TÍNH CÁCH CỦA CHA THÁNH PIERRE GIULIEN EYMARD.

EYMARD: TÍNH CÁCH

Khi đọc lại tiểu sử của cha thánh Eymard, người ta dễ dàng nhận ra nơi cha hình ảnh của một vị linh mục đạo đức, thánh thiện, khắc khổ và điều đáng chú ý nhất đó là: một vị tông đồ nhiệt thành rao truyền về Bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, mấy ai biết được điều gì đã làm nên một con người như thế. Ngoài yếu tố siêu nhiên- ân sủng của Thiên Chúa, thì một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng đó chính là tính cách của cha. Chính tính cách cũng có thể được xem là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Tính cách làm nên cái gọi là căn tính. Nhìn vào tính cách của một ai đó, người ta có thể biết được người này như thế nào. Sẽ là một điều thú vị khi chúng ta hiểu được tính cách của người cha thân yêu của chúng ta, người đã trở thành Đấng Sáng Lập của Hội dòng mang tên “Bí Tích Cực Thánh” (S.S.S), và cũng chính là người đã chuyển trao lửa Thánh Thể cho những hậu sinh trong việc thắp lửa tình yêu của Nhiệm Tích Tình Yêu cho thế giới này.

Với lòng yêu mến cha Eymard, soeur Catherine Marie Caron (Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể) đã dành nhiều thời giờ để nghiên cứu, chuyển dịch những thư từ, bài viết của cha từ tiếng Pháp qua tiếng Anh. Soeur cũng có nhiều bài viết về cha, và một trong số những bài viết ấy chính là bài viết nói về tính cách của cha. Cũng thật là điều bổ ích khi chúng ta biết được đôi nét về tính cách của cha. Chính vì lý do đó, người viết xin được mạn phép lược dịch bài viết của soeur Catherine để một cách nào đó người viết có thể hiểu được tính cách của Đấng Sáng Lập, kế đến là để chia sẻ với những anh chị em khác.

Để có thể hiểu rõ về cha Eymard, người ta không chỉ dựa vào những thư từ của ngài, nhưng còn có thể dựa vào nhiều nguồn quan trọng khác chẳng hạn: những ghi chú trong cuộc Đại Tĩnh tâm ở Rô-ma, những buổi hội thảo dành cho hai Hội dòng do cha sáng lập, những bản thảo Hiến pháp cha soạn cho cả hai Hội dòng, và những ấn tượng của những người rất gần gũi với cha: Mẹ Marguerite Guillot, cha De Cuers, bà Stephanie Gourd,…

Soeur Catherine đã dựa vào những nguồn ấy để làm chất liệu cho bài viết của mình.

Tự ý thức về bản thân:

Chắc chắn là cha Eymard không nhận xét chính mình giống như những người khác nhận xét về cha; thật may mắn trong trường hợp của cha. Tôi sẽ đưa ra cho các bạn một vài ví dụ.

Mẹ Marguerite cho rằng cha được ban tặng một sự khiêm tốn đặc biệt, một sự khiêm tốn mang tính tự nhiên, thân thiện và không tự phụ- một kiểu mẫu về sự kết hiệp với Thiên Chúa. Thế nhưng, trong cuộc tĩnh tâm ở Rô-ma, cha lại xem mình như người gàn dở, yêu mến sự thế gian, và tự phụ (Cuộc đại tĩnh tâm ở Rô-ma, các ngày 13, 14, 18, 20 tháng 2). Mẹ Marguerite đề cập đến sự chú ý của cha về những chi tiết của việc thờ phượng, lòng trung tín của cha đối với việc cầu nguyện. Thế nhưng, trong cuộc tĩnh tâm ở Rô-ma, cha tự trách mình là hay xao lãng, chú trọng đến thành công bên ngoài hơn là bổn phận trở thành một người tôn thờ:

Tôi tự hỏi vì sao tôi lại thiếu khiêm tốn. Vì tôi đã không ngắm nhìn Thiên Chúa; vì tôi không cầu nguyện, và bấy giờ sự xao lãng và vẻ bơ phờ của các giác quan tác động đến tôi. Tôi thường trả giá đắt cho tính kiêu căng của tôi; một tâm trí ngớ ngẩn, một hình ảnh gây phiền toái, những xao lãng, và những cơn cám dỗ thường xuyên. Phải chăng tôi đã thực hành sự khiêm nhường thụ động, dễ dàng và đáng ngợi khen? Đôi lúc, tôi hủy hoại nó bằng sự kiêu ngạo… tính tự ái của tôi dường như là một tổn thương nặng nề… (ngày 25 tháng 2)

Một thất bại nữa của tôi… đó là sự khinh thường của tâm trí trong lúc cầu nguyện, đặc biệt là khẩu nguyện (ngày 18 tháng 2)

Một ý tưởng gây ấn tượng sâu sắc cho tôi trong suốt bài suy gẫm này: tinh thần khó nghèo và thậm chí sự nghèo khó của người tu sỹ phải là phương dược tự nhiên chữa lành cho khiếm khuyết nổi trội của tôi, đó là tính kiêu ngạo (ngày 20 tháng 2)

Để trở thành những môn đệ đích thực của Cha các con, Chúa chúng ta đã sống quá hoàn thiện đến nỗi Người không bao giờ tìm kiếm sự thỏa mãn cho bản thân hay những lời ngợi khen và danh vọng, nhưng chỉ tìm kiếm vinh quang của Chúa Cha (gửi cho Marguerite Guillot)

Tôi chỉ có thể nói cho các bạn về đời sống nội tâm của cha chúng ta, và đời sống chiêm niệm của ngài- ngài đã kết hiệp với Chúa chúng ta như thế nào, không chỉ trong lúc cầu nguyện và những việc thực hành trong đời sống dâng hiến, nhưng thậm chí ngay trong những việc bổn phận và những xao lãng của cha, thậm chí là trên những con đường ở Paris… và trong suốt những chuyến đi của cha….

Lịch làm việc của cha cho thấy cha quả thực là một con người rất bận rộn. Thế nhưng, trong một lá thư gửi cho bà Stephanie Gourd ngày 10 tháng 3 năm 1854, cha lại cho rằng mình quá lười biếng:

Bà khiển trách mình về sự lười biếng. Điều đó đã đánh động tôi; tôi đã và vẫn còn bị cơn cám dỗ này quấy rầy. Tôi biết rõ cơn cám dỗ ấy. Thật khó để sửa vì nó cứ trỗi dậy từ đống tro tàn trong mọi lúc. Nó là một khiếm khuyết nguy hại. Chúng ta phải tìm cách sửa chữa nó, nhưng bằng cách nào? Tôi bị thử thách để trả lời rằng tôi hoàn toàn không biết. Điều tôi đang cố gắng ở đây là gì!

Đây là thời gian cha Eymard làm giám đốc trường La Seyne, dạy thần học tại Maubel, chuẩn bị bản Hiến pháp cho Dòng Thánh Thể, đệ trình lên ĐGH Pio IX, và đến Chaintre để hoàn tất bản hướng dẫn của Hội dòng Ba Đức Mẹ. Thực ra, trong hầu hết các lá thư của mình, cha Eymard thường trách cứ mình là người hay trì hoãn, chồng chất công việc từ ngày này qua ngày khác, đặc biệt là việc viết thư. Thế nhưng, chúng ta có một bộ sưu tập khổng lồ về các lá thư của cha (2200 lá thư) và thậm chí chúng ta biết bộ sưu tập này chưa hoàn tất. Chỉ trong vài ngày, cha đã viết 5 hay 6 lá thư rất dài. Quả là một việc làm đáng nể khi chúng ta suy nghĩ đến những ngày làm việc bận rộn của cha, việc cha phải dùng bút lông ngỗng và đèn dầu để viết thư.

Cha thừa nhận mình là một người có sức khỏe yếu và thường mắc bệnh. Thế nhưng, cha đã làm được những việc mà nhiều người đàn ông khỏe mạnh khác không bao giờ có thể làm được, cha biết rằng điều đó là do ân sủng của Thiên Chúa. Có lẽ, những chiều kích xung khắc này giúp chúng ta chống lại những kết luận quá hời hợt hay tầm thường, đặc biệt khi chúng ta nghĩ về bức chân dung của bản thân mình.

Sự đối nghịch giữa việc tự nhận thức của cha với cái cách mà người khác nhìn nhận về cha chỉ ngạc nhiên khi được nhìn từ một quan điểm quá nghiêm khắc. Phê-rô Giu-li-a-nô đã tự biết mình theo quan điểm ấy, đồng thời cũng liên hệ đến công trình của Thiên Chúa đang diễn ra nơi mình. Cha cảm thấy công việc ấy được Thiên Chúa trao phó, và nếu là công việc của Thiên Chúa, thì ắt hẳn sẽ thành công. Cha thường ví mình như “phân bón cho cây” hay như “người thợ cày” đang làm việc trong cánh đồng của Chúa. Tất cả những gì cha làm, cha không chỉ làm cho Chúa, nhưng còn làm với Chúa nữa.

Sự hiểu biết của tôi về bức chân dung của bản thân xuất hiện từ những lá thư thì rộng hơn những kết luận rút ra từ những lời khẳng định tách biệt hay việc tự xét mình của cha. Tôi muốn nói là bức chân dung của bản thân nảy ra từ việc tự ý thức xem cha là ai: cha suy niệm thế nào về cuộc đời, tương quan ra sao, cách nhìn sự kiện như thế nào, và chấp nhận những khó khăn như thế nào. Đây chính là bức chân dung về bản thân mà những lá thư khắc họa cho chúng ta, một nét chấm phá nhỏ trong một thời điểm. 

