CHÚA NHẬT XXX A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Xh 22,20-25; Mt 22,34-40
Chủ đề: Giới luật yêu thương: mến Chúa yêu người.

* Xh 22,20-24: Không ngược đãi ngoại kiều, không ức hiếp mẹ góa con côi, cho vay không lấy lãi.

* Mt 22,37.39b: ngươi phải yêu mến CHÚA (kurion) là Thiên Chúa của ngươi…và yêu người thân cận như chính mình.

          “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa Chúa Nhật XXX A. Sống chung là phải có luật; Và Luật là cần thiết để cuộc sống con người được ổn định, trật tự, xã hội có tổ chức, mọi sự được hài hòa hầu mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân loại. Ngoài ra, con người còn có luật tôn giáo, đoàn hội, phe nhóm…Do đó nếu không khéo biện phân, sắp xếp, con người có thể bị “chôn vùi” trong cả đống lề luật, không phân biệt lớn bé, nặng nhẹ dẫn đến nguy cơ lạm dụng luật, vụ luật hoặc luồn lách Luật (x.Mt 23,4), làm luật thành một cái ách không sao gánh nổi (x.Cv 15,10).

          Đối với Israel, Luật Giao Ước là Thánh Ý Thiên Chúa ban riêng cho Dân (x.Tv 19,8; 147,19-20). Nhờ Luật, đám nô lệ vừa ra khỏi Ai Cập diệt chủng được trở nên DÂN CHÚA (Xh 19,5-6). Thưở ban đầu, Luật Chúa chỉ gồm mười Lời (Xh 20,1-17); Nhưng rồi qua dòng thời gian, họ đã khai triển thành 613 điều khoản bao gồm 248 điều phải làm và 365 điều cấm. Và nguy hiểm hơn nữa là giữa khối khổng lồ các điều răn ấy, họ lại cào bằng giá trị của chúng với nhau đến độ Đức Giêsu phải trách: “các ông đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm…coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữa truyền thống của các ông” (Mc 7,8-9).

          Lời Chúa hôm nay mời chúng ta về lại với cội nguồn mặc khải để nhận ra cái cốt của lề Luật là gì. Đó chính là giới Luật YÊU THƯƠNG: Giới Luật gồm tóm toàn bộ Lề Luật và các ngôn sứ (Mt 22,40). Nội dung giới luật này được trình bày làm hai vế: MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI. Chúa Nhật hôm nay lưu tâm hơn tới vế hai: YÊU NGƯỜI.

          Bài đọc một cụ thể hóa Luật yêu người bằng lệnh Thiên Chúa truyền cho Dân phải yêu thương bốn hạng người bị nhiều thua thiệt trong xã hội thời Cựu Ước:

  1. NGOẠI KIỀU: là những người dân ngoại, thường trú tại Palestin; không có đất đai, không có quyền lợi dân sự cho dù họ là những người tự do chứ không phải là nô lệ. Họ cũng phải tuân giữ luật ngày Sabat và một số lễ hội tôn giáo Do Thái (Xh 20,10b; Đnl 5,14…). Và cho dù họ theo đạo Do Thái đi nữa thì không bao giờ họ thực sự được bình đẳng với quyền dân sự của người Do Thái (Đnl 15,2-3; 23,21).

  2. MẸ GÓA, CON CÔI: Về sinh hoạt dân sự, phụ nữ Israel không có quyền lợi như đàn ông: Không thể làm chứng trước tòa, không được tố tụng hay kháng án, không được thừa kế chồng mình. Trẻ dưới 13 tuổi không có tiếng nói trong xã hội và pháp lý. Mồ côi cũng như góa phụ là những người không còn nơi nương tựa. Do đó họ dễ bị chèn ép, ức hiếp bất công.

  3. HẠNG NGHÈO PHẢI ĐI VAY MƯỢN: Luật dạy không được lấy lời vì Israel là một dân anh em, 12 chi tộc đều là con Giacóp (Đnl 23,20-21).

  4. HẠNG NGHÈO PHẢI CẦM ĐỒ: Nếu họ phải cầm áo choàng thì phải trả lại cho họ trước mặt trời lặn để họ có cái gì đắp ngủ ban đêm.

Phải yêu thương trợ giúp những hạng người đó. Đối với dân Chúa, đó là bổn phận buộc đến từ Thiên Chúa.

Tin Mừng, trong cùng chủ đề giới luật yêu thương, thuật lại lời đáp của Đức Giêsu trước vấn nạn do nhóm Biệt Phái đặt ra để thử Đức Giêsu: “Trong Sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Đức Giêsu đã sử dụng hai điều khoản riêng rẻ trong sách luật: “Hãy yêu mến YAVÊ, THIÊN CHÚA của anh em với cả con tim, bằng cả mạng sống, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5); và “Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Lv 19,18b); rồi nối kết chúng thành một.

Điều mới mẻ và quan trọng mà Đức Giêsu mang đến là nối kết hai đoạn luật ấy thành MỘT, BẤT KHẢ PHÂN LY; đồng thời nâng giới luật YÊU NGƯỜI lên ngang bằng với luật MẾN CHÚA. Điều răn KÉP này là lớn nhất vì nó hồi phục phẩm giá con người và làm cho dự tính sáng tạo của THIÊN CHÚA được hoàn tất: “CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA” (St 1,27). Điều răn này còn là lớn nhất vì khi MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI, chúng ta góp phần cùng Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa: “Tất cả Luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

Trong Đức Giêsu, “con người” và “Thiên Chúa” nên một bất khả phân ly trong một ngôi vị. Yêu người là yêu Chúa, yêu Chúa là yêu con người.

Bài 2

Xh 22, 20-26
Mt 22, 34-40

“ Thưa Thầy, giới răn nào lớn trong Lề Luật?” (Mt 22, 36)

  • Ngươi phải yêu mến Chúa (kuriôn) Thiên Chúa của ngươi……(22, 37)

  • Ngươi phải yêu mến đồng loại của ngươi như chính mình ngươi (22, 39).

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm về một chủ đề liên quan mật thiết đến đời sống con người về cá nhân lẫn về xã hội: LUẬT. Trong thân phận giới hạn của con người, Luật mang tính lưỡng diện: vừa là phương tiện giúp con người sống ổn định, an vui, hài hoà với nhau…; vừa là cái cản trở, giữ con người trong một khuôn khổ, lắm khi tạo nên tiền đề để kết án lẫn nhau.

Dưới cái nhìn tích cực, luật là cần thiết để mọi sự diễn ra trong trật tự và đích đến là đem lại sự hoà thuận, hạnh phúc.

Tiếc thay, trong thân phận giới hạn của con người hèn yếu, việc có luật đưa tới các vi phạm, rồi xét xử đấu đá nhau đưa tới kết án nhau tạo nên bao bất hoà, bất hạnh.

Và vì thế khi nói đến luật là người ta nghĩ ngay tới khía cạnh pháp lý, luân lý, đạo đức của những hành vi, lối sống của con người. Và khi tình trạng pháp lý, luân lý nên trầm trọng thì để bảo vệ bản thân, bè nhóm của mình, con người dựa vào luật để bắt bẻ, chèn ép lẫn nhau đến độ luật trở thành một gánh nặng không ai vác nổi; Luật trở thành “xiềng xích”, “nhà tù” giam hãm, nô lệ hoá con người. Rồi nảy sinh tệ nạn lách né, lạm dụng luật; nhào nắn, thao túng luật để trục lợi, vì lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm mình. Luật thoái hoá thành một đống “văn tự chết” không còn tinh thần, sức sống nữa (x. 2 Cr 3, 6).

Tệ hơn nữa, khi tranh chấp quyền lợi, phe nhóm nào cũng dựa trên luật – đã bị họ nhào nắn, thao túng – để dành lấy phần hơn cho mình dẫn tới tình trạng vô cảm, tàn bạo công khai: an tâm và hào hứng làm điều ác vì đã có luật đỡ đầu, làm chỗ cậy dựa. Chẳng hạn, trong thế giới hôm nay, tại một vài nơi (và có nguy cơ lan rộng), luật nhà nước đã cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, mại dâm công khai được cấp giấy phép hành nghề kèm bảo hiểm y tế chứng nhận an toàn không có bệnh truyền nhiễm trong tình trạng hiện tại…

Và rồi để đối phó với tính phức tạp, đa dạng của cuộc sống đổi thay như chong chóng hiện nay, luật được phân tích thành ngàn muôn quy định, nghị quyết cụ thể cho từng trường hợp; Và người ta bị chôn vùi trong cái núi đồ sộ những quy định, nghị quyết ấy, không còn biết đâu là chính, đâu là phụ, cỏ và lúa lẫn lộn gây hoang mang, lầm lẫn khiến cuộc sống nên như một đống chỉ rối rắm, mạnh ai nấy tháo gỡ theo quyền lợi cục bộ, nhất thời của mình, của bè nhóm mình. Người ta giữ luật theo thời vụ, tuỳ cơ ứng biến, không còn chuẩn mực đích thực, không lần dò ra được đầu mối để có thể giải quyết được vấn đề cách rốt ráo. Thậm chí còn có tình trạng bóp méo luật, biến trắng thành đen hãm hại người công chính. Ở mức độ lớn hơn quốc tế, vì ai cũng cho mình là kẻ nắm luật trong tay, hiểu đúng nên chiến tranh, hận thù, huỷ diệt nhau là điều không thể né tránh. Đó là tình trạng bi thảm của nhân loại hôm nay.

Để được cứu, con người cần tỉnh ngộ lại. Lời Chúa hôm nay mời tín hữu bình tâm lại, suy niệm tìm ra đâu là cội nguồn của luật và cái chính yếu bao trùm, thống nhất mọi điều khoản đa dạng, phức tạp của luật là gì?

Trước tiên, cần xác định lại: con người không thể tự mình là luật cho bản thân và cho kẻ khác được. Tầm nhìn sai trái ấy là một biến thái, một quái thai của tội nguyên tổ: con người cắt đứt tương quan tuỳ thuộc với Thiên Chúa, chạy theo “cây tri thức”, “trái cấm biết thiện biết ác” khước từ “cây trường sinh”, “tình yêu của Thiên Chúa”.

  • Luật lệ là quà tặng của sự sống, của tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng cho con người để gìn giữ con người tồn tại mãi trong Tình Yêu của Thiên Chúa, trong hạnh phúc thần linh.

Như vậy, trong dự tính của Thiên Chúa và vì thân phận còn trong giai đoạn xác phàm hữu hạn của con người nên luật được lập ra là để gìn giữ con người sống bền vững trong tình trạng hạnh phúc của công trình sáng tạo, là rào chắn an toàn bảo vệ con người sống trong bình an. Luật là điểm tựa giúp con người giữ được mức độ tự do, ân sủng mà mình đã có.

Có thể dùng một hình ảnh gợi ý: luật là sợi dây nối kết con diều (nhân loại) với Thiên Chúa là người đang điều khiển con diều, nhờ sợi dây đó, con diều mới bay cao, không bị gió cuốn đi mất rồi rơi xuống tả tơi. Một khi con diều muốn bay cao hơn, tự mình tung tăng trong gió mà dại dột cắt đứt liên lạc với sợi dây thì… rủ xuống và rớt là cái chắc. Luật là sợ dây giúp nhân loại tung cánh trời xanh dưới sức gió và sự điều động của Thiên Chúa.

Đối với người môn đệ Đức Giêsu, từ nay khi nói đến luật thì tầm nhìn không bị  nhốt trong phạm trù luân lý, đạo đức, pháp lý nữa (mặc dù hình thức bên ngoài vẫn còn là như thế) mà coi luật như một dấu chỉ nhắc cho tín hữu gìn giữ, trong từng trường hợp cụ thể, mối tương giao thân tình, yêu mến giữa từng người với Thiên Chúa và với tha nhân.

Điều răn lớn, đứng đầu là TÌNH YÊU: mến Chúa, yêu con người. Đó là đầu mối để giải gỡ và sống tốt mọi mối tương giao.

Chủ điểm phụng vụ

Phụng vụ hôm nay đề cập đến giới luật gồm tóm toàn bộ Lề Luật và sách các ngôn sứ. nội dung của giới luật này được trình bày thành 2 vế: mến Chúa và yêu người. Chúa Nhật hôm nay lưu tâm đến vế 2 là YÊU NGƯỜI.

Bài đọc 1 là lệnh truyền của Yavê cho dân phải yêu thương 4 hạng người bị thua thiệt trong xã hội thời đó: ngoại kiều, mẹ goá con côi, người nghèo vay nợ, người nghèo phải cầm thế đồ. Nếu không nghe, Chúa sẽ trả báo tương xứng. Vậy khía cạnh thực hành của giới luật yêu người được nhấn mạnh ở bài 1.

Tin Mừng là lời đáp của Đức Giêsu trước một thử thách do nhóm Pharisêu đặt ra: “…điều răn nào nào là điều răn trọng nhất?” – Lời đáp gồm 2 vế: mến Chúa và yêu người. Ở đây, Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật yêu người bằng cách đặt nó lên ngang hàng với Luật mến Chúa, đồng thời nhấn mạnh rằng “toàn bộ Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào 2 điều răn này”.

Sự ràng buộc không thể phân ly giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân và được Đức Giêsu coi như là tương tự nhau, đó là nét độc đáo lớn lao của Kitô giáo.

BÀI ĐỌC I: Xh 22, 20-25

Bản văn này nằm trong phần “Bộ Luật Giao Ước” (20, 22-23, 33)  của sách Xuất Hành được bao hàm bởi hai khung truyện kể về Giao ước Sinai: ban 10 điều răn (19, 1-20, 21) và nghi thức ký kết giao ước (24, 1-18). Nội dung bộ Luật này không thuộc giao ước Sinai, nhưng sau này người ta chen nó vào giữa khung cảnh ban Luật ở Sinai vì nó khai triển và áp dụng tinh thần của Mười điều răn, và cũng để tăng thế giá cho nó, hàm ý đối với Israel, đây chính là những luật trực tiếp từ Thiên Chúa, nếu vi phạm là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Cấu trúc:

  • Luật tế tự liên quan tới bàn thờ 20, 22-26

  • Luật có liên quan tới 2 con số 6 và 7: giải phóng nô lệ Hípri vào năm Sabat 21, 1-2

  • 21, 03- 22, 19; dân Luật và Luật hình sự theo công thức: nguyên nhân gây ra vụ việc được diễn tả bằng các từ “nếu”, “ai”, “khi”: hậu quả pháp lý sẽ là: được diễn tả bằng từ “thì”. Dạng nghi nghĩa, “theo hoàn cảnh”: casuistique nghĩa là điều luật được trình bày dưới dạng những giả thuyết, những trường hợp nếu xảy ra thì…

  • 22,20-27; 23, 1-9 tập họp những Luật có điểm chung là đối xử bảo vệ những hạng người yếu kém.

A’ – 22, 28-30 Luật tế tự

B’ – Luật liên quan số 6 và 7: năm và ngày Sabat 23, 20-53

    A’’ – 22, 28-30 Luật tế tự

Bản văn phụng vụ nằm trong phần các Luật bảo vệ những ai cô thế (phần D trung tâm của cấu trúc)

CẤU TRÚC Xh 22, 20-25 và SUY NIỆM

Yavê đòi buộc phải đối xử tử tế đối với những hạng người bất hạnh. Cụ thể là:

  1. Ngoại kiều (Xh 22, 20)

  • Cách đối xử: không được ngược đãi và áp bức

  • Lý do: Vì chính các ngươi đã là ngoại kiều bên Ai Cập

Ngoại kiều: cách chung đó là những người dân ngoại, nhưng vì một lý do nào đó phải sinh sống thường trú tại Palestin. Họ không có đất đai, không có những quyền lợi dân sự cho dù họ là những người tự do chứ không phải nô lệ. Hòa lẫn vào đời sống sinh hoạt của Israel, họ cũng phải tuân giữ ngày Sabat và phải chấp nhận, với một số điều kiện, tham dự các lễ hội tôn giáo (Xh 20, 10b; ĐNl 5, 14…). Một số người do trở lại đức tin Do Thái và chịu cắt bì trở thành người tân tòng, nhưng ngay cả khi đó quyền dân sự của họ dẫu có được nới rộng thêm nữa cũng không bao giờ bình đẳng với quyền dân sự của người Do Thái được (Đnl 15,2-3: 23,21…).

Tuy nhiên Luật cũng đề ra những biện pháp để bảo vệ họ ( Đnl 24,17-22)

       Lý do là vì xưa kia dân Do Thái đã là ngoại kiều thường trú tại Ai Cập và đã bị đối xử tàn tệ. Nay được Chúa thương cho sống rộng thoáng tự do, họ phải rút ra bài học từ sự khổ đau của mình mà thương người bất hạnh. Dân Chúa không được trả thù, nỗi khổ đau của mình phải trở nên nguồn phúc cho người khác.

  1. Mẹ góa con côi (Xh 22,21-23)

    • Lệnh: Không được ức hiếp

  • Lý do: Vì Chúa sẽ nghe tiếng kêu cứu của họ khi họ bị ức hiếp.

Hậu quả: gậy ông đập lưng ông, Chúa giáng xuống trên vợ con các ngươi chính tình trạng của họ bằng cách Chúa nổi cơn thịnh nộ cho gươm giết các ngươi.

