ROME, ngày 6 .1. 2004 ( ZENIT).
Lm. Edward McNamara,
giáo sư phụng vụ của Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum.
H: Người giáo dân có được phép lấy Mình Thánh Chúa từ nhà tạm, đặt trong hào quang Mặt nhật và kiệu vào nhà thờ chính để thờ lạy không? (Nhà tạm ở tại một nhà nguyện xa xôi.) Tôi nghĩ chỉ có linh mục mới có đặc ân làm điều này. Tôi có lầm không? — P.M., Londonderry, New Hampshire
A: Trong nghi thức đặt Mình Thánh long trọng (khi có người giúp lễ và hương trầm) chỉ được thực hiện do một linh mục hoặc phó tế, thì nghi thức đơn giản, bằng cách mở nhà tạm hoặc đặt Mình Thánh vào hào quang mặt nhật, có thể được thực hiện do một người được trao tác vụ giúp lễ hoặc một thừa tác viên ngoại thường được ủy quyền.
(Hào quang mặt nhật là một bình thánh được thiết kế để trưng bày Mình Thánh hoặc để mang Mình Thánh trong cuộc rước kiệu. Hào quang thường có hình dạng cây thánh giá với một cửa sổ tròn ở giữa, được bao quanh bởi một khung bạc hoặc vàng có các tia sáng giống như mặt trời.)
Chỉ một thừa tác viên được phong chức mới có thể ban Phép lành Mình Thánh Chúa. Tuy nhiên, nếu không có linh mục hoặc phó tế, một thừa tác viên ngoại thường được ủy quyền có thể thực hiện việc cất Mình Thánh Chúa đơn giản sau khi các giờ thờ lạy kết thúc (xem tài liệu năm 1973 “Eucharistiae Sacramentum” của Bộ Phụng tự, số 91-92).
Tuy nhiên, nếu một linh mục hoặc phó tế có mặt, thì họ không được ủy quyền việc đặt Mình Thánh cho người khác.
Khi chọn một người phù hợp cho sứ vụ ngoại thường như này khi linh mục không thể cử hành, thì thứ tự là: người được trao tác vụ giúp lễ hay đọc sách, đại chủng sinh, nam tu, nữ tu, giáo dân nam nữ (xem hướng dẫn năm 1973 “Immensae Caritatis”).
Trong diễn tả về nghi thức đặt Mình Thánh đơn giản được thực hiện tại giáo xứ của bạn, tôi lưu ý một lỗi kỹ thuật phụng vụ: Giáo dân có thể mang hộp đựng Mình Thánh (một hộp kim loại tròn nhỏ dùng để đựng Mình Thánh) đến bàn thờ và đặt Mình Thánh vào hào quang mặt nhật trên bàn thờ, nhưng không được mang hộp đựng Mình Thánh cùng với Thánh Thể trong cuộc rước.
Chức năng của thừa tác viên đặt Mình Thánh ngoại thường chỉ giới hạn ở việc đặt hoặc cất Mình Thánh đơn giản với nghi lễ tối thiểu nhất, mặc dù việc đặt Mình Thánh có thể kèm theo một bài hát về Thánh Thể.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, mọi thứ có thể không hoàn hảo trong giáo xứ của bạn, nhưng đó là một món quà tuyệt vời và là một ân huệ cho đời sống thiêng liêng của toàn thể cộng đoàn, khi việc tôn thờ Thánh Thể được vun đắp và thúc đẩy.
* * *
Tiếp theo: Giáo dân đặt Mình Thánh [20-1-04]
Một số độc giả đã yêu cầu tôi trả lời rõ về việc giáo dân đặt Mình Thánh (ngày 6 tháng 1). Một độc giả từ Memphis, Tennessee đã hỏi : một phó tế có trong danh sách những người phù hợp với vai trò là thừa tác viên ngoại thường hay không.
Sẽ không đúng nếu tôi đưa phó tế vào danh sách, vì phó tế là thừa tác viên bình thường chứ không phải là thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể và, ngoại trừ việc cử hành Thánh lễ, khi không có linh mục, phó tế có thể thực hiện hầu hết các nghi thức phụng vụ liên quan đến Thánh Thể, chẳng hạn như Phép lành trọng thể với Mình Thánh Chúa.
Ngay cả khi có linh mục hiện diện, về mặt phụng vụ, phó tế nên đặt Mình Thánh Chúa vào lúc khởi đầu việc thờ lạy và cất Mình Thánh sau khi linh mục đã ban Phép lành.
Cùng một người viết thư hỏi “người được trao tác vụ giúp lễ” là gì và người này khác với những người giúp lễ hàng ngày trong các thánh lễ như thế nào ?
Tác vụ giúp lễ và tác vụ đọc sách là một chức vụ trong Giáo hội. Các chức vụ này thay thế các chức nhỏ trước đây (người gác cổng, người đọc sách, người trừ tà và người giúp lễ) và chức phó tế. Các chức nhỏ này được dành riêng cho các chủng sinh nhưng ít khi — hoặc trong trường hợp trừ tà, không bao giờ — được thực hiện. Thay vào đó, các chức nhỏ này đóng vai trò là các giai đoạn khác nhau dẫn đến việc tiếp nhận các chức lớn.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bãi bỏ các chức nhỏ và chức tiền phó tế vào năm 1973 và thay thế chúng bằng hai tác vụ đọc sách và giúp lễ.
Tất cả các chủng sinh và ứng viên chịu chức phó tế vĩnh viễn đều nhận các tác vụ này trước khi được phong chức phó tế, thường là trong thời gian học thần học.
Tuy nhiên, các tác vụ này không còn dành riêng cho các chủng sinh nữa, vì mối liên hệ của chúng với việc đào tạo linh mục, nên chỉ có giáo dân mới được nhận.
Nghi thức trao tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ thường dành riêng cho giám mục hoặc bề trên cao cấp trong trường hợp trao tác vụ cho các thành viên của tu hội dòng.
Chức năng của họ về cơ bản giống với chức năng của người giúp lễ trong Thánh lễ nhưng có điểm khác biệt quan trọng là khi thực hiện chức vụ của mình, người này đang hành động như một thừa tác viên của Giáo hội.
Chức năng của người này cũng rộng hơn; người này phải được ưu tiên bất cứ khi nào cần có một thừa tác viên ngoại thường như khi trao Mình Thánh Chúa hoặc đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ.
Trong trường hợp không có phó tế, người được trao tác vụ giúp lễ cũng có thể rửa sạch các bình thánh, một hành động thường không được phép đối với các thừa tác viên ngoại thường.
Vì cần có một thời gian đào tạo phụng vụ cụ thể trước khi lãnh tác vụ, nên người giúp lễ thường có trách nhiệm cho việc huấn luyện và tổ chức những người khác khi phục vụ bàn thờ.
Mặc dù chức thánh này dành cho nhiều giáo dân trưởng thành, nhưng chỉ được ít giáo phận sử dụng như một tổ chức ổn định.
Một độc giả khác của ZENIT, một thừa tác viên Thánh Thể được ủy quyền từ Maryland, đã trình bày một trường hợp cụ thể về một linh mục, người đã cho phép giáo dân đặt Mình Thánh Chúa khi họ đến nhà nguyện để cầu nguyện — với một chút long trọng, chỉ quỳ gối và thắp nến.
Ông ta bình luận rồi hỏi: “Với tôi, điều này có vẻ tạo ra sự quen thuộc không lành mạnh với Bí tích Thánh Thể cho người giáo dân. Tôi muốn có ít nhất một chút nghi lễ trang trọng hơn và thay đổi vị trí với những lời cầu nguyện từ nghi lễ và hương trầm khi khởi đầu và kết thúc thờ lạy. Một giáo sư phụng vụ chủng viện cho biết ông nghĩ rằng một giáo dân khi đặt và cất Mình Thánh có thể mặc áo choàng. Những người giúp lễ thường được yêu cầu sử dụng hương trong nghi lễ La tinh để xông hương cho mọi người trong Thánh lễ hoặc xông hương cho Bí tích Thánh Thể trong khi ban phép lành. Tôi có được phép sử dụng hương trầm để đặt và cất Mình Thánh Chúa không? Ngoài ra, bạn có gợi ý nào khác để thúc đẩy sự trang trọng trong khi tránh sự quá quen thuộc này không?”
Mặc dù mong muốn thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Thể là đáng khen ngợi, nhưng phải thực hiện với sự tôn trọng hoàn toàn đối với các chuẩn mực phụng vụ.
Việc đặt Mình Thánh Chúa luôn phải là điều đặc biệt và không bao giờ là việc làm hời hợt — thực sự, Chúa vẫn hiện diện khi cửa nhà tạm đóng.
