Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh

TIN MỪNG : Ga 20,19-31

Đức Giêsu đã Phục Sinh! Mặc dù không ai chứng kiến sự kiện Phục Sinh, niềm tin vào Đấng Phục Sinh không ngừng gia tăng, tín hữu ngày càng đông. Mọi sự bắt đầu với việc các phụ nữ ra viếng mộ Chúa và khám phá ra rằng xác Đức Giêsu không còn trong đó nữa. Tiếp sau đó, các sách Tin Mừng thuật lại, theo nhãn giới thần học của mình, những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho những ai Người muốn, đặc biệt là cho các tông đồ để thiết đặt các ông làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh. Sách Tin Mừng thứ tư kể lại đến bốn lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, sau biến cố khám phá Ngôi Mộ Trống (Ga 20,1-10):

  • Hiện ra cho Maria Madalêna (20,11-18).

  • Hiện ra cho Nhóm Mười môn đệ (20,19-23).

  • Hiện ra cho Nhóm thêm Tôma (20,24-29).

  • Hiện ra cho bảy môn đệ ở biển hồ Tibêria (21,1-23).

Chúa Nhật tuần này đọc hai lần Chúa hiện ra cho nhóm môn đệ, cả hai lần đều tại “nơi các môn đệ ở” tại Giêrusalem.

Phần trích đoạn hiện ra cho Nhóm Mười sẽ được đọc lại vào Chúa Nhật Hiện Xuống ABC, nên ở đây sẽ nhấn mạnh vào Ga 20,24-29.

Những lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho đoàn môn đệ thân tín là nhằm trang bị cho các ông những yếu tố cần thiết để Giáo Hội thật sự trở nên Nhiệm Thể Đức Kitô với trọn vẹn quyền năng thần linh được trao ban hầu tiếp tục hoàn tất sứ vụ mà Đấng Phục Sinh đã khởi sự.

  1. Lần hiện ra thứ nhất: cho Nhóm Mười (20,19-23).

Đấng Phục Sinh trao ban cho đoàn môn đệ những “trang thiết bị” cần thiết chuẩn bị cho sứ vụ tương lai mà các ông phải tự mình đảm nhận.

  • Khung cảnh:

  • Thời điểm:chiều ngày thứ nhất trong tuần: Thập Giá của Đức Giêsu không là một ngôi mộ, một ngõ cụt đưa tới diệt vong mà là “cửa khẩu” đưa nhân loại vào cuộc sống mới vĩnh cửu. Sau đêm thứ bảy của ngôi mộ tối tăm, Đức Giêsu đã chỗi dậy khai mở kỷ nguyên mới với “ngày thứ nhất trong tuần” khởi đầu cho nhịp sống mới, vận hội mới, sáng tạo mới. Từ nay, ngày này được gọi là “ngày của Chúa = CHÚA NHẬT” tưởng niệm Đức Giêsu Phục Sinh (x. GLHTCG 1163).

  • Đối tượng Đấng Phục Sinh nhắm đến ở đây là “các môn đệ”, lúc đó chỉ còn mười: Giuđa đã chết, Tôma vắng mặt. Mặc dù đức tin đã chớm nở nơi đoàn môn đệ (x. Ga 20,8) nhưng chưa đủ mạnh để vực các ông dậy, chưa đủ xác tín giúp các ông thành chứng nhân, chưa đủ an bình để giúp các ông đương đầu và hiểu ý nghĩa của Thập Giá. Để giúp khắc phục những yếu kém của đức tin, để giúp hoàn thiện đức tin và biến các môn đệ thành chứng nhân của Thập Giá và Phục Sinh, Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho họ và trao ban cho họ: bình an, Thánh Thần, và quyền bính giúp các ông dám tiếp tục sứ vụ mà Đấng Phục Sinh đã khai mở qua Thập Giá và Phục Sinh.

  • Nơi chốn: sau khi Đức Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ chạy hết; Nơi chốn họ tụ về để ẩn náu chắc là phòng tiệc ly (so Lc 22,7-12; Mc 14,12-16; Mt26,17-19 với Cv 1,13).

