Tháng 11 Ngày 4

 Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Những hy sinh này làm cho tình yêu trở thành một bông hoa giữa  sa mạc, được hướng dẫn bởi cột  trụ Thánh Thể. Tất cả những  gì con nói với cha về sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn con cho thấy tình yêu đang hoạt động. Rất tốt” [Gửi cho bà Clotilde Tholin Bost, 1/1866]

 Sau khi đọc những bài viết của cha Eymard với  việc lập đi lập lại tình yêu là tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu, thì theo lẽ tự nhiên, chúng ta muốn có tình yêu như nguyên lý hướng dẫn cho toàn bộ  đời  sống  chúng ta. Thế nhưng sau đó, chúng ta có biết làm thế nào để mình đi đúng đường không? Chất thử a-xít về sự hiện diện của tình yêu trong hoạt động của chúng ta chính là chúng ta sẵn sàng đón nhận bất kỳ sự hy sinh nào để đem lại ích lợi cho người mình yêu, không quan tâm đến cái giá phải trả như thế nào. Nét tinh túy của nguyên lý này chính là khi có một câu hỏi về một hy sinh như  thế, chúng ta không dừng lại để suy xét xem nó đáng giá thế nào hay đau khổ thế nào, thì chúng ta mới sẵn sàng và mau mắn thực hiện điều không thể. Do vậy, những hy sinh của chúng ta có thể làm cho tình yêu nở rộ thậm chí là ngay trong sa mạc khô cằn nhất.

Một dấu hiệu đáng tin cậy khác đó là sự an bình nội tâm và sự bình tĩnh mà người ta cảm nghiệm được khi tình yêu chân thật xuất hiện. Điều này đúng, đặc biệt khi người ta đạt đến tình yêu. Người ta được an toàn trong những việc mình làm. Nói  cách khác, người ấy yêu không phải để tìm được điều gì đó nơi người mình yêu, hay để gây ấn tượng cho người mình yêu và làm cho  họ mắc nợ mình, hay thậm chí là để tìm kiếm sự biết ơn hay sự đón nhận. Khi người ta tin rằng người ta thực sự được chấp nhận vì người ta là, bấy giờ việc cho đi sẽ thực sự vô vị lợi và vì thế  kết quả của việc cho đi chính là một sự an bình sâu thẳm và cảm xúc dâng trào.

Nơi đâu thiếu vắng sự cho đi vô vị lợi này, thì thao thức sâu thẳm bên trong luôn luôn kéo dài, và cũng chẳng có những dấu chỉ hay những biểu hiện của lòng biết ơn cũng như sự đón nhận từ phía người mình yêu, những điều này dường như không bao giờ đủ vì người ta luôn luôn tìm kiếm nhiều hơn thế. Kiểu thao thức sâu thẳm bên trong này giống như một cái xô không đáy, người ta càng đổ nước vào bên trong cái xô bị thủng ấy, thì nước càng chảy ra ngoài và lại càng cần đổ thêm vào! Nói chung, điều này xảy ra khi người ta cho đi tình yêu hay thể hiện những hành động yêu thương theo cách của mình. Thế nhưng, nơi đâu Thiên Chúa tự do hành động và nơi đâu người ta biết khởi sự hành động và đem theo hành động này trên mọi nẻo đường, thì nơi đó có một cảm xúc bình thản và an bình tột độ, thậm chí khi hành động yêu thương không tìm được một lời đáp trả cân xứng từ phía người nhận! Hay như khi hành động ấy không được chuẩn bị theo cách đã dự định, thì sự an bình sâu thẳm và bình thản ấy sẽ ở lại mãi nơi người làm! Sau cùng, ‘cơm bưng nước rót đến tận miệng rồi mà vẫn có thể để vuột mất’ và do đó kết quả từ những hành động của chúng ta không phải lúc nào cũng nằm trong tay chúng ta.

Vì thế, khi một ai đó nhận được sự an bình nội tâm sâu thẳm này, người ấy có thể đoan chắc rằng cuộc đời và những hành  động của mình đang đi đúng hướng và tất cả mọi sự đang diễn ra tốt đẹp, mặc dù có rất nhiều việc cần phải làm. Tất cả những gì người ấy cần làm ngay bây giờ đó là phải chắc chắn rằng Cái Tôi không còn len lỏi vào những giai đoạn sau đó và làm hủy hoại toàn bộ công trình từ khởi sự cho đến hoàn thành. Người nào tiếp tục ngước nhìn Chúa và lắng tai nghe tiếng Ngài, người ấy sẽ tiến một bước dài trên con đường hoàn thiện về tâm linh! Những rủi ro bất chợt sẽ không được phép ngăn trở sự thăng tiến tuyệt vời này.

Trong việc cầu nguyện, hãy khao khát sao cho được Chúa nuôi dưỡng hơn là làm cho mình được trở nên trong sạch, hay tự khiêm tự hạ… hãy nuôi dưỡng linh hồn con bằng chân lý thể hiện nơi sự thánh   thiện   của   Thiên   Chúa hướng về con, cùng với sự mỏng dòn của tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta! Ta có thể làm gì cho con?… Đó chính là ngọn lửa phát ra từ lò sưởi”. [Gửi cho bà Natalie Jordan, 8/1867]

Đây là phần tiếp theo của lời khuyên đã được đề cập đến trong bài  suy  niệm trước  và không lấy gì làm ngạc nhiên khi lời văn cũng tương  tự  như  vậy. Chúng ta tán thành với những gì đã được nói đến trong bài suy niệm trước và chỉ tập trung vào  thái  độ  then  chốt của   người   đang   tìm kiếm sự kết hiệp với Thiên Chúa. Có lẽ hình ảnh tiêu biểu nhất trong Tin Mừng chính là hình ảnh cô Maria làng Bê-ta-ni-a ngồi bên chân Chúa: ‘Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì bận rộn lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Ngài, em con để con phục vụ một mình, mà Ngài không lưu ý sao? Xin Ngài bảo nó giúp con một tay!” Nhưng Chúa trả lời cô: “Mác-ta, Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,39-42)

Trong bức tranh này, chúng ta thấy Maria đã ngồi (vị trí và tư thế của một người môn đệ) dưới chân Đức Giê-su chỉ để lắng nghe Người. Cô để Người nói hết, nhưng lại đối đáp một cách rất khôn ngoan những điều Người nói. Đức Giê-su dẫn dắt, còn cô thì sẵn sàng bước theo. Nếu chúng ta ở đó, chúng ta sẽ chú ý đến sự say mê lắng nghe của cô. Cô đã kín múc không chỉ lời, mà còn cả con người của Đức Giê-su. Cô đã làm cho Người thấy rằng Người chính là trung tâm đời sống của cô và cô thuộc trọn về Người. Cô không mấy quan tâm đến sự phù hợp về tư thế hay cử chỉ của mình, hoặc thậm chí đến những lời mà cô đã nói. Phải chăng cô đã không hiện diện ở đó như viên đất sét trong tay người thợ gốm, sẵn sàng bị nhào nặn theo kế hoạch và ý muốn của ông chủ? Không cần phải nói, chính Đức Giê-su đã thực sự hài lòng về nỗ lực của cô và hơn nữa là về sự gần gũi của cô.

Trái lại, Mác-ta thì quá bận rộn với những kế hoạch và ước vọng của bản thân. Dù được khởi đi từ tình yêu, nhưng những kế hoạch và ước vọng ấy lại bắt nguồn từ chính bản thân cô hơn là từ Đức Giê-su. Cô đã không hỏi thăm Người, dù chỉ một lần: “Ngài muốn con làm gì cho Ngài, lạy Chúa?!”. Cô biết những gì cô muốn làm và vui thích với công việc mình làm. Vào cuối buổi tối khi cô đã tiếp đãi Đức Giê-su, thì những nhận định của cô có lẽ sẽ giống như thế này ‘tất cả những gì tôi làm đều diễn ra một cách tốt đẹp, mà không gặp một cản trở nào!’ và khi ấy cô sẽ tạo được nhiều uy tín cho chính mình. Thậm chí sẽ không thể tránh được trường hợp là cô sẽ đi dò hỏi và xem xem vị khách Giê-su có thực sự vui thích khi ở với những người bạn của mình hay không!

Và điều làm lộ ra thái độ tự mãn của cô chính là sự kiện cô đã không bằng lòng với người em gái Maria khi cô này cứ ở bên vị thượng khách thay vì phải giúp chị mình chuẩn bị bữa ăn. Thậm chí Mác-ta còn than phiền với Đức Giê-su để nài xin và khiến Người bắt Maria phải giúp đỡ cô! Chỉ khi biết chiêm ngắm hình ảnh này với sự bình thản và lòng quảng đại thì người ta mới có thể nhận ra đâu là những phẩm chất mà mình cần phải có, dù cho Đức Giê-su đã không đề cập đến bất cứ phẩm chất nào. Bấy giờ, nếu người ta biết đặt phẩm chất ấy vào bàn tay của Thần Khí đồng thời biết dâng bản thân mình vào tay Người, thì Người sẽ lo liệu mọi sự một cách hiệu quả hơn so với những gì chúng ta có thể tự mình làm lấy.