CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Is 35,4-7a; Mc 7,31-37

Chủ đề: Dấu chỉ giúp nhận biết thời thiên sai đã tới: ơn phục hồi. 

* Is 35,5: Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được…

* Mc 7,35 : Đức Giêsu nói “hãy mở ra”. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.

Thời thiên sai đã tới! Thiên Chúa đã thứ tha tội con người qua việc Người sai Đấng Mêsia đến chữa lành, khắc phục các hậu quả của tội, hồi phục nhân loại và vũ trụ. Dấu chỉ cụ thể giúp nhận ra thời thiên sai đến, đó là các bệnh tật được chữa lành và thiên nhiên cằn cỗi được phục hồi sức sống nhờ có đầy đủ nguồn nước (bài đọc 1); và người nào thực hiện được việc chữa lành ấy thì đó chính là Đấng Mêsia. Tin Mừng hé mở cho thấy Đấng đó chính là Đức Giêsu, ngang qua phép lạ chữa lành cho bệnh nhân bị điếc ngọng (Tin Mừng).

Đó là chủ điểm của Lời Chúa Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên. Hai bản văn Is 35,4-7a và 7,31-37 được phụng vụ chọn làm bài đọc 1 và Tin Mừng cho Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên đều quy về một điểm chung: đó là việc chữa lành các bệnh tật đã được Thiên Chúa dùng làm DẤU CHỈ giúp dân Chúa nhận ra Đấng Mêsia, nhận ra thời thiên sai đã tới. Thật vậy, những gì Thiên Chúa loan báo cho DÂN RIÊNG Chúa trong Cựu Ước (bài đọc 1), để củng cố đức tin của Dân, vực dậy niềm cậy trông của họ, kiên trì trung tín chờ thời điểm Chúa can thiệp cứu Dân, thì trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã biến lời hứa đó thành những sự thật cụ thể, khi Người chữa lành cho một người ĐIẾC – NGỌNG.

Và còn đi xa hơn những gì Cựu Ước đã loan báo, việc chữa lành không chỉ dành riêng cho dân Do Thái mà còn được mở rộng ra cho dân ngoại: việc chữa lành Đức Giêsu làm hôm nay là ở vùng đất dân ngoại Tyr-Sidon- Thập Tỉnh. Tin Mừng nhấn mạnh thêm TÍNH PHỔ QUÁT của ơn phục hồi do Đức Giêsu mang tới. Người là Đấng Mêsia của dân Do Thái, vừa là Đấng Cứu Độ trần gian (Ga 4,42b), là Thiên Chúa.

Bài đọc 1 trích phần đầu của Is 35, Chúa sai ngôn sứ ngỏ lời cùng đám dân đang trong cảnh khốn cùng, đang nản lòng rủn chí, mất dần nhuệ khí, khủng hoảng niềm tin vào Thiên Chúa, trở thành “kẻ nhát gan”. Lời ngôn sứ khích lệ dân Chúa “Hãy can đảm lên, đừng sợ!”. Lý do không sợ là vì “Thiên Chúa của ANH EM đây rồi”: “có Chúa ở cùng, con sợ chi nguy khốn” (Tv 23,4). Cách nói “Thiên Chúa của ANH EM” cho thấy Thiên Chúa đã thứ tha giao hòa với dân (so với lối nói như “hờn dỗi” khi dân phạm tội: “Thiên Chúa của tôi” Is 7,13c); Và chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em. Tuy nhiên lời khích lệ cũng hàm ẩn một đòi hỏi Dân phải có đáp trả tương xứng qua cách nói lưỡng diện về Ngày của Chúa: Đó vừa là “NGÀY THƯỞNG CÔNG” nhưng cũng là “NGÀY PHẠT TỘI”. Vậy phải có thái độ đáp trả thích hợp.

Tiếp theo lời khích lệ, bài đọc 1 đưa ra những DẤU CHỈ giúp dân Chúa có điểm tựa nhận ra thời thiên sai đã tới. Đó là việc PHỤC HỒI:

  • Phục hồi con người qua việc chữa lành các bệnh tật; – Và phục hồi vũ trụ qua việc đồng hoang khô cháy trở thành nơi phì nhiêu đầy nước.

Những gì đã được báo trước trong bài đọc 1, đã trở thành hiện thực cụ thể trong Tin Mừng: một người bị bệnh ĐIẾC – NGỌNG đã được Đức Giêsu chữa lành. Nhiều chi tiết có giá trị mặc khải, chúng ta cần lưu ý trong phép lạ này:

1/ Nơi phép lạ diễn ra là vùng đất dân ngoại: Đức Giêsu đang hoạt động trong vùng Tyr – Sidon – Thập Tỉnh. Chi tiết này nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới: dân ngoại cũng được Chúa chữa lành.

2/ Người bệnh bị chứng ĐIẾC – NGỌNG do đó anh bị cắt đứt phần lớn các mối liên hệ với xã hội, anh không nghe nói về Đức Giêsu, anh không tự mình đến với Đức Giêsu được. Yếu tố nhân loại giúp anh được chữa lành là ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN: Mc viết NGƯỜI TA (tức cộng đoàn) ĐEM anh đến với Đức Giêsu và NGƯỜI TA XIN Đức Giêsu chữa lành cho anh. Tầm quan trọng của đức tin cộng đoàn được nhấn mạnh.

3/ Trong tiến trình Đức Giêsu làm phép lạ, Marcô khéo léo sử dụng: 

a/ Những điển tích kinh thánh để kín đáo bày tỏ dung mạo thần linh của Đức Giêsu:

*c.33, “Đức Giêsu kéo anh ta ra khỏi đám đông”, chữa lành, rồi cấm anh kể lại, nhưng mọi người đều biết vì thấy kết quả tỏ tường. Trong Kinh Thánh, những việc Thiên Chúa làm, con người không CHỨNG KIẾN tận mắt được, nhưng nhận ra là có nhờ thấy KẾT QUẢ (dựng Eva; kết ước với Abram; Đức Giêsu phục sinh).

*c.37, “ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp” gợi St 1,31: mọi việc Thiên Chúa làm đều tốt đẹp.

b/ Đồng thời cũng mô tả những nét rất con người nơi Đức Giêsu: đụng vào nhổ nước miếng… than Epphata… cho thấy Đức Giêsu cũng là một con người.

Vậy con người xác thịt mà đám đông thấy trước mắt, người đó là Mêsia, hơn nữa là Thiên Chúa, Người đến hoàn tất Ý Cha, phục hồi nhân loại, khai mạc thời thiên sai. Hãy tin vào Người!

Bài 2

Đức Giêsu… đặt ngón tay vào lỗ tai anh và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ep-pha-tha… lập tức tai anh mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại và anh nói được rõ ràng. (Mc 7,33-35).

Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII B Mùa Thường Niên thổi vào cuộc đời khổ đau của nhân loại một luồng khí tươi vui, hy vọng. Khổ đau, chết là chuyện không thể tránh được của kiếp người. Trong đức tin Kitô giáo, khổ đau là hậu quả của tội do con người chối từ những dự tính yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta. Và với tự sức mình, con người không thể thắng vượt khổ đau, tự tìm ra cho mình hạnh phúc chân thật và trọn hảo vững bền. Một trong những khổ đau lớn của kiếp người là bệnh tật; Thêm vào đó là những “trở chứng” của thiên nhiên, xáo trộn thất thường của đất trời làm cho cuộc đời, sự ổn định của kiếp người bị chao đảo, bất hạnh. Vì thế người ta thường cầu chúc nhau sức khỏe, làm ăn thịnh đạt, thuận buồm xuôi gió…  

Chủ đề của lời Chúa XXIII B đáp trả đúng vào những khát vọng ấy của con người. Bài đọc 1, sách Isaia loan báo thời thiên sai sẽ tới. Dấu chỉ giúp nhận ra thời hồng phúc đó đang hiện diện giữa loài người là: – các tật bệnh được chữa lành – và thiên nhiên trở nên thân thiện đáng yêu đối với con người. Trong bài đọc Tin Mừng, lời loan báo hy vọng đó trở thành sự thật nơi con người Đức Giêsu mà việc chữa lành anh bệnh ngọng – điếc chỉ là một minh họa.