Còn trong Tin Mừng Gioan, các chi tiết liên quan đến nơi chốn, thời điểm ăn Bữa Tiệc Ly chỉ được ghi lại “nên trong một bữa ăn” (Ga 13,4) nghĩa là không xác định ăn vào dịp nào; vì thế ở đây Ga 20,19 cũng chỉ ghi tổng quát về nơi chốn là “nơi các ông đang ở”.

Tình trạng các môn đệ:

“Các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái”

Đấng Phục Sinh hiện đến

– Vực dậy lòng tin: cho xem vết thương;

– Ban bình an;

– Sai đi;

– Ban Thánh Thần;

– Ban quyền tha / buộc.

Phần này sẽ suy niệm trong Lễ Hiện Xuống ABC.

+ Bình an cho anh em

Đây là lời đầu tiên Đấng Phục Sinh ngỏ cùng đoàn môn đệ khi đến với các ông trong khung cảnh đang lẩn trốn vì sợ người Do Thái: bóng đen Thập Giá còn đè nặng trên các ông, còn ánh sáng Phục Sinh từ ngôi mộ trống chưa đủ mạnh để thúc đẩy các ông công khai biểu lộ niềm tin của mình. Do đó việc làm trước tiên đối với họ là Đấng Phục Sinh phải ổn định lại đức tin của họ vào Thiên Chúa và vào Người (x. Ga 14,1).

“Bình an” ở đây tương đương với “đừng sợ” trong các cuộc thần hiện: Thiên Chúa trấn an những ai được Chúa chọn trước khi trao cho họ một sứ vụ.

Để chuẩn bị cho đoàn môn đệ sẽ dấn thân vào sứ vụ tương lai cách ổn định khi vắng bóng sự hiện diện hữu hình của Người, Đấng Phục Sinh đã ba lần trao ban bình an cho các ông kèm theo những hồng ân đặc thù cần thiết:

  • Trong lần hiện ra thứ nhất cho mười môn đệ, Đấng Phục Sinh đã hai lần chúc bình an:

  • Bình an 1: kèm theo việc cho thấy các dấu tích Thập Giá trên thân thể Người, nhằm thiết đặt các chứng nhận NỀN CHÍNH THỨC của việc Đức Giêsu Phục Sinh.

  • Bình an 2 với các ân ban: sai đi, Thánh Thần, quyền tháo buộc là để chuẩn bị cho sứ vụ tương lai dài lâu của Hội Thánh mọi thời.

  • Còn trong lần hiện ra thứ hai, Đức Giêsu đã ban

  • Bình an 3: Đấng Phục Sinh hé mở nội dung đức tin Phục Sinh không dừng lại ở việc tin xác Đức Giêsu sống lại, mà chính yếu là tôn thờ con người chịu đóng đinh đó, bây giờ là “CHÚA của con, là THIÊN CHÚAcủa con”; Nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh, được đi vào vinh quang thần linh của Thiên Chúa.

  • Đồng thời trong tư cách là CHÚA, là THIÊNCHÚA đó, Người thiết lập mối “chân phúc Phục Sinh”: phúc cho ai không thấy mà tin.

  1. Hiện ra lần hai: Đặc biệt cho Tôma– Phúc cho ai không thấy mà tin (cc.24-29).

Chúng ta ở vào ngày cuối của tuần bát nhật Phục Sinh. Biến cố Đấng Phục Sinh  hiện ra cho Tôma cũng xảy ra 8 ngày sau Phục Sinh. Vậy cuộc hiện ra cho Tôma là trọng tâm của Tin Mừng hôm nay. Chúng ta tìm thấy trong phần này những nét chính ăn khớp với bài đọc 1:

  • Chứng từ của cộng đoàn;

  • Đức tin của Tôma;

  • Và vai trò quyết định của Đấng Phục Sinh trong việc định hình cho đức tin ấy.

  • Chứng từ của cộng đoàn (cc.24-25)

Bước đầu của đức tin được khơi dậy từ cộng đoàn, một cộng đoàn phụng vụ đang bày tỏ niềm tin và tán dương CHÚA của mình. Họ nói cùng Tôma: “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Chứng từ này chưa thuyết phục được Tôma, vì cộng đoàn vẫn còn khép kín trong vỏ ốc của mình : “Thấy Chúa” không phải để khép kín, hưởng riêng hạnh phúc Phục Sinh, nhưng là để cho một sứ mạng. Vì thế chứng từ này, đã gặp một phản kháng từ phía Tôma.

  • Phản ứng của Tôma (c.25b)

Không tin ! Đòi kiểm chứng bằng giác quan. Đọc kỹ câu 25b, phải nói là lời đòi hỏi của Tôma hơi quá đáng và có vẻ như khiêu khích, thách thức: ông không đòi “thấy Chúa”, ông muốn kiểm chứng đến từng chi tiết: xỏ ngón tay, đặt bàn tay vào các vết thương. Cái nút của vấn đề là ở đây: không phải chỉ Tôma, mà con người mọi thời đều rơi vào cái sai lầm chết người là chỉ cần kiểm chứng được bằng giác quan là có thể đi vào trong huyền nhiệm của biến cố Phục Sinh. Người ta đã giảm thiểu đức tin vào trong phạm trù thực nghiệm kiểm chứng bằng giác quan. Điều này có nguy cơ đưa tới  cứng tin: không tin bất cứ điều nào mà những đòi hỏi về mặt thực nghiệm không được thỏa đáp. Lần hiện ra cho Tôma là lời đáp của Đấng Phục Sinh nhằm giải cứu Tôma và nhân loại khỏi sai lầm chết người ấy.

  • Lời đáp của Đấng Phục Sinh: hiện ra cho Tôma

Cũng cùng một khung cảnh như lần hiện ra trước: cuộc họp mặt của các kẻ tin diễn ra vào ngày thứ nhất trong tuần. Đây là một nét đặc thù của cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Các môn đệ đã “thấy Chúa” trong bối cảnh một buổi họp phụng vụ. Chính trong bối cảnh này mà bản văn hiện ra cho Tôma được hình thành. Đối tượng nhắm tới không phải là Tôma mà là cộng đoàn tín hữu của tác giả Tin Mừng thứ tư. Thật vậy các tín hữu sau thời các tông đồ, không còn ai được thấy Đấng Phục Sinh bằng mắt phàm nữa. Vậy họ có thiệt thòi gì không và niềm tin của họ có mù quáng không vì chỉ tin nhờ vào lời chứng của thế hệ đi trước mà các thế hệ này cũng chẳng hề thấy Đấng Phục Sinh ? Câu chuyện Đấng Phục Sinh hiện ra cho Tôma là lời đáp trả của các vấn nạn trên. Luca cũng có cùng mục đích khi soạn thảo trình thuật “hai môn đệ làng Emmau”. Chính trong khung cảnh phụng vụ mà các tín hữu “thấy Chúa” thật sự chứ không ngang qua một kinh nghiệm thể lý. Thật vậy khi được Đấng Phục Sinh cho gặp, Tôma đã không dám thi hành điều ông đã đòi hỏi: ông phục lạy và tuyên tín. Ông không tuyên tín Đức Giêsu đã Phục Sinh, nhưng ông tuyên tín Người là “CHÚA và là Thiên Chúa của ông”.

  • Lời tuyên tín của Tôma: “Lạy CHÚA của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Trong lời tuyên xưng này hai tước hiệu CHÚA và THIÊN CHÚA được liên kết chặt chẽ trong một câu. Cách gọi kép này được tìm thấy nhiều trong bản LXX (x. 2Sm 7,28; 1V 18,39; Tv 30,2…) được dùng khi thưa chuyện với YAVÊ. Vậy qua việc dùng cách gọi mà người Do Thái quen dùng khi tôn thờ YAVÊ THIÊN CHÚA, lời tuyên xưng của Tôma tuyên bố Đức Giêsu là Thiên Chúa và thờ lạy Người với một cung cách chỉ dành riêng cho YAVÊ THIÊN CHÚA.

Vậy một khi Tôma đã được gỡ ra khỏi rào cản của giác quan, ông đã gặp được Đấng Phục Sinh như Người muốn, nhờ vậy ông đã đi thẳng đến đỉnh cao của đức tin bằng câu tuyên xưng bất hủ. Trường hợp của Tôma được Gioan nêu ra đây như là một mẫu mực cho tiến trình của người môn đệ trong mọi thời. Thật vậy, với chứng từ của cộng đoàn Giáo Hội, với những phương thế đặc biệt đã được chính Đấng Phục Sinh thiết lập, chúng ta hôm nay vẫn “nghe” và “thấy” được chính Người cách cụ thể, biệt vị nên vẫn có đủ tư cách lặp lại lời tuyên xưng của Tôma, nhất là khi Đấng Phục Sinh công bố mối phúc mới để kết thúc sách Tin Mừng. Mối phúc này mở rộng hồng ân được gặp thấy Đấng Phục Sinh cho mọi người, mọi thời.

  1. Hai lời mặc khải chung cuộc của Đấng Phục Sinh

  • Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin (c.27b).

Trong văn mạch nối với lần hiện ra thứ nhất và nối với sự cứng lòng của Tôma trước lời chứng của Nhóm Mười, thì “đừng cứng lòng tin nữa”, “nhưng hãy tin” là lời mời và cũng là lời long trọng công bố của Đấng Phục Sinh là hãy tin vào lời chứng của Nhóm Mười, tức là lời chứng của các tông đồ, lời chứng tông truyền của cộng đoàn môn đệ.

Đó là một nền tảng vững chắc để tín hữu mọi thời dù không được tiếp xúc giác quan với Đấng Phục Sinh vẫn an tâm tin rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH.

  • Phúc cho ai không thấy mà tin.

Từ sự kiện Tôma, Đức Giêsu công bố một mối phúc mới với tư cách là Đấng Phục Sinh. Sau lần hiện ra với Tôma, Đức Giêsu sẽ không xuất hiện hữu hình qua hình dạng xác phàm hay chết nữa; Vì thế, việc thấy, tiếp xúc với Người bằng giác quan là điều không có nữa. Người không muốn hiện diện và tiếp xúc với ta bằng xác phàm đầy giới hạn, bất toàn nữa. Giai đoạn đó đã qua rồi. Giờ đây Người muốn tiếp xúc với ta trong tư cách là Đấng Phục Sinh. Vì chỉ với xác phàm, Người không thể hoàn tất được sứ mạng “CỨU” của Người. Chỉ với thân xác đã Phục Sinh, là CHÚA, Người mới thức tỉnh được đức tin của môn đệ và đưa nó tới chỗ thành toàn. Do đó việc tiếp xúc với một thân xác hữu hạn chẳng có ích gì cho ta vì nó nhốt ta trong cái hữu hạn là cái còn nằm dưới quyền của sự chết và tội lỗi; Chỉ khi tiếp xúc với Đấng Phục Sinh trong quyền năng vô biên của Người thì ta mới đạt tới cõi phúc vĩnh cửu.

Tuy nhiên với quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người dư biết xác phàm của ta vẫn cần nhu cầu tiếp xúc thể lý, nên Người đã sáng tạo nên những phương thế hữu hình để giác quan chúng ta có thể thật sự tiếp xúc được với Người một cách cụ thể, trực tiếp: Lời Chúa – bí tích đặc biệt là Thánh Thể – cộng đoàn phụng vụ. Vậy nếu ai biết tận dụng những phương thế hữu hiệu trên để “gặp”, “thấy” và tin vào Người thì quả thật họ đang ngập chìm trong chân phúc. Đây quả thực là mối phúc thật duy nhất được Đấng Phục Sinh công bố với quyền năng của một vị Thiên Chúa và Người kiên trì chờ đợi ta đến tận hưởng chân phúc ấy trong Lời Chúa, bí tích và cộng đoàn phụng vụ.

