nhu cầu” trong cuộc sống thực tế đã có vấn đề. Sự trục trặc này về mặt tổ chức thực ra bắt nguồn từ tâm lý kỳ thị giữa hai nền văn hóa và hơn hết đó là vấn đề con người. Vì thế, nên dù có quyền trong tay, các tông đồ đã không áp đặt quyền bính. Các ngài đã giải quyết vấn đề bằng cách dựa trên tự do của con người và sự trợ lực của Thiên Chúa: chọn lựa dân chủ sau đó ủy quyền, tất cả đều đặt dưới sự trợ lực của Chúa Thánh Thần ngang qua cầu nguyện.

  1. Sự cố phát sinh (Cv 6, 1)

  • Sự kiện: số môn đệ thêm đông

  • Vấn đề: các tín hữu hi hóa kêu trách các tín hữu do thái gốc về vấn đề phân chia lương thực không công bằng.

  • Đối tượng chịu thiệt thòi: các bà góa

“Môn đệ thêm đông” là một hồng ân nhưng cũng là một gánh nặng thêm đặc biệt cho những vị lãnh đạo là các tông đồ: quỹ thời gian của các ngài trở nên ít hơn, không thể để mắt tới mọi nơi mọi việc được. Và bình thường thì số đông luôn là nguyên nhân gây ra các đụng chạm nhất là khi nhân số tăng nhanh mà vấn đề đào tạo lại không đáp ứng tương xứng khiến chất lượng nhân sự suy giảm; lại thêm thành phần hỗn tạp: có cả dân ngoại như ông Nicôla ở câu 5.

Va chạm quyền lợi giữa những người Do Thái gốc và những người hi hóa:

  • Người Do Thái gốc nói tiếng Aram, sinh và sống tại Palestin;

  • Còn nhóm hi hóa cũng là Do Thái nhưng sống phân tán trong các vùng khác nhau của đế quốc, bên ngoài xứ Palestin, họ được gọi là nhóm diaspora, nói tiếng Hi Lạp. Sau thời gian lưu lạc, một số về lại Giêrusalem và định cư. Họ muốn sống những ngày cuối đời ở thành thánh và muốn được chôn cất ở đó. Số này ít, nhưng họ cũng có hội đường riêng nói tiếng Hi Lạp và dùng Kinh Thánh bản

Hai yếu tố trên đã là nguyên do của việc đối xử phân biệt trong cộng đoàn.

Các bà góa: vấn đề muôn thuở: các thiệt thòi thường đè trên vai những kẻ thế cô, mặc dù họ đã được Lề Luật bảo vệ (x. Xh 22,21-23; Is 1,17). Đây là bằng cớ cho thấy rằng chia rẽ luôn là một nguy cơ trong Giáo Hội mà nguyên nhân có thể là một chuyện rất thường tình. Một lần nữa cho thấy sự hiệp nhất là công trình của Chúa Thánh Thần.

  1. Cách thức giải quyết (Cv 6,2-6)

2.1  Đề nghị của các tông đồ

  • Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể môn đệ (c.2a)

  • Trình bày ý kiến:

  • Các tông đồ phải lo việc chính là rao giảng (c.2b)

chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời (c.4)

  • Đề nghị cộng đoàn chọn Bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí, khôn ngoan.

  • Họ sẽ được tông đồ ủy quyền (c.3)

2.2   Công đoàn tán thành và thực thi đề nghị trên:

  • Bảy tên, trong đó có một dân ngoại: Nicola (c.5)

  • Cộng đoàn trình diện họ cho các tông đồ (c.6a)

2.3   Các tông đồ cầu nguyện rồi đặt tay trên họ ủy quyền (c.6b)

Toàn thể tông đồ đoàn, Nhóm Mười Hai, triệu tập toàn thể môn đệ: chi tiết này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề vừa nảy sinh. Đó không chỉ là một sự kiện, nhưng qua đó các tông đồ nhận thấy đức ái và sự hiệp thông của cộng đoàn đang bị đe dọa. Vì thế cần giải quyết tận căn, một lần cho cả các thế hệ tương lai nữa. Kết quả không chỉ là giải quyết một vấn đề, nhưng là sáng tạo một cơ cấu mới cho cộng đoàn.

Anh em hãy tìm… rồi chúng tôi sẽ cắt đặt”: cộng đoàn giới thiệu đề cử, nhưng quyết định bổ nhiệm là quyền của các tông đồ. Mặc dù số đề cử đều được bổ nhiệm, nhưng đây không phải là cơ chế bầu chọn theo lối dân chủ chính trị. Bởi vì mọi cơ cấu của Giáo Hội đều phải đặt nền trên huyền nhiệm Giáo Hội: Giáo Hội là thân thể Đức Giêsu. Mỗi bộ phận đều có chức năng thích hợp, không thể lấn ép qua lãnh vực khác mà không gây xáo trộn cho toàn thân. Quyết định, điều khiển vẫn luôn là chức năng của đầu, các chi thể khác góp phần, biểu lộ sự tự do, tinh thần trách nhiệm, liên đới, hiệp thông.

Bảy người “được tiếng tốt: marturoumênôus có gốc là động từ marturêo =  “Làm chứng”. Vậy đây không chỉ là một đức tính nhân bản xã hội, mà còn mang tính tôn giáo. Nó hàm ý bảo đảm, đáng tin cậy, đã được thử thách, dám đem lời nói hành động và cả mạng sống để làm chứng cho sự thật, cho đạo giáo, niềm tin của mình… dám làm điều phù hợp Ý Chúa bất chấp bạo lực, đe dọa… không thiên tư, vị nể…

Đầy thần khí và khôn ngoan: thoạt nhìn, các đặc ân này là cần thiết để rao giảng, biện phân Ý Chúa hơn là để lo việc vật chất; Nhưng xét cho cùng thì việc phục vụ đức ái không chỉ là lo lắng về miếng ăn, giải quyết các nhu cầu về thể xác, mà thực chất đó là một vấn đề nhân linh có liên can đến tâm hồn và toàn thể con người. Và trong thực tế, nhiều khi những hành vi đức ái này lại đánh động tâm can và làm cho người ta hoán cải có khi còn hiệu quả hơn cả lời rao giảng, nhất là đối với con người thực dụng thời nay; thích thấy hơn là nghe, đánh giá cao các chứng nhân hơn là diễn giả.

Do đó để đạt được kết quả tốt, công việc của Nhóm Bảy cũng phải được thực hiện trong đức tin với sự cẩn trọng cần thiết nghĩa là cũng cần đầy Chúa Thánh Thần, khôn ngoan để có thể làm được như Chúa muốn, đánh động được tâm can kẻ khác.

Để lo việc ăn uống, dịch sát thì công việc của Nhóm Bảy là “phục vụ bàn ăn”. Đừng coi công việc của họ chỉ là trợ giúp các bà góa hi hóa trong vấn đề lương thực – Tầm hoạt động của họ rộng hơn nhiều: họ như là những viên tổng quản trong cộng đoàn lo tổ chức về sinh hoạt vật chất, quản lý tài sản và cũng không loại trừ khả năng rao giảng (Cv 7; 8,26-35).

Họ có phải là những PHÓ TẾ theo nghĩa hôm nay ? Có lẽ lúc đầu thì chưa. Sách Công Vụ không dùng chữ diakônôs để ám chỉ họ, tuy nhiên công việc họ đảm trách lại được Luca dùng động từ diakônêo ở dạng nguyên mẫu, hiện tại. Đến thời Phaolô, diakônôs xuất hiện lần đầu trong Philipphê 1,1 với vai trò là trợ tá cho các giám quản êpiskôpôis. Rồi đến Irénée de Lyon, ngài sẽ coi cơ cấu Nhóm Bảy này là mô hình mẫu của thừa tác phó tế. Cuối cùng truyền thống cũng đã gán cho họ từ “phó tế”. 

“Sau khi cầu nguyện, các tông đồ đặt tay…”: cử chỉ biểu tượng ám chỉ sự thánh hiến hoặc chuyển quyền cho người khác như trường hợp Môsê và Giosuê (x. Ds 27,16-23; Đnl 34,9). Ở đây tất cả tông đồ đều cầu nguyện và đặt tay trao quyền cho Nhóm Bảy giữa cộng đoàn. Điều này cho thấy trách vụ của Nhóm Bảy là quan trọng chứ không chỉ là lo ăn. Cử chỉ long trọng công khai được làm dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa (sau khi cầu nguyện) như ngầm báo trước tầm hoạt động rộng rãi cũng như uy tín và ảnh hưởng của Nhóm. Các trình thuật tiếp theo về hoạt động của Stêphanô và Philipphê cho thấy rõ điều đó.

  1. 3. Hoa trái: cộng đoàn tăng tiến (Cv 6,7)

  • Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên.

  • Số môn đệ tăng thêm rất nhiều, có cả đông đảo tư tế đón nhận đức tin.

Sự đồng tâm nhất trí trong đức ái để vượt qua trở ngại đã được Thiên Chúa chúc lành: cộng đoàn tăng nhân số. Có cả đám đông tư tế trong số các tín hữu mới. Họ là ai ? Chắc là các tư tế thuộc giới bình dân hơn là nhóm Xađốc. Đây là dấu cho thấy Do Thái giáo ngày càng suy giảm uy tín, ảnh hưởng, còn Kitô giáo ngày càng phát triển. Thực tế này giúp ta hiểu được tại sao quyền bính tôn giáo ở Giêrusalem và nhóm Do Thái phiệt thù nghịch cộng đoàn Kitô, tìm đủ mọi cách phá phách, bách hại mà Stêphanô là người đầu tiên được phúc dùng máu mình công bố chân lý.

  1. Tóm kết:

Trong thân phận con người yếu đuối, cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi cho dù là lý tưởng cũng vướng phải những nét tiêu cực của kiếp người. Tuy nhiên nhờ sự đồng tâm nhất trí trong đức tin vào Đấng Phục Sinh và trong đức ái, cộng đoàn đã tìm ra được con đường tốt nhất để vượt thử thách, hơn nữa còn được Chúa soi dẫn tìm ra phương thức mới mẻ giúp cho cộng đoàn, dù ngày càng tăng dân số, vẫn được tổ chức nhịp nhàng ăn khớp hơn, biểu lộ sự hài hòa của một nhiệm thể khỏe mạnh, đầy sức sống; Và phúc lành của Chúa tuôn tràn xuống cộng đoàn làm cộng đoàn ngày thêm lớn mạnh.

TIN MNG: Ga 14, 1-12

Trong Tin Mừng 4, từ chương 13, Đức Giêsu không còn hoạt động công khai nữa, những ngày cuối đời được Người dành trọn cho các tông đồ. Trong chương 13, ngôn hành của Đức Giêsu (rửa chân, báo Giuđa bội phản, báo Người sắp ra đi, trăn trối lại giới luật yêu thương, báo Phêrô chối Thầy) đã làm các tông đồ hoang mang xao xuyến. Vì thế bài diễn từ ở chương 14 bắt đầu với lời trấn an, mời gọi vững tin và giải thích ý nghĩa cuộc ra đi của Đức Giêsu (14,1-4); Lời giải thích đã gợi lên các thắc mắc nơi các môn đệ và Đức Giêsu đã tận dụng thời cơ ấy tỏ cho các ông mặc khải tối hậu về con người, sứ mạng của Người (14,5-31).

Tin Mừng hôm nay trích đọc phần đầu của chương 14 bao gồm lời trấn an và hai mặc khải đáp lại thắc mắc của Tôma và Philipphê. Chủ đề “đức tin” được nhấn mạnh:

  • Chữ “TIN” được lập lại sáu lần.

  • Ý tưởng “Tin” và “về cùng Cha” được dùng để mở đầu (c.1) và kết thúc (12) trích đoạn Tin Mừng hôm nay.

  1. Trấn an, mời tin (Ga 14,1)

  • Đừng xao xuyến

  • Đã tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Đức Giêsu

Như Đức Giêsu cũng đã trải qua cơn xao xuyến trước viễn cảnh Thập Giá (12,27a), các môn đệ cũng có cùng tâm trạng trước lời loan báo ra đi của Đức Giêsu. Nhưng nhờ hiểu được Ý Cha và tin vào Cha (12,27b) mà Đức Giêsu đã nhận ra ý nghĩa của Thập Giá và vui lòng đón nhận như phương thế tuyệt hảo mà Cha đã chọn để cứu nhân loại (12,28-32). Giờ đây Đức Giêsu muốn thông đạt lại cho các môn đệ cái kinh nghiệm cứu độ ấy bằng con đường hiểu và tin.

Tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu: cụ thể là tin vào dự tính của Thiên Chúa về Thập Giá ngang qua lời mặc khải mà Đức Giêsu sắp tỏ lộ ra sau đây. Lời này cho thấy ý nghĩa thật của sự ra đi của Đức Giêsu trong chương trình của Cha (14,2- 3) và đi sâu vào mối tương quan thân tình “Cha – Con – tín hữu” cũng như đi vào căn tính thâm sâu của Đức Giêsu (14,4-12).

  1. Ý nghĩa của cuộc ra đi của Đức Giêsu (Ga 14,2-3)

  • Ra đi để dọn chỗ trong nhà Cha cho môn đệ (c.2)

  • Nhưng rồi sẽ trở lại để Thầy – trò ở chung một nơi (c.3)

Ra đi không phải vì thua cuộc, vì muốn bỏ rơi môn đệ; nhưng là về lại nhà Cha, dọn chỗ cho môn đệ để tất cả có thể sống vĩnh viễn với Người không còn bị đe dọa, ngăn cách nữa (c.3c): Người muốn kết hiệp họ vào chính số mệnh của mình bằng việc đi dọn chỗ trước.

“Nhà Cha có nhiều chỗ ở ”: câu nói hàm 2 ý:

  • Điểm đến của việc theo Đức Giêsu là tất cả sẽ qui tụ lại ở nhà Cha.

  • Và nhà Cha có đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Theo Đức Giêsu không phải là để được một cái gì ở trần thế này hay để thống trị kẻ khác, nhưng là để tất cả cuối cùng ra đều nhận ra nhau là anh em và sẽ về đoàn tụ trong nhà Cha. Đức Giêsu là anh cả đến giúp đàn em lầm lạc nhận ra lại Cha mình đồng thời đi trước mở đường để các em đi theo về sum họp.

“Thầy đi dọn chỗ”: Nước Chúa, Nhà Cha không phải là một vị trí địa lý. Đây chỉ là cách nói diễn tả mối thân tình của Cha và Con đối với kẻ tin.

Thật vậy từ sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng con người theo hình ảnh Chúa… Rồi khi đến thời đến buổi, Ngôi Lời nhập thể đảm nhận nhân tính làm một con người giống chúng ta mọi đàng trừ phạm tội. Và giờ đây với biến cố “Thập Giá, Phục Sinh” Người về lại với Cha, mang theo cả nhân tính đã được tôn vinh làm CHÚA, làm Kitô về kết hợp với mầu nhiệm Ba Ngôi.

Và Đức Giêsu được tôn vinh ấy lại là ĐẦU của HỘI THÁNH. Nhân loại là Nhiệm Thể của Người nên cũng được thông hiệp trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa.

 Đó là cách thức mà Đức Giêsu “Thập giá Phục sinh” đi trước dọn chỗ cho ta.

Thầy sẽ trở lại… để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó”: có ý cho rằng Đức Giêsu sẽ trở lại ngày Quang Lâm hoặc vào giờ chết của mỗi người. Tuy nhiên lần trở lại gây ấn tượng nhất cho các môn đệ và cũng là bằng cớ kiểm chứng ngay trước mắt được cho thấy Đức Giêsu về cùng Cha, là biến cố Phục Sinh. Với biến cố này, nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh, nhờ đó từ nay Đức Giêsu mãi hiện diện, đồng hành với các môn đệ mọi nơi mọi lúc với thân xác đã Phục Sinh của Người. Vậy việc Đức Giêsu đem ta về với Người và việc chúng ta ở với Người là chuyện HIỆN TẠI của Đấng Phục Sinh và chúng ta ở với Người trong tư cách là những người sống chứ không phải người chết.

  1. Mời môn đệ tiến sâu vào huyền nhiệm (Ga 14,5 – 12 )

3.1  Huyền nhiệm về Đức Giêsu trong tương quan với môn đệ

  • Lời gợi ý (4) và câu hỏi của Tôma về đường đi: “Lạy Chúa…”(c.5)

  • Lời đáp Đức Giêsu: “Tôi là Đường – Sự Thật – Sự Sống”; và mở ra tương quan với Cha (cc.6-7)

Trước lời gợi ý của Đức Giêsu ở câu 4, Tôma thắc mắc và ông đã thưa với Người với danh xưng Kuriê = Lạy Chúa (danh tước gọi Đức Giêsu sau Phục Sinh) và Đức Giêsu đáp êgô êimi = Ta Là. Hai dạng thức khác nhau lập lại danh Yavê. Vậy đây là một mặc khải thần linh long trọng.

Con Đường” gợi lại hình ảnh Cựu Ước: lúc khai sinh Israel, Thiên Chúa đã dẫn đường cho họ bằng áng mây, cột lửa đưa dân vào Đất Hứa. Rồi trong suốt lịch sử thăng trầm của dân, Thiên Chúa đã dùng Luật như con đường dẫn dân tới hạnh phúc. Nhưng qua tất cả những con đường đó dân chưa gặp được Thiên Chúa theo đúng tư cách mà Chúa muốn tỏ mình: Thiên Chúa là Cha. Phải nhờ đến “con đường nhân tính” của Đức Giêsu, nhân loại mới đi tới Cha được trong tư cách là “CON”. Để rồi một khi đã bước vào “con đường Giêsu”, người ta mới nhận ra rằng Người cũng chính là Thiên Chúa và nhờ Người, chúng ta được thông phần thiên tính. Đó là điều Đức Giêsu tỏ lộ tiếp sau đây.

Trong Cv 9,2 , các tín hữu tiên khởi được gọi là “những người theo Đạo” (dịch sát là “những người theo CON ĐƯỜNG”. Vậy Đức Giêsu là “con đường” hàm ý Người là đối tượng mà mọi tín hữu phải gắn bó, dõi theo để được cứu độ, được gặp Cha.

“Sự Thật”: trong thế giới du mục, sự thật không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại sống dựa trên sự thực hiện cách hoàn chỉnh điều đã được cam kết. Thực tại này được Cựu Ước vay mượn: “Sự thật” mang ý nghĩa tôn giáo, nó ám chỉ việc Yavê trung thành với Giao Ước. Trong kinh nghiệm Do Thái, chỉ có Yavê là luôn trung tín bất chấp những bội ước từ phía con người. Do đó chỉ có Yavê là đáng tin cậy. Phối hợp với lời mời “tin” ở câu 1b, Tin Mừng ngầm bảo Đức Giêsu là Thiên Chúa khi Người tự xưng “Tôi là Sự Thật”.

Nhưng dấu chỉ nào giúp ta nhận ra Đức Giêsu là Sự Thật ? Đó là lời hứa “Thầy sẽ trở lại” được ứng nghiệm: Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cho môn đệ. Như dân Do Thái xưa, để sống sự thật thì phải giữ luật của Yavê; hôm nay các tín hữu muốn tham dự vào sự thật thì cũng phải tuân giữ những gì Đức Giêsu đã rao giảng, đã truyền cho họ khi Người còn sống tại thế. Lúc ấy họ sẽ được “Sự Thật” giải phóng và đưa vào sự hiệp thông thân tình với Đức Giêsu và với Cha.

“Sự Sống”: tất cả mọi nỗ lực của con người: đi theo một “con đường”, đi tìm “sự thật” chỉ thực sự có ý nghĩa nếu con người đạt tới được “sự sống”, một sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc. Đức Giêsu mặc khải Người chính là sự sống đó. Ở đây gợi lại những mặc khải trước: Người là Nước sự sống (chương 4), Bánh sự sống (chương 6), Sự sống và sự sống lại (chương 11)… Thế nhưng bây giờ Đức Giêsu lại nói rằng Người sắp ra đi… Còn gì hy vọng nữa (như trường hợp hai môn đệ Emmau) ? Một lần nữa, việc Người trở lại sẽ giải quyết mọi vấn đề.

Để hiểu rõ hơn, nhắc lại chuyện xảy ra trong vườn Eden. Ăn xong trái cấm, hai nguyên tổ không chết (xác hết sinh khí) mà là bị đuổi khỏi Eden, xa lìa Thiên Chúa. Vậy “chết” là xa lìa Thiên Chúa; “sống” là được kết hợp lại với Thiên Chúa.

Đức Giêsu là trung gian duy nhất nối kết nhân loại lại với Thiên Chúa. Vậy Người là “sự sống”. Sự sống đích thực và vĩnh cửu. Mọi sự tìm thấy đáp số trong PHỤC SINH, nhân tính của Đức Giêsu được tôn vinh là CHÚA.

“Ngay từ bây giờ anh em đã thấy Cha”: ở các câu 2 và 3, Đức Giêsu đã mặc khải việc Người phải ra đi là cần thiết để sau này các môn đệ sẽ được ở trong nhà Cha. Nhưng ở các câu 6 – 7, sau lời đáp cho Tôma, Đức Giêsu đưa môn đệ tới gần huyền nhiệm của Thiên Chúa thêm một bước nữa: việc thấy Cha diễn ra ngay trong hiện tại, nghĩa là nếu các môn đệ biết Đức Giêsu như vừa được mặc khải cho Tôma ở câu 6ab thì các môn đệ cũng biết Cha, và thấy được Cha ngay từ bây giờ. Thật là điều quá sức tưởng tượng của con người ! Phản ứng của Philipphê trước mặc khải này sẽ được Đức Giêsu tận dụng để đưa các tông đồ đi sâu hơn vào huyền nhiệm của Người.

3.2  Huyền nhiệm Đức Giêsu trong tương quan với Cha

  • Lời xin của Philipphê: xin được thấy Chúa Cha (c.8)

  • Lời đáp của Đức Giêsu mặc khải tượng quan Cha – Con: Đức Giêsu và Cha là một.

  • Ai thấy Thầy là thầy Cha (c.9)

  • Đức Giêsu ở trong Cha và Cha ở trong Người. Cha nói và làm trong Đức Giêsu (c.10)

  • Mời tin và lời hứa

  • Chủ yếu là mời tin rằng Cha và Con ở trong môn đệ bằng không thì tìn vào việc Đức Giêsu làm (c.11).

  • Lời hứa cho thấy hoa trái của TIN (c.12).

  • Làm được những việc lớn lao hơn

  • Lý do: vì Đức Giêsu về cùng Cha (không còn giới hạn trong thần xác nữa).

Lời xin của Philipphê: mối tương giao thâm sâu giữa “Cha – Con – tín hữu” bị Philipphê hiểu lầm, giảm thiểu vào trong phạm trù giác quan: thấy bằng mắt phàm. Đức Giêsu phải điều chỉnh đưa ông vào phạm trù đức tin. Đây cũng là một chuẩn bị nữa cho cuộc ra đi của Người: phải dùng đức tin để nhận ra ý nghĩa của sự vắng mặt tạm thời của Người trong xác tín là Người sẽ trở lại.

Ai thấy Thầy là thấy cha”: cũng như trong mầu nhiệm “gặp Đấng Phục Sinh”, “THẤY” ở đây không là cái thấy bằng giác quan mà là cái “thấy bằng đức tin”. Cái thấy giác quan chỉ đưa tới lầm lẫn “Người là con ông Giuse”. Chỉ khi nào cặp mắt đức tin mở ra, đón nhận con đường Thập Giá nơi Đức Giêsu và can đảm theo Người thì lúc đó mới có thể thấy Cha trong Đức Giêsu.

Đức Giêsu và Cha là một: đây là cách mặc khải thâm sâu nhất về thần tính của Đức Giêsu: “thấy Thầy là thấy Cha”, “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”. Vậy Đức Giêsu và Cha là một (10,30). Và đây là một thực tại hiện tại nơi những ai dám tin rằng “Đấng sắp ra đi” sẽ trở lại và Người chính là Thiên Chúa.

  1. Tóm kết:

Trước việc Đức Giêsu sắp ra đi, các môn đệ xao xuyến. Bằng lối sư phạm tiệm tiến, Đức Giêsu dần giúp họ hiểu ý nghĩa của biến cố và đưa họ tiến vào huyền nhiệm của Người. Chìa khóa để mở con mắt đức tin dẫn họ vào “Đường – Sự Thật – Sự Sống” là việc Người trở lại: PHỤC SINH. Thực ra đoạn văn này được viết cho chúng ta: hôm nay Đức Giêsu như vắng bóng dưới mắt phàm, tuy nhiên ta quá rõ là Người đã Phục Sinh. Vậy hãy tin rằng Đức Giêsu tạm vắng về thể xác là để dọn chỗ cho ta và sẽ đến đem chúng ta về với Người. Mầu nhiệm Phục Sinh đã mở ra cho ta con đường đi vào huyền nhiệm Giêsu, nhờ đó ngay từ bây giờ chúng ta thật sự đang ở trong Nhà Cha, được thấy Cha khi tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC