TỪ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ ĐẾN LỜI KHẤN BẢN VỊ.

Chúa đã giáng trần cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đã chấp nhận từ bỏ tất cả vinh quang để mặc lấy thân phận thấp hèn như con người. Phụng vụ của Giáo Hội đang cho chúng ta được chiêm ngắm Mầu Nhiệm Nhập Thể này một cách sinh động qua Mùa Giáng Sinh. Tuy nhiên, đối với mỗi tu sĩ Thánh Thể thì đây phải chăng là một thời gian vô cùng thuận tiện và quan trọng vì qua Mầu Nhiệm này mỗi người có thể đi sâu hơn về Lời Khấn Bản Vị của Đấng Sáng Lập-Cha Thánh Eymard.
Trước khi kết thúc giờ tạ ơn sau Thánh Lễ ngày 21 tháng 3 năm 1865, trong cuộc đại tĩnh tâm tại Roma, cha Eymard đã dâng hiến bản vị cho Chúa Giêsu và mẫu mực cho lời khấn này chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm diệu vời này, cha cảm nhận: nhân tính của Chúa Giêsu không còn có bản vị riêng nữa, không còn có cứu cánh riêng cho chính mình, không còn có những sở thích riêng, không còn có những hành động riêng rẽ cho mình, vì nhân tính đó của Người đã có một bản vị khác thay thế cho bản tính riêng của mình, đó chính là Bản Vị của Con Thiên Chúa, một Bản Vị chỉ tìm lợi ích cho Thiên Chúa Cha.” Từ những cảm nhận này, cha xác tín, với lời khấn bản vị cha không thể có một ước mong hay một sở thích gì cho riêng mình. Nhưng tất cả phải là ước mong và sở thích của Chúa Giêsu Kitô.  Mặc dù lời khấn này không được Tòa Thánh chuẩn nhận nhưng đối với cha đây lại là lời khấn quan trọng và thánh thiện nhất trong các lời khấn vì đó là lời khấn của chính bản vị cha và cha có thể lập lại nó bất cứ lúc nào.  Cả cuộc đời cha đã sống trọn vẹn cho lời khấn này, không còn gì là cho cha nhưng “Tất cả cho Vinh Quang Thánh Thể.”
Trong ngày tuyên khấn, mặc dù lời khấn này không được đọc lên nhưng phải chăng nó như bao hàm cả ba lời khấn còn lại: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Về sự khiết tịnh, với cha Eymard, khấn bản vị còn có nghĩa là dâng trọn vẹn cả con tim. Như cha đã cảm nhận: “Tình yêu luôn có sự trao đổi hai chiều. Nhưng nếu con tim như là một bản vị, không còn có một chút quyền gì trên con tim mình, thì người ấy không có thể kiếm gì cho riêng mình khi được yêu, và không có thể yêu ai khác hơn là Chúa Giêsu Kitô, người yêu của linh hồn mình” và cha cũng xác tín mạnh mẽ: “Đón nhận một tình yêu cho chính bản vị mình tức là phạm tội ngoại tình của con tim.” Chúa Giêsu đã dành trọn trái tim và tình yêu cho Chúa Cha thì qua lời khấn bản vị, trái tim ta cũng sẽ được dâng hiến trọn vẹn cho một mình Chúa Giêsu.
Bên cạnh tình yêu thì sự khó nghèo chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lời khấn này. Mẫu mực cho lời khấn Bản vị chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể. Tuy nhiên, khi nói về Mầu Nhiệm Nhập Thể thì không thể không nói đến sự sinh hạ khó nghèo của Đấng Cứu Thế. Cha Eymard cũng đã từng có cảm nhận vô cùng sinh động về cuộc sinh hạ này như ngài đã chia sẻ với các chị Nữ Tỳ tại Paris vào ngày 27 tháng 12 năm 1861 như sau: “Khi các Ngài dựng nên chiếc hang này, Chúa Cha nói với Chúa Con rằng: đây là nhà của con và Người rất yêu thích nó. Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng yêu thích nó (…). Chắc chắn Thiên Chúa rất hài lòng khi làm ra căn nhà đó. Chúa không trang trí nó bao nhiêu, Chúa chỉ cho nó điều duy nhất này là sự nghèo khó, nghèo khó có giá trị hơn vinh quang.” Từ sự nghèo khó của Chúa Giêsu, một lần nữa cha xác tín về sự nghèo khó mà mình cần phải có là trở nên một con người không có quyền làm giàu hoặc xây dựng sự nghiệp gì cho riêng mình nhưng phải phục vụ Chúa, chăm lo cho của cải của Người và đầu tư của cải đó cho vinh quang Người.
Cuối cùng, trong tinh thần vâng phục, Chúa Con đã vâng phục thánh ý Cha mà xuống thế làm người, mang thân phận thấp hèn, yếu đuối như con người và cả cuộc đời Người là sống cho Cha – “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4, 34). Với Chúa Giêsu, thánh ý Cha đã trở nên nguồn sống cho Người thì với cha Eymard, nguồn sống của cha chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu sẽ là chủ thể của hữu thể con người cha hay nói cách khác “tôi không còn một chủ quyền nào trên con người tôi.”
Như thế, với lời khấn Bản vị, cha Eymard đã thực sự xác tín cách mạnh mẽ về chủ quyền của Chúa trên con người mình như một sự ý thức mình hoàn toàn là khí cụ trong tay Chúa. Mặc dù Mùa Giáng Sinh đang dần khép lại nhưng điều đó không có nghĩa là Mùa Giáng Sinh sẽ kết thúc bởi Chúa Giêsu luôn giáng sinh trong lòng mỗi người, sự giáng sinh mỗi ngày mỗi mới. Chắc chắn đối với mỗi tu sĩ Thánh Thể  thì việc sinh hạ của Con Chúa sẽ luôn là một đề tài sống động để mỗi người có thể chiêm ngắm và suy ngẫm vì không ai có thể hiểu về lời khấn bản vị nếu không chiêm ngắm Mầu Nhiệm Nhập Thể, và càng không thể dâng hiến bản vị mình nếu không sống trong tinh thần của Mầu Nhiệm này.
Minh Khánh,sss.
 1.X.Bài suy niệm1 của Cha Eymard, ngày 21 tháng 3 năm 1865
 2.X.Bài suy niệm2 của Cha Eymard, ngày 21 tháng 3 năm 1865
 3.Ibid
 4.X.Ibid
 5.X.Ibid
 6.Bài suy niệm của Cha Eymard, ngày 22 tháng 3 năm 1865