SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3A MÙA THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Is 8, 23b – 9, 3; Mt 4, 12 – 23
Chủ Đề: Niềm Vui và ơn giải cứu do Đấng Mêsia mang đến.

  • Is 9, 1: Dân lần bước giữa tối tăm đã thấy một Ánh Sáng huy hoàng… bừng lên chiếu rọi.

  • Mt 4, 17: Đức Giê- su bắt đầu rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Chúng ta bước vào tuần thứ ba của mùa thường niên. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, thời thiên sai đã bắt đầu. Tuần trước chúng ta đã thấy Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu làm “ ánh sáng cho muôn dân ” làm “ Đấng xóa tội trần gian ”. Trong Chúa Nhật III A mùa thường niên, Lời Chúa mời chúng ta chung hưởng hoa trái, niềm vui do thời thiên sai mang đến cho mọi người. Niềm vui đó chính là sự ĐỔI ĐỜI, số phận được cải thiện cách tuyệt vời:  cuộc sống khốn cùng, tối tăm bỗng chốc trở nên sáng ngời rạng rỡ.

Để diễn tả cuộc biến đổi ngoạn mục này, Lời Chúa sử dụng hai thực tại đối kháng nhau: bóng tối và ánh sáng.

Và đối tượng cụ thể được Lời Chúa hôm nay nhắm đến là các chi tộc Dơ-vu-lun và Nap-tha-li cư ngụ ở vùng cực bắc của Israel giáp với Syri; và riêng trong Tin Mừng, đối tượng đó là bốn môn đệ tiên khởi.

Căn nguyên của niềm vui và của cuộc đổi đời ấy là do Đấng Cứu Tinh xuất hiện mang lại, khi Người đưa mắt đoái nhìn đến số phận tối tăm, thấp hèn của những đối tượng được Người nhắm đến, tuyển chọn.

Bài đọc 1 loan báo hai tình cảnh đối nghịch nhau của các chi tộc Dơ-vu-lun và Nap-tha-li: – Tình cảnh của “THỜI ĐẦU”- và tình cảnh của “THỜI SAU”.

Lời Sấm trên ám chỉ hai giai đoạn lịch sử của Dân Chúa:

   – “Thời đầu” là tình cảnh của Dân lúc bị đế quốc xâm lăng, dân bị lưu đày – vì nằm ở biên giới phía bắc, nên khi tai họa đến từ các đế quốc phương bắc thì Dơ-vu-lun và Nap-tha-li là những vùng đầu tiên bị rơi vào tình trạng khốn cùng, tăm tối: bị chiếm đất, bị bắt làm tù binh…

  – Bù lại, “thuở sau” ám chỉ thời được giải cứu, hồi hương thì vùng đất, dân của hai chi tộc này là những người đầu tiên đón nhận NIỀM VUI: đó là nơi mà dân Chúa phải đi qua trước tiên để vào lại Đất Hứa.

   Để nói lên niềm vui này, lời sấm dùng hai hình ảnh cụ thể: niềm vui của MÙA GẶT bội thu – và của NGƯỜI CHIẾN THẮNG đang chia nhau chiến lợi phẩm. và câu cuối của bài đọc 1 cho thấy CĂN NGUYÊN của Niềm vui là nhờ Chúa can thiệp bẻ gãy “cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi của kẻ hà hiếp…”

Quả vậy, theo lịch sử, dân Chúa đã bị lưu đày và cũng đã hồi hương, nhưng rồi các thế kỷ tiếp theo sau, dân lại rơi vào bóng tối dưới ách đô hộ của Hi Lạp rồi của Rôma.

Ý nghĩa đích thực của lời sấm trên chỉ được tỏ lộ khi Đức Giê-su xuất hiện rao giảng Tin Mừng ở địa hạt Dơ-vu-lun và Nap-tha-li…ứng nghiệm lời ngôn sứ: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 13-17). Chính Tin Mừng mới cho ta đáp số: Ánh sáng thật soi chiếu trên Dân, cứu họ khỏi tối tăm là chính Đức Giê-su và Sứ Điệp mà Ngài mang đến.

Tuy nhiên, Tin Mừng cũng nhấn mạnh đến phần đáp trả của con người: phải biện phân nhận ra rằng “Nước Trời đã đến gần” và “hãy Sám Hối”

Và để minh họa niềm vui được đổi đời, Tin Mừng thuật lại ơn gọi của bốn môn đệ tiên khởi: Thật vậy, nhờ ánh sáng Lời mời gọi của Đức Giê-su “ Hãy theo tôi ” cuộc đời của bốn môn đệ thay đổi hẳn. Họ giã từ thân phận tối tăm thấp kém của một ngư phủ vô danh để trở thành Tông Đồ của Chúa, “ trở thành những kẻ lưới người như lưới cá ” theo như lời mời của Đức Giê-su.

Vấn đề còn lại là ở phía con người. Chúng ta có nghe, nhận ra sứ điệp của Đức Giê-su trong đời mình, và can đảm “lập tức bỏ (mọi cái mình có) chài, lưới, thuyền, cha” mà theo Đức Giê-su.

Hôm nay, bóng tối vẫn còn đe dọa chúng ta, thế gian nhưng Tiếng Chúa mời gọi vẫn luôn Vang Vọng. Chúng ta chọn sứ điệp ánh sáng đến từ lời mời gọi của Đức Giê-su hay ở lì lại trong bóng tối của những thói quen, đam mê, lợi lộc trần tục?

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn can đảm DÁM ĐỂ CHÚA ĐỔI ĐỜI CHÚNG TA bằng cách chọn theo sứ điệp ánh sáng của Đức Giê-su.

SUY NIỆM: Mt 4, 12-23

   Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi (Mt 4,16)

Hôm nay là Chúa Nhật thứ III Mùa Thường Niên. Bài đọc Tin Mừng của cả ba năm ABC đều nói đến việc Đức Giê-Su chính thức xuất hiện rao giảng công khai, sau khi đã tỏ mình cho đám dân Do Thái đang sám hối trong trình thuật chịu phép rửa của Gioan: người là Đấng Mêsia,  được Cha và Thánh Thần minh chứng, và trong tư cách Mêsia đó, Người đã vào hoang địa để chiến đấu với Satan, vô hiệu hóa mọi mưu mô của Quỷ và phục hồi phẩm giá cũng như sinh lực cho nhân loại. Nhờ đó, từ nay nhân loại đã có được phương thế chiến thắng ma quỷ. Phần còn lại là thái độ đáp trả của con người như thế nào, vì Quỷ tiếp tục vẫn là tên Cám Dỗ, không khi nào Y bỏ  cuộc. Đức Giê-su bắt đầu rao giảng, chỉ đạo phương thức để từng cá nhân của nhân loại có thể thắng được mưu đồ của Quỷ.

Lời Chúa hôm nay mô tả nhân loại như là một đoàn người đang lần bước mò mẫm trong đêm tối, chợt thấy ánh sáng bừng lên và như thế bóng tối không còn kiềm chế họ được nữa. Hình ảnh thật ấn tượng cho thấy rằng nhân loại đã được giải thoát. Lời Chúa hứa xưa trong Cựu Ước (bài đọc I: Is 9,1) nay được ứng nghiệm nơi con người, sự xuất hiện của Đức Giê-su (bài đọc Tin Mừng: Mt 4, 16-17).

Nhờ nguồn ánh sáng đó bừng lên mà cuộc đời của con người, cá nhân cũng như cả nhân loại được đối thay: Niềm vui dâng cao, hạnh phúc tuôn trào. Các hình ảnh truyền thống trong văn chương Kinh Thánh đã được sử dụng để diễn tả niềm vui, hạnh phúc được đổi thay cuộc sống đó: mùa gặt, chiến thắng chia nhau chiến lợi phẩm, được Thiên Chúa bảo vệ khỏi mọi tai ách của kẻ thù (bài I); Còn trong bài đọc Tin Mừng, số phận bốn ngư dân hoàn toàn đổi mới Khi họ được Đức Giê-su mời gọi đi theo người, trở thành môn đệ, trở thành cộng sự viên của Người trong việc loan Tin Mừng Cứu Độ

Mở rộng chủ đề ước mơ đổi đời, niềm vui, hạnh phúc…

Năm nay 2023, Chúa Nhật 3A mùa thường niên lại trùng hợp với ngày mồng Một Tết Việt  Nam. Trong năm mới ai cũng mong cuộc sống được đổi mới theo chiều hướng tích cực: phúc, lộc, thọ, khang, ninh…; Ai cũng cầu chúc nhau niềm vui, hạnh phúc. Nhưng thực tế rất phũ phàng: Ba ngày tết qua mau, các lo toan cơm áo gạo tiền quay trở lại, cuộc sống lắm khi còn khó khăn hơn vì các chi  tiêu trong dịp Tết để lại nhiều hệ quả. Và một điều không ai muốn nghĩ đến trong Mùa Xuân là “tuổi già” , thêm một tuổi là bước gần đến ngôi mộ thêm một bước. Muốn trốn chạy cũng không được; thực tế vẫn là thực tế; sức người không đổi thay thực tại được.

Lời Chúa của Chúa Nhật 3A mùa thường niên nói Đức Giê-su là ánh sáng bừng lên soi đường cho đám dân đang lần bước đi trong bóng tối. Thế nhưng đã 2000 năm qua sau khi Người nhập thế, bóng tối vẫn còn bào trùm, thế giới vẫn còn khổ đau! Lắm khi vì theo đường lối Chúa nên mới phải chết, đau khổ, chịu bao bất công như trường hợp các thánh tử đạo. Vậy Chúa đến đổi mới điều gì?

Khi nói tới “đổi mới” thường thì con người nghĩ tới đổi mới cơ chế, đổi mới cách tổ chức, phương pháp tổ chức, phương pháp làm việc, cấu trúc vận hành…Và với phần đông nhân loại chỉ muốn thụ động hưởng những hoa trái do các đổi mới trên mang lại một cách ít nhiều ham hố và vô trách nhiệm. Những ước vọng đó từ phía con người không phải là cái “đổi mới”, “niềm vui”, “hạnh phúc” mà Chúa muốn mang tới. Thật vậy, phải đọc lại St 1-3 để nhận ra rõ rằng những bóng tối đang vây phủ con người và thế giới không đến từ các cơ chế, định luật, mệnh lệnh; tất cả mọi đổ vỡ xẩy đến cho nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người đã khước từ dự tính của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Mất đi ánh sáng Chúa, con người chìm vào bóng tối; Và tự sức mình, con người hoàn toàn rơi vào bế tắc, ngõ cụt, không sao tìm được lời giải đáp cho số phận đen tối của mình.

Thiên Chúa yêu thương không bỏ mặc con người trong cùng khốn, Thiên Chúa sai Con Chúa đến giải cứu con người. Nhưng Đức Giê-su đến không nhằm dẹp bỏ mọi bế tắc, khổ đau để rồi con người chỉ việc nghênh ngang tiến bước trên con đường thênh thang, bằng phẳng đã được Chúa dọn sẵn cho. Đức Giê-su đến không để hủy bỏ các định luật và các hệ lụy kèm theo của công trình sáng tạo. Nhưng điều mà Đức Giê-su muốn làm thay đổi khi Người đến trần gian là đổi thay TÂM HỒN, NÃO TRẠNG của con người trước dự tính của Thiên Chúa, cụ thể là những tình huống đang được diễn ra trước mắt hằng ngày: nếu chúng ta nhận ra được trong các biến cố đó, bàn tay quan phòng của Thiên chúa đang hưỡng dẫn mọi sự về với Người, thì đó chính là ánh sáng đổi đời mà Đức Giê-su muốn mang đến cho chúng ta.

Thật vậy, Đức Giê-su đã đi trọn kiếp con người truân chuyên như chúng ta trong sự tuân phục hoàn toàn ý Cha (nói cách khác: không hề phạm tội) và điểm tới của đời Người là Thập Giá, là NGÔI MỘ. Thế nhưng cái ánh sáng, cái đổi mới mà Đức Giê-su đem đến cho ta là: một khi đã nỗ lực tuân phục ý Cha rồi thì “ngôi mộ” không còn là điểm đến , là ngõ cụt cho thân phận tăm tối của con người nữa, không còn là biểu tượng của sự chết nữa mà là DẤU CHỈ CỦA SỰ SỐNG LẠI (x. Ga 20, 1-9), là ngưỡng cửa, là “cửa khẩu” phải bước qua để đi vào đời  sống mới, đi vào trời đất mới.

Hiểu như thế thì chúng ta mới thấy Lời Chúa đầu Xuân; việc MỪNG (thêm) tuổi thật là ý nghĩa. MỪNG là vì ta đang từng bước rời bỏ cái thế giới tạm, tăm tối này để tiến về NGÔI MỘ nhưng không là ngôi mộ của ngõ cụt, hủy diệt mà là ngôi mộ DẤU CHỈ CỦA PHỤC SINH.

Theo tuần hoàn , Mùa Xuân là mùa phục hồi sinh lực cho vạn vật. Đó chính là DẤU CHỈ BÁO TRƯỚC sự hồi phục trọn vẹn và vĩnh viễn trong ngày cánh chung, ngày toàn thể nhân loại sum họp lại trong nhà Cha, nhận ra nhau là anh em. Tất cả là MẦM XUÂN VĨNH CỬU, CHÂN PHÚC.

Điều mà chúng ta nguyện ước, chúc tết, mừng Xuân cho nhau đã được khởi sự nơi Đức Giê-su. Đặc biệt trong Lời Chúa hôm nay: Đức Giê-su đến,mời gọi và cuộc đời các môn đệ đổi mới: MẦM XUÂN VĨNH CỬU đã được Đức Giê-su gieo vãi vào trần thế của chúng ta. “NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN RỒI”, “ Anh em hãy SÁM HỐI (tức đổi mới)” đáp lại lời mời của Đức Giê-su, để người biến chúng ta nên “kẻ lưới người”, thành tông đồ của Chúa.

Trở về lại với các chi tiết Lời Chúa trong các bài đọc Phụng Vụ của Chúa Nhật 3A MTN :

   Trong bài 1, Isaia loan báo ơn giải thoát cho 2 vùng đất Dơ-vu-lun và Nap-tha-li: Dân đang ở trong tối tăm sẽ được thấy ánh sáng chiếu dọi. Hoa trái là niềm vui. Vui như mùa gặt, vui như lúc chiến thắng phân chia chiến lợi phẩm. Lý do: vì Chúa đã tha thứ, bẻ mọi xích xiềng đã từng đè bẹp dân Chúa.

