Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 27

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Ôi, có hạnh phúc nào lớn hơn là được ở lại với Bí Tích cực Thánh! Để chỉ sống cho Ngài mà thôi ?!” [gửi cho hai chị Maria Eymard và Nanetete Bernard, tháng 1 năm 1867]

Điều đầu tiên đánh động chúng ta trong lời trích dẫn ngắn ngủi từ cuộc trò chuyện của cha Eymard với hai chị  gái yêu dấu của ngài chính là đối với cha, Thánh  Thể  không chỉ

là một điều gì đó linh thánh hay quý giá, mà hơn thế nữa còn là một Ngôi Vị, Ngôi Vị của chính Chúa Giê-su. Thậm chí trong thời đại chúng ta ngày nay, ít tín hữu nhận ra chân lý sâu xa rằng sự liên kết của chúng ta chính là liên kết với một Ngôi Vị, đang sống và đang hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách. Niềm hạnh phúc mà chúng ta cảm nghiệm không phải phát  xuất từ việc chúng ta hiện diện trước mặt Ngài, nhưng là Ngài chọn lựa để ở lại với chúng ta bao lâu chúng ta quan tâm để ở lại với Ngài.

Mặc dầu trong thực tế, sự hiện diện này trở thành một khoảnh khắc có ý nghĩa mà chúng ta nhắc đến và vì thế trong việc cảm nghiệm được niềm hạnh phúc vì sự hiện diện của Ngài, quả banh đang nằm bên phần sân của chúng ta. Ngài là vị Thượng Khách mà chúng ta dành chỗ tốt nhất trong nhà chúng ta cho Ngài; nhưng nếu chúng ta để Ngài lẻ loi một mình khi chúng ta chỉ chú ý đến những công việc riêng của mình trong suốt cả ngày, thì làm thế nào chúng ta có thể tìm được ích lợi   từ việc Ngài đến thăm chúng ta? Bấy giờ, chúng ta lại chẳng giống như Mát-ta, người đã tiếp đón Chúa Giê-su vào nhà mình nhưng sau đó lại quá bận tâm vào việc chuẩn bị bữa tiệc xa hoa cho Ngài, để Ngài một mình. Maria là người đã chọn phần tốt hơn, khi cô nhận ra rằng Chúa Giê-su không bận tâm nhiều đến những gì chúng ta dâng cho Ngài, không quan tâm đến giá trị hay đáng giá, nhưng là chính chúng ta: ‘Con yêu dấu, hãy dâng cho Ta tâm hồn của con, và hãy bước theo đường lối của Ta’ (Cn 23,26).

Tuy nhiên, việc ở lại với Chúa Giê-su của chúng ta, hay ‘liên kết trong tình yêu của Ngài’, phải đưa đến việc hoàn toàn ‘sống cho Ngài’. Như thánh Phao-lô nói ‘Tình yêu của Đức Ki- tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: một người đã chết thay cho mọi người; thì mọi người đều chết. Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để nhưng ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ’ (2 Cr 5,14-15). Nếu Đức Ki-tô đã chết (có thể nói là, ‘thay cho’, ‘nhân danh’) chúng ta, thì bây giờ chúng ta cũng sống vì Ngài. Hay như những lời của thánh Phao-lô, ‘vì Lề Luật, tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Cùng với Đức Ki-tô, tôi bị đóng đinh vào thập giá; tôi sống, nhưng không còn phải tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Đời sống của tôi hiện nay trong xác phàm, tôi sống đời sống ấy trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi.’ (Gl 2,19-20). Hơn nữa, ‘đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc đem lại kết quả cho tôi, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: khát vọng của tôi là ra đi và ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em’ (Pl 1,21-24).

Vậy làm thế nào để người ta biết mình có  sống hay không sống cho một mình Đức Ki-tô? Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng ‘vì thế, hễ ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời; nhưng bất cứ ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì Thầy cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời… Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy; và ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy… Ai tìm kiếm sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được sự  sống ấy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy’ (Mt 10,32-40).