Chúa nhật II Mùa Vọng – năm C

 Cha Sở miền quê thông báo tháng sau sẽ có lễ ban phép thêm sức cho các em. Giáo xứ đã ba năm chưa có  lễ thêm sức. Tưng bừng, giáo xứ chuẩn bị, nhà nhà chuẩn bị như một ngày hội lớn. Các gia đình, đặc biệt các gia đình có các em sắp chịu phép thêm sức, dọn dẹp sạch sẽ. Hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn ghẽ. Nhà cửa được sơn phết mới mẻ. Con đường lớn dẫn đến nhà thờ  cũng được chỉnh sửa, phát quang. Những đoạn bị nước mưa xói mòn được đắp lại cẩn thận ngay ngắn, khô ráo. Đúng ngày lễ, băng rôn và cờ giăng rợp khuôn viên nhà thờ.

Biến cố lớn: giáo xứ chuẩn bị đón đức cha.

     Hằng năm, ngay từ đầu tháng 12 dân xứ cũng đã rộn ràng chuẩn bị. Các đường lớn đều được giăng đèn điện lấp lánh. Mỗi xóm đều làm hang đá riêng. Tại cuối nhà thờ giáo xứ là một hang đá lớn. Bên hông nhà thờ, cảnh Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người, nguyên tổ sa ngã, hay cảnh ba vua đến Bê Lem cũng được trưng bày. Bên cạnh tháp chuông là một cây thông bằng điện đủ màu.

Giáo xứ đang chuẩn bị chào đón Chúa giáng sinh.

      Từ bao đời người Kitô hữu đã làm theo lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả.

      Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Gioan Tiền Hô. Cũng như bao nhiêu người Do Thái khác, ông cũng nóng lòng trông đợi Đấng Cứu Thế . Ngay khi còn ở trong tù, ông đã sai người đến hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không,  hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. (Mt 11,3)

Ông là  vị tiên tri cuối cùng, là bản lề của Cựu Ước và Tân Ước. Nếu các tiên tri khác chỉ tiên báo  xa xa về Đấng Cứu Thế, thì Gioan Tẩy Giả lại là người trực tiếp chỉ tay vào Chúa Giêsu để giới thiệu cho các môn đệ và cho dân chúng: Đây là chiên Thiên Chúa, đây là đấng xóa tội trần gian.

Vì là Tiền Hô, nên ông là một nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.

Ông đã sống trong sa mạc để gặp Thiên Chúa và để cầu nguyện.

Ông đã thực hành, đã sống lời ông sẽ dạy, rồi mới đi rao giảng cho mọi người, ông đã sống rất khắc khổ, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rất khiêm nhường: tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại. Ông giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông. Ông đã mượn lời của tiên tri Isaia (Is 40,3-4) để kêu gọi dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến:

Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3, 4-5)

     Ngày nay nhiều nơi trên thế giới, kể cả những nước không tin  Thiên Chúa, ngay từ đầu tháng 12, cũng đều phấn khởi chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng với mục đích chính trị, thương mại, kinh tế, kinh doanh,  chứ không phải ý nghĩa tôn giáo đạo đức, để đón Chúa giáng sinh.

      Lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả không nhắm vào các kỹ sư công chánh hay các nhà hoạt động xã hội, mặc dù việc dọn đường cho thẳng thắn, cho ngay ngắn cũng là cần thiết cho mọi xã hội để phát triển, cho mọi người có thể đi lại gặp gỡ nhau dễ dàng. Nhưng lời kêu gọi đó nói với dân chúng Do Thái và cũng nói với mọi người chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế.

      Gioan kêu gọi chúng ta hãy san bằng những núi đồi kiêu căng. Phải lấp đầy những tham ô, tham vọng, những ích kỷ, hẹp hòi. Phải uốn ngay những quanh co gian dối, lừa bịp. Phải sòng phẳng, công bằng trong giao tiếp. Phải san bằng mọi bất hòa, nghi kỵ, những bất công, áp bức.

Hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Chuẩn bị tâm hồn để Chúa đến và ở lại với ta. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (Lc 3,6).

      Đó là niềm vui tột đỉnh của cụ già Simeon: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.(Lc 2,29-30).

      Đây cũng là mục đích rao giảng của các môn đệ cũng như của toàn thể Giáo Hội: Ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại.( Cv 28,28).

      Lạy Chúa, xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn thành nơi ấm cúng để Chúa đến và ngự lại.

                                       Nguyễn Đức Lân