   Tin Mừng thuật lại Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai tại địa hạt Dơ-vu-lun và Nap-tha-li. Điều Isaia loan báo thì nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: Người công bố Nước Trời đã đến và mời gọi ăn năn sám hối. Sau đó Đức Giêsu chọn gọi 4 môn đệ tiên khởi, biến họ thành kẻ chài lưới người ta, làm họ thay thân đổi phận: giã từ kiếp ngư phủ trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

BÀI ĐỌC I: Is 8, 23b9,3

   Tổng quát về Is 6 – 12, “ Sách Đức Emmanuel ”: xem Vọng 2A.

Bài đọc 1 trích từ bài thứ 2 nói về Đấng Emmanuel. Bài này có lẽ được soạn ít lâu sau sấm ngôn về việc sinh hạ Đấng Emmanuel ở ch.7.Tuy nhiên khung cảnh của bài này không còn là Giuđa, là Giêrusalem nữa, mà là vùng đất Galilê của dân ngoại.

     Trong ch.7, Isaia đã loan báo rằng Đamas và Israel như là hai thanh củi còn chút khói, sắp lụi tàn. Có lẽ khi loan báo sấm ngôn này (ch.9) thì lời ấy đã ứng nghiệm. Trong khi Giuđa còn lây lất được hơn 1 thế kỷ nữa thì vào năm 734, Bắc quốc đã bị Teglat – Phalassar III (745 – 727) xâm chiếm toàn bộ Neptali, Galilê và bắt dân đi đày Assur (x. 2V 15,29). Samari còn cầm cự được một thời gian nữa, đến 721 thì bị Salmanassar là người kế vị Téglat thôn tính. Bắc quốc chấm dứt. Chỉ còn lại Giuđa.

     Chính trong cảnh tối tăm ấy của Galilê, thì Isaia lại loan báo cho Giuđa biết tương lai xán lạn, niềm vui được phục hồi của Galilê. Ở đây, Isaia đã hé mở khía cạnh phổ quát của ơn cứu độ thời Mêsia cho dân Giuđa thấy, ngôn sứ muốn hoán cải dần cái não trạng dân tộc cực đoan, hẹp hòi của Giuđa. Lý do để Galilê vui mừng:

  • Dân được giải thoát khỏi cảnh lưu đày áp chế ( c.3 )

  • Không còn sợ chiến tranh tàn phá nữa ( c.4 )

  • Sự ra đời của vị Vua Thiên Sai ( c.5 )

     Phụng vụ hôm nay chỉ đọc tới lý do thứ 1, không đề cập đến việc ra đời của Vua Thiên Sai ( có đọc trong lễ nửa đêm Giáng Sinh ). Vậy trọng tâm của bài đọc là loan báo sự thay đổi thân phận và niềm vui dạt dào của dân Galilê nhờ được Thiên Chúa thương giải cứu khỏi cảnh khốn cùng.

  1. Loan báo ơn giải thoát cho Galilê ( 8,23b )

  • Số phận lúc ban đầu: Dơ – vu – lun và Nap – tha – li bị hạ nhục.

 Lúc Isaia tuyên lời sấm này thì Galilê đã lọt vào tay Assur. Khi vào Palestin thì Assur tiến quân theo đường Nap-tha-li xuống Dơ-vu-lun khoảng năm 734 để tiến đánh Samari. Đây là những vùng đất đầu tiên của Israel bị rơi vào tay Assur.

  • Loan báo giải cứu: “ Thời sau, Người sẽ làm vẻ vang…vùng đất của dân ngoại”.

“ Con đường ra biển”: hoặc là con đường từ Đamas ra biển, hoặc là con đường ra biển ( đi từ Bắc Syri qua Ai cập ) băng qua Asher.

 “ Miền bên kia sông Giođan”: đó là vùng Bashân,Galaad, phía cực bắc còn có phần đất của chi tộc Dan.

 “ Vùng đất dân ngoại” những vùng kể trên được coi là của dân ngoại. Vùng này được coi là yết hầu của Cận Đông nên Assur cần khống chế vùng này – chiếm năm 732 – để làm chủ tình huống.

Vậy để vào Samari cần phải chiếm tất cả những vùng nói trong 8,23b trước tiên. Tuy nhiên vào thời giải cứu thì đó lại là cửa ngõ để đón tiếp dân Chúa trở về: đó là ý nghĩa của lối nói: “ Người làm vẻ vang cho…vùng đất của dân ngoại”. Các chi tiết có liên quan đến vùng đất dân ngoại được nhấn mạnh ở đây hàm ý nhấn mạnh ơn cứu độ là phổ quát.

   Tuy nhiên theo dòng lịch sử, dù rằng các đế quốc Assyri, Babilon, Ba Tư … lần lượt bị tiêu diệt, số phận của Galilê cũng chẳng khá gì hơn. Phải đợi đến thời Tân Ước, lời sấm này mới nên trọn qua việc Đức Giêsu xuất hiện rao giảng tại đó khai mạc sứ vụ công khai của Người ( Mt 4, 12-16 ), và nhất là cũng tại đây, Đấng Phục Sinh đã gặp các tông đồ trao cho các ông quyền năng và sứ mạng loan Tin Mừng cho toàn thế giới ( Mt 28,16-20 ). Galilê vừa là điểm khởi phát và kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giêsu, vừa là nơi Giáo Hội tiếp nhiệm sứ vụ của Người và khởi phát sứ vụ của mình đem Tin Mừng cho đến tận cùng cõi đất. Chỉ nơi Đức Giêsu, Galilê mới thực sự được vẻ vang.

  1. Hình ảnh minh họa ơn giải thoát (9,1)

  • Thay thân đổi phận: Đang ở trong bóng tối, được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

      “ Dân đang lần bước giữa tối tăm … nay được ánh sáng bừng    lên chiếu rọi”

     Để diễn tả ơn cứu độ, 8.23b đưa ra 2 hình ảnh tương phản:     ban đầu / thời saubị hạ nhục / được vẻ vang: Ở 9,1 hình ảnh này là bóng tối / ánh sáng. Cách chung, theo Kinh Thánh:

  • Bóng tối: Biểu tượng của bất hạnh, án phạt ( x. Is 42,7; Tv 107, 10, 14 ) và của cái chết ( G 10,21-23;15,22-24 …)

  • Ánh sáng: Biểu tượng của ơn cứu độ (Is 58,8-10;60,1-20; Mk 7,8; Tv27,1…)

    Nhưng ở đây phối hợp với c.5 thì một cách rõ ràng và chính xác hơn, “ánh sáng” gợi lên việc một vị Vua mới xuất hiện. Thật vậy, não trạng thời đó và đặc biệt là những nghi thức triều đình thường so sánh việc đăng quang của Tân Vương với việc mặt trời mọc. Và người ta khám phá ra tại Ai Cập những chữ tượng hình trình bày việc Pharaô lên ngôi bằng hình ảnh mặt trời mọc. Và những hình ảnh ấy cũng được tìm thấy nơi Đavít và những người kế vị ( x. 2Sm 23,3-4; Tv 110,3 ). Tv 72,5.17 còn so sánh vua với mặt trời. Vậy “ ánh sáng bừng lên ” ở đây chắc chắn là nhắm vào Hài nhi được nói đến ở c.5 ).

  1. Hoa trái của ơn giải thoát ( 9,2-3): NIỀM VUI

  • Là hồng ân của Thiên Chúa: “ Chúa đã ban…nỗi vui mừng” (2ab)

  • Đáp lại “ họ mừng vui trước nhan Người” (2c)

  • Hình ảnh minh họa niềm vui: “ mùa gặt” (2d), “chia chiến lợi phẩm” (2đ)

Hoa trái của ơn cứu độ là Niềm Vui. Một niềm vui do chính Thiên Chúa ban tặng và dân hỷ hoan thọ hưởng. Niềm vui được minh họa bằng hình ảnh vụ gặt hái trúng mùa và hình ảnh khải hoàn sau trận chiến thắng với nhiều chiến lợi phẩm. Những gieo vãi, dãi dầu nắng  mưa, những hy sinh hiểm nguy trước đầu tên mũi đạn, giờ đây trổ sinh hoa trái. Tóm lại là những cực nhọc mất mát trong quá khứ, nay nhờ trời thương đã được đền bù bội hậu bằng một kết quả chung cuộc hết sức tốt đẹp. Vất vả, lao đao càng lớn, thì niềm vui càng đáng tự hào, đậm đà ý nghĩa. Đây là lời khích lệ đầy ấn tượng, đầy an ủi đối với Galilê trong cảnh khốn cùng.

  • Lý do vui mừng: Được Chúa can thiệp giải cứu: (3)

  • Hình ảnh: “ ách” “gậy”  “roi” Chúa đều bẻ gãy

  • “như trong ngày chiến thắng Mađian”

“ách, gậy, roi”, là biểu tượng của nô lệ bị đàn áp. Chính Thiên Chúa sẽ đập tan những thứ ấy. Hình ảnh lịch sử “ chiến thắng Mađian ’’ cũng làm nổi bật biểu tượng “ánh sáng bừng lên” và gợi ra nhiều ý nghĩa (x. Tl 6)

   Chiến thắng này là do bởi Thiên Chúa chứ không do binh lực: Chúa bảo chỉ chọn 300 lính cầm đuốc sáng, thổi tù và rồi hô lớn.

   Cuộc chiến này quy tụ tất cả các chi tộc miền bắc và tập trung lại thành 1 khối dưới trướng 1 cá nhân: Asher ; Nap-ta-li ; Dơ-vu-lun ( các chi “ban đầu”, “ bị hạ nhục”), Manassê, Ephraim.

  • Sau chiến thắng này, ý tưởng về vương quyền chớm nở trong Israel.

