CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – năm B

Bài 1

Is 40, 1-5.9-11; Mc 1,1-8

Chủ đề: HOÁN CẢI: hãy dọn ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA ĐẾN.

* Is 40,3: Hãy  mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.

* Mc 1,3: Hãy dọn sẵn con đường của ĐỨC CHÚA, sửa lối cho thẳng để Người đi.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Ơn cứu độ đã đến gần, Đấng Cứu Tinh sắp xuất hiện; Vậy hãy hoán cải, sám hối, dọn lòng đón niềm vui cứu độ. Những ý đó luôn là chủ đề của Mùa Vọng.

Đan chen vào các chủ đề trên, Chúa Nhật II Mùa Vọng năm B làm nổi bật lên dung mạo, vai trò của các nhân vật được Thiên Chúa chọn trao cho sứ mạng THÚC ĐẨY dân Chúa sống các tâm tình đợi trông, hoán cải, chuẩn bị đón tin vui cứu độ đang tới.

Trong bài đọc một, người được Chúa chọn, sai đi chính là vị ngôn sứ thời Lưu Đày mà ta quen gọi là Isaia đệ nhị; Còn trong Tin Mừng, vị Tiền Hô, dọn đường cho Chúa chính là Gioan Tẩy Giả.

Bài đọc một là một lời khích lệ nhằm vực dậy đức tin, phục hồi lại niềm hy vọng của đám dân đã bị lưu đày gần nửa thế kỷ. Dân Chúa thấy niềm hy vọng ngày càng xa mờ đi vì họ không nhìn ra được dấu chỉ nào giúp họ có chút hy vọng rằng họ sẽ được giải cứu khỏi ách Babylon. Thế nhưng rồi chính dòng lịch sử sẽ cho họ lời đáp: chỉ vào năm 538, vua Kyrô của đế quốc Ba Tư đã xóa sổ đế quốc Babylon một cách êm thắm; sau đó vua này đã cho phép dân Do Thái hồi hương và còn giúp cho việc xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem.

Nhờ Chúa tuyển chọn, soi sáng, sai đi, các ngôn sứ đã đọc ra được ý nghĩa của các dấu chỉ thời đại, rồi được lệnh Chúa, họ đã loan báo ý định thần linh cho dân và mời gọi chuẩn bị tinh thần, tâm hồn lẫn thể xác để đón nhận hồng ân cứu độ Chúa sắp gởi tới.

Trong cụ thể, trường hợp dân đang lưu đày được đề cập đến trong bài đọc một, Thiên Chúa khởi sự việc giải cứu BẰNG MỘT LỆNH TRUYỀN cho Ngôn Sứ của Người: “hãy an ủi, an ủi dân Ta”, hãy loan Tin vui cho thành Giêrusalem “thời phục dịch của thành đã mãn, tội của thành đã đền xong”. Chúa như phấn khích, hối thúc ngôn sứ của Chúa mau mau công bố Tin Mừng “hãy trèo lên núi cao, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh” báo cho dân Chúa biết rằng Chúa đến rồi. Người đến mang theo ân thưởng (c.10): Việc lưu đày vốn là một án phạt, nhưng khi dân hối cải và Thiên Chúa đã thứ tha thì những lao nhọc, ê chề của thời nô dịch lại được Thiên Chúa nhớ hết và coi như là công nghiệp.

Kèm theo sứ điệp hi vọng hướng về tương lai “CHÚA SẮP ĐẾN”, là một sứ điệp cho hiện tại: HOÁN CẢI, chuẩn bị cho ngày Chúa đến: bạt đồi, lấp lũng, san bằng, sửa đường cho ngay…và điều quan trọng nhất là mở rộng lòng ra ĐÓN CHÚA ĐẾN.

