CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – năm C

Bài 1

Đnl 26,4-10; Lc 4,1-13
Chủ đề: Chiến đấu thắng cám dỗ để làm theo ý Chúa, thờ lạy Người.

* Đnl 26,10: anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan ĐỨC CHÚA rồi phủ phục trước tôn nhan Người.

* Lc 4,12 và 8: ngươi chớ thử thách ĐỨC CHÚA phải thờ phượng một mình Người mà thôi.

Chúng ta đã chính thức bước vào Mùa Chay từ Thứ Tư tuần trước, với nghi thức xức tro tỏ lòng sám hối. Mùa Chay giúp các tín hữu chuẩn bị cả hồn lẫn xác để đi vào sự hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu trong mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Người và Tam Nhật Vượt Qua (chiều thứ 5, 6 và 7) và lễ Phục Sinh. Thời gian chuẩn bị là bao lâu? Và phải làm gì trong thời gian đó? Các thế kỷ đầu, Hội Thánh còn bé nhỏ và bị bách hại nên cơ chế chưa rõ ràng. Đến thế kỷ IV, thời gian được chọn là 40 ngày. Như vậy tính ngược lại từ sáng thứ 5 của Tam Nhật Vượt Qua thì túc số 40 rơi vào Chúa Nhật I Mùa Chay. Và làm gì trong suốt thời gian ấy? ĂN CHAY! Nhưng Chúa Nhật là ngày kính Đức Giêsu phục sinh nên không ăn chay. Như thế còn 34 ngày, cộng thêm hai ngày thứ 6 và 7 của Tam Nhật nên tổng cộng là 36 ngày ăn chay. “36”: con số đẹp, vì là 1/10 của năm. Đó được coi là một dạng thuế Thập phân (x. Ds 18,21-32; Đnl 14,22-27), dân kitô giáo hiến cho Thiên Chúa. Đến thế kỷ VII nảy sinh ra ý muốn đạo đức: bắt chước Đức Giêsu ăn chay 40 ngày; Thế là đẩy ngược thêm về trước 4 ngày, rơi vào thứ Tư lễ Tro như hiện nay.

Trong tiếng La tinh, Mùa Chay là QUADRAGESIMA, nghĩa đen là Mùa 40, tức 40 ngày ăn chay. Ngày nay chỉ còn buộc giữ chay Thứ Tư Tro và Thứ Sáu Thánh. Qua nét canh tân phụng vụ đó, Hội Thánh mời con cái mình đào sâu hơn Ý NGHĨA của việc giữ chay.

“CHAY” nghĩa là “TRONG SẠCH”, giữ mình (Xh 19,14.22) cho khỏi ra ô uế hoặc nài xin Thiên Chúa thương xót tha thứ tẩy cho hết các ô uế (2Sm 12,22; Tv 51(50), 4), mục đích là để dọn mình, ở tư thế sẵn sàng cho một công cuộc trọng đại nào đó (x. Ban từ vựng CG “Tự điển CG” – Mùa Chay) (xem ở “Từ điển Đức Tin Kitô giáo Pháp – Việt” từ “Quarantaine” p.703 cột b). Tại núi Sinai, để chuẩn bị đón Chúa đến ban Lề Luật, biến đổi đám nô lệ nên dân của Chúa, dân Do Thái đã phải “giữ mình cho khỏi nhiễm uế”, “giặt quần áo” (x. Xh 19,10), mọi sự phải sẵn sàng, đừng gần gũi đàn bà (19,15). Điều quan trọng không chỉ là thi hành một số điều khoản pháp lý bên ngoài, tức thời mà là đổi mới tận căn các mối tương quan: 1/ Giữ mình trong sạch, thanh tịnh 2/ nối kết lại các mối tương quan thân ái với tha nhân (x. Is 58,6-7.9-10). 3/ Chiến đấu để biện phân ra ý Chúa và thực thi. Đó là những CHIẾN ĐẦU cam go để hồi phục lại các mối tương quan tốt với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Để giúp tín hữu sống tốt Mùa Chay, Hội Thánh trong Chúa Nhật I Mùa Chay mời dân Chúa CHIẾN ĐẤU. 

Bài đọc 1 trích thuật lại nghi thức dân Israel tiến dâng lên Thiên Chúa sản phẩm đầu mùa của hoa màu ruộng đất để nói lên lòng tôn kính thần phục đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Chúa là Đấng Khai Sinh dân, giải cứu dân, ban cho dân Đất Hứa và hoa màu ruộng đất. Thoạt nhìn chúng ta không dễ thấy chủ đề CHIẾN ĐẤU hiện diện trong bài đọc 1. Tuy nhiên lời tuyên xưng đức tin và việc tuân lệnh Chúa dâng lễ vật đầu mùa cho Thiên Chúa là hoa trái của cả một quá trình chiến đấu. Thật vậy, khi vào Đất Hứa, Israel được hưởng nhiều tiện nghi của cuộc sống do nền văn minh Canaan mang lại, kể cả những ảnh hưởng về tôn giáo thờ Baal: Israel luôn bị cám dỗ chạy theo dân Canaan thờ cúng dâng lễ vật cho Thần Baal vì bị dân địa phương lôi cuốn tưởng rằng mọi sự tốt đẹp là do Baal ban. Đó là cơn cám dỗ thường xuyên đối với dân Chúa. Họ phải chiến đầu không ngừng để trung tín với Thiên Chúa của mình mà việc dâng của đầu mùa là một Biểu tượng.

Tin Mừng thuật lại cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong hoang địa. Cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu gồm hai yếu tố: 1/ bên ngoài là việc ăn chay 40 ngày, và Đức Giêsu thấy đói; 2/ bên trong là cuộc chiến đấu chọn thực thi ý Chúa.

Cuộc chiến đấu chủ yếu nằm ở yếu tố 2. Qủy đã bóp méo, xuyên tạc Lời Chúa để dụ lừa Đức Giêsu đi trệch đường lối Thiên Chúa muốn trên Người. Đức Giêsu quả thật là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa! Nhưng vấn đề là: bằng phương thức nào, Đức Giêsu chọn để biểu lộ Người là Đấng Cứu Tinh, Thiên Sai? Thật vậy: 1/ Cơn cám dỗ 1: quỷ xúi Đức Giêsu dùng uy quyền thần linh của người con Thiên Chúa làm một phép lạ chỉ để giải quyết một nhu cầu nhất thời trước mắt. Đức Giêsu đáp: lời Chúa là để nuôi sống nhân loại chứ không để phục vụ một nhu cầu thoáng qua của một cá nhân. 2/ Cám dỗ 2: quỷ xúi Đức Giêsu thần phục nó để nhận được từ nó phương tiện thế trần này để hoàn tất sứ mạng. Đức Giêsu đáp: người chỉ thờ lạy một Thiên Chúa, đón nhận từ Thiên Chúa những phương thế Chúa ban để thi hành sứ mạng, không nhận từ ai khác, phương tiện khác. 3/ Cám dỗ 3: quỷ xúi Đức Giêsu làm một công việc ngu si ngược tự nhiên để xem Thiên Chúa có ra tay giải cứu hay không? Đức Giêsu đáp đừng thử thách Thiên Chúa. Và trong Tin Mừng Luca, cơn cám dỗ vẫn tiếp tục: nơi thập giá của Đức Giêsu (x. Lc 23,37.39) và nơi các tín hữu là nhiệm thể của Người: quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ (Lc 4,13). Chúa Nhật I Mùa Chay, Hội Thánh mời tín hữu noi gương Đức Giêsu chiến đấu chọn theo ý Chúa. Mùa Chay là Mùa chiến đấu! Chiến đấu để nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong thập giá và Phục Sinh.

Bài 2

Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong Hoang địa suốt 40 ngày, và chịu quỷ dữ cám dỗ (4,1b.2) … Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, quỷ dữ lìa bỏ Người, chờ đợi thời cơ (4,13).

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Đối với người Công Giáo, đó là “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng”. Một cuộc chiến đấu thiêng liêng không nhằm dành dựt, chiếm đoạt những lợi lộc bất toàn, giới hạn, phù du của trần thế này mà là để “biết sống khắc khổ” tức là chiến đấu với chính bản thân mình, làm chủ bản thân, con người của mình (một con người, một nhân loại đã bị thua trận trước “Con Rắn” và đã bị biến chất, ra hủ hóa), “để ngày thêm vững mạnh” trong đức tin “mà chiến thắng ác thần” (lời nguyện Nhập lễ của Thứ Tư Lễ Tro). Cuộc chiến này là vượt quá sức tự nhiên của con người – và trong lịch sử, Sách Sáng Thế đã cho thấy con người đã bại trận – nên Giáo Hội phải “nài xin Chúa giúp”.

Đối thủ mà chúng ta phải chiến đấu (suốt đời và cách đặc biệt trong Mùa Chay) và phải luôn nài xin Thiên Chúa giúp để thắng trận là “Ác Thần”. “Ác Thần” là “Con Rắn”, là “Satan”, là “hiện thân của sự dữ” (từ điển Công Giáo – “Ác Thần”); Nó chống lại Thiên Chúa, xuyên tạc ý định yêu thương của Người (x. St 3,1.4.5); Nó xảo trá bóp méo giá trị của các thụ tạo bằng cách gán cho chúng một quyền năng ma thuật mà tự chúng không hề có (x. St 3,4.5); Nó giăng bẫy, cám dỗ, đánh lừa con người, đẩy con người nghi ngờ Thiên Chúa, đi lạc xa đường lối Chúa. Tiếc thay con người đã thua trận nên các thụ tạo, chính bản thân, những khát vọng của con người cũng trở thành đối thủ, kẻ thù của con người. Mọi tương giao tốt đẹp Thiên Chúa ban cho con người đều đổ vỡ: trần truồng, chối tội, đổ lỗi cho nhau, tham lam, tích lũy… trốn tránh Thiên Chúa. Kết quả: con người mất tất cả.

May thay Thiên Chúa luôn công chính, trung thành với dự tính yêu thương của Người, luôn xót thương bảo bọc nhân loại, luôn quyết tâm đưa vũ trụ đến đích của công trình sáng tạo là “Trời Đất Mới” nên đã can thiệp vào cuộc chiến, trợ giúp con người chiến đấu để cuối cùng chiến thắng thuộc về con người: một người con của nhân loại sẽ đạp dập đầu Rắn (x. St 3,15).

Như vậy về phía nhân loại, chắc chắn nắm phần thắng. Nhưng phần từng cá nhân thì sao? Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người. Cuộc chiến chung cuộc của nhân loại đã xong: “quỷ đã bỏ đi”; nhưng chưa bỏ cuộc: Nó đang rình “chờ đợi thời cơ” (x. Lc 4,13b). Cuộc chiến với quỷ của từng cá nhân, mỗi cộng đoàn, trong từng giai đoạn lịch sử, trong từng trường hợp vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên phần thắng đã nghiêng về phía chúng ta vì “Đấn Đạp Đầu Rắn” luôn đồng hành, trợ lực chúng ta; Quyền năng và tình yêu giải cứu của Người mạnh mẽ, hiệu lực đến độ chỉ cần chúng ta (dù tình trang trước mắt có thê thảm đến đâu đi nữa, tưởng chừng là tuyệt vọng đi nữa) tưởng nhớ đến Người là chúng ta sẽ tiếp nhận ngay được thần lực giải phóng của Người: xem “đứa con hoang đàng”; “Da kêu”; và nhất là “tên trộm lành”. Mặc dù thế, nhưng đừng bao giờ mất cảnh giác, vì Rắn rất mưu mô, tự sức mình cá nhân con người không là đối thủ; Nọc Rắn vẫn dư sức giết chết cá nhân chúng ta; Và nhất là sức đề kháng của bản thân cá nhân đã sút giảm rất nhiều khi tổ tông chúng ta phạm tội. Vậy tình trạng tỉnh thức, luôn sẵn sàng chiến đấu là cần thiết; Tâm tư phải luôn hướng về “Con Rắn Đồng” để chẳng may có lúc trúng độc thì vẫn được cứu nhờ tâm luôn hướng về Thiên Chúa.

Mùa Chay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải luôn chiến đấu và Lời Chúa cũng đã trang bị cho chúng ta đầy đủ những phương tiện, vũ khí hữu hiệu giúp ta chiến thắng. Phải luôn tỉnh táo vì “Ác Thần” rất mưu mô, Nó tận dụng mọi yếu tố khác (thế gian, các lối cuốn trần thế; xác thịt chúng ta với những đam mê có nguy cơ kéo ta xa lạc Chúa…) phối hợp lại với nhau thành ra “ba thù” tận lực tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa: để giúp khắc phục “ba thù”, mở đầu Mùa Chay, Lời Chúa mời chúng ta nối lại ba mối tương quan nền tảng mà tội lỗi của tổ tông đã làm đổ vỡ: 

– Với bản thân: ăn chay! Chủ yếu không phải là vấn đề kỷ luật, mà là vấn đề phải làm chủ bản thân: đừng để những nhu cầu, đam mê của bản thân đẩy ta đi xa đường lối Chúa. Chay tịnh sẽ giúp ta ý thức và xác tín đích thân, cảm nghiệm bằng chính xương máu của mình rằng “con người sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời do miệng Yavê phán ra” (Đnl 8,3).

Và một khi làm chủ được con người mình như thế rồi thì bản thân sẽ có dư ra được một chút thời giờ, của cải (dù rất nhỏ) để chia sẻ cho tha nhân và cầu nguyện.

– Với tha nhân: chia sẻ, làm việc bác ái! Thay vì đổ lỗi cho nhau, coi nhau như là gánh nặng; Thay vì chỉ tìm an toàn cho bản thân, tích lũy thì nhờ làm chủ bản thân, biết hy sinh hãm mình, ăn chay thì ta sẽ có được chút gì để chia sẻ, trợ giúp lẫn nhau. Chay tịnh là để chia sẻ chứ không để dành dụm “tích cốc phòng cơ”. “Chay tịnh” và “chia sẻ” là sống tinh thần kinh lạy cha.

–  Với Thiên Chúa: Cầu nguyện! Nối lại tương giao với Thiên Chúa: thay vì chạy trốn thì giờ đây ta đến thân thưa cùng Thiên Chúa.

Vậy Mùa Chay khích lệ chúng ta tiếp tục chiến đấu hàn gắn lại các các mối tương giao nhờ được Thiên Chúa đồng hành, trợ lực, hướng dẫn. Vì thế Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, bài đọc Tin Mừng luôn nói đến cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đập tan mưu đồ xuyên tạc Lời Chúa của Quỷ (Nó dùng Lời Chúa đã bị Nó bóp méo, xuyên tạc để khích bác, gài bẫy Đức Giêsu) bằng cách trung thành với dự tính cứu độ của Thiên Chúa nhờ có Chúa Thánh Thần đồng hành hướng dẫn.

Trong chủ đề “chiến đấu” Lời Chúa năm C nhấn mạnh đến khía cạnh này: chiến đấu để nhìn nhận chủ quyền tối cao của Thiên Chúa trên toàn bộ lịch sử đời mình từ cội nguồn, quá khứ, cho đến những hồng ân hiện tại mình đang hưởng; Đáp lại, con người sẽ bày tỏ lòng tri ân Người qua việc thờ phượng Chúa, cụ thể là dâng lễ vật bày tỏ lòng thần phục, biết ân đúng theo lệnh Chúa.

BÀI ĐỌC I: Đnl 26, 4 -10

Sách Đệ nhị luật được trình bày như là một di chúc của Môsê cho dân Israel trước khi họ tiến vào Đất Hứa. Phần chính của sách là Bộ Đệ Nhị Luật (12,1 – 26,16) ba bài diễn từ của Môsê theo cấu trúc như sau:

– Diễn từ 1: 1,1 – 4,43

– Phần đầu của diễn từ 2: 4,44 – 11,32

+ Phần chính: Bộ Đệ Nhị Luật: 12,1 – 26 ,15

– Phần kết của diễn từ 2: 26,16 – 28,68

– Diễn từ 3: 28,69 – 30,20

Bài đọc 1 là trích đoạn của chương 26, chương cuối của Bộ Đệ Nhị Luật. Chương cuối này, Đnl 26,1-15, gồm 2 bản văn phụng vụ: – Luật dâng sản phẩm đầu mùa cho Thiên Chúa (26,1-11: Bài đọc 1 trích câu 4 – 10); – Và luật đóng thuế thập phân, ba năm một lần (26,12-15). Hai luật này nói lên lòng biết ơn của dân đối với Thiên Chúa, được coi như là lời đáp trả trước những hồng ân lớn lao trong quá khứ mà chóp đỉnh là – được giải cứu ra khỏi đất Ai CẬp và chiếm hữu Đất Hứa. Việc hằng năm đều lập lại Quy định này là một cách hiện tại hóa biến cố lịch sử và để cho mọi thành viên dân Chúa qua mọi thời đều được đích thân cảm nghiệm, hiệp thông với hồng ân “bước vào Đất Hứa”, và là một lời đáp hiện tại của mỗi thế hệ dân Chúa trước việc Thiên Chúa đã cứu dân. 

Đọc kỹ lại lịch sử Israel, nhất là giai đoạn định cư, ổn định trong Đất Hứa vào giai đoạn trước khi bị lưu đày, thì ta mới thấy rằng lệnh truyền tưởng chừng bình thường, là đương nhiên phải thế thực ra luôn phải đối đầu với cơn cám dỗ: cơn cám dỗ chạy theo thòi tục thờ thần Baal của Canaan. “Baal là thần của người Canaan – Thần mưa bão, phong nhiêu, và sinh sản – chồng của nữ thần Astartê” (từ điển Công Giáo – “Baal – Thần”). Đó là tội thờ ngẫu tượng, tưởng rằng hoa màu ruộng đất, trúng mùa là do Baal ban tặng. Đó là cơn cám dỗ dai dẳng luôn đeo đuổi dân Chúa. Các ngôn sứ không ngừng cảnh cáo và dân Chúa phải luôn tỉnh thức chiến đấu.

Về cấu trúc văn chương, bài đọc 1 gồm hai ý chính: 

-Dâng lễ vật theo Luật truyền cho Thiên Chúa qua trung gian tư tế (c.4) rồi phủ phục tôn thờ Thiên Chúa (c.10). Câu 4 và 10 tạo thành một bao hàm với những nghi thức bên ngoài.

– Tuyên xưng đức tin: đây là cái hồn của việc dâng lễ nói trên.

1/ Khi anh em đến dâng của đầu mùa, tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em …. (c.4) … Anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Yavê … rồi phủ phục trước tôn nhan Yavê. (c.10)

* Đọc thêm câu 2 (không có trong bài đọc 1): Anh em hãy đặt lễ vật vào GIỎ 

Các câu 2 và 4 cho thấy lễ vật dâng cho Chúa rất ít: chỉ cần một cái giỏ là đựng đủ rồi. Vậy chủ yếu ở đây là hành vi biết ơn đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Chúa là chủ thiên nhiên và là cội nguồn mọi phong nhiêu phú túc. Câu 4 còn cho thấy vai trò trung gian của tư tế trong việc tế tự thờ phượng Chúa. 

Vậy việc dâng lễ vật này không là sáng kiến cá nhân mà là một nghi thức phụng vụ thờ phượng Chúa được truyền cho cộng đoàn. Nghi thức được tôn trọng đúng nói lên Cộng đoàn hiệp nhất và nói lên tâm tình biết ơn, thờ lạy của cả cộng đoàn.

 * Lòng biết ơn, tôn thờ (c.10): điểm đến của hành vi bên ngoài dâng lễ vật theo đúng nghi thức là nhìn nhận, tôn thờ chủ quyền tối cao của Thiên Chúa trên vạn vật, chứ không phải chỉ là nghi thức, kỷ luật được được cựu ước nhắc nhở nhiều lần (Xh 23,19; 34,22-26; Lv 23,10…). 

Trong tương quan với chủ đề “Cám dỗ”, “chiến đấu” của Chúa Nhật I Mùa Chay, có thể coi luật này như là một “trái cấm” đối với Israel. Vì khi sống trong Đất Hứa, người Do Thái luôn bị cám dỗ bắt chước dân Canaan thờ lạy, cúng tế dâng lễ vật cho thần Baal với ảo tưởng sẽ được thần ban cho mùa màng phong phú. Đối với các dân gốc Sêmít:

“Baal là thần dông bão… ban cho các sinh vật khả năng sinh sản, và thể hiện nguồn sống vĩ đại đang vận hành trong thiên nhiên và làm cho các sinh vật lớn lên. Vì thế phải dâng cho thần 1/10 sản vật thu hoạch, gia súc và gia đình, cho nên người ta sát tế cả trẻ con. Thần Baal rất được sùng bái ở Israel… Có lúc người ta bỏ Yavê chạy theo Baal như thời Elia, vua Akhab” (J. Dheilly – “Từ điển Kinh Thánh” cuốn I trang 123).

Israel luôn bị đặt trước cơn cám dỗ chọn Yavê hoặc Baal. Dâng của lễ đầu mùa cho Thiên Chúa chính là chọn Yavê: chính Người chứ không phải Baal đã cho dân lương thực, dầu, rượu, sữa… (x. Hs 2,7-9.10).

2/ Tuyên xưng đức tin (Đnl 26,5-9)

Khi đã vào định cư trong Đất Hứa, cơn cám dỗ và cũng là nguy cơ kéo án phạt lớn nhất xuống trên dân là việc chạy theo các thần ngoại bang lãng quên Yavê, kéo theo ảo tưởng cho rằng tất cả những gì dân có là do thổ địa, các thần địa phương ban tặng. Việc dâng lễ đầu mùa kèm lời tuyên xưng đức tin nói lên quyết tâm chọn lựa Yavê, nhìn nhận Người là cội nguồn mọi thiện hảo và mọi hiện hữu chứ không phải là những yếu tố thọ tạo (tức ngẫu tượng) do con người bịa ra. Đây cũng là xác tín mà Đức Giêsu đã dùng để đập tan cơn cám dỗ trong sa mạc, dụ Đức Giêsu dùng những của phù vân, những phương tiện lạc xa đường lối của Thiên Chúa để thi hành sứ vụ.

*Ông tổ CỦA TÔI: cách xưng hô này nói lên niềm xác tín biệt vị: niềm tin của dân tộc phải được mỗi người đảm nhận thành xác tín biệt vị của mình.

Các chi tiết trong các câu 5b-6 cho phép hiểu “ông tổ” nói ở đây là Giacop. Vậy đây là lời tuyên tín riêng của người Do Thái.

Đnl 26,5-9 gợi lại cội nguồn du mục bấp bênh, cơ khổ của tổ tiên người Do Thái. Với nạn đói, nhờ Chúa Quan phòng, qua trung gian Giuse, gia đình Giacop qua ngụ nhờ đất Ai Cập được Chúa phù trợ trở nên đông đúc hùng mạnh. Điều đó đã khiến Pharaô ganh tỵ, âu lo rồi ra tay bách hại họ. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp mạnh mẽ bằng các điềm thiêng dấu lạ giải thoát họ khỏi nô lệ diệt vong và đưa về Đất Hứa.

*Việc nhắc lại cội nguồn bấp bênh cơ khổ nhằm làm nổi bật tình yêu quan phòng nhưng không của Thiên Chúa và quyền năng lớn lao của Người đã tạo dựng nên dân hầu như từ số không. Rồi khi họ đã đông đúc, cường thịnh thì cái nguy cơ bị tận diệt lại hiện ra trước mắt; Lời tuyên tín, một lần nữa nhắc nhở Israel mọi thời rằng ĐỪNG CẬY DỰA VÀO SỨC MÌNH mà hãy PHÓ THÁC MỌI SỰ CHO THIÊN CHÚA.

Cơn cám dỗ muốn tách mình ra khỏi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, muốn độc lập, loại trừ Thiên Chúa khỏi đời mình luôn được ma quỷ tận dụng để hãm hại nhân loại. Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng giúp ta vượt thắng được cơn cám dỗ đó, dám để cho Thần Khí Chúa hướng dẫn đời mình đi theo đường lối Chúa. Đó là điều Đức Giêsu đã làm, bảo đảm phần thắng cho nhân loại.

TIN MỪNG: Lc 4,1-13

Trong Tin Mừng Luca, hai chương đầu nói về thời thơ ấu và ẩn dật của Đức Giêsu, trong hai chương này, dung mạo thần linh của Đức Giêsu được tỏ bày rõ nét và chóp đỉnh là lời xác định của chính Đức Giêsu năm Người 12 tuổi (Lc 2,49). Tuy nhiên người Con Thiên Chúa đó đã sống như một con người (Lc 2,51-52).

Đến Lc 3, Đức Giêsu bắt đầu xuất hiện như một con người trưởng thành trạc 30 tuổi (Lc 3,23), nhưng Người chưa chính thức hoạt động, Người vẫn còn ẩn mặt, chưa nói, chưa làm gì. Người xuất hiện để chuẩn bị cho sứ vụ công khai. Lc 3 giới thiệu tư cách và phương thế mà Người chọn để thực thi sứ vụ Cha trao:

Lc 3,1-18: vị tiền hô giới thiệu Người là “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”, thanh luyện xét xử công minh.

Lc 3,21-22: Người cũng là một phàm nhân chia sẻ thân phận tội lỗi của nhân loại, cũng chịu phép rửa. Tuy nhiên người cũng là Đấng mở cửa Trời, tràn đầy Thánh Thần và là Con Chúa Cha.

