SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – năm A

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…(Mt 5,21.27.31.33)
Còn thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” (5,22.28.32.34)

          Trong bài đọc Tin Mừng tuần trước, Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người phải là “MUỐI” là “ÁNH SÁNG” cho đời. Để đạt được mục đích đó, cần phải cẩn thận giữ Luật, tuân thủ Lời Chúa theo tinh thần tám phúc. Như vậy, người môn đệ muốn trở thành “muối”, “ánh sáng”, thì phải sống hài hòa trong con người của mình hai chiều kích kỷ luật và nội tâm của việc tuân thủ Luật Chúa. Nói cách khác, việc sống theo các mệnh lệnh, chỉ thị của Lời Chúa phải là một hành vi nhân linh, được thực hiện trong sự phối hợp nhịp nhàng, ý thức giữa hồn và xác nơi một con người tự do:

  • Bên ngoài phải tuân thủ nghiêm túc các định chế, quy luật được Thiên Chúa mặc khải qua xã hội, tôn giáo, các thể chế chính đáng…

  • Nội tâm phải được tinh thần tám phúc linh họat như là linh hồn điều khiển xác.

          Bài đọc Tin Mừng hôm nay là phần nối tiếp của Tin Mừng tuần trước. Đây có thể nói là những ứng dụng cụ thể vào cuộc sống của cái hồn “tám phúc” để một môn đệ thật sự nên muối, ánh sáng cho đời. Chính vì thế, câu đầu tiên của phần ứng dụng này, Đức Giêsu khẳng định ngay tầm quan trọng thiết yếu của việc phải tuân thủ các kỷ luật bên ngoài của Lề Luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ…nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Kiện toàn bằng cách cho các điều khoản Luật một “HỒN SỐNG”. Thật vậy, trong thân phận con người, cát bụi thời gian cũng như những uế tạp của cuộc sống đã làm cho các lệnh truyền của Chúa bị biến chất, bị mất đi ý nghĩa đích thực của chúng, chỉ còn lại những cái vỏ sơ cứng bên ngoài khiến các điều khoản (thay vì lệnh Chúa) trở thành gánh nặng không sao gánh nổi. Nên Đức Giêsu phải đến để “làm phép rửa” cho các luật lệ, tập tục ấy; “Thổi hơi” vào chúng cái hồn sống, phục hồi cho việc giữ luật giá trị cứu độ.

          Những điều khoản Luật được Tin Mừng hôm nay để cập đến là: 1/ Chớ giết người; 2/ Chớ ngoại tình; 3/ Chớ rẫy vợ; 4/ Chớ bội thề. Tin Mừng tuần sau, Chúa Nhật Mùa Thường Niên VII A sẽ đề cập thêm hai vấn đề khác nữa: 5/ Luật về việc trả thù; 6/ Luật dạy phải yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù. Đó là sáu trường hợp tiêu biểu của Luật Cựu Ứơc được Đức Giêsu chọn đưa ra và Người cho thấy đã hoàn thiện chúng như thế nào. Cái đích Đức Giêsu nhắm tới không phải là cố gắng để khỏi vi phạm mà là để môn đệ “hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5,48). Vậy cái hồn sống thúc đẩy mọi hành vi giữ luật của môn đệ là “nên giống Chúa”, thể hiện ơn gọi làm người mà Chúa đã ban từ nguyên thủy “hình ảnh của Thiên Chúa”.

          Thực ra, trong đời thường, ít ai vi phạm hình sự trực tiếp đến các trường hợp nói trên rồi bị đem tố ra tòa. Nhưng những gì diễn ra trong tâm hồn, trí khôn của con người thì sao? Tư tưởng là căn nguyên của hành động! Điều gì đã nảy sinh ra trong đầu rồi, nếu không ý thức, làm chủ nó, để nó lớn dần lên thì đến một lúc nào đó sẽ bộc phát ra nơi hành động. Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người diệt trừ sự ác tận căn, tận nơi đáy thẳm thâm sâu của lòng người, chứ không chỉ ngăn ngừa ở ngọn bằng các điều khoản quy ước kèm theo hình phạt tương ứng. Luật bên ngoài chỉ tạm ngăn chận ác nhân_vì sợ_chưa dám thực thi hành vi gian ác nghĩa là cái nọc độc của sự dữ vẫn còn; Chỉ khi nào luật được “ghi trong tim”; hoán cải tận căn thì lúc đó mới tiến dần trên con đường nên hoàn thiện như Cha.

