TAM NHẬT MỪNG LỄ ĐỨC MẸ THÁNH THỂ

Ngày 10-11-12 / 5

Ngày thứ nhất

  • Hát kinh Chúa Thánh Thần

 

  • Đọc 3 kinh kính mừng.
  • Suy niệm (mời ngồi)

 

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA
TƯỚC HIỆU ĐỨC MẸ THÁNH THỂ

1.Nguồn gốc tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể

Tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể do cha thánh Êma, Đấng Sáng Lập Dòng xưng tụng Đức Mẹ.

Chính lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ, cùng với niềm tin tưởng và ơn trợ giúp của Mẹ trong cuộc hành trình thiêng liêng tiến tới chức linh mục và tiến tới việc lập dòng, mà ba tháng trước khi qua đời, cha Êma đã tổ chức tháng năm đặc biệt để tôn kính Đức Mẹ vào ngày 1/5/1868, cha Êma nói:

“Giờ đây chúng ta tôn vinh Đức Maria với tước hiệu : ĐỨC MẸ THÁNH THỂ. Phải, với trọn niềm cậy tin và lòng yêu mến thiết tha, chúng ta tin tưởng cầu xin: Lạy Đức Mẹ Thánh Thể là Mẹ và là gương mẫu của người tôn thờ, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”

2.Ý nghĩa của tước hiệu

Khi tuyên xưng Đức Maria là Đức Mẹ Thánh Thể, cha Ema không nhằm mục đích tuyên xưng Đức Maria là mẹ Chúa Giêsu Thánh Thể vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu hiện diện thực trong Thánh Thể. 

Cha Êma không có ý tưởng ấy, vì đó là chân lý quá hiển nhiên. Ngay từ thuở sơ khai và cho tới hôm nay, Hội Thánh vẫn tin như vậy. Vì thế, khi châu phê tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể, Hội Thánh chứng tỏ và nhìn nhận tước hiệu ấy có một nét đặc biệt và mới mẻ, được tiềm tàng trong chân lý đức tin của Hội thánh, như Đức Phao lô VI đã xác nhận: “Tước hiệu này tuy mới mẻ, nhưng thực tại thì đã có từ xưa”

Ý nghĩa đặc biệt của tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể mà cha Êma muốn tuyên xưng là:

Sau khi Chúa Giêsu về trời thì trọn cuộc sống của Mẹ trong chuỗi ngày còn lại ở trần gian, Mẹ đều qui về Thánh Thể như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời:

  • Mẹ đặt Thánh Thể làm trung tâm và tột đỉnh đời sống mình, nghĩa là trong mọi tư tưởng và sinh hoạt cuộc sống của Mẹ đều quy về Thánh Thể

  • Mẹ quy tụ mọi kẻ tin theo Chúa Giêsu trong phòng tiệc ly để cầu nguyện, cử hành Lời Chúa và Thánh Thể .

  • Mẹ học hỏi các nhân đức của Chúa nơi Thánh Thể.

Nói tóm lại, Thánh Thể là lẽ sống duy nhất của Mẹ. Mẹ chỉ sống cho Thánh Thể, với Thánh Thể và vì Thánh Thể. Bởi thế, Mẹ đã trở thành: “gương mẫu cho những người thờ phượng”

Vậy : Khi kêu cầu Đức Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể, ước chi chúng ta đặt trọn niềm tin vào sự dẫn dắt của Mẹ trong cuộc hành trình thiêng liêng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, như cha Thánh Êma đã xác nhận : “Mẹ đã cầm tay tôi mà dẫn dắt tới Thánh Thể”

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ và noi gương Mẹ :

  • Quy hướng toàn thể cuộc sống vào Chúa Giêsu nơi Thánh Thể là bí tích trung tâm và tột đỉnh của Hội Thánh và của mọi kitô hữu.

  • Sống cuộc đời âm thầm, phụng thờ Chúa hiện diện trong Thánh Thể và học theo các nhân đức của Chúa nơi bí tích nhiệm mầu này.

Lạy Đức Mẹ Thánh Thể , xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ.

  • Thinh lặng 2 phút

 

  • Hát : Mẹ  Chúa Giêsu Thánh Thể ( câu 1 )

 

Ngày thứ hai

  • Hát kinh Chúa Thánh Thần

 

  • Đọc 3 kính mừng.
  • Suy niệm (mời ngồi)

 

Trích bài viết của cha Ê-ma về lòng sùng kính Đức Ma-ri-a 

Các tu sĩ Thánh Thể phải cho mọi người nhận ra nơi mình có tình con thảo và lòng trìu mến tôn sùng Đức Ma-ri-a là mẹ và là mẫu gương trọn hảo của những người thờ phượng Đức Giê-su Con chí thánh Mẹ.

Chị em sẽ tận hiến bản thân mình cho Đức Ma-ri-a để, dưới sự dẫn dắt từ mẫu của Mẹ, chị em được đỡ nâng bằng lời chuyển cầu, được khích lệ bằng sự chở che, được điểm tô bằng các công trạng và nhân đức của Mẹ, được đầy ngập tinh thần và tình mến của Mẹ mà quảng đại và tận tình phụng sự Đức Giê-su, thờ kính Người cho xứng đáng và trở thành tông đồ đích thực của Thánh Thể.

Để sống bằng sự sống của Đức Giê-su, chị em sẽ tìm cảm hứng nơi cuộc đời Đức Ma-ri-a, nơi nếp sống khiêm nhường và ẩn mình, nếp sống hãm mình và chịu đóng đinh của Mẹ, nhất là đời sống cầu nguyện và nhiệt thành làm vinh danh Con chí thánh Mẹ.

Đặc biệt hơn cả, chị em sẽ tôn kính cuộc sống Thánh Thể của Đức Ma-ri-a tại Phòng Tiệc Thánh, Mẹ yêu thích ở mãi dưới chân Nhà Tạm thần linh. Và để được đổi mới bản thân trong ân sủng và tinh thần ơn gọi đã lãnh nhận, cũng như để được kiên trì bền đỗ nhờ lời chuyển cầu đầy quyền thế của Mẹ.

Chị em sẽ lần hạt hằng ngày kính Đức Ma-ri-a để được ơn chết lành.

Khi gặp thử thách và những vất vả nhọc nhằn của cuộc sống, khi chịu cám dỗ và khổ đau, chị em sẽ hết lòng tin tưởng chạy đến với Đức Ma-ri-a là hiền mẫu của mình hơn là đến với các thụ tạo và Mẹ sẽ không bỏ chị em.

Để đẹp lòng Đức Giê-su và để chuẩn bị cho Người ngự trong các tâm hồn, chị em sẽ tự nhận cho mình một nhiệm vụ thánh là khơi lên trong lòng mọi tín hữu một niềm thiết tha sùng kính Đức Ma-ri-a, bằng cách loan truyền khắp nơi lòng nhân hậu, quyền thế của Mẹ cũng như tình yêu mến Mẹ dành cho vinh quang cao cả của Đức Giê-su Con chí thánh Mẹ.

( Trích RR 2,17 – Chương XIII )

  • Thinh lặng 2 phút

 

  • Hát : Mẹ Chúa Giêsu Thánh Thể- câu 2

 

Ngày thứ 3: 

  • Hát kinh Chúa Thánh Thần
  • Đọc 3 kính mừng.

  • Suy niệm (mời ngồi)

Sắc lệnh của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI
Về Tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể

Trong một cuộc nói chuyện với các tu sĩ về đề tài Đức Mẹ Thánh Thể, Thánh Phêrô Giulianô Êma, Tông đồ trung thành của Bí Tích Thánh Thể vừa được Đức Giáo Hòang Gioan XXIII phong thánh năm 1962, đã tuyên bố: mặc dầu tước hiệu này còn rất mới mẻ, nhưng thật ra đã có từ rất lâu. Với sự hiểu biết sâu sa nhạy bén, lại được nuôi dưỡng bởi sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, tác giả tước hiệu cao quí này đã am hiểu đầy đủ những liên đới trác tuyệt và bí nhiệm, mà đã liên kết Đức Maria với Bí Tích Tình yêu, và hệ quả là : cha đã thêm tước hiệu mới này như một viên ngọc quí vào vương miện của Đức Maria.

Không nghi ngờ, Ngài vẫn thường suy nghĩ cân nhắc đến lời khẩn cầu của Giáo hội đối với Thánh Thể, “như Thân Mình thực sự được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria”. Hiển nhiên, khi còn ở trần gian, Đức Trinh Nữ đã là Nhà Tạm sống động của Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ đã sinh ra và tôn thờ, và rồi Mẹ đã hiến dâng và tỏ lộ Người cho nhân loại. Vậy nên mọi người tôn thờ Thánh Thể và đặc biệt là các linh mục – những người đã được chọn làm thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể – đều tôn kính và kêu van Mẹ, như một mẫu gương thờ lạy hoàn hảo đối với bí tích này. Để tăng thêm hiệu lực cho những cân nhắc ấy, Thánh Phêrô Giulianô Êma đã khơi lên mạch suối thương yêu phong phú cho các tổ chức Hội Dòng Ngài sáng lập, và không lâu trước khi qua đời, Ngài đã ủy thác cho họ Đức Maria là Đấng bổn mạng dưới tước hiệu đó. Hơn nữa, Ngài đã hướng dẫn cho các tu sĩ thuộc dòng của Ngài biết mục đích của họ là tôn thờ Thánh Thể, tôn vinh danh hiệu, con người và các nhân đức của Mẹ, Đấng đầu tiên đã thờ lạy Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Chúng tôi hài lòng ghi nhận rằng : Hội Dòng các Linh Mục Thánh Thể, về các di cảo, họ vẫn trung thành với mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập.

Mới đây, vị đại diện Tổng quyền của Dòng theo thỉnh cầu của Ban Cố vấn Tổng quyền nhân danh các tu sĩ của họ, đã khiêm tốn nài xin chúng tôi thừa nhận công khai và chính thức tước hiệu quan thầy “Đức Mẹ Thánh Thể” này. Chúng tôi đã giải quyết theo thỉnh nguyện này, và tin tưởng rằng với sự giúp đỡ và dưới sự bầu cử của Mẹ Thiên Chúa vinh quang, họ sẽ đạt tới sự hoàn thiện và được khuyến khích để dùng hết khả năng cổ vũ cho Nước Chúa trị đến.

Cho nên sau khi tham khảo ý kiến của Thánh Bộ Nghi Lễ, cùng với sự hiểu biết đích xác và cân nhắc chín chắn, trong việc thi hành đầy đủ quyền Tông Đồ, chúng tôi công bố quyết định: Đức Trinh Nữ Maria, là ĐỨC MẸ THÁNH THỂ, bổn mạng chính thức và có thế lực trước mặt Thiên Chúa, của Dòng các Linh Mục Thánh Thể và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thề, bằng hiệu lực  của các văn tự này, và hiệu lực cho mọi thời, với tất cả vinh dự và đặc quyền phụng vụ, chiếu theo luật dành cho Đấng Bổn Mạng của các Hội Dòng, ngoại trừ những điều trái luật.

Chúng tôi công bố, quyết định và phê chuẩn rằng : từ bây giờ và cho đến thời viên mãn, tước hiệu này có giá trị vĩnh viễn, sẽ xác định và bảo toàn nguyên vẹn đầy đủ những hiệu quả, sẽ sinh ích lợi tới mức độ sung mãn nhất trong mọi việc và qua mọi việc. Phải xử dụng như một qui tắc trong hành động và những quyết định quang minh. Cuối cùng, nếu bất cứ một quyền thế nào, dù biết hay không biết, cố ý xuyên tạc tước hiệu này, những quyết định của họ sẽ vô hiệu lực.

Làm tại Rôma, nơi Đền Thánh Phêrô, ngày 12. 9. 1963,
năm thứ nhất triều Giáo Hoàng chúng ta. 

Thư ký
J. Cicognani

  • Thinh lặng 2 phút

  • Hát : Mẹ  Chúa Giêsu Thánh Thể – câu 3