CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Is 56,1.6-7; Mt 15,21-28

Chủ đề: Ơn cứu độ phổ quát: dân ngoại có đức tin cũng được cứu.

* Is 56, 6.7: người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA…cũng đều được Ta dẫn lên Núi Thánh.

* Mt 15,28: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn thế nào sẽ được như vậy.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XX A Mùa Thường Niên tập trung vào chủ đề TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU ĐỘ. Thiên Chúa là tình yêu, Người muốn cứu độ tất cả mọi người; Vì tất cả mọi loài đều là thọ tạo của Chúa. Về phía con người, yếu tố cần có để hưởng được ơn cứu độ là một thái độ nội tâm, một tương quan biệt vị với Chúa. Để trao ban ơn cứu độ cho một người, Chúa không dựa vào những yếu tố tiên thiên đến từ bên ngoài, từ xã hội như giai cấp, chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ…mà dựa vào thái độ đáp trả biệt vị của từng người trước các mặc khải của Thiên Chúa. Đó là ĐỨC TIN.

          Đức tin ấy không phải là một hệ thống lý luận, tri thức thuần lý, hoặc mớ khái niệm lý thuyết, nhưng phải là những đáp trả cụ thể mang tính biệt vị của từng người trước những mặc khải của Thiên Chúa được Người bày tỏ từng bước một qua và trong những biến cố thực tế của cuộc đời.

          Lời Chúa của bài đọc một thật là một niềm vui lớn lao cho dân ngoại, cho những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, nhất là cho những ai bị hoạn. Vì theo tinh thần Đệ Nhị Luật thời trước lưu đày thì dân ngoại, người bệnh là hạng ô uế nên bị loại khỏi cộng đoàn dân Chúa (x. Đnl 23,2-9; Lv 21,20). Nay vị ngôn sứ thời hậu lưu đày đã NHÂN DANH CHÚA: “ĐỨC CHÚA phán như sau”, công bố cho họ niềm vui được hội nhập vào cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên cần lưu ý:

          Tinh thần tôn giáo của Đệ nhị luật, đạo lý nền tảng vẫn còn nguyên. Cái mới là hồng ân cứu độ không còn bị giới hạn trong dân Do Thái nữa, mà mở ra cho toàn cõi địa cầu. Yếu tố nền tảng vẫn là tín trung với Chúa, với giao ước của Người” (Is 56,1). Vì ơn cứu độ là của Chúa, thời điểm Người biểu lộ đức công chính tới rồi. Như vậy ơn cứu độ Thiên Chúa đã sẵn sàng trao ban CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

          Bài đọc một là trích đoạn dành riêng cho dân ngoại: họ phải làm gì để được hưởng hồng ân cứu độ phổ quát Chúa đã dọn sẵn cho họ khi đến thời đến buổi?

  • Trước tiên là đổi mới tương quan với Thiên Chúa: Chúa mời dân ngoại đi vào tương quan thân tình với Chúa như dân Do Thái: gắn bó với Chúa, phụng sự Người, yêu mến Thánh Danh (Is 56,6 so với Đnl 6,5).

  • Mối tương giao đó được biểu lộ cụ thể qua việc giữ Giao Ước, các lệnh truyền của Chúa (so với Đnl 6,17-18); Nghĩa là về mặt chủng tộc, huyết thống thì họ là dân ngoại; nhưng trong tinh thần, lối sống thì họ đã “nhập quốc tịch” thành công dân Nước Chúa.

  • Điểm Luật đặc biệt được bài đọc một nhấn mạnh là GIỮ NGÀY SABAT. Vì vào thời Lưu Đày, đó là một dấu đặc trưng, công khai khẳng định trước chư dân rằng Israel là Dân Chúa. Còn trong tương quan với Thiên Chúa thì việc giữ ngày Sabat là thái độ thần phục, tôn thờ Chúa: nhìn nhận Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Đấng Cứu Độ, và quyết tâm nên giống Chúa, là “hình ảnh Người” (x.Xh 20,8-11; Đnl 5,12-15; St 1,26).

Đáp lại thái độ tôn thờ đó của họ, Chúa cho họ nên “tôi tớ Chúa”, cộng sự viên của Chúa như những người được Chúa chọn (x.Abraham: St 18,2-4; 26,24; Môsê: Xh 14,31; Ds 12,7…). Chúa đưa họ lên núi thánh, được gặp Chúa, được dâng lễ tế tự thờ phụng, cầu nguyện với Chúa (Is 56,7); Nghĩa là họ thực sự là công dân của Chúa.

          Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một phụ nữ dân ngoại xứ Canaan. Bà này đến gặp Đức Giêsu xin cứu con gái bà đang bị quỷ ám. Các môn đệ vẫn chưa đủ bác ái và nhiệt thành (x.Mt 14,15-17) nên xin Đức Giêsu tống khứ bà đi. Phần Đức Giêsu, Người cũng nhân danh truyền thống từ Ed 34 là Thiên Chúa chỉ sai Đấng Mesia tới với đàn chiên Israel để từ chối giúp bà. Tuy nhiên mọi sự đổi chiều trước lòng KHIÊM TỐN và ĐỨC TIN của người phụ nữ:

          Bà nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia con vua Đavit – Phó thác kêu cầu Người như là hiện thân của Thiên Chúa: Kuriê “Lạy Chúa xin dủ lòng thương”. – Bà nhìn nhận đường lối của Thiên Chúa: cho Israel có quyền ƯU TIÊN về ơn cứu độ; Đồng thời bà cũng xác tín rằng: ơn Chúa dư đầy nên dân ngoại, khi tới lúc, vẫn có quyền hưởng ơn cứu độ của Chúa: “cùng được ăn vụn bánh từ bàn chủ rơi xuống”. Người phụ nữ Canaan được nhận lời không phải vì bà là dân ngoại, nhưng vì bà đã khiêm tốn, kiên trì, TIN.

   Ơn cứu độ là PHỔ QUÁT: đó là ý Chúa sẽ từng bước thể hiện qua dòng lịch sử.

          Phần con người phải khiêm tốn và tin vào đường lối Chúa để biến ơn Chúa thành gia nghiệp của mình.

Bài 2

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15,28).

          Có thể nói đây là phép lạ đầu tiên, Đức Giêsu làm ở bên ngoài đất Galilê của Do Thái, trong lúc Người đang tiến về Tia và Xidon vùng đất dân ngoại. Từ lúc Đức Giêsu chịu phép rửa cho đến Mt 15,20, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu là xứ Galilê. Thời gian khởi đầu này, Người đã giảng ba bài giảng lớn và làm nhiều phép lạ; Và người ta lũ lượt kéo đến với Người. Sự thành công bề ngoài đó không làm cho Đức Giêsu vui, vì người ta đến với Người chỉ để hưởng phép lạ, vì ăn no kể cả có mưu đồ chính trị (x.Ga 6,15). Họ chẳng quan tâm gì tới các giáo huấn của Người. Họ hưởng phép lạ nhưng lòng họ chẳng tin; Trong khi đó dân ngoại lại tỏ lộ lòng tin (x.Mt 8,10; 15,28) và dân ngoại khi hưởng phép lạ đã tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa của Israel (x.Mt 15,31; Lc 17,18). Ngay cả nhóm môn đệ thân tín, được hưởng nhiều ưu đãi (x.Mt 13,10.16), đã từng thưa với Đức Giêsu rằng họ “hiểu” những lời Người dạy và được Đức Giêsu khen ngợi (x.Mt 13,51-52). Ấy vậy mà đức tin của họ vẫn còn “ngu tối” (x.Mt 15,16). Như vậy việc giáo dục đại trà cho đám đông coi như thất bại. Sự cứng tin của người Do Thái khiến Đức Giêsu phải tạm rút lui vào những vùng hoang địa riêng biệt (x.Mt 14,13) hoặc lánh qua vùng đất dân ngoại (15,21). Nhưng thật bất ngờ thay, với sự hiện diện của Đức Giêsu thì “hoang địa”, “đất dân ngoại” lại trở thành nơi tràn đầy ân phúc: phép lạ nhân bánh (Mt 14,13-31) và loạt phép lạ mà Đức Giêsu sắp làm cho dân ngoại (Mt 15,21-39). Tất cả những gì Đức Giêsu làm cho dân Chúa thì Người cũng thực hiện cho dân ngoại kể cả phép lạ hóa bánh ra nhiều (lần thứ hai: Mt 15,32-39); Tình trạng này vọng lại một thực tại đáng buồn thời các tông đồ nhất là đối với Phaolô: người Do Thái chối từ đức tin nên các tông đồ phải đem Tin Mừng đến cho dân ngoại (x.Cv 13,46-47).

          Thất bại với đám đông, Đức Giêsu đang từng bước một tách rời các môn đệ ra khỏi “men” của đám đông, lẫn “men” Pharisêu và Xađốc (x.Mt 16,6). Người đang chuẩn bị tỏ bày căn tính thiên sai cho các ông (x.Mt 16,13-31). Và bắt đầu “từ lúc đó” (Mt 16,21), Đức Giêsu đưa các ông vào “giáo trình” đào tạo của Thập Giá: Người mặc khải con đường Thập Giá và phục sinh đồng thời đòi buộc các ông cũng phải trải qua lộ trình đó (x.Mt 16,21-28). Tuy nhiên quá trình đào tạo còn dài, phải đến lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống thì các ông mới nếm cảm được “giáo trình Thập Giá” của Đức Giêsu.

          Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc Đức Giêsu dẫn đoàn môn đệ ra khỏi đất Do Thái tiến về thành Tia và Xiđon của dân ngoại và trên lộ trình này, Đức Giêsu gặp một phụ nữ Canaan, dân ngoại, cũng đang đi ra khỏi vùng đất của bà để tìm Đức Giêsu và nài xin một ân huệ. Và Đức Giêsu đã thi ân cho bà.

          Phép lạ ở đây, cũng như phép lạ cho viên sĩ quan ở Mt 8,10 đều khởi sự bằng một lời van nài, sau đó là đối thoại và cuối cùng Đức Giêsu đồng ý thực hiện phép lạ theo ý người xin và thực hiện “Từ xa”, chứ không gặp trực tiếp bệnh nhân vì trong hiện tại Đức Giêsu “chỉ được sai đến với các chiên lạc Israel” thôi (15,24). Tuy vậy chính lòng tin chuyển núi dời non của họ (x.Mt 17,20: giống như trường hợp Tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã làm phép lạ sớm vì lòng tin của Đức Mẹ: Ga 2,3-5) đã khiến cho Đức Giêsu thực hiện phép lạ. Và khi thực hiện phép lạ cho họ, Đức Giê su khen: tin thế nào thì được như vậy (x.Mt 8,13; 15,28). Chính đức tin làm dân ngoại được hưởng sớm những ân huệ thời thiên sai.

  1. Lên đường và gặp gỡ: Phép lạ được mở đầu bằng hai cuộc ra đi, lên đường; một của Đức Giêsu và một của người phụ nữ Canaan. Họ đã gặp nhau, và phép lạ đã diễn ra.

  • Đức Giêsu rời bỏ đất Do Thái, tiến về đất dân ngoại: Người rời bỏ vùng đất đố kị (x.Mt 13,53-58); tham vọng, bạo lực (14,1-22); nơi mà con người bóp méo lệnh truyền của Chúa để chạy theo các tập tục phàm nhân (15,1-20). Đức Giêsu không bỏ dân Người! Nhưng Người không chấp nhận được những sai trái và cứng lòng đảo điên của họ. “Dòng nước” tình yêu bị dân Do Thái ngăn chặn lại, thì Đức Giêsu chuyển nó qua cho dân ngoại.

  • Phần người phụ nữ cũng phải “từ bỏ”: bà rời khỏi vùng đất mà ma quỷ đang khống chế con bà; bà phải vượt qua mặc cảm bị coi là “chó” để đến với Đức Giêsu và được hưởng hồng ân dành cho con cái. Cũng như Đức Giêsu, người phụ nữ không từ bỏ dân tộc của mình, bà quay về lại với đứa con đau ốm. Tuy nhiên lúc rời bỏ thì tâm trạng của bà khổ đau, tủi nhục; Thế nhưng lúc quay trở về thì mọi sự hoàn toàn đổi mới.

  1. Cuộc gặp gỡ cứu độ:

  • Vừa gặp Đức Giêsu, người đàn bà lớn tiếng tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ thần linh của người Do Thái:

  • “Lạy Chúa” = Kuriê. Đó là danh xưng bản Kinh Thánh LXX dùng để dịch từ “Yavê” trong tiếng Do Thái: YHWH. Và khi Đấng Phục Sinh tỏ mình thì các môn đệ tuyên xưng Người là “Yavê” là “Thiên Chúa” (x.Ga 20,28). Như vậy Matthêu kín đáo hé mở dần dung mạo thần linh của Đức Giêsu. Thật vậy, ở Mt 14,33, các “kẻ ở trong thuyền” đã bái lạy Người và tuyên xưng Người là “Con Thiên Chúa”; Ở đây Mt 15,22, người phụ nữ ngoại bang đã kêu cầu Người với danh hiệu thần linh Kuriê kèm lời xin chỉ dành cho Thiên Chúa: “xin dũ lòng thương tôi”; Và sau này Đức Giêsu đã lập Giáo Hội dựa trên lời tuyên tín của Phêrô (x.Mt 16,13-19): “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

  • “Ngài là con vua Đavit”: Tin Mừng Mt mở đầu bằng lời khẳng định: con người Giêsu đang hiện diện trước mặt mọi người, chính là “Con vua Đavít” và cũng là “con của Abraham”. Điều đó hàm ý rằng tất cả những gì Thiên Chúa hứa cho các tổ phụ, cho toàn thể dân Chúa nay được thực hiện nơi con người xác phàm Giêsu.

Khi tuyên xưng với Đức Giêsu: “Lạy Chúa là con vua Đavít, xin dũ lòng thương tôi” là người phụ nữ ngoại bang này đã nhìn nhận Người là Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa Tối Cao đã hứa. Và bà ta KHAO KHÁT được đón nhận, thông hiệp vào ơn cứu độ đó.

          Về mặt lịch sử thì khó lòng tin rằng chỉ mới gặp Đức Giêsu lần đầu tiên mà người đàn bà Canaan cúi đầu thuần phục Người là Mêsia ngay. Tuy nhiên các sách Tin Mừng đều được viết sau khi Đức Giêsu phục sinh và nhắm vào những người đã tin người là kurios “CHÚA”.

  • Phản ứng của Đức Giêsu: “Người không đáp một lời”. Chắc là Người ngạc nhiên vì thấy có một người đàn bà dân ngoại đã dám cả gan vượt qua rào cản của truyền thống lâu đời đến giao tiếp với người Do Thái (x.Ga 4,9). Óc kỳ thị ấy là một cản trở lớn cho việc loan báo Tin Mừng. Người Do Thái thường trách Đức Giêsu và các tông đồ tiếp xúc với phường tội lỗi, vào nhà dân ngoại.

Vậy sự im lặng của Đức Giêsu ở đây là nhịp im lặng của lịch sử cứu độ: Thiên Chúa sắp có một can thiệp mạnh hơn để đưa dòng lịch sử tiến qua một trang mới. Thời giờ trực tiếp chính thức công bố Tin Mừng cho dân ngoại chưa tới, nhưng sự cứng lòng của người Do Thái và niềm tin vững mạnh của dân ngoại đã khiến Chúa không thể không đáp trả cái nhu cầu cần thiết của người dân ngoại đầy lòng tin van nài.

  1. Đức Giêsu phá rào cản như thế nào?

Ban đầu Người làm như chẳng quan tâm đến vấn đề của bà: im lặng.

Rồi khi các môn đệ muốn lẫn tránh rắc rối, xin Đức Giêsu giải quyết sao cho êm kẻo bà theo quấy rầy mãi (15,23b), Đức Giêsu chỉ nói chuyện với các ông (15,24), bà dường như bị cho ra rìa. Chúa nói cho môn đệ nhưng thực ra cũng là nói cho bà: Đức Giêsu bắt bà và các môn đệ phải đối diện với một vấn đề lớn hơn nhiều so với chuyện cá nhân của bà: chuyện ơn cứu độ phổ quát.

          Khi Đức Giêsu nói “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”, Người không hề nhằm hạ phẩm giá cá nhân người đàn bà; Nhưng Người muốn nói cho bà và cả môn đệ nữa rằng cái quan điểm sai trái ấy đã tồn tai từ bao đời đã ngăn cản không ít ơn cứu độ đến với chư dân. Vậy giờ đây vấn đề là phải tháo dỡ rào cản ấy! Bằng cách nào?

          Matthêu đã đưa ra câu đáp qua lời cầu khiêm tốn đầy lòng tin của người đàn bà  “lạy Chúa, đúng thế…” (15,27). Phần Đức Giêsu, Người luôn ở trong tư thế sẵn sàng để phục vụ, phần còn lại về phía đối tượng là dám tín thác tất cả cho Người hay không? Và như chúng ta đã nói, đây không là chuyện của một cá nhân mà liên quan đến tính phổ quát của ơn cứu độ. Do đó sau vụ chữa lành này, Đức Giêsu đã làm ngay giữa đất dân ngoại một loạt các phép lạ mà Người đã làm cho người Do Thái.

          Như vậy, Đức Giêsu đã phá tang rào cản để từ nay, ân huệ của Thiên Chúa không còn bị chiếm đoạt dành riêng cho ai nữa, tất cả Do Thái, Hi lạp đều được hưởng trọn vẹn cùng một ơn cứu độ. Về phía con người cần TIN: Tin vào Đức Giêsu, Con vua Đavit, người con của dân Do Thái. Nơi Người, Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ cho toàn nhân loại, Do Thái lẫn dân ngoại.

          Người đàn bà chỉ xin được hưởng chút bánh vụn từ bàn con cái rơi xuống, thì Đức Giêsu cho luôn phần bánh trọn vẹn vốn dành cho đoàn con cái. Hơn nữa đức tin của bà còn được Đức Giêsu thăng hoa ban cho giá trị cứu độ: “này bà đức tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (15,28).

          Những bất công, kỳ thị thì thời nào cũng có, nhưng đó chỉ là những giai đoạn chóng qua trong dòng lịch sử. Tất cả sẽ được chỉnh sửa, phục hồi nhờ lòng thương xót Chúa và nhờ lòng tín thác của con người vào Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC