Chúa Nhật XXXII B Thường Niên

Bài 1

Chủ đề: Giá trị việc làm của người nghèo trước mặt Chúa.

  • 1V17,15: Bà goá đi và làm như ông Elia nói; Thế là bà ấy cùng với ông Elia và con bà có đủ ăn lâu ngày.

  • Mc 12,43: Đức Giê-su nói: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII B Thường Niên nêu lên cho chúng ta hai tấm gương về lòng quảng đại, can đảm phó thác của hai phụ nữ. Đó là hai con người mà thói đời cho là người bất hạnh, bị trời phạt. Đó là hai người đàn bà goá, lại nghèo nàn cùng cực. Thế nhưng lòng quảng đại của họ thật bao la: họ sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì họ đang có để sinh sống cho tha nhân và cho công cuộc của Chúa (Đền Thờ).

Đáp lại, Thiên Chúa đã ban cho họ hồng ân bội hậu gấp vạn lần so với những gì họ đã cho đi cho dù họ là dân ngoại (bài đọc 1) hay dân Chúa (Tin Mừng). Bài đọc 1 nhấn mạnh hơn đến ân huệ vật chất: bà goá dân ngoại dâng cho ngôn sứ Elia của Chúa chỉ một tấm nhỏ bánh nướng giữa cơn túng đói ngặt nghèo, đã được Thiên Chúa bù lại bằng hồng ân nuôi sống cả gia đình bà qua cơn hạn hán đói khổ, kéo dài suốt 3 năm 6 tháng. Tin Mừng nhấn mạnh hơn tới khía cạnh thiêng liêng, tinh thần của hồng ân Thiên Chúa: bà goá nghèo người Do Thái chỉ góp “một phần tư đồng xu Roma”, đã được Đức Giê-su đánh giá là đóng góp nhiều nhất vào hòm tiền quyên góp và NHẤT LÀ, Đức Giê-su đã xem bà như là một môn đệ mẫu mực lấy đó làm tấm gương để giáo dục các môn đệ Người (x. Mc12,43).

Lời Chúa mời chúng ta đón nhận từ Đức Giê-su một chuẩn mực mới để đánh giá: cái ít ỏi dưới mắt con người, lại được Thiên Chúa đánh giá cao. Bởi vì phần lớn nhân loại xét đoán theo lối phàm nhân (x.Ga 8,18), dựa vào những gì thấy được bên ngoài, đó là điều Đức Giê-su khuyên nên tránh, đừng xét đoán như thế nữa (x.Ga 7,24a). Còn Thiên Chúa là Đấng biết rõ lòng dạ con người (x. 1V 8,39; Tv 7,10), Người xét xử đến tận nơi thầm kín, thấu suốt tâm can (Rm 2,16; Gr 11,20; 17,10; 20,12).

Chúa không coi thường những giá trị vật chất, vì Chúa vẫn cần đến con người góp phần cụ thể, quảng đại vào công cuộc của Chúa; Nhưng điều Chúa trân trọng chính là thái độ nội tâm kèm theo khi chia sẻ vật chất. Đó là lòng can đảm, phó thác cho Chúa cách quảng đại dám “cho tất cả những gì mình có”.

Bài đọc 1 thuật lại câu chuyện Thiên Chúa dùng 1 bà goá dân ngoại để nuôi sống ngôn sứ Elia vượt qua cơn hạn hán kéo dài 3 năm 6 tháng như là hình phạt cảnh cáo giáng xuống triều đại ông vua vô đạo Akhap (874-855) bỏ Thiên Chúa, thờ Baal. Chúa sai Elia đến vùng Sarepta của dân ngoại, tìm một bà goá. Khi được gặp Elia thì tình trạng của bà goá này là tuyệt vọng: bà chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu; bà đi kiếm củi về để nấu ăn lần chót rồi sau đó hai mẹ con bà chờ chết đói. Thế nhưng khi gặp Elia bà vẫn tử tế đón tiếp: sẵn sàng đi tìm cho ông chút nước uống hiếm hoi bà kiếm được. Đến khi Elia xin một mẩu bánh nhỏ thì bả thổ lộ tình trạng tuyệt vọng của mình. Thế nhưng bà tin vào lời Elia “hũ bột không vơi, vò dầu không cạn”, bà đã làm một mẩu bánh nhỏ cho Elia trước. Kết quả tuyệt vời: lời của Elia ứng nghiệm, thế là gia đình bà và Elia thoát khỏi nạn đói hạn hạn. Bà đã can đảm phó thác chia sẻ tất cả những gì bà có và đã nhận lại được những gì bà cần cho hiện tại.

