LỄ THÁNH GIA THẤT – năm C

Bài 1

1Sm 1,20-22.24-28; Lc 2,41-52

Chủ đề: con cái là hồng ân của Chúa, thuộc về Thiên Chúa.
Nên bổn phận đối với Thiên Chúa phải là ưu tiên số một.

* 1Sm 1,27.28: ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi đứa trẻ này. Đến lượt tôi, tôi xin nhường nó lại cho Thiên Chúa mọi ngày đời nó.

* Lc 2,49: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là Con có bổn phận ở nhà Cha con sao?

Hôm nay Hội Thánh mừng lễ THÁNH GIA THẤT! Đối tượng mà lễ mừng nhắm tới là một cộng đoàn: cộng đoàn nền tảng của xã hội nhân loại: GIA ĐÌNH.

Trong ý định từ muôn đời của Thiên Chúa, gia đình là cái nôi, là nền tảng để cộng đồng nhân loại được sinh ra, tồn tại và phát triển. Gia đình trở thành mái ấm, chốn an bình, nguồn hạnh phúc cho con người. Và mặc dù do sa ngã, con người bị sống trong tình trạng xa cách Thiên Chúa, nhưng “sống thành gia đình” vẫn là một cái gì linh thiêng thâm sâu vào bản chất của con người. Hình thức có thể đổi thay, cơ chế gia đình có thể lỏng lẻo hoặc chặt chẽ, ý nghĩa linh thiêng của hôn nhân có thể bị suy yếu, bị che mờ đi… thì việc nam nữ sống thành gia đình vẫn tồn tại, được xã hội nhân loại nhìn nhận.

Con người có thể đánh mất đi tính linh thánh hoặc quên đi cội nguồn thần linh của hôn nhân, chỉ xem hôn nhân như một cơ chế xã hội… thì PHẦN CỦA THIÊN CHÚA: Người nhất quyết theo đuổi dự tính từ nguyên thủy của Người: gia đình nhân loại chính là nền tảng để Chúa thực thi ơn cứu độ, hoàn thành công cuộc sáng tạo; Do đó Thiên Chúa sẽ hồi phục giá trị nhân bản, lẫn thiêng liêng, giá trị thần linh của hôn nhân, của đời sống gia đình.

Từng bước một, Thiên Chúa chuẩn bị cho công cuộc của Người: khi đến thời buổi cho Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã đến gặp một đôi nam nữ thật lòng yêu thương nhau, đã đính ước hôn nhân với nhau. Họ đã thực sự là một gia đình trước pháp luật và trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn đôi hôn phối này sống ơn gọi gia đình theo một cách thức đặc biệt để qua họ, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa “dòng dõi NGƯỜI NỮ sẽ đạp đầu Rắn” (x. St 3,15). Yếu tố nối kết cặp hôn nhân này không còn là sự cuốn hút do phái tính, mà là THÁNH Ý CHÚA CHA. Hai đấng đã để “Thiên Chúa thực hiện nơi mình điều Thiên Chúa muốn” (x. Lc 1,38b). Và gia đình ấy trở thành THÁNH GIA THẤT: một gia đình đã dâng tất cả những gì mình có cho Thiên Chúa, cộng tác với Chúa cho “Ngôi lời nhập thể và vĩnh viễn ở lại trong gia đình ấy. Tình người đã trở nên mái ấm cưu mang tình Chúa.

Về mặt niên lịch phụng vụ, lễ này được Đức Giáo Hoàng Lêon XIII (1873 – 1903) thiết lập và được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV phổ biến cho toàn thể Giáo Hội vào năm 1921. Ban đầu lễ Thánh Gia được cử hành vào Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh. Trước Vatican II, lễ Hiển Linh được mừng vào ngày 6 tháng 1 với tuần bát nhật, kết thúc vào 13 tháng 1 bằng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Do đó năm nào 6 tháng 1 rơi vào Chúa Nhật thì Chúa Nhật lễ Thánh Gia sẽ trùng vào 13 tháng 1 dẫm chân lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, nên phụng vụ ấn định lại ngày mừng lễ Thánh Gia vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh như ngày nay. Nhưng nếu Giáng Sinh 25 tháng 12 rơi vào Chúa Nhật thì lễ Thánh Gia, theo quy chế phụng vụ là lễ kính, lại trùng vào 1 tháng 1 là lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ trọng nên lễ Thánh Gia lại phải dời vào thứ sáu trước hoặc thức hai sau đại lễ Mẹ Thiên Chúa 1 tháng 1.

