LỄ TRO

Bài 1

 Ge 2,12-18; Mt 6,1-6.16-18
Chủ đề: Chay tịnh đích thực là SÁM HỐI, trở về cùng CHÚA.

* Ge 2,12: Hãy hết lòng trở về với Ta. Hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van.

* Mt 6,17-18: Khi ăn chay, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm. Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Hôm nay là thứ TƯ LỄ TRO. Mỗi tín hữu cùng với Giáo Hội bước vào MÙA CHAY. MÙA CHAY là cách dịch ra tiếng Việt từ tiếng La Tinh QUADRAGESIMA, dịch sát nghĩa là MÙA BỐN MƯƠI. Đây là khoảng thời gian Giáo Hội dùng cho mình và cho con cái Giáo Hội chuẩn bị cử hành Mầu Nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Theo truyền thống, bốn mươi ngày Mùa Chay tượng trưng cuộc hành trình bốn mươi năm của dân Israel vượt sa mạc đi về Đất Hứa và tương ứng với bốn mươi ngày Chúa Giêsu giữ chay trong sa mạc. Điểm thực hành biểu lộ rõ nhất trong Mùa Chay là CHAY TỊNH.

Chay tịnh là một hình thức sám hối thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ cuộc Thương Khó của Đức Giêsu bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng các nhu cầu khác. Và một khi đã hạn chế những nhu cầu đó thì chúng ta có nhiều thời giờ hơn, phương tiện hơn … để cầu nguyện, để nghĩ đến tha nhân, để chia sẻ…

Vậy chay tịnh là những cách thức thể hiện ra bên ngoài, những hình thức cụ thể để diễn tả một thái độ, một chọn lựa nội tâm: tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và nhất là muốn trở nên giống Người trên lộ trình thập giá trong xác tín là sẽ được cùng phục sinh với Người. Và cần lưu ý: 

Cuộc chay tịnh Mùa Chay không là cuộc chay tịnh mang tính cá nhân chủ nghĩa, mà là cuộc CHAY TỊNH CỘNG ĐOÀN: Toàn thể Giáo Hội, mọi thành phần, cá nhân đều được mời sống chay tịnh Mùa Chay theo những qui chế đã được Giáo Hội ấn định và cùng nhắm tới một mục đích chung cho toàn thế giới đó là đạt tới vinh quang phục sinh ngang qua thập giá.

Theo truyền thống Kinh Thánh, những lần dân Chúa được mời gọi chay tịnh tập thể toàn dân là nhằm mục đích:

  • Chuẩn bị gặp Chúa, đón nhận Thánh Ý Người (x.Xh 19,10.15)

  • Tìm kiếm ý Chúa, lấy những quyết định trọng đại (x.Et 4,16)

  • Cầu xin Chúa thứ tha can thiệp giải cứu dân (x.Gđt 4,9-15).

Trong tinh thần đó, Mùa Chay là một cơ chế do Giáo Hội lập ra mời gọi toàn dân Chúa trên khắp địa cầu ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ cùng nhau chay tịnh trong một thời gian quy định để chuẩn bị CÙNG NHAU gặp Chúa, đón nhận Thánh Ý và ơn thứ tha hồi phục Chúa sẽ trao ban qua Thập Giá và Phục Sinh.

Lời Chúa của Thứ Tư Lễ Tro diễn đạt các ý trên của Mùa Chay:

Bài đọc một nhấn mạnh đến TÍNH CỘNG ĐOÀN của việc chay tịnh: ĐỨC CHÚA ra lệnh cho TOÀN DÂN đồng loạt giữ chay, cùng nhau biểu lộ ra bên ngoài bằng ăn chay, khóc lóc, thống thiết nài van; Tiết chế các niềm vui “Tân lang hãy rời khỏi loan phòng, Tân Nương hãy rời bỏ phòng khuê”. Những biểu lộ bên ngoài ấy phải là hoa trái của lòng sám hối chân thật: “HÃY XÉ LÒNG”; “Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA …”.

Tính cộng đoàn được diễn tả qua các lệnh: “Hãy rúc tù và tại Xion…Hãy công bố mở cuộc họp…hãy tụ tập chúng dân…Triệu tập, tụ họp mọi thành phần dân Chúa”. Tất cả là nhằm để được Chúa xót thương, giải cứu.

Và để định hướng cho các việc làm cụ thể trong Mùa Chay, Tin Mừng thứ Tư lễ Tro sử dụng một trích đoạn trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI nói về cách thực hành ba việc đạo đức truyền thống Do Thái giáo:

  • Bố thí nhằm thiết lập lại tương quan trợ lực hòa hợp giúp nhau trong công trình sáng tạo.

  • Cầu nguyện nối kết lại tương quan thân tình với Thiên Chúa.

  • Ăn chay nhằm làm chủ bản thân.

Điểm nhấn mạnh của Tin Mừng là mọi việc làm trên đều qui về CHA là cùng đích tối hậu. Làm mọi việc chỉ cần CHA biết rồi sau đó là phó thác tất cả cho lòng nhân ái của CHA.

Tóm lại, tất cả mọi hoạt động chay tịnh bên ngoài phải phát xuất từ động lực tái lập lại mối tương giao với tha nhân, với Chúa và với bản thân. Mùa Chay sẽ là khúc dạo đầu để đưa tới khúc hòa tấu hồi phục hạnh phúc Địa Đàng và còn hơn nữa, những nỗ lực, cố gắng trong Mùa Chay còn là những bậc thang, từng bước một đưa ta vào vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, được người thông phần thiên tính trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Thiên Chúa sẽ thực hiện cuộc biến đổi thăng hoa kỳ diệu này.

 

Bài 2

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy; Bằng không anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng Ngự Trên Trời ban thưởng” (Mt 6,1).

Mùa chay bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro.
Công thức xức tro nhắc nhở một thực tại buồn của thân phận con người tội lỗi:
Người là tro bụi hãy trở về cùng bụi tro.
Đồng thời cũng đưa ra một phương thế giúp khắc phục hậu quả trên:
Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Lời Chúa trong Lễ Tro cũng gợi ra vài phương thức cụ thể giúp con người thực hiện được việc khắc phục nói trên: cầu nguyện, ăn chay, bố thí. Thoạt nhìn, đây là ba việc đạo đức của Do Thái giáo; Nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa thì đây là ba lời mời mêtanoia, đổi mới ba mối tương giao, từng bước giúp con người hồi phục lại tình trạng hài hòa của công trình sáng tạo.

I. Các tương quan nền tảng trong công trình sáng tạo

Thiên Chúa tạo nên vạn vật và muốn tất cả được hạnh phúc. Hạnh phúc ấy được Kinh Thánh diễn tả bằng những mối tương quan hài hòa đã được Thiên Chúa đặt để trong các thọ tạo của Người.

Riêng con người, được Thiên Chúa ưu ái, dựng nên giống hình ảnh Chúa, có tự do nên – khác với các thọ tạo khác – con người có quyền thuận theo hay chống lại các mối tương giao Chúa đã đặt ra. Tiếc thay con người đã lạm dụng tự do làm phá vỡ sự hài hòa của các tương giao trên. 

Ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở ba tương quan mà Tin Mừng trong Thứ Tư Lễ Tro có đề cập đến.

1. Với Thiên Chúa: con người là thọ tạo của Thiên Chúa, được Thiên Chúa dựng nên là hình ảnh của Chúa, được chúc phúc, được trao quyền bá chủ (St 1); được hơi thở của Thiên Chúa linh hoạt, đươc Thiên Chúa quan phòng lo lắng cho từng chút (St 2).

Tuy nhiên con người phải luôn ý thức và tôn trọng thực tại này: mình là THỌ TẠO của Thiên Chúa, không được phá vỡ tương quan này: CÂY TRÁI CẤM. 

2. Với tha nhân: mọi người đều bình đẳng, được Thiên Chúa dựng nên CHO nhau, để là LOÀI TRỢ TÁ TƯƠNG XỨNG của nhau, là XƯƠNG THỊT của nhau. Con người chỉ thật sự hạnh phúc khi có được tình người. Mọi giá trị khác của trần thế không thể thay thế được.

3. Với bản thân: đơn sơ đón nhận tình yêu sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa, con người sống trong hạnh phúc viên mãn, bằng lòng với kiếp người đã được Chúa ân ban: trần truồng mà không xấu hổ; được cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo qua lao động, sinh con cái trong hạnh phúc, được trường sinh …

Tóm: mọi sự đều hài hòa tốt đẹp khi con người sử dụng tự do cách đúng đắn đáp trả lại trong tuân phục tình yêu sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa.

II. Sa ngã

  1. Dự tính của Thiên Chúa:

Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa nhắc nhở con người phải luôn nhớ kỹ rằng con người là thọ tạo của Thiên Chúa, không thể lấy mình làm chuẩn mực để xét đoán, đánh giá tốt xấu: CÂY BIẾT THIỆN ÁC.

Nhưng trong dự tính chung cuộc của Thiên Chúa, theo cách thức của Người, Người sẽ đưa con người vào quỹ đạo thần linh, vượt thoát mọi giới hạn để được làm con Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Kitô.

2. Âm mưu phá hoại của ma quỷ:

Chương trình của Thiên Chúa đối với con người bị ma quỷ chen vào phá hoại bằng cách đánh lừa dụ con người đi trệch ra khỏi đường lối của Thiên Chúa:

  • Nó tách con người ra khỏi nhau, đưa một mình Người Nữ vào cuộc đối thoại xuyên tạc của nó, ngay gốc cây Trái Cấm.

  • Gieo nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa (St 3,4-5).

  • Sau đó nó để Người Nữ một mình với những khát vọng đã bị lời xuyên tạc của nó làm lệch đi.

    3. Đáp trả của con người:

Thực ra, Rắn không xúi con người ăn trái cấm … Chính Người Nữ, sau khi đối thoại với Rắn đã tự mình ngụy biện lừa dối bản thân rồi tự ý hái ăn (St 3,6). Adam có mặt ở đó không có hành động nào trợ giúp vợ khi Người Nữ trả lời không trung thực lệnh truyền của Thiên Chúa (so sánh St 2,17 với St 3,3b) và khi Người Nữ nhìn trái cấm, ngụy biện theo khát vọng của mình và hái ăn; Nhất là còn đồng lõa ăn trái mà Người Nữ đưa cho.

4. Hậu quả:

Mọi tương quan đều gãy đổ: – Với bản thân: con người bị biến chất, hủ hóa: thay vì là “trợ tá tương xứng”, con người thành kẻ cám dỗ nhau; Thấy mình trần truồng thì xấu hổ; Mất tinh thần trách nhiệm … đưa tới đổ vỡ tương quan với tha nhân: đổ lỗi cho nhau; “xương tôi, thịt tôi” trở thành kẻ cám dỗ, thống trị, chiếm đoạt, gây khổ cho tôi. Với Thiên Chúa, con người sợ hãi, trốn tránh, nói dối, đổ lỗi cho Thiên Chúa. Sự hủy diệt là không tránh khỏi. May thay Thiên Chúa can thiệp giúp khắc phục:

III. Khắc phục hậu quả:

Thiên Chúa giúp khắc phục bằng lời hứa: từ nhân loại sẽ xuất hiện Đấng đạp đầu Rắn. (St 3,15). Tuy nhiên để ơn khắc phục sinh trái tốt cho nhân loại, phần con người phải biết được nguyên do nào khiến mình sa ngã.

  1. Nguyên nhân sa ngã:

  • Trong tương quan với bản thân: thiếu ý thức về phận người của mình; bị dục vọng lôi cuốn mà không ý thức nên đã lân la đến gần cây trái cấm, rồi bị dẫn vào cuộc đối thoại xuyên tạc ý định của Thiên Chúa đến độ quên mất mình là ai để rồi ngụy biện loại Thiên Chúa ra khỏi chọn lựa của mình.

  • Với cộng đoàn: cả hai ông bà đều đánh mất căn tính cộng đoàn của mình: “con người sống một mình không tốt”. Dù có bên cạnh, Adam vẫn để Người Nữ đơn phương đối đầu với Rắn. Sau đó hai người thành kẻ đối đầu nhau: Người Nữ trở thành cánh tay nối dài của Rắn, quật ngã Ađam.

  • Với Thiên Chúa: trong trình thuật sa ngã, Thiên Chúa như VẮNG BÓNG trong tâm trí hai người và Lời Chúa cũng không còn được ghi nhớ trung thực. Do đó con người đã chọn theo lời Rắn hơn theo lệnh của Thiên Chúa. Điều này hàm ý con người không tin vào Chúa nữa, nghi ngờ đường lối yêu thương của Người dẫn đến chỗ muốn tự mình độc lập, loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

    2. Khắc phục:

Để khắc phục, Thiên Chúa hứa ban “Đấng đạp đầu Rắn”. Đó là Đức Giêsu. Lời Người dạy được Giáo Hội lưu truyền đến cho ta chính là phương thế tuyệt vời khắc phục mọi hậu quả và phục hồi nhân loại. Những nét chính được tóm kết trong phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro:

  • Với bản thân: phải ý thức rõ mình là ai: người là tro bụi sẽ trở về cùng bụi tro. Tự mình không thể làm chuẩn mực cho mình và cho người khác. Từ đó phải sám hối, thay đổi não trạng theo chuẩn mực TIN MỪNG: sám hối và tin vào Tin Mừng.

Cụ thể là đổi mới bản thân, làm chủ con người mình được Giáo Hội đề nghị qua một việc làm tiêu biểu: ĂN CHAY.

  • Với tha nhân: Mùa Chay mời ta BỐ THÍ. Ý nghĩa tổng quát là mời đổi mới tương quan với tha nhân: khôi phục lại vai trò “người trợ tá tương xứng” của những người ta tiếp xúc. Trả lại cho tha nhân những gì lẽ ra là thuộc về họ, họ đáng được hưởng, nỗ lực tái lập công bình … trên mọi lãnh vực: danh dự, thời giờ, công việc, năng lực, của cải, quyền lợi …

  • Với Thiên Chúa: việc cụ thể được đề nghị là CẦU NGUYỆN, nghĩa là thường xuyên gặp gỡ, luôn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Tập lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa giúp nhận ra con người thật của mình, không ngụy biện trốn chạy trước những chất vấn của Lời Chúa.

Tóm lại: tái thiết, điều chỉnh lại các tương quan dưới ánh sáng của Tin Mừng. Nói cách khác là SÁM HỐI, METANOIA và tin vào Tin Mừng.

Frère Pierre Đình Long FSC