CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI – năm C

Bài 1

Cn 8,22-31; Ga 16,12-15
Chủ đề: liên hệ hỗ tương giữa Ba Ngôi được mặc khải từng bước

* Cn 8,30: Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói thế này:

“Ta hiện diện bên Thiên Chúa như tay thợ cả
Ngày ngày ta là niềm vui của Người”

* Ga 16,15: Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Đức Giêsu đã nói: Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Với việc trao ban công khai Chúa Thánh Thần cho đoàn môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa đã tỏ mình cách trọn vẹn cho nhân loại.

Niềm tin kitô giáo của chúng ta xác tín rằng:

– Thiên Chúa Cha tỏ mình cho nhân loại và vũ trụ qua công trình sáng tạo: Cha ban cho mọi vật được thông phần hiện hữu với Người: Thiên Chúa phán: HÃY CÓ… Vai trò chủ đạo của việc sáng tạo được trình bày là của Cha. Nhưng LỜI NÓI (Ngôi Lời) và Thần Khí bay là là trên mặt nước (Ngôi Ba) cũng đã hiện diện trong công trình sáng tạo rồi và tích cực góp phần dù chưa được minh nhiên tỏ lộ.

– Khi thời gian viên mãn, Ngôi Lời nhập thể mang lấy nhân tính phàm nhân nên giống nhân loại mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15) để cứu chuộc, hồi phục nhân loại và ban cho nhân loại quyền làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12) Ngôi vị đảm nhận việc nhập thể mang lấy xác phàm là Ngôi Con, nhưng trong công cuộc nhập thể này, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng được mặc khải; Nhập thể là công trình của cả Ba Ngôi: Cha sai sứ thần truyền tin cho Maria, Đấng làm chủ công trình là CHA; Ngôi Con đảm nhận nhập thể làm người mang tên là GIÊSU; Và công việc được thể hiện cụ thể trong dòng lịch sử là vai trò của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà…” (x. Lc 1,26-35).

– Và khi Đức Giêsu kết thúc sứ vụ trần thế và Thăng Thiên thì đích thân Chúa Thánh Thần ngự xuống cách hữu hình, công khai trên đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh. Và việc Chúa Thánh Thần được trao ban cũng là công trình của Ba Ngôi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Cha sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (x. Ga 14,16); Đấng Bảo Trợ ấy là Thánh Thần (x. Ga 14,26).

Như vậy, từng bước một, vì lợi ích cứu độ lớn lao nhất cho toàn thể tạo thành, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại ngang qua những công trình cụ thể được Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử, vừa tầm đón nhận của con người để mọi người có thể hiệp thông được vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói cách khác, Ba Ngôi đã ban tặng chính mình Người cho toàn nhân loại nhằm mục đích, từng bước một, biến con người nên con Thiên Chúa và giống như Giêsu, mọi người đều có thể kêu lên cùng Thiên Chúa tiếng “Abba – Cha!”, được đồng thừa tự với Đức Kitô (x. Gl 4,6-7; Rm 8,15-17). Thật vậy:

– Ngay từ trong công trình sáng tạo, cả Ba Ngôi đều đã muốn dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa “CHÚNG TA hãy làm ra con người theo hình ảnh CHÚNG TA, giống như CHÚNG TA…” (x. St 1,26) (Từ “Thiên Chúa” ở trong St 1 lại ở dạng ELÔHIM là một từ số nhiều).

– Trong công cuộc cứu chuộc mà Ba Ngôi thực hiện trong Đức Kitô, thì chóp đỉnh được nhắm tới là con người được làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12): Đức Giêsu đã dạy môn đệ cầu nguyện với Chúa là “Lạy Cha” (x. Mt 6,9; Lc 11,2); Đức Giêsu đã nâng người tín hữu từ hàng nô lệ lên hàng bạn hữu (x. Ga 15,15); và lên hàng anh em với Người và là con Cha như Người (x. Ga 20,17).

– Và với Chúa Thánh Thần, tín hữu dám gọi Thiên Chúa là “Abba! Cha!” (Rm 8,15-16)

Như vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải cho chúng ta một cách trọn vẹn ngang qua quyền được làm con Thiên Chúa mà Ba Ngôi hoàn thành từng bước cho các kẻ tin. Như vậy để tiếp cận mầu nhiệm Ba Ngôi, tín hữu cần mở lòng trước mặc khải tiện tiến của Thiên Chúa:

Bài đọc 1, trích từ sách Châm Ngôn của Cựu Ước. Mầu nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải; Do đó bài đọc 1 chỉ trình bày về ĐỨC KHÔN NGOAN của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây ĐỨC KHÔN NGOAN được trình bày như là một ngôi vị được Thiên Chúa “dựng nên từ nguyên thủy”; ĐỨC KHÔN NGOAN hiện hữu trước khi có mọi loài thọ tạo; Và khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thì ĐỨC KHÔN NGOAN đã có đó trong vai trò cộng tác với Thiên Chúa “như tay thợ cả” trong công trình sáng tạo. Đó là những yếu tố dọn đường để khi đến thời Tân Ước thì Thánh Phaolô nhận ra rằng ĐỨC KHÔN NGOAN mà sách Châm Ngôn nói tới là hình ảnh báo trước về Đức Giêsu. Thật vậy

– 1Cr 1,24.30 đã gọi Đức Kitô là ĐỨC KHÔN NGOAN của Thiên Chúa

– Cl 1,15-16 đã gọi Đức Giêsu là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” và được tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (so với Cn 8,22).

– Và Cn 8,30-31 còn cho thấy ĐỨC KHÔN NGOAN là “cầu nối” giữa Thiên Chúa với tạo vật, làm Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người.

Đó chính là vai trò trung gian của Đức Giêsu.

Tin Mừng bày tỏ mầu nhiệm Ba Ngôi ngang qua vai trò của mỗi Ngôi trong việc mặc khải Thánh Ý Cha cho đoàn môn đệ. Thật vậy, mọi sự đều là của Cha, và Cha đã trao hết cho Con (x. Ga 16,15) để Con mặc khải cho môn đệ; Nhưng trong hiện tại, môn đệ chưa đủ sức đảm nhận tất cả (16,12); Chỉ khi Thánh Thần đến, Người mới đưa môn đệ vào thông hiệp được với Ý Cha (16,13).

Như vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi đã được mặc khải trọn vẹn cho đoàn môn đệ. Họ đã đón nhận được và sống ơn huệ ấy qua việc vui mừng gọi Thiên Chúa là Abba! Cha! Như Chúa Giêsu. Vậy cách thức tuyệt vời và hiệu quả để loan báo Mầu Nhiệm Ba Ngôi chính là sống trọn vẹn quyền làm con Thiên Chúa với trọn tâm tình hiếu thảo như Chúa Giêsu.

Bài 2

Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Thần Khí sự thật lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em (Ga 16,15).

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi. Sau khi trao ban Thánh Thần cách công khai cho đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh qua biến cố “hiện xuống”, Thiên Chúa đã tỏ mình cách trọn vẹn cho đoàn môn đệ. Và qua những gì Thiên Chúa đã thực hiện từng bước một trong dòng lịch sử cứu độ, được lưu truyền lại trong Kinh Thánh và Thánh Truyền, Giáo Hội đã có được một đáp số, một xác tín về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi” được công khai tuyên xưng trong kinh Tin Kính:

– Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất
– Thiên Chúa đó là Cha toàn năng, Đấng Tạo Dựng đất trời…
– Thiên Chúa đó là Chúa duy nhất, Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật…
– Thiên Chúa đó là Thánh Thần. Thánh Thần là Chúa, Đấng ban sự sống…

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và của đời sống kitô hữu. Đây là mầu nhiệm Thiên Chúa trong chính Người, là cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (DCG 43). “Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất – Cha, Con và Thánh Thần – dùng để mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (DCG 47 (GLHTCG 234).

“Thiên Chúa Ba Ngôi” là một mầu nhiệm đức tin… một trong những “mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa… không ai biết được nếu chúng không được ơn trên mặc khải cho” (SPF 16). Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại dấu vết của bản thể (être) Ba Ngôi trong công cuộc tạo dựng và trong dòng mặc khải Cựu Ước. Nhưng trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và trước khi (khởi sự) sứ vụ của Chúa Thánh Thần, thì mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà chỉ nguyên lý trí của loài người và ngay cả đức tin của Israel xưa cũng không thể vươn tới được (GLHTCG 237).

Vậy mặc khải về “Thiên Chúa Ba Ngôi” là một mặc khải thần linh của thời Tân Ước, đặc biệt được làm rõ nét dần qua sứ mạng của Giáo Hội. Thật vậy, ngay từ những thời nguyên thủy lên tận cội nguồn của đức tin sống động của Giáo Hội, chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải chủ yếu qua bí tích Thánh Tẩy. Chân lý đó đã được diễn tả trong lời tuyên xưng đức tin khi rửa tội, được trình bày trong các giảng thuyết, trong huấn giáo và trong kinh nguyện của Giáo Hội. Người ta gặp những công thức như vậy trong các văn thư tông đồ, chẳng hạn lời chào được phụng vụ Thánh Thể lấy lại: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (GLHTCG 249).

Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã cố gắng trình bày minh bạch hơn đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những lệch lạc. Đó là công trình của các công đồng xưa, qua sự đóng góp của các giáo phụ về thần học và dựa trên cảm thức đức tin của dân thánh (GLHTCG 250).

Về mặt phụng vụ, từ ngữ “Ba Ngôi” = la Trinité xuất hiện lần đầu tiên nơi một văn sĩ vào cuối thế kỷ thứ II tên Théophile d’Antioche. Và khá sớm, Chúa Nhật I sau lễ Hiện Xuống được dùng cử hành lễ Ba Ngôi. Thánh lễ với ý hướng tôn vinh Ba Ngôi được soạn thảo vào thế kỷ thứ VII. Từ thế kỷ X, nhiều nơi đã cử hành lễ này cách long trọng.

Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã chấp nhận lễ này ở Roma và sau đó mở rộng ra cho toàn Giáo Hội (Monique Piettre, “Comprendre la Parole Année C3 p.8)

Như vậy chúng ta sẽ không tìm thấy trong Kinh Thánh cách nói trực tiếp về “Thiên Chúa Ba Ngôi”. Do đó, cho dù mừng lễ Ba Ngôi, nhưng chúng ta sẽ không gặp được cách nói tuyên xưng tín điều về Ba Ngôi trong các bản văn phụng vụ. Phụng vụ Lời Chúa chỉ trình bày cho ta vài nét về công cuộc của Cha, của Con và của Thánh Thần được thực hiện vì lợi ích ơn cứu độ con người.

BÀI ĐỌC I: Cn 8,22-31

Chương 8 nằm trong phần mở đầu của Sách Châm Ngôn gồm những lời huấn dụ của bậc cha thầy và của Đức Khôn Ngoan (Cn 1-9). Những huấn dụ này kêu mời con người tìm hiểu sự khôn ngoan bằng cách ca ngợi nhân đức này và đề cao những lợi ích của nó. Đặc biệt tác giả cảnh giác, nhất là đối với giới trẻ, đề phòng những nguy hiểm của sự sa đọa và ươn lười, là những cái làm cho con người mất khôn. Đặc biệt trong phần mở đầu này, có ba bản văn đã nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan như là một ngôi vị (1.20-33/ 8,1-36/ 9,1-6). Trong chương 8, Đức Khôn Ngoan giảng một bài dài (8,4-36), ở ngay nơi công cộng và nhắm đến mọi người chẳng trừ ai, gồm 4 phần:

1/ Đức Khôn Ngoan mời gọi người ta hãy học, hãy nghe, hãy đón nhận sự thật và sự ngay chính (cc. 4-11, sứ điệp trung tâm ở cc. 7-8);

2/ Đức Khôn Ngoan tự giới thiệu mình như người cố vấn cho kẻ cầm quyền. Trong phần này, Đức Khôn Ngoan tự nói về mình nên có nhiều đại từ “TA” (cc. 12-21);

3/ Đức Khôn Ngoan trong tương quan với Yavê và công trình sáng tạo (cc. 22-31);

4/ Đức Khôn Ngoan mời gọi các môn sinh hãy có thái độ lắng nghe lời giáo huấn của mình (cc. 32-34). Vì gặp được Đức Khôn Ngoan là sống, còn ghét là chết (cc. 34-35)

Bài đọc 1 là phần 3: Cn 8,22-31. Ở đây Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa thành một ngôi vị, là một hữu thể được Thiên Chúa dựng nên trước vạn vật (cc. 22-26) và đã cộng tác với Người trong việc sáng tạo vũ trụ (cc. 27-30). Đức Khôn Ngoan trong bài thơ này mang dáng dấp một thần linh đang ngỏ lời với con người. Tuy nhiên vì Israel đã theo niềm tin độc thần tuyệt đối nên tác giả của Sách Châm Ngôn chắc đã không hề coi Đức Khôn Ngoan như một vị thần linh ngang bằng Yavê.

Dù sao qua bài thơ này, ta thấy được bản chất của Đức Khôn Ngoan. Khôn ngoan không bắt nguồn từ trí tuệ con người, nhưng từ chính Thiên Chúa. Nhờ đó, Thiên Chúa hình thành và thực hiện công trình sáng tạo. Hơn nữa, Người còn muốn con người được tham dự vào sự khôn ngoan của mình (c.31) (CGKPV “Các sách Giáo Huấn”, 1997 trang 399 nốt “u”).

Mặc dù chẳng bao giờ Cựu Ước dám coi Đức Khôn Ngoan là một ngôi vị thần linh ngang bằng với Yavê; Nhưng mối tương liên giữa “Đức Khôn Ngoan – Thiên Chúa – vũ trụ” đã là một bước mở đường cho mặc khải về Mầu Nhiệm Ba Ngôi trong thời Tân Ước. Thật vậy:

– 1Cr 1,24-30 đã gọi Đức Kitô là “Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa”;

– Cl 1,15-16 đã dùng những hình ảnh của Cn 8,22-31 để nói về Đức Giêsu: Người là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo”; Người tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa “trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”.

– Đức Khôn Ngoan này thật là một vị thần linh đến với con người trên mặt đất. Chính Người là Ngôi Lời đã ở bên Thiên Chúa từ nguyên thủy, và đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo vũ trụ (Ga 1,1-10).

1/ Bản chất của Đức Khôn Ngoan trong tương quan với Thiên Chúa và vũ trụ (Cn 8,22-26)

*“TA”: Đức Khôn Ngoan được trình bày như một ngôi vị: ngôi thứ nhất số ít. Đức Khôn Ngoan tự nói về mình không như là một nhân đức, hoa trái của một cuộc sống tốt lành phát xuất từ phàm nhân, mà như là một ngôi vị phát xuất từ chính Thiên Chúa. Như vậy tuy chưa dám nói Đức Khôn Ngoan một vị thần linh (nghĩa là chính Thiên Chúa) nhưng đã xác định Đức Khôn Ngoan có cội nguồn thần linh và là một ngôi vị.

Đó là một yếu tố dọn đường cho mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi trong Tân Ước.

*Đức Khôn Ngoan là tác phẩm đầu tay của Yavê (c. 22-27a)

Theo St 1, trong công trình sáng tạo, yếu tố đầu tiên phát xuất từ miệng Thiên Chúa chính là “LỜI”: “Thiên Chúa phán…”. Và rồi từ “tác phẩm đầu tay” đó mọi sự đã được tạo nên.

Rồi Hc 24,3a cũng khẳng định: “Ta (Đức Khôn Ngoan) phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao”.

Như vậy có thể hiểu “tác phẩm đầu tay” của Thiên Chúa chính là “Lời”. Rồi từ “Lời” đó mới xuất hiện “hãy có ánh sáng” (St 1,3), tiếp đó là có “ánh sáng” và “bóng tối”, có “ngày” và “đêm” (St 1.4-5), có dòng thời gian; Và trên dòng thời gian đó Thiên Chúa mới an bài, xếp đặt các tạo vật khác lần lượt được dựng nên.

Những hình ảnh nền được sử dụng ở đây để làm nổi bật nét ưu việt của Đức Khôn Ngoan chính yếu là “đất” và “nước” kèm theo các yếu tố cơ bản: “vực thẳm” là nơi chứa nước (c.28b), “núi non”, “gò nổng”, “hạt bụi” là những dạng thức khác nhau của “đất”. Đó là những yếu tố mà người xưa coi đó như là biểu tượng của sự ổn định và trường tồn của vũ trụ ( so với 100 năm ngắn ngủi của đời người). Vậy mà Đức Khôn Ngoan còn có trước tất cả các thọ tạo ấy. Các yếu tố đó gợi lại việc sáng tạo được mô tả trong ngày thứ 2 và thứ 3 của tuần sáng thế trong St 1,6-13.

Đây quả thực là một dọn đường cho mặc khải trong Ga 1,1-5.

*“Đã có Ta hiện diện khi Yavê thiết lập cõi trời…” (cc. 27-29)

Vào thời điểm Thiên Chúa khởi đầu công trình sáng tạo, Đức Khôn Ngoan đã có bên cạnh Yavê. Mặc dù bản văn không nói rõ, nhưng sự hiện diện của Đức Khôn Ngoan bên cạnh Yavê khi Người sáng tạo vũ trụ hàm ý là Đức Khôn Ngoan được Thiên Chúa coi như là cội nguồn, như là nguyên mẫu, là nguyên lý nền để từ đó Người thực hiện công trình sáng tạo và hồi phục (x. Cl 1,15-20). Bởi vì ở đây, “Sáng Tạo” không được trình bày như công trình tạo dựng mọi sự từ hư không mà là công trình xếp đặt, bày trí các vật có sẵn cho có trật tự, gắn kết chúng lại cho đâu vào đấy (cc. 27-28 so với St 1,6-8; c.29 gợi St 1,9-10). Điều chính yếu bản văn muốn nhấn mạnh là cái trật tự tổng thể của công trình sáng tạo chứ không phải là từng yếu tố riêng rẽ, rời rạc của từng tạo vật.

Công trình sáng tạo được trình bày như một sự tách biệt tạo nên trật tự hiệp nhất từ những dị biệt độc đáo cơ bản của mỗi loài và từng loài vẫn giữ nguyên nét riêng tư độc đáo của mình. Phải chăng cách hiểu trên có thể áp dụng vào để hiểu “dấu chỉ nói các thứ tiếng” được tỏ lộ trong ngày lễ Hiện Xuống: mọi người đều được nghe hiểu về “các kỳ công của Thiên Chúa” (“kỳ công của Thiên Chúa” chính là sự hiệp nhất nên một trong Chúa, là cái trật tự ổn định chung cuộc mà mọi thọ tạo phải đạt tới), bằng chính “tiếng mẹ đẻ” của mình (là những dị biệt nền và độc đáo của mỗi loài, mỗi vật, từng ngôn ngữ, văn hóa). Đó chính là công trình Thiên Chúa thực hiện trong, qua, nhờ Đức Khôn Ngoan.

*Đức Khôn Ngoan như “Tay thợ cả” của Yavê (c.30a)

Trong ngôn ngữ xây dựng, “tay thợ cả” là người chịu trách nhiệm, đứng ra đảm nhận việc thực hiện công trình đầu tư của chủ đúng theo như ý đã hợp đồng với chủ. Có thể nói, “tay thợ cả” và chủ là hai đối tác CÙNG NHAU làm cho dự tính, công trình của chủ được hoàn tất đúng theo ý chủ.

Vậy cách nói Đức Khôn Ngoan là tay thợ cả hàm ý rằng trong tương quan với công trình sáng tạo thì Yavê là chủ công trình, Đức Khôn Ngoan là tác nhân, là đối tác CÙNG VỚI YAVÊ làm cho vũ trụ được hình thành. Đức Khôn Ngoan không tự mình sáng tạo, không tự lấy sáng kiến tạo dựng vũ trụ cùng các trật tự trong đó, nhưng có thể nói Đức Khôn Ngoan là đồng tác giả với Yavê trong công trình sáng tạo vì Đức Khôn Ngoan là “tay thợ cả” của Thiên Chúa. Hình ảnh trên gợi lại tương quan được Đức Giêsu mặc khải giữa Người với Chúa Cha (x. Ga 5,19.30; 8,28).

Ta hiện diện bên Yavê như “một em bé”

Trong tiếng Do Thái, từ ngữ “ ‘mn” có thể dịch hai cách:

(Marichaud Ennery – Dictionnaire de la Bible hébraique)

Vì thế có thể dịch câu 30a là “Ta (Đức Khôn Ngoan) hiện diện bên Người (Yavê) như một em bé”. Như vậy c.30a có thể hiểu là “khi còn rất bé, Đức Khôn Ngoan đã chứng kiến hoạt động tổ chức của Yavê”. Cách hiểu này ăn khớp với các động từ “là niềm vui”, “vui chơi” đi tiếp ngay sau; Nhưng không làm nổi bật nét tiệm tiến của mặc khải về Đức Khôn Ngoan từ một nhân đức, đến một ngôi vị và rồi được thần hóa và chóp đỉnh là được đồng hóa với Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể, là Tạo Hóa như Cha trong công trình sáng tạo (x. Ga 1,1-4) (x. TOB; CGKPV “Các Sách Giáo Huấn” 1997 trang 400 “đ”)

2/ Vai trò Đức Khôn Ngoan khi công trình sáng tạo đã hoàn tất (cc.30b.31)

Đức Khôn Ngoan là niềm vui cho Yavê (c. 30b) và niềm vui cho loài người (c.31).

Khi công cuộc sáng tạo cơ bản đã tạm xong, dòng lịch sử đã bắt đầu, Đức Khôn Ngoan cũng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong suốt dòng lịch sử ấy: “NGÀY NGÀY”.

Đó là vai trò làm cầu nối giữa Yavê và con người để NIỀM VUI của Yavê và của con người nên trọn:

– Đức Khôn Ngoan vui chơi “trước mặt Yavê” (c30b) và “trên mặt đất”

– Đức Khôn Ngoan tạo niềm vui cho Thiên Chúa: “Ta là niềm vui của Người” (c.30b) và cho loài người: “Ta đùa vui với con cái loài người” (c.31b).

Kết quả là: Yavê – Đức Khôn Ngoan – nhân loại đều VUI.

3/ Sứ điệp

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta vị trí, vai trò của Đức Khôn Ngoan trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa: từ lúc được Thiên Chúa “cưu mang”, “thêu dệt” trong cung lòng của Người, đến lúc được “sinh ra”, và sau đó được cộng tác với Người trong công trình sáng tạo vũ trụ; Đức Khôn Ngoan thực sự trổi vượt hơn tất cả mọi thụ tạo, có trước mọi sự và góp phần tạo nên mọi sự. Rồi một khi vũ trụ đã hình thành bền vững, dòng thời gian đã bắt đầu, Đức Khôn Ngoan vẫn tiếp tục giữ vai trò thiết yếu là làm cầu nối giữa Thiên Chúa và con người: Đức Khôn Ngoan vừa ở bên Thiên Chúa, vừa ở với loài người một cách mật thiết để làm vui cho Thiên Chúa lẫn con người. Nơi đây chúng ta đã thấy ẩn hiện dung mạo của Đức Giêsu. Những nét trên là bước dọn đường để đi tới bước chung cuộc mặc khải về Đức Khôn Ngoan: được thần vị hóa nghĩa là Đức Khôn Ngoan là một ngôi vị thần linh trong Tân Ước. Đó là ĐỨC GIÊSU, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể (Ga 1,1-4), là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,14.30). Xem thêm CGKPV sđd 399 nốt “u”).

TIN MỪNG: Ga 16,12-15

Được đặt vào bối cảnh của bài diễn từ giã biệt, Ga 15-17 là ba chương được thêm vào sau. Hai chương 15-16 là những lời tâm huyết của Đức Giêsu, biết mình sắp ra đi, nói với các môn đệ yêu dấu còn phải ở lại trong trần gian; Còn chương 17 là lời nguyện tế hiến Đức Giêsu dâng lên Cha nói lên lòng thần phục của mình đồng thời phó dâng cho Cha các môn đệ còn phải đương đầu với thế gian thù nghịch.

Ga 15-16, Đức Giêsu báo trước số phận các môn đệ giữa thế gian cũng sẽ giống như Thầy, nghĩa là sẽ bị ngược đãi, thù ghét vì Thầy (15,18-25). Tuy nhiên Đức Giêsu cũng an ủi các môn đệ sẽ nhận được Đấng Bảo Trợ để đủ sức làm chứng cho Thầy (15,26-27). Mục đích của việc báo trước số phận các môn đệ là để họ khỏi vấp ngã khi biến cố xảy tới (16,1-4a).

Đức Giêsu cần phải ra đi! Đó là điều kiện để Đấng Bảo Trợ đến với đoàn môn đệ (16,4b-7). Và khi đến, Đấng Bảo Trợ sẽ thi hành sứ mạng của mình:

– đối với thế gian: vạch mặt tội phạm và sai lầm của nó (16,8-11);

– đới với môn đệ: dẫn họ vào sự thật trọn vẹn; tôn vinh Đức Giêsu bằng cách ngày ngày giúp môn đệ khám phá, hiểu sứ điệp và nhận ra căn tính của Đức Giêsu (16,12-15).

Đức Giêsu sẽ ra đi, nhưng rồi hứa sẽ trở lại (16,16-18); Lúc đó nỗi buồn nhất thời của môn đệ sẽ biến thành niềm vui vĩnh cửu (16,16-22: hình ảnh minh họa là tâm trạng của người phụ nữ trước và sau khi sinh con). Tuy nhiên, Người phải chuẩn bị giúp các môn đệ đứng vững trong giai đoạn Người tạm vắng, dám sống niềm tin “Thầy đã thắng thế gian” (16,23-38).

Yếu tố chính giúp môn đệ kiên vững trong lòng tin là Đấng Bảo Trợ sẽ đến đồng hành cùng đoàn môn đệ. Bài đọc Tin Mừng hôm nay đề cập đến vai trò của Đấng Bảo Trợ trong tương quan với đoàn môn đệ (16,12-15).

1/ Giới hạn của trí tuệ phàm nhân (c.12)

Thiên Chúa đầy quyền năng, nhưng đối tượng được Thiên Chúa chọn để mặc khải phải là con người giới hạn, nên mặc khải của Thiên Chúa phải tôn trọng trí hiểu giới hạn của con người và định luật thời gian của loài thọ tạo: mặc khải từng bước một:

* Đức Giêsu còn nhiều điều phải nói với môn đệ

Có mâu thuẫn với 15,15 “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy ĐÃ cho anh em biết”? “cho”, “nói hết” không có nghĩa là “hiểu, nhận được hết”. Mọi thọ tạo, trong đó có nhân tính Đức Giêsu, đều bị định luật thời gian chi phối. Trong thực tế có nhiều điều dù đã được báo trước rõ ràng, con người cũng chỉ có thể hiểu được một khi sự kiện xảy ra và sau đó cần thời gian dài nghiền ngẫm. Trong những điều liên quan đến Đức Giêsu: mầu nhiệm Thập Giá, Phục Sinh, lên trời, ban Chúa Thánh Thần và từ đó khám phá huyền nhiệm Ba Ngôi là điều Đức Giêsu đã nói nhiều lần cho môn đệ. Thế nhưng một mầu nhiệm thần linh bao gồm nhiều khía cạnh như thế thì làm sao môn đệ hiểu nổi chỉ sau 3 năm theo Chúa, lại được nghe nói bằng ngôn ngữ bất toàn nhân loại và trong đầu các ông còn đầy ắp một bóng hình Mêsia thế trần, chính trị. Cần thời gian, cần soi sáng thần linh tức Đức Chúa Thánh Thần.

*Bây giờ môn đệ “không có sức chịu nổi”

Động từ “không có sức chịu nổi” ở thì hiện tại. Thực tại trên không chỉ là riêng cho các tông đồ mà là cho mọi môn đệ mọi thời. Việc nghe, hiểu, đón nhận, giữ gìn và lưu truyền trung thực mặc khải luôn cần đến thời gian và Chúa Thánh Thần. Hiện tại (“bây giờ”) của một đời người, một thế hệ… không sao “có sức chịu nổi”.

Đây là nghịch lý của thân phận Giáo Hội tại thế: mỏng dòn, yếu đuối, giới hạn nhưng lại chất chứa toàn thể sứ điệp thần linh nơi hiện hữu của mình, và tùy thời mà phân phối hợp lý, đúng lúc cho đoàn tín hữu vì phẫn rỗi của họ.

Tóm lại, tất cả những gì cần nói, Đức Giêsu tỏ lộ hết rồi. Tuy nhiên những gì chúng ta, Giáo Hội đang hiểu, sống, biểu lộ cụ thể chưa phải là tất cả. Dòng thời gian còn trôi thì việc khám phá và ứng dụng những gì Đức Giêsu nói vào cuộc sống vẫn còn tiếp diễn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu vẫn “còn nhiều điều phải nói với” chúng ta, và từng giây phút hiện tại của dòng lịch sử, Giáo Hội vẫn không thể hiểu thấu nổi ngay tức khắc cách đầy đủ được mặc khải của Thiên Chúa. Điều đó luôn đúng trong lịch sử.

2/ Vai trò Chúa Thánh Thần trong tương quan với môn đệ và với mặc khải (cc. 13-14)

*Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật (c.13a)

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng giúp các môn đệ biện phân phải trái, vạch trần bộ mặt gian dối của thế gian, làm tỏ lộ sự công chính (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 465, nốt “p”: Ga 16,9-11).

Đức Giêsu là thầy dạy đích thực đã truyền đạt mọi bí nhiệm của Thiên Chúa cho môn đệ (Ga 15,15), nhưng họ chưa thể hiểu hết ngay được. Để đi vào “sự thật toàn vẹn”, cần một khoa sư phạm thích hợp do Chúa Thánh Thần mang đến. Thánh Thần không phải là Thầy dạy thêm những điều gì mới mẻ, nhưng là người lập lại và giải thích lời giáo huấn của Thầy Giêsu thôi.

*“Sự thật trọn vẹn” là gì? Cụ thể là tin nhận đúng căn tính của Đức Giêsu và ý nghĩa thần linh của mầu nhiệm thập giá và Phục Sinh, con đường cứu độ. Nhận ra giáo huấn của Đức Giêsu và nhất là con người của Người, là “đường, sự thật, sự sống”, nhận ra Cha và Đấng Cha đã sai đến. Và trở thành chứng nhân.

*“Những gì sẽ xảy đến” tức là những điều liên quan đến “sự thật trọn vẹn”. Có hai mức độ:

– Lúc Đức Giêsu nói các câu này thì thập giá và Phục Sinh chưa xảy đến, và một khi xảy đến các môn đệ cũng không hiểu và không đón nhận được, bằng cớ là các ông đã sợ hãi, bỏ trốn. Rồi ngay cả khi Đấng Phục Sinh hiện ra cho họ, các môn đệ vẫn chưa thông hiệp được với ý định Thiên Chúa nên mới hỏi “có phải đến lúc hồi phục Israel?” (Cv 1,6). Vậy “loan báo những gì sẽ xảy đến” là cắt nghĩa cho hiểu về con người và sứ điệp của Đức Giêsu trong toàn thể mặc khải của Thiên Chúa.

– Ứng dụng thích nghi sứ điệp Đức Giêsu vào hoàn cảnh thực tế, cụ thể mọi nơi mọi lúc. Đấng Phục Sinh trước khi lên trời trao lại cho Giáo Hội sứ mạng đồng hành với nhân loại, loan báo Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng cho Người đến tận cùng cõi đất và làm chứng cho Người: nghĩa là phải hiện tại hóa sứ điệp Thập giá và Phục Sinh trong dòng lịch sử cũng như trong đời sống thường nhật của từng người; làm sao để ánh sáng Phục Sinh phải bao trùm mọi thực tại trần thế hầu định hướng lối sống nhân loại theo nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan Kitô. Đó là sứ mạng Chúa Thánh Thần trong tương lai.

*Chúa Thánh Thần sẽ tôn vinh Đức Giêsu vì Người sẽ lấy những gì của Đức Giêsu mà loan báo cho môn đệ mọi thời.

Lập lại ý “Chúa Thánh Thần lấy những gì của Đức Giêsu…”. “Anh em” ở đây không chỉ giới hạn vào các môn đệ thời Đức Giêsu còn tại thế trong xác phàm mà ám chỉ môn đệ mọi thời. Vậy nhờ Chúa Thánh Thần mà con người mọi thời có thể tin nhận con người và sứ điệp của Đức Giêsu. Và một khi đã trở nên tín hữu, tất cả đều được Chúa Thánh Thần biến thành ngôn sứ, tiếp tục sứ mạng giúp nhân loại mọi thời khám phá ra ý định Thiên Chúa trong biến cố hiện tại và biết cách thích nghi sống Lời, “giữ Lời”. Như vậy là Đức Giêsu được tôn vinh nghĩa là SẼ được nhân loại toàn thể nhận biết và tôn thờ.

3/ Qua việc loan báo trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu tỏ lộ mầu nhiệm Ba Ngôi (15)

*Mọi sự Chúa Cha có đều là của Đức Giêsu (15a)

*Chúa Thánh Thần lấy mọi sự của Đức Giêsu mà loan báo cho môn đệ (15b)

15a là lời giải thích cho cách nói ở 15b, và cho thấy Đức Giêsu ngang bằng Cha. Cách viết của c.15 cho thấy chỉ có một mặc khải: Thánh Thần không tự quyền nói, cũng như Đức Giêsu đã không nói gì tự quyền mình (Ga 3,32; 7,16.17; 8,26-28.40; 12,14; 14,10; 15,15), nhưng chỉ mặc khải Chúa Cha để tôn vinh danh Cha (Ga 12,28; 14,13; 15,8; 17,4-6).

Ngang qua việc loan báo trước vai trò của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã bày tỏ rõ cho môn đệ mầu nhiệm Ba Ngôi và sự nhất trí trọn vẹn của Ba Ngôi trong công trình cứu độ vũ trụ: “Mọi sự” là của Cha.

Đức Giêsu có sứ mạng dạy “mọi sự” ấy cho môn đệ

Chúa Thánh Thần làm môn đệ hiểu, đón nhận, sống cái “mọi sự” ấy trong mọi nơi mọi lúc, góp phần đưa công trình cứu độ thần linh đến chỗ hoàn tất.

4/ Sứ điệp

Tin Mừng hôm nay trình bày vai trò của Ba Ngôi trong việc mặc khải cho môn đệ dự tính yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa. Chỉ có một mặc khải duy nhất, đó là thánh ý của Cha. Rồi Ngôi Hai, trong thân phận làm người, bằng ngôn ngữ giới hạn của nhân lọai đã nói ra tất cả những gì thâm sâu nhất trong Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng phần con người giới hạn nên không thể đón nhận ngay một lúc và trung thực tất cả mặc khải được (16,12). Do đó để đưa môn đệ vào chỗ thẳm sâu thánh ý Thiên Chúa cần phải có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là thần khí sự thật của Thiên Chúa. Người sẽ từng bước giúp môn đệ khám phá ra sứ điệp thần linh trong cuộc đời và sự nghiệp trần gian của Ngôi Lời nhập thể. Thánh Thần không hề đưa ra bất kỳ giáo huấn nào khác so với những gì Đức Giêsu đã mặc khải. Việc mặc khải thánh ý thần linh cho nhân loại là công trình của cả Ba Ngôi và vẫn còn tiếp tục mãi cho đến tận thế. Con không ngừng quy chiếu về Cha, Thánh Thần quy chiếu về Con và rồi cả Ba cùng đưa nhân loại đi sâu vào huyền nhiệm thần linh, hòa nhập vào đó nhờ Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC