Cộng đoàn Bình Đa đón rước Linh ảnh Lòng Thương xót Chúa

 

Hôm nay Chúa nhật II mùa Vọng. Cộng đoàn Nhà chính Bình Đa hân hoan rước Linh ảnh Chúa Lòng Thương xót đến ngự tại nhà nguyện trong một tuần. Linh mục Đa Minh Phạm Văn Vàng dòng Thánh Thể đã dâng Thánh Lễ khai mạc.

 Sau đây là bài giảng trong Thánh Lễ

     Kính thưa Chị em,

     Mỗi năm khi Mùa Vọng về, hình ảnh ông Gioan Tẩy giả lại xuất hiện trong phụng vụ. Ông là con của Bà Elisabét, đã nhảy mừng khi còn là hài nhi trong lòng mẹ, khi Đức Trinh nữ Maria viếng thăm. Ông là vị Tiền hô đến dọn đường cho Chúa Cứu thế. Gioan là mẫu mực về sự khiêm tốn, can đảm và trung thành. Ông nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. So sánh với Chúa Giêsu, ông nhận mình giống như người phù rể. Người phù rể hân hoan trước niềm vui của chú rể. Là người giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, ông hạnh phúc khi thấy người ta tuôn đến cùng Chúa và đón nhận giáo huấn của Người.

     Dù chỉ là tiếng kêu trong sa mạc hoang vu, Gioan Tẩy giả vẫn kiên trung trong sứ mạng dọn đường. Ông kêu gọi “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng”.

     Mọi người nghe Gioan Tẩy giả đều hiểu nội dung của lời kêu gọi này, đó là sửa soạn tâm hồn và ăn năn sám hối để đón chào Đấng Thiên Sai. Kết quả là từng đoàn người đông đảo khiêm tốn đến với ông và chịu dìm mình trong dòng nước sông Giođan để được ơn tha tội.

     Thưa Chị em,

     Hành trình Đức tin của người tín hữu chính là cuộc tìm kiếm và gặp gỡ với Chúa. Đây là một hành trình lâu dài, liên lỉ và có nhiều chướng ngại. Để theo Chúa và trung tín với Ngài, chúng ta phải can đảm vượt qua những chướng ngại đó. Như những vận động viên chuyên tâm khổ luyện, mới đạt được vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng, thì người Kitô hữu cũng phải chiến đấu trong trận chiến thiêng liêng để thuộc trọn về Chúa.

     Ông Gioan dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả những cố gắng hoàn thiện bản thân: lấp đầy lũng sâu, bạt thấp núi đồi, nắn thẳng quanh co uẩn khúc. Kinh nghiệm cho thấy, người ta có thể dễ dàng chiến thắng trong trận chiến với kẻ thù, nhưng lại ngã gục trước cám dỗ của cái tôi ích kỷ và đầy tham vọng. Cuộc chiến đấu để thanh luyện chính mình là một cuộc chiến đấu dai dẳng, đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh.

     Kính thưa Chị em,

     Mùa Vọng vừa mời gọi chúng ta nhìn lại mình, vừa nhắc chúng ta hãy nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Những cố gắng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và thực thi bác ái sẽ giúp chúng ta bạt núi kiêu ngạo, lấp thung lũng hèn nhát. Cuộc sống hôm nay có nhiều cám dỗ, có nhiều khuynh hướng khác nhau, đã lôi kéo chúng ta dễ đi lạc đường. Những bon chen bận rộn của cuộc đời, dễ làm chúng ta đắp thêm những quả đồi, hoặc khoét sâu thêm khoảng cách đối với chị em mình. Vì thế, khi can đảm dẹp bỏ mọi chướng ngại trong tâm hồn, chúng ta sẽ được“nhìn” thấy Chúa và vinh quang của Ngài. Lúc đó, Chúa sẽ là tất cả của đời sống chúng ta.

     Cùng chung một ý tưởng với Gioan Tẩy Giả sau này, Ngôn sứ Ba rúc cũng kêu gọi mọi người hãy lấp đầy thung lũng, hạ thấp núi cao để có thể nhìn thấy vinh quang TC tỏ hiện. Lời của Vị ngôn sứ đã mang đến cho dân Israel niềm hi vọng tràn trề, để rồi giữa trăm bề đau khổ, Dân Chúa vẫn tin tưởng rằng: Đấng Thiên sai sẽ đến.

     Như thánh Gioan Tẩy giả, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên những sứ giả của niềm vui, giữa cuộc đời còn phủ đầy bóng tối và tràn lan bạo lực. Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Nhờ ba chức năng này, người tín hữu trở nên những “tiền hô” loan báo và chứng minh cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

     Thưa Chị em,

     Trong niềm hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta vừa khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới ở cấp giáo phận tại VN tuần trước, CN I MV. Qua đó, Đức Thánh Cha muốn lắng nghe những ý kiến của Dân Chúa từ khắp các châu lục, để đưa ra những định hướng mục vụ phù hợp với bối cảnh thế giới hôm nay. Là phần tử của Giáo Hội, chúng ta hãy cảm thức với Giáo Hội, chia sẻ niềm vui và những ưu tư trăn trở của Giáo Hội, với ước vọng làm cho Đức Giêsu được nhận biết và tôn vinh.

     Chúa Giêsu vẫn đang đến với chúng ta. Người kiên nhẫn gõ cửa tâm hồn chúng ta. Có những người nhiệt thành đón tiếp Chúa với con tim nồng ấm, có những người lại từ chối Người với tâm hồn giá băng. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh: những ai thành tâm đón Chúa sẽ tìm thấy tâm hồn bình an và sẽ trở nên hoàn thiện.

      Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” như sau: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta” (số 3).

     Nơi khác, vị Giáo Hoàng người Achentina cũng khẳng định: “Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật. Chân Lý phải được gặp gỡ. Đó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị”.

     Kính thưa Chị em

     Lời mời gọi bạt núi san đồi vẫn vang lên hằng năm. Tuy vậy, nơi đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn chúng ta, vẫn còn đó những khuyết điểm lỗi lầm. Trong mối tương quan hằng ngày, chúng ta vẫn tiếp tục xây những bức tường chia rẽ, vẫn đào những thung lũng của hiềm khích và vẫn xây những núi đồi của kiêu ngạo.

     Lời Chúa khích lệ chúng ta không nên thất vọng, vì chúng ta có nguồn trợ lực thiêng liêng đến từ Đấng Tối cao. Vì Chúa Giêsu đã từ bỏ mọi sự để hủy mình ra không, trở nên một trẻ thơ nơi hang đá khó nghèo. Người đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu có; Người đã trở nên yếu ớt để chúng ta được mạnh mẽ; Người đã đón nhận thập giá để chúng ta được vinh quang. Vì thế, ơn gọi của chúng ta là cố gắng“sống cho tinh tuyền, không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm, nhờ đó chúng ta mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính”, như thánh Phaolô nhắn nhủ giáo dân Philiphê qua Bài đọc II chúng ta vừa nghe.

     Hôm nay Hội Dòng chúng ta vinh dự được đón rước ĐGS KiTô, hiện thân của LCTX, đến và lưu lại nơi Hội Dòng chúng ta, để ban ơn bình an và ơn chữa lành. Nhân dịp này, tôi xin được chia sẻ thêm với chị em đôi điều về LTX của Chúa.

 

     Thưa Chị em,

     Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp, liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do Lòng Chúa Thương Xót.
Rồi Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả Lòng Thưỡng Xót vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua.

     Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

     Kính thưa Chị em,
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ Faustina, “hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước”. Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

     Rồi, thưa Chị em,

     Lời kinh chúng ta vẫn đọc: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”, diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

     Vậy, chúng ta hãy luôn đặt tin tưởng nơi Lòng Thương Xót của Chúa, là Đấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi Lòng Thương Xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn yêu thương, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta, cả khi chúng ta xa rời Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ôm chúng ta vào lòng, nếu chúng ta thành tâm trở về với Chúa.

     Kính thưa Chị em,

     Để kết, tôi xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói khi đọc Kinh Truyền Tin với khách hành hương tại quảng trường Thánh Phê-rô, vào ngày 17-03-2013 như sau: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính”.

    Vậy mỗi chị em chúng ta hãy thường xuyên thân thưa với Chúa rằng “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Amen.