Tương quan của cha với Thiên Chúa

Theo một ý nghĩa nào đó, thật khó để nói rằng những lá thư này cho chúng ta biết về mối tương quan cá nhân của cha với Thiên Chúa. Những lá thư linh hướng là những câu trả lời cho những nhu cầu và vấn nạn của người con linh hướng. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng những kiểu mẫu nổi trội- những diễn tả ưa thích, thường là những nguyên tắc được lặp lại.

Eymard là một con người luôn cảm thấy thanh thản khi ở cùng Chúa- Một Thiên Chúa nhân lành, một Thiên Chúa quan phòng, Đấng mà thánh ý của Ngài là ân sủng và tình yêu. Những cụm từ này thường xuất hiện như thế nào? Một Thiên Chúa luôn động lòng trắc ẩn và giàu lòng thương xót, chúng ta đặt niềm trông cậy nơi Ngài. (x. thư gửi Mẹ Marguerite, bà Gourd)

Linh đạo mà cha diễn tả phát xuất từ chính thần học của cha. Việc quy chiếu của cha đến sự quan phòng, thánh ý của Thiên Chúa, và lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ tách biệt khỏi việc suy niệm về Đức Giê-su, về thập giá của Người. Cha xem thập giá không chỉ là một phương thế để thanh tẩy, nhưng còn là một dấu chỉ của tình yêu, một con đường để kết hiệp với Đức Giê-su. Thập giá được tôn thờ trong khi trông đợi thời gian ân sủng và thương xót. Cha Eymard không bao giờ quên tìm sức mạnh từ niềm trông cậy của cha vào Thiên Chúa.

Luật quan phòng đầy ân sủng của Thiên Chúa làm cho chúng ta bình an ở khắp mọi nơi. Chúng ta giống như một đứa trẻ trong vòng tay của mẹ. Vì thế, chúng ta hãy trở nên những đứa trẻ trong bàn tay Chúa. Đôi lúc ân sủng [của Thiên Chúa] đưa chúng ta đi, và rồi chúng ta bước đi với niềm hân hoan. Những lúc khác, Ngài chỉ đưa tay ra cho chúng ta, sau đó chúng ta phải bước đi, nhưng những khó khăn sẽ không là gì nếu có Đức Giê-su cùng đồng hành… Hãy tự nhủ lòng mình rằng tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa trong Thiên Chúa, dâng hiến cho Thiên Chúa bằng con đường ngắn nhất, nghĩa là, con đường hiến dâng cho thánh ý của Ngài trong mọi lúc… (gửi cho bà Gourd, 28/1/1848, Doc 100)

Ở lại trong sự nhân lành của Thiên Chúa, giống như một đứa trẻ không biết điều gì, không làm gì, phá hỏng mọi thứ, nhưng ở lại trong sự nhân lành này… (gửi cho bà D’Andigne, Doc 1535)

Bà thân mến, hãy sống cho Chúa nhân lành, cho Chúa Thánh Thể của chúng ta. Hãy quan sát một cách cẩn thận sự quan phòng của Thiên Chúa hướng dẫn bà như thế nào. Thiên Chúa làm mọi sự, tổ chức mọi sự, tiên liệu mọi sự để dẫn bà đến với Ngài. Vì thế, không có một quá khứ, chẳng có tương lai, nhưng ý định của Thầy nhân lành luôn là hiện tại. Ngài sẽ dẫn dắt bà vượt qua mọi khó khăn để đến với ân sủng của tình yêu hoàn thiện của Ngài (Gửi bà Gourd, 4/12/1850, Doc 232)

Chúng ta hãy đặt niềm cậy trông của chúng ta vào một mình Chúa. Không có điều gì xảy đến cho chúng ta ngoại trừ những điều được thực hiện bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (gửi cho Marianne, Doc 105)

Cha Eymard xem Thánh Thể như dấu chỉ về sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa, như của ăn nuôi dưỡng và sức mạnh cho sự yếu đuối tinh thần của chúng ta, như một liệu thuốc xua đuổi cám dỗ và sự sợ hãi. Chính niềm tin bám rễ sâu này đã làm nên tính cách của cha.