Phụ nữ Israel không được sinh hoạt dân sự ngang hang với sinh hoạt dân sự của đàn ông: Không thể làm chứng trước tòa, không được tố tụng hay kháng án cũng không được thừa kế chồng mình, nghĩa là về pháp lý bà hoàn toàn tùy thuộc vào chồng mình. Vợ góa là người không còn nơi cậy dựa nhất là khi không có con trai.

Trẻ được 13 tuổi cũng không có tiếng nói trong xã hội và pháp lý. Mồ côi nghĩa là cũng như góa phụ, không còn nơi nương tựa. Vì thế hai hạng người này thường dễ là nạn nhân của bất công, ức hiếp, chèn ép mà không chống cự lại được vì không có tiếng nói trước pháp luật và xã hội.

Chúa là Đấng luôn bênh vực người nghèo, là Đấng Quan Phòng lưu tâm đến cô nhi quả phụ sẽ bảo vệ họ qua các khoản luật (Đnl 14,29: 24,19-21: phải dành phần hoa lợi cho họ: 16,11-14: phải mời họ chung mừng những lễ hội: 24,17: 27,19: không được làm thiệt hại đến quyền lợi của họ…). Và như bản văn chúng ta đang khảo sát cho thấy: Chúa sẽ trừng phạt đích đáng kẻ đàn áp cô nhi quả phụ. Họ là những người được Thiên Chúa phù trợ (Tv 146,9). Một cách nào đó có thể nói ở đây là đích thân Thiên Chúa áp dụng luật talion “mắt đền mắt răng đền răng”: làm cho vợ con các kẻ áp bức trở thành vợ góa con côi, dùng gươm trừng phạt họ.

  • . Những người nghèo trong dân (Xh 22, 24-26)

    • Trường hợp cho vay (c.24)

  • Không được cư xử như chủ nợ

    • Trường hợp cầm đồ (cc 25, 26)

  • Nếu là áo choàng: phải trả lại trước mặt trời lặn

  • Lý do: – vì nó chỉ có áo choàng đó để che thân, đắp ngủ

 – Chúa sẽ nghe tiếng kêu cứu của nó

          Ở Babylon, người ta cho vay lấy lời rất cao: 20-25% nếu vay hiện kim và 30% nếu vay hiện vật, trong một năm. Hơn nữa chủ nợ có thể tịch biên con nợ lẫn vợ con và những gì con nợ có: Am 2, 6; Mt 18,25. Ở Israel không có vậy, Luật định cho vay không lấy lời vì Israel là một dân anh em, mười hai chi tộc đều là con Giacob (Đnl 23, 20-21). Trong thực tế Luật này bị vi phạm trầm trọng đến độ thời Nơkhemia, đám dân đen bị nợ lút đầu đến độ bán thân làm nô lệ. x.Nkm 5, 1-13 (Paroles sur le chemin, Année A p.394).

          Nhiều chủ nợ sợ bị giật nợ nên đòi phải có đồ cầm thế. Người nghèo quá không còn gì ngoài áo choàng che thân và làm mền đắp lúc ngủ đêm cũng phải cầm thế. Điều này cho thấy người nghèo bị bóc lột tận xương. Luật bảo vệ cái tối thiểu cho đám nghèo: chiều về phải trả áo choàng lại cho kẻ nghèo.

          Vì Chúa xót thương người cùng khốn nên xúc phạm đến người nghèo anh em là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ đóng vai GOEL để đòi nợ đích đáng kẻ phạm tội. Trong luật Hy Bá cũ, Goel là người bà con gần có bổn phận bảo vệ người thân thuộc, cũng như gìn giữ gia sản (Lv 25, 23-24), giải phóng một người anh em khỏi cảnh nô lệ (Lv 25, 26-49), che chở một góa phụ (Rut 4, 5) hoặc báo thù cho một người bà con bị ám sát (Ds 35, 19-20). Tước hiệu Goel được dùng trong Is 40-55 gợi lên mối liên lạc họ hàng bền chặt giữa Yavê và Israel: chiếu theo giao ước ký kết lần xuất hành thứ nhất (x. Xh 4, 22), dù đầy tội lỗi, quốc gia được chọn vẫn luôn là hiền thê của Yavê (Is 50,1) (ĐNTHTK Giải phóng/Tự do II, 2). Vì thế, Thiên Chúa sẽ là Đấng đứng ra đòi nợ những kẻ xúc phạm đến hiền thê, người thân của Người.

          Luật là lý tưởng, thực tế các vi phạm đã đưa đất nước, người nghèo đến tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Luật cố lấp bớt bằng Luật về năm Sabat và năm Yobel nhưng cũng không kết quả.

          Bài học cho các tín hữu Kitô: tất cả mọi người đều là dân anh em với chúng ta. Tất cả đều là con Chúa, là anh em với nhau. Vậy hãy sống tình bác ái huynh đệ tương trợ nhau. Yêu Chúa không thể nào không yêu anh em (1Ga 4, 20).

  1. TÓM KẾT

          Bản văn cho thấy Thiên Chúa bênh vực kẻ nghèo hèn không có tiếng nói trong xã hội. Họ chỉ còn một chỗ để kêu lên: đó chính là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa xác quyết sẽ nghe lời họ và bênh vực họ. Từ đó sứ điệp cho dân Chúa là PHẢI yêu thương người nghèo khổ khốn cùng. Trong tinh thần phụng vụ, đòi buộc trợ giúp kẻ nghèo được mở rộng thành YÊU NGƯỜI. Dĩ nhiên động lực của tình yêu này không phát xuất từ tình cảm phàm nhân (tính dễ xúc động, mủi lòng) nhưng là từ lệnh truyền của Thiên Chúa, do lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người. Tình yêu này phải được biểu lộ ra bằng hành động cụ thể, nhất là đối với người nghèo để cuộc sống của họ đừng quá cơ cực, tạm ổn định. Việc trợ lực không phải là hành động tùy tiện, của giúp đỡ không phải là đồ bố thí mà đó là BỔN PHẬN BUỘC đến từ Thiên Chúa. Ai không làm khiến người nghèo kêu oán thì chính Chúa sẽ đứng ra phân xử bênh vực kẻ nghèo trả báo cho kẻ cứng lòng trước những cơ cực của tha nhân. Đối với dân Chúa, việc chia sẻ giúp đỡ kẻ nghèo là một bổn phận buộc đến từ Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mt 22, 34-40

Trong 4 Chúa Nhật liên tiếp 26A- 29A, Phụng vụ đã sử dụng đoạn văn dài liên tục Mt 21,28- 22,21 để mô tả cuộc tranh chấp giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh Do Thái. Đức Giêsu đã “tấn công” họ bằng ba dụ ngôn như là lời đáp trả nghiêm khắc cho lời chất vẫn của họ về “cội nguồn quyền bính của Đức Giêsu”.

                Matthêu trình bày Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem như vị “Vua- Mêsia” khải hoàn về lại thủ đô để chỉnh sửa lại các sai lầm mà những kẻ nổi loạn (x.Mt 21, 38-39; 22,5-6) tạo ra. Bước đầu, với ba dụ ngôn, thực ra Đức Giêsu muốn giúp họ nhận ra những sai trái đã làm trong quá khứ (x.Mt 21,32) để hối hận, tin và được cứu. Tiếc thay, kết quả lại hết sức tiêu cực: thay vì hoán cải, họ lại kết bè kết đảng bày mưu tính kế để “phản đòn” mưu hại Đức Giêsu. Họ đã gài Đức Giêsu vào những tình huống thật tế nhị rồi đưa ra cho Đức Giêsu ba vấn đề hóc búa mà cho đến lúc đó chưa có lời đáp rõ ràng đối với xã hội lẫn tôn giáo vào thời Đức Giêsu: chuyện nộp thuế cho Xêda (22,15-22); chuyện về kẻ chết sống lại (22,23-33); chuyện về thắc mắc giới răn nào trọng nhất (22,34-40).

          Tuần trước, Chúa Nhật 29A đã sử dụng trích đoạn nói về chuyện có được phép nộp thuế (thân) cho César không? Và để gài bẫy Đức Giêsu, các phe nhóm vốn thù nghịch nhau lại bấm bụng liên minh với nhau hòng dồn Đức Giêsu vào thế bí để kết tội Người. Còn vấn đề thứ hai về kẻ chết sống lại, phụng vụ năm A không sử dụng (sẽ đọc vào năm C: Lc 20,27-38 Chúa nhật 32C). Và hôm nay, Chúa Nhật 30A, phụng vụ năm A đọc chủ đề 3: giới răn nào trọng nhất.

          Tin Mừng Chúa Nhật 30A được mở đầu bằng một mưu tính của Nhóm Pharisêu: Trong Tin Mừng tuần 29A, họ đã liên minh với kẻ thù của mình là phe Hêrôđê để gài bẫy Đức Giêu qua một vấn đề mang tính thời sự xã hội chính trị: vấn đề có được nộp thuế cho đế quốc Rôma đang thống trị họ: Rồi sau khi thấy một nhóm kẻ thù khác của họ (bè Xa đốc) bị Đức Giêsu “làm câm miệng” trong một chủ đề về tôn giáo mà hai phe không ngừng tranh luận, lẽ ra họ phải vui mừng ủng hộ Người thì_ Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật 30A_ họ lại tụ họp kết nhóm lại với nhau để tiếp tục “thử” Đức Giêsu.

Với tư cách tự do, phong cách giảng dạy và nhất là với giáo lý mới mẻ giải phóng con người ban ơn làm con Thiên Chúa thì các Pharisêu thấy vị trí “bậc thầy” của họ trên dân về tôn giáo, luật Môsê bị đe doạ, nên họ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để tìm cách hạ thấp phẩm giá Đức Giêsu.

Lần này họ nêu lên một vấn đề mà từ bao đời nay chính trong nội bộ của Do thái giáo vẫn không ngừng tranh cãi nhau, chưa bao giờ tìm được câu đáp thoả đáng, thống nhất: “trong luật Môsê, giới răn nào trọng nhất?” (22, 36). Bởi vì vào thời Đức Giêsu, Do thái giáo có đến 613 giới luật, trong đó gồm 365 điều cấm và 248 điều phải làm. Thật ra luật mà Thiên Chúa ban cho Môsê trên núi Sinai chỉ có 10 Lời; Nhưng rồi theo dòng cuộc sống, nhiều vấn đề thực tế dần dần nảy sinh và con người không ngừng thích nghi bằng cách đặt thêm bên cạnh 10 Lời những quy luật phàm nhân tuỳ nơi tuỳ lúc để tạm ổn định cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử nào đó; Rồi bộ luật ngày càng nên phức tạp.

Vấn đề thực sự trở nên rối rắm khi các giáo sĩ Do thái giáo lại quan niệm rằng tất cả các giới răn, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, đều có tầm quan trong như nhau. Chúng ta có thể gặp các tư tưởng đó trong các sách giải thích luật của Do thái giáo (x. chú giải Phúc Âm Chúa Nhật A trang 347)

“CŨNG NHƯ AI lỗi phạm MỌI giới răn là cởi bỏ mọi ách luật, là đoạn tiêu Giao ước, và ngang nhiên chống lại Lề Luật, THÌ CŨNG THẾ, AI CHỈ lỗi phạm MỘT giới răn là cởi bỏ ách luật, là chống lại Lề Luật và đoạn tiêu Giao ước” (Mekhilta sur L’Exode )

“Ước gì giới răn nhỏ cũng được ngươi yêu mến như giới răn lớn) (Sifré sur le Dt 12,28); “Nếu bắt đầu nghe chút ít, cuối cùng người ta sẽ nghe nhiều…..đến nỗi giới răn ít quan trọng cũng được ngươi yêu mến như giới răn lớn lao” (ibid 13, 19); “ Nếu lỗi phạm điều luật: hãy yêu mến tha nhân như chính mình, thì cuối cùng người ta sẽ phạm luật: không được báo thù, không được giận ghét, và đi đến chỗ đổ máu tha nhân” (ibid 19, 11).

