Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 03 ngày 23

 

“Những lời cầu nguyện là những lời cầu khẩn.”  [ ]

 

Lời ca tụng và tạ ơn có lẽ là những hình thức hay nhất và cao trọng nhất của việc cầu nguyện, như khi chúng ta lữ hành trên cuộc đời này, chúng ta cũng cần cầu xin hay khẩn nài khi chúng ta bước đi. Tuy nhiên, điểm chính yếu cần phải ghi khắc trong tâm trí, đó là: chúng ta đã thực hiện việc cầu xin này như thế nào và đâu là những thói kiêu ngạo ẩn sau việc cầu nguyện này. Chúng ta nhớ lại những gì Tin Mừng nói với chúng ta về cầu nguyện. ‘Khi anh em cầu nguyện, đừng nói nhiều lời như dân ngoại…’ (Mt 6,3-15). Thật đáng để kiểm nghiệm xem chúng ta dựa quá nhiều vào việc dùng từ và cụm từ khi chúng ta cần như thế nào, hay dùng những lời cầu nguyện do người khác soạn ra hơn là cầu nguyện từ chính cõi lòng chúng ta. Dường như, một cách nào đó, chúng ta đang buộc lưỡi mình lại khi muốn diễn tả lời cầu nguyện bằng chính lời của mình.

Vả lại, thực sự chúng ta có cần phải giải thích những vấn đề của mình một cách chi tiết với Cha chúng ta khi mà Chúa Giê-su phán bảo chúng ta rằng: Ngài biết rõ những gì chúng ta cần trước cả khi chúng ta xin? Một sự ngắm nhìn tràn đầy tin tưởng hướng về Ngài sẽ không hiệu quả ít ra là đôi lần sao? Hơn nữa, làm thế nào để chúng ta có thể tự nguyện trao phó những khúc mắc của mình vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa và tiếp tục lắng nghe những gì Ngài nói với chúng ta? Nhìn chung, chúng ta có giữ thinh lặng nhiều trong khi cầu nguyện? Chúng ta cảm thấy và phản ứng thế nào khi quên đề cập đến một chủ đề cụ thể hay một mục nào đó khi cầu nguyện. Chúng ta có thể tiếp tục bình tĩnh và thinh lặng khi cầu nguyện vì Thiên Chúa thấu hiểu tâm hồn chúng ta hơn là lắng nghe những lời nói của chúng ta? Và chúng ta có cần lặp lại lời cầu nguyện nhiều lần (hay một số lần cụ thể) cho tới khi nhận ra rằng: chúng ta đã được nhậm lời hay không được nhậm lời?

Bên cạnh đó, phải chăng khi cầu nguyện, mục tiêu chính của chúng ta là quy hướng đến chính bản thân mình cũng như những nhu cầu của mình hay là đến sự nhân lành của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, không phải vì chúng ta tốt hay chúng ta đã cầu xin đúng cách? Vả lại, trong lời khẩn nài, chúng ta có cầu nguyện nhiều cho người khác cũng như những nhu cầu của họ, thậm chí là cho những người chúng ta không biết nhưng chúng ta đã nghe nói hay đọc được ở đâu đó; nhu cầu của họ có ảnh hưởng đến chúng ta như thể là nhu cầu của chính chúng ta? Chúng ta có nhận ra mình là những sứ giả được tuyển chọn để chuyển cầu cho người khác như tổ phụ Abraham đã làm, đặc biệt là cho những ai không có cảm nghiệm cá nhân về lòng nhân từ của Thiên Chúa? Nói chung, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng: những mối quan tâm của chúng ta chủ yếu chỉ là về bản thân mình, chúng ta không ‘mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô’ để cảm thấy tâm hồn Ngài đang bừng cháy vì tình yêu dành cho mỗi con người, đặc biệt là những ai đang gặp đau đớn hay khổ sở.

Trong Cựu Ước, chúng ta có một bằng chứng thuyết phục của tổ phụ Abraham khi cầu xin cho dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, ông cầu xin như thể họ là gia đình của chính ông cũng như gia sản của họ là gia sản của chính ông vậy. Khi chúng ta đồng cảm với những con người mà chúng ta có ý cầu nguyện cho, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng trở nên sốt sắng hơn. Vả lại, chúng ta thấy được mẫu gương của Mô-sê khẩn khoản nài xin Thiên Chúa tha thứ cho dân chúng vì tội thờ ngẫu tượng, sau khi họ đúc tượng Bò Vàng! (Xh 32,11-14). Vào lúc ấy, Mô-sê đã để cuộc đời mình đi đúng hướng và chúng ta thấy lời thỉnh cầu của ông dựa trên lòng nhân từ cũng như ước muốn của Thiên Chúa để chúc phúc cho dân Ít-ra-en là dân được Ngài tuyển chọn!