Đức Giêsu đã đến! Các mầm sống, dấu chỉ thiên sai cũng đã chớm nở. Thế nhưng tại sao, sự dữ vẫn tồn tại: dịch bệnh, thiên tai thêm nhân họa vẫn dẫy đầy? Vì công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa không phải là một “phòng triển lãm” trong đó Thiên Chúa phô trương những tác phẩm đã hoàn mỹ của Người và khán giả chỉ tới ngắm, mua rồi đem về chưng diện thôi. Công trình sáng tạo, cứu chuộc của Chúa là một “trường đào tạo”, một “đại học sư phạm” trong đó Thiên Chúa ươm mầm con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, là “chủ vũ trụ”, là sinh vật sống được nhờ “hơi thở” của Chúa. Và Thiên Chúa muốn, qua dòng thời gian, qua nhiều thế hệ được đào tạo với những kết quả tốt có và xấu cũng có, chính con người (dưới môi trường đào tạo của Chúa) sẽ đưa công trình của Chúa đến chỗ hoàn thiện.

Chỉ một lần duy nhất trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa dựng nên mọi sự từ hư vô. Sau sáu ngày, cái nền tảng của công trình Chúa đã vững chắc, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. “Nghỉ” nghĩa là chấm dứt việc sáng tạo từ hư vô, chứ không phải là nghỉ sáng tạo, nghỉ làm việc. Sau này Đức Giêsu điều chỉnh lại: “cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Thiên Chúa sáng tạo nên cái nền móng, cái “cơ sở hạ tầng”, ban tặng cho con người đất, nước, khí, lửa, môi trường với các định luật của chúng, rồi cây cối, sinh vật với quy luật sống… Rồi Thiên Chúa cấp “Sổ Đỏ” vĩnh viễn cho chúng ta. Còn trên cái nền đó, con người muốn xây dựng lên cơ ngơi, trang trại, kho xưởng… hay bất kỳ thứ gì thì đó là quyền được Thiên Chúa trao ban cho con người. Chúa duy trì tất cả bằng tình yêu quan phòng, nhưng vẫn tôn trọng tự do của con người. Chỉ khi nào có nguy cơ quá lớn đe dọa sự tồn vong của nhân loại thì Thiên Chúa mới ra tay can thiệp trực tiếp để vũ trụ khỏi diệt vong.

Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta vài chi tiết cụ thể giúp nhân loại nhận ra dấu hiệu chỉ đường của Thiên Chúa và đáp trả phù hợp:

Bài đọc 1: Is 35,4-7a

Bài đọc 1 trích từ Is 35. Is 34-35 được gọi là Tiểu Khải Huyền, còn Is 24-27 là Đại Khải Huyền. Được gọi như vậy là vì những đoạn này đã dùng những hình ảnh của văn chương truyền thống cho thấy sự phù vân, mỏng manh của vũ trụ này mà loan báo ngày tận thế của thế giới và cũng là ngày Chúa can thiệp mạnh mẽ biểu lộ ơn cứu độ của Người. Theo cấu trúc hiện tại của sách Isaia thì Is 34-35 thuộc về Isaia đệ nhất (Is 1-39), nhưng giọng văn và nội dung thì gần hơn với Isaia đệ nhị (Is 40-55): loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa phạt chư dân và kẻ ác; đồng thời khơi dậy nơi Israel niềm vui sắp được giải phóng khỏi những khổ đau, áp bức – cụ thể là giải phóng khỏi cảnh lưu đày Babylon. Nội dung Lời Thiên Chúa hứa trong bài đọc 1 gồm ba ý:

1/ Một lời khích lệ (c.4): kêu mời tin tưởng, thay đổi thái độ trước nghịch cảnh vì Thiên Chúa sắp can thiệp.