Điểm chính mà phụng vụ Lời Chúa lễ Thánh Gia năm C nhắm tới là BẬC THANG GIÁ TRỊ TRONG TƯƠNG QUAN GIỮA “CHA MẸ” – “CON CÁI” – “THIÊN CHÚA”. Con cái là hồng ân Chúa ban, do đó, trước khi thuộc về cha mẹ thì con cái là của Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bậc cha mẹ hãy ý thức điều đó để rồi quảng đại sẵn sàng dâng lại con mình cho Thiên Chúa, tôn trọng và thờ lạy Thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc đời chúng, giúp chúng tìm ra và nâng đỡ khích lệ chúng đi theo đường Chúa muốn cho chúng.

Bài đọc 1 là tâm tình biết ơn và hành vi tạ ơn cụ thể bà Anna đối với Thiên Chúa trước ân huệ quá lớn lao được Chúa nhận lời ban cho mụn con trai là Samuel trong lúc tuổi già, son sẻ. Giữ đúng lời hứa với Chúa khi cầu tự nên khi Samuel vừa dứt sữa thì bà đem con lên Đền Thờ dâng lại cho Thiên Chúa với tất cả tấm lòng tri ân, thờ phượng.

Tin Mừng thuật lại sự cố năm Đức Giêsu 12 tuổi, lên Đền Thờ cùng cha mẹ dự lễ Vượt Qua, rồi sau dịp lễ lại ở lại Đền Thờ không báo cho cha mẹ biết, khiến hai đấng phải khổ công tìm kiếm suốt ba ngày. Khi gặp lại Đức Giêsu trong Đền Thờ, Đức Mẹ phiền trách: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực nhọc tìm con!”. Đức Giêsu đáp thật bất ngờ: “sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Trọng tâm của Tin Mừng nằm ở câu đáp lạ thường và thái độ thinh lặng của Maria và Giuse. Trong chủ đề lễ Thánh Gia năm C, sứ điệp của Tin Mừng khá rõ: bổn phận đối với Thiên Chúa là trên hết, cha mẹ phải tuân phục ý Chúa trên cuộc đời của con cái mình. Chính việc nhận ra và tôn thờ Thán Ý Chúa trên gia đình mình mới là cội nguồn của hạnh phúc đích thực của mọi gia đình. Xin thánh gia thất phù hộ cho mọi gia đình đủ can đảm dám để cho Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Chúa trên toàn thể gia đình và trên từng thành viên của gia đình mình.

Bài 2

Mừng lễ Vượt Qua… cả gia đình cùng lên Đền… Xong kỳ lễ (c.41.42) … Người… cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các ngài (c.51).

Giáo Hội hôm nay mừng kính Lễ Thánh Gia Thất. Đối tượng mừng kính không là một cá nhân mà là một cơ chế, một cộng đoàn. Đó là nền tảng là cái nôi của sự hiện hữu và tồn tại, phát triển của nhân loại. Cá nhân con người không thể tự mình sinh ra và tự mình đơn độc lớn lên thành người được: phải nhờ gia đình và xã hội, mà nền tảng là gia đình.

Trong bài suy niệm về Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta đã khám phá ra lại tầm quan trọng của gia đình trong dự tính sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Thật vậy trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa muốn dựng nên “adam” (danh từ chung trong tiếng Hipri) = “anthropov” (tiếng Hi Lạp LXX: St 1,26) = “con người” = “nhân loại”. Như vậy trong dự tính của Thiên Chúa là chỉ có một nhân loại. Nhưng qua St 1,27 thì cái nhân loại duy nhất đó (theo hình ảnh Thiên Chúa, Người đã dựng nên nó. Nó = anthropos Số 17) lại xuất hiện cụ thể là một cộng đoàn “là nam là nữ Người đã dựng nên CHÚNG”, được Chúa dựng nên cùng một lúc, bình đẳng với nhau trước Thiên Chúa: tất cả hai là “hình ảnh Thiên Chúa”; trước nhau: cả hai đều là “người” (adam); và trước vũ trụ: cùng nhau được Chúa trao cho một sứ vụ “bá chủ vũ trụ”. Đó chính là “hình ảnh của Thiên Chúa” (Thiên Chúa chỉ có một “Chúa” = bản tính, nhưng gồm ba ngôi vị Cha – Con – Thánh Thần khác nhau, bình đẳng).

Thiên Chúa là tự hữu, là cội nguồn sự sống, là cội nguồn hạnh phúc; Con người là “hình ảnh Thiên Chúa” do đó không tự mình mà có, nhưng một khi liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa thì con người cũng được thông phần tất cả sự sống, hạnh phúc của Thiên Chúa và có thể thông chia sự sống, hạnh phúc đó cho hậu duệ của mình.