Thế rồi cuộc hồi hương đã được thực hiện, Đền Thờ đã được xây cất lại; Vua Ba Tư cũng qua đi, các đế quốc khác lại đến. Cuối cùng “số sót lại” của dân Chúa mới nhận ra giữa cảnh đô hộ của Rôma rằng Chúa giải cứu ta trên bình diện khác: “Cứu khỏi tội” (Mt 1,21) và Đấng Cứu Tinh chính là ĐỨC GIÊSU.

Trong bài đọc Tin Mừng, vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai tới làm Tiền hô, dọn đường cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả. Sự xuất hiện và rao giảng của ông ứng nghiệm lời Is 40,3 được nói trong bài một. Vậy điều đã loan báo xưa trong Cựu Ước, giờ đã thực sự ứng nghiệm nơi con người và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả (Mc 1,2-4a). Ông là vị tiền hô đi trước dọn đường đúng như lời Kinh Thánh thì ĐẤNG mà ông loan báo đến sau ông chính là Đấng Mêsia. Đó chính là ĐỨC GIÊSU.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chưa công khai xuất hiện, nhưng qua vai trò của vị tiền hô Gioan, chúng ta cũng nhận ra Người là Đấng Cao Trọng, Người sẽ là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần (Mc 1,8).

Trong tâm tình của chủ đề Mùa Vọng II B, Lời Chúa mời mọi tín hữu hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng cách đảm nhận vai trò TIỀN HÔ (như Gioan) cho con người thời đại chúng ta; nghĩa là sống Mùa Vọng không chỉ là chuyện RIÊNG TƯ một mình tôi với Chúa mà tôi phải như Gioan, giúp đỡ cộng đoàn, cùng với cộng đoàn, với Giáo Hội, với nhân loại dọn lòng đón CHÚA CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA.

Bài 2

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa…Mọi người từ khắp miền…kéo đến với Gioan. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan (Mc 1,3.5).

Mùa Vọng là thời gian mà nhân loại tội lỗi, thất sủng của chúng ta sống niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa hồi phục và hoàn tất lời hứa cứu độ của Người nơi chúng ta. Trong Mùa Vọng, qua nhiều nổ lực, chúng ta bày tỏ lòng tin, lòng trông cậy của mình đối với lời hứa cứu độ, tha thứ: ban cho nhân loại một ân huệ, một “Đấng Đạp Đầu Rắn” (St 3,15); Đồng thời Mùa Vọng cũng là thời gian chúng ta đổi mới tương quan nhân loại với nhau, sống thật và mãnh liệt hơn đức ái đối với nhau để chuẩn bị cho nhân tính chúng ta xứng đáng trở thành công cụ cho Ngôi Lời nhập thể.

Vậy Mùa Vọng là thời gian nhân loại chờ mong Thiên Chúa đến vì tin vào lời hứa thần linh của Người. Chúa là Chúa, nhưng Người lại đến với nhân loại như một con người. Đó là nét “bất ngờ” của việc Chúa đến mà nhân loại phải luôn tỉnh thức, biện phân để nhận ra và đón tiếp Người. Người đến để chia sẻ phận  người, đồng hành với con người và cứu nhân loại bằng thân phận làm người. Thực tế đó, qua phụng vụ Mùa Vọng, Giáo Hội đang mời đoàn tín hữu tham dự vào:

  • Thiên Chúa đã đến rồi trong biến cố giáng sinh của Đức Giêsu, cách nay khoảng 2.000 năm. Giáng Sinh là lời đáp của Thiên Chúa cho lời hứa tiên khởi mà Người đã hứa cho toàn nhân loại (x.St 3,15). Đấng đó đã đến, đã “đập vỡ đầu Rắn” bằng Thập Giá và phục sinh của Người. Nọc độc của Rắn đã bị vô hiệu hóa; Tuy nhiên “Rắn” vẫn còn tồn tại và nguy cơ bị chết vì Rắn và nọc độc của nó vẫn còn luôn rình rập vồ bắt những ai không “nhìn lên Con Rắn Đồng” (x.Ds 21,4-9). Lần đến thứ nhất này, Chúa đến như một con người, trong sự yếu đuối của con người để khởi đầu công cuộc thần linh thông phần thiên tính, thông ban sự sống thần linh cho nhân loại.