2/ Hai dấu chỉ giúp nhận ra thời điểm Chúa can thiệp giải cứu:

  • Các tật bệnh được chữa lành (câu 5-6a)

  • Thiên nhiên hồi phục sức sống (câu 6b-7a)

Chúng ta mở đầu bài suy niệm, bằng việc phục hồi của Thiên Chúa:

*Phục hồi con người: chữa lành bốn bệnh mù, điếc, què, câm. Bốn loại bệnh này thường được Kinh Thánh trưng dẫn để mô tả niềm vui của thời cứu thế (x.Is 29,18; 42,7.18). Trên bình diện y khoa, bốn bệnh này không thuộc dạng nguy hiểm đưa tới cái chết; Nhưng chúng làm cho con người bị cô lập, hoặc tạo nên những tương quan què quặt, lệch lạc với thế giới bên ngoài lẫn với nhau. Chúng đưa con người rơi vào tình trạng thiếu tương quan, buộc lòng phải quay lại tình trạng “ở một mình không tốt”. Rồi về mặt tôn giáo, cái nhìn Cựu Ước còn gán cho các bệnh đó là hình phạt của tội (x.Ga9,1-3). Do đó, chữa lành cho ai khỏi các bệnh đó có nghĩa là hồi phục, thứ tha tội cho người đó, là cho người đó hội nhập lại trọn vẹn với cộng đoàn nhân loại và hơn nữa còn được gia nhập vào cuộc sống mới của thời Mêsia. Đó là dấu chỉ thời Mêsia đã tới và người thực hiện các dấu chỉ đó chính là Đấng Mêsia, Đức Giêsu xác nhận như thế (Mt 11,2-5).

*Phục hồi thiên nhiên, vạn vật (6b.7a): khô cằn, nóng cháy là tình trạng của đất khi Thiên Chúa chưa can thiệp ban sự sống (St 2,5b), hoặc đó là dấu chỉ của hình phạt do tội (1V 17,1). Đất đai có mưa, thấm đầy nước có nghĩa là được Chúa chúc lành, được tràn đầy sinh lực (St 2,6.10), hoặc là dấu chỉ được thứ tha (1V 18,41-46). Vậy sa mạc, hoang địa trở thành nơi trào vọt nước là cách nói diễn tả hồng ân thời Mêsia thật là lớn lao vượt mọi sự mong đợi của con người, ơn thứ tha vượt xa tội lỗi. Nước trào vọt trong hoang địa còn nhắc lại biến cố Xuất Hành, dân được Chúa dưỡng nuôi bao bọc, thời ân tình mặn nồng giữa Chúa và dân.

*Thời thiên sai: Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa, Đức Giêsu đã tới! Thời thiên sai đã hiện diện giữa cuộc sống của chúng ta. Thế sao nhân loại vẫn khổ? Với cách trình bày biểu tượng của Kinh Thánh, nhiều tín hữu cứ tưởng lầm rằng Thời thiên sai là thời Thiên Chúa tái lập lại Vườn Địa Đàng cho nhân loại (Is 11,6-9). Không! Thiên Chúa không tái lập lại Eđen giữa thế giới chúng ta đang sống: Thiên Chúa không làm sẵn hết mọi sự và nhân loại chỉ thọ hưởng cách thụ động để rồi cái nguy cơ sa ngã như Ađam Eva có thể xảy ra lần nữa. Đừng quên Con Rắn vẫn luôn rình sẵn đó và tìm đủ mọi cách để kiềm chế con người.

Thế giới thời thiên sai cũng chính là thế giới ta đang sống, là nơi tạm trú khi chúng ta bị Chúa đuổi ra khỏi Eđen, với tất cả những hậu quả của tội. Nhưng nhờ Đức Giêsu đến, Người biến đổi đất lưu đày đồng khô cỏ cháy thành đất đai phì nhiêu, hồi phục sinh lực cho con người, tạo điều kiện thuận lợi để con người ra tay tái thiết.

*Điều Chúa mong đợi nơi con người (c.4)

– Đừng nhát gan nữa: trong Kinh Thánh, nhát đảm, sợ hãi là do yếu đức tin không tin tưởng đủ vào quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa (Xh 14,5-14; Ds 13,25 – 14,9; Tl 6,11-18…). Chúa kêu mời đám dân đang thất vọng vì cảnh lưu đày hãy can đảm và tin rằng Chúa sắp can thiệp.

– Chúa can thiệp để thưởng công phạt tội: lời sấm này làm rõ nghĩa lời kêu gọi “can đảm lên đừng sợ”. Can đảm tiếp tục tuân giữ luật Chúa cách trung thành giữa cảnh thế sự thăng trầm. “Cơ sở hạ tầng” Chúa đã ban, đã hồi phục, giờ chúng ta hãy can đảm tuân theo Luật Chúa để xây dựng cơ ngơi vì Thiên Chúa đã tới gần, Người can thiệp thưởng phạt phân minh để những nỗ lực sống tốt của chúng ta, kẻ tin không bị uổng phí.

Thiên Chúa đang mong đợi sự cộng tác đó của kẻ tin để Người đưa công trình “phục hồi con người”, “phục hồi thiên nhiên” mà Người đã khởi công mau đến chỗ hoàn tất. Thời thiên sai tới rồi với những hồng ân tràn trề của Thiên Chúa không phải là thời “ngồi chơi xơi nước” mà là thời cật lực chiến đấu: đón nhận các ân huệ dồi dào Chúa ban, khai thác tối đa… nhờ đó đất án phạt, đất lưu đày trở thành lãnh địa thiên sai, nơi tình yêu, quyền năng Thiên Chúa trổ sinh hoa trái.

TIN MỪNG: Mc 7,31-37

Sau khi xóa bỏ những rào cản, do truyền thống phàm nhân bịa thêm vào, của Luật Sạch Dơ, Đức Giêsu tuyên bố: mọi thức ăn đều thanh sạch (Mc 7,19b) và điều làm cho con người ra ô uế là các tà niệm phát xuất từ nội tâm (7.20-33), Đức Giêsu rời Galilê, tiến vào vùng đất của dân ngoại. Tại đây, Marcô cố ý tạo một đối xứng, Đức Giêsu cũng đã thực hiện cho dân ngoại những ân huệ mà Người đã làm cho dân Do Thái ở đất Galilê (7,24 – 8,9 so với 6,30-56). Như vậy ơn cứu độ là phổ quát cho mọi người: chuyện phân chia bên ngoài Do Thái, Hy Lạp không còn là cản trở nữa; Yếu tố chính để được hưởng hồng ân cứu độ là tín thác vào Đức Giêsu, đón nhận đường lối hành động của Người. Bài trích đọc Tin Mừng của Chúa Nhật XXIII B là phép lạ thứ hai, Đức Giêsu làm tại đất dân ngoại.

*Nơi chốn: “miền Thập Tỉnh” (7,31): là vùng đất dân ngoại theo văn hóa hy lạp gồm mười thành phố ở tả ngạn sông Giođan, phía đông xứ Palestin. Được Rôma thành lập sau cuộc chinh phục năm 63 TCN. Dân cư vùng này được hưởng quyền tự trị và không bị ảnh hưởng của Do Thái giáo (x.Từ điển Công Giáo – “Miền Thập Tỉnh”).

*Bệnh nhân: một người “điếc – ngọng” (x.Bài đọc 1 “phục hồi con người”) bệnh nhân bị cô lập, bị cắt đứt khỏi mối hiệp thông với những người chung quanh; không nhận, không hiểu thông tin của tha nhân vì “điếc”; không thể làm cho tha nhân hiểu được mình cách rõ ràng đầy đủ vì “ngọng”; ở ngay giữa cộng đoàn mà như bị cô lập.

Đây là hình ảnh của người môn đệ trong Marcô. Thật vậy, các môn đệ ở với Đức Giêsu ngay từ đầu sứ vụ của Người mà họ chẳng hiểu, chẳng hiệp thông với Người bao nhiêu (x.Mc 6,52; 7,18); Vì thế Đức Giêsu thấy cần phải tìm nơi thanh tịnh để có dịp mở tai, mở miệng và cả mở mắt nữa (x.8,22-26) để giúp các môn đệ nhận ra Người là Đức Kitô (8,29).

*Tác nhân chữa lành: vai trò của cộng đoàn (7,32): Người làm phép lạ đương nhiên là Đức Giêsu. Tuy nhiên trong chuyện chữa lành này, yếu tố đầu tiên góp phần quan trọng vào việc chữa lành, được Marcô nhấn mạnh là tính LIÊN ĐỚI CỘNG ĐOÀN: “Người ta đem đến với Đức Giêsu một người vừa điếc vừa ngọng, và nài xin Người đặt tay trên anh” (7,32). Do tật bệnh, anh ta không thể tự đến với Đức Giêsu được vì thiếu thông tin, không được nghe nói về Người (điếc), khó lòng mở lời cầu xin Người (ngọng). Ở đây cũng như ở Mc 2,3-4, tính liên đới cộng đoàn được Marcô nhấn mạnh.

Vậy khởi đầu cho phép lạ chữa lành về thể xác là một phép lạ về tình người, tình liên đới. Anh điếc được làng xóm cưu mang, chia sẻ nỗi đau của anh, nên khi nghe biết Đức Giêsu đến với làng xóm của mình, thì họ đã không nghĩ tới quyền lợi của họ trước, trái lại họ đã tích cực ưu tiên đem anh đến với Đức Giêsu trước và còn nài xin Người chữa lành cho anh nữa.

Thật là một bài học đáng cho môn đệ Đức Giêsu phải bắt chước, lưu tâm. Đức tin, tình người của cộng đoàn tín hữu phải là yếu tố quan trọng, mở đầu cho các phép lạ. Đức Giêsu cần đến đức tin và tình người của cộng đoàn và cá nhân các tín hữu để cứu thế giới. Thế giới hôm nay là một thế giới “điếc – ngọng” tự cô lập hóa mình, nhốt mình trong vi tính, điện thoại. Chúa cần đến đức tin, tình người của cộng đoàn tín hữu đem đến cho Người và nài xin Người chữa lành, ban ơn phục hồi, cứu thế giới chúng ta.

*Chữa lành:

Diễn tiến việc chữa lành khá rườm rà. Đức Giêsu xem ra phải khổ sở mệt nhọc mới trị được bệnh. Thực ra Marcô đang kín đáo mặc khải dung mạo thần linh của Đức  Giêsu qua một khuôn mẫu văn chương hy lạp đã có sẵn về việc chữa lành (x.Chúa giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B 429)

  • Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông: những việc làm của thần linh thường được hoàn thành trong bí mật, mắt trần không thể chứng kiến được (x.1V 17,19; 2V 4,4.33; 9,5-6; Mc 5,37-40; 8,23). Tuy vậy phàm nhân vẫn chắc rằng Thiên Chúa có can thiệp nhờ thấy được kết quả của việc đó. Ví dụ: lúc Chúa tạo dựng Người Nữ thì Adam đang ngủ, nhưng khi tỉnh dậy thì thấy có một sinh vật mới đang đứng trước mặt mình (St 2,22-23); Chúa kết giao ước với Abram đang khi ông ngủ, thức dậy thấy lễ vật đã được thiêu đốt (St 15). Với chi tiết này, Marcô kín đáo nói rằng việc Đức Giêsu làm là đến thừ trời và Đức Giêsu có nguồn gốc thần linh, thượng giới.