                   Trong suốt dòng lịch sử Do Thái, các nhà lãnh đạo tinh thần của dân cũng đã nỗ lực đưa ra một số đề nghị như là lời đáp tổng kết các giới răn:

  • Theo Tv 15, 2-5, gồm 11 điểm:

1/ Sống vẹn toàn;
2/ luôn làm điều ngay thẳng;
3/ bụng nghĩ sao nói vậy;
4/ miệng lưỡi chẳng vu oan;
5/ không làm hại người nào;
6/ chẳng làm ai nhục nhã;
7/ coi khinh phường gian ác;
8/ trọng ai kính Chúa Trời;
9/ lỡ thề mà bị thiệt thì cũng chẳng rút lời;
10/ cho vay không đặt lãi;
11/ chẳng nhận quà hối lộ.

  • Theo Is 33, 15, gồm 6 điều:

1/ Theo đường chính trực;
2/ hằng ăn nói thẳng ngay;
3/ của chiếm đoạt không màng;
4/ tay xua quà hối lộ;
5/ lời độc địa bưng tai chẳng thèm nghe;
6/ việc xấu xa bịt mắt chẳng thèm nhìn.

  • Mi 6,8 tóm lại trong 3 điều:

1/ thực thi công bình;
2/ quý yêu nhân nghĩa;
3/ khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.

  • Am 5, 6-7 tóm lại trong 2 điều:

1/ hằng tìm kiếm Yavê;
2/ đừng biến lẽ phải thành ngải đắng, đừng vứt bỏ công lý xuống đất đen.

  • Kb 2,4 tóm lại tất cả chỉ trong một câu: người công chính sống bằng lòng thành tín.

Tuy nhiên vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.

          LỜI ĐÁP CỦA ĐỨC GIÊSU

Đối với các vấn nạn khác, trong Tin Mừng Mattheu, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, thường thì Người vặn trả lại bằng một câu hỏi hướng dẫn để đối thủ tự tìm ra lời đáp. Riêng về vấn đề hôm nay, Đức Giêsu trực tiếp trả lời ngay.

Tại sao? Vì điều cốt lõi của vấn đề hôm nay không phải là một sự so sánh hơn thua, lớn bé giữa hai điều khoản lề luật pháp lý; Nhưng đây là một mặc khải thần linh, vượt quá tầm trí tuệ của phàm nhân (x. Mt 16,17); Nó là nền tảng cho tất cả đời sống tôn giáo lẫn luân lý đã được Thiên Chúa tỏ lộ từng bước một qua các ngôn sứ và qua toàn thể Luật Môsê, nghĩa là bao trùm toàn thể mặc khải Kinh Thánh, nói rộng ra là liên quan đến toàn vũ trụ.

Câu đáp trả của Đức Giêsu chỉ là một, nhưng được diễn ra thành 3 nhịp theo tiến trình của một tam đoạn luận”:

  • Tiên đề: yêu mến ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa ngươi hết lòng…(c.37 – 38)

  • Phản đề: điều răn thứ hai giống như điều răn ấy: yêu người thân cận như chính mình (c. 39)

  • Hợp đề: Tất cả luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào 2 điều răn ấy (c.40)

CẤU TRÚC Mt 22, 34 -40 và SUY NIỆM

  1. Câu hỏi để thử Đức Giêsu (Mt 22, 34 – 36)

  • Đối thủ: nhóm Pharisêu

  • Thời điểm: sau khi Đức Giêsu làm nhóm Xađốc câm miệng

  • Ý đồ: họp nhau lại để thử Đức Giêsu

  • Câu hỏi: …trong lề luật, điều răn nào là trọng nhất?

  • Người hỏi: 1 người thông luật trong nhóm.

Bè Xa đốc và Pharisêu vốn chống đối nhau. Lẽ ra nhóm Pharisêu phải ủng hộ Đức Giêsu khi Người làm nhóm Xađốc câm miệng. Thế nhưng họ lại lợi dụng việc ấy để tấn công Đức Giêsu về một đề tài khác; điều răn trọng nhất. Mọi thế lực thù nghịch đang tận dụng mọi cơ hội để họp nhau lại chống đối Đức Giêsu. Ý đồ của nhóm Pharisêu được biểu lộ qua việc: “họp nhau lại trong một nơi” (dịch sát), “để thử Người” hàm ý mưu hại (x.22,18). Cách nói “họp nhau lại một chỗ” là trích dẫn nguyên văn cụm từ của thánh vịnh 2,2: “Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (dịch sát là “họp nhau lại một chỗ”) chống lại Đức Chúa và Đức Kitô của Người”. Nguyên văn động từ này còn được Mt 26,3 dùng lại để mưu tả âm mưu diễn ra tại nhà Caipha giữa các thượng tế và kỳ mục nhằm giết Đức Giêsu. Vậy trình thuật hôm nay chỉ là khai mào cho cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Đức Giêsu tới thập giá. Những cuộc họp lại như vậy (dùng động từ “sunago” của các đầu mục trong dân hay được Mt nhắc tới (2,4; 22,41; 26,3.57; 27,62; 28,12) và thường là điềm dữ.

Sau khi bàn bạc, nội dung họ quyết định chọn đưa ra để thử Đức Giêsu là vấn đề liên quan tới bản chất của Luật: điều răn nào trọng nhất? Kẻ đứng ra chất vấn Người là một thầy thông Luật của nhóm Pharisêu. Đây là 1 chuyên gia “thứ dữ” chứ không phải là người tầm thường muốn tìm hiểu, học hỏi. Chắc là muốn tranh luận!

“Trong lề luật”: 3 vấn đề được nêu lên để tấn công Đức Giêsu đều nhân danh luật: “Có ĐƯỢC PHÉP nộp thuế?”; “Ông MÔSÊ có nói: nếu…” và “trong lề Luật”. Và cả ba trường hợp Đức Giêsu được chất vấn trong tư thế là một RABBI (21,16.24.36). Điều này cho thấy, đối với người Do Thái, Luật bao trùm mọi lãnh vực trong cuộc sống, và những điều được tranh luận ở đây là những vấn đề cốt lõi. Chính khi gài bẫy Đức Giêsu thì vô tình các thủ lĩnh Do Thái đã trao cho Người quyền tối thượng trên việc giải thích Luật, vì theo cách trình bày của Mattheu thì các câu đáp của Đức Giêsu trở thành chuẩn mực và không còn ai dám chất vấn Người nữa (22,46 b).

            “Điều răn nào là điều răn quan trọng nhất”: những vấn đề được đặt ra ngày càng thiết thân hơn với một người con dân của dân Chúa: tương quan với toàn đế quốc (nộp thuế đời này); tương quan với tộc hệ, kế dòng của dân Chúa (luật thế huynh, sự sống đời sau); cuối cùng là liên hệ đến cái cốt lõi hướng dẫn toàn bộ cuộc sống từng ngày của mỗi cá nhân dân Chúa (điều răn quan trọng nhất).

Theo truyền thống hội đường, lề luật gồm 613 điều răn: 305 điều cấm và 248 điều quy định. Điều nguy là họ coi các điều răn giá trị ngang nhau, lắm phen còn coi truyền thống họ bày ra trọng hơn chính Luật Chúa (x. Mt 15, 1-9; Mc 7, 1-13). Giữa một khối điều khoản ấy, cái nào là LỚN (dịch sát), hàm ý cái nào đủ sức bao hàm tất cả, là căn nguyên phát xuất ra các điều khoản khác? Truyền thống cũng nỗ lực đưa ra câu đáp: Tv 15, 2-5 rút gọn các điều răn vào 11 điểm chính: Is 33, 15 vào 6 điểm: Mk 6, 8 vào 3 điểm; Kb 2,4tóm gọn “người công chính thì sẽ được sống nhờ vào lòng thành tín của mình”. Các nỗ lực ấy cũng chỉ đi vào chi tiết, tỉ mỉ chưa đáp trả được yêu cầu.

  1. Lời đáp của Đức Giêsu (Mt 22, 37-40)

2.1. Trả lời trực tiếp câu hỏi: đó là điều răn kép:

  • Yêu mến Chúa (Kurion), Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và trí khôn.

       Đây là giới răn LỚN và thứ nhất (37)

  • Yêu mến người thân cận như chính mình. (39b).

  • Hai điều răn có tầm quan trọng ngang nhau: điều hai cũng GIỐNG NHƯ điều 1 (38.39a)

2.2. Đi xa hơn câu hỏi: hai điều răn đó là nền tảng cho cả Sách Thánh:

  • “Toàn thể Lề Luật và các ngôn sứ được treo móc vào điều răn đó” (40)

        Nếu tách rời hai điều răn riêng ra với nhau, câu trả lời của Đức Giêsu không có gì mới cả: chỉ là lặp lại hai điều răn có sẵn trong CỰU ƯỚC:

        – Điều răn một chính là kinh SHEMA mà người Do Thái trưởng thành nào cũng đều phải đọc hai lần mỗi ngày: “Nghe đây hỡi Israel! Yavê, Thiên Chúa chúng ta, là Yavê duy nhất. Hãy yêu mến Yavê, Thiên Chúa của anh em với cả con tim, bằng cả mạng sống, hết sức anh em” (Đnl 6, 4-5)

      – Điều răn hai lấy từ Lv 19, 18b: “…Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.

        Nét độc đáo của Đức Giêsu là ở chỗ Người gắn hai điều răn trên thành một, bất khả phân ly bằng cách cho chúng có tầm quan trọng ngang nhau.

       Đối với người Do Thái, điều răn một được coi là LỚN, quan trọng không có gì phải bàn cãi, vì đó là điều họ tâm niệm mỗi ngày. Đây là tình yêu mang tính thần linh vì phát xuất từ các xác tín cơ bản của tôn giáo độc thần: “Thiên Chúa chúng ta là Yavê duy nhất”. Nó không phải là chuyện tình cảm, luân lý. Nó phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về cùng đích là chính Thiên Chúa bởi lòng tin. Nhưng nó lại được Đức Giêsu nối kết đến một điều Luật khác xuất hiện trong danh sách những quy định luân lý và phụng tự của sách Lêvi, được ghi lại cách sơ sài không có gì gây lưu tâm so với điều một. Ấy vậy mà Đức Giêsu đã nâng điều hai lên ngang tầm với điều một và cả hai đếu có nội dung là YÊU MẾN và cách thức phải biểu lộ tình yêu ấy.

        “YÊU MẾN”= “agapao”: Đây là tình yêu Thiên Chúa (1 Ga 4, 7-8) thông ban cho con người, nó đến từ Thiên Chúa ngang qua các lệnh truyền của người, một tình yêu lấy Thiên Chúa làm chuẩn mực (Mt 5, 43-44; Ep 5, 25; 1Ga 2, 10; 4, 10-11…) một tình yêu vô vụ lợi, yêu chỉ vì lợi ích của người mình yêu. Nếu ta yêu những sự vật thế trần bằng tình yêu này nghĩa là lấy chúng thế chỗ Thiên Chúa và tha nhân thì đó là sai trái (x. Lc 11, 43; Ga 3, 19; 1Ga 2, 15…). Ai sống trong tình yêu này là sống trong Thiên Chúa (x. Ga 4, 16)

  • Yêu mến Thiên Chúa hết lòng:   dịch sát: Yêu Thiên Chúa trong toàn bộ trái tim. Đối với người Do Thái “Tim” là nơi cất chứa những sức mạnh tinh thần bao gồm cả tư tưởng, trí khôn, đức tin, sự hiểu biết, sự cứng lòng, “Tim” là trung tâm điều khiển những chọn lựa mang tính dứt khoát, trung tâm của ý thức luân lý, trung tâm của lề luật bất thành văn là trung tâm của sự gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng duy nhất đạt thấu tới “con tim”.

  • Hết linh hồn: Trong toàn bộ hơi thở; Nephesh (tiếng Hebzeu) = psukhe (tiếng Hy Lạp) là ân huệ, sinh khí của Thiên Chúa được ban cho con người để con người trở thành một sinh vật sống động (x. St 2, 7). Có thể dịch là linh hồn, sự sống, nhân vị, cái tôi. Vậy “Psukhe” là khái niệm ám chỉ toàn thể con người như là một hữu thể độc đáo trong tương quan với những hữu thể sống động khác.

  • Hết trí khôn:  Trong tiếng Do Thái, “trí khôn chỉ là một phần của “con tim”. Từ “trí khôn” không có trong Đnl 6, 5, có lẽ được Nhất Lãm thêm vào để thích nghi với nền văn hoá Hy Lạp vốn đề cao lý trí. Đối với người Hy Lạp, lý trí có vai trò quyết định trong toàn bộ hiện hữu của một con người; khái niệm trí khôn bao hàm ý nghĩa “dự tính”, “ý tưởng”, “những tư tưởng cho tương lai”.

Vậy “yêu hết trí khôn” hàm ý không chỉ là yêu nhất thời trong hiện tại mà tình yêu ấy còn bao hàm  mọi dự tính, toàn bộ tương lai của mình nữa, yêu mãi mãi.

Hết sức lực:  Ám chỉ sức mạnh về thể lý, vật chất hàm ý tình yêu đối với Thiên Chúa phải được biểu lộ ra bên ngoài một cách mạnh mẽ, bằng việc làm cụ thể.

Vậy “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn. “nghĩa là yêu Thiên Chúa như tôi là, như là một ngôi vị độc đáo; yêu với toàn bộ con người tôi cả hồn lẫn xác với mọi quan năng, tình yêu ấy vượt trên mọi sự, bao trùm luôn cả tương lai, thâm nhập vào và điều khiển mọi dự tính của tôi; Rồi tình yêu ấy phải được biểu lộ mạnh mẽ ra bên ngoài bằng việc làm cụ thể. Biểu lộ ra bằng cách nào? Đó chính là điều mà Đức Giêsu đòi buộc trong điều răn thứ hai.

                   “Yêu người thân cận NHƯ CHÍNH MÌNH”: Khi đã được gắn kết với điều răn thư nhất và được đặt ngang bằng với điều răn thứ nhất thì cách nói “như chính mình” không nên hiểu là lấy tình yêu đối với bản thân con người cá nhân mình làm chuẩn mực cho tình yêu đối với tha nhân; nhưng nên hiểu là phải yêu thương người khác với toàn thể con người, tôi thế nào thì tôi yêu tha nhân hết tình như vậy. Cách nói này tương đương với cách nói “yêu hết lòng…” ở điều răn thứ nhất. Nghĩa là tôi cũng yêu tha nhân bằng chính tình yêu mà tôi đã có đối với Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, tình yêu này hiện rõ: Vì Người là Thiên Chúa thật và là con người thật, nên khi tôi yêu Người thì tôi yêu Thiên Chúa lẫn con người bằng cùng một tình yêu; và khi Người yêu tôi thì Thiên Chúa và con người cùng yêu thôi cũng bằng một tình yêu “người – Chúa”.

                   Điều răn kép này đã được Đức Giêsu thực hiện tuyệt vời: Người yêu Thiên Chúa là Cha của Người và yêu nhân loại là anh em của Người bằng cùng một tình yêu vô biên, bất biến, duy nhất, thần linh. Và Người cũng là Đấng mà trong Người tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đan quyện lại với nhau cách hoàn hảo. Vậy để thi hành điều răn kép này, chúng ta hãy yêu NHƯ ĐƯC GIÊSU ĐÃ YÊU. Cụ thể là hãy yêu thương nhau bằng chính Tình Yêu mà Đức Giêsu đã yêu chúng ta (Ga 13, 34; 1Ga 3, 16), phải giữ các giới răn của Người (1Ga 2, 4).

  1. TÓM KẾT:

                   Hai điều răn MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI vốn đã được mặc khải trong Cựu Ước. Tuy nhiên con người đã phủ lên hai điều cơ bản ấy không biết bao nhiêu là lớp bụi phàm nhân khiến hai điều răn ấy bị tách rời xa nhau và trở nên rời rạc. Đó là nguyên do của những rối rắm trong toàn bộ Lề Luật. Đức Giêsu trả chúng về lại đúng vị trí: Hai điều răn chỉ là một: đó là lòng mến của chính Thiên Chúa được trao ban cho con người và Thiên Chúa mời con người hãy sống lòng mến đó như chính Thiên Chúa sống: MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI bằng chính một tình yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực.

                   Chính khi sống Tình yêu thần linh ấy, con người được hồi phục phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa” và được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa. Đó chẳng những là điều răn lớn nhất, mà còn là điểu răn căn bản, giềng mối bao trùm toàn bộ mặc khải Kinh Thánh. Mọi sự đều quy tụ lại trong tình yêu như đã được bắt đầu trong Tình yêu. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Frère Pierre Đình Long FSC