CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY – năm A

  Bài 1

 St 12,1- 4a ; Mt 17, 1-9
Chủ đề: Thiên Chúa tỏ vinh quang thần linh cho người được chọn: Lệnh truyền và vâng phục.                             

  • St 12,1.4: YAVÊ nói với Abram “Hãy rời bỏ xứ sở … đi tới đất Ta sẽ chỉ cho. Abram ra đi như YAVÊ phán.

  • Mt 17,5: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Hãy vâng nghe Lời Người ”.

Chủ đề Lời Chúa của Chúa Nhật 2A Mùa Chay là việc Thiên Chúa biểu lộ vinh quang thần linh của Người cho những ai được tuyển chọn. Mục đích là để giúp họ, một khi đã nếm cảm phần nào hoa trái tuyệt vời của lộ trình đi theo Chúa, thì họ có đủ can đảm, có động cơ dấn bước trung tín đến cùng theo con đường mà Thiên Chúa đã mời gọi họ theo, cho dù dọc đường gặp nhiều trắc trở, gian nan.

Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật 2A Mùa Chay, cho cả ba năm ABC đều là trích đoạn Đức Giêsu Hiển Dung, còn gọi là biến hình, trên núi cho ba môn đệ ưu tuyển: Phêrô-Gioan và Giacôbê. Đây là ba môn đệ được Đức Giêsu cho tham gia trực tiếp vào các biến cố lớn trong cuộc đời rao giảng của Người: chứng kiến việc Đức Giêsu cho con ông trưởng hội đường Gia-ia sống lại (Mt 5,37-40; Lc 8,51); cho thấy cảnh Chúa Hiển Dung (Mt 17,1-9); được Đức Giêsu chọn đi theo Người cầu nguyện trước khi Người bị nộp (Mt 26,27;Mc 14,33). Mục đích là chuẩn bị tích cực giúp các ông đương đầu với Thập Giá. Còn bài đọc 1 sẽ thay đổi theo năm; Nhưng dưới ánh sáng Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu thì nội dung các bài này đều quy hướng về chủ đề: chuẩn bị để đón nhận Thập Giá và Phục Sinh.

Thật vậy bài đọc 1 năm A thuật lại việc Thiên Chúa bắt đầu công trình tái thiết nhân loại đã bị chia rẽ trầm trọng do vụ Tháp Babel gây ra: Thiên Chúa chọn một người chưa hề biết Chúa ở vùng Lưỡng Hà tên là Abram, mời ông đi theo Người, cộng tác vào công cuộc lớn lao của Người.

Lúc được Chúa gọi, Abram là một tộc trưởng giàu có: có gia sản, có thần linh, đất đai, quyền thế, nói chung là khá an toàn về mặt cuộc sống, nhưng tất cả đều vô ích đối với ông vì vợ chồng ông đã lớn tuổi lại son sẻ, vô sinh. Lúc Chúa gọi, ông đã 75 tuổi (St 12,4).

Khía cạnh Thập Giá ẩn tàng trong bài 1 nằm trong Lời mời gọi TỪ BỎ  của Thiên Chúa, từ bỏ tất cả những an toàn ông đang có để ra đi, theo lời mời của Thiên Chúa, nhưng lại không biết sẽ đi đâu: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi ”.

Tuy nhiên bên trong lời mời Thập Giá từ bỏ ấy, một mầm sống vĩ đại đã hé nụ, ngang qua Lời Thiên Chúa hứa: có ĐẤT MỚI; chẳng những thoát nạn vô sinh mà còn TRỞ THÀNH MỘT DÂN LỚN; được chúc phúc và trở thành NGUỒN PHÚC cho chư dân.

Chỉ một lệnh truyền, chỉ một lời hứa, YA đã tỏ lộ uy quyền thần linh của một vị Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán …tức thì có …”. Abram đã từ bỏ tất cả, ra đi đúng như lệnh Chúa truyền và lịch sử cứu độ mở đầu.

Cũng nên biết thêm rằng: Lúc được Chúa gọi mời, Abram đã đang vác một Thập Giá nặng nề: già, vô sinh, nguy cơ tuyệt tự. Tuy nhiên Thập Giá đó là một gánh nặng hủy diệt đối với Abram, cả về tinh thần lẫn thể xác.

Rồi Thiên Chúa can thiệp: từng bước một, Người biến đổi “Thập Giá gánh nặng hủy diệt” ấy trở thành “Thập Giá dẫn đến sự sống” và mời gọi Abram CHUNG VÁC VỚI CHÚA ngang qua LỜI HỨA của Thiên Chúa với Abram mà phụng vụ dùng làm bài đọc I Chúa Nhật 2A Mùa Chay. Thập Giá Chúa mời Abram CÙNG VÁC VỚI CHÚA gồm hai điểm:

  1. Từ bỏ tất cả những tiện nghi, an toàn đang có để ra đi theo tiếng Chúa mời cách vô điều kiện;

  2. Can đảm kiên trì theo Chúa, chờ thời điểm Chúa thực hiện lời hứa, dù thực tế trong hiện tại hầu như là vô vọng: tuổi càng cao, hi vọng càng giảm. Phải vác “Thập Giá chờ đợi” đó 25 năm.

Lúc đó, 25 năm khắc khoải đợi chờ lại trở thành “dấu chỉ đầy thuyết phục” giúp Abraham (đã được Chúa đổi tên) nhận ra Tình Yêu Quyền Năng tuyệt đối của Thiên Chúa và cách thức hành động diệu kỳ vượt sức con người của Chúa.

Nhờ đó sau này, Abraham luôn dám chọn (chiến đấu) làm theo Ý Chúa dù thực tế trước mắt, trí khôn con người không sao hiểu được (Chúa đòi hiến tế Isaac).

Cũng thế, trong Tin Mừng, các môn đệ sau một thời gian theo Đức Giêsu, đã tôn nhận Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); Tuy nhiên con đường phải đi để biểu lộ uy quyền thiên sai PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ  thì các ông không chịu nổi. Thật vậy khi Đức Giêsu hé mở lộ trình thập giá thì Phêrô đã cản lối và bị Chúa mắng là Satan (16, 21-23). Để giúp các ông can đảm dấn bước theo Đức Giêsu trên đường Thập Giá, Người đã hé lộ vinh quang thần linh qua biến cố Hiển Dung.

Qua một thoáng vinh quang thần linh của biến cố Hiển Dung chợt lóe lên rồi ngay sau đó quay về lại với cuộc sống bình thường, sứ điệp mà Thiên Chúa Cha muốn bày tỏ cho các môn đệ Đức Giêsu là “các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Con người tầm thường mà các môn đệ đang chung sống là “Con Yêu Dấu của Chúa Cha, Cha hài lòng về Người”.

Như vậy dòng lịch sử nhân loại với những ô uế của nó, thân phận con người yếu đuối, tội lỗi, các biến cố, những thăng trầm của kiếp người đều có thể là nơi Chúa biểu lộ vinh quang thần linh NHỜTRONG Đức Giêsu Kitô. Lời Chúa hôm nay mời chúng ta xác tín: Thập Giá là đường dẫn tới vinh quang thần linh. Hãy can đảm dấn bước trên con đường này bằng cách VÂNG NGHE LỜI ĐỨC GIÊSU Đấng đã Phục Sinh lên trời nhưng vẫn còn đang đồng hành với chúng ta trong kiếp người, trong tha nhân, trong dòng lịch sử nhân loại để đưa toàn bộ vũ trụ đến vinh quang thần linh vĩnh cửu.

Trong liên đới với chủ đề CHIẾN ĐẤU của cả Mùa Chay  – Chiến đấu để đón nhận HỒNG ÂN LÀM NGƯỜI .

– Chiến đấu để SỐNG ƠN LÀM NGƯỜI.

Lời Chúa của Chúa Nhật 2A Mùa Chay nhắc nhở: Thập Giá gắn liền với thân phận loài người tội lỗi và cuối cuộc đời tội lỗi đó là cái ngõ cụt: chết trầm luân.

May thay nhờ Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa đã đảm nhận phận LÀM NGƯỜI nên Thập Giá đó lại là con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh (Pl 2,6-11).

Vậy chấp nhận trọn vẹn cuộc sống thường ngày của kiếp làm người với mọi hệ lụy của nó, trong xác tín có “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta” (La San) và tâm tình “thờ lạy Thánh Ý Chúa trong mọi sự đối với con” (Gioan La San); Đó chính là con đường duy nhất đưa nhân loại đến vinh quang thần linh.

Đó là khía cạnh CHIẾN ĐẤU mà Chúa Nhật 2A Mùa Chay mời gọi chúng ta.

Bài 2

  “Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung mạo Người chói lọi như mặt trời ( Mt 17,2 )… và có tiếng từ đám mây phán rằng “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” ( 17,5 ).

Phụng vụ bước vào tuần lễ thứ hai Mùa Chay. Ngày hôm nay thường được gọi là CHÚA NHẬT HIỂN DUNG, vì bài đọc Tin Mừng của cả ba năm ABC đều thuật lại biến cố Đức Giêsu biến hình hé lộ vinh quang thần linh của Người cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Biến cố này diễn ra sau vụ các môn đệ bị vấp ngã sau khi nghe Đức Giêsu hé mở về mầu nhiệm Thập Giá (Mt 16, 21-23). Đức Giêsu phải vực dậy lòng tin các ông để các ông can đảm bước theo Người trên con đường Thập Giá (16, 24-28).

Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng: nhằm chuẩn bị cho các tín hữu sẵn sàng đương đầu và vượt thắng được Thập Giá của Thứ Sáu Tuần Thánh và bước vào vinh quang phục sinh. Một trong những phương thức hiệu quả giúp con người dễ vượt qua các thử thách, lướt thắng được các trở lực dù lớn lao, là hiểu rõ được ý nghĩa , động lực, cùng đích của việc mình làm. Lời Chúa của Chúa Nhật 2A mùa Chay nhắc nhở cho các tín hữu rằng việc chính yếu của Mùa Chay không chỉ là việc đạo đức cá nhân: ăn chay, sám hối, cầu nguyện, bố thí… nhưng quan trọng hơn là việc cả cộng đoàn cùng nhau suy gẫm và hội nhập vào động cơ, cùng đích của Thiên Chúa được Giáo Hội gợi lên trong Lời Chúa.

Thật vậy, chay tịnh, hãm mình, bố thí… kể cả cầu nguyện chỉ là những phương thế hữu hình, những con đường phải vượt qua chứ không phải là đích đến. Nếu chúng ta bằng lòng và dừng lại chỉ ở những việc làm bên ngoài đó thì đúng là một gánh nặng và cũng sẽ là phi lý, vô nghĩa nếu chỉ thực hiện chúng trong Mùa Chay. Phải tiếp tục chiến đấu! Lời Chúa hôm nay đưa tín hữu đối đầu với một chiều kích mới, một cám dỗ mới để thể hiện ơn gọi làm người .

Chiến đấu để từ bỏ những điều tốt đẹp trong quá trình làm người đã thu gom được để tiếp tục ơn gọi làm người, tiếp tục đi theo và nghe lời Đức Giêsu.

Bài đọc 1 là trích đoạn trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa mời gọi Abram là một tộc trưởng giàu có, đang sống an ổn giữa bà con, dân tộc, thần linh của bộ tộc mình, hãy bỏ đi tất cả những an toàn đó để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vô định “mà Chúa sẽ chỉ cho”. Bù lại cho những đòi hỏi gây xáo trộn, bất ổn đó, chỉ là MỘT LỜI HỨA. Lời hứa đáp trả lại nỗi khát vọng gần như là cạn kiệt của Abram: cho ông một đứa con, và hơn nữa là cả một dòng dõi đông đúc.

Bỏ cái an toàn mà BẢN THÂN MÌNH ĐANG NẮM CHẮC TRONG TAY.

Để đặt hết vận mạng tương lai mình vào MỘT LỜI HỨA CÒN TRONG TƯƠNG LAI do Thiên Chúa đoan hứa.

Trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu tiếp tục mời các môn đệ xác tín hơn vào con đường từ bỏ: lần trước là bỏ chài lưới, vợ con, làng xóm…và lần này là bỏ những khát vọng hạnh phúc mà các ông được Thiên Chúa cho nếm cảm trước phần nào, để tiếp tục hành trình Thập Giá theo Người tới Golgôtha.

Vác thập giá! Ai cũng sợ, kể cả Đức Giêsu (Mt 26,39). Nhưng nếu nhận ra được đó là Ý Cha (Mt 26,39b) và với tình yêu mong “Ý Cha thể hiện” (Mt 6,10) thì đó là điều tuyệt đối cần thiết để ơn cứu độ được hoàn tất nơi cá nhân cũng như cho toàn nhân loại. Vì thế Đức Giêsu bằng mọi giá phải cũng cố đức tin của môn đệ vào con đường Thập Giá (Mt 16,21-28) và Hiển Dung là dấu ấn của Thiên Chúa Cha ấn ký vào con đường Thập Giá mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ ( Mt 17,5 ).

Qua bài đọc 1, ta thấy tình trạng ban đầu của Abram là một ông già vô sinh, không hy vọng có con. Đó đúng là một Thập Giá, nhưng là Thập Giá của kiếp làm người do các hậu quả của tội gây nên. Thế nhưng về mặt vật chất phải nói là ông khá sung túc. Bấy giờ Thiên Chúa cất tiếng mời Abram đi, từ bỏ tất cả những an toàn ông đang có để đổi lại một lời hứa trong tương lai: Abram trở nên ông tổ của một dân đông đúc. Động lực và cũng là cùng đích thúc Abram dám dấn bước phiêu lưu là vì lời hứa. Một lời hứa đụng chạm đến khát vọng thẳm sâu trong Abram: mong có con !.

Để giúp các tín hữu hoàn tất cách tốt đẹp và ý nghĩa hành trình Thập Giá Mùa Chay, Chúa Nhật 2A cho thấy động lực của đường Thập Giá là Ý Cha và cùng đích tới là Phục Sinh. Đường Thập Giá không phải là đường cạm bẫy, gây khổ đau, mà là đường tôi luyện (chiến đấu) trong hy vọng. Ý Cha thể hiện mới là động lực, cùng đích của Mùa Chay.

BÀI ĐỌC 1:St 12, 1-4a

Đây là trích đoạn mở đầu của phần hai sách Sáng Thế. Phần đầu St 1-11 là một suy tư thần học và khôn ngoan về cội nguồn vũ trụ và nhân loại theo cái nhìn Kitô giáo. Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều hài hòa tốt đẹp; Thế nhưng con người được Thiên Chúa trao quyền làm chủ vũ trụ, đã lạm dụng tự do, khước từ ý định yêu thương của Thiên Chúa trên mình và vũ trụ. Kết quả là khổ đau, sự ác, tử thần luôn đe dọa hủy diệt tất cả ( Hồng Thủy ). May thay Thiên Chúa thứ tha, tái lập lại trật tự… nhưng con người vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục chạy theo những dự tính riêng của mình ( xây tháp để lưu danh ) và 11 chương đầu kết thúc bằng sự đổ vỡ : nhân loại chia rẽ. Phần Thiên Chúa, Người im tiếng.

          Tưởng chừng Thiên Chúa đã bỏ cuộc !? Đột ngột, Thiên Chúa lại lên tiếng. Người muốn nối lại mối tương giao. Chúa luôn trung tín với công trình sáng tạo của Người. St 12-50 là phần 2 của sách Sáng Thế. Thiên Chúa bắt đầu công trình tái thiết.

        Thiên Chúa không đơn phương làm việc một mình nữa. Người mời gọi con người cộng tác hoàn tất dự tính của Người. Mở đầu Thiên Chúa chọn một người dân vùng Lưỡng Hà mang tên là Abram; mời gọi ông từ bỏ mọi an toàn, tiện nghi của một người giàu sang để ra đi theo tiếng gọi của Người, dám lên đường phiêu lưu, trao phó tất cả cho Người. Căn nguyên của mọi đổ vỡ xảy ra trong St 1-11 là vì con người nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa, không tin vào Người. Giờ đây để tái thiết, Thiên Chúa đang cần những con người dám phó thác trọn vẹn mọi sự một cách vô điều kiện cho Chúa. Và Thiên Chúa khởi đầu với việc chọn gọi Abraham.

1/ Thiên Chúa mời gọi Abram

  • Ya vê phán:

  • Lời sáng tạo và chúc lành của Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự, là căn nguyên mọi điều tốt lành ( St 1-2 ) đặc biệt với con người ( St 1,28 ). Thế nhưng con người không vâng lệnh Chúa, đưa tới nguy cơ mọi sự sẽ bị hủy diệt hoàn toàn bởi Hồng Thủy. May thay Thiên Chúa không loại bỏ công cuộc tay Người. Người đã tái thiết với Nôê.

  • Công cuộc tái thiết cũng được khởi sự bằng Lời Chúa: “ Thiên Chúa phán với ông Nôê …” (St 6,13); Và mọi sự tiếp tục với lời chúc lành của Chúa (St 9,1). Thế rồi khi con người nên đông đúc, hùng mạnh, họ lại hè nhau đòi xây một cái tháp, đỉnh đụng tới trời để lưu danh muôn thuở (St 11,4).

Kết quả là đổ vỡ, phân tán…

Một thời gian dài, Thiên Chúa im tiếng. Người đang chuẩn bị cho một lần can thiệp mới. Từ đống đổ nát của nhân loại, Thiên Chúa chọn ra một mầm sống và bắt đầu tái tạo. Bắt đầu với số ít: chọn Abram và chọn phương pháp làm việc dành cho con người: đào tạo từng bước một.

– Và công cuộc tái thiết cũng khởi đầu bằng một LỜI, một lệnh truyền của Thiên Chúa. Một lệnh truyền kèm theo một lời hứa.

  • Hãy rời bỏ… mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.

Lúc nghe tiếng Chúa gọi, Abram đang là một hậu duệ của một nhân loại tội lỗi, và chia rẽ, không còn biết Thiên Chúa là ai. Về mặt trần thế, lúc được gọi trong hiện tại, Abram tạm có đầy đủ: gia tài, quê hương, cội nguồn, thần linh,… Thế nhưng tương lai của ông là một bóng đêm dày đặc của sự diệt vong, tuyệt tự: lớn tuổi rồi mà không có con. Chính ông cũng nhận ra được thực trạng đáng buồn ấy của mình và không còn hy vọng gì nữa từ phía con người (x. St 15,2-3). Trong bối cảnh hoàn toàn thất vọng như thế, Chúa lại lên tiếng bằng lời mời gọi Abram:

– Lời đầu tiên là từ bỏ: Từ bỏ những cội nguồn từng giữ ông lại trong tình trạng xa cách Thiên Chúa: xứ sở, họ hàng, nhà cha. Những thứ vốn là an toàn, chỗ cậy dựa cho ông từ bé tới giờ; Nhất là giờ đây chúng lại càng cần thiết hơn cho ông lúc về già lại không con. Trong tình cảnh của ông, “ra đi” gần như đồng nghĩa với mất tất cả.

– Lời tiếp theo là phó thác: “đi đến đất Ta sẽ chỉ cho”.       Vấn đề càng phi lý hơn khi ra đi mà không biết mình đi đâu (Dt 11,8 ). Chúa muốn huấn luyện cho Abram thái độ tín thác vô điều kiện vào Chúa, Người đặt ông vào tình trạng không có gì để bám víu ngoài Thiên Chúa, chỉ còn cậy dựa vào một mình Chúa thôi. Xưa nhân loại mất tất cả là vì không tín thác vào Chúa, nghi ngờ đường lối Thiên Chúa; Giờ đây để tái thiết, Thiên Chúa cần đạo tạo nên những con người biết Tín Thác tất cả cho Thiên Chúa vô điều kiện.

2/ Lời hứa một tương lai tươi sáng ( St 12,2-3 )

  • Một dòng dõi “ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (c.2a):

  • Một phúc lành:

  • Cho cá nhân Abram:

* Được Chúa CHÚC PHÚC , làm tên tuổi lẫy lừng (c.2b )

* Được Chúa bảo đảm phúc lành: CHÚC PHÚC cho ai CHÚC PHÚC Abram.

Nguyền rủa ai nhục mạ Abram ( c.3ab )

  • Cho mọi người qua Abram :

*  Abram sẽ là một mối PHÚC LÀNH  ( c. 2c)

*  Nhờ ông, mọi gia tộc sẽ được CHÚC PHÚC  (c.3c)

Dòng dõi: lời hứa hoàn toàn đi ngược lại với thực trạng của Abram! Thiên Chúa mỉa mai, đùa cợt cái đau khổ của Abram ? Không! Thiên Chúa đang đào tạo , từng bước một, từ từ… Chúa muốn có được một con người dám hoàn toàn phó thác cho Chúa. Đó là bước đầu tuyệt đối cần thiết để tái thiết nhân loại. Cuối cùng Chúa cho Abraham thấy lóe lên nguồn sáng: sinh Isaac (St 21,1-7); Đáp lại đường lối tuyệt vời của Thiên Chúa, Abraham vâng lời dâng Isaac lại cho Thiên Chúa và qua biến cố Chúa tha chết cho Isaac (St 22), Abraham xác tín lời hứa dòng dõi chắc chắn sẽ được thực hiện. Xác tín ấy càng được củng cố khi ông thấy Isaac có vợ như ông mong muốn, trước khi ông lìa đời.

Còn về đất đai: Abraham và Sara có được một mảnh đất để mồ an mả đẹp (St 25,7-10). Đối với Abraham đó là dấu chỉ đủ để ông tin Chúa sẽ ban đất này cho ông.

Dân lớn:  Israel chưa bao giờ là một dân lớn trong lãnh vực địa lý, chính trị, kinh tế. Cái lớn lao của họ là một dân được Thiên Chúa đối thoại và qua họ Thiên Chúa nói với thế giới. Họ được Thiên Chúa chọn làm chứng nhân cho Người, làm kẻ loan báo Tin Mừng cứu độ… (Suzanne de Dietrich – “Le dessein de Dieu” p.28).

Phúc lành: là cội nguồn của hiện hữu, tồn tại và tăng trưởng của thụ tạo (St 1) và cội nguồn của công trình tái thiết (St 9). Tuy nhiên phúc lành ấy cũng có thể bị con người làm biến chất, thậm chí làm mất đi khi thất trung, phạm tội (St 3,16-19; 9,25-27).

Lần này phúc lành Thiên Chúa hứa ban cho Abram ngay lúc ông chưa là dân Chúa, được chính Chúa đích thân bảo đảm, chẳng những cho cá nhân ông mà còn qua ông mọi người đều được hưởng phúc lành ấy.

Chỉ trong hai câu St 12,2-3, ý tưởng liên quan đến phúc lành được lập lại đến 5 lần, như là để xóa đi, khắc phục hậu quả của 5 lần chúc dữ trong 11 chương đầu sách St 3,14; 3,17; 4,11; 5,29; 9,25. Chi tiết này hàm ý rằng nơi phúc lành mà Thiên Chúa tuôn tràn xuống Abraham, Người đã tha thứ và tìm ra được cách thức hồi phục và đưa công trình sáng tạo đến mức viên mãn.

Đọc trong Tân Ước, ta nhận ra lời đáp chính là Đức Giêsu Kitô.

3/ Tin và ra đi ( St 12,4a )

  • Abram lên đường: ra đi

  • Theo như Yavê đã phán

Không một lời mặc cả, Abram ra đi. Dưới nhãn giới nhân loại, thái độ của Abram là khờ khạo, cả tin. Bỏ những an toàn đang có để ra đi bấp bênh chỉ vì một lời mời, một lời hứa của một ai đó mà mình chưa hề quen biết. Tuy nhiên, Kinh Thánh muốn gởi cho độc giả một sứ điệp vượt hơn tầm nhìn của lý trí hạn hẹp, lắm sai lầm: Hãy sống theo đức tin: Phó thác cho Thiên Chúa là con đường cứu độ. Đó là sứ điệp mà bản văn muốn gửi đến cho chúng ta hôm nay. Để phục hồi một nhân loại đã sa ngã vì nghi ngờ Thiên Chúa, cần phải chữa tận căn, nghĩa là Thiên Chúa cần một người dám tin vô điều kiện vào Thiên Chúa để làm hạt mầm tái thiết. Trong bình minh của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã tìm được ông Abram, vì thế Kinh Thánh gọi ông là cha các kẻ tin (Rm 4,11-18).

4/ Tóm kết :

Sau thời gian im tiếng, Thiên Chúa đột ngột mở lời bằng một lệnh truyền cho Abram, mời ông từ bỏ vùng đất dân ngoại đi đến đất của Chúa mà Người sẽ chỉ cho ông. Xét thuần túy về mặt nhân loại, không có gì bảo đảm cho lời mời ấy. Thật ra Abram chẳng có tương lai vì son sẻ, trong khi ấy lời mời có kèm theo lời hứa. Dù sao lời hứa này cũng vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn với hiện trạng của Abram: sẽ có dòng dõi đông đúc, sẽ được phúc lành Thiên Chúa. Để tương lai được hiện thực, lệnh truyền trong hiện tại đòi sự phó thác cao độ, dám bỏ đi tất cả những gì là an toàn còn lại để dấn bước theo lệnh truyền. Abram đã tin và ra đi. Thái độ phó thác đó (ngược lại hoàn toàn với Adam) đã được Thiên Chúa sử dụng để phục hồi nhân loại.

Trong tinh thần phụng vụ Chúa Nhật 2A Mùa Chay, lời hứa được coi như dấu chỉ mời Abram nếm cảm trước phần nào vinh quang hồi sinh mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho ông và qua ông cho nhân loại. Nhờ đó ông dám vững tin dấn bước chấp nhận trắc trở, tối tăm của cuộc hành trình Thập Giá theo tiếng Chúa gọi.

TIN MỪNG : Mt 17, 1-9

Sau lời tuyên tín của Phêrô, Đức Giêsu đã khen ông và đặt ông làm Tảng Đá của tòa nhà Hội Thánh của Người  (Mt 16,13-20). Tuy nhiên để tránh hiểu lầm về con đường Mêsia, Đức Giêsu đã mặc khải ngay cách thức Người chọn để thi hành sứ vụ thiên sai: con đường Thập Giá. Trước mặc khải ấy, Phêrô đã vấp ngã và ngay tức khắc bị mắng là Satan (16,21-23). Đức Giêsu còn đi xa hơn: đường thập giá không phải là riêng cho Người mà còn là con đường buộc cho tất cả những ai muốn tin theo Người ( 16,24-28 ). Thực tại đen tối ấy đã làm môn đệ sợ hãi, chùn bước, nên Đức Giêsu bèn hé mở cho các ông thấy trước phần nào điểm đến của thập giá: Phục Sinh.

Cuộc Hiển Dung (17,1-8) là một đặc ân giúp các môn đệ cảm nghiệm được phần nào của vinh quang Phục Sinh, vinh quang thần linh của Đức Giêsu là đích tới của Thập Giá. Nhờ đó họ có thể can đảm đối đầu với Thập Giá, dám đi trọn con đường Calvê. Đây chính là trích đoạn được phụng vụ chọn đọc vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay nhằm củng cố đức tin cho tín hữu chuẩn bị đón nhận Thập Giá ngày thứ sáu Tuần Thánh.

1/ Khung cảnh cuộc Hiển Dung ( 17,1 )

  • Thời điểm : “6 ngày sau” ( so với 16,21 ).

Biến cố Hiển Dung được Matthêu và Macô trình bày là diễn ra sáu ngày sau biến cố tuyên tín và loan báo Thập Giá lần 1 (16, 20.21). Con số 6 gợi lên:

1.1/  Khoảng thời gian Thiên Chúa dùng để hoàn tất công trình sáng tạo (St 1,1-2.4a). Phối hợp 2 bản văn về Sáng tạo và thiết lập Giáo Hội lại, ta thấy có những nét tương đồng :

  • Bắt đầu lập Giáo Hội với lời của Đức Giêsu (Mt t4,18-19) sau khi Phêrô tuyên tín, so với công trình sáng tạo cũng bắt đầu bằng Lời của Thiên Chúa.

  • Sau đó là sa ngã của Phêrô trước mặc khải thập giá, gợi lại cuộc sa ngã của Eva, Adam trước lệnh cấm. Người cộng tác trở thành tên cám dỗ, gây hại: May thay Đức Giêsu đã chiến thắng.

  • Tiếp đó là mặc khải Thập Giá và mỗi người phải vác lấy Thập Giá mình… rồi sau 6 ngày tức ngày thứ 7 sẽ được thấy vinh quang Phục Sinh. Chi tiết này gợi lại 6 ngày sáng taọ rồi ngày thứ 7 hoàn tất, nghỉ ngơi.

Vậy “tuyên tín”, “đi đường thập giá” và “biến hình” được trình bày như một lộ trình của công trình sáng tạo mới: Giáo Hội phải đi trọn con đường thập giá làm người trong 6 ngày để ngày thứ 7 sẽ được thấy vinh quang Phục Sinh.

1.2/ Gợi nhớ lại khoảng thời gian mà Môsê đã trải qua ở núi Sinai trước khi được Chúa gọi vào đám mây lên gặp Chúa nhận Bia Luật (Xh 24,26.18a). Vậy chính Đức Giêsu là Bia Luật mới (có Mô sê, Ê lia chứng nhận), từ nay môn đệ chỉ cần “hãy vâng nghe lời Người” (x. Mùa Chay 2B trang 8).

1.3/ Còn theo Jean Radermakers trong “Paroles sur le chemin” năm B trang 54 thì “6 ngày” gợi lên thời gian phân chia giữa lễ Yôm Kippur (lễ xá Tội: Lv 23,27) cử hành 10/7 và Lễ Lều cử hành ngày đầu vào 15/7 (Lv 23,34), 6 ngày sau tức 15/7 dân bước vào lễ hội Lễ lều kỷ niệm thời kỳ dân sống ân tình với Chúa, có Chúa đồng hành nuôi bằng Manna, chia sẻ thân phận rày đây mai đó với dân trong LỀU cho tới khi vào Đất Hứa.

Còn Luca 9,28 lại viết: “KHOẢNG 8 ngày sau khi nói những lời ấy”. Luca chỉ nói mơ hồ “KHOẢNG” do đó có thể nói rằng Luca tính luôn ngày Đức Giêsu loan báo Thập Giá và ngày Hiển Dung; còn Matthêu và Maccô chỉ tính thời gian ở giữa 2 ngày đó (Bible annotée, NT 1, trang 526, cột 1).

  • Lên một ngọn núi cao” : theo truyền thống xa xưa. Đó là ngọn Tabor cao 360m nằm ở trên cánh đồng Yizréel (Esdrelon: Hy Lạp); Ngày nay người ta cho đó là ngọn Hermon gần Xêdarê Philipphê. Chắc là nên hiểu “núi” theo nghĩa biểu tượng nơi Thiên Chúa mặc khải CGKPV “Bốn sách Tm” trang 82 đ).

Trong Matthêu, cách nói “lên một ngọn núi cao”chỉ gặp ở đây và trong trình thuật cám dỗ (4,8). Hẳn là phải có một mối quan hệ giữa Hiển Dung và Cám Dỗ ! Thực vậy, Đức Giêsu vừa đẩy lui cuộc cám dỗ quỷ quái của “Satan- Phêrô ” (16, 23). Và ngay sau chiến thắng là Hiển Dung (so với 4,11b), qua đó Thiên Chúa công bố Đức Giêsu chính là Đức Kitô Con của Người như Phêrô đã tuyên tín. Tuy nhiên vinh quang thần linh ấy Đức Giêsu chỉ nhận nơi Cha, sau Phục Sinh (28,18), còn hiện tại là đường Thập Giá (x. Chú giải PÂ Chúa Nhật năm A, CÁC MÙA, trang 216).

  • Đối với 3 môn đệ :

Và về phía ba môn đệ: Hiển Dung vừa là biến cố củng cố đức tin vừa là cơn cám dỗ. Satan thất bại nơi Đức Giêsu thì quay sang đánh vào môn đệ. Và ở đây Phêrô giống như Eva, tự mình cám dỗ mình ( St 3,6a ) khi ông tự ý đưa ra nhận xét: ở đây TỐT quá và có ý định lưu cư lâu ngày nên mới đề nghị dựng lều. Điều này hàm ý rằng: đứng trước “cây trái cấm Hiển Dung”, Phêrô chỉ muốn “hái ăn” và lãng quên đường Thập Giá. Một lần nữa, Phêrô đã ngã thua. May Thiên Chúa đã kịp can thiệp bằng cuộc thần hiện (17, 5-6) đưa các ông về lại đường thập giá làm người (17,7).

Hiển Dung không phải là đích đến mà là phương tiện: giống như hai cái bánh đủ sức vực Elia dậy và đi một mạch tới núi Chúa, nhận lệnh tiếp tục làm ngôn sứ (1V 19,1-18). Sau Hiển Dung, môn đệ phải về lại cuộc sống đi cho tới Núi Sọ, tiếp đó leo lên núi mà Đấng Phục Sinh đã hẹn để nhận sứ vụ loan Tin Mừng và vinh quang thần linh của Đức Giêsu đến tận cùng trái đất (Mt 28 ).

  1. Cuộc Hiển Dung ( 17,2-4)

*  Đức Giêsu biến đổi hình dạng (2a)

–  Ngay trước mặt các tông đồ (2a)

–  Dung mạo: chói lọi như mặt trời (2b)

–  Y phục: trở nên trắng tinh như ánh sáng (2c)

*  Các tông đồ cũng được thấy Môsê và Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu (3).

*Phản ứng của Phêrô: thưa cùng Đức Giêsu (4a):

–   Phán đoán theo cảm quan: “Kuriê, chúng con ở đây, thật là tốt!”

–  Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn đóng vai trò chủ động: “Nếu Thầy muốn”

–  Đề nghị lưu lại lâu dài: “con xin dựng tại đây 3 lều…” (4c)

Trong Luca, cuộc Hiển Dung dành cho Đức Giêsu, các môn đệ ngủ. Trong Matthêu, cuộc Hiển Dung là cho môn đệ mà như phần trên đã chú thích: Hiển Dung như liều thuốc thử để xem “nồng độ” thập giá trong các môn đệ đạt tới mức nào ?. Phản ứng của Phêrô cho thấy gần như số không. Cách trình bày diễn tiến cuộc Hiển Dung gần giống như diễn tiến nội tâm của Người Nữ đứng dưới cây trái cấm sau khi nghe lời con Rắn:

–  Giác quan tiếp xúc với sự kiện: thấy Đức Giêsu biến hình, nghe cuộc đối thoại.

–  Tình cảm bị lôi cuốn xúi dục lý trí phán đoán một chiều theo cảm quan của mình cách chủ quan: chúng con ở đây thật là TỐT.

–  Và ý chí quyết định đưa ra đề nghị lưu cư lâu dài: làm 3 lều

        May thay Đức Giêsu vẫn giữ vai chủ động và Phêrô vẫn tùy thuộc Người qua hai chi tiết riêng của Mátthêu: gọi Đức Giêsu bằng Kuriê (trong Maccô là Rapbi và Luca là Êpistata), và xin ý kiến Người: “Nếu Thầy muốn”.

  • TỐT: Rõ ràng đứng trước sự thoải mái, hạnh phúc của Hiển Dung, Phêrô lộ ra dung mạo của tên cám dỗ: 16, 22- 23 là Satan; và ở đây là “Eva” = Satan nối dài. Thật vậy trong Eden, Người Nữ đã tự tiện đánh giá trái mà Thiên Chúa đã cấm ăn là: “TỐT để làm thức ăn” (St 3,6a); Cũng vậy, ở đây Phêrô tự ý cho “ở đây là TỐT”. Cây biết thiện ác = cây biết TỐT xấu.

  • CON xin dựng: Maccô và Luca “chúng con” xin dựng. Đề nghị ra tay hành động, Mátthêu chỉ gán cho một mình Phêrô. Rõ ràng dung mạo “tên cám dỗ nối dài” nơi Phêrô được Matthêu khắc đậm nét: Người nữ là trợ tá cho Adam trở thành tên cám dỗ Adam và tự cám đỗ mình; Phêrô là Tảng Đá xây Giáo Hội của Đức Giêsu đã trở thành kẻ cám dỗ Người và tự cám dỗ mình.

  • Dựng Lều: muốn lưu cư lâu dài, hưởng vinh phúc cánh chung ngay tức khắc trong biến cố hiện tại. Thật vậy đối với truyền thống Do Thái, nơi ở thiên quốc được biểu trưng bằng “Lều vĩnh cửu” (Lc 16,9); Lều là nơi Thiên Chúa đến để ở lâu bền giữa dân Người (Ed 37,27; Hs 12,10; Ga 1,14). Phêrô tưởng thời sau hết đã tới và cho rằng đã đến lúc thiết lập thiên đàng ngay tại thế để hoa trái của cuộc hiện ra chỉ trong một ngày sẽ kéo dài mãi mãi. Khi đề nghị làm ba lều ông muốn khai mào sự “nghỉ ngơi” cánh chung này vậy (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A, MÙA, trang 220).

  • Đức Giêsu đã “thay đổi hình dạng”: metamorphôthê gồm “meta” là một tiền tố có nghĩa là “thay đổi” kết hợp với “morphê” là “ hình dạng tương xứng với bản thể ” của một thực tại được biểu lộ ra bên ngoài hữu hình cho mọi người thấy. Ở đây ám chỉ thực tại này: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng khi làm Người, người chấp nhận biểu lộ ra bên ngoài bằng một morphê nhân loại (thực ra Người phải biểu lộ ra bên ngoài bằng một morphê thần linh: x. Pl 2, 6-7); Giờ đây trong Hiển Dung, Đức Giêsu làm một thay đổi: xuất hiện trước môn đệ cái morphê thần linh của Người ngay trong thân phàm nhân. Việc Đức Giêsu Hiển Dung đã tôn vinh nhân tính con người, đã đáp ứng niềm hy vọng của dân Chúa có ghi trong văn chương Khải Huyền Do Thái: vào thời sau hết, khuôn mặt của các người công chính sẽ biến đổi trở nên sáng láng như thiên sứ … (Kh của Baruc 51,3-10; Xh 24,39; Đn 12,3: xem Sđd 127).

          Dung mạo …y phục Đức Giêsu …: dung nhan Đức Giêsu ở đây gợi lại diện mạo sáng ngời của Môsê khi ở trên núi Sinai với Thiên Chúa (Xh 34,29-35). Còn y phục trắng tinh như ánh sáng, theo văn bản Khải Huyền Do Thái, là biểu hiện của vinh quang thiên giới dành cho các người Thiên Chúa chọn .(CGKPV “Bốn sách Tin Mừng” trang 83 nốt e và g).

           Môsê và Êlia là hai người “đã được phúc đón nhận những mặc khải của Thiên Chúa tại Sinai, tượng trưng cho Luật và các ngôn sứ, nghĩa là cho toàn thể Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước hiện diện để làm chứng và tôn kính vinh quang Đức Giêsu. Trong khi đó, ba môn đệ đại diện cho Giáo Hội (Tân Ước) đón nhận lời chứng và vinh quang của Người. Điều đáng để ý là giữa vinh quang sáng lạn ấy, hai vị đàm đạo với Người về cuộc xuất hành (chết) của Người tại Giêrusalem (Lc 9,31 nói rõ hơn). Như vậy, tất cả khung cảnh Hiện Dung này đưa về viễn cảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu” (CGKPV – Sđd – 83 h).

  1. Cuộc thần hiện (17, 5-9)

  • Thời điểm : lúc Phêrô còn đang nói (5a)

  • Diễn biến cuộc thần hiện

  • Có đám mây xuất hiện bao phủ các ông (5b)

  • Từ đám mây có tiếng nói : “Đây là …” (5c)

  • Phản ứng môn đệ : nghe – sợ hãi – ngã sấp mặt xuống đất ( 6 )

  • Kết thúc thần hiện lẫn Hiển Dung ( 7-8 )

Đức Giê su trở lại bình thường, đến gần, đụng chạm, trấn an các ông: “chỗi dậy đi, đừng sợ!” (7)

– Phản ứng môn đệ: ngước mắt lên… chỉ thấy một mình Đức Giêsu (8)

Trong Luca, cuộc thần hiện là dành riêng cho môn đệ nhằm giúp các ông thoáng thấy được vinh quang thần linh của Đức Giêsu (trong Mátthêu, ý nghĩa này đã biểu lộ trong Hiển Dung); Còn nơi Mátthêu, thần hiện là cách Thiên Chúa điều chỉnh lại cái hiểu lệch lạc của Phêrô khi chứng kiến được vinh quang thần linh của Đức Giêsu trong Hiển Dung. Cơn cám dỗ được Thiên Chúa cắt đứt tránh được cho Phêrô (và Giáo Hội) cái thảm cảnh của Adam, Eva trong Eden. Điều TỐT không phải là “ở lại nơi đây” như Phêrô thẩm định; Nhưng TỐT là xác tín con người phàm nhân Giêsu là Con Thiên Chúa và “hãy vâng nghe Lời Người”: con đường duy nhất để sống mãi trong vinh quang thần linh là hãy đi trọn kiếp người như Đức Giêsu, nói theo truyền thống là đi đường Thập Giá.

  • Điều cần lưu ý ở đây là: Đấng lên tiếng chỉnh sửa các môn đệ và khẳng định rõ con đường Thập Giá mà Đức Giêsu đã mặc khải trước khi lên núi (Mt 16, 21-28) là chính Yavê Thiên Chúa. Như vậy khi soạn trình thuật này, đối tượng mà Matthêu quan tâm đến nhiều nhất là dân Do Thái (đồng bào của Matthêu nhưng chưa tin Đức Giêsu) để mặc khải cho họ Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. Đó là dự tính của Yavê Thiên Chúa từ muôn đời và giờ đây Yavê bộc lộ rõ ràng cho các đại diện của cộng đoàn thiên sai Tân Ước.

Các yếu tố của một cuộc thần hiện:

1/ Sự xuất hiện đột ngột của một yếu tố thần linh: ở đây là đám mây sáng ngời (5a) dấu cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa (so với Xh 24,15-16).

2/ Mặc khải ý thần linh:

  • Được Thiên Chúa cho tiếp cận với lãnh vực thần linh: mây sáng ngời bao phủ các ông (5b so với Xh 24,18).

  • Chúa nói từ đám mây nội dung mặc khải (5c so với Xh 24,16; 20, 1-17).

3/    Phản ứng chung của người chứng kiến thần hiện: sợ (6 so với Xh 20,18). Đây là nỗi sợ hãi linh thánh: thấy Chúa là phải chết (Xh 19,21; 33,20; Lv 16,2; Ds 4,20).

4/   Trấn an : Trỗi dậy đi, đừng sợ. Tuy nhiên người được chọn thì khỏi phải chết , lại còn được thông hiệp vào dự tính của Thiên Chúa, được trao cho sứ mạng. Trước khi trấn an, Đức Giêsu đã thực hiện một cử chỉ Phục Sinh biểu tượng: “… lại gần, chạm vào các ông và bảo: “chỗi dậy đi” (so với việc phục sinh bé gái 9,25); “chỗi dậy”;động từ nói về Đức Giêsu phục sinh (Mt 16, 21; 28, 6). Còn sứ mạng được trao cho môn đệ ở đây là “hãy vâng nghe lời Người”.

  5/    Phản ứng chung cuộc: Môn đệ vâng lệnh “chỗi dậy”: Các ông ngước mắt lên”: Thái độ và cử chỉ của các môn đệ trước mặt Đức Giêsu phải hiểu như là phản ứng mang ý nghĩa tôn giáo trước sự hiện diện của Thiên Chúa, như thường thấy trong các cuộc thần hiện của Cựu Ước.

          Khi tiếng nói vừa dứt thì mọi sự cũng biến theo, để lại “ một mình Đức Giêsu mà thôi”.Từ đây trở đi, chỉ có một mình Người là Thầy dạy luật mới. Luật hoàn hảo và vĩnh viễn (GKPV Tân Ước 1955, trang 117 nốt a). Cha xác nhận đường thập giá mà Đức Giêsu vừa hé lộ là ý định của Cha.

     Nội dung mặc khải:

 –  Đây là con Ta yêu dấu: Trích Tv 2, 7.

 –  Ta hài lòng về Người: Trích Is 42, 1.

 Hai ý trên xem chú thích lễ Đức Giê Su chịu phép rửa A.

 Bản văn Hiển Dung thêm: “Các ngươi hãy vâng lời Người”. Chi tiết này gợi lên lời Môsê nói cùng Israel: Vào thời cánh chung Thiên Chúa sẽ ban cho anh em “một ngôn sứ như tôi để giúp anh em, anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18, 5). Giờ đây không phải là Môsê nói mà Thiên Chúa nói với đại diện dân mới rằng vị ngôn sứ mà Môsê đã nói tới chính là Đức Giêsu. Nhưng còn hơn thế nữa, vượt qua tầm hiểu của Môsê, Đức Giêsu còn là con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa.     Vậy đã đên lúc luật Môsê cũng như chính Môsê phải nhường bước trước Đức Giêsu: Dân cánh chung từ nay chỉ vâng lời một mình Đức Giêsu mà thôi

  1. Tóm kết

Trong cái phông màu tối của Thập Giá và sự yếu hèn của phận người (16, 21- 26) thì lời khích lệ của Đức Giêsu và biến cố Hiển Dung là gam sáng bừng lên soi ý nghĩa Thập Giá. Biến cố nhằm củng cố môn đệ vững tin vào con đường Thập Giá của Đức Giêsu và cương quyết đi theo Người: Đức Giêsu đích thật là Mêsia, hơn nữa còn là con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa như các môn đệ được mắt thấy trong Hiển Dung. Nhưng đó là đích tới. Còn trong hiện tại Đức Giêsu vẫn là con người như mọi người: Lộ trình còn phải đi là đi trọn kiếp người. Sứ điệp cho môn đệ là: Để được hưởng vĩnh viễn cái vinh quang vừa thoáng thấy được thì phải vâng nghe lời của con người có vẻ tầm thường trước mắt, phải cùng Người đồng hành lộ trình thập giá kiếp làm người. Đó chính là điều mà phụng vụ Mùa Chay dọn ra cho tín hữu.

Frère Pierre Đình Long FSC