Cảm thức về xã hội và mục vụ của cha:

Có lẽ, điều này được tóm gọn trong câu của Tin Mừng theo thánh Gioan: “…ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Trong những lá thư, chúng ta không xem xét một cách hời hợt về sự nhận thức cũng như cảm giác của cha về tình cảnh chính trị ở nước Pháp và Ý, thậm chí là một sự mô tả về cuộc nổi dậy chính trị ở Belley và Lyons. Có lẽ cha có quan điểm, sở thích, thành kiến muốn chia sẻ với một vài người, nhưng mục đích của cha không hoàn toàn mang tính chính trị; nhưng nó mang tính mục vụ:

Không có chuyện gì xảy đến cho chúng tôi ở Lyons này. Mọi người hy vọng rằng nền cộng hòa mới của chúng tôi sẽ không giống trước kia…Nó bắt đầu trở nên tốt đẹp. Hôm nay, tôi đã nhận được tin tức từ Paris…ở đó mọi sự đều yên bình.

Cách đây hai ngày, tôi và một trong số những người bạn đồng nghiệp đã ghé thăm một xí nghiệp có chừng 800 công nhân…Đừng tin tất cả những chuyện phóng đại được lưu truyền. (Gửi cho Marianne, Doc 107)

Mặc dù có đến 1001 tin đồn, nhưng chúng tôi có thể nhận ra bàn tay của Thiên Chúa đang ngăn cản xu hướng cách mạng. Chúng tôi được yên bình (gửi cho Bp. Luquet, Doc 113)

Lyons thật yên bình. Chúng tôi hy vọng rằng Đức Trinh Nữ diễm phúc sẽ tiếp tục che chở cho thành phố của chúng ta, một thành phố vốn dễ dàng nhận ra và được nhiều người biết đến… Fourviere luôn luôn tấp nập. Tôi sẽ không đề cập đến Paris. Chúng tôi chỉ nghe nói về những nỗi kinh hoàng của nó. Người ta không nói nhiều đến những lời nhục mạ ập xuống giới giáo sĩ. Quả thực là chúng tôi vẫn không có đủ mọi chi tiết. (gửi cho  Bp. Luquet, Doc 121)

Tôi đã rời khỏi Paris vào thứ hai. Khi tôi rời khỏi đó, mọi sự thật yên bình mặc dù những tin đồn được dự báo trước lan tràn khắp các đường phố vào tối hôm trước. Tôi hy vọng sẽ không có bất kỳ một trường hợp nghiêm trọng nào từ những tin đồn ấy. Một tội ác được tiên báo trước đã bị làm tê liệt. Cũng thế, Chúa nhân lành đang hiện diện ở đó. Ở Paris, có rất nhiều người thánh thiện tận hiến cho sự công bình của Thiên Chúa (Gửi cho Marguerite Guillot, Doc 141)

Bây giờ mọi thứ ở đây đã trở nên yên ổn, nhưng thật không thể tưởng tượng nổi là sự thiếu vắng luân lý đã khiến cho những con người vô tư và thờ ơ lãnh đạm phải sa ngã. Người ta phải chứng kiến những tình cảnh. Tôi gần như bị tiêu diệt và bị thiêu rụi cùng với ngôi trường mà tôi đang ở. Những con quái vật muốn chơi bóng với những cái đầu của con em chúng tôi. Hai ngàn người đàn ông đã đến ngôi trường của chúng tôi vào lúc một giờ sáng, ngày 6 tháng 12. Họ chỉ ở đó có nửa tiếng… Cuối cùng: chúng tôi phải chúc tụng và ngợi khen sự quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ chúng tôi! (gửi cho ông Berthfort, Doc 315)

Thiên Chúa yêu mến nước Pháp; nhưng nếu dân có của không trở lại cùng Thiên Chúa, nếu như những người đứng đầu của tiểu bang này không phụng sự Thiên Chúa, thì quả thực, tương lai sẽ thế nào đây. (gửi cho Emmanuel de Leudeville, Doc 331)

Ồ! Bà nói đúng, tội ác phát xuất từ những chỗ cao hơn, đặc biệt là từ nơi thánh thiện. Khi chúng ta đang ngủ, kẻ ác đã gieo hạt giống xấu, làm cho niềm đam mê bốc cháy, và bây giờ một tai họa lớn chỉ có thể được phân biệt bởi một dòng suối ân sủng, với tro tàn và với một chiếc áo vải tóc dành cho các thầy tu khổ hạnh. Ôi địa ngục! Con quỷ của đêm tối thật khủng khiếp! Dường như nó giống thời mở đầu cho chiến thắng của tên phản Ki-tô. Thật khủng khiếp và kinh hãi vì thiếu vắng lòng dũng cảm của các tín hữu Công giáo đã bị cuốn theo dòng chảy của sai lầm và tội lỗi, hay ít ra là thinh lặng hoặc than khóc. “Bình an! Bình an!” Bình an hệ tại ở công bình và chân lý; họ không cần đến bình an. (gửi cho Virginia Danion, Doc 1025)

Linh hồn tôi buồn sầu khi tôi thấy những hoàng tử Ki-tô giáo khoanh tay đứng nhìn Garibaldi chống lại Đức Giáo Hoàng Pio IX. Nó làm cho đức ái Ki-tô giáo của tôi không vượt qua được nỗi sợ hãi vốn là một điều gì đó sẽ xảy đến với họ… (gửi cho Natalie Jordan, 1859, Doc 861)

Chúng ta cũng hãy xem lá thư của cha gửi cho cha Dupont (Doc 1528), trong đó cha đề cập đến chủ nghĩa tự do và Montalembert, và lá thư của cha gửi cho Joseph Carrel (Doc 1530), trong đó cha đề cập đến Garibaldi và phe Mazzinien.

Cha Eymard vượt xa các tầng lớp xã hội nếu chúng ta có thể đặt chúng theo cách đó. Không có dấu hiệu nào cho thấy cha tự ý thức về những lai lịch khiêm tốn của mình khi cha liên hệ với giới quý tộc. Cha làm bạn với cả người nghèo và người giàu có. Cha đóng vai trò như một chiếc cầu nối giữa người giàu và người nghèo. Điều này có thể được tìm thấy trong việc trao đổi thư từ của cha với bà D’Andigne, bà Fraguier, và ông Peret, bàn luận về những nỗ lực quyên góp cho việc chuẩn bị rước lễ lần đầu cho những công nhân nghèo. Mục đích trở thành một tông đồ của cha đó là chinh phục những tâm hồn cho Đức Giê-su Ki-tô- mọi tâm hồn, người giàu cũng như người nghèo. Cha đã giúp cho những người nghèo ý thức về phẩm giá của họ là con cái của Thiên Chúa. Cha đã giúp đỡ những người giàu có nhận ra vị trí khiêm tốn của mình là những người hành khất dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Cha đã giúp đỡ tất cả mọi người biết học hỏi nơi người khác.

Cha luôn luôn dành một tình yêu đối với trẻ em. Những lá thư cho chúng ta một bằng chứng là ít nhất có sáu dịp cha đóng vai trò là một người trung gian để tìm một chỗ ở tốt cho một đứa trẻ mồ côi, một công việc hay một trường học dành cho những trẻ em đang cần một ai đó nói thay cho chúng.

Cảm thức về mục vụ của cha đã giúp cha giao tiếp với những người con linh hướng trong bối cảnh đời sống gia đình của họ. Rất ít khi sự hướng dẫn của cha cho một cá nhân lại không được lan rộng ra cho các thành viên khác trong gia đình. Chính trong bối cảnh của gia đình hay cộng đoàn mà người ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa và sự thánh thiện, và đó cũng chính là nơi cha cố gắng đến với họ.

Trong mọi trường hợp, cha không tách rời việc chỉ dẫn đường thiêng liêng ra khỏi tình bạn hữu thiêng liêng, một thực hành được đặt ra trong thời đại của chúng ta, nhưng có lẽ phù hợp với cái nhìn khác.

Bạn bè và sự hướng dẫn:

Một ấn tượng bao quát nổi trội nơi cha Eymard đó là một con người có tình yêu dịu hiền đối với những ai mà cha hướng dẫn. Lòng trắc ẩn sâu thẳm cũng như lòng kính trọng chân thành của cha là bằng chứng trong mỗi lá thư. Cha thực sự quan tâm đến mọi người, quan tâm đến cuộc sống và những vướng mắc của họ, quan tâm đến gia đình và nhu cầu của họ.

Sự ràng buộc đối với cảm thức về lòng trắc ẩn là bằng chứng cho sự nhạy cảm sâu sắc vốn làm cho cha trở nên uyển chuyển. Cha đã tự mình thích nghi với những cá nhân mà cha đang hướng dẫn: kiểu cách của người ấy, cách dùng từ ngữ, linh đạo, khái niệm, và hình ảnh.

Đối với cô de Revel, cha bày tỏ một lòng kính trọng tuyệt vời và một cung cách trịnh trọng; đối với mẹ Guyot, là một sự trêu trọc thân thiết; đối với Maguerite Guillot, một sự hướng dẫn đơn sơ. Đối với các vị hồng y và Giám mục, một sự thanh lịch và tinh tế; đối với cha De Cuers, hết sức nhạy cảm; đối với cha Chanuet, lời khuyên chân thành như anh em; đối với bà Gourd, bà D’Andigne, và bà Fraguier, hết sức lịch sự và nhã nhặn; đối với các chị gái, đơn giản và quan tâm. Điều này giả định một trực giác và sự cảm thông sâu sắc để hiểu những con người được gửi tới. Hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Lành nảy ra trong tâm trí tôi ngay lúc này.