Tiếc thay, nhân loại đó bị rơi vào cơn cám dỗ muốn từ bỏ bản tính “người” là “hình ảnh Thiên Chúa” của mình, đòi làm Thiên Chúa (“Chúa” là bản tính của Thiên Chúa) nên mạch sống từ Thiên Chúa đến con người bị ứ trệ lại tạo nên bao khốn khổ, đưa đến cái chết cho con người…

Và trong vấn đề sa ngã: tính cộng đoàn của “tội” cũng nổi bật lên: chỉ khi “người nam” đồng lõa “ăn trái cấm” do “người nữ” trao cho thì lúc đó bộ mặt hung tàn của sự dữ mới xuất hiện. Tuy nhiên khi cá nhân phạm tội thì bản chất của người ấy bị biển đổi, trở thành kẻ “nằm vùng” phá hủy dây liên kết cộng đoàn, thành kẻ “cám dỗ”, cánh tay nối dài của “Rắn” phá hủy gia đình mình.

May thay Thiên Chúa đã can thiệp: Chúa hứa hồi phục NHÂN LOẠI: thay vì phạt nhân loại phải chết ngay đúng như lệnh truyền St 2,17, thì Thiên Chúa vẫn duy trì cái “gène” sự sống là “hình ảnh của Thiên Chúa”, là “hơi thở của Thiên Chúa” (x. St 2,7) nơi con người để từ đó, nơi dòng dõi con người (cộng đoàn chứ không chỉ duy từ một cá nhân) sẽ xuất hiện Đấng Đạp Đầu Rắn (x. St 3,15).

Và Thiên Chúa đã trung tín đến cùng: cho dầu từng cá nhân của nhân loại ai cũng phải chết (đúng như lời ngăm đe St 2,17) nhưng Thiên Chúa vẫn duy trì và làm lớn dần lên trong cộng đoàn nhân loại phải chết đó cái “gène thần linh” di truyền, cái AND “hình ảnh Thiên Chúa” ngày càng trở thành “gène trội” cho tới khi Đức Maria, rồi Đức Giêsu xuất hiện tạo nên một nhân loại mới (thật ra là nhân loại cũ) với “hình ảnh Thiên Chúa” nơi nhân loại đó được hồi phục trọn vẹn: con người là con Thiên Chúa; “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9); “Ai đón tiếp “anh em” (trong Lc 9,51 là “em nhỏ này…”) là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

Để thực hiện công trình hồi phục tuyệt vời ấy, Chúa luôn khởi sự lại với một cộng đoàn, một gia đình như là những cắm chặng chính yếu của lịch sử cứu độ: gia đình Nôê; Abram; Thamar và Giuđa; Rakhap và Salmon; Rut và Bôat; Vợ Urigia và Đavit và chóp đỉnh là Maria và Giuse (x. Mt 1,1-17).

Như vậy chính trên nền tảng cộng đoàn (mà cộng đoàn cơ bản là gia đình) mà Thiên Chúa đã tạo dựng, hồi phục nhân loại. Nhìn lại những gì mà Lc 1-2 và Mt 1-2 ghi lại về gia đình Maria và Giuse, ta thấy điều lạ lùng mà Chúa muốn nơi hai Đấng đồng trinh là họ phải sống với nhau thành một gia đình chính thức, hợp luật trước mặt Thiên Chúa, xã hội lẫn tôn giáo, lẫn lề luật của dân tộc mình. Chúa “đợi” hai Đấng phải đính hôn với nhau rồi, thành một gia đình rồi thì Người mới sai sứ thần đến truyền tin cho Maria. Mặc dù Maria thụ thai không do ý định của người nam, nhưng rõ ràng Chúa muốn Đức Giêsu phải là con trong một gia đình hợp theo ý Chúa, hợp với Luật, được tập tục con người nhìn nhận và nhất là các thành viên trong gia đình phải thực sự yêu thương, đón nhận nhau với tất cả sự chọn lựa ý thức, trưởng thành của một ngôi vị tự do.

Tuy nhiên cũng theo Kinh Thánh, gia đình trước tiên là một ân huệ của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa thấy “con người ở một mình không tốt”, nên mới dựng nên người nữ, đem đến cho người nam, làm “ông mai” kết họ thành đôi (St 2,18-25); Rồi việc sinh con cũng là ý định của Thiên Chúa, là sự chúc lành của Người (St 1,28). Tất cả đều là hồng ân, do đó, trước khi thuộc về cha mẹ, con cái là hồng ân Thiên Chúa ban tặng, là của Thiên Chúa.

Thánh gia thất: Giêsu, Maria, Giuse là hoa trái tuyệt vời nhất của công trình sáng tạo, phục hồi của Thiên Chúa. “Người cha” và “người mẹ” của gia đình này đã được Thiên Chúa thanh luyện (xem hai cuộc truyền tin Mt 1,18-25 và Lc 1,26-38) để thay mặt toàn thể nhân loại đón nhận mầm sống thần linh cho nhân tính và cho vũ trụ. Từ nay, từ Thánh gia thất này, gia đình nhân loại đều có thể, và phải, trở thành môi trường thuận lợi nhất đón nhận sự sống thần linh, các “hình ảnh Thiên Chúa” đến trần gian và lớn lên.

Mừng lễ Thánh gia Thất, trước tiên chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại một gia đình mẫu, qua đó Con Thiên Chúa đã đảm nhận trọn vẹn nhân tính của loài người và cho loài người được thông phần thiên tính với Người. Tiếp đến chúng ta nài xin Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta, gia đình chúng ta dám để Thiên Chúa thanh luyện như Chúa đã làm nơi Maria và Giuse để gia đình công giáo của chúng ta trở thành môi trường tốt đẹp lưu truyền sức sống thần linh của Chúa cho mọi người mọi gia đình.

Để làm được điều kỳ diệu đó, Lời Chúa đề nghị chúng ta suy ngắm và noi gương một vài điểm trong cuộc sống của Thánh Gia. Vài suy niệm trên giúp ta nhận ra rằng gia đình là một hồng ân của Chúa; Mỗi thành viên trong gia đình đều là một nhân vị độc đáo, được Thiên Chúa yêu thương và trao cho một sứ mạng, một vị trí độc đáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người vừa là thành viên của gia đình, vừa là quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhau để giúp nhau chu toàn ơn gọi của gia đình và của từng người. Chính vì vậy Lời Chúa hôm nay đề nghị gia đình phải có một bậc thang giá trị giữa cha – mẹ – con cái trong tương quan với Thiên Chúa. Trước khi thuộc về cha mẹ, con cái là hồng ân Thiên Chúa ban tặng, một nhân vị được Chúa mời gia đình sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ theo ý Chúa. Cụ thể Lời Chúa hôm nay mời gọi bậc làm cha mẹ hãy ý thức điều đó để rồi quảng đại sẵn sàng dâng lại con cái mình cho Thiên Chúa, tôn trọng thờ lạy Thánh Ý Thiên Chúa nơi chúng và giúp chúng đi theo đường lối đó.

BÀI ĐỌC I: 1Sm 1,20-22.24-28

Đây là phần mở đầu của Sách Samuen, nói về thời thơ ấu của cậu bé mang tên Samuel: – việc cậu chào đời; – việc cậu được dâng cho Thiên Chúa ngay lúc còn thơ; – ơn gọi và sứ mạng đầu tiên của cậu.

Cha cậu tên Encana có hai vợ: Anna là mẹ của cậu và Pơninna. Mẹ cậu son sẻ, trong khi bà kia sinh được nhiều con, nên thường bị đối thủ lấy cái bất hạnh không có con để hạ nhục Anna. Bà này khổ đau, lên Đền Thờ bày tỏ nỗi niềm cùng Thiên Chúa và Người đã đoái thương ban cho bà một đứa con trai là cậu Samuel. Trước hồng ân tuyệt vời này, bà đã đoan hứa dâng lại đứa con yêu này, ngay sau khi dứt sữa, cho Thiên Chúa suốt đời.

Bài đọc 1 là một đoạn trích từ câu chuyện trên gồm hai phần:

1/ nói thoáng qua việc Samuel chào đời và quyết định dâng con của Anna.
2/ thuật lại chi tiết hơn việc bà thực hiện quyết tâm của mình tại nhà Yavê ở Silô.

1/ Hồng ân đặc biệt Chúa ban cho Anna (c.20):

*Được thụ thai, sinh con và đặt tên cho con:

– có được đứa con là do Chúa đoái thương ban cho (1Sm 1,11a so với St 30,22).

– thường tình việc đặt tên con là quyền của người cha (St 5,3; 16,15; 21,3; 38,3-5; 41,51-52; Xh 3,22; 2Sm 12,24…)

– nhưng trong một số trường hợp đặc biệt thì quyền đặt tên cho con lại được trao cho người mẹ – Đó là những trường hợp: 

  • Hiếm muộn mà được ơn sinh con (St 30,1-2,24; Tl 13,2.24…)

  • Khi chồng có nhiều vợ: việc có con đã là hồng ân, giờ lại còn được quyền đặt tên cho con, hàm ý rằng người mẹ ấy có ưu thế trong nhà chồng. Như trong trường hợp Giacob: 12 con của ông đều do Lêa và Rakhel đặt tên.

Tình trạng Bà Anna đúng cho hai trường hợp trên. Và đặc biệt trong trường hợp của Anna, đứa con đó như là lời đáp trả của Thiên Chúa trước lời van xin khẩn thiết kèm theo lời khấn hứa của bà. Do đó bà có quyền lớn trên con người Samuel mà chồng bà phải tôn trọng để bà có thể thực hiện điều đã đoan hứa với Yavê (1Sm 1,23). Như vậy trong trường hợp này, quyền ưu tiên trên đứa con là thuộc về Thiên Chúa.

*Tên con trẻ là SAMUEL

Lý do đặt tên ấy là vì Anna đã XIN và ĐƯỢC CHO (1,20b).

Bản văn cố gắng giải thích ý nghĩa của tên “Samuel” theo khấn xin của Anna trong câu 11. Tuy nhiên trong thực tế về mặt ngữ văn, từ “Samuel” có nghĩa là “tên của nó là Thiên Chúa” (DEB “Samuel”). Qua việc giải thích ý nghĩa của một từ theo sự kiện hơn là theo tự điển, tác giả bản văn muốn nhấn mạnh rằng Samuel là hồng ân Thiên Chúa ban tặng và Anna đã hoàn toàn ý thức điều đó. Bà muốn nói lên tâm tình tri ân cảm tạ đối với Chúa, hạnh phúc vì được Chúa nhậm lời hơn là nhìn vào mình: thấy mình đã hết tủi nhục, giờ đây có thể “ngẩng cao đầu” với địch thủ… Và bà đã biểu lộ tâm tình tri ân đó bằng cách dâng hết những gì đã lãnh nhận lại cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa hoàn tất công cuộc của Người nơi đứa con của mình.

2/ Tâm nguyện và cách ứng xử của Anna về đứa con của bà (1,21-22)

Theo nhịp phụng vụ, hàng năm gia đình Encana tất cả đều lên Giêrusalem tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng sau khi sinh con, Anna đã nói với chồng bà không lên Giêrusalem thường niên, nhưng bà muốn dành toàn tâm trí, thời giờ để thực hiện điều bà hứa với Thiên Chúa. Encana đồng ý! Dự tính của bà là: 

Đợi khi con dứt sữa: khoảng 2, 3 tuổi (x. 2Mcb 7,27), bà sẽ đưa con lên Silô cùng với lễ vật theo đúng luật khi lời khấn xin được nhận lời (x. Ds 15,8-10); Rồi bà thực hiện lời đã hứa với Chúa. Bà sẽ đưa đứa trẻ ra mắt Yavê, rồi để nó ở lại đó mãi mãi.

Trong Kinh Thánh, những đứa con do người mẹ son sẻ sinh ra thường được Thiên Chúa chọn riêng cho một sứ mạng, chúng có một cuộc sống khác biệt so với những người khác để chuẩn bị cho công cuộc của Chúa sau này:

  • Giuse bị bán sang Ai Cập (St 37); – Samson sống như một “nadir” (là người được dâng hiến cho Thiên Chúa, phải giữ nghiêm ngặt một số điều: không uống rượu, không đụng tới đồ nhơ uế, không cắt tóc…) ngay từ nhỏ (Tl 13,4-5); – Trong Tân Ước, có Gioan sống trong hoang địa. Samuel cũng được Chúa chọn riêng cho công cuộc của Người.

Gia đình chính là cái nôi, nơi Thiên Chúa gieo hạt giống dự tính của Người trong đứa con, để qua đó Chúa từng bước hoàn tất công trình của Chúa. Trong trường hợp của Samuel đây, vai trò của bà mẹ được đề cao: lòng biết ơn, quảng đại của Anna dâng con lại cho Thiên Chúa ngay từ bé đã tạo dịp cho cậu bé ở gần Hòm Bia và từ đó ơn gọi và sứ mạng của cậu được tỏ lộ sớm (x. 1Sm 3,1-14.20).

3/ Thực thi lời đã hứa với Chúa (1,24-28)

Anna đưa Samuel đến với Thầy cả Eli là để cắt nghĩa cho vị tư tế biết tại sao có việc dâng lễ tế và đem một hài nhi lên Đền Thánh (đây là đền thờ ở Silô Vì thời này chưa xây đền Giêrusalem) khi tuổi còn quá nhỏ như vậy.

Cách nay hai hay ba năm, Eli có thấy Anna cầu nguyện với Thiên Chúa nhưng ông không biết nội dung lời cầu xin, ông chỉ chúc lành cho bà được như ý (x. 1Sm 1,17). Giờ đây lời chúc lành đó đã thành sự thật và bà đến thi hành lời đã hứa với Thiên Chúa, nên cần nói rõ nội dung lời bà đã khấn hứa cho Eli, đồng thời nhờ ông giúp bà hoàn tất trọn vẹn lời hứa, hàm ý luôn việc nhận Samuel ở lại trong Nhà Chúa và chịu trách nhiệm hướng dẫn cậu.

Và cuối cùng mọi sự phải tới cùng đích là THỜ LẠY YAVÊ. Điểm đến của mọi hành động, của mọi dự tính, của cả cuộc đời chúng ta – cá nhân hay gia đình – đều phải là nhận ra được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời mình để tri ân, phó thác tất cả cho Người trong tâm tình “thờ lạy Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự đối với mình” (Gioan La San).

TIN MỪNG: Lc 2,41-52

Tin mừng Luca mở đầu bằng hai chương thuật lại cách ngắn gọn thời ẩn dật của Đức Giêsu, từ lúc sinh ra cho tới trước khi xuất hiện công khai thi hành sứ vụ. Có thể chia giai đoạn này làm hai phần chính:

1/ Tin Mừng thời thơ ấu (Lc 1,5 – 2,38) khởi sự bằng hai cuộc truyền tin cho Dacari và cho Maria cho đến lúc sinh hạ rồi dâng Đức Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem. Qua các điển tích trong Kinh Thánh, qua các thể văn truyền thống của Cựu Ước và qua những sắp xếp riêng của mình, Luca giới thiệu cách minh bạch căn tính thần linh và sứ vụ cứu thế của Hài Nhi Giêsu.

Phần này kết thúc với Lc 2,39-40, nói về cuộc sống bình dị của một gia đình đạo đức cư ngụ tại Nadaret: vợ chồng thì chuyên tâm giữ luật Chúa (c.29); Còn cậu con thì ngoan ngoãn, khôn ngoan, lớn lên từng ngày trong ân sủng Chúa (c.30).

2/ Tin Mừng thời niên thiếu (Lc 2,41-50) thuật lại biến cố năm Đức Giêsu lên 12 tuổi. Luca đặt vào miệng cậu thiếu niên Giêsu lời xác nhận căn tính thần linh và sứ mạng thiên sai cứu thế của mình: Người là Con Thiên Chúa và sứ mạng là “ở lại trong Nhà Cha”.

Và phần này cũng kết thúc bằng hai câu Lc 2,51.52 với nội dung gần như giống hệt phần kết của thời thơ ấu.

Nên nhớ: trong Tin Mừng Luca, tất cả các tước hiệu thần linh nói về Đức Giêsu đều được Luca dồn về hai chương đầu của sách Tin Mừng. Những yếu tố mặc khải đó được đặt nền trên cuộc sống bình dị của một gia đình bình thường: cha mẹ trung thành tuân giữ luật Chúa, con cái ngoan hiền, mỗi ngày lớn lên trong thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời (2,39-40; 51-52).

Vậy rõ ràng gia đình (ở đây là Thánh Gia) là nơi Thiên Chúa ký thác mầu nhiệm thần linh và công trình cứu độ của Người. Gia đình đón nhận mầm sống Thiên Chúa ký gởi đó, sinh ra, nuôi lớn lên, cộng tác giáo dục… để Mầm Sống đó lớn lên thi hành sứ vụ Chúa Cha trao. Gia đình là môi trường tuyệt vời đón nhận, làm lớn lên, và thông truyền cái “gène” thần linh của Thiên Chúa cho nhân loại, vũ trụ cho đến tận thế.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là đoạn kết thúc hai chương đầu của Luca, tường thuật lại sự cố lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi, xảy ra vào dịp cả gia đình Thánh gia tuân lệnh Chúa lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua; Qua sự cố đó Đức Giêsu mặc khải căn tính thần linh của Người: Nhưng rồi ngay sau đó, nhân vật là “người con thần linh” ấy lại trở về Nadaret sống như một thành viên tốt của một gia đình đạo đức. Gia đình công giáo phải là nơi đón nhận, làm lớn lên, nuôi dưỡng… lưu truyền mầu nhiệm thần linh mà Thiên Chúa ký gởi qua cuộc sống bình thường của một gia đình công giáo, con cái Chúa.

1/ Khung cảnh của biến cố

*Xảy ra vào dịp lễ Vượt Qua, tại Đền Thờ (Lc 2,41.42)

– Đền Thờ là nơi con người đến để thờ lạy Chúa chứ không phải để chất vấn Chúa, đòi Chúa phải trả lời các vấn nạn ta đưa ra.

– Vượt Qua là tưởng niệm việc Chúa đưa dân Người vượt qua đất, kiếp nô lệ để đi vào vùng tự do, làm dân con Chúa.

Mặc dù đã được sứ thần truyền tin, nhưng hai Đấng chưa đi sâu đủ vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Qua biến cố này, Đức Giêsu đưa Mẹ và Thánh Giuse tiến thêm một chặng nữa trên lộ trình cứu độ. Và về sau, Mẹ còn được Chúa dẫn sâu thêm trên nhận thức phải để con của mình làm công việc của Chúa Cha (x. Lc 8,19-21 và Mt, Mc song song) và chóp đỉnh là Thập Giá.

*Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem…

Chi tiết này cho thấy đây là một gia đình đạo đức, nhiệt thành thi hành lề luật; vì luật hành hương không buộc cho phụ nữ (Xh 23,17; Đnl 16,16). Và hơn nữa việc này được làm “hằng năm”; Và làm trong tư cách là một gia đình chứ không chỉ là chuyện cá nhân: Thật vậy cách nói “cha mẹ Đức Giêsu” hàm chứa trong đó “một gia đình”. Năm nay cả gia đình đi dự lễ, các năm trước Đức Giêsu còn nhỏ, lẽ nào hai Đấng ấy dám để Đức Giêsu ở lại Nadaret một mình trong cả tuần?

*Khi Người được 12 tuổi: con số 12 có nghĩa là viên mãn, hoàn thành, hàm ý mời độc giả nghĩ đến ngày chấm dứt sứ vụ trần thế của Đức Giêsu (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C trang 122). Tuy nhiên về mặt luật, tuổi 12 là xong giai đoạn thiếu niên, chuẩn bị trở thành người trưởng thành về mặt tôn giáo: kể từ ngày Sabat thứ nhất bước vào tuổi 13, thì cậu bé trước đây, giờ trở nên “bar-micwâh) = “con của các giới răn”, “con của lề luật”: cậu buộc phải giữ lề luật, các giờ cầu nguyện, ăn chay (X. Léon – Dufour, “Dictionnaire du N.T” p.63). Từ nay trong cộng đoàn phụng vụ, cậu ngồi chung với các ông và có quyền lợi cũng như bổn phận trước lề luật như một người trưởng thành.

2/ Biến cố lạc mất Đức Giêsu (2,43-45)

*Lý do “lạc mất Đức Giêsu”:

– xong lễ Đức Giêsu ở lại Giêrusalem mà không cho cha mẹ biết

– phần cha mẹ cứ tưởng cậu về chung với đoàn lữ hành, nên cứ an tâm ra về, sau một ngày đàng mới phát hiện Đức Giêsu mất tích. Lúc đó mới hoảng hốt đi tìm.

*Trở lại Giê rusalem:

Việc Đức Giêsu ở lại Đền Thờ mà cha mẹ vẫn an tâm ra về là vì: 

  • Trong các dịp lễ hành hương, những người ở xa Đền Thờ thường tổ chức thành những đoàn lữ hành và họ đi từng chặng. Đang khi đi, họ cùng nhau hát những bài Thánh Vịnh lên đền (Tv 120-134).

  • Phần các trẻ dưới 13 tuổi, muốn theo cha hay mẹ tùy ý.

  • Sau lễ họ lại nhập đoàn ra về, nhưng không có tổ chức trật tự như khi đi. Họ có thể kéo lê dọc đường, gặp bà con, người quen để hàn huyên… miễn sao, chiều đến cả nhóm gặp nhau ở một điểm đã định trước để nghỉ đêm.

Do đó cha mẹ Đức Giêsu nghĩ rằng Người đi theo người kia, hoặc theo nhóm người quen. Và có lẽ đây không phải là lần đầu tiên hai Đấng dẫn Đức Giêsu đi hành hương, nên cũng tin rằng Đức Giêsu cũng đã quen đường lối. Hơn nữa Người sắp đến tuổi “người lớn” rồi: sang năm Người phải tự mình giữ luật rồi (x. Trương Thanh Toàn và Đỗ Minh Nghị – “Cuộc đời Chúa Giêsu thời thơ ấu” 1991 bản Ronéo trang 212 – 213).

3/ Ý nghĩa của biến cố (2,46-50)

*Tìm lại được Đức Giêsu (2,46-47)

– Sau ba ngày đi trong bóng tối, hai Đấng gặp lại Đức Giêsu! Ở đâu? Trong Đền Thờ – Tư cách của Đức Giêsu lúc đó: không như một trẻ nhỏ mà như một bậc Thầy: Người NGỒI GIỮA các thầy dạy và công việc Người đang làm là NGHE, ĐẶT CÂU HỎI, ĐỐI ĐÁP (trong tiếng hi lạp: lời trả lời, giải đáp = Tais apokrisesin của Người). Và các bậc thầy đã phải kinh ngạc về sự thông minh và các lời trả lời của Người.

Vậy Luca nhấn mạnh đến vai trò làm NGƯỜI TRẢ LỜI của Đức Giêsu. Người NGHE và HỎI không vì Người không hiểu, nhưng để đưa ra LỜI ĐÁP thích hợp và các bậc thầy cũng phải công nhận – Vậy Đức Giêsu được mô tả như bậc thầy có quyền giảng dạy.

*Phản ứng của Maria và Giuse (2,48)

Họ (hai ông bà) SỬNG SỐT: chỉ tình trạng lặng người đi như bất động trước một điều gì đó, một sự kiện bất ngờ hoặc phi thường vượt trí hiểu, óc tưởng tượng của con người. Tất cả đều nói lên sự kinh ngạc đến cùng cực mà lý trí không sao giải thích nổi.

Vậy qua phản ứng “sững sờ” của hai Đấng, Luca kín đáo giới thiệu cậu thiếu niên đó là Thiên Chúa đồng thời cũng chuẩn bị cho hai Đấng đón nhận mặc khải bất ngờ sắp được tỏ lộ trong câu 49.

*Lời trách của Mẹ Maria (2,48b) và mặc khải của Đức Giêsu (2,49)

Lời trách của Maria dựa trên Luật nói về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Nhưng câu đáp của Đức Giêsu thật bất ngờ.

Đức Mẹ trách Đức Giêsu thiếu bổn phận với “cha con” và “mẹ”. Đức Giêsu đáp Người “có bổn phận ở nhà Cha con”. Trong tiếng Việt lối chơi chữ rất hay: cũng một từ như nhau ám chỉ hai nhân vật khác nhau.

Trước khi là con cái của Maria và của Giuse thì Đức Giêsu là con của Cha và bổn phận số một của Người giờ này là “ở nhà của Cha”.

Trong Luca, câu 49 là câu nói đầu tiên của Đức Giêsu, cũng như lời cuối cùng của Người là 23,46; xem 24,49 đều nói về Chúa Cha. Vậy sứ điệp của Luca là cả cuộc đời của Đức Giêsu đều được chỉ đạo bởi tình yêu đối với Cha Người. Tình yêu đó đã bắt đầu từ hồi còn niên thiếu và theo Người cho đến chết, rồi vẫn tiếp tục ngay cả sau phục sinh.

*Phản ứng của Maria và Giuse trước mặc khải: không hiểu (2,50)

Theo hai cuộc truyền tin thì Maria và Giuse phải biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa rồi. Điều không hiểu là cách Đức Giêsu tỏ lộ căn tính của mình, là đường lối Thiên Chúa dùng để hoàn tất Thánh Ý: đó là đường Thập Giá, là “Con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (23,46); Rồi trong Luca những lần con người “không hiểu” Lời Đức Giêsu đều là những lời mặc khải về Thập Giá và Phục Sinh: 9,45; 18,34; 24,25. Vậy mà trình thuật Lc 2,41-40 này, trong mọi chi tiết đều hướng về Thập Giá và Phục Sinh. Vậy trong tư tưởng của Luca, có lẽ câu 2,49 là một lời giáo huấn hơn là một câu đáp cho lời phiền trách của Đức Maria: Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa, ý thức sứ mạng Thập Giá và Phục Sinh của mình, mời Đức Maria và Thánh Giuse vượt hơn nhãn giới Lề Luật (ở đây là “thảo kính cha mẹ), vượt qua những mối bận tâm thường nhật để chấp nhận ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời Người (Đức Giêsu) dù bản thân hai Đấng có chịu cơ cực, sầu não. Bổn phận đối với Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong mọi tương quan của đời sống cá nhân lẫn gia đình.

4/ Nơi Thiên Chúa gởi gắm toàn bộ công cuộc của Người

Là cuộc sống thường nhật của gia đình Nadaret

Sau giây phút mặc khải định hướng, Đức Giêsu về lại cuộc sống thường ngày trong gia đình Nadaret. Và từ nơi đó Người nuôi dưỡng, và củng cố những gì Người sẽ thực thi trong đời sống công khai sau này.

Phương thức Người chọn làm là “vâng phục Maria và Giuse”

Sống trọn tình người với chòm xóm, phó thác cho Thiên Chúa (2,52).               

TÓM

Cũng như tổng thể hai chương đầu, ở bài đọc Tin Mừng hôm nay, qua những cách nói mang tính ẩn dụ như: “xong kỳ lễ”, “sau ba ngày”, “con phải ở trong nhà Cha con” lạc mất rồi tìm lại được, Luca hướng trình thuật về Thập Giá và phục sinh của Đức Giêsu và mặc khải tử hệ thần linh của Đức Giêsu:

Là con của Maria
Là con của Giuse theo truyền thống lề luật
Là con của Lề Luật
nhưng trên hết và nền tảng: Người là Con của Chúa Cha. Vậy
phải sống như con cái cha mẹ trần gian
Phải sống như con cái xóm giềng theo tình làng nghĩa xóm
Phải sống xứng đáng với tước hiệu con cái của Luật
Tất cả đều để phục vụ, ưu tiên cho sứ mạng Cha giao phó

Chúa gởi dự tính thần linh của Chúa trong gia đình nhân loại chúng ta. Chúa mong chúng ta đón nhận, sinh ra, nuôi sống, làm lớn lên và cùng Chúa hoàn tất công trình của Chúa. Đó là sứ điệp Lễ Thánh Gia.

Frère Pierre Đình Long FSC