Tháng Tư Ngày 10

 

Bao lâu có thể, chị nên cầu nguyện trong thinh lặng và hãy quý trọng sự thinh lặng. Hãy cố gắng sao cho có một chủ đề cầu nguyện ưa thích, chẳng hạn như suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giê-su, về Bí Tích Thánh Thể, nhận thức về sự hiện diện của Chúa; đến trực tiếp với Chúa Giê-su mà không có quá nhiều vướng bận.” (trích từ một lá thư gửi cho chị gái [cũng là mẹ đỡ đầu], chị Marianne, 1837)

Cha Eymard tiếp tục với lời khuyên thực tế dành cho chị gái và cũng đồng thời là mẹ đỡ đầu của cha, chị Marianne. ‘Sự thinh lặng’ được đề cập đến trong lời khuyên của cha không chỉ là việc thiếu đi tiếng ồn hay phiền phức ở bên ngoài, nhưng còn cho thấy phẩm chất nội tâm trong việc cầu nguyện của chúng ta nữa. Nhìn chung, khi một người nào đó mới bắt đầu trong đời sống cầu nguyện, thì có rất nhiều từ ngữ và hình ảnh được dùng và hoàn toàn có thể thông cảm được điều này. Đây quả thực là một cuộc đàm thoại mà trong đó người cầu nguyện cảm thấy có nhu cầu cần phải diễn tả mọi chi tiết của sự việc cần xem xét. Thế nhưng khi kinh nghiệm về đường lối của Thiên Chúa được đào sâu, người ấy bắt đầu nhận ra rằng không cần dùng quá nhiều lời như vậy. Vì lẽ, Thiên Chúa biết tất cả những gì chúng ta cần trước cả khi chúng ta cầu xin Ngài (Mt 6,5-15).

Trong khi việc giữ thinh lặng trước Nhan Thánh Chúa quả là khó khăn đối với hầu hết mỗi người chúng ta, thì cần phải biết rằng việc thinh lặng ấy đem lại cho chúng ta cơ hội để đạt đến hình thức cao nhất của cầu nguyện. Và đó là vì khi chúng ta hoàn toàn thinh lặng, Cái Tôi không thể hoạt động và do đó, có rất ít trở ngại ngăn cản việc kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa. Cha Eymard cũng đề nghị những phương tiện khác để có được một cuộc trò chuyện nhanh chóng hơn với Chúa và những phương tiện đó là: có một chủ đề yêu thích dành cho việc cầu nguyện của chúng ta. Điều này cho phép chúng ta chạy thẳng đến Chúa mà không cần suy nghĩ quá nhiều về đề tài hay chủ đề mới hay khác lạ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cố gắng để xa tránhmột cạm bẫy minh nhiên, và cạm bẫy đó chính là sa vào ‘vũng lầy’ yêu thích nhất của chúng ta, có thể nói như vậy. Do đó, khi chúng ta có cùng một chủ đề, tốt hơn hết là mở lòng ra để lắng nghe tất cả những gì Chúa nói với chúng ta trong mỗi dịp cụ thể. Một thuận lợi khác của chủ đề quen thuộc, đó là: nó đụng chạm đến tâm hồn chúng ta, và kích thích những cảm xúc một cách dễ dàng hơn. Luôn luôn là điều dễ dàng hơn khi dừng lại chủ đề mà mình yêu thích.

Cha Eymard thật khôn ngoan khi nói thêm rằng chúng ta nên tập trung vào việc chạy thẳng đến Chúa Giê-su,đừng có quá nhiều vướng bận hay thú vui xung quanh những cái tùy phụ. Khi chúng ta nằm gọn trong bàn tay Ngài, trước tiên chúng ta hãy lắng nghe những gì Ngài nói với chúng ta; chúng ta cũng để ý đến bất kỳ điều gì cụ thể mà Ngài có thể đang nói với chúng ta, thậm chí là qua một đề tài quen thuộc. Điều này thì quan trọng bởi lẽ có những điều chúng ta không thích và tìm cách tránh né, có lẽ một cách vô ý thức. Khi thiết lập tương quan với Chúa, tốt hơn hết là ở lại trong sự thinh lặng bao lâu có thể, để cho Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta. Sau hết, điều quan trọng trong việc cầu nguyện, đó là: không phải những gì chúng ta làm, nhưng là những gì chúng ta để cho Thiên Chúa làm nơi chúng ta. Trong suốt buổi cầu nguyện, chúng ta phải trở nên như một bệnh nhân chuẩn bị được phẫu thuật; chắc chắn một điều là chúng ta không thể biết được bác sĩ phẫu thuật đã làm gì, chúng ta tin cậy trao phó mạng sống mình vào tay người ấy và chấp nhận tất cả những gì người ấy làm cho chúng ta; chúng ta tin rằng người ấy sẽ làm những gì tốt nhất cho chúng ta. Và trong những trường hợp này, kết quả luôn luôn là mỹ mãn nhất. Chúng ta mong đợi điều tương tự khi tin tưởng phó thác đời mình vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, Đấng trong mọi tình cảnh luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta!