SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ – năm A

“Dân chúng reo hò vang dậy: ‘Hoan hô con vua Đavít…’(21,9)…Đóng đinh Người vào Thập Giá xong (27,35)…chúng đặt bản án xử tội viết rằng ‘Người này là Giêsu vua dân Do Thái” (27,37).

Với Lễ Lá, Giáo Hội và mỗi tín hữu bước vào tuần lễ cuối cùng cuộc đời dương thế của Đức Giêsu. Theo các diễn biến do ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, đây là tuần chiến đấu cật lực của Đức Giêsu để điều chỉnh lại những thiếu sót quan trọng còn vướng lại của thời Cựu Ước. Xin liệt kê những vấn đề mà cả ba Tin Mừng đều đề cập tới:

Đức Giêsu đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ. Việc làm đó khiến các thủ lãnh Do Thái tức giận, chất vấn Người lấy quyền nào mà làm những điều ấy. Tiếp theo là một loạt những tranh luận. Đức Giêsu và các thủ lãnh Do Thái “tấn công” nhau. Mở đầu Đức Giêsu, ngang qua dụ ngôn các tá điền sát nhân, đã khiển trách các thủ lãnh Do Thái về cách ứng xử sai trái, tàn nhẫn của họ đối với công cuộc “Vườn Nho” của Thiên Chúa nên “Vườn Nho” đã được lấy lại trao cho người khác.

Đáp lại ba việc trên của Đức Giêsu, các Thủ lãnh “tấn công” lại Đức Giêsu bằng ba vẫn nạn nhằm gài bẫy hại Đức Giêsu: – Có nên nộp thuế cho César hay không?; -Vấn đề kẻ chết sống lại; -Điều răn nào là trọng nhất?.

Qua lời đáp, Đức Giêsu chẳng những thoát bẫy mà còn điều chỉnh lại các sai sót trong niềm tin Cựu Ước. Kết thúc phần tranh luận này, Đức Giêsu làm họ phải im miệng bằng một vấn nạn liên quan đến Đức Kitô: Người vừa là con vừa là Chúa của Đavit. Tiện dịp Đức Giêsu cũng cảnh báo dân chúng phải coi chừng các kinh sư và biệt phái giả hình. Sau đó Đức Giêsu nói một bài giảng về Thời Cánh Chung.

Thế nhưng trong Tuần Thánh, tất cả các chi tiết trên không được đề cập tới. Toàn thể phụng vụ Lời Chúa trong Tuần Thánh đều hướng về Tam Nhật Vượt Qua của Đức Giêsu: Thứ Năm – Sáu – Bảy Thánh; Tất cả đều tập trung vào Thập Giá Đức Giêsu. Thật vậy:

  • Trong Thánh lễ Chúa Nhật lễ Lá A, chúng ta nghe bài Thương Khó theo Matthêu.

  • Thứ hai: Ga 12,1-11 thuật lại việc cô Maria xức dầu báo trước việc mai táng Chúa. Bóng Thập Giá còn rõ hơn nữa khi các thượng tế quyết định giết luôn Ladarô.

  • Thứ ba: Đức Giêsu báo trước Giuđa nộp Thầy và Phêrô chối Thầy (Ga 13,21-33.36-38).

  • Thứ tư: Mt 26,14-25 thuật chuyện Giuđa đã gặp các thượng tế, đồng ý nộp Đức Giêsu. Tiếp đó là buổi Tiệc Ly, Đức Giêsu báo Giuđa kẻ nộp Người.

  • Thứ năm là Tiệc Ly, Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ: Ga 13,1-15.

  • Thứ sáu là cuộc Thương Khó và Thập Giá (Ga 18,1-19,42).

  • Và thứ bảy, lẽ ra là ngày mừng vui của Đại lễ Vượt Qua, thì cái còn lại chỉ là “ngôi mồ” với tảng đá lấp kín cửa mồ (x.Mt 27,60; Mc 15,46).

Bầu khí u buồn, ảm đạm phủ vây tất cả! Ít ai lưu ý đến NIỀM VUI của Tuần Thánh. Thật vậy, Tuần Thánh mở đầu bằng nghi thức kiệu lá, long trọng tôn vinh Đức Giêsu là Mêsia, Đấng nhân danh Chúa mà đến; Để rồi điểm đến của Tuần Thánh không phải là “ngôi mồ” mà là niềm vui vọng Phục Sinh với bài ca chiến thắng Exultet và Halleluia. Vậy đường Thập Giá chỉ là lộ trình phải đi để đến Phục Sinh, là “cửa khẩu” phải bước qua để tiến vào vùng đất mới, một cuộc sống mới, nơi mà Tử Thần không thể nào bén mảng tới được.