Thiên Chúa sẽ đến trong thời điểm Quang Lâm cũng trong tư cách là “một Con Người” nhưng là “con người đã được tôn vinh là Chúa” (x.Pl 2,11). Và Người đến là để hoàn tất công trình mà Người đã khởi sự trong lần đến thứ nhất.

  • Thiên Chúa đang đến trong từng giây phút của hiện tại của cuộc đời từng tín hữu và của cả dòng lịch sử nhân loại: “vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn…”. Với biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã là “Emmanuel”, vĩnh viễn ở cùng chúng ta. Với Thánh Thể thì Bánh Rượu là vật chất của vũ trụ này đã trở thành công cụ để Chúa dưỡng nuôi ta và “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”, mọi nơi mọi lúc. Với Phục Sinh và Thăng Thiên, nhân tính của con người đã được tôn vinh làm Chúa trong Đức Giêsu. Và với hồng ân Chúa Thánh Thần được trao ban cách dồi dào, Thiên Chúa cũng đang từng bước một đưa nhân tính của toàn nhân loại, của từng người chúng ta, được kết hiệp mật thiết và vĩnh viễn với thiên tính của Thiên Chúa.

Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu trên TRONG DÒNG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI, với điểm khai mạc là Giáng Sinh và điểm kết thúc là Quang Lâm. Trong thân phận giới hạn của kiếp làm người, nhân loại không thể sống cùng một lúc tất cả mọi chiều kích của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội ngang qua năm phụng vụ và qua sự phân chia ra từng “Mùa”, tạo điều kiện giúp tín hữu thông hiệp mãnh liệt vào từng khía cạnh của lịch sử cứu độ. Mùa Vọng mời chúng ta thông hiệp vào công cuộc của Thiên Chúa qua tâm điểm cụ thể là biến cố Giáng Sinh. Phụng vụ, nhất là Lời Chúa hướng tất cả về Giáng Sinh:

  • Toàn bộ Cựu Ước và cả nhân loại nữa kể từ St 3,15 qui hướng về biến cố Giáng Sinh như điểm đến xuôi thuận theo dòng thời gian. Đó là Mùa Vọng Cựu Ước. Phụng Vụ diễn tả chiều “xuôi thuận” này trong bài đọc một.

  • Còn Mùa Vọng của Tân Ước, tức thời chúng ta đang sống hôm nay thì Lời Chúa trong bốn bài đọc Tin Mừng của bốn Chúa Nhật Mùa Vọng được trình bày theo chiều đi ngược dòng thời gian: Chúa Nhật I nói về biến cố Quang Lâm; Chúa Nhật II và III nói về giai đoạn Đức Giêsu đã 30 tuổi, sắp xuất hiện rao giảng công khai; Còn Chúa Nhật IV trước ngày 25/12 lại đề cập đến những biến cố cận kề ngay trước ngày Giáng Sinh.

Vậy Mùa Vọng trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai đều quy hết về biến cố Giáng Sinh lịch sử như là định hướng cho chúng ta. Giây phút hiện tại của chúng  ta phải được soi sáng và định hướng bởi biến cố CHÚA ĐẾN: đến trong Giáng Sinh để khai mạc, vạch chương trình, trao ban phương tiện hành động; và đến trong Quang Lâm để hoàn tất. Giữa hai lần đến là cuộc sống hiện tại của chúng ta. Trong giai đoạn này Chúa vẫn đến với TỪNG NGƯỜI CHÚNG TA, đến như một con người nhưng đồng thời cũng đến như một Vị Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mặc khải như thế: “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

Vậy theo phụng vụ, Tin Mừng tuần II và III Mùa Vọng là một chuẩn bị cho việc Đức Giêsu sắp xuất hiện công khai, sống với dân Do Thái ngay trong hiện tại của cuộc sống hằng ngày. Tin Mừng của hai tuần này chuẩn bị cho chúng ta gặp và đón một Giêsu khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên Đức Giêsu chưa ra gặp trực tiếp dân, Người chỉ mới được Gioan giới thiệu là “Đấng Sẽ Đến”. Do đó có nhiều người, vì ít biết về giáo lý, đã cứ tưởng rằng Tin Mừng Chúa Nhật II và III Mùa Vọng là Gioan Tẩy Giả giới thiệu về HÀI NHI GIÊSU; Và như thế kéo theo sai lầm nữa là tưởng rằng Gioan lớn hơn Đức Giêsu đến 30 tuổi. Vì sau đó, Tin Mừng của Chúa Nhậ IV Mùa Vọng lại nói về “Truyền tin cho Giuse” (năm A), “Truyền tin cho Maria” (năm B), và “Maria đi viếng Elisabet” (năm C); rồi đến 25/12 là Giáng Sinh. Thật ra, Giáo Hội không sao chép lại lịch sử theo thứ tự thời gian như những biến cố chết. Giáo Hội đang hiện tại hóa một mầu nhiệm, một sự sống (đã được Thiên Chúa dự tính và sẽ thực hiện dần trong dòng lịch sử) cho một nhân loại cụ thể đang sống cái hiện tại của “ngày hôm nay”, trong phận làm người hữu hạn.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là đoạn mở đầu của Tin Mừng Marcô. Đoạn này giới thiệu nội dung chính của sách Tin Mừng Marcô và trình bày sứ mạng của Gioan. Đức Giêsu chưa trực tiếp xuất hiện trong đoạn này.

  1.  Giới thiệu nội dung chính của sách Tin Mừng Marcô: 1,1

Tin Mừng Marcô mở đầu bằng một mệnh đề khuyết, không có động từ: “sự khởi đầu của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Đó như là lời đề tựa giới thiệu cho độc giả nội dung chính của cuốn sách. Điều mà Marcô muốn viết là một Tin Mừng. Tin Mừng đó là gì? Tin Mừng đó chính là GIÊSU, một con người đang sống như bao con người khác trong một cộng đồng nhân loại. Bề ngoài không có gì khác biệt với anh em mình; Nhưng con người đó lại là chính Đấng Mêsia (dịch ra tiếng hi lạp là “Kitô”) mà Thiên Chúa đã hứa ban và cả Cựu Ước đã loan báo và đợi trông. Và còn hơn thế nữa, Giêsu đó là Con Thiên Chúa. Trong toàn bộ Tin Mừng của mình, Marcô trình bày và làm sáng tỏ chân lý đó. Hai đỉnh cao của Tin Mừng Marcô là lời tuyên tín của Phêrô : “Thầy là Đấng Kitô” (8,29) và của viên sĩ quan khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá: “Quả thật, con người này là Con Thiên Chúa” (15,39).

Tin Mừng cho chúng ta chính là nhận biết được rằng trong nhân loại tội lỗi, đã có một con người được Thiên Chúa chọn làm Đức Kitô, và hơn nữa còn là Con Thiên Chúa. Đó là bước khởi đầu mở đường cho hồng ân toàn thể nhân loại được thông phần thiên tính với Đức Kitô.

  1. Sứ vụ dọn đường của Gioan Tẩy Giả:

 2.1 Đã được báo trước từ Cựu Ước (Mc 1,2-3) nghĩa là đã được Thiên Chúa dự tính trước từ bao đời. Lời Thiên Chúa báo trước dự tính của Người là một dấu chỉ biện phân giúp cho các thế hệ tương lai có được chuẩn mực để nhận ra thời đại của Chúa đã đến, nhận ra người mà Chúa gởi đến đã xuất hiện. Thật vậy, làm sao người nghe nhận được rằng sứ điệp đó đến từ Thiên Chúa? Trong dòng Cựu Ước, Thiên Chúa đã cho những người được Chúa chọn xin các dấu chỉ để một khi dấu chỉ ứng nghiệm thì phải tin và lên đường thi hành sứ mạng: Ví dụ như các trường hợp của Gêđêon (Tl 6,36-40); của vua Akhat (Is 7,10-14); của vua Khit Ki gia (Is 38, 22.7-8)… Vậy tất cả những gì có liên quan tới Đấng Mêsia, những gì giúp nhận ra Người khi Người đến đều là Tin Mừng cho toàn dân.

2.2 Những lời đó ứng nghiệm vào cuộc đời Gioan Tẩy Giả (1,4-6): Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, rao giảng và làm việc thì những nét đặc biệt nơi con người ông ứng nghiệm lời loan báo của ngôn sứ nói trên: – Ông xuất hiện trong hoang địa (c.4); – ông là người đi trước dọn đường (c.7; Đức Giêsu là Đấng Đến Sau ông); – ông chuẩn bị lòng người qua việc rao giảng hoán cải, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (c.4b) những nét ứng nghiệm lời ngôn sứ nói trên rõ ràng là dấu chỉ cho thấy thời thiên sai tới rồi, đó quả thật là Tin Mừng đoàn dân đang mong đợi. Thêm nữa cách ăn mặc của ông cho phép nhận ra ông thuộc hàng ngôn sứ (x.Dcr 13,4), là hiện thân của Elia (x.2V 1,8) là đấng đã được rước về trời rồi sẽ trở lại để làm tiền hô cho Ngày Cánh Chung (x. Ml 3,23). Vậy khi xác định Gioan chính là Elia (xem thêm Mc 9,11-13), vị tiền hô của thời cánh chung, thì Marcô đã kín đáo giới thiệu trước, ngay khi Đức Giêsu chưa xuất hiện, Người chính là Đấng Mêsia, là “Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người” thời chung cuộc. Và như vậy thì việc Gioan thi hành sứ vụ cũng là “khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” rồi.

2.3 Loan báo Đấng Mêsia (1,7-8): trong hai phần trên, Gioan vẫn đóng một vai thụ động: ông hoàn toàn im lặng và chỉ được đề cập tới ở ngôi thứ ba số ít. Đến câu 7-8, ông bắt đầu lên tiếng. Lời đầu tiên của ông là tâm tình khiêm tốn tự hạ trước Đấng Mêsia về tư cách (không đáng cúi xuống cởi quai dép) lẫn về sứ mạng (làm phép rửa trong nước so với làm phép rửa trong Thánh Thần)

Đáp lại sứ điệp của ông, đám đông ùn ùn kéo tới, thú tội và ông làm phép rửa cho họ. Như vậy uy tín của ông rất lớn và đang lên; nhưng trước Đấng Mêsia, ông vẫn khiêm hạ: ông không đáng làm nô lệ, cởi dép cho Người; tâm tình của ông là “Người phải nổi bật lên còn tôi phải lu mờ đi” (x.Ga 3,30).

Trong Tin Mừng của Chúa Nhật Mùa Vọng II B, Đức Giêsu chưa xuất hiện, nhưng dung mạo và sứ điệp thần linh của Người đã hiện diện nhờ lời giới thiệu, chứng từ, lối sống của Gioan. Trong cuộc sống chúng ta hôm nay, Đức Giêsu cũng không hiện diện hữu hình nữa nhưng Người vẫn hứa “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và hứa sẽ trở lại vào ngày Quang Lâm. Trong khi chờ ngày ấy đến, cuộc đời của các ki tô hữu, cá nhân, gia đình, cộng đoàn…hãy là dấu chỉ, chứng từ thuyết phục giúp nhân loại nhận ra Đức Giêsu đang đồng hành với nhân loại trong dòng lịch sử, đang cùng chúng ta song hành tiến về ngày Trời Đất Mới minh nhiên xuất hiện.

Frère Pierre Đình Long FSC