  1. Chớ giết người: Luật chỉ buộc “chớ giết người”, còn Đức Giêsu buộc các môn đệ của Người phải diệt tận căn những yếu tố có thể đưa con người tới chỗ sát nhân: – Không được GIẬN ANH EM; không được MẮNG, CHỬI ANH EM (c.22). – Phải tự ý đi bước trước hòa giải với ANH EM dù mình không có lỗi (c.24) đừng để ANH EM phải nuôi giận dữ vì mình (c.23). Chỉ trong ba câu, Đức Giêsu đã nhấn vào từ “ANH EM” (Brothers) đến bốn lần. Nói chung là người môn đệ Chúa (để là “muối” và “ánh sáng”) thì đừng để bất kỳ tình cảm tiêu cực, thù hận nào ngự trị trong mình. Lý do: vì chúng ta tất cả đều là con Cha trên trời, chúng ta phải tôn vinh Cha (Mt 5,15), cách tôn vinh tuyệt vời nhất là sống tình bác ái huynh đệ, đối xử với nhau là ANH EM.

          Mt 5,25-26 là lời Đức Giêsu cảnh cáo các môn đệ không chịu nhận nhau là ANH EM: lúc đó họ coi nhau là “ĐỐI PHƯƠNG” (c.25) tính chuyện hơn thua với nhau thay vì sống đức bác ái huynh đệ thì hãy coi chừng. Lúc đó họ không còn là coi Thiên Chúa là Cha nữa, mà là “QUAN TÒA” – Lúc đó vị Quan Tòa này sẽ xét xử họ theo như cách thức họ đối xử với anh em (x.Mt 5,26; so với 6,12 và 18,23-25).

  1. Chớ ngoại tình: Cũng như trong tội giết người. Vấn đề là phải diệt sự dữ tận căn: qua giác quan, tà ý xâm nhập vào tâm trí; Rồi tâm trí sa ngã đưa đến hành động phạm tội; Vậy phải luôn giữ tâm hồn TRONG SẠCH! Bằng cách nào? Luôn có Chúa trước mặt. Hoặc nói theo kiểu của anh chị em LASAN: “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta – Luôn Luôn”. Đây chính là lời mời gọi ứng dụng mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Tội phạm trong tâm trí này, Thiên Chúa cũng đã cấm trong “Mười lời” (x.Xh 20,17) vã được Sách GLHTCG số 1456 lặp lại.

  2. Đừng ly dị: Trao ly thư chỉ là cách đối phó nhượng bộ tạm thời (x.Mt 19,1-8) trong khi chờ đợi giải pháp chung cuộc do Đấng Mêsia mang tới. Giờ đây Đấng “Mêsia – Đức Chúa” đã tới rồi (x.Lc 2,11). Điều hoàn thiện tới rồi thì cái bất toàn phải nhường bước, tan biến đi (x.Dt 7,18-19; 8,13). Trong tư cách là Môsê mới, và còn hơn nữa là Đấng ban luật mới (x.Mt 5,1), Đức Giêsu buộc những ai muốn làm môn đệ Người phải phục hồi ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân đã được đặt để trong công trình sáng tạo (x.St 2,22-21; Mt 19,4-6).

          Như vậy, giữa một thế giới đang chạy theo “ngoại tình”, “nhượng bộ” thì qua việc can đảm sống trung tín tình yêu hôn nhân một vợ, một chồng theo Ý Chúa thì người môn đệ đang là “MUỐI”, “ÁNH SÁNG” cho thế gian.

  1. Thề thốt: Trong Cựu Ứơc, dân Chúa vẫn sử dụng lời thể để bảo đảm cho lời nói, việc làm của mình. Lời thể bảo đảm nhất là thề nhân danh Thiên Chúa.

          Phần Thiên Chúa, khi kết giao ước hay hứa điều gì thì vẫn thề và thề nhân danh chính bản thân người; Điều đó hàm ý Lời Chúa đã nói ra chắc chắn sẽ được thể hiện (x.Tv110/4; Ds 14,21-28; Ed 33,11; Am 4,2; 6,8; St 22,16).

          Nhưng đến Đức Giêsu, không bao giờ Người nhờ đến lời thề để bảo đảm cho lời giảng dạy hay việc làm của Người. Người chỉ khẳng định giá trị lời Người dạy bằng một công thức quả quyết long trọng: Amen, Amen (Quả thật) Ta bảo…Người biết chắc ngôn, hành của Người là của Cha (x.Ga 5,30; 8,28b; 10,30…). Như vậy lời Đức Giêsu tự nó có giá trị tối thượng, không cần cậy dựa vào bất kỳ quyền bính nào. Người chỉ công bố Lời và đưa ra dấu chỉ, bằng chứng vì lợi ích của người nghe (x.Ga 5,33-34.37.39; 10,25.38). Lời Người là lời chung cuộc đưa tới ơn cứu độ đích thực. Các môn đệ được Người trao sứ mạng loan báo Lời cứu độ đó cho mọi người. Họ chỉ cần công bố cho trung thực, không cần cậy dựa vào bất kỳ một lời thề thốt nào. Điều thuyết phục người nghe là cuộc sống làm “MUỐI”, làm “ÁNH SÁNG”. Cả đời dám sống trước sau như một: “có” thì nói “có”; “không” thì nói “không”; sống như vậy đã là chứng nhân, là “muối”, “ánh sáng”.

Frère Pierre Đình Long FSC