      Vậy đây là bước mở đầu đưa dân Chúa vào một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, giai đoạn kết hợp các chi tộc riêng rẽ thành cộng đồng quốc gia dưới 1 quyền bính trung ương, chuẩn bị cho thời quân chủ sau này mà lúc cực thịnh là triều đại Đavít, Salomôn.

         Vậy cụm từ “ như chiến thắng Mađian” gợi lên sự giúp đỡ của Yavê và mở ra một tương lai xán lạn huy hoàng cho dân Chúa trong niềm hy vọng thời hoàng kim Đavít – Salomon sẽ được tái lập. Gợi lại quá khứ cũng hàm ý: Yavê là Thiên Chúa chủ tể dòng lịch sử và cũng cho thấy sự liên tục của chương trình cứu độ của Người trong dòng lịch sử.

  1. Tóm kết.

     Lời sấm loan báo thân phận đổi thay, tương lai xán lạn của Galilê vào thời Chúa ra tay cứu dân  khi cho “MẶT TRỜI” mọc lên, “ánh sáng bừng lên” trên “dân đang lần bước trong bóng tối” và niềm vui của dân thật lớn lao.

    Hình ảnh Galilê thay cho Giêrusalem còn đưa chúng ta tiếp cận với khía cạnh phổ quát của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, muôn dân liên kết với Chúa trong đức tin đều sẽ được hưởng vinh quang, niền vui của ngày cứu độ.

   Lời sấm loan báo trước sự xuất hiện của Đức Giê Su tại vùng đất Galilê để khai mở 1 giai đoạn mới của lịch sử cứu độ: Tin Mừng khởi sự được loan báo cho mọi người, không phân biệt Do Thái hay dân ngoại. Đây là điều Matthêu công bố và được phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta.

TIN MỪNG:   Mt 4, 12 –  23

   Sau khi được tấn phong làm Mêsia qua phép rửa tại sông Giođan (3, 13 – 17 ) Đức Giê Su  tiến vào hoang địa là sào huyệt của ma quỷ để đập tan ách thống trị của chúng trên nhân loại. Người tỏ ra mình là Đấng chiến thắng, Đấng mạnh hơn; đồng thời qua đó cho thấy phương thứcNgười chọn để thực thi sứ vụ (4,1-11: Từ chối con đường dễ dãi quyền lực để chọn con đường Thập giá). Trong tư cách đó, Đức Giêsu mở đầu sứ vụ. Theo Matthêu, sứ vụ công khai của Người chính thức khai mở tại Galilê, sau khi Gioan bị bắt (4,12). Chương 4 là cái nhìn  tổng quát giới thiệu những hoạt động chính yếu của Đức Giêsu; rao giảng sám hối, Nước Trời đã tới ( 4,17 ); thiết lập nền tảng cho cộng đoàn thiên sai (4,18-22: gọi các môn đệ); loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa bệnh trừ quỷ (4,23-24); quy tụ dân Chúa (4,25). Tất cả những gì Đức Giêsu làm là để hoàn tất lời ngôn sứ (4,13-16).

     Tin Mừng hôm nay là trích đoạn giới thiệu sứ vụ của Đức Giê Su trong thời điểm khai mạc để hoàn tất lời ngôn sứ ; nội dung nền của lời rao giảng; và gọi 4 môn đệ tiên khởi.

     Trong phụng vụ , Tin Mừng có thể đọc bài ngắn 4,12-17, bỏ đi phần kêu gọi các môn đệ. Vậy trọng tâm của phụng vụ nằm ở việc Đức Giê Su khởi đầu sứ vụ tại Galilê, hoàn tất lời ngôn sứ và nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ do Người mang tới.

  1. Khai mạc sứ vụ công khai ( cc. 12-13)

  • Thời điểm: Sau khi “nghe tin Gioan bị nộp”.

          “Bị nộp” thường được Mat thêu dùng cho Đức Giêsu để loan báo cuộc thương khó của Người (10,4; 17,22; 20,18-19; 26,2): Đức Giêsu và Gioan có cùng 1 số phận. Động từ ở thể thụ động: Đây là 1 dự tính của Thiên Chúa. Điều xảy ra cho ông Gioan báo trước điều Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Giêsu.  Dòng lịch sử cứu độ được nối tiếp cách liên tục và nhất quán, cùng cách thức hoạt động.

  • Phản ứng Đức Giêsu: “LÁNH QUA miền Galilê” (câu 12)

        “Lánh qua’’ = lui về : Để trình bày quyết định của Đức Giêsu, Mat thêu dùng động từ “lánh qua” như Thánh Giuse trước kia đã quyết định theo lệnh Chúa đem Thánh Gia về Nadarét tránh bạo vương Akêlaô; Và cả 2 lần  Matthêu đều nhấn mạnh rằng quyết định đó là hoàn tất lời ngôn sứ ( 2,23; 4,14 ). Vậy – cũng như việc “bị nộp” – đây không phải là 1 lui bước, đầu hàng trước điều ác, nhưng là 1 dự tính của Thiên Chúa. Qua những hành động có vẻ như cam chịu ấy nơi các tuyển nhân, Thiên Chúa bắt đầu công khai hóa đường lối Người đã chọn để hoàn tất ơn cứu độ.

   “ Miền Galilê ”: Vùng đất bị người Do Thái coi là “ của dân ngoại ”, kết hợp với “ lánh qua ” , phản ứng của Đức Giêsu báo trước một thực trạng đau lòng: dân Do Thái khước từ ơn cứu độ do Đức Giêsu đem tới, nên Tin Mừng đã được loan cho dân ngoại trước ( x. Cv 13,46 ).

  • “… Người bỏ Nadarét, đến ở Capharnaum, 1 thành ven biển hồ Galilê” ( c.13a )

    Việc nhắc tới Nadarét ở đây hơi bị lạc lõng. Chắc chắn Mátthêu không có ý diễn tả lộ trình địa lý của Đức Giêsu. Điều Mátthêu muốn nói có lẽ là Đức Giêsu không chọn nơi sinh trưởng của Người để khởi đầu sứ vụ. Con Người và sứ vụ của Ngươi không bị hạn hẹp trong quê hương, tình cảm gia đình, làng xóm; để thi hành tốt sứ mạng, đòi hỏi phải từ bỏ. Tiếng từ bỏ mãi vang vọng nơi tai những người được chọn từ Abraham cho đến tận thế. Ở  đây, chính Đức Giêsu đã thực hiện việc từ bỏ để rồi một tí nữa Người mời gọi 4 môn đệ cùng đi cùng con đường từ bỏ ấy để theo Người.

     Còn Capharnaum. Có thể đây là trung tâm hoạt động của Đức Giêsu khi Người  cư ngụ ở nhà Phêrô ( x. Mc 1,29-33; 2,1; 9,33 ), rồi đến rao giảng trong hội đường ( Mc 1,21; Lc 4,31; Ga 6,59 ).

  • Ý nghĩa của việc khai mạc này: “thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Nap-tha-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia ( ch.13b – 16 )

Các chi tiết Dơvulun, Naptali được kể ra ở đây không chỉ là địa danh, nhưng là một chuẩn bị của Matthêu nhằm nói lên chủ đích thần học của ông: việc Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ tại hai nơi này đã hoàn tất lời Isaia xưa đã loan báo về thời Galilê được giải thoát. Điều này cũng hàm nghĩa mạc khải Đức Giêsu chính là hiện thân của “ Hài nhi thiên sai” được nói trong Is 9, 5- 6 phần tiếp theo của bài đọc 1.

      Các câu 15 -16 là trích dẫn Is 8,23 và 9,1 ( chú thích : xem ở bài đọc 1). Hai địa danh trong “ vùng đất của dân ngoại” được Matthêu sử dụng như là biểu tượng của việc triệu tập phổ quát vì chúng đã nằm trong dự tính của Thiên Chúa đã tỏ lộ qua lời ngôn sứ: đây là đất dụng võ của “Đức Giêsu – Mêsia’’, Người chính là “ ánh sáng huy hoàng” đến chiếu soi đám dân “ ngồi trong bóng tối”

  1. 2. Nội dung sứ vụ của Đức Giêsu (cc. 17 -22)

  • “ Từ lúc đó , Đức Giêsu bắt đầu”

Yếu tố này đánh dấu khởi điểm chính thức của sứ vụ Đức Giêsu và thời viên mãn của dòng lịch sử đã tới.

  • Rao giảng : “ hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”

Ý nghĩa của lời rao giảng : xem lại MÙA VỌNG 2A. công thức trên đã xuất hiện trong lời rao giảng của Gioan (3,2) và sẽ gặp lại trong 10,7. Đức Giêsu dạy các môn đệ rao giảng cùng một sứ điệp. Mặc dù nội dung của từ “ Nước Trời” nơi Gioan, Đức Giêsu và các môn đệ có sự khác biệt nhau về mực độ mặc khải, nhưng việc Matthêu đặt  “Nước Trời” nằm ở tâm điểm của ba lời rao giảng làm nổi bật tính liên tục và nhất quán của chương trình cứu độ từ Cựu Ước đến Đức Giêsu rồi đến Giáo Hội

  • Thiết đặt nền tảng Nước Trời: kêu gọi bốn môn đệ tiên khởi (cc18 -22)

   Việc kêu gọi này được thuật lại với thể văn kêu gọi ngôn sứ trong Cựu Ước : cụ thể là Elisa trong 1V 19,19

Trình thuật ngắn gọn và việc gọi lặp lại đến hai lần làm nổi bật lên tính cách thần linh ( chính Yavê bảo Elisa : 1V 19,16b), và sự đáp trả dứt khoát của các môn đệ so với Elisa còn xin về từ giã gia đình (1V 19,19 -21). Điều đó cho thấy đòi hỏi của Tân Ước triệt để hơn, nhưng cũng là một tiếp nối và hoàn chỉnh truyền thống về ơn gọi . Vậy đây là một kiểu mẫu về trình thuật ơn gọi.

  • Đức Giêsu thấy …. và bảo các ông ( cc. 18 -19 và cc. 20 – 21)

       Ơn gọi mang tính thần linh vì trước tiên đó chính là sáng kiến của Thiên Chúa: Người đi bước đầu để thực hiện nó bằng cách thân hành đến tận nơi cuộc sống cụ thể mỗi ngày của từng người để kêu gọi cách biệt vị.

  • Hãy theo tôi

      Môn đệ là người đi theo Thầy, nhìn Thầy mà tiến bước chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào mình; là người đi con đường mà Thầy mình đã đi, nói cách khác là có cùng chung một chí hướng , chấp nhận một số phận như Thầy.

  • “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành” (19)

      Phải ý thức và tin và rằng Thiên Chúa đã có một dự tính sẵn tốt nhất dành cho  mỗi người khi Người gọi một ai đó . Môn đệ là người thực thi ý Thầy theo phương pháp , đường lối Thầy chỉ vẽ . Hệ quả là tin rằng chính Thiên Chúa chủ động giúp thực thi cuộc biến đổi để biến người môn đệ từ một “ kẻ lưới cá” trở thành “kẻ lưới người” . Lời Chúa làm thay đổi số phận bốn môn đệ : đưa các ông ra khỏi con thuyền đánh cá hạn hẹp để dẫn vào “con thuyền Giáo Hội”.

  • “Kẻ lưới người ta”

“Lưới” gợi lên hình ảnh ngư dân đang thả lưới hoặc thợ săn đang bẫy bằng lưới . Trong Gr 16,16 hình ảnh này minh họa sự phán xét của Thiên Chúa đối với những ác nhân ngỡ rằng họ đã thoát được khỏi tay Thiên Chúa công  minh. Tuy nhiên trong Mt 13, 47 thì trước khi cuộc lọc chọn phán xét xảy ra, phải có một mẻ  lưới thần kỳ gom cá lại đã, sau đó mới là phân loại cá. Việc này của các Thiên Thần ; phần con người và các môn đệ , là lưới cá . vậy kiểu nói này là nhằm loan báo sứ vụ của các kẻ tin vào Đức Giêsu : người ta có là môn đệ thật của Đức Giê su hay không là tùy thược vào mức độ họ sẵn sang tham gia vào công cuộc truyền giáo của Người.

  • Đáp trả của người được gọi: “ LẬP TỨC, các ống bỏ…” (cc. 20 và 22 )

Đáp trả một cách dứt khoát mau chóng: TỪ BỎ tất cả . trình thuật hoàn toàn loại bỏ mọi khía cạnh tâm lý, tình cảm của người được gọi, để nhấn mạnh đế tính dứt khoát, mau chóng của việc đáp trả và từ bỏ này.

  1. Giới thiệu tổng quát các hoạt động của Đức Giêsu (c.23)

      Bằng  một câu , Matthêu tóm kết các hoạt động chính mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trong sứ vụ công khai của Người: rao giảng , loan Tin Mừng, chữa bệnh trừ quỷ. Qua các hoạt động đó, rõ rằng là nơi Đức Giêsu, ơn giải phóng đã tới; ánh sáng đã bừng lên xua tan tối tăm . Thân phận tăm tối, mọn hèn của Gaililê, cũng như bốn môn đệ đột ngột được đổi mới nên xán lạn huy hoàng. Làm con người được thay đổi số phận nên hạnh phúc hơn và được hạnh phúc vĩnh cửu, đó là cùng đích sứ vụ Đức Giêsu

  1. Tóm kết

Tin Mừng hôm nay công bố tin vui này là Lời Chúa hứa giải cứu dân Người trong Cựu Ước nay đã nên hiện thực nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu. Vùng đất “Galilê của dân ngoại” , thân phận nghèo hèn của nhóm ngư dân đã thực sự đổi thay, xán lạn nhờ việc Đức Giêsu xuất hiện khai mạc sứ vụ tại Galile và kêu gọi bốn ngư phủ theo làm môn đệ Người. Qua đó Đức Giêsu tỏ mình ra Người chính là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa đến hoàn tất mọi lời  Cựu Ước. Con Người và hoạt động của Người là chóp đỉnh tình yêu giải cứu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Hệ quả là một khung trời mới xán lạn đã mở ra cho nhân loại ( Galilê là biểu tượng) và cho từng môn đệ, tuy nhiên để cho sự đổi mới này được hoàn hảo và thực sự ích lợi cho con người, thì thái độ tín thác mau chóng đáp trả lời Thiên Chúa gọi, từ bỏ cái cũ …. sẽ là yếu tố thiết yếu từ phía con người. Tình yêu của Thiên Chúa và tự do, nhiệt thành của con người gặp nhau sẽ phát sinh ra hoa trái dồi dào của ơn cứu độ ngay tại thế này và trong vĩnh cửu.

     Frère Pierre Đình Long FSC