LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Con người là một sinh vật yếu đuối. Chả thế mà triết gia Pascal đã gọi con người là cây sậy (un roseau) dẫu là cây sậy biết suy nghĩ (un roseau pensant). Thật thế, vừa khi nở ra, khô lông, là con gà con đã biết mổ, biết đi kiếm ăn. Con heo con, con chó con sơ sinh, chưa mở mắt đã biết tìm vú mẹ để bú. Nhưng bé sơ sinh chào đời, nếu không có ai cắt rốn, tắm rửa và ủ ấm, chắc chắn là chết. Nghĩa là cần phải có người giúp đỡ. Lớn lên cần phải học hỏi: học ăn, học nói, học gói, học mở. Còn phải được cha mẹ, thày cô giúp đỡ cho đến khi trưởng thành vào đời. Đó là về phương diện tri thức và sinh hoạt.

      Về phương diện thiêng liêng ta cũng luôn cần sự giúp đỡ, đặc biệt là sự thêm sức của Chúa Thánh Thần. Các tông đồ ở với Chúa Giê su ba năm, được Chúa trực tiếp dạy dỗ, được thấy nhiều dấu lạ Chúa làm, nhưng vẫn lơ tơ mơ, vẫn mù mờ, vẫn lo sợ. Chỉ khi nhận được Chúa Thánh Thần các ông mới thông suốt và mạnh dạn ra đi rao giảng. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14,26).

      Sau biến cố Tử nạn của Chúa, các môn đệ như người mất hồn và vì thế Chúa thổi hơi và ban Thánh Thần: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22).Điều này gợi lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người (Stk 2,7) và cũng giúp liên tưởng tới một sáng tạo mới, một cuộc phục sinh đích thực:..Ta sẽ đặt Thần Khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống… ( Ed 37,6).

     Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

     Trong các cử hành phụng vụ, chung cũng như riêng, Giáo hội luôn cầu khẩn Chúa Thánh Thần phù trợ, giúp đỡ và soi sáng.

     Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội, Ngài luôn ngự trong tâm hồn chúng ta: Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em…(1Cr 6,19).

     Ngay sau khi phục sinh, Chúa Giê su đã hiện ra với các môn đệ, ban bình an cho các ông và sai các ông tiếp tục sứ mệnh của Ngài, sứ mệnh Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa Cha: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).

    Việc Ra đi rao giảng là căn tính của Giáo Hội Chúa Ki tô. Trước khi rời các tông đồ để lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài đã căn dặn các môn đệ Hãy đi giảng dạy muôn dân. Người môn đệ Chúa Ki tô nên đi đạo hoặc sống đạo ( đi đường, mở rộng ra với mọi người), không nên chỉ giữ đạo. Hằng bao nhiêu thế kỷ qua, giáo hội đã ra đi để rao giảng Tin Mừng của Chúa đến tận cùng bờ cõi trái đất. Người tín hữu có thể rao giảng bằng nhiều cách, bằng cả cuộc đời mình, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh. Thánh Phan xi cô  Saviê đi rao giảng khắp đó đây, được Giáo hôi tôn vinh là bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhưng thánh Tê rê xa Hài Đồng Giê su, ốm yếu, bệnh tật, giam mình trong bốn bước tường dòng kín, chết lúc 24 tuổi, cũng được tôn vinh là bổn mạng các xứ truyền giáo.

      Sứ mệnh của Chúa Giê su còn là ban ơn tha tội. Như Gioan Tẩy giả đã giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (Ga 1,29).Các môn đệ cũng phải nối tiếp sứ mệnh đó: ra đi và ban ơn tha tội.

     Có được tha thứ, chúng ta mới hòa giải với Thiên Chúa. Có tha thứ chúng ta mới hòa giải với anh em. Còn bất hòa( chưa tha thứ) là còn bất an. Chỉ tha thứ mới có hòa giải, chỉ tha thứ mới có an bình. Điều này đúng từ trong gia đình đến ngoài thôn xóm, đúng từ quốc gia đến quốc tế. Tất cả các cuộc chiến đều là do thiếu tha thứ, thiếu hòa giải. Hơn 10 ngày qua, từ10-5-2021, cuộc chiến giữa Israel và Palestine  (cụ thể là tổ chức Hamas)  diễn ra hết sức khốc liệt. Nguyên do tại đâu? Có nhiều nguyên do sâu kín, nhưng chắc hẳn cũng có nguyên do thiếu tha thứ, thiếu hòa giải. Ngày 21 tháng 5 hai bên lâm chiến đã chấp thuận ngồi lại để tìm cách hòa giải.

    Lạy Chúa Thánh Thần, xin mau đến thay đổi bộ mặt địa cầu.

Nguyễn Đức Lân