Còn Tin Mừng thuật lại chuyện một bà goá người Do Thái. Đức Giê-su đã vào Giê-ru-sa-lem như là Đấng Mesia (Mc 11,1-11); Lễ Vượt Qua đã cận kề, sứ vụ trần thế của Đức Giê-su chỉ còn một tuần nữa là hoàn tất (x.Ga 12,1). Sau khi thanh tẩy Đền Thờ (Mc 11,15-19), Đức Giê-su giảng dạy những lời cuối cùng trước khi chịu khổ nạn (Mc 11,20-13,37). Một trong những lời đó nhắm thẳng vào các môn đệ, được chọn làm bài đọc Tin Mừng cho Chúa Nhật XXXII B. Tin Mừng hôm nay dạy ta 2 điều:

  1. Đừng bắt chước các kinh sư: phô trương áo quần xúng xính; háo danh “thích được chào hỏi, ưa ngồi chỗ nhất”; đạo đức giả “làm bộ cầu nguyện lâu giờ”; nhưng thực chất bên trong là giả hình, gian tham, bất nhân “nuốt hết tài sản của các bà goá”.

  2. Và hãy noi gương “một bà goá nghèo”. Đây là ý chính của Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su thấy một bà goá nghèo bỏ vào Hòm dâng cúng cho Đền Thờ số tiền là “2 đồng tiền kẽm”. Theo Paul Ternant trong “Assemblées du Seigneur” số 63 thì khi bỏ tiền vào Hòm, người dâng cúng phải nói lớn lên số tiền mình dâng; Nên Đức Giê-su mới biết được giá trị số tiền bà goá dâng chỉ bằng ¼ đồng xu Roma. Vào lúc đó, giá trị một phần ăn bố thí cho người nghèo là 2 xu. Bà không mặc cảm vì của dâng quá ít; Bà chân tâm giữ đúng luật đọc lớn tiếng số tiền mình dâng. Trong khiêm tốn, chân tâm nhưng quảng đại bà chu toàn nghĩa vụ tôn giáo của một người con dân của Chúa. Là Thiên Chúa thấu suốt lòng người, Đức Giê-su đã kêu các môn đệ lại, lấy bà làm mẫu gương để giáo dục họ: bà ấy dâng nhiều nhất vì đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình, Bà trở thành người môn đệ mẫu mực dám dâng lên Chúa tất cả cái ít ỏi mình có để phục vụ công cuộc của Chúa.

Bài 2

  • Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (c.43)…

  • Bà rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống (c.44)

Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa đã trình bày cho chúng ta về giới luật đứng đầu: đó là “mến Chúa, yêu người”. Về giáo thuyết thì không có gì phải tranh cãi, nhưng trong thực tế, việc biểu lộ tình yêu Chúa, yêu người đó phải thực hiện ra sao? Ở mức độ nào? Rồi phải ứng xử thế nào cho hợp ý Chúa khi phía đối tượng có những thái độ phản ứng khác nhau trái nghịch nhau?… Chắc chắn là sẽ không bao giờ có được một đáp số chung cho vấn đề này.

Lời Chúa hôm nay đưa ra cho các kẻ đã tin Chúa 2 câu chuyện cụ thể để gợi ý cho những kẻ tin phần nào cảm nghiệm được một cách cụ thể thế nào là mến Chúa, yêu người. Đối tượng chính được chọn làm mẫu gương là 2 bà góa: một bà là dân ngoại và một bà là Do Thái. Cả hai đều nghèo và đang ở trong tình trạng túng quẫn đến độ gia sản chỉ còn lại là một bữa ăn cuối cùng, sau đó là chờ chết đói. Vậy mà hai mẹ con bà sẵn sàng chia sẻ miếng ăn cuối cùng đó cho Elia. Còn bà góa người Do Thái, tài sản của bà đang có là 2 đồng tiền kẽm trị giá ¼ xu Roma nghĩa là không đủ để mua được lương thực bố thí cho một người ăn xin chỉ một bữa ăn trong ngày. Thế mà bà sẵn lòng dâng tất cả để thể hiện lòng hiếu kính của bà đối với THiên Chúa qua việc giữ luật dâng cúng tiền cho Đền Thờ.

Dưới cái nhìn nhân loại, sự đóng góp của hai bà góa thật chẳng đáng gì cả, thế nhưng trong bàn tay Chúa, những việc nhỏ bé ấy đã biến thành những kỳ tích góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa:

  • Trong bài đọc 1, sự chia sẻ miếng bánh nhỏ không đủ để no lòng của bà góa Sarepta đã mở đầu cho công cuộc canh tân Israel qua con người của ngôn sứ Elia.

  • Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã đánh giá ¼ xu Roma của bà góa là nhiều nhất, nó làm bà trở nên người môn đệ mẫu mực cho Nhóm Mười Hai.

Bài đọc 1: 1V 17,10-16

Đây là một chuyện tích về ngôn sứ Elia được trích từ trong 1V17. Theo cách sắp xếp của Bộ Kinh Thánh Công Giáo, sách các vua (2 cuốn) thuộc về nhóm các sách lịch sử. Hai cuốn Sách Các Vua kể chuyện lịch sử Israel từ cuối thời vua Đavit cho đến lúc Nam quốc Giuda bị đi lưu đày Babylon nhưng rồi vua Giơ-hô-gia-khin lại được ân xá (2V 25,27) (tức từ 970-562). Trong phần này có xen vào khối chuyện tích nói về ngôn sứ Elia (1V 17,1-2V2,18). Ông được Thiên Chúa sai đến loan báo tai họa cho vua Bác quốc là Akhap, giàu có nhưng vô đạo đang chạy theo thờ thần Baal (874-853). Kết quả là cả xứ bị hạn hán (1V17,1) và dĩ nhiên là Elia cũng chịu chung tai họa với dân. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để cứu vớt Elia. Và cách làm của Chúa cũng thật là lạ lùng: Người đã dùng sự cùng khốn vật chất của một bà góa quảng đại nhân hậu để nuôi sống Elia trong suốt thời gian hạn hán.

Bài đọc 1 kể lại chuyện bà góa thành Sarepta đã dám chia sẻ với “người của Chúa” (tức Elia), nắm bột cuối cùng của hai mẹ con bà trong niềm tín thác vào lời Thiên Chúa được phán qua miệng Elia: “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Yave Thiên Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất” (1V 17,14). Lòng quảng đại ấy đã được đền đáp tương xứng, theo tinh thần thưởng phạt của Cựu Ước: cùng với Elia, hai mẹ con bà góa cũng có đủ lương thực để sống còn qua cơn hạn hán. Bài đọc 1 cho thấy cách thức hành động lạ kỳ của Thiên Chúa; lòng quảng đại tín thác của bà góa; và kết quả diệu kỳ mà Thiên Chúa dành cho những ai dám tín thác vào Người.

  • Lòng tín thác của Elia đối với lệnh của Chúa (17,10)

Để giúp cho cá nhân Elia né được cơn khủng hoảng hạn hán, Thiên Chúa truyền cho ông tới thung lũng Cơ-rít và Người đã dùng nước suối đó cùng với bánh do quạ mang tới mỗi ngày để nuôi sống Elia (17,2-6). Nhưng vì hạn hán quá khắc nghiệt và kéo dài, nên khe suối ở Cơ-rít cũng khô cạn (17,7). Và Chúa lại truyền cho Elia đến Sarepta thuộc Sidon và Thiên Chúa đã dùng một bà góa nghèo cùng khốn ở vùng dân ngoại đó để giúp Elia vượt qua cơn thiên tai.

– Sarepta là thành phố, vừa là cảng của Phénicie, cách Sidon 15km về phía nam, nay là phố cảng Saraphand. Đây là vùng đất dân ngoại thờ Baal. Ideven, vợ của vua Akhap là công chúa của xứ Phénicie, bà xúi vua bỏ Yave mà thờ Baal. Và Elia là người chống đối Baal và vua tới cùng.

Đường lối của Chúa quả là kỳ lạ: Elia là đối thủ không đội trời chúng với Baal, Chúa lại sai ông đến vùng đất của Baal để ngụ nhờ và được nuôi sống bởi một bà góa, tín đồ Baal ở xứ đó. Trong niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, Elia vâng lệnh đi đến Sarepta.

Thiên Chúa đã cho ông một dấu chỉ tốt: vừa tới cổng thành ông đã gặp được ngay đối tượng cần tìm và sau đó lại được bà góa mau mắn giúp đỡ nhu cầu đầu tiên của ông: ông xin nước uống và được giúp đỡ ngay tức khắc. Đừng quên là cả xứ đang ở trong tình trạng hạn hán đến suối nguồn cũng cạn nước; Dó đó, việc tìm được có nước đã là khó, và đối tượng đang cầu xin là một người khác chủng tộc, lại thêm thờ Yave, chống lại thần Baal của bà (x. 1V 12,12). Điểm lạ lùng đó nhắc nhở cho các tín hữu tin vào Chúa rằng tất cả đều có thể biến nên công cụ cứu độ trong bàn tay Chúa, ai thuận theo sẽ được hưởng hoa trái của hồng ân cứu độ; Đồng thời cho thấy Chúa cũng cần đến sự cộng tác yêu thương của con người ngang qua các đức tính nhân bản, lòng nhân hậu, quảng đại từ phía con người. Trừ một lần duy nhất trong công trình sáng tạo, Chúa dựng mọi vật từ hư vô, các lần khác khi thi ân cho con người, Chúa đều muốn có sự cộng tác của con người.

  • Tình cảnh khốn cùng của bà góa (1V 17,11b-12)

Tính quảng đại và hiếu khách của bà góa được biểu lộ qua thái độ mau mắn được tìm kiếm nước giữa cơn hạn hán, cho Elia uống. Nhưng khi ông đòi xin thêm một miếng bánh thì bà phải thú nhận ra tình cảnh khốn cùng của bà: “Tôi không có bánh… Tôi chỉ còn một nắm bột, một chút dầu… Tôi đi tìm ‘hai thanh củi’ về nấu ăn, rồi chờ chết” (17,12).

Thề nhân danh Yave: thề nhân danh ai hàm ý giá trị của lời tôi nói được đặt nền trên danh dự của người tôi nhân danh. Điều ấy hàm ý là lời tôi thề, tôi nói là chân thật. Bà thề nhân danh Yave là vì đối với Elia, Baal là tượng gỗ đá không giá trị, chỉ có Yave là Thiên Chúa thật. Bà đang trình bày với Elia một sự thật đau lòng nơi bà.

Tôi đi lượm HAI thanh củi: chi tiết hơi lạ. Đi tìm củi về nấu ăn, nướng bánh mà chỉ tìm hai (nói chính xác con số) thanh! Vì thế một số giáo phụ đã hiểu và giải thích chi tiết này theo nghĩa biểu tượng: “hai thanh gỗ” sẽ tạo thành cây thập giá. Chi tiết báo trước ơn cứu độ đến từ Thập Giá Đức Giê-su. (Comprendre la parole B3 p.287)

  • Elia lập lại yêu cầu kèm theo lời hứa (17,13-14)

    – Elia đưa ra một yêu sách không tế nhị chút nào: bà goá phải nhường phần ăn ưu tiên từ số lương thực còn lại quá ít đó cho ông trước. Nhưng đòi hỏi đó có kèm theo một lời hứa “hũ bột không vơi…”. Trong bối cảnh chết đói đang kề bên như thế, thì dựa vào đâu, lấy gì làm chắc rằng lời hứa đó sẽ được thực hiện? Như vậy yêu sách và lời hứa đó xuất hiện như một thử thách lòng tin vào Yave.

  • Lời hứa nhân danh Yave:

    Vì Yave, Thiên Chúa của Israel phánbà goá thề, Elia hứa đều nhân danh Yave. Lòng tín thác vào Yave đã hoán cải bà goá và Elia thành công cụ trong bàn tay Chúa để thực hiện dự tính của Người; Đồng thời liên kết họ lại thành cộng đoàn sống đủ sức vượt qua thảm họa hạn hán. Và chuyện tích bà goá dân ngoại này được cứu khỏi hạn hán đã được Đức Giê-su kể lại để trách dân làng Nadaret cứng lòng tin nên không hưởng được các ân lộc mà Đức Giê-su mang đến (Lc 4,25-26).