Trong bầu khí của phái Jansenit thời đó, và sự quá thận trọng của những con người đạo đức do cha hướng dẫn- cha Eymard dạy dỗ một cách tự tin và không nao núng về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng yêu thương chúng ta vì chúng ta là những con người cần giúp đỡ, chứ không phải vì lý do nào khác. Đây là nền tảng cho lời dạy của cha về việc thường xuyên Rước lễ. Nếu cha đòi hỏi một sự vâng phục nghiêm ngặt từ những con người đang phải chịu đau khổ bởi sự thận trọng của mình, thì đó cũng chỉ nhằm dẫn đưa họ đến với một sự tự do về đường thiêng liêng, một giá trị mà cha đánh giá rất cao và là một nguyên tắc cơ bản cho những lời khuyên của cha.

Cám dỗ cũng được xem xét dưới ánh sáng của tự do nội tâm quân bình với trách nhiệm cá nhân, như cha đã hướng dẫn những người trao đổi thư từ với cha vượt qua tình trạng rối rắm khó hiểu của việc không hiểu rõ về luân lý.

Là một thầy dạy về cầu nguyện và linh đạo, cha đã truyền đạt con đường của chính cha. Cha đề cập đến đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng giống như một sự “tiến về phía trước”, một sự “bước vào”, nghĩa là “bỏ lại bản thân mình” và “bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa”. Những lối diễn tả này thường tái diễn và đem lại một sự hiểu biết thấu đáo trong cách hiểu của cha về bổn phận thiêng liêng. Đó cũng chính là một lối diễn tả khác về những gì mà chúng ta hiểu biết về quà tặng bản thân.

Lòng trung tín của cha đối với các bạn bè, cũng như việc quan tâm của cha đến những mảnh đời và những khúc mắc của họ, phát xuất từ việc quan tâm của cha đến sự thăng tiến về đường thiêng liêng và đời sống của họ. Tình bạn của cha không bao giờ là siêu nhiên cả. Việc đào tạo về đường thiêng liêng cho một đời sống nội tâm đích thực luôn luôn là mối bận tâm của cha, dù đó là Hội dòng Ba Đức Mẹ, đời sống Thánh Thể, hay đời sống thiêng liêng nói chung.

Tính hài hước:

Trong khi giọng văn của hầu hết các lá thư của cha đều mang tính trang nghiêm và suy niệm, thì chúng cũng không thiếu phần hài hước và mỉa mai, sự hài hước đôi lúc cũng là hình thức của sự trêu chọc hóm hỉnh. Tình bạn cho phép cha bỏ qua sự nghiêm trang mà nhìn chung cha cảm thấy cần phải có trong địa vị của mình.

Một vài ví dụ cho điều này có thể tìm thấy trong thư từ của cha gửi cho Antony Mayet, người mà cha cố gắng tìm cách khiêu khích để hoán cải, hay đối với các chị gái của cha, những người mà cha đã gửi một con chuột đồ chơi và một con quay để giúp đỡ cho những nỗ lực quyên góp của họ; hay khi cha khiển trách Marguerite Guillot về tính trẻ con của cô, hay sau này cha khuyến khích cô trong vai trò là Bề trên, và gọi nó là “vở kịch làm mẹ”, hay khi cha châm chọc Natalie Jordan về tuổi của bà, thúc giục bà tiến đến sự thánh thiện tuyệt vời (vì thời gian quá vắn vỏi), hay khi cha tranh luận với mẹ Guyot, người đã buộc tội cha vì đã viết những lá thư quá khô khan.

Đầy nhiệt huyết đối với Chúa:

Những lá thư của cha là một bức chân dung về bản thân được khắc họa qua lời dạy và mẫu gương của cha. Lời dạy và những hoạt động của cha, những phản ứng của cha đối với mọi người và những sự kiện, tất cả đều cho thấy cha là một con người đầy lửa tình yêu, luôn tập trung vào sứ vụ của mình, một con người luôn luôn sẵn sàng với những cơ hội để đưa người khác đến với Đức Ki-tô. Mặc dù cha than phiền về sự cuồng nhiệt trong cuộc đời của mình, cái mà cha gọi là “cơn lốc”, nhưng không vì thế mà cha đánh mất mục tiêu của mình. Đức Giê-su là tâm điểm của cha, là nơi cư ngụ của cha:

Hãy cư ngụ, sống trong tinh thần nội tâm của bà, hãy làm chủ bản thân, hãy tự suy niệm từ những cái bên ngoài đến những cái bên trong, hãy loại bỏ thế gian ra bên ngoài. Phần của bà là chạy đến cùng Đức Giê-su nơi tâm hồn bà, nơi mà Người đang linh hướng cho tâm hồn bà, nói với tâm hồn bà bằng một ngôn ngữ nội tâm mà chỉ một mình tình yêu mới nghe và hiểu được (gửi cho Natalie Jordan, 1859, Doc 861)

Nét mặt khắc khổ của cha cho chúng ta một cái nhìn về tinh thần nội tâm của cha. Năng lượng tinh thần của cha dành cho Chúa, cho sứ vụ, cho những người khác được hợp nhất lại bởi tình yêu. Cha rất dễ dãi đối với người khác, nhưng lại khó khăn đối với chính mình. Cha chỉ biết làm thế nào để cho đi tất cả. Trong những buổi hội thảo và những lá thư của mình, cha thường lặp lại lời mời gọi đến với đời sống tâm linh và sự hài hòa bên trong: “ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi bằng cả tâm trí, hết linh hồn, và hết sức lực ngươi: nói tóm lại là trọn con người của ngươi”. Những phẩm chất của linh hồn phát xuất từ bên trong chính là đức ái trọn hảo, việc phân định tâm linh, và sự công chính.

Những lá thư viết từ năm 1867-1868 là một nghiên cứu thú vị về đức ái trọn hảo này, đặc biệt là nó liên quan đến cô Sterlingue, Soeur Benoite, và Soeur Philomene. Cô Sterlingue chính là vị ân nhân của Nemours, người mà sau này đã quay lưng lại chống đối cha và tìm cách chống phá cha bằng lời vu khống và những lời tố cáo. Các Soeur Benoite và Philomene đã làm tan nát cõi lòng của cha khi từ chối trở lại Angers sau khi đóng cửa cộng đoàn ở Nemours. Thế nhưng, những lời của cha dành cho họ luôn luôn là bào chữa và cảm thông: “những thụ tạo nghèo hèn, những đứa con nghèo hèn”.

Toàn bộ thư từ gửi cho cha De Cuers cũng là một nghiên cứu về đức ái tuyệt vời này. Sự cảm thông cao thượng trong việc cư xử với một con người khó khăn và ghen tương đã làm nên lòng kính trọng, sự hợp tác, và lòng nhân từ.

Lòng chân thật của cha luôn luôn diễn tả lòng kính trọng và không bao giờ kết tội. Những sự kiện được đưa ra ánh sáng và được xem xét để tiến đến sự phản tỉnh trưởng thành. Cuộc xung đột với Bp Angebault về vấn đề xây dựng nhà nguyện ở Angers là điều thú vị về vấn đề này.

Những lá thư mà cha viết từ Rô-ma để gửi cho Hồng y Barnabo và Đức ông Capalti sau khi cha bị từ chối không được phép thành lập cộng đoàn ở Giêrusalem cho thấy một khía cạnh khác trong tính cách của cha: sự công chính và lòng dũng cảm của cha. Chúng ta có thể nhận ra rằng tính hiền lành của cha không phải là yếu đuối. Trong khi cha khiêm tốn đón nhận những lời phê bình từ cộng đoàn, cha trở nên vững vàng và dũng cảm khi danh dự của Hội dòng bị bôi nhọ:

Một người bị kết tội được phép bào chữa cho chính mình và người bị kết án bất công được phép đòi lại công bằng, vì thế con hoàn toàn tự do viết lá thư này cho Đức ông. Nếu con chịu trách nhiệm một mình, thì con sẽ hoàn toàn thinh lặng, nhưng con không được phép để cho thanh danh của Hội dòng Thánh Thể bị tổn thương… Con đã ở đó, bị kết tội mà không hay biết gì. Nếu như những cuộc tranh luận nghiêm túc của ngài bị che giấu một cách bí mật, thì thưa Đức ông, vấn đề đó phải được xem xét và đưa ra bàn luận. Vì thế, nhân danh Tin Mừng… Con dám tuyên bố một cách tuyệt đối và công khai rằng những sự việc đó là hoàn toàn giả dối. (gửi cho Đức ông Valerga, Doc 1542, cf cũng xem những lá thư gửi cho Hồng y Alexandro Barnabo, Doc 1553, và Đức ông Annibale, Capalti)

Thế giới nội tâm của cha:

Cho đến đây, chúng tôi đã giới thiệu chân dung của cha Eymard khi cha tương quan với những người khác. Thế còn về thế giới nội tâm của cha thì sao? Việc khám phá lâu dài và gian khó của cha đối với công việc mà Chúa đã trao cho cha cho thấy cha là một con người biết phân định, một con người cẩn trọng chỉ đưa ra quyết định bao lâu thánh ý Chúa trở nên rõ ràng. Những lá thư được viết vào giai đoạn thành lập Hội dòng là những kiệt tác về sự phân định và đáng được nghiên cứu một cách biệt lập. Tuy nhiên, những trích đoạn này cho thấy tinh thần của cha:

Trong bốn năm cuối đời, con cảm thấy một xung lực mãnh liệt khiến con phải nài xin Bề trên của con cho phép dành cả cuộc đời mình cho vinh quang và việc phụng sự Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Con đã cố ngăn cản bởi sự lôi cuối nội tâm này trong ba năm, vì sợ rằng nó có thể là kết quả của một sự lôi cuốn tự nhiên hay một sự ảo tưởng của ma quỷ. (Gửi cho ĐTC Pio IX, ngày 2/8/1855, Doc 522)

Mặc dù, cha tự nhủ với lòng mình rằng: “Tôi giống như tổ phụ Gia-cóp, luôn luôn lên đường”, những lời nói quả quyết của cha phản ánh một con người mạnh mẽ và quyết đoán khi phải đưa ra quyết định đối với những lựa chọn khó khăn. Chúng ta có thể thấy điều này đặc biệt trong lá thư gửi cho cha De Cuers, kể về quyết định rời khỏi Dòng Marist và cuộc phỏng vấn của cha với cha Giulian Favre, Giám tỉnh của cha. “Ngày mai e rằng quá trễ”. Cha không chia sẻ về chính mình hay con tim nhạy bén của mình. Sự cởi mở, tính khiêm nhường, sự chân thật, việc cầu nguyện, sự bàn hỏi, tính khách quan, sự hy sinh (tiết dục), sự ngay thẳng- tất cả đều được biểu hiện ra trong những giây phút quyết định của cha.

Cha dựa vào cái gì để nói về những lời than phiền của mình. Những chứng cớ cho ơn gọi mới của cha là gì? Tôi chẳng có những dấu lạ hay những điều trông thấy hay bất kỳ điều gì phi thường cả. Thiên Chúa lôi kéo tôi cách mạnh mẽ đến với công việc này, đặc biệt là trong hai năm cuối đời này. Ân sủng này đã hoạt động trong tâm hồn tôi suốt bốn năm nay. Tôi đã nhận ra điều đó, tôi lo sợ vì điều đó. Tôi sợ thập giá, sợ những khó khăn, đau khổ,…Ôi! Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đang mời gọi tôi hy sinh hoàn toàn, tôi đốt cháy con tàu mà tôi muốn giữ lại. Tôi đã hoàn toàn từ bỏ chính mình cho ân sủng của Ngài; và cuối cùng, tôi đã đi đến quyết định,…Đột nhiên, tôi cảm thấy một sự an bình tuyệt vời và ngọt ngào đổ xuống tâm hồn tôi. Tâm hồn tôi thật hạnh phúc. Thiên Chúa an ủi tôi trong lúc tôi yếu đuối (Gửi cho cha De Cuers, Doc 558)

Kỹ năng tổ chức và tương quan:

Thân thiện, trực giác, cảm thông, có ý tưởng. Danh sách những đặc điểm này vẫn không đủ để miêu tả về Phê-rô Giu-li-a-nô. Cha là một người mơ mộng hay một người trì hoãn, vì đôi lúc cha được khắc họa như thế.

Một khả năng được đưa ra cho rằng cha là người giành được nhiều thành tựu. Điều này được thể hiện qua những kỹ năng tổ chức của cha khi cư xử với người khác. Cũng có thể nhận ra điều này từ cơ cấu phức tạp của Hội dòng Ba Đức Mẹ, những nền tảng cha nhận ra sau khi hai Hội dòng được thành hình, những nhóm giáo dân và những Hiệp hội mà cha cố gắng duy trì sự sống, sự theo đuổi của cha đối với dự án Phòng Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem nhờ vào tính cách ngoại giao và những trung gian trong Giáo hội. Có thể nhận ra điều này trong tất cả những gì mà cha đã hoàn tất trong mười năm ngắn ngủi khi là một Đấng Sáng Lập.

Về sự việc ở Nemours, cha đã theo đuổi những vấn đề luật pháp bằng sự can đảm. Những thất bại về tài chính cha gặp phải quả thực không phải do lỗi của cha. Sự đổ bể của các cơ quan tài chính mà cha gửi tiền vào đó, tình trạng luật pháp rối ren, và tính tham lam của cô Sterlingue gây nguy hiểm cho dự án xây dựng cộng đoàn của cha ở Angers và cộng đoàn ở Saint Maurice và Brussels. Điều đó làm cho cha mất đi sự kính trọng từ phía các Đức Giám mục và bạn bè.


Kết luận:

Qua những nét phác họa mà soeur Catherine trình bày, chúng ta có thể hiểu biết đôi chút về tính cách của cha Eymard: Một con người luôn luôn phản tỉnh về chính mình, một con người rất nhạy bén với dấu chỉ của thời đại và những nhu cầu của người khác, một người luôn biết quý trọng và ra sức xây dựng những mối tương quan: với Thiên Chúa, với anh chị em khác, và đặc biệt là một con người đầy nhiệt huyết đối với Nhiệm Tích Thánh Thể. Tính cách làm nên con người và đó chính là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho từng người. Cha Eymard đã biết làm sinh lợi từ những ân huệ Chúa ban.

Chuyển dịch: Cát Bụi,sss.