Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 14

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Qua việc hiệp lễ, chúng ta có Chúa Giê-su nơi mình. Hiệp lễ chính là mục tiêu của Mầu Nhiệm Nhập Thể” [Đợt tĩnh tâm dài ngày ở Rô- ma, tháng 3 năm 1867]

Cha Eymard sẽ không dùng thuật ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay sau Công Đồng Vaticano II. Ngày nay, thuật ngữ “Giao ước” là một điều hết sức bình thường và nó ám chỉ đến mối dây liên kết mật thiết mà Thiên Chúa muốn dành cho tất cả nhân loại từ thưở tạo thiên lập địa. Tuy nhiên, Ngài đã khởi sự việc đó như một dự án thử nghiệm khi mời gọi một dân tộc, dân Ít-ra-en, bước vào mối dây hiệp thông đó với Ngài, sau khi giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai-Cập. “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta,” (Xh 19,3-5; 24,3-8) là cách mà Thiên Chúa diễn tả sự thân mật này. Điều kiện duy nhất đối với một ân huệ cao quý này chính là sự vâng theo, sẵn sàng bước theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa để Ngài có thể dẫn họ vào miền Đất Hứa, một biểu tượng cho lựa chọn tự do của họ để sống như con cái của Thiên Chúa.

Sau này, khi Thiên Chúa sai người Con duy nhất của Ngài là Chúa Giê-su sinh ra như một con người bình thường, trong số những công việc đầu tiên mà Chúa Giê-su làm khi Người bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, đó chính là quy tụ một nhóm người lại quanh Người. Mục đích mà Người  có trong đầu là, ‘để các ông ở lại với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ…’ (Mc 3,13-17). Người  giữ những người được tuyển chọn này ở gần với mình và họ trở thành những bạn hữu thân thiết của Người; họ nghe tất cả ‘mầu nhiệm Nước Thiên Chúa’ (Mc 4,10-11) và làm chứng về tất cả những dấu chỉ hay những phép lạ kỳ diệu mà Người đã thực hiện! Vì thế, Chúa Giê-su đã hiện tại hóa ý niệm ban đầu về Giao ước với Chúa Cha.

Kế đến, trước khi rời bỏ thế gian, Người đã ban cho các môn đệ Thánh Thể mà qua đó một lần nữa Người ban chính mình Người cho tất cả những ai đã chuẩn bị để đón nhận tình yêu của Người, dưới hình bánh được bẻ ra và dưới hình rượu được chia sẻ. Vì thế, trước tiên là qua Lời và sau này là qua Bánh và Chén rượu, một lần nữa Chúa Giê-su thiết lập Giao ước, nhưng lần này là Giao ước mới và vĩnh cửu, được ký kết trong máu của Người, dấu chỉ sâu xa về sự vâng phục hoàn  toàn đầy yêu thương của Người. Do đó, mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể, chúng ta được Chúa Cha mời gọi bước vào Giao ước một lần nữa- không chỉ như một nghi thức, nhưng như một cách sống. Vì vậy, chúng ta có thể thực sự nói như thánh Phao-lô “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Điều quan trọng cần lưu ý là mục đích của việc Đức Giê- su trở nên người phàm chính là để bước vào mối dây liên kết cá nhân và thâm sâu với tất cả nhân loại. Tất cả những gì Người nói với chúng ta đó là một sự mở lòng thực sự, một sự trông cậy vững vàng vào Người để nhận ra rằng Người sẽ luôn luôn ban cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta dâng tiến cho Ngài, và tất cả những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta thì luôn luôn tốt đối với chúng ta. Bao lâu chúng ta còn kết hiệp mật thiết với Người, đặc biệt là ở mức độ cảm giác, biến cố Nhập Thể của Người có thể trở nên rất hữu hiệu. Tuy nhiên, nên biết rằng chúng ta chỉ có thể thăng tiến từng bước, Người mời gọi chúng ta nỗ lực mỗi ngày để bước vào mối dây liên kết với Người, trước hết là trong suốt việc cử hành Thánh Thể như một dấu  chỉ và sau đó là trong suốt ngày sống khi chúng ta sống cam  kết của mình để thuộc về Người, chứ không phải thuộc về bản thân chúng ta. Những thất bại sẽ không ngăn cản chúng ta  thăng tiến, vì Người sẽ cùng hiện diện để trợ giúp chúng ta.