Lễ Lá là ngày mở đầu Tuần Thánh, hai khía cạnh Thập Giá và Phục Sinh đan kết vào nhau. Đó như là lời dẫn nhập chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra trong Tam Nhật Vượt Qua. Vì thế khi tham dự phụng vụ Lễ Lá, chúng ta hãy để hai chiều kích Thập Giá và Phục Sinh tác động trong tâm hồn ta, như lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong huấn từ của người dịp lễ Lá 9/4/2017:

“Cuộc cử hành hôm nay có hai hương vị đi kèm theo: hương vị dịu ngọt và hương vị đắng cay; cuộc cử hành hôm nay vừa vui tươi lại vừa đau khổ. Bởi vì hôm nay, chúng ta mừng biến cố Chúa vào kinh thành Giêrusalem, và Người được các môn đệ của mình tung hô như một vị vua; Và đồng thời, trình thuật Tin Mừng về Cuộc Thương Khó của Người được long trọng tuyên bố. Chính vì thế con tim chúng ta cảm nghiệm được nét tương phản đau đớn, và cảm nhận được trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất điều mà Đức Giêsu đã phải cảm nghiệm trong tâm hồn Người trong ngày hôm nay, ngày mà Người vui mừng cùng với các bạn hữu của mình và cũng là ngày mà Người khóc thương kinh thành Giêrusalem.”

Theo Tin Mừng Matthêu, niềm vui mà dân Chúa biểu lộ ra trong cuộc đón tiếp tưng bừng rước Đức Giêsu vào Giêrusalem là niềm vui nhận ra Người, ông Giêsu xác phàm đang ở giữa họ, chính là “Con vua Đavit”, là Đấng Chúa sai đến (Mt 21,9), là vị Vua mà dân mong đợi đúng như lời ngôn sứ đã loan báo tự bao đời (Mt 21,5). Người chính là Đấng mà Matthêu đã giới thiệu ngay ở câu đầu của Tin Mừng mang tên ông: “…gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua Đavit”. Vị Vua đó giờ đây công khai xuất hiện đón nhận lời tung hô của toàn dân. Tuy nhiên điều bất ngờ là con đường mà Vị Vua ấy dùng để đăng quang lại là con đường Thập Giá (x.Mt 27,29.37.42). Và điều mỉa mai là chính đám dân mà mới tiếp rước tung hô Người là Vua, Con Đavit, khi chỉ ít ngày sau, họ đã bị xúi giục nộp Người cho Philatô, đòi xử tử Người với tội danh “tự xưng là Vua dân Do Thái” (x.Mt 27,11; Lc 23,2…)

Chúng ta suy niệm điều trái khoáy ấy qua vài nét đặc thù trong Tin Mừng mang tên Mathêu.

  1. CHUYỆN ÔNG GIUĐA: Bài Thương Khó theo Matthêu mở đầu bằng hành vi bội phản của Giuđa: hắn tách mình ra khỏi Nhóm Mười Hai, đã thương lượng với các thượng tế, nộp bán Đức Giêsu với giá ba mươi đồng bạc, giá mua bán một tên nô lệ (x.Xh 21,32).

Tại sao Giuđa lại nộp Thầy? Tin Mừng Gioan nói ông ta là quản lý của Nhóm Mười Hai (x.Ga 14,29), lại ham tiền, thường bòn rút của công để hưởng lợi riêng  (x.Ga 12,6). Mặc dù sức lôi cuốn của đồng tiền là mãnh liệt, nó có thể cản trở những người thiện chí đạo đức nhất, không cho họ đến với Đức Giêsu (x.Mt 19,16-26). Tuy nhiên số tiền “ba mươi đồng bạc”, chỉ đủ mua đựơc một tên nô lệ thì không thể vì đó mà một môn đệ thân tín có thể phản Thầy. Có lẽ con số ba mươi đó đã được Matthêu sử dụng để nói rằng lời sấm bí ẩn Dcr 11,12 nay ứng nghiệm vào biến cố các thượng tế đã trả công cho Giuđa về việc bán Thầy với cái giá bị Thiên Chúa coi là rẻ mạt: nhân loại đã coi rẻ đường lối cứu độ của Thiên Chúa; họ thất vọng về phương thế hành động của Người. Cách giải thích ấy phù hợp với tiến trình tư tưởng diễn ra trong đầu các môn đệ đang trên hành trình tiến về Giêrusalem với Đức Giêsu. Dù không nói ra nhưng chắc các môn đệ dần thất vọng về con đường thập giá của Đức Giêsu. Thật vậy, ba lần Đức Giêsu mặc khải mầu nhiệm Thập giá thì đều gặp ba phản ứng tiêu cực từ phía các môn đệ. Vì đường lối Thập Giá ngược lại các khát vọng của họ: đòi làm lớn (x.Mt 18,1; Mc 9,34); muốn ngồi bên tả, bên hữu Đấng Mêsia (x.Mt20,21; Mc12,37…). Sự trái ngược ấy ngày càng rõ nét và Giuđa đã rất nhạy cảm nhận ra thực tại đó trước các môn đệ khác và ông đã hành động. Các môn đệ khác thụ động hơn, nhưng cuối cùng rồi cũng đi vào vết xe đổ của Giuđa: khi Đức Giêsu bị bắt tất cả đều bỏ trốn hết…