    Hũ bột không vơi… đức tin không phải di sản mà chỉ cần nhận một lần là đủ; Đó là một hạt giống, một mầm sống mà chúng ta phải vun trồng chăm sóc cho lớn lên mỗi ngày. Ở đây Chúa không phán: hũ bột sẽ đầy tràn… vì dù có đầy tràn mà ăn hoài thì cũng hết. Trái lại Chúa phán “hũ bột không vơi” nghĩa là cái số lượng ít ỏi mà bà đang có và dám chia sẻ cho Elia đó không bao giờ hết, luôn vừa đủ cho 3 người dùng trong một bữa ăn. Rõ ràng Chúa đang thực hiện lại “phép lạ Manna” (lượm cho đủ ăn mỗi ngày thôi) cho dân ngoại. Phải chăng Chúa đang chuẩn bị cho tinh thần đức tin mà Đức Giê-su dạy cho các Kitô hữu trong kinh Lạy Cha: xin cho chúng con lương thực hàng ngày thôi?

  • Lòng tin và hoa trái (17,15-16)

Bà goá đã tin và làm theo như yêu cầu của Elia. Kết quả là lời của Elia ứng nghiệm: “hũ bột không vơi…” và cả ba được cứu.

Bà goá này đã làm một cuộc hoán cải từ bỏ Baal, tin vào Yave và tin vào lời của vị ngôn sứ của Người. Có lẽ vì thế “các giáo phụ coi bà goá này như là đại diện cho Hội Thánh dân ngoại” (Lm Nguyễn Thế Thuấn – “Kinh Thánh” tràn 771 nôt **)

Chút suy tư về cách làm việc lạ lùng của Thiên Chúa: Thiên Chúa dùng bà goá nghèo để cứu Elia, nhưng thực ra Chúa cũng cứu luôn hai mẹ con bà đồng thời kín đáo thực thi dự tính cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên hành động đầu tiên của Thiên Chúa lại là hành động thọ ơn: Thiên Chúa qua Elia đã đi bước trước đến “XIN” nước uống, “XIN” miếng bánh nhỏ từ chút bột còn sót lại của bà. Chúa là Đấng ban ơn cho nhân loại, nhưng bước đầu Người muốn làm kẻ thọ ơn. Qua hành vi thọ ơn đó, Chúa muốn con người thực sự là “hình ảnh của Thiên Chúa” là “cộng tác viên thực thụ của Người” trong mọi dự tính thần linh. Và chóp đỉnh đó là công trình Nhập Thể cứu độ của Đức Giê-su: Thiên Chúa  đã đến “XIN” Đức Mẹ đảm nhận việc ban cho Đức Giê-su nhân tính, được hình thành, nuôi sống, lớn lên trong dạ Mẹ. Để rồi tiếp sau đó Đấng làm người đó đã là căn nguyên cứu độ cho nhân loại, ban cho nhân loại được thông phần thiên tính của Thiên Chúa.

Mỗi tín hữu có sẵn sàng phó thác bằng cách cho Chúa “mượn trước” “2 xu”, “năm chiếc bánh”, “chén nước” hay không để Chúa từ đó thực hiện ơn cứu độ cho cộng đoàn quanh ta.

Phần bà goá: bài học đáng chú ý lưu tâm: bà giúp đỡ, chia sẻ, làm ơn cho Elia, nhưng điều ta phải học hỏi là bà giúp đỡ trong tư cách là một người phục vụ khiêm tốn: đi tìm nước, nấu nướng, dâng phần ưu tiên cho Elia chứ không phục vụ theo kiểu bố thí theo lối người có vai vế trên ban ơn cho kẻ dưới. Hãy phục vụ tha nhân trong tư cách mình là “hình ảnh của Thiên Chúa” và ứng xử với tha nhân như họ là những “người con của Thiên Chúa”.

Tin Mừng: Mc 12,38-44

Đức Giê-su đã vào thành Giê-ru-sa-lem, Người đã khôi phục tính linh thánh của Đền Thờ, Người đã tranh luận, chỉnh sửa những sai trái của Do Thái vẫn hằng tồn đọng từ bao đời, để rồi cuối cùng Người cũng tạm ổn định được các phe nhóm chống đối, cứng lòng: “không ai còn dám chất vấn Người nữa” (12,34b).

Chính trong bầu khí làm chủ mọi tình huống như thế, Đức Giê-su hé mở căn tính thần linh của Người cách công khai trực tiếp cho đám đông Do Thái qua một luận lý biện chứng về vai trò của Đức Kitô trong tương quan với vua Đavit dựa vào lời cầu nguyện của ông vua này trong Tv 110,1: Đức Kitô vừa là hậu duệ của vua Đavit, nhưng đồng thời lại vừa là “Chúa Thượng = kurios” của vua. Căn tính vừa là con người vừa là Thiên Chúa của Đức Giê-su được tỏ lộ ở đây và đạt chóp đính trong Mc 15,39 “quả thật CON NGƯỜI NÀY là CON THIÊN CHÚA” = ho anthrôpos huios thêou en.

Như vậy ở đây Mc 12,35-37 đã tự xưng trước đám đông rằng Người là “Chúa Thượng”, là “Đấng ngự bên hữu Yave”, là “Đấng được Yave đặt mọi thù địch dưới chân” (câu 36, dịch sát ý). Chính trong tư cách thần linh vừa được Người công bố đó, Đức Giê-su dạy hai lời cuối cùng, trước khi công bố bài giảng cánh chung (ch.13): một cho đám đông (12,38-40); một cho các môn đệ (12,41-44). Lời dạy cho môn đệ nối kết với bài đọc 1, là chủ đề chính của Chúa Nhật XXXII B.

1. Lời dạy cho đám đông (12,38-40)

Lúc đang giảng dạy trong Đền Thờ (12,35) cho đám đông dân chúng (12,37b.38), Đức Giê-su đưa ra lời cảnh báo về cách ứng xử của các kinh sư:

  • Về sự khoe khoang, háo danh của họ: “ƯA dạo quanh”, “xúng xính trong bộ áo thụng”, “THÍCH được chào hỏi nơi công cộng”, “ƯA chiếm hàng ghế đầu trong hội đường”,”THÍCH ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc”.

Do cấu trúc tiếng Việt, chúng ta dễ lầm tưởng rằng trọng tâm của lời trách nằm ở các hành vi bề ngoài “dạo quanh xúng xính trong áo thụng”,”được chào hỏi nơi công cộng”… Thật ra ý chính nằm nơi các động từ diễn tả nội tâm: “ƯA THÍCH”.

Trong tiếng Hy Lạp, động từ “ưa thích” trên được dùng ở dạng động tính từ hiện tại, như là một danh từ, rồi tiếp ngay sau đó là một mệnh đề với động từ ở nguyên mẫu ám chỉ một mục đích, nên theo văn phạm Hy Lạp thì từ ngữ “ƯA THÍCH” phải được hiểu là “có tham vọng”, “đòi hỏi”, “yêu sách”.

Như vậy điểm đầu tiên Đức Giê-su trách các kinh sư không nhằm vào các hành động cụ thể nhưng là vào cái tâm HAM MUỐN QUÁ ĐỘ của họ; Với hàm ý rằng phải tìm đủ mọi cách miễn sao đạt cho kỳ được điều họ khát khao, thèm muốn, đến độ bản văn gọi họ chết tên luôn là “những kẻ ham muốn” = “TÔN THÊLONTÔN”.

Chính cái “muốn” quá độ ấy đã làm biến chất các mối tương giao, biến những việc “mặc áo thụng”, “ngồi chỗ nhất”, “được chào hỏi”…- vốn là những nghi lễ xã hội cần phải có để tạo ổn định, trật tự và văn minh cho đời sống cộng đồng – trở thành những đồ trang sức rẻ tiền, bị họ thao túng dùng để đánh lừa thiên hạ, phô trương cái tôi méo mó đã được ngụy trang của họ; Những nghi lễ chóng qua âý lại thành cùng đích, lẽ sống của đời họ. Các phương tiện phục vụ đời sống cộng đoàn bị họ làm biến chất, bị họ phù phép thành những yếu tố riêng tư phục vụ họ.

Thế rồi họ biến thái thành nô lệ cho việc “mặc áo thụng”, “ngồi chỗ nhất”, trở nên vụ luật, tranh giành… Các điều ấy trở thành “trái cấm” cho họ, khi họ gán cho chúng những năng lực mà chúng không có, khi họ tìm kiếm nơi chúng cái phần thưởng mà chúng không thể nào ban tặng cho họ được. Tóm lại, thay vì tìm hạnh phúc trong Chúa, thì họ lại MUỐN tự tạo cho mình một hạnh phúc theo tham vọng của mình, lấy những thứ phù du làm chỗ cậy dựa và xây đời mình trên đó.

  • Về sự vô liêm sỉ, tham lam, lạm dụng luật: “họ ngốn hết nhà cửa của các bà goá” (12,40). Họ tham lam và vô liêm sỉ vì họ công khai chiếm đoạt của cải nhà cửa của các bà goá mà vẫn không bị vi phạm luật, không ai vạch mặt họ ra được. Các bà goá là cô thế, cô thân, bị xã hội lẫn tôn giáo coi rẻ, họ không có tiếng nói trước pháp luật. Còn các kinh sư là những người thông luật; Lẽ ra theo tình thần Do Thái giáo họ phải dựa vào luật để bảo vệ những kẻ thấp cổ bé miệng thì ở đây họ đã lạm dụng lề luật, rồi với khả năng thông luật họ đã nhào nắn, lý luật luật theo đường hướng có lợi cho họ, tránh né được các pháp chế hiện hành gây thiệt hại cho các bà goá (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật B Thường Niên tràn 585-586). Họ đã lươn lẹo, lách luật cách ma giáo để ngốn hết nhà cửa của các bà goá mà không hề bị vi phạm luật, không ai nhận ra mưu mô của họ; họ bóc lột người nghèo mà mặt nạ đạo đức của họ không bị rơi xuống. Đức Giê-su đến lột mặt nạ họ.

  • Về sự giả hình: “làm bộ cầu nguyện lâu giờ”. Lừa dối chính mình, lừa dối cách vô liêm sỉ tha nhân chưa đủ, họ muốn đánh lừa cả Thiên Chúa. Đức Giê-su không kết án việc cầu nguyện lâu giờ vì chính bản thân Người cũng cầu nguyện suốt đêm. Người kết án thái độ LÀM BỘ nghĩa là chỉ có dáng vẻ bên ngoài nhằm tìm hư danh, trục lợi còn lòng dạ thì cách xa Thiên Chúa (Is 29.13; Mc 7,6).

Đức Giê-su cảnh cáo đám đông đừng để bị những dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài lừa dối. Hãy cố gắng sống chân tâm, sống đúng cương vị của mình trong tương quan với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa.

2. Lời dạy cho môn đệ (12,41-44)

  • Gương quảng đại của bà góa nghèo (12,41-42)

Đức Giê-su ngồi gần thùng đựng tiền dâng cúng của Đền Thờ và quan sát. Có lắm người giàu có dâng cúng nhiều; và cũng có một bà góa nghèo đến dâng cúng 2 đồng tiền kẽm trị giá bằng ¼ đồng xu Roma.

– Thùng tiền là thùng dùng để đựng tiền dâng cúng. Nó được đặt ở tiền đình phụ nữ. Đức Giê-su, theo Tin Mừng Gioan, vẫn thường hay lui tới nơi này để giảng dạy dân chúng (Ga 8,20; 10,23).

Theo Monique Piettre, tiền đình phụ nữ gần kề bên “hành lang Kho Tàng”, trong hành lang này có đặt 13 cái thùng dùng để đựng các của cải được dâng cúng: 12 Thùng đựng những đồ dâng cúng có ý chỉ đặc biệt; còn Thừng thứ 13 thì dành đựng những lễ vật dâng kính mà không có ý chỉ rõ ràng. Một tư tế đứng đó hướng dẫn các tín hữu phải để lễ vật vào Thùng nào cho đúng theo ý chỉ họ muốn dâng cúng (Comprendre la Parole Année B3 p.293). Vậy bà góa sẽ bỏ số tiền ít ỏi của bà vào Thùng thứ 13.

Và theo Paul Ternant trong Assemblées du Seigneur số 63 thì khi bỏ tiền vào Thùng người dâng cúng phải xướng lớn tiếng số tiền mình dâng. Có lẽ nhờ đó, Đức Giê-su mới biết rõ số tiền bà góa dâng là “2 đồng tiền kẽm” và Macco giải thích số tiền ấy trị giá là ¼ xu Roma. Nên biết thời đó giá trị của một phần lương thực bố thí cho người nghèo là một ngày 2 xu.

Bà góa vừa quảng đại, vừa hết lòng với Chúa, không sợ dư luận cười chê vì tiền dâng cúng quá ít không đủ mua một bữa ăn cho một người ăn xin sống lây lất qua ngày. Nhìn bà góa rồi tự vấn lương tâm: tôi có đủ can đảm dâng cho Chúa “2 đồng kẽm” để sống hằng ngày của tôi cho Chúa? Chúa đang cần “5 cái bánh và 2 con cá” của tôi để nuôi dân Chúa.

  • Bài học cho môn đệ (12,43-44)

    “Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại…”: ở đây Đức Giê-su đã xem bà góa như là người môn đệ kiểu mẫu trong khía cạnh dâng hiến cho Thiên Chúa: dù thiếu thốn, bà dám dâng tất cả những gì mình có. Môn đệ là người đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28), vậy chúng ta có dám thật sự “bỏ mọi sự”, dâng hết cho Thiên Chúa hay là còn muốn bám víu vào một cái gì đó như Phê-rô khi ông hỏi Đức Giê-su “chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Đức Giê-su sắp bước lên Thập Giá, môn đệ thì đang đi theo Người, vậy có dám dâng hiến luôn 2 đồng tiền kẽm để sống qua này, để Thiên Chúa hoàn tất công cuộc của Người nơi mỗi môn đệ không? Có dám bắt chước anh mù ở Giê-ri-cô, vứt bỏ tất cả những gì đã giúp anh sống lây lất qua ngày trong mù lòa, để được Đức Giê-su mở mắt và dám theo Người trên con đường Người đi (Thập Giá) với đôi bàn tay trắng?

    Và nói: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều nhất”:

Cái nhìn, cách đánh giá của Thiên Chúa khác hẳn con người. Chúa nhìn vào thái độ nội tâm hơn là những cái bên ngoài. Tuy nhiên Chúa không hề phủ nhận cái giá trị bên ngoài: bà góa phải đóng góp cái “tất cả mình cần để sống” dù chỉ là ¼ xu Roma; và Đức Giê-su đánh giá dựa vào cái cụ thể đã cho đi ấy chứ không chỉ dựa vào ý hướng nội tâm suông. Đức Giê-su cũng không chê những người cho nhiều mà chỉ nói bà góa cho “nhiều hơn ai hết”.

Đối với các môn đệ, qua đoạn văn ngắn này, Đức Giê-su không chỉ dạy cho họ về vấn đề luân lý đạo đức, quảng đại hơn thua mà là dâng hết cho Chúa khi muốn đi theo Người, nhất là theo Người trên con đường Thập Giá. Chìa khóa để hiểu bài học này là “bà đã bỏ vào đó TẤT CẢ tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (12,44b).

Các môn đệ đang bám theo Đức Giê-su. Thập Giá lại đến tận cửa rồi. Đã chuẩn bị tâm hồn bỏ tất cả mọi sự chưa? Đã sẵn lòng yêu Chúa hết linh hồn, hết… chưa?… Nếu chưa thì thật tai hại: không từ bỏ tất cả ngay giây phút hiện tại này, không dám sống “điều răn đứng hàng đầu” ngay trong cuộc sống… thì tới khi Thập Giá của Đức Giê-su xuất hiện thì môn đệ – thay vì bỏ tất cả – thì bỏ Chúa thôi.

Chuyện các ông kinh sư, chuyện bà góa: lời cảnh cáo nghiêm khắc cho môn đệ, các ông đang theo Đức Giê-su với tâm trạng nào, trong tư cách nào? Không so đo với kẻ khác, hãy dâng Chúa tất cả những gì mình có để sống; Hãy hoán cải mau: theo Chúa trong tư cách là người môn đệ mến Chúa yêu người theo “điều răn đứng hàng đầu”.

Frère Pierre Đình Long FSC