Ít nhất sự thúc đẩy việc viếng Chúa thường xuyên trong nhà tạm cũng quan trọng như việc tôn thờ Mình Thánh Chúa được trưng bày trên bàn thờ, vì viếng Chúa trong nhà tạm phổ biến hơn nhiều. Theo nghĩa này, sự quen thuộc với Bí tích Thánh Thể là điều mong muốn nhất, nhưng bạn hoàn toàn đúng khi than thở về bất kỳ thực hành nào có thể làm giảm cảm xúc ngạc nhiên trước mầu nhiệm.
Trong trường hợp khẩn cấp, linh mục có thể ủy quyền cho một giáo dân – thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa. Nhưng chỉ có người giúp lễ hoặc một người khác được giám mục ủy quyền mới có thể làm thừa tác viên ngoại thường đặt Mình Thánh Chúa. Do đó, mặc dù có ý định tốt, nhưng hành động của linh mục mà bạn đề cập lại vi phạm các chuẩn mực phụng vụ.
Nhân tiện, phụng vụ phân biệt giữa các lần đặt Mình Thánh chầu thời gian ngắn và kéo dài.
Các lần đặt Mình Thánh ngắn thường được tổ chức khi có một nhóm người chầu trong một khoảng thời gian hợp lý —tối thiểu khoảng 30 phút — trong thời gian đó, họ có thể hát, đọc Kinh thánh, cùng nhau cầu nguyện và trên hết là dành thời gian thinh lặng cầu nguyện với Chúa Kitô.
Trong các buổi đặt Mình Thánh kéo dài, mọi người thường thay phiên nhau tôn thờ mặc dù điều này không loại trừ thời gian cầu nguyện cộng đồng.
Trong cả hai trường hợp, việc đặt Mình Thánh thường do một người được trao tác vụ thực hiện và kết thúc bằng Phép lành.
Nếu việc đặt Mình Thánh lâu giờ tạm thời bị gián đoạn — ví dụ, vào ban đêm hoặc có một vài cử hành khác — thì Mình Thánh Chúa sẽ được cất giữ và sau đó lại được đặt ra mà không có nghi thức đặc biệt, ngoại trừ sự tôn thờ thông thường dành cho Bí tích Thánh Thể.
Nếu người được trao tác vụ bị cản trở, vì lý do chính đáng, giám mục có thể ủy quyền cho một thừa tác viên ngoại thường đặt và cất Mình Thánh Chúa. Năng quyền này đã cho phép nhiều giáo xứ tổ chức việc chầu đặt Mình Thánh kéo dài cả ngày.
Tuy nhiên, việc đặt và cất Mình Thánh Chúa do một giáo dân luôn thực hiện với nghi thức đơn giản.
Thừa tác viên ngoại thường có thể mặc áo alba và có thể hát bài thánh thể trong khi đặt hoặc cất Mình Thánh. Nhưng trong trường hợp này, không được sử dụng hương trầm. Tôi e rằng tôi phải không đồng ý với giáo sư chủng viện của bạn về tính phù hợp của một giáo dân sử dụng áo choàng vì đó là lễ phục phụng vụ dành riêng cho vị được truyền chức.
Mặc dù không được sử dụng hương trầm nhưng có thể nhấn mạnh việc đặt và cất Mình Thánh bằng cách khác. Không có lý do gì khiến bạn không được sử dụng một số lời cầu nguyện được cung cấp trong nghi thức, ngoại trừ chúng được dành riêng cho vị được phong chức.
Bạn có thể khởi sự một trong các nghi thức của Phụng vụ Giờ kinh ngay sau khi đặt hoặc trước khi cất Mình Thánh. Hoặc bạn có thể hướng dẫn những người có mặt trong Lời ngợi khen thiêng liêng hoặc sử dụng một số tập sách nhỏ được chuẩn bị cho việc tôn thờ Thánh Thể.
Tôi hy vọng rằng tôi không làm giảm sự nhiệt tình của bạn trong việc sử dụng hương trầm, điều này vẫn có thể được sử dụng trong những bối cảnh khác và làm tăng thêm sự trang nghiêm cho các nghi lễ thánh thiêng.
Bài viết này được chọn từ ZENIT Daily Dispatch
© Innovative Media, Inc.
ZENIT International News Agency
Via della Stazione di Ottavia, 95
00165 Rome, Ý
www.zenit.org