Nhưng Đức Giêsu không bỏ cuộc, Người quyết cứu Giuđa. Ý định che đậy đó của Giuđa được Đức Giêsu vạch rõ trong bữa Tiệc Ly (x.Mt 26,20-25). Tiếc thay ông ta vẫn không tỉnh ngộ. Một khi đã rơi vào cạm bẫy của Satan, con người tự sức mình vô phương tự giải cứu. Đức Giêsu vẫn không loại trừ Giuđa, nhưng Giuđa đã tự tách rời khỏi Đức  Giêsu và Nhóm Mười Hai qua đổi cách xưng hô với Thầy: Khi Đức Giêsu loan báo có một người bội phản, tất cả đều hỏi Đức Giêsu “Lạy Chúa: kuriê…” (26,22) chỉ một mình Giuđa thưa “Lạy Thầy: rabbi…”(26,25). Đức Giêsu không còn là Chúa của ông, nơi ông cậy dựa, kêu cứu khi lâm nguy nữa (x.Mt 8,24) mà chỉ còn là một rabbi bình thường như bao kinh sư khác (x.Mt 7,29b). Đó là căn nguyên khiến ông tuyệt vọng khi nhận ra sai lỗi của mình để rồi đi đến tuyệt vọng vì không còn nơi để bám víu.

Đức Giêsu vẫn không loại trừ ông: khi ông dẫn lính tới bắt Người, và thật là tệ hại, đã dùng một dấu chỉ tình yêu là nụ hôn để nộp Người thì Đức Giêsu vẫn thân ái gọi ông “êtairê” có nghĩa là “bạn bè”, “thân hữu”, “môn đệ” (26,50a). Tất cả những ưu ái như thế Người dành cho ông cũng đã đánh thức được lương tâm của ông: ông nhận ra mình có tội, còn Đức Giêsu vô tội, hành động nộp Người là sai trái; ông trả lại tiền…(x.Mt 27,1-5a). Giuđa đã đặt chân lên ngưỡng cửa của sám hối. Tiếc thay ông chỉ nhìn vào bản thân, nhìn vào tội lỗi của mình mà quên mất Chúa, quên mất Lời Chúa; Ông khép mình lại trong cái tính toán của mình và trốn chạy, do đó ông không có được may mắn như Phêrô “sực nhớ tới Lời Chúa” (Mt 26,75); Giuđa không gặp được cái nhìn thứ tha của Chúa (x.Lc 22,61). Giuđa đã hối hận, đã cắt đứt được với những đồng tiền tội lỗi; Nhưng ông chưa thoát ra khỏi được con người của ông: CON NGƯỜI THẤT VỌNG. Trước đó ông đã thất vọng về đường lối của Đức Giêsu nên đã nộp Người; Và giờ đây thất vọng về chính bản thân mình, và một lần nữa ông lại để cái thất vọng điều khiển con người ông: ông đi tự tử. Thiếu hi vọng, thiếu cậy trông vào Chúa, con đường khổ giá của Giuđa chỉ đưa tới diệt vong. Tuy nhiên chúng ta, các kitô hữu vẫn chắc chắn một điều: Giuđa vẫn có một chỗ trong trái tim Đức Giêsu. Chỉ cần trong vài tích tắc cuối của cuộc đời, Giuđa được bừng sáng nhận ra tình yêu mà Đức Giêsu dành cho ông qua việc “cùng chấm chung một dĩa” (26,23a), qua cách xưng hô thân tình của Đức Giêsu: êtairê (26,50a) thì cũng đủ để tình yêu phục sinh của Đức Giêsu cứu độ ông. Đó là niềm hi vọng của chúng ta về số phận Giuđa.

  1. LỜI NGUYỀN DIỆT VONG CỦA “TOÀN DÂN” (x.Mt 27,25): trước sự cứng lòng của đám đông đang bị xách động cuồng nộ, Philatô đã làm một hành vi vô trách nhiệm: rửa tay trước mặt đám đông và nói “Tôi vô can…”. Toàn dân đã đáp lại bằng một lời đưa dân tộc họ vào chỗ diệt vong: “máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (27,24-25). May thay tình yêu, quyền năng Thiên Chúa đã thấy và ban trước thần dược khắc phục lời nguyền ấy. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và ban ơn tha thứ: “…đây là Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (26,28). Ác ý của con người đã trở thành phương tiện để tha thứ nhờ sự tự nguyện đón nhận Thập Giá của Đức Giêsu.

Trong bài Thương Khó, yếu tố Thập Giá còn nhiều. Nhưng trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã hướng tất cả về niềm HI VỌNG Phục Sinh, dự tiệc trong Nước của Cha Người. Tất cả những gì muốn làm cho nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện tỏ tường trong Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Lộ trình Thập Giá – Phục Sinh đó, Đức Giêsu cũng mời mỗi tín hữu bước theo (x.Mt 16,24) với niềm tín thác rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi mỗi tín hữu điều mà Người đã hoàn tất nơi Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC