Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 20

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Hãy để Thánh Thể trở thành tâm điểm cho lòng sùng kính và tình yêu của con” [Gửi cho cô Mariette Guilot, 9/1858]

Việc cha Eymard nhận ra vai trò thiết yếu của Thánh Thể trong đời sống Ki-tô hữu vượt ra khỏi hình bóng của một sự nghi ngờ. Ở đây, chúng ta thấy   ngài   đang   khuyên bảo chân tình một trong những người con linh hướng của ngài. Vào thời đại của chúng ta, đặc biệt sau Công đồng Vaticano II, Thánh Thể đã chiếm giữ được nhiều vai trò thiết yếu; nhiều thánh lễ được cử hành mỗi ngày ở hầu hết các nhà thờ Công giáo ít nhất là trong những thành phố của chúng ta. Ngay cả đối với những việc sùng kính khác, chẳng hạn như tuần cửu nhật  và những hình thức khác, thì không hình thức nào mà lại không đi kèm với việc cử hành Thánh Thể, bằng không nó sẽ chẳng phải là việc sùng kính. Do đó, dù có làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ hay một vị thánh lớn nào đó, chẳng hạn như thánh An- tôn, thì các Ki-tô hữu ngày nay vẫn quen với việc tham dự Thánh lễ như là một phần không thể thiếu của những hình thức sùng kính ấy.

Tuy nhiên, chúng ta có thể quả quyết rằng: Phải chăng Thánh Thể là trung tâm của đời sống Ki-tô hữu ngày nay? Vì chắc chắn đó là một hình thức sùng kính. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người thực sự hiểu biết về mục đích và những sức năng động của Thánh Thể? Cũng như về vai trò của Thánh Thể  trong cuộc lữ hành tìm về Thiên Chúa của người Ki-tô hữu? Có một điều đáng lưu ý là rất ít người nhận ra đó chính là việc nhắc lại lời tuyên xưng, ở những mức độ sâu xa hơn, chính là việc từ bỏ Cái Tôi và từ bỏ Satan đã được tuyên xưng trong ngày Lễ Rửa Tội của họ! Vì là biểu tượng của việc từ bỏ Cái Tôi và việc sẵn sàng chết đi cho chính mình nên người lãnh nhận bí tích rửa tội trước hết cần phải cởi bỏ mọi thứ quần áo cũ là chính con người cũ và con người tội lỗi. Kế đến, cùng với Đức Ki-tô, người lãnh nhận bí tích rửa tội chấp nhận chết đi  khi được dìm vào nước. Sau đó họ sẽ bước vào một sự sống mới được diễn tả qua việc nhận lấy chiếc áo trắng và bước theo Đức Ki-tô được thể hiện qua phần cuối cùng của nghi lễ diễn ra tại bàn thờ chính ở gian cung thánh.

Như thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu ở Roma: “Hay anh em không biết rằng: tất cả chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với cái chết của Người sao? Vì được chịu phép rửa để kết hợp với cái chết của Đức Ki-tô, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã trỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, thì chúng ta cũng bước đi trong đời sống mới. Thật vậy, nếu chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ cái chết giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ sự sống lại giống như sự sống lại của Người. Chúng ta biết rằng: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, ngõ hầu thân xác tội lỗi này bị hủy đi, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội nữa. Quả thế, ai đã chết thì được thoát khỏi án tội. Nhưng nếu chúng ta đã chết cùng với Đức Ki-tô, chúng ta tin rằng chúng ta sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,3-8).

Ngày nay, cũng chính động lực thánh thiêng của  việc chết đi cho Cái Tôi được diễn tả trong Thánh Lễ khi cộng đoàn, qua vị thừa tác viên, “cùng bẻ bánh và cùng uống chén” mà Đức Giê-su đã phán xưa ‘Này là Mình Thầy- Này là Máu Thầy’. Nhưng điều này xem ra không có ý nghĩa gì đối với những người tham dự. Họ tham dự Thánh Lễ để mong nhận lãnh được càng nhiều những ân huệ, sự bình an cũng như nhiều điều khác nữa từ nơi Thiên Chúa chứ không phải là để dâng hiến chính mình, bẻ ra và chia sẻ! Nếu động lực này có thể được thực hiện một cách đầy ý nghĩa và có ý thức, thì chẳng bao lâu Thánh Thể sẽ thực sự trở thành trung tâm của đời sống Ki-tô hữu!