LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 Hôm nay chủ nhật 33 Thường Niên năm B, toàn thể Giáo Hội hoàn vũ mừng kính các thánh tử đạo tại Việt Nam. Chúng ta thử lướt qua những lý do tại sao mà chúa Giêsu nói: Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước (Ga 15,18).

     Thế gian đã ghét Thầy trước. Thế gian mà Thánh Gioan đề cập ở đây không phải là toàn thế giới, như trong câu Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài, mà là thế lực thù địch, thế giới của bóng tối, thế giới của tội lỗi.

     Thế gian bị shock ngay từ lúc Thầy công bố Hiến Chương Nước Trời: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ . Nghèo là nghèo đói, nghèo túng, nghèo khó, nghèo hèn, nghèo khốn, nghèo khổ, chẳng ai nói “nghèo phúc”  như Thầy.

     Thế gian giao lưu với người có tiền, có quyền, có địa vị, Thầy lại lưu tâm đến người bần cùng, dân khố rách áo ôm, người tội lỗi, hạng đĩ điếm, người ngoại bang.

     Rồi khi đi rao giảng, tuyển lựa môn đệ, những tưởng Thầy sẽ chọn những người khôi ngô tuấn tú, thông luật, giỏi Kinh Thánh, Thầy lại đi chọn những người thuyền chài ngư phủ, vai u thịt bắp, ít chữ,  ít học.

     Không những thế Thầy còn chê bai các kinh sư, luật sĩ là những người  giả hình, áo mũ xênh xang, là những mồ mả tô vôi, nuốt trọn tài sản của bà góa.

     Người ta xây đền thờ ba mươi mấy năm, Thầy nói phá hủy đi, Thầy sẽ xây lại trong 3 ngày.

     Thầy xưng mình là Con Thiên Chúa, trong khi thiên hạ trông đợi đấng Thiên Sai giải thoát dân khỏi ách nô lệ Roma, Thầy lại nói Con Người phải đau khổ, phải chết đi, ba ngày mới sống lại.

Thầy còn lấy thịt mình làm của ăn cho muôn người.
Làm thầy, Thầy lại đi rửa chân cho các đồ đệ.

      Thế gian theo luật cũ đòi  mắt đền mắt, răng đền răng, Thầy lại dạy yêu kẻ thù. Nếu kẻ thù vả má này, đưa cả má kia cho nó vả.

      Tất cả giáo lý thầy dạy điều ngược với thói đời, Thầy dạy bác ái yêu thương, Thầy đến để kiện toàn lề luật, nên thế gian đã ghét thầy.

      Thế gian ghét anh em vì nó đã ghét thầy trước. Hơn thế nữa
Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15, 20). 

     Cha Nguyễn Cao Siêu thuật lại:

Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci, có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua. Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.

      Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này, Nhưng chắc hẳn số lượng phải lớn hơn, vì chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi rất tinh vi kín đáo và  rất khó ghi chú hoặc rà soát.

     Ngay từ khi Tin Mừng được rao giảng, các tín đồ Do Thái giáo đã thù ghét các Kitô hữu, coi họ là đồ phản lại đạo Do Thái; Chính Sao Lê, trước khi trở thành môn đệ Chúa Kitô, đã hăng hái đi bắt và giết các Kitô hữu.

     Ở Rôma ngay từ năm 64, hoàng đế Néron, đã ra lệnh lùng bắt những người mà dân chúng gọi là Kitô hữu. Vì các Kitô hữu có một đời sống khác biệt: tôn thờ Thiên Chúa, hiếu đễ, chung thủy trong đời sống gia đình, một vợ một chồng, trung thực, không gian dối, không mê tín dị đoan, không thờ phiếm thần, không thờ hoàng đế Roma. .

      Trong 3 thế kỷ đầu các Kitô hữu, trong đó có nhiều vị thánh tử đạo, đã ở sâu dưới hang Toại Đạo. Có tài liệu  cho biết tổng cộng có 876 km đường hầm mộ, độ sâu đến 5 tầng, thường là 7 hoặc 8 m,  có chỗ sâu nhất đến 22 hay 25 m.

     Hầu như ở bất kỳ nơi nào Tin Mừng được rao giảng thì ở đó đều có sự bách hại, dẫu ở Âu châu hay Phi châu. Đặc biệt tại Á Châu chúng ta, Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều có rất nhiều chứng nhân  tử đạo và ở Việt Nam chúng ta trong suốt 3 thế kỷ ngay khi Tin Mừng được rao giảng các Kitô hữu cũng đều bị bách hại. Giáo Hội đã chính thức tuyên phong 117 vị hiển thánh và một á thánh, chân phước Anrê Phú Yên, nhưng người ta ước tính có khoảng hơn 300.000 tín hữu đã hy sinh vì đức tin, có những làng bị đốt cháy toàn bộ như ở Bà Rịa hay ở Quảng Bình.

     Đức TGM Ngô Quang Kiệt, khi đi hành hương hang Toại đạo ở Roma, đã liên tưởng đến lịch sử Giáo hội Việt Nam: Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm, đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe dọa bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má người có đạo. Và nhất là lên án tử hình những người có đạo. Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử hình. Có đấng bị chém đầu. Có đấng bị trói chân tay vào chân ngựa. Bốn con ngựa kéo về vốn góc xé nát xác vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết. (Trích bài Suy niệm Con Đường Hạt Lúa của đức TGM Ngô Quang Kiệt)

     Chúng ta không thể hiểu được những  án xử độc ác, man rợ này: Trong 117 vị có 75 vị bị xử trảm (chém đầu), 22 vị bị xử giảo ( thắt cổ), 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bị lăng trì ( xẻo từng miếng thịt) và 9 vị chết vì bị tra tấn.

      Nhưng điểm khác biệt của các chứng nhân Kitô giáo so với các anh hùng liệt sĩ hoặc các vị “tử đạo” của các tôn giáo khác ở chỗ các ngài vững một niềm tin nơi Thiên Chúa. Chỉ tôn thờ  và tin yêu một mình Thiên Chúa. Tôn trọng nhưng không tôn thờ các vua chúa, quyền lực trần gian. Nhất quyết không chà đạp lên Thánh Giá, dẫu được hứa hẹn tha mạng hay vinh quang phú quý.

      Các ngài còn khác biệt ở tình yêu thương, ở chỗ không bất mãn, không nguyền rủa, chửi bới, trách móc; trái lại rất bình thản vui mừng vì được phúc tử đạo. Noi gương Đức Kitô trên thập giá, vị tử đạo đầu tiên là Tê pha nô, đã cầu nguyện cho những người ném đá mình: Lạy chúa xin đừng chấp họ tội này. (Cv 7,60). Ngay như đức TGM Nguyễn Văn Thuận, 13 năm tù, không án xử, 9 năm biệt giam, vẫn tìm cách viết sách, vẫn vui vẻ, hòa nhã dạy ngoại ngữ cho công an hoặc chuyện trò thân mật với các cai tù, dần dần cảm hóa họ. Sau khi ngài ra nước ngoài làm việc, nhiều người muốn khai thác  lòng hận thù của ngài, nhưng họ đã không đạt được mục đích, vì lúc nào ngài cũng nói về niềm hy vọng, về yêu thương, tha thứ .

     Một đặc điểm nữa là các chứng nhân tử đạo luôn tin tưởng vào đời sống vĩnh cửu mai sau. Các ngài mỉm cười sung sướng vì được phúc tử đạo, trong khi  các vua chúa hay nhiều thể chế  chính trị chỉ tin vào đời sống đời này, vào hệ thống duy vật.

     Thế gian ghét anh em vì anh em không thuộc về thế gian. Thầy đã chọn và đã tách anh em khỏi thế gian. (Ga 15,19).

     Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì hồng ân Đức tin Chúa đã ban cho Việt Nam chúng con. Chúng con cảm tạ ơn Chúa về lòng kiên trung của tổ tiên chúng con.  Xin cho chúng con luôn nối tiếp niềm tin vững mạnh đó trong cuộc sống hiện tại, dẫu nhiều khó khăn, của chúng con.

                                         Nguyễn Đức Lân