CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ga 6, 24-35. LƯƠNG THỰC THIẾT YẾU

Ăn uống là nhu cầu, là bản năng cần thiết của mọi sinh vật: thật thế, cây cối thảo mộc hấp thụ ánh sáng, nước và phân để tăng trưởng; loài vật tùy theo giống, có loại cần ăn cỏ cây hoa trái (herbivore), có loại cần ăn thịt (carnivore). Trên hết là con người, cũng cần có lương thực thực phẩm. Con người có thể ăn mọi thứ thực phẩm nên được gọi là ăn tạp (omnivore- ăn mọi thứ). Thảo mộc sống thụ động, mặc dù nhiều nơi chúng có thể thích ứng với môi trường, với khí hậu để tồn tại: như trong sa mạc, có những loại hạt có thể nẩy mầm, trổ bông, kết trái và trái chín trong một thời gian rất ngắn, khi có mưa. Con vật biết săn mồi, kiếm ăn; Có những loại có thể thích ứng với môi trường, thí dụ con lạc đà trong sa mạc, có thể uống đầy nước và chịu đựng được một thời gian dài không uống nước. Riêng con người, ngoài khả năng kiếm ăn còn biết làm ăn để tự nuôi sống mình.

1.Lương thực vật chấtLương thực thực phẩm.

       Con người bất kỳ ở đâu, tuổi nào, thời nào cũng cần phải ăn uống, cần phải có lương thực. Người ta tìm ăn no mặc ấm, rồi tìm ăn ngon mặc đẹp. Nơi nào có đồ ăn thức uống là người ta tìm đến. Tin mừng theo Thánh Gioan 6,24-35 hôm nay tiếp theo đoạn Tin mừng chúa nhật tuần trước 6,1-15. Thánh Gioan thuật lại: sau khi được Chúa cho ăn bánh no nê, ngày hôm sau dân chúng lại đi tìm Chúa Giêsu; khi họ gặp được Chúa bên kia Biển Hồ Galilê, Chúa nói với họ:  “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn no nê.” (Ga 6,26). Dân chúng chỉ thấy sự lạ, là được ăn no, nhờ năm chiếc bánh và hai con cá, họ không nhận ra dấu lạ. Thánh Gioan không dùng chữ phép lạ như các Tin Mừng nhất lãm mà ngài thường dùng chữ dấu lạ. Dấu lạ theo Gioan, là một sự việc báo hiệu một chân lý cao siêu hơn, sau sự việc cụ thể nào đó. Đám đông Do Thái cũng như dân chúng mọi nơi, mọi thời, đâu có ăn thì tìm đến. Ăn để mà sống. Trước khi Covid 19 tái phát lần thứ tư, người lao động miền Trung, miền Tây đều kéo về Sài Gòn, về miền Đông để tìm việc làm, để tìm cái ăn; nay dãn cách lâu quá, không có việc làm, không có tiền, không có thức ăn, thức uống nên họ lại lục đục kéo nhau về quê, bằng bất cứ phương tiện nào, thậm chí cả đi bộ.

Việc con người kiếm ăn, làm ăn, tìm lương thực thực phẩm nuôi sống bản thân nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi” (St 1,29). “ Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19).Chúng ta phải làm ăn lao động; thậm chí thánh Phaolô còn nói ai không làm việc thì không đáng ăn. Chúng ta vừa phải làm việc vừa phải cầu nguyện: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày . Nhưng nhiều người lại đi quá lố, họ chủ trương dĩ thực vi tiên và thánh Phaolô phải kêu lên Chúa họ thờ là cái bụng (Pl 3,19).

2.Lương thực tâm linh: nhu cầu tinh thần.

     Thực ra, ngoài lương thực nuôi sống thể xác, con người còn cần nhiều lương thực tinh thần khác:

Cháu bé sơ sinh, sau khi được bú no, lim dim ngủ. Mẹ đặt vào nôi, bé lại mở mắt ngọ nguậy. Nhưng nếu mẹ ẵm bé, nhất là mẹ lại ru à ơi thì cháu bé ngủ ngoan, có khi cả vài tiếng đồng hồ. Nhu cầu của cháu không hẳn chỉ là sữa mẹ, nhưng còn là hơi mẹ, còn là sự âu yếm; đặc biệt là nếu nằm phía tay trái mẹ, cháu còn nghe được tiếng trái tim mẹ đập, còn nghe tiếng ầu ơ; đó chính là nhu cầu tinh thần của cháu.

Sau một ngày làm việc vất vả, được nằm dài trên sofa xem một bộ phim truyền hình ưa thích hay nghe một bản nhạc êm dịu, chúng ta cảm thấy thư giãn dễ chịu.

 Trong giải World Cup, Euro Cup hay SEA Games mỗi lần đội tuyển nhà hay đội tuyển ưa thích thi đấu, chúng ta đều không ngần ngại thức đến 2 hoặc 3 sáng, có những trận kéo dài 3 tiếng đồng hồ, để thưởng thức, không hề cảm thấy mệt mỏi, trái lại còn thấy phấn khởi; không kể trường hợp những người cá độ, chỉ nói đến những trường hợp bình thường; đây là một thứ nhu cầu tinh thần.

Chúng ta còn bao nhiêu thứ lương thực tinh thần khác: như nhu cầu được cảm thông, nhu cầu được yêu mến, nhu cầu được hiểu biết, được thông tin, nhu cầu được tự do ăn nói, được tự do đi lại…

Những lương thực vật chất, lương thực tâm linh trên cũng vẫn không làm con người an tâm; bằng chứng là trong những nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… người dân có học vấn, địa vị cao, tiền bạc, cơm ăn, áo mặc dư thừa, có nhà cao, cửa rộng, xe hơi sang trọng…Họ vẫn không thỏa mãn; thống kê cho biết là tỷ lệ những người tự vẫn rất cao.

3.Lương thực thiêng liêng: Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.

Người Do Thái tưởng rằng có lương thực vật chất, như cha ông xưa trong sa mạc, có manna ăn, đã là đầy đủ, nhưng Chúa Giêsu nói: các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh. (Ga 6,27) 

Chúa Giêsu nói: Chúa Cha sẽ ban bánh đích thực, bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.

Người Do Thái vẫn chưa hiểu, họ chỉ nghĩ là một loại bánh đặc biệt nào đó thôi, nên họ thưa với chúa Giêsu: Thưa ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy (Ga 6,34).

Lúc này Chúa Giêsu mới bày tỏ cho họ:” Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ. (Ga 6,35). 

Chúa Giêsu là bánh Trường Sinh, là Ngôi Lời của Thiên Chúa; là lương thực thiêng liêng.

Chúa đã nói với tên cám dỗ: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.(Mt 4,4)

Ngay trong Cựu Ước Lời Thiên Chúa đã được coi là lương thực thiêng liêng bổ dưỡng:

Đây sắp đến những ngày Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa” (Am 8,11).

Hay như trong sách Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Đức Chúa Thiên Chúa các đạo binh” (Gr 15,16).

Chúa Giêsu còn khẳng định: “Lương thực của thầy là thi hành ý muốn của Đấng  đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người.(Ga 4,34) .

Chúa Giêsu cũng nói với người phụ nữ Samari : “ Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa; và nước tôi cho, sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Lương thực vật chất, lương thực tinh thần đều cần cho con người, nhưng lương thực thiêng liêng mới là thiết yếu; như Thánh Augustino đã cầu nguyện: “ Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con chỉ được yên nghỉ viên mãn trong Chúa mà thôi.”.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con lương thực vật chất, lương thực tinh thần và nhất là lương thực thiêng liêng.

                                                 Nguyễn Đức Lân