  • Các tiếp xúc thể lý và nước miếng (7,33-34): các hành vi Đức Giêsu làm trong hai câu này, đám đông không thấy vì Đức Giêsu đã kéo riêng anh bệnh ra khỏi đám đông. Đây là một thông tin của Marcô dành riêng cho các độc giả của sách Tin Mừng thứ hai. Ngang qua trình thuật phép lạ này với các chi tiết đặc biệt như thế, Marcô muốn nói với họ rằng hành động của Đức Giêsu là một hành động thần linh, nhưng phương thức Người sử dụng lại rất phàm trần, đó là những hành động của một nhà chữa lành thời đó thường làm. Vậy chính qua nhân tính của Người mà quyền năng thần linh của một vị Thiên Chúa được biểu lộ. Đó chính là nét đặc thù của Tin Mừng thứ hai (x. Mc 1,1). Tin Mừng chính là tin nhận được rằng Đức Giêsu, một con người như chúng ta chính là Đức Kitô (8,29) và cũng chính là Con Thiên Chúa (Mc 15,39)

Qua một loạt những việc làm cụ thể (x.7,33-34) giống như nghi thức khi một pháp sư dân ngoại làm phép lạ (đừng quên anh “điếc – ngọng” này là một người dân ngoại, đang ở trong vùng đất dân ngoại và theo văn hóa hy lạp), Marcô muốn hội nhập Đức Giêsu vào thế giới Người đang sống: Người là một con người thật với tất cả những gì là đặc thù của thời đại Người; Thế nhưng chính nơi con người thật một trăm phầm trăm ấy, Thiên Chúa đã biểu lộ trọn vẹn quyền năng, dự tính thần linh của Người.

  • Sau một loạt nghi thức và lệnh truyền Epphatha của Đức Giêsu thì “LẬP TỨC” anh được lành bệnh và NÓI ĐƯỢC RÕ RÀNG. Một sự chữa lành tức khắc và đạt mức trọn hảo ngay (nói được lưu loát ngay khi vừa được chữa lành). Các hiệu quả có ngay lập tức gợi lại quyền năng sáng tạo: “Hãy có”, tức thì có. Ngoài việc chữa lành vật chất, anh còn được chữa lành về tâm linh nữa. Từ nay anh được tự do thể hiện con người mình. Một con người bao năm khép kín trong chính mình từ nay được khai thông mở ra cho thế giới. Đức Giêsu trả lại, hồi phục cho anh ơn gọi “làm người cộng đoàn” mà Thiên Chúa đã dựng nên trong sáng tạo.

*Lệnh truyền bất khả thi (7,36): dưới cái nhìn khách quan về một sự việc thì phép lạ Đức Giêsu làm là công khai, kết quả lại hết sức tỏ tường… làm sao che giấu được. Vấn đề là tương quan giữa dấu lạ với căn tính của Đức Giêsu. Phép lạ là một dấu giúp nhận ra Đấng Thiên Sai; Nhưng Đấng Thiên Sai không phải là Đấng đến để làm phép lạ. Đừng đến với Đấng Thiên Sai để tìm phép lạ (x.Ga 6,26). Vì vậy lệnh của Đức Giêsu là bảo đám đông đừng đồn thổi phép lạ lên. Điều quan trọng là phải nhận ra Người là ai và tin vào Người.

*Dung mạo của Đức Giêsu còn ẩn giấu (7,37): đám đông không nghe lời Đức Giêsu vì họ muốn làm theo cơn phấn khích của họ trước phép lạ. Họ ca ngợi phép lạ: ông ta làm kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được (37b) nhưng không nhận ra Đức Giêsu là ai, họ chỉ nhận ra “ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp” và dừng lại ở đó. Trong khi đó “làm mọi sự đều tốt đẹp” là một thuộc tính của Thiên Chúa: so với St 1,4.10.12… và Hc 39,16: mọi sự Thiên Chúa làm ra đều tốt đẹp.

Với Đức Giêsu, một tạo thành mới bắt đầu và kẻ tin phải là cộng tác viên cho công trình ấy: phải đưa người ngọng, điếc, mù, què đến với Đức Giêsu để họ được chữa lành và nhất là nhận ra Người là Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC