THƯƠNG NHỚ NGƯỜI MANG TÊN THƯỢNG LUÔN HƯỚNG THƯỢNG.

 Người ta vẫn thường hay nói cái tên nó gắn vào đời của con người. Có lẽ đúng chứ chả sai. Ít là với trường hợp của Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng – vị linh mục trân quý – vừa về nhà Cha sau chuỗi ngày hưu dưỡng và đau bệnh.
Cái tên Thượng mà ông bà Cố đặt cho Cha để rồi dường như cả cuộc đời Cha cứ hướng về Thiên Chúa, hướng về Thượng Đế, hướng về Đấng ở trên cao. Cả cuộc đời của mình, trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói và hết cả tâm tình, Cha cứ đau đáu với lòng mình là hướng về Chúa.
Chính vì hướng về Chúa đó, Cha luôn cảm tạ hồng ân Chúa đã tuôn đổ trên cuộc đời của Cha. Với tất cả tâm tình, ai tiếp xúc với Cha Cố đều vẫn hay nghe Cha Cố nói : “Tạ ơn Chúa!”. Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Dù trời mưa hay nắng, dù vui hay buồn, dù sướng khổ hay hạnh phúc vẫn là tạ ơn Chúa.
Tạ ơn Chúa là thái độ khiêm nhường cũng như nhìn nhận rằng tất cả những gì mà Cha đang có là của Chúa. Dường như lời nguyện Tiến Lễ của Lễ tạ ơn nhớ ngày thụ phong linh mục đã theo đuổi suốt cả đời của Cha : “Lạy Chúa, chúng con dâng tiến Chúa của lễ này để ca tụng ngợi khen Chúa. Chúa đã đoái đến con mặc dầu con bất xứng, xin Chúa cũng gia tăng ân sủng giúp con chu toàn sứ mạng Chúa đã giao. Chúng con cầu xin…”.
Vâng ! Cảm nhận mình nhỏ bé, cảm nhận mình bất xứng để xin Chúa gia tăng ân sủng và giúp cho linh mục chu toàn sứ mạng Chúa đã trao phó. Với Cha Cố Tôma, Cha đã hoàn thành cách tốt đẹp sứ mạng Chúa trao phó trong đời linh mục của Cha. Nhờ ân sủng, với ân sủng và trong ân sủng, Cha như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan đã làm tròn sứ vụ của Chủ. Lời biết ơn, lời tạ ơn Chúa của Cha Tôma không chỉ là lời nói suông như những người hay nói và thích nói. Cha Cố luôn luôn hướng lòng mình về Thiên Chúa, về Cội Nguồn của mình bất cứ nơi nào Cha được gửi đến.
Khi ở trong vai trò là Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai Kontum, ngoài những bài huấn đức, bài dạy cho Chủng Sinh về nhân bản, về tu đức, Cha cũng đã gầy dựng, góp nhặt những kỷ vật của các vị thừa sai. Tất cả những kỷ vật ấy như báu vật để cho con cháu nhớ lại bước đường truyền giáo của các vị tiền bối trong Giáo Phận miền cao này.
Năm 2018, khi Đức Cha gửi bài sai về giúp Đức Hưng, Cha Tôma cũng đã thao thức giúp cho bà con hướng Thượng. Bên cạnh những công việc mục vụ và giúp thăng tiến về đời sống đạo đức, Cha Cố cũng đã gầy dựng lại phòng truyền thống để giúp cho dân trong giáo xứ Đức Hưng tưởng nhớ về nguồn cội, gốc gác của mình cũng như bảo tồn và phát triển những gì các Cha đi trước đã làm.
Rồi những ngày tháng hưu dưỡng ở Hoàng Yên, gọi là hưu nhưng cũng có hưu đâu. Cha lại bắt tay vào làm Phòng Truyền Thống của Giáo Xứ. Với kiến thức cùng với tâm huyết của mình, Cha đã sưu tầm cũng như đã làm nên một Phòng Truyền Thống ở Hoàng Yên thật giá trị. Có lẽ Hoàng Yên mãi mãi không quên kỷ vật mà Cha Cố Tôma để lại cho Giáo Xứ dù đến và ở lại với Hoàng Yên trong khoảng thời gian chưa đủ dài.
Và rồi, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị cũng nghĩ, cũng nhớ về công lao, lịch sử, bước chân của các vị thừa sai nên đã mời Cha Cố Tôma khôi phục lại Nhà Truyền Thống ở trong khuôn viên Tòa Giám Mục. Đức Cha đã chọn và gửi gấm đúng người và đúng việc.
Trong lần gặp sau cùng với Cha Tôma, Cha Cố đã chỉ lên tấm bảng treo trong phòng của Cha về dự phóng, hoài bão của Cha về Nhà Truyền Thống của Giáo Phận. Cũng hướng Thượng, Cha chia sẻ rằng Cha dùng 3 gian để làm phòng Nguyện nhỏ cũng chính là trung tâm điểm của Nhà Truyền Thống. Cha nói có cái khó đang suy nghĩ là làm sao cắt đi cái cột ở giữa cho khỏi vướng. Đây là vấn đề nan giải vì lẽ tính được độ chịu lực như thế nào của cái sàn gỗ trên lầu mới dám cắt.
Như đứa con tinh thần Cha ủ ấp, Cha chỉ cho thấy mô hình của Nhà Truyền Thống thật ý nghĩa và giá trị. Cha nói về ý nghĩa để xây dựng lên mô hình và tất cả đều hướng về Thiên Chúa. Với tất cả tâm tình, Cha Cố Tôma cứ hướng lòng mình về Thiên Chúa, nâng tâm hồn mình về với Cội Nguồn để rồi muốn truyền lại cho hậu thế lòng biết ơn. Biết ơn Thiên Chúa cũng như biết ơn các vị thừa sai đã hy sinh mạng sống mình cho mảnh đất Tây Nguyên thân yêu.
Không gì giữ riêng cho bản thân mình. Có là Cha Cố cứ cho và chia sẻ cho người khác với ước nguyện người khác ấp ủ và giữ truyền thống của cha ông. Nhiều và nhiều bộ cồng chiêng được Cha Cố góp nhặt để chia sẻ cho những nơi cần đến. Bộ cồng chiêng xem chừng ra là di sản quý giá mà người này người kia không biết giá trị nên có khi đã bán ve chai để rồi Cha Cố mua lại và lưu lại truyền thống của anh chị em dân tộc thiểu số.
Vậy đó, cả con người mang tên Thượng luôn hướng Thượng. Như lời linh mục Batôlômêô Nguyễn Đức Thịnh – người thân tín với “Chú Thượng” – chia sẻ : “Cha Tôma như một quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta”. Quả vậy, Cha Tôma quả là một quà tặng quý giá mà Thiên Chúa trao cho chúng ta. Chả phải quý giá theo cách nhìn của người đời hay Cha đã làm nên công trạng chi. Quý giá ở tấm lòng biết ơn Thiên Chúa và cả đời hướng Thượng. Giữa một xã hội vô cảm và vô ơn đang len lỏi trong cuộc sống thì cuộc đời, nhân cách và tấm lòng hướng Thượng của Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng thật trân quý biết bao. Mỗi chúng ta, những ai quen biết hay gần gũi với Cha Tôma hãy bắt chước, hãy sống lòng biết ơn cũng như hướng Thượng như Cha Cố Tôma Thượng đã sống.
Lm. Anmai, CSsR