Vị trí đặc biệt của Đức Maria trong cuộc đời cha Eymard

Cha Eymard có lòng sùng kính Đức Maria từ rất sớm, ngay từ thời niên thiếu. Cha thích đi hành hương các Trung tâm đền thánh Đức Mẹ như Đức Mẹ ở Salette, Đức Mẹ ở Laus, Đức Mẹ ở Fourvière…
Độ 11 tuổi, cậu Eymard đi bộ hành hương Đức Mẹ ở Laus để chuẩn bị Rước lễ lần đầu, từ quê ngài, La mure đến Laus khoảng 80 km. Sau này, cha viết lại: “Ở đó, tôi đã dâng ơn gọi của tôi trong tay Trinh nữ Maria” ( CO.27). Ở Laus, cậu Eymard gặp cha Touche, cha Touche cho phép Eymard được rước lễ mỗi chúa nhật và khuyến khích cậu học tiếng la tinh để đáp trả tiếng Chúa, trong ơn gọi linh mục, cho dù có nhiều cản trở.
Bà Madeleine Pelorce, mẹ của Eymard mất sớm khi cậu 17 tuổi, Nhận được tin mẹ ruột qua đời, Eymard đã chạy đến tượng đài Đức mẹ: khẩn cầu Đức Trinh nữ Maria từ nay là mẹ của con và xin Đức Mẹ phù trợ để con trở thành linh mục. ( NR. 109)
Sau khi làm linh mục, phục vụ Giáo phận Grenoble 5 năm như một linh mục triều (1834- 1849). Cha rời giáo phận vào Dòng Đức Mẹ. Cha muốn trở thành tu sĩ Dòng Đức Mẹ để mang tên của mẹ, sống tinh thần Dòng Đức Mẹ. Cha ở trong Dòng Đức Mẹ 17 năm. Cha đã từng nắm giữ các nhiệm vụ khác nhau: Cha linh hướng ở Belly (1839- 1844), bề trên giám tỉnh, phụ tá Tổng quyền ở Lyon ( 1844- 1851), Giám đốc Dòng Ba – Lyon ( 1845-1851), Giám đốc trường trung học ở Seyne –sur- Mer ( 1851- 1855).
Cha Eymard đã nhận được ơn lôi cuốn về Bí Tích Thánh Thể rất đặc biệt, như cha đã xác nhận trong cuộc tình tâm ở St Maurice: “Ơn huệ lớn nhất đời tôi là niềm tin sống động vào Bí Tích Thánh Thể, từ thời niên thiếu”.  Ơn lôi cuốn này, đã thúc đẩy cha làm điều gì đó lớn lao cho Chúa. Cuối cùng, cha đã nhận được sự đồng ý của Bề trên cho phép rời Dòng Đức Mẹ để chuẩn bị lập một Dòng mới.
Ngày 23/5/1855 cha Eymard đã đặt dự án lập Dòng Thánh Thể trên bàn thờ Đền thánh Đức Mẹ ở Laus, và khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria bảo trợ. Thật vậy, sự hiện diện cách đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria trong cuộc đời cha Eymard rất quan trọng: dâng hiến cho Mẹ, để Mẹ dẫn đưa ngài đến với Chúa.
Sau khi lập Dòng Thánh Thể, cha Eymard chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria theo mẫu gương Đức Mẹ Nhà Tiệc Ly: Mẹ cưu mang Ngôi Lời nhập thể và Mẹ đã tham dự cử hành Lễ Bẻ Bánh trong cộng đoàn tiên khởi.( Cv.1,12- 14)

Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ và là gương mẫu cho chúng ta trong đời sống tôn thờ hôm nay.
Cha Eymard nói rằng: “ Hãy là người con ngoan hiền của Mẹ, Mẹ là Nữ hoàng, là Mẹ các nữ  tỳ. Vậy, các con ơi,  hãy biết gợi hứng từ tinh thần Mẹ. Tinh thần của Mẹ, là tinh thần của Chúa Giêsu. Chỉ mình Mẹ là bản sao thật sự và hoàn hảo các nhân đức của Chúa Giêsu (…) sứ mệnh lớn lao của Mẹ, đó là hình thành Chúa Giêsu trong chúng ta (RS 12,55) bởi vì, Ngôi Lời Nhập Thể trong thân xác trinh nữ, trong con tim nồng cháy, trong tâm hồn thật đẹp của mẹ ! ( NR 44,27)

Cha nói với Mẹ Marguerite: “ Đào luyện những người tôn thờ đích thực theo gương mẫu Đức Mẹ Nhà Tiệc Ly, tôn thờ và sống cận kề Nhà tạm. ( CO 624)
Cha Eymard nối kết hình ảnh Đức Maria cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly với hình ảnh Đức Maria, người tôn thờ đầu tiên của Ngôi Lời Nhập Thể. Cha ước muốn tôn thờ Chúa Giêsu trong sự hiệp thông với Đức Maria : là người tôn thờ và Nữ hoàng của Nhà Tiệc Ly. Hiệp thông trong tình yêu, trong tán dương, chúc tụng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho con người; là của lễ và hoàn toàn sẵn sàng cho ý muốn của Thiên Chúa; cuối cùng, lòng thương cảm từ bi đối với người tội lỗi cũng như lời chuyển cầu đón nhận sự tha thứ và hoán cải trở về với Thiên Chúa. ( NR 44, 130)

Trong tông huấn Sống từ Bí Tích Thánh Thể, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã gọi Trinh Nữ Maria là ‘nhà tạm’ đầu tiên của lịch sử (số. 55). Từ trường học của Đức Maria, người nữ Thánh Thể, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và  hãy để cho Mẹ dẫn dắt chúng ta. (số. 57)

Đó cũng là niềm xác tín của cha Eymard khuyên dạy con cái thiêng liêng, khi ngài nói: “ sứ mệnh lớn lao của Mẹ, đó là hình thành Chúa Giêsu trong chúng ta”. Cần phải mô phỏng đời sống của Mẹ, nhất là thái độ nội tâm, sự ngọt ngào và bình tâm của Mẹ, tính kiên nhẫn thận trọng và khôn ngoan ( NR 44,94)
Ngày 1 tháng 5 năm 1868, chỉ 3 tháng trước khi qua đời, cha Eymard đề nghị với các tu sĩ trong Dòng, hãy tôn kính Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể. Gần một thế kỷ sau, ngày 12/9/1963 Đức Giáo Hoàng Phao lô VI đã ban Sắc lệnh tôn kính tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể cho hai Dòng nam nữ Thánh Thể.

Lạy Đức Mẹ Thánh Thể,
xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ.