Mười Điểm Đặc Biệt Trong Cuộc Đời Thánh Phêrô Giulianô Eymard .

Cách nay 150 năm, Thánh Eymard đã thành lập Dòng Thánh Thể. Chỉ sau đó ít lâu, ngài đã thiết lập nhánh nữ: Dòng Nữ tỳ Thánh Thể. Cả hai Hội Dòng được dành để hiến thân toàn vẹn phục vụ cho mầu nhiệm Thánh Thể cao cả. Lần kỷ niệm 150 ngày thành lập này có lẽ không chỉ ý nghĩa đối với riêng hai Hội Dòng. Tuy nhiên, vào lúc kết thúc khoá họp thứ nhất Công Đòng Vatican II, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã nâng chân phúc Eymard lên bậc hiển thánh, còn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn thường tuyên bố thánh Eymard là Tông Đồ Thánh Thể và khi đưa lễ thánh Eymard vào trong lịch phụng vụ hoàn vũ [kính nhớ ngày 2 tháng 8], ngài mong ước rằng thánh Eymard có điều gì đó cống hiến cho toàn thể Giáo Hội vào lúc này. Bởi vậy, bài chia sẻ ở đây xin giới thiệu 10 điểm khác nhau giúp chúng ta suy nghĩ cầu nguyện về ý nghĩa đời sống của thánh Eymard đối với mỗi người chúng ta.

1] Cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của Eymard bị ràng buộc bởi bối cảnh tôn giáo, xã hội, gia đình trong thời của ngài – Eymard vốn là con người của Giáo hội Pháp thế kỷ XIX – cùng với những ân huệ nhận được từ nơi Thiên Chúa. Ý thức tôn giáo của cậu Eymard được hình thành ngay từ bé. Những dấu hiệu chúng ta có thể thấy được trước tiên về tính nghiêm túc trong những nhạy bén tôn giáo của Eymard là lòng khao khát bền bỉ bước theo Đức Giêsu Kitô và phục vụ Thiên Chúa với tư cách linh mục. Ơn gọi này cậu vẫn quyết theo đuổi mãi dầu cho có những chống đối từ phía người cha vốn cho rằng đứa con trai duy nhất này phải gánh vác công việc làm ăn của gia đình. Cậu học tiếng La-tinh một mình để chuẩn bị vào chủng viện. Thế nhưng, cậu lại vào tập viện của Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), mọi nỗ lực của cậu đã bị chựng lại bởi sức khoẻ yếu kém. Thế là, tiến trình theo đuổi ơn gọi trở thành linh mục vẫn còn chờ đợi ở phía trước.

2] Hiển nhiên rằng không ai có thể bắt chước thánh Eymard trong hành trình riêng của ngài được vì việc thánh nhân thức tỉnh trước ân sủng và trước lời mời hào phóng của Thiên Chúa chỉ có tính cách riêng tư và cá nhân. Tuy nhiên, đời sống của cha Eymard lại chiếu tỏa như ngọn hải đăng cho sự kiếm tìm Thiên Chúa của mỗi chúng ta và trong sự tiến bước cá nhân của chúng ta để ngày càng trở nên nhân chứng đích thực hơn cho tình yêu Thiên Chúa nơi phép Thánh Thể. Thánh nhân đã tin vào thực tại tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và bí tích Thánh Thể đối với cha Eymard là một dấu chứng cụ thể về sự hiến thân (gilf of self) của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha cũng như cho loài người. Điều chúng ta có thể học được từ nơi thánh Eymard là ngài khao khát đáp lại tình yêu Chúa Giêsu đã dành cho bằng một cuộc dấn thân tương tự.

3] Cuối cùng thì Eymard cũng đã trở thành linh mục thuộc giáo phận Grenoble. Tuy thế, cha không bao giờ quên mất khát mong gia nhập đời sống tu trì trong dòng. Cha cảm nhận mình phải sống trong cộng đoàn. Thế là quyết định sống đời tu sĩ đã khiến ngài phải trả giá rất đắt. Là một linh mục giáo phận được giáo dân rất mực thương mến, ngài đã sắp xếp lo liệu để tin rằng nếu như tất cả giáo hữu trong xứ đạo chu toàn bổn phận của họ trong Mùa Phục Sinh thì đó sẽ là dấu chỉ Thiên Chúa đang nói với cha là ngài đã hoàn tất sứ mệnh ở đó và cha được gọi để sống đời linh mục trong nhà dòng. Thực tế đã xảy ra đúng như vậy cho nên cha đã rời bỏ giáo xứ – mà không để cho ngay cả hai bà chị ruột hay biết gì về dự định của cha – còn giáo dân thì đầy kinh ngạc. Cha đã chọn gia nhập một hội dòng mới vừa được thành lập: tức dòng Marists.

Mặc dù cha Eymard không còn là linh mục triều và không thi hành công tác tông đồ giáo xứ, nhưng cha chẳng bao giờ xa rời tác vụ đối với dân Chúa. Trước bất kỳ một tác vụ nào, ngài cũng toàn tâm toàn ý thi hành. Tuy nghiêm khắc với chính mình, nhưng ngài lại tỏ ra rất dễ dãi và hiền từ với những người mà ngài phục vụ – điều này đánh động khá mạnh chống lại tinh thần của phái Jansenistic đang thống trị giáo hội Pháp lúc bấy giờ. Một số người gọi đùa ngài là “Père Aimable” (cha đáng yêu). Một tấm gương rất đáng kể về lòng nhiệt thành của cha Eymard là sự hiến thân kiên quyết cho Dòng Ba Đức Mẹ mà ngài đã có công rất lớn để mở mang và đặt nền móng vững chắc cho tổ chức này. Thánh nhân cũng có thi hành tác vụ rao giảng và tĩnh tâm ở nhiều nơi và như một tu sĩ Thánh Thể, cha đã đưa ra giải pháp dấn thân tông đồ giúp đỡ nhóm người lượm rác trong các khu nhà ổ chuột ở Paris.

4] Khát mong thành lập dòng Thánh Thể phát xuất từ gốc rễ tông đồ sâu xa của cha. Lực hút hướng về phép Thánh Thể ở nơi ngài ngày càng trở nên mãnh liệt và dường như đã bắt đầu kết tinh năm 1851 trong khi ngài đang cầu nguyện tại đền thánh Đức Bà Fourvière, vùng Lyons. Tiếp theo đó, cha đã quy chiếu “hồng ân ơn gọi” này bằng ngôn từ mục vụ. Thánh nhân nói với chúng ta rằng ngài đã bị xâm chiếm một ít lâu bằng những tư tưởng sau : (1) Thiếu sự hỗ trợ thiêng liêng cho các linh mục giáo phận;  (2)Thiếu sự hướng dẫn thiêng liêng cho các tín hữu; (3)Lòng sùng kính phép Thánh Thể không có; (4) Xúc phạm thường xuyên đến bí tích này. Thánh Eymard đã đọc ra dấu chỉ của thời đại ngài bằng một cảm giác mục vụ sắc sảo, và ngài đã tìm cách đáp lại những gì là thánh ý Thiên Chúa sau khi đã phân định hẳn hoi.

Về điều này, thánh Eymard đã vạch ra hành trình thiêng liêng cho mọi Kitô hữu. Kinh nguyện và nguyện gẫm có thể giúp chúng ta nhận ra một khoản khắc thuộc tâm linh nào đó bấy giờ một sự thu hút tương tự để đi theo thánh ý Thiên Chúa sẽ được cảm nhận trong cuộc sống chúng ta. Pháp Thánh tẩy, Truyền chức hay hôn phối đều là các bí tích thuộc về ơn gọi của chúng ta nhằm đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Nhưng một số người trong chúng ta lại được gọi để phục vụ Giáo Hội cách riêng, trong nhiều đường lối rất nhiệm mầu, Thánh Thể là trung tâm của lời mời gọi này, như trường hợp của thánh Eymard. Bí tích Thánh Thể vẫn có đó ngay từ đầu, xuyên suốt cuộc hành trình của chúng ta và nay vẫn có quyền lực để thu hút các quan niệm về tôn giáo và thúc bách chúng ta đốt lên lòng nhiệt huyết khởi đầu mà nhờ đó chúng ta đã quảng đại từ bỏ chính mình phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài.

5] Ơn gọi Thánh Thể của thánh Eymard không trào ra từ kinh nghiệm thần bí; nó lớn lên và chín mùi một cách tiệm tiến. Phép Thánh Thể, biểu lộ tặng phẩm tình yêu của TC, là hướng nhắm của toàn bộ năng lực cuộc sống của ngài. Lúc nào, cha Eymard cũng học hiểu để suy phục mọi sự trước tình yêu này trong cuộc sống của mình. Trái tim, linh hồn, và trí khôn của cah được khuôn đúc dần dà bởi bí tích Tình yêu. Đây là sự khởi đầu của linh đạo Thánh Thể. Từ thực tại này, Cha Eymard đã phân định một ơn goị thông dự vào sự sống và sứ vụ của Chúa. Điều tương tự cũng xảy ra thực sự cho tất cả những ai đón lấy bí tích Cứu độ này một cách chân thành và nỗ lực để cho Thánh Thể thành trung tâm đời sống của họ.

6] Vì Thánh Thể đã trở thành sức mạnh thống lĩnh sự hiện hữu của cha Eymard cho nên chính đời tu đã chiếm vị trí thứ hai trước tình yêu vĩ đại của cuộc sống cha: Chúa Kitô trong phép Thánh Thể. Đời tu đã trở thành phương cách duy nhất để sát nhập sự giàu có phong phú của bí tích hiệp thông và giúp xây dựng sứ vụ của các môn đệ thánh nhân. Cha Eymard đã nói: “Đời tu không phải là mục tiêu…đời tu chỉ là một phương thế,” hay như ngài nói lần nữa: “…Đời tu như một con đường dẫn chúng ta đến với sự sống Thánh thể.” Chắt lọc hơn nữa cái nhìn thấu đáo đầy ý nghĩa này của cha Eymard, có thể nói rằng sống ơn gọi của chúng ta thì tham dự vào và tuỳ thuộc vào sứ vụ của chúng ta bởi lẽ ơn gọi giúp tác thành nên việc làm chứng của chúng ta. Tuy nhiên, cùng với thánh Eymard, có lẽ chúng ta có thể tuyên bố chính xác hơn nữa rằng đời tu sĩ và đời linh muc, hay bất kỳ một bậc ơn gọi nào khác trong HT đều nhằm phục vụ một sứ vụ, Giáo hội hiện hữu cho sứ vụ. Phép Thánh Thể trao ban ý nghĩa và hướng nhắm cho cuộc sống tu sĩ chúng ta và hậu nhiên là chính Thánh Thể sẽ tác thành nên lối sống của chúng ta .

7] Thánh Eymard luôn luôn duy trì lòng kính mến mạnh mẽ đối với Giáo Hội. Ngài đặc biệt chăm chú đến những cảm thức về Thánh Thể của Giáo hội, và nghiêm túc chấp hành những quy luật phụng vụ liên quan đến bí tích Thánh Thể và Thánh lễ. Từ sau công đồng Vatican II, toàn thể Giáo hội được mời gọi để canh tân phương thế hiểu và sống Thánh Thể. Bám lấy các hình thức cũ, hoặc chỉ chăm chăm một khía cạnh nào đó của Mầu nhiệmThánh Thể thôi đều là thiếu sót trong việc “xem xét Mầu nhiệm Thánh Thể trong tổng thể của bí tích này”, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo các tu sĩ SSS chúng ta trong Tổng Tu nghị lần 31. Việc cử hành lễ tưởng niệm Chúa chính là trung tâm của đời sống Giáo hội. Đây là cơ sở cho sự hiểu biết về đời sống Kitô hữu và ơn gọi của chúng ta, và đó là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện và sứ vụ của chúng ta.

8] Cha Eymard được coi là một vị thánh ngay trong lúc sinh tiền. Sự cống hiến, nhiệt tình và lòng bác ái mục vụ của ngài là điều hiển nhiên mà ai nấy đều thấy rõ. Phải nói thật là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà bất cứ ai cũng có thể tuyên bố chính là chứng tá cuộc đời của họ. Điều này ngụ ý rằng chúng ta không thể đơn giản chỉ thỏa mãn với chuyện cố gắng làm mọi điều cho thật tốt và đúng đắn. Ở đây, chúng ta không thể bỏ qua tác động truyền giáo/ tác động loan báo Tin Mừng – hoặc thiếu đi phương diện này, tức (1) cách thức chúng ta cử hành Thánh Thể và cầu nguyện trước Mình Thánh được trưng bày như thế nào; (2) cách thức làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng đến với và gần gũi với những người hàng xóm láng giềng và người xa lạ như thế nào; (3) cách thức chúng ta sống như thế nào một nền linh đạo phát xuất từ niềm xác tín sâu xa về quyền năng của Thánh Thể đối với sự canh tân Hội Thánh và xã hội; (4) lòng nhiệt thành cao độ trong việc công bố những kinh nghiệm con người của ta có thể được hiểu như thế nào trong ánh sáng của Mầu nhiệm vượt qua, là nguồn mạch, nuôi dưỡng, và chóp đỉnh của đời sống Giáo hội.

9] Hòn đá tảng hay điểm then chốt trong linh đạo của thánh Eymard là điều mà ngài gọi là “quà tặng bản thân/ hiến thân “(gift of self). Y như Chúa Cha đã ban cho chúng ta tất cả mọi sự khi trao ban Người Con Duy Nhất của Ngài cho chúng ta, còn Chúa Giêsu thì đã tự hiến hoàn toàn trên thập tự và trong Thánh Thể vì chúng ta. Bởi thế, cuộc đời của Ki-tô hữu phải trở nên một sự hiến dâng trọn vẹn chính mình cho Chúa Ki-tô. Cha Eymard dạy rằng trên hết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Các linh mục và tu sĩ không cư xử hay được cư xử như những thành phần ưu tú trong Giáo hội. Tất cả đều được gọi để phục vụ. Các giáo xứ của chúng ta nên trở thành nơi tập hợp các môn đệ. Đó là các môn đệ bừng cháy lên bởi cùng một Chúa Thánh Linh, Đấng đã dẫn dắt Chúa Ki-tô đến chỗ hiến ban sự sống của Ngài cho thế gian. Đó là các môn đệ đang được biến đổi từng ngày nhờ những hạt giống phục sinh đã được Chúa Ki-tô gieo vào trong xác thịt hư nát của chúng ta.

10] Toàn bộ cuộc đời của cha Eymard là một hành trình đức tin. Cha dũng cảm di chuyển từ bậc sống này đến bậc sống khác mà thường xuyên, cá nhân ngài đã phải trả giá đắt với những đau khổ đi kèm đang khi luôn luôn tìm kiếm ý muốn đáng tin cậy của Thiên Chúa. Ngay cả lúc tình trạng sức khỏe tồi tệ nhất, thật hiếm hoi để có thể ngăn cản ngài thắp sáng ngọn lửa của lòng sùng kính Thánh Thể ra khắp các nhà thờ của Pháp và Bỉ. Đối với cha Eymard, giá phải trả của người môn đệ thật cao; trong thực tế, ngài phải trả giá bằng chính cả cuộc sống mình. Cái chết của cha xảy ra trước khi ngài hoàn tất nhiệm vụ của vị sáng lập dòng. Ngài đã đưa ra dự án thánh thiêng của mình song phải được để lại cho những người khác hoàn thành. Cái chết sắp xảy ra của cha Eymard dường như ít quan trọng hơn sự trung thành của ngài đối với sứ mệnh của mình: đó là công bố sự giàu có phong phú của Mầu nhiệm vượt qua vì sự sống thế gian.

Cũng giống như đời cha thánh Eymard là một cuộc sống được mô phỏng và thúc đẩy bởi ý thức sâu sắc về sức mạnh biến đổi của Mầu nhiệm vượt qua, vì vậy, hành trình dương thế của chúng ta phải được đóng dấu bởi Thánh Thể: là “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống của Hội thánh.” Ước gì Thánh Eymard truyền cảm hứng cho chúng ta để làm sâu sắc hơn nữa sự trân quý của chúng ta đối với Mầu nhiệm Thánh Thể, và ước chi chúng ta nhận lãnh được ân sủng của lòng trung tín với sứ mệnh của chúng ta trong Giáo Hội và giữa lòng thế giới.

Lm. Norman B. Pelletier, sss.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss. biên dịch