CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

 Mc 7, 31-37: ĐIẾC và CÂM

   Một người phát triển tự nhiên, bình thường sẽ có năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Người có khả năng biết trước nhiều chuyện, có tài “tiên tri” thì được gọi là có giác quan thứ 6. Năm giác quan tương ứng với 5 chức năng: nhìn, nghe, ngửi, nếm+ nói và sờ chạm. Khi một người bị nhiễm vi rút Corona thì bị mất khứu giác và vị giác.

   Năm giác quan trên kia là 5 cánh cửa nhận thức của một người mở ra với thế giới tự nhiên và thế giới loài người. Khi mất một chức năng là mất đi rất nhiều, mất đi một cánh cửa để tiếp xúc với thế giới bên ngoài; vậy mà có khi người ta mất một lần hai chức năng: nghe và nói. Bình thường người Việt chúng ta nói là câm điếc nhưng người Anh, người Pháp thì lại nói là điếc câm: Deaf-mute và sourd-muet. Có lẽ nói như Tây Phương hợp lý hơn, logic hơn, vì thường người ta điếc, người ta mới câm. Đứa nhỏ không nghe được, cho nên không nói được, chứ không phải câm mới điếc như kiểu nói của Việt Nam.

  Tin mừng Mác cô đoạn 7 câu 31-37 hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa một người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,32).[Theo bản văn của nhóm PDCGKPV và cha Nguyễn Thế Thuấn]. Bản văn TOB-Traduction Oecuménique de la Bible- Bản dịch Kinh Thánh đại kết giữa công giáo và tin lành bằng tiếng Pháp- không nói là dyslalie (bệnh ngọng) mà chỉ dịch là parlait difficilement (nói cách khó khăn). Ta có thể hiểu là ú ớ, như những kẻ câm. Nói cách khác, là một người vừa điếc vừa câm.

   Có dịp thăm các trường câm điếc chúng ta mới thấy thương các em; khi chúng trao đổi, chúng múa tay loạn xạ ngầu, ra dấu hiệu, hoặc ú a ú ớ. Thế giới  của người điếc là một thế giới hoàn toàn tĩnh lặng, không hề có tiếng gió vi vu, tiếng  chim ca thánh thót hay tiếng nhạc du dương.Ta hiểu được tại sao các em câm điếc dễ cục tính, chúng muốn diễn tả mà không diễn tả được ý nghĩ của chúng.

  Anh chàng câm điếc trong Tin Mừng Mác cô hôm nay, chắc hẳn chưa tin, vì anh có nghe được đâu mà tin? Thánh Phaolô chả nói đức tin có được là nhờ nghe- Fides ex auditu (Rm 10,17) là gì? Có lẽ, vì chưa tin, nên anh không tự mình đến với Chúa Giêsu. Nhưng Chúa chữa bệnh cho anh, là dựa trên đức tin của những người khác. Người ta đem một người điếc và ngọng đến với Chúa và xin Chúa đặt tay trên anh.(Mc 7,32).

   Nhiều người không tin là vì không được nghe, nhưng cũng có nhiều người có tai mà không nghe; họ là những người điếc, Chúa Giêsu nhiều lần cũng đã nói ai có tai nghe thì nghe (Mc 7,16).

   Người ta điếc với lời Chúa dạy, điếc với lời  kêu cứu của anh em. Sống vô tâm theo chủ trương Mackeno. Chúng ta thấy những người ấy rất rõ khi cuộc sống cộng đồng gặp gian nan, hoạn nạn, cụ thể trong đại dịch Covid hiện tại. Đã không giúp đỡ mà họ còn lợi dụng, lừa đảo, hãm hại anh em. Coi chừng, có khi chúng ta cũng chính là những người điếc ấy.

  Nếu có những người điếc bẩm sinh thì cũng có những người giả điếc. Tục ngữ Việt Nam ta nói điếc tai làm, sáng tai họ, hoặc cũng có chỗ nói điếc tai cày, sáng tai họ. Đó là kinh nghiệm của người nông dân, khi người ta muốn con trâu đang cày mà dừng lại, người ta nói: họ, thì nó đứng ngay, nhưng nếu nói nó làm, thì nó như điếc, không nghe; có khi phải nói hai ba lần con trâu mới chịu cày.

[Ngày 30 tháng 04 năm 1975 trên cầu Đồng Nai, trước những xe cộ đủ loại đang chen lấn, giành đường, các chú bộ đội cũng đứng giữa cầu, hô:  Họ…họ, nhằm chặn các xe dừng lại].

 Trước những công việc khó khăn vất vả, đòi nhiều hi sinh, cố gắng, ta thấy xuất hiện nhiều người giả điếc, không nghe.

Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cày.

(Nguyễn Khuyến, “Anh giả điếc”)

 Ngày nay, để giúp các em khiếm thính tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. các bác sĩ, các chuyên gia y tế, đã lắp đặt máy trợ thính, để giúp các em nghe được tiếng nói của người khác, nghe được các âm thanh bên ngoài, nhờ đó các em tập nói được. Thời chúa Giêsu, người ta chưa có máy trợ thính, nên dân chúng xin Chúa chữa lành cho người câm điếc. Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai chữa tật điếc trước, rồi  nhổ nước miếng mà bôi vào vào lưỡi anh để chữa tật câm sau (Mc 7,33). Chúa nói Ephata, nghĩa là hãy mở ra và người thanh niên nói được rõ ràng.

(Mc 7, 34-35). Cha Thành Tâm, trong ban nhạc Alleluia, thập niên 60-70 thế kỷ trước, đã sáng tác một ca khúc mang tựa đề Ephata- Hãy mở ra. Ngài xin Chúa mở mắt, mở đôi tay, mở môi, mở tai, mở chân, để ta thấy Chúa, nghe Chúa và để gặp gỡ anh em.

  Chàng thanh niên trước khi được chữa lành còn bị ngọng. Lưỡi anh ta như bị buộc lại. Nhiều người có lưỡi đàng hoàng nhưng vẫn ngọng, thậm chí còn câm. Câm, vì không biết ca tụng, tạ ơn Chúa, không biết hát lời ngợi khen Chúa. Câm vì không biết nói lời tử tế, không biết nói lời tri ân, yêu thương, không biết khen ngợi, mà chỉ biết nói xấu và chỉ trích người khác.

  Dân chúng kinh ngạc. Họ nói ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được.(Mc 7,37) Họ liên tưởng đến lời của tiên tri Isaia đoạn 35 câu 5: Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.  Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai.(Is 35,6). 

Lạy Chúa, xin mở tai chúng con, để chúng con biết nghe lời Chúa và nghe tiếng anh em.
Xin mở miệng chúng con để chúng con ca tụng Chúa và yêu thương anh em.

Nguyễn Đức Lân