Như vậy Người vừa là con người, là Mêsia, là Con Thiên Chúa. Bảng gia phả cũng xác nhận điều đó (Lc 3,23-38). Chính trong tư cách đó với dung mạo hữu hình của một phàm nhân, Đức Giêsu bước vào cuộc chiến với quỷ dữ.

1/ Tình trạng của Đức Giêsu trước cám dỗ (4,1-2)

*Được đầy Thánh Thần, từ sông Giodan trở về, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa: theo Luca, hai biến cố “chịu phép rửa” và “chịu cám dỗ” liên kết chặt chẽ với nhau: chính trong tình trạng “đầy Thánh Thần” khi chịu phép rửa (x. 3,22a), Đức Giêsu đã từ sông Giodan trở về rồi đi luôn vào hoang địa đối đầu với quỷ dữ trong cơn cám dỗ.

Như vậy Đức Giêsu chiến đấu trong tư cách là một con người (3,21; 4,2b) vừa là Con Thiên Chúa (3,22b.38) và đầy tràn Thánh Thần. Cơn cám dỗ là liên tục suốt 40 ngày và quỷ dữ không từ một phương tiện nào.

*“40 ngày”: con số mang tính biểu tượng. Đó là thời gian đủ để chuẩn bị cho một điều gì đó mới mẻ. Trong Kinh Thánh ta thấy:

– 40 ngày hồng thủy: đủ để tiêu diệt xóa sạch tội lỗi, tiếp sau đó là giao ước tái thiết vũ trụ ký kết với Nôê.

– Để trang bị cho Môsê khả năng lãnh đạo, đưa dân về Đất Hứa, Thiên Chúa đã đào tạo ông 40 năm học làm vua trong cương vị một hoàng tử Ai Cập, và 40 năm mục tử trong sa mạc để biết rõ ngõ ngách trong hoang địa Sinai.

– Môsê ở trên núi 40 ngày chờ nhận Bia Lề Luật (Xh 24,12.18; 34,28).

– 40 năm sa mạc tinh luyện, tập sống Luật. Sau đó Isrel vào Đất Hứa

– Đấng Phục Sinh chuẩn bị cho môn đệ 40 ngày trước khi thăng thiên, để các ông tự lập (Cv 1,3).

Vậy trước khi thi hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu có thời gian ĐỦ để chuẩn bị. Người chuẩn bị bằng CHAY TỊNH (Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả) và bên trong thì “ĐẦY THÁNH THẦN”. Xưa kia, trong vườn Eden, hai nguyên tổ vì chuyện ăn trái cấm và hành động xét đoán sự việc theo đam mê, cảm tính giác quan (x. St 3,6) nên đã thua trận. Nay để phục hồi, Đức Giêsu đã đi con đường ngược lại: CHAY TỊNH và bên trong ĐẦY THẦN KHÍ nên đã chiến thắng. Nơi Người một tạo thành mới đã xuất hiện: Người là Trưởng Tử của nhân loại mới, một nhân loại chiến thắng ma quỷ nhờ chay tịnh và Thần Khí hướng dẫn.

2/ Ba cơn cám dỗ

Trong trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa, Người được giới thiệu trước đám dân đang sám hối là Đấng đầy Thần Khí, Đấng mở cửa Trời giao hòa trời đất, giải cứu nhân loại, là Israel mới (hình ảnh biểu tượng “bồ câu”: x. Hs 7,11; 11,11; Tv 74,19 – ĐN TH TK “Bồ câu”), là Con Thiên Chúa, là Trưởng Tử nhân loại mới, một nhân loại được phục hồi.

Chính trong tư cách là “nhân loại mới”, “Israel mới”, “con người mới” mà Đức Giêsu đã chiến đấu để giựt nhân loại khỏi tay Quỷ dữ. Ba cơn cám dỗ được tường thuật ở đây diễn tả rõ ràng cuộc chiến đấu liên tục và âm thầm kéo dài suốt thời gian ở trong sa mạc, và cả suốt dòng lịch sử của dân Chúa; Đồng thời cũng diễn tả cuộc chiến của toàn nhân loại. Đức Giêsu là vị thủ lãnh dân mới, nhân loại mới đến trực diện giao đấu với Quỷ dữ để cứu con người. Điều đó khiến “Thù Địch” (Satan) của Thiên Chúa và quyền lực, nước của Y tìm đủ mọi cách để chống lại Người. Quỷ dữ cùng thuộc hạ điên cuồng chống phá công trình của Thiên Chúa NGAY TỪ TRONG TRỨNG NƯỚC. Thật vậy Quỷ chống phá công trình Thiên Chúa ngay trong công trình sáng tạo vào tận vườn Eden cám dỗ con người; Quỷ muốn tiêu diệt Israel ngay bên Ai Cập; Trong hành trình Sa mạc, Quỷ không ngừng tìm đủ mọi cách xúi dân đi lạc đường lối Thiên Chúa: thờ Bò Vàng, không chịu vào Đất Hứa, không ngừng đòi quay về lại Ai Cập … Nhưng rồi cuối cùng tình yêu Thiên vẫn thắng: Đức Giêsu vẫn nhập thể. Thế là Quỷ quyết giết Người từ sơ sinh; Nhưng thất bại và giờ đây Quỷ tiếp tục cuộc chiến ngăn cản chương trình của Thiên Chúa bằng cách cám dỗ Đức Giêsu đi sai con đường cứu độ của Thiên Chúa.

*Cơn cám dỗ 1: Đức Giêsu đang thực sự đói sau 40 ngày chay tịnh. Ăn là cần thiết và đúng. Nhưng vấn đề là phương cách để có thức ăn. 

Phương thức Quỷ gợi lên: “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Đúng Đức Giêsu là thế – ông hãy dùng quyền năng thần linh truyền cho HÒN ĐÁ (trong Luca là số ít) thành BÁNH (cũng số ít) để giải quyết cơn đói nhất thời trước mắt.

Đức Giêsu đói là vì Người tự nguyện ăn chay, do đó sau tuần chay thì Người chỉ việc mua vài đồng bánh là đủ giải quyết vấn đề. Vậy cơn cám dỗ nằm ở chỗ Quỷ xúi Đức Giêsu đừng làm người, mà hãy dùng quyền năng Thiên Chúa (lạm dụng quyền lực thần linh) để làm một công việc mà bất kỳ một con người bình thường nào cũng làm được để chỉ thỏa mãn một nhu cầu nhất thời bé nhỏ của cá nhân.

Cơn cám dỗ ở vườn Eden được lập lại ở đây: Adam không muốn làm người đòi tiếm quyền Thiên Chúa: chỉ cần ăn trái cấm là tức khắc biểu lộ quyền lực thần linh. Ở đây Đức Giêsu không tiếm quyền vì thực sự Người là Con Thiên Chúa nhưng là lạm dụng quyền thần linh không thi hành Ý Cha là phải làm người.

*Đáp trả của Đức Giêsu: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”

Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia cứu thế. Nhưng con đường Đức Giêsu phải đi để biểu lộ vinh quang thần linh không là biểu dương quyền lực phá vỡ trật tự sáng tạo, định luật vũ trụ mà là tuân theo Ý Cha, làm người đến cùng để khắc phục hậu quả tội Adam (x. Pl 2,6-11). Và cả cuộc đời của Đức Giê su là một minh họa cụ thể: lời giảng dạy của Người là uy quyền, hấp dẫn, ai cũng nhìn nhận; Các phép lạ của Người là vĩ đại thế mà chẳng ai tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa (trừ quỷ tuyên xưng nhưng không vì tin mà để phá đám). Thế nhưng lúc Người đi trọn kiếp làm con người “gục đầu tắt thở” thì vinh quang thần linh của Người được hiển lộ: “Con Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

*Cơn cám dỗ 2: “Tôi (Quỷ) sẽ cho ông toàn quyền cai trị… vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, tôi muốn cho ai tùy ý”. Quỷ đưa ra một lời xảo trá trắng trợn để mong lừa được Đức Giêsu. Thật ra mọi vật là của Chúa, Quỷ chỉ có dối trá và lừa đảo. Và Quỷ áp dụng lại cái mánh đã lừa đảo Adam để hòng gạt Đức Giêsu: một điều không hề có: Thiên Chúa cấm ăn tất cả mọi trái cây trong vườn? (St 3,1); Ở Luca quỷ nói rằng tất cả quyền hành trên thế giới đã trao cho nó. Lời xảo trá trắng trợn! Thật ra Chúa có cho quỷ lộng hành một thời gian qua sự ngang ngược vô đạo của một số người, của các đế quốc phù du vô đạo để tinh luyện dân Chúa, chứ làm gì có quỷ thực quyền, thực hữu vĩnh cửu.

Qủy dựa trên các thực trạng phù du ấy để đánh lừa ai yếu tin, nhát đảm rằng tự nó có quyền vĩnh tồn bằng câu dối trá láo xược muốn đoạt quyền Thiên Chúa: “tôi muốn cho ai tùy ý”. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền như thế (x. Gr 27,5-6).

-nTiếp đó là dụ dỗ: “không chết chóc gì đâu…” (St 3,4). Ở đây quỷ chỉ định lừa Đức Giêsu lạy nó để lấy cái ảo quyền không hề có của nó.

Theo Luca, điều mà quỷ đem ra dụ Đức Giêsu không là quyền sở hữu như trong Mt 4,9 mà là quyền lực chính trị thống lãnh toàn cầu: từ Luca dùng là exousia = quyền lực, sự vinh quang. Đó là điều mà Thiên Chúa sẽ ban cho vị Tân Vương (x. Tv 2,8) mà Thiên húa gọi là “Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (x. Tv 2,7; Lc 3,22b).

Vậy một lần nữa, bằng hình thức khác, Luca gợi lại cơn cám dỗ địa đàng: chọn nghe Thiên Chúa hay nghe quỷ? Cụ thể là chọn nhận thực quyền vĩnh cửu từ nơi Thiên Chúa, nhưng phải qua thập giá hay là nhận quyền ảo phù du từ quỷ, có ngay nhưng chóng tàn đưa tới hủy diệt?

Đức Giêsu đã chiến thắng khi đập tan luận điệu của quỷ bằng niềm tin ĐỘC THẦN do chính Thiên Chúa truyền dạy.

*Cơn cám dỗ thứ 3: thử thách Thiên Chúa (9-12)

Bản chất của cơn cám dỗ này tương tự như cơn cám dỗ 1: lấy quyền năng thiên sai của Con Thiên Chúa để phục vụ tư lợi, nhưng lần này tư lợi nằm ở lãnh vực khác: chạy theo danh vọng, tìm sự nể phục của người khác thay vì tin tưởng, phó vào Chúa để dấn thân phục vụ.

  • Bối cảnh là Giêrusalem, trên nóc Đền Thờ, ai cũng nhìn thấy rõ được.

  • Việc làm là một hành động phô trương, quảng cáo căn tính Mêsia bằng con đường ma thuật, làm những điềm lạ để lóa mắt thiên hạ, lôi cuốn sự thán phục về mình.

  • Và động lực quỷ đưa ra để cám dỗ là nhân danh một lời Thiên Chúa đã bị y bóp méo ý nghĩa bằng cách tách Tv 91,11-12 ra khỏi mạch văn là Tv 91 (nói lên niềm tin cậy phó thác vô điều kiện của người công chính không chút nghi ngờ đường lối Thiên Chúa), rồi từ đó xúi Đức Giêsu thách thức Thiên Chúa phải biểu lộ quyền năng để chiều theo những nổi hứng bất chợt của mình hầu kiểm chứng xem lời Thánh Vịnh nói có đúng thật như vậy chăng. Vậy ở đây ẩn hiện ý tưởng nghi ngờ lời hứa của Thiên Chúa trong Tv 91,11-12. Nghi ngờ Thiên Chúa là một yếu tố của nguyên tội.

Đức Giêsu đã khắc phục bằng lời cảnh báo: đừng thử thách Thiên Chúa, hãy tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Người và vào đường lối của Người. Để hồi phục nhân loại, Chúa cần những con người tin tuyệt đối vào Chúa để xóa đi tì vết không tin của Adam.

3/ Kết quả chung cuộc (13)

*Qủy đành nhận thua cuộc: bỏ đi (13b)
*Lý do: mọi lối cám dỗ đều vô hiệu với Đức Giêsu (13a)
*Nhưng ác tâm vẫn còn: chờ đợi thời cơ (13c)

Việc quỷ cám dỗ Đức Giêsu đã hoàn toàn thất bại, vì nó đã “xoay hết cách” mà Đức Giêsu vẫn kiên vững trong đường lối của Người. Qủy bỏ cuộc và về sau không cám dỗ Đức Giêsu nữa: trong Luca không có trình thuật Phêrô cám dỗ Đức Giêsu và bị mắng là Satan. Cuộc chiến chọn con đường cứu độ nào đã chấm dứt. Vậy Luca còn ghi quỷ “chờ đợi thời cơ”, điều đó có nghĩa gì?

Quỷ không cám dỗ Đức Giêsu đi trệch khỏi con đường của Thiên Chúa thì nó quay sang tìm đủ mọi cách để xuyên tạc (nghề của nó mà) con đường của Chúa hầu lừa những ai tin nghe theo nó bỏ đường lối Chúa. Vậy thời cơ quỷ chờ đó là:

  • Rình cơ hội để phá đám công cuộc của Đức Giêsu bằng cách làm cho những người tiếp cận với Đức Giêsu hiểu sai lệch về căn tính thiên sai của Người, nhưng Đức Giêsu cũng mau chóng chận đứng (4,33-36.41)

  • Làm cho những người tin Đức Giêsu sợ hãi đường thập giá, tưởng đó là một thất bại. Trong trận chiến cuối cùng với Đức Giêsu, quỷ tái xuất hiện, nhập vào Giuđa (22,3) khiến ai nấy nghĩ rằng thập giá là thất bại.

Nhưng quỷ đã lầm! Vì chính lúc Đức Giêsu tắt thở con người bắt đầu nhận ra Người thực sự là ai (23,47) và toàn dân sám hối (23,48).

Tóm kết

Với tư cách là Mêsia, con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vào sa mạc, trong Thánh Thần để chiến đấu phục hồi nhân loại qua việc chiến thắng mọi chước cám dỗ của quỷ để trung thành với đường lối Chúa. Đó là cuộc chiến đấu chọn lựa phương thức để thực hiện sứ mạng thiên sai của Người.

Quỷ xúi dục Người sử dụng quyền năng thần linh mà Thiên Chúa đã ban để tìm tư lợi, thỏa mãn cho bản thân, để thực hiện bá quyền thống trị kẻ khác, để mị dân bằng những việc làm phô trương nhằm lóa mắt thiên hạ. Cơn cám dỗ lạm dụng hồng ân Chúa ban để phục vụ tư lợi, cơn cám dỗ đòi thỏa mãn ngay lập tức những ham muốn cá nhân, tham vọng quyền lực và kiếm tìm danh vọng, thách thức Thiên Chúa luôn là những cám dỗ mang tính thời sự đối với môn đệ Đức Giêsu. Qủy đã thua Người, nhưng nó luôn chờ cơ hội để quật ngã môn đệ Người.

Chỉ có niềm xác tín vào con đường thập giá, quyết đi đường Chúa thì môn đệ mới lướt thắng được những cám dỗ này. Đó là điều ta phải xác quyết khi bước vào Mùa Chay.

Frère Pierre Đình Long FSC