CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Is 50,5-9a; Mc 8,27-35
Chủ đề: Đấng Thiên Sai (Kitô) và con đường Thập Giá. 

* Is 50,5-6: ĐỨC CHÚA đã mở tai tôi… Tôi không cưỡng lại…tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn.

* Mc 8,29.31: Thầy là Đấng Kitô… Con Người phải chịu đau khổ nhiều…bị giết chết.

 Các trích đoạn Tin Mừng của các Chúa Nhật trước đã hé cho chúng ta thấy Đúc Giêsu chính là Thiên Chúa nhập thể trong thân phận một con người mang tên là GIÊSU, con bà Maria và ông Giuse, là cư dân của làng quê Nadaret. Người có quyền năng khuất phục bệnh tật, đói khát, thiên nhiên và ma quỷ nữa. Với quyền năng như thế, nếu Người chịu chiều theo ý hướng phàm nhân chắc chắn Người sẽ được tôn vương. Tuy nhiên đường lối của Chúa lại khác với ước mơ nhân loại. Phương thế mà Thiên Chúa dùng để thực hiện ơn cứu độ là THẬP GIÁ. Đức Giêsu quả thật là ĐẤNG KITÔ CỨU THẾ, nhưng là một ĐỨC KITÔ THẬP GIÁ. Lời Chúa hôm nay khẳng định dứt khoát như thế: bất kỳ ai có ý định đi ngược lại con đường Thập giá này là kẻ chống lại Thiên Chúa, là kẻ phá hoại chương trình của Thiên Chúa, là chính như Satan.

Lẽ thường, theo thói đời, hễ ai có uy thế, năng lực, nắm quyền bính trong tay thì sẽ thống trị, chèn ép kẻ khác, bắt họ phải phục vụ mình; Trái lại đối với những ai tin theo Đức Giêsu thì làm lớn phải làm người phục vụ, nếu cần phải phục vụ đến hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích cứu độ của nhưng kẻ thuộc về mình theo gương Đức Kitô (x.Mc 10,42-45).

Tuy nhiên phải lưu ý điều cốt yếu này: Thập giá theo gương Đức Ki tô không phải là ĐÍCH ĐẾN, đó chỉ là lộ trình phải đi, ngưỡng cửa phải bước qua để tiến vào một nơi mới mẻ. Điểm đến của Thập giá Đức Kitô là PHỤC SINH: “sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Thập giá nào mà đưa con người tới ngõ cụt, tuyệt vọng thì đó là hậu quả, án phạt của tội. Tình yêu vô địch, quyền năng cứu độ của Đức Giêsu là Người đã dùng Thập giá của Người để khai thông biến “thập giá ngõ cụt, tuyệt vọng” thành con đường dẫn tới PHỤC SINH. 

Bài đọc 1 trích từ sách Isaia đệ nhị (Is 40-55), ủi an, khích lệ dân Chúa đang khốn khổ trong cảnh lưu đày hãy bình tâm lại, vui lên vì Chúa sắp can thiệp mạnh ra tay giải cứu dân. Phương thế chính yếu đệ Chúa dùng để cứu dân là một nhân vật huyền bí, được sách Isaia đệ nhị gọi là “Người Tôi Trung” của Thiên Chúa và mô tả trong “bốn bài ca về Người Tôi Trung” (Is 42,1-7; 49,1-7; 50,4-9a; 52,13 – 53,12). Bài đọc 1 trích từ bài ca thứ ba, mô tả vài nét dung mạo Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Nét chính yếu được nhấn mạnh ở đây là con đường thập giá mà Người Tôi Trung phải đảm nhận để hoàn tất sứ mệnh của Thiên Chúa đối với dân qua bản thân Người Tôi Trung. TRƯỚC TIÊN, bài một trình bày Người Tôi Trung là người nhận ra được ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình: biết Thiên Chúa muốn đào tạo mình nên một ngôn sứ để dùng lời đón nhận được từ Thiên Chúa mà nâng đỡ những ai kiệt sức. Đón nhận cách đào tạo của Thiên Chúa: sáng sáng Chúa đánh thức tôi dậy, mở tai tôi, cho tôi lắng nghe Lời Chúa NHƯ MỘT MÔN ĐỆ. Nhờ đó Người Tôi Trung đủ khiêm tốn, can đảm chấp nhận đường Thập giá cho bản thân từ tinh thần đến thể xác: chịu đòn vọt, sỉ nhục, không che mặt trốn chạy… Kiên tâm, bình an, tỉnh táo… trước những vu oan, tố cáo của thù địch, vì Tin Thiên Chúa phù trợ, Tin Thiên Chúa ở cùng mình. Và kết thúc là chết oan uổng, thua thiệt mà cuộc đời như không thấy đổi thay. Thật phi lý!

Chúng ta chỉ gặp được câu đáp trong Đức Kitô: điểm tới Thập giá là PHỤC SINH. Thật vậy, trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mặc khải con đường Thập Giá chính là Đường Cứu Độ. Những nét phác họa dung mạo Người Tôi Trung báo trước những gì Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi Đức Kitô. Tuy nhiên, Thập giá chỉ là LỘ TRÌNH, là ngưỡng cửa phải bước qua để đi tới PHỤC SINH: “…bị giết chết sau ba ngày sẽ sống lại”. Chữ “VÀ” nhấn mạnh tính liên đới mật thiết giữa Thập Giá và Phục Sinh. Do đó, ai không muốn đường Thập giá chính là muốn hủy bỏ Phục Sinh, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại mắng Phêrô nặng lời là “SATAN, lui ra sau Thầy…”. Điều Phêrô tưởng là tốt (tức từ chối Thập Giá) không là ý Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn ai theo làm môn đệ Người phải xác tín vào con đường Thập Giá cứu độ, bằng lời tuyên tín ĐÍCH THÂN của mình: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Sau khi chỉnh sửa Phêrô, Đức Giêsu tiếp tục đòi hỏi dứt khoát hơn nữa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, VÁC THẬP GIÁ MÌNH mà theo”. Đó chính là Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu mang tới.

Phải vác Thập giá, vì đó là phận người tội lỗi phải chết, nhưng TIN rằng trong và nhờ Đức Giêsu, “Thập giá ngõ cụt” ấy đã thành sinh lộ đưa tới Phục Sinh. Xin cho mọi tín hữu dám noi gương Đức Giêsu dấn thân vào đường Thập Giá – Phục Sinh như một người MÔN ĐỆ TỐT.

Bài 2

“Thầy là Đấng Kitô”… Con Người phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết, va sau ba ngày sẽ sống lại… “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (Mc 8,29b.31b.34b).

Lời Chúa của Chúa Nhật XXIV B hé mở một chút về con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Người thật sự là ai? Người có vị trí nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? Và Người đã chọn “chiến lược”, “kế sách” nào để hành động, thực thi tầm nhìn của Thiên Chúa trên cuộc đời của Người và vũ trụ?

Lẽ thường theo nhãn giới phàm nhân, thì một người có địa vị như thế nào thì phải có cách biểu lộ ra bên ngoài trong cách ăn mặc, đi đứng, ứng xử… tương ứng.

Lẽ thường, tội của ai thì người đó chịu; Nợ của ai thì người đó trả. Không ai phải gánh thế món nợ của người khác gây ra cả. Cha mẹ có thể tự nguyện đứng ra gánh nợ giùm cho con, nhưng không ai có quyền nhân danh luật pháp chân chính để buộc tội cha mẹ vì nợ của đứa con đã trưởng thành.

Lẽ thường trong một cuộc chiến đấu, ai cũng muốn mình là kẻ chiến thắng. Và các chiến thắng tuyệt đối nhất là đưa kẻ thù của mình vào chỗ chết.

Lẽ thường, đã chiến đấu thì phải chấp nhận hy sinh, thua thiệt… thế nhưng không ai lại chọn cái chết khổ nhục thất bại – chẳng những cho bản thân mình mà con cho cả những ai muốn theo mình nữa – làm vũ khí chủ lực của cuộc chiến, làm “hiệu kỳ” chiến thắng; Và là chiến thắng tuyệt đối.

Lẽ thường, cha mẹ dù có sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho con cái đi nữa thì cũng hy vọng rằng con cái mình sẽ được sống yên hàn, sung túc, hạnh phúc. Không cha mẹ nào hy sinh để rồi lại mời dòng họ của mình đi vào con đường khổ nạn như chính mình: “ai muốn theo tôi… hãy vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Và thật là điên rồ! không ai hy sinh mạng sống mình để cứu độ kẻ thù luôn rình hãm hại mình; Và kiên trì đào tạo những “Satan” ấy thành môn đệ của mình.

Tất cả những nghịch lý ấy của con đường cứu độ. Đã đến lúc phải được mặc khải rõ ràng. Vì giai đoạn trước thời điểm Phêrô tuyên tín (Mc 8,29), Đức Giêsu đã bày tỏ chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua lời rao giảng đầy quyền uy và qua những phép lạ đầy ấn tượng của Người và mọi người, kể cả những kẻ chống đối, phải nhìn nhận các sự kiện đó. Thế nhưng, những nét thành công ấy đã đưa đến hiểu lầm về đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, người ta chờ đợi nơi Đức Giêsu một nhà pháp thuật thần thông vĩ đại, chỉ cần một lời nói của Người là giải quyết được mọi vấn đề mà đám đông đang chờ đợi. Không ai thấy cơn cám dỗ chết người đang rình rập; không ai ngờ được rằng Satan đang có mặt và mọi người đang bị Nó giựt dây kể cả Phêrô: Đấng Thiên Sai đến để thỏa mãn những nhu cầu vật chất thấp hèn của kiếp người tội lỗi (giải quyết một cách dễ dàng cái ăn, cái bệnh tật, cái khát vọng thống trị kẻ khác), chứ không phải để hướng dẫn con người từ bỏ những thứ đó để đi theo Người thực hiện Ý Thiên Chúa. Cuộc thất bại của Adam và Eva trong Địa Đàng có nguy cơ lập lại; Con Rắn đang rình để tung ra một “đòn trí mạng” đã từng hạ gục Adam. Và lần này kẻ trúng đòn là Phêrô. May thay, “Adam mới” đã không bị lôi cuốn. Đức Giêsu đã vạch mặt và đạp dập đầu “Con Rắn Phêrô”: “Satan, lui lại đàng sau Thầy” nhưng không để hủy diệt, đuổi đi mà mời ông đi theo Người bước vào tầm nhìn của Thiên Chúa “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (8,33).

Đường cứu độ là đường Thập Giá chứ không là đường phép lạ. Sau lời tuyên tín của Phêrô, Đức Giêsu chỉ còn làm hai phép lạ:

  • Chữa em bé bị quỷ ám sau biến cố Hiển Dung (9,14-29)

  • Chữa người mù tại Giêricô trước khi tiến vào Giêrusalem (10,46-52)

Qua hai phép lạ cuối cùng này, Đức Giêsu muốn dạy cho môn đệ: quyền năng thần linh đã được trao ban cho con người qua CẦU NGUYỆN (9,29) và ĐỨC TIN (10,52).

Chính yếu của mặc khải sau tuyên tín là ĐƯỜNG THẬP GIÁ: ba lần mặc khải Thập Giá đều găp những phản ứng lại sai lầm của đoàn môn đệ và Đức Giêsu lại phải khổ công điều chỉnh, trước khi đưa các ông vào Giêrusalem đón nhận Thập Giá.

Mở đầu phần điều chỉnh của Đức Giêsu trước sai lầm của Phêrô là một lời sửa dạy nặng nề: gọi Phêrô là “Satan”. Quá bất ngờ! Nhưng đó là sự thật. Điều quan trọng không là thiện chí của con người mà là TƯ TƯỞNG CỦA THIÊN CHÚA.

Con đường Thập Giá cứu độ không là tư tưởng riêng của Đức Giêsu. Đó là ý Cha và từ từ được mặc khải dần trong dòng lịch sử. Bài đọc một hôm nay là một hé mở con đường Thập Giá cứu độ của Chúa Cha.

Bài đọc một: Is 50,5-9a

Bài đọc một trích từ Sách Isaia đệ nhị (Is 40-55), được soạn vào cuối thời lưu đày, do một môn đệ của trường phái Isaia, nhằm khơi dậy niềm tin và hi vọng của dân Chúa: thời điểm Chúa tha thứ, giải cứu sắp tới rồi. Đấng Cứu Tinh là một nhân vật huyền bí được gọi là NGƯỜI TÔI TRUNG. Dung mạo của vị này được Isaia đệ nhị diễn đạt qua bốn “bài ca về NGƯỜI TÔI TRUNG”: Is 42,1-7; 49,1-7; 50,4-9a; 52,13-53,12. Bài đọc một là trích đoạn từ bài ca số 3, nói về NGƯỜI TÔI TRUNG đã can đảm đón nhận đường lối lạ lùng của Thiên Chúa nơi bản thân mình trong tin tưởng phó thác để cứu độ dân.

* Adonay Yavê đã mở tai tôi (c.5):

“Yavê” là tên Thiên Chúa mặc khải cho Môsê để dân dùng danh đó mà kêu cầu cùng Thiên Chúa cho đến muôn đời (Xh 3,15). Đối với Israel, Yavê là Thiên Chúa duy nhất, họ không được thờ thần nào khác. Đó là niềm tin trước thời lưu đày. Đến lưu đày, niềm tin độc thần xác định rõ hơn: không có thần linh nào cả, chỉ một mình Yavê Thiên Chúa là thần linh. Do đó vào thời lưu đày trở đi xuất hiện cách gọi “Adonay Yavê” để diễn tả niềm tin đỉnh cao Thiên Chúa độc thần, Yavê là Thiên Chúa duy nhất.

Thật vậy, trước lưu đày, danh xưng “Adonay” rất ít gặp được sử dụng cho Thiên Chúa; Nhưng đến thời lưu đày, các ngôn sứ dùng nó đi kèm với tên “Yavê” để cảnh cáo dân đừng chạy theo các thần dân ngoại nhất là khi họ bị mặc cảm về mặt quan điểm tôn giáo thời đó: họ thua trận, vậy thần Yavê yếu hơn các thần dân ngoại. Các ngôn sứ phải vực dậy lòng tin, và danh xưng kép “Adonay – Yavê” được sử dụng thường xuyên (Is 48,16; 49,22; 52,4; 61,1; Ed 13,3c.13.16.18.20; 14,4.6.11; 23,22.28.32.34.46; 24,6.14.21…).

“Yavê” cũng là tên Thiên Chúa dùng để ký kết Giao Ước Sinai với Israel (Xh 19,7-24): “Ta là Yavê Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 20,2; Đnl 5,6). 

Về mặt dịch thuật, linh mục Nguyễn Thế Thuần dịch “Adonay Yavê” = “Đức Chúa Yavê” ; Còn nhóm CGKPV dịch “Adonay” là “Chúa Thượng” còn “Yavê” là “ĐỨC CHÚA”.

* Đọc thêm c.4, ta thấy Thiên Chúa có một dự tính đối với NGƯỜI TÔI TRUNG (xem trong bài Chủ đề”. Bài ca số ba về NGƯỜI TÔI TRUNG này dùng từ “Adonay Yavê” đến bốn lần: 50,4.5.7.9 là muốn nhấn mạnh rằng đường lối lạ lùng này là độc đáo chỉ có Thiên Chúa duy nhất mới hành động như thế. Vậy “đường Thập Giá cứu độ” không là một đường lối bệnh hoạn của loài người, cũng không là sáng kiến của Đức Giêsu, mà là dự tính thần linh của vị Thiên Chúa Yavê duy nhất.

* NGƯỜI TÔI TRUNG dám đón nhận mọi khổ đau thể xác lẫn tinh thần là vì xác tín rằng Adonay Yavê phù trợ mình (cc 6-7); quả quyết rằng Adonay Yavê đứng về phía mình, ở bên mình, tuyên bố mình công chính (cc.8-9a).

Vậy đường Thập Giá, chủ yếu không nằm ở các tiểu tiết khổ đau, hành hạ, chết chóc mà nằm ở xác tín nội tâm: đó là đường lối của Thiên Chúa. Nên trong Tin Mừng, Đức Giêsu không mắng Phêrô vì ông nhát đảm hoặc chỉ biết tìm an toàn mà Người trách ông “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mc 8,33b).

Vậy Thập Giá là chọn theo Ý Cha chứ không chọn theo “ý con”. Và mỗi lần làm theo “ý con” là khước từ Thập Giá là biến mình thành cánh tay nối dài của Satan.

Ý Cha là muốn đào tạo NGƯỜI TÔI TRUNG thành môn đệ; Ý Đức Giêsu là muốn Phêrô phải “lui lại đàng sau Thầy”. Trở thành môn đệ là công việc kiên trì, mối ngày: 

  • Phải đón nhận đường lối Chúa trên đời mình.

  • Phải chấp nhận để Thiên Chúa đào tạo: sáng sáng Chúa đánh thức tôi.

  • Phải để Chúa mở tai, lắng nghe Lời Chúa như một mộn đệ.

  • Không lùi bước trước những khó khăn.

  • Phải trở thành nơi cậy dựa cho những ai yếu đau kiệt sức.

  • Sự công chính của tôi là ở nơi Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mc 8,27-35

Với bài giảng thứ hai (Mc 7,1-23), Đức Giêsu đã loại bỏ đi những bất cập của luật sạch dơ, dọn đường cho công trình nối kết Do Thái và dân ngoại thành một, Đức Giêsu đã tiến vào vùng đất dân ngoại, và ở đó, Người cũng đã thi ân giáng phúc cho dân ngoại, tất cả những gì Người đã làm cho dân Do Thái (ba cặp phép lạ đối xứng nhau qua điểm trung tâm là bài giảng thứ hai) (Mc 7,24-8,10).

Trong tương quan với đoàn môn đệ, Đức Giêsu muốn tìm nơi an bình thoát mọi náo động thường ngày để đào tạo thêm cho các ông, nhưng chưa được (7,24). Qua các biến cố (dù đã được Đức Giêsu sai đi thực tập và đã thành công: 6,7-13) các ông dường như chưa hiểu gì về giáo lý của Đức Giêsu (8,14-21). Tình trạng trì trệ đến độ Người phải nặng lời mắng các ông “ngu muội” (8,17). Nếu tình trạng này không khắc phục được thì khó lòng tỏ bày trọn vẹn căn tính Kitô của Người và bày tỏ con đường Thập Giá. Cần phải can thiệp mạnh để “mở mắt” cho các ông. Lần này để đạt được mục đích tĩnh lặng cần thiết, Đức Giêsu đã đưa các ông đi xa tít khỏi đất Do Thái, đến tận Xêdarê Philipphê. Dọc đường, Người đã chữa lành cho anh mù (8,22-26: bản văn này là riêng của Marcô). Phép lạ này đối với Marcô như là chuẩn bị “mở mắt” tâm hồn cho môn đệ giúp họ nhận ra Đức Giêsu là Kitô. Ngay sau phép lạ này, Marcô thuật lại trình thuật nói về cuộc tuyên tín của Phêrô, cũng như lần đầu công khai chính thức loan báo về Thập Giá. Đây là bài đọc Tin Mừng XXIV B của phụng vụ.

  1. Đức Giêsu tỏ mình là “Kitô” cho đoàn môn đệ (8,27-30)

* Xêdarê Philipphê: vùng đất dân ngoại nằm ở cực bắc Palestin, thuộc quyền quận vương Philipphê (con của vua Hêrôđê Cả với bà Cléopâtre người Giêrusalem). Chỉ khi thoát khỏi “men của Hêrôđê và men Pharisêu”, không còn bị khống chế bởi những rào cản bất cập Luật Do Thái và được Đức Giêsu “mở mắt” thì đoàn môn đệ mới đủ tự do nhận ra căn tính của Đức Giêsu.

* Anh em bảo Thầy là ai? Đây là vấn đề cốt lõi của đức tin Kitô giáo và đặc biệt là của Tin Mừng Marcô (Mc 1,1). Đây không phải là nổ lực tìm tòi của nhân loại mà là sáng kiến, một mặc khải của Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã cố gắng từng bước một dẫn đoàn môn đệ vào một tiến trình đào tạo đặc biệt, để khi đến lúc thì có thể tuyên tín: – chọn riêng, cho ở chung với Người để được Người sai đi (3,14); cho các ông tham gia hết mình vào các hoạt động của Người (3,20); Người dạy dỗ thêm, riêng cho các ông (4,10-12); Người tập dần các ông hoạt động độc lập (6,7-13); Người dạy các ông đời sống nội tâm: tìm nơi thanh vắng, nghỉ ngơi đôi chút (6,31); Người cảnh cáo các ông coi chừng men Hêrêđê, men Pharisêu (8,14-21); Người đưa họ ra khỏi vùng khống chế của tầm ảnh hưởng Do Thái (8,27a); Người chủ động từng bước đặt vấn nạn đưa các ông vào huyền nhiệm của Người (8,27b).

Thiên hạ nói gì về Người? Chắc chắn là Người biết rõ dư luận thiên hạ nói gì về Người và Người không bận tâm đến điều đó. Vấn đề làm cho Người thao thức là các môn đệ được Người tuyển chọn từ đầu, đã theo Người từng bước, mỗi ngày, họ nói gì về Người.

* Thầy là Đức Kitô: “Kitô” = Kristos (hi lạp) = Mêsia (Do Thái). Nghĩa đen của từ Mêsia là “được xức dầu”. Người được xức dầu là người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm các công việc của Người. Trong Kinh Thánh, những người được xức dầu là “vua” (1Sm 16,1-13; 24,7); là “tư tế” (Xh 28,41; 40,13-15), là “ngôn sứ” (1V 19,16b). Thực tế, trong suốt Cựu Ước không thấy có ngôn sứ nào được xức dầu tấn phong để đi làm sứ mạng ngôn sứ cả.

Vua, tư tế, ngôn sứ là các thể chế do Thiên Chúa thiết đặt để thay mặt Chúa lãnh đạo dân (x.Đnl 17,14 – 18,22). Tùy giai đoạn lịch sử của dân mà một trong ba vai trò trên sẽ nổi bật hơn. “Đấng được xức dầu” lẽ ra phải làm theo ý Chúa; Nhưng trong thực tế của dòng lịch sử dân Chúa: vua đã bất trung, tư tế coi thường Thiên Chúa (Ml 1,6-14), ngôn sứ cũng chẳng ra hồn (Mk 3,5; Gr 23,13). Tóm lại tất cả đều hư đốn (Gr 2,8), hậu quả là dân bị phân tán, lưu đày…Niềm hy vọng về một đấng mêsia trần thế, đấng ấy sẽ làm rạng rỡ danh Chúa, sẽ tạo phúc cho dân, đã bị phá sản. Kinh Thánh hướng về một Đấng Mêsia cánh chung với dung mạo huyền bí được phác họa trong ba bài nói về Đấng Emmanuel trong Is 7,14-17; 9,1-6; 11,1-9 bốn bài nói về Người Tôi Trung trong Is 40-55. Tuy nhiên Isaia không gán cho nhân vật đó danh xưng “Mêsia” (ĐN TH TK “Massia”).

Từ đó, người Do Thái mong đợi Đấng Mêsia cánh chung. Qua lời tuyên tín của Phêrô, Marcô khẳng định rằng Đấng đó chính là Đức Giêsu lịch sử. Toàn bộ sự mong đợi của Cựu Ước đã được đáp trả rồi nơi một người phàm mang tên Giêsu, nơi Người Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ. Đó là Tin Mừng (Mc 1,1).

Như vậy căn tính thần linh của Đức Giêsu đã dần được bày tỏ. Thế nhưng bằng phương thức nào, Đức Giêsu thi hành và hoàn tất sứ mạng thần linh?

2. Nhưng đó là Đức Kitô thập giá và phục sinh (8,31-33)

* Phần thứ hai của bài đọc Tin Mừng được mở đầu bằng lời loan báo Thập Giá và Phục Sinh. Mc 8,31 mô tả Thập Giá Đức Giêsu bằng những hình ảnh gợi lại những hậu quả khốc hại của tội nguyên tổ: 

  • “chịu đau khổ nhiều” gợi lại St 3,16-19.

  • “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ” gợi lại St 3,12: con người chối từ nhau, coi nhau như kẻ thù, không còn là “xương tôi, thịt tôi” nữa.

  • Sau cùng là “chết” so với St 3,19b.

May thay Thiên Chúa nhập cuộc, nhân loại hồi sinh. Nhưng Thiên Chúa nhập cuộc trọn vẹn bằng con đường làm người. Chính con người thắng ma quỷ (St 3,15).

* “Con Người” phải chịu…(8,31).

Marcô không nói “Đức Giêsu” hoặc “Đấng Mêsia” hoặc “Con Thiên Chúa” chịu đau khổ…mà nói “Con Người”. “Con Người” là “Adam” (tiếng Hipri), là “anthrôpos” (tiếng hi lạp) chính là nhân loại là sinh vật cao cấp nhất, hữu hình mà Thiên Chúa dựng nên (St 1,26.27). Như vậy Đức Giêsu đã làm tròn ý Cha. Người đã chiến thắng ma quỉ bằng thân phận “con người” nhưng là “con người hình ảnh của Thiên Chúa”, chứ không phải là “con người dại dột, cánh tay nối dài của Con Rắn”.

* Phản ứng của Phêrô (8,32b)

“Phêrô kéo riêng Người ra”: ông muốn tách Đức Giêsu ra khỏi lộ trình của Cha. Thay vì chấp nhận thân phận chung của nhân loại đã sa ngã, theo ý Cha, để được Cha hồi phục, thì ông lại muốn đi con đường riêng, không dám đương đầu với khổ đau chiến đấu, muốn trốn chạy Thập Giá.

Ông đúng là cánh tay nối dài của Satan, giống như Eva đối với Adam; Ông muốn chiếm đoạt vị trí làm thầy của Đức Giêsu. May thay, Đức Giêsu đã không đồng lõa như Adam. Nhờ đó Phêrô được cứu, đoàn môn đệ được cứu (8,33) và cả đám đông, tức nhân loại cũng được cứu (8,34).

* Phản ứng của Đức Giêsu (8,33)

Kiên vững trong dự tính của Thiên Chúa. Vạch mặt Satan: cơn cám dỗ ở Vườn Địa Đàng luôn rình rập con người và mưu mô của Rắn ngày càng thâm độc, xảo quyệt: ngay trước mặt Đức Giêsu, Rắn cũng dám giựt “vị giáo hoàng” của Chúa ra khỏi tay Người. Rắn đá là bại tướng trước Con Người nhưng Rắn có thể đánh bại môn đệ của Con Người. Đức Giêsu đã vạch mặt Satan và hồi phục Phêrô về lại vị trí làm môn đệ. Tội của Phêrô rất nặng biến Phêrô từ vị thế môn đệ thủ lãnh (x.Mt 16,17-19) trở thành kẻ đối thủ không đội trời chung với Đức Giêsu: Satan. May là Đức Giêsu đã thương, đưa ông về lại vị trí môn đệ: “lui lại đàng sau Thầy”.

3. Đường Thập Giá cũng là lộ trình của MỌI người môn đệ Đức Giêsu (8,34-35):

  • “Ai muốn theo tôi” tức là muốn làm môn đệ: đi cùng một con đường với Thầy, cùng chung số phận với Thầy (x.Mc 13,9-13; Mt 10,24-25).

  • “Phải” hàm ý bắt buộc, không miễn chuẩn được.

  • “Từ bỏ mình”: “MÌNH” ở đây là cái tôi đã bị Satan và sự dữ khống chế. Phải từ bỏ cái “mình” này cùng các khuynh hướng xấu của nó. Đó là lời Đức Giêsu mời gọi ĐÁM ĐÔNG và CÁC MÔN ĐỆ (8,34).

  • “Vác Thập Giá mình mà theo”: như đã suy niệm trên, Thập Giá đã nằm trong dự tính từ ngàn đời của Thiên Chúa, khi Thiên Chúa dám ban tặng trọn vẹn tự do cho con người.

Có thể nói Thập Giá là “sáng kiến” của chính Thiên Chúa. Gọi đó là “sáng kiến” là vì “đau khổ” và “sự chết” không có tên trong danh mục những gì Chúa tạo dựng nên trong công trình sáng tạo. Thế nhưng khi con người lạm dụng tự do, làm xáo trộn qui luật sáng tạo, thì xuất hiện sự kiện tạm so sánh với việc “đột biến gen”: từ trong sự an bình của sáng tạo, con người đã làm “đột biến” thành các “gen nguyên tội”. May thay, Thiên Chúa, Đấng làm chủ mọi qui luật “gen” đã xuất hiện kịp thời ban lời hứa chữa trị cho con người. Tình Yêu, Quyền Năng Thiên Chúa tận dụng luôn những tác hại của “gen nguyên tội” để giáo dục và cứu nhân loại. Và đó cũng là cách Thiên Chúa dùng để tiêu diệt sự chết: Thiên Chúa biến “gen” đột biến, phá hoại, hủy diệt của nguyên tội, của sự chết, trở thành “dược liệu” thức tỉnh nhân loại khỏi “cơn dịch” hôn mê, nhận ra những sai lầm của mình, đưa nhân loại về lại lộ trình sự sống.

Với dự tính như thế của Thiên Chúa; Với Thập Giá và phục sinh của Đức Giêsu, nọc độc của sự chết, của nguyên tội đã bị vô hiệu hóa.

Sự dữ, khổ đau, sự chết vẫn còn đó, nhưng chúng không quật ngã được nhân loại nữa vì nhân loại đã có “vắc-xin Thập Giá Giêsu”: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Mặc khải tối hậu đó, Đức Giêsu nói cho mọi người (8,34).

Frère Pierre Đình Long FSC