CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN C

Am 6,1a. 4 –  7 ; Lc 16,19 – 31

            Chủ đề: Cảnh cáo lối sống vô cảm trước các bất hạnh của tha nhân.

            * Am 6,6a.7a : khốn cho những kẻ… chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ ! Vì thế giờ đây, chúng sẽ bị lưu đày.

            * Lc 16,25 : Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi… (và vô cảm trước nỗi khổ của Ladarô) bây giờ con phải chịu khốn khổ.

            Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI mùa thường niên mời gọi các tín hữu suy gẫm về một vấn nạn xã hội nhân sinh luôn mang tính thời sự nóng bỏng gây bức xúc cho con người. Và dường như vấn nạn đó ngày nay còn trầm trọng hơn nữa cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng: đó là SỰ VÔ CẢM, sự thiếu vắng tình người được biểu lộ qua lối ứng xử bất cận nhân tình, vô trách nhiệm, nhắm mắt làm ngơ, không quan tâm đến những con người đang đau khổ thiếu thốn về mọi mặt vẫn còn tồn tại sờ sờ trước mặt, chung quanh ta. Kẻ thì quá thừa thải phung phí, người thì quá cùng khốn, cơ hàn. Đó đang là một thực tại nhức nhối thách đố con người xã hội ngày nay, một xã hội tự hào cho mình là văn minh; Tiếc thay đó là nền văn minh của sự chết. Đối với người kitô hữu, sống vô cảm không chỉ là một vấn đề xã hội, không thể nói đó là chuyện của người ta, mà là một TỘI ÁC khiến cho kẻ vô cảm, vô tâm phải chịu án phạt đời đời.

            Lời Chúa hôm nay không bàn đến cội nguồn, căn nguyên của sự giàu có nơi các hạng người dư dả, thừa mứa. Điều lời Chúa muốn nhấn mạnh là cảnh cáo, chỉ trích thái độ, cách ứng xử vô tâm, đui mù của họ trước bao nỗi cùng khốn của tha nhân hằng ngày diễn ra trước mắt họ. Cuối cùng, Lời Chúa cảnh cáo: Thiên Chúa sẽ can thiệp đòi phải trả lẽ tất cả những kẻ vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm, thiếu tình người, khép kín mình trong các hưởng thụ khoái lạc cá nhân.

            Bài đọc 1 trích một lời cảnh cáo, ngăm đe nặng nề mà Amos nhắm thẳng vào những hạng giàu có, quyền thế nhưng vô tâm vô cảm, sống chẳng biết đến ai của họ:

            * Lời sấm mở đầu bằng một cụm từ “khốn cho”. Đó không phải là một lời nguyền rủa, chúc dữ báo oán nhưng là một lời ngăm đe cảnh cáo nghiêm khắc, vạch trần sự thật và báo trước hậu quả khốc hại sẽ xảy ra nếu không hoán cải.

            * Tiếp theo là một bảng liệt kê các hình thức sống xa xỉ, vô độ, vô tâm, vô cảm của họ được biểu lộ qua : (x.Am 6,4-6)

            – Cung cách ăn uống : “chúng nằm dài trên giường ngà, ngã ngớn trên trường kỷ”. Đó là cách sống đua đòi bắt chước ngoại bang, vì vào thời trước lưu đày, người Do Thái thường ngồi trên ghế hoặc trên thảm để ăn (CGKPV “các sách NS” 719k)

            Giường nằm để ăn được làm bằng ngà nói lên sự sang trọng, xa xỉ

            – Thực đơn : “ăn những chiên non nhất bầy, dê béo nhất chuồng”. Các hình ảnh trên gởi lên loại thịt hảo hạng được dành riêng làm hy lễ tế tự cho Thiên Chúa.

            – Thói học đòi làm sang, tự so sánh mình với Đavit (câu 5) : bày đặt sáng tác, đàn ca trong các bữa ăn, hàm ý việc làm này là thường xuyên (so với Lc 16,19 “ngày ngày yến tiệc linh đình”). Không loại trừ việc đàn ca thường xuyên như thế này trong bữa ăn có thể mang tính phóng túng, đồi trụy.

            – Sự vô độ : “uống rượu cả bầu”, “xức dầu thơm hảo hạng”, trong khi đó kẻ nghèo phải bán thân làm nô lệ vì một món nợ chỉ bằng giá một đôi giày (x.Am 2,6-8 và các nốt x,y,a,b “Sách các ngôn sứ” tr 707 CGKPV). Sự vô độ này là một lời tố cáo sự bóc lột, bất công đối với người nghèo.

            – Sự vô tâm : “chúng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” ! Câu này ám chỉ tai họa đế quốc Assyri sắp xâm chiếm Samari; thế nhưng bọn thủ lãnh, giàu sang vẫn vô tâm hưởng thụ.

            * Và sấm ngôn kết thúc bằng lời ngăm đe: mất nước – lưu đày. Đây là cuộc lưu đày đầu tiên giáng xuống trên dân, dân Bắc quốc Israel : vào năm 721 TCN, vua đế quốc Assyri bắt những hạng quyền uy, thế giá, giàu sang của Samari đày sang Ninive. Amos đã cảnh cáo trước “chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Đó cũng là sứ điệp cảnh cáo cho hạng vô cảm, vô tâm mọi thời.

            Sứ điệp trên được Tin Mừng khẳng định bằng một dụ ngôn “người phú hộ vô cảm và anh Ladarô nghèo khó”. Chỉ suy tư vài chi tiết làm nổi bật chủ đề vô cảm là một tội ác.

            Các chi tiết trình bày trong Tin Mừng cho thấy ông phú hộ không phải là phường gian ác, không là một tội phạm hình sự…. Lý do ông ta bị xuống âm phủ sau khi chết là vì ông đã vô tâm, vô cảm trước tình cảnh cùng khốn quá mức của Ladarô, NGÀY NGÀY diễn ra trước mắt ông. Ông phú hộ biết rõ có Ladarô cùng khốn nằm liệt trước nhà ông vì đói, chỉ cần một chút của ăn thừa rơi xuống từ bàn ăn của ông thì số phận Ladarô cũng cải thiện rất nhiều. Tiếc thay sự vô tâm, vô cảm đã hủy diệt tính đồng loại, tình người của ông đối với người nghèo, đến độ Ladarô đã CHẾT ĐÓI trước bàn tiệc linh đình, mỗi ngày diễn ra của ông phú hộ.

            Tại sao ông phú hộ, vốn không là kẻ ác, mà lại vô tâm vô cảm đến mức đó ? Phần tiếp của Tin Mừng cho ta câu đáp ! Đây là sứ điệp mà trước giờ ít ai lưu ý tới. Câu đáp nằm ở Lc 16, 29.31. Tổ phụ Abraham khẳng định hai lần: vì không chịu nghe lời của Môsê và các ngôn sứ. Một khi đã loại Thiên Chúa, bỏ Lời Chúa ra khỏi cuộc đời mình rồi thì tha nhân chẳng có giá trị gì đối với ta nữa. Còn một khi đã yêu Chúa, để Lời Người hướng dẫn thì làm sao ta vô tâm vô cảm với tha nhân được. Vậy vấn đề không nằm ở GIÀU hay NGHÈO vì có nhiều kẻ nghèo vẫn có thể vô cảm. Căn bản của mọi vấn đề là yêu Chúa và gắn bó với Lời của Người. Sứ điệp cho mọi người không kể giàu nghèo: SỐNG LỜI CHÚA ! Lời Chúa diệt tận căn vô cảm, thăng hoa tình người, xây dựng Nước Trời ngay tại thế

Frères Đình Long FSC