  1. Kết luận (Ga 20,30-31)

Đây là đoạn kết thứ nhất của Tin Mừng Gioan và cũng là đoạn kết của chương 20 nói về chủ đề Đấng Phục Sinh.

  • Rõ ràng câu 30 cho thấy phép lạ, sự kiện thấy Chúa hữu hình không là yếu tố chính yếu. Vì còn bao nhiêu việc khác Chúa đã làm mà Tin Mừng thấy không cần phải ghi chép lại. Vì phép lạ không thiết yếu để đưa tới TIN.

  • Chỉ chép lại vài dấu chỉ để giúp tin (c.31). Tin cái gì ? Xác Chúa sống lại không là đối tượng chính của TIN. Nhưng là TINrằng:

  • Giêsu”: là con của bà Maria, sinh ra cách đây khoảng 30 năm; đã đi rao giảng, làm dấu lạ ba năm nay; cách nay ba ngày bị đóng đinh thập tự và đã được an táng trong mộ. Con người mà các môn đệ đã sống chung ba năm.

  • Kitô = Mêsia: “con người đó” là chính Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã đoan hứa sẽ ban cho Abram, cho Israel từ thuở trước.

  • Con Thiên Chúa:và hơn nữa, đó là Đấng đạp đầu Rắn mà Thiên Chúa hứa ban cho toàn thể nhân loại (St 3,15). Và hơn nữa, còn là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa Kurios.

  • Mục đích của đức tin đó là: không thể thỏa mãn trí tò mò, không để tìm cho được một câu chứng minh cho phù hợp với cái trí khôn to chỉ bằng “lòng bàn tay” của ta (mà lại đòi dùng nó để tát hết nước biển vào một hố cát trên bờ biển do mình đào ra: Augustin); Nhưng là để TINvà nhờ TIN mà được cứu độ, được sống nhờ Danh Đức Giêsu Kitô.

Tuyên xưng “tôi tin Giêsu Phục Sinh” nghĩa là tuyên xưng những gì được kết luận trong Ga 20,31 nghĩa là:

Điều Thiên Chúa đã hoàn tất nơi nhân tính của con người Giêsu, Thiên Chúa chắc chắn cũng hoàn tất nơi nhân tính của từng người chúng ta và của cả nhân loại. Mừng “Giêsu Phục Sinh” là mừng biến cố một con người trong nhân loại chúng ta được Thiên Chúa đưa vào hội nhập trọn vẹn trong vinh quang thần linh từ muôn đời của Thiên Chúa.

Vậy việc Giêsu sống lại là một DẤU ẤN mà Thiên Chúa đóng vào nhân tính của nhân loại tội lỗi chúng ta, bảo đảm rằng nhân tính phàm tục của ta cũng sẽ được cùng với nhân tính của Đức Giêsu, hiệp nhất nên một (với nhân tính Đức Giêsu) như thân thể với đầu cùng đi vào vinh quang Thiên Chúa.

Trong khi chờ đợi giây phút Thiên Chúa hoàn tất trọn vẹn công trình vĩ đại đó, phần nhân loại – cá nhân lẫn cộng đoàn – là lưu truyền niềm tin “Giêsu Phục Sinh” cho thế giới bằng chính đời sống tín hữu mẫu mực như được mô tả trong cộng đoàn tiên khởi (x. Cv 2,41-47).

Phương tiện mà Đức Giêsu đã thiết đặt giúp nhân loại mọi thời đạt tới cùng đích trên là:

  • Lời Chúa;

  • Chứng từ và rao giảng tông truyền;

  • Đời sống hiệp nhất, cộng đoàn đồng tâm nhất trí;

  • Lòng mến chân tình nơi từng tín hữu.

Trong bàn tay Chúa Thánh Thần, những ân huệ trên sẽ nên máng chuyển lưu truyền sự sống Phục Sinh đến cho nhân loại mọi thời mọi nơi và làm tất cả nên con cái Thiên Chúa, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1Cr 15,28). 

Frère Pierre Đình Long FSC