CHÚA NHẬT XXII A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Gr 20,7-9;
Mt 16,21-27
Chủ đề: Theo Chúa phải từ bỏ ý riêng, bước theo đường lối Chúa.

* Gr 20,7: Lạy YAVÊ, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ.
* Mt 16,24: Ai muốn đi theo Thầy phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo.

          “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình…” (Mt 16,24). Lời Chúa của Chúa Nhật XXII A gợi lên một số đòi hỏi của Chúa dành cho những ai muốn bước đi theo Người: đó là phải từ bỏ ý riêng của mình để thực thi ý định, đường lối của Thiên Chúa.

          Trong thực tế, Chúa chọn ai là mời gọi người đó cộng tác với Chúa để hoàn tất dự định cứu độ của Người đối với nhân loại; Mà việc của Chúa thường là đi ngược lại với những khát vọng, hạnh phúc thế trần mà nhân loại tìm kiếm: Họ tìm những hạnh phúc trước mắt, chóng qua, thỏa mãn ngay một số nhu cầu thấp hèn phàm tục; Trái lại Thiên Chúa muốn tặng ban cho con người phúc lộc thần linh, trường sinh đưa con người đến chỗ kết hợp với Thiên Chúa. Vì thế, ai muốn theo Chúa thường phải “bơi ngược dòng”, bị người đương thời chống đối. Khổ đau, ngược đãi, bị loại trừ bởi các thính giả, đối tượng Chúa sai mình tới nói sứ điệp của Chúa là chuyện thường xảy ra; bởi vì người theo Chúa không được phép nói những gì mình ưa thích, hoặc tìm làm vừa lòng các khán thính giả của mình, mà chỉ được nói những gì Chúa truyền phải nói mà thôi.

          Chính vì thế mà những ai muốn theo Chúa phải ý thức, phải chấp nhận từ bỏ ý riêng, dự tính, đường lối của mình, để thực thi những gì Chúa muốn theo đúng đường lối mà chính Chúa đã mặc khải.

          Bài đọc một là tâm sự của Giêrêmia tỏ bày cùng Chúa những ấm ức mà ông phải gánh chịu khi vâng lệnh Chúa nói cho dân những điều mà họ không thích nghe; khốn thay đó lại là điều mà Chúa muốn ông nói ra cho họ.

          Bài đọc một mở đầu bằng một lời như là Giêrêmia hờn dỗi, kêu trách Chúa: Ông nói Chúa đã dụ dỗ, quyến rũ ông và ông không sao cưỡng lại được; Ông biết dân không thích nghe lời ông nói, nhưng Chúa buộc ông phải loan báo sứ điệp của Người cho dân.

          Cụ thể là dân đang an cư trong đất nước, Giêrusalem được Chúa bảo vệ khỏi sự xâm lăng của vua Assyri là Sennakérib vào năm 701; Rồi năm 621, vua Giôsias lại tìm được sách luật và cải cách tôn giáo khá thành công. Vậy mà Giêrêmia lại cứ hét vào tai dân: “Bạo tàn”, Thành Đô sẽ bị “tàn phá”. Sứ điệp báo họa ấy làm sao lọt được vào tai của đám dân đang tự ru ngủ mình trong những an bình giả tạo. Vì thế, Giêrêmia bị dân mình cười chê, nhạo báng, sỉ nhục, chế giễu suốt ngày đến độ có lúc ông phải thốt lên “Tôi sẽ không nghĩ đến Chúa, cũng chẳng nhân danh Chúa mà nói nữa”.

          Nhưng rốt cuộc, ơn Chúa vẫn mạnh hơn. Lời Chúa như ngọn lửa thiêu đốt tâm can, âm ỉ trong xương cốt khiến ông không thể nào thinh lặng được. Chúa đòi những ai theo Chúa phải can đảm bỏ đi những ước vọng cho dù là chính đáng của mình, kể cả mạng sống, để thực thi đường lối Chúa. Phải chăng vì thế mà “Chúa có ít bạn tâm phúc” (Têrêsa Avila).

          Trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đòi buộc những ai muốn theo Người phải TỪ BỎ CHÍNH MÌNH và vác thập giá của mình mà theo. Lời mời trên phát xuất từ một bối cảnh trong đó hai sự kiện đối nghịch nhau đã diễn ra: – Phêrô tuyên tín và được Đức Giêsu khen (Tin Mừng XXI A) – Nhưng khi Người mặc khải con đường Thập Giá và Phục Sinh, thì Phêrô đã cản Người, bị Người mắng là “Xatan”. Chính trong bối cảnh đó, Đức Giêsu đòi buộc “ai muốn theo Thầy phải TỪ BỎ CHÍNH MÌNH…”. Đức Giêsu đòi Phêrô phải từ bỏ đi tư tưởng phàm trần của ông để tìm cho ra và đi theo tư tưởng của Chúa. Đòi hỏi đó không chỉ dành riêng cho Phêrô, nhưng được Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người “AI muốn theo Thầy phải TỪ BỎ…”

          Con đường TỪ BỎ MÌNH mà Giêrêmia đã đi báo trước sự từ bỏ tuyệt vời trọn vẹn của Thập Giá Đức Giêsu và được Đức Giêsu mở rộng ra cho tất cả những ai muốn theo Người.

          Vậy Lời Chúa Chúa Nhật XXII A mời môn đệ Chúa luôn cầu nguyện, biện phân để tìm ra và can đảm chọn theo Ý Chúa hơn là tìm thỏa mãn những khát vọng trần tục nơi mình. Để được vậy, phải chỉnh sửa con người mình mỗi ngày, để những gì mình suy tưởng dần dần trở nên phù hợp hơn với tư tưởng đầy yêu thương, cứu độ của Chúa.

Bài 2

Gr 20,7-9;
Mt 16,21-27

Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải…chịu nhiều đau khổ…rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy (Mt 16,21). Ông Phêrô nói: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! (16,22). Đức Giêsu bảo Phêrô…” Xa tan, lui lại đằng sau Thầy!…tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa” (16,23). Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn đi theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo” (16,24).

Thập giá và vinh quang, Tử Nạn và Phục Sinh là hai mặt bất khả phân ly của mầu nhiệm vượt qua cứu độ của Đức Giêsu, và đó cũng chính là dự tính từ thưở đời đời của Thiên Chúa để hoàn tất công trình sáng tạo: con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Lời Chúa của Chúa Nhật 22A hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh thập giá, thương khó:

“Vì Lời Yavê mà con đây (Giêrêmia) bị sỉ nhục (bài 1).

“Thầy phải chịu nhiều đau khổ…rồi bị giết chết…Ai muốn theo Thầy phải vác thập giá của mình mà theo” (Tin Mừng).

Lời Chúa tuần trước đã đưa chúng ta vào bước ngoặt mới trong mặc khải của Đức Giêsu: Người tỏ lộ công khai cho Nhóm Môn Đệ Thân Tín căn tính thần linh của Người: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và Thiên Chúa đã chọn một số người để làm cánh tay nối dài của Chúa loan báo tin vui đó cho nhân loại.

Thế nhưng, để đi đến được đáp số tốt đẹp đó, nhận ra được dung mạo cứu thế, thần linh của Đức Giêsu, thì lộ trình phải vượt qua là “con đường Thập Giá”: Ai muốn theo Đức Ki-tô thì phải cùng chung số phận như Người, phải là chứng nhân sống động của con đường thập giá vinh quang, giúp người đời nhận ra “tư tưởng của Thiên Chúa” và thuyết phục, khích lệ họ bằng chính đời sống của mình, rằng hãy từ bỏ đi các “tư tưởng phàm nhân” để đón nhận đường lối Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Đó là điểm nhấn của Lời Chúa hôm nay.

Khi nói đến “thập giá”, thì trong thân phận phàm nhân tội lỗi, con người thường nghĩ ngay đến những khổ đau, bất hạnh, thua thiệt, coi đó như chỉ là những án phạt, mất mát mà nhân loại phải gánh chịu vì đã phạm tội (Đừng quên rằng Đức Giêsu vô tội mà vẫn tự nguyện vác Thập Giá), và do đó thường có thái độ trốn chạy, né tránh Thập Giá.

Điều đó được thấy rõ trong lời than thở của Giêrêmia (20,8b) đến độ, như ông thú nhận, ông phải thốt ra những lời cay đắng “tôi không nghĩ đến Chúa”, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”… Khốn thay, đó lại là sứ mạng Chúa trao cho ông phải hoàn tất.

Còn trong bài đọc Tin Mừng, khi nghe Đức Giêsu mặc khải con đường thương khó, tử nạn, Phêrô phản ứng tức thời đã can ngăn Người. Kết quả thật kinh khiếp: từ một vị lãnh đạo là nền tảng của Hội Thánh (Mt 16, 18-19), Phêrô đã trở thành “Xatan”.

Và điều Đức Giêsu mong chờ nơi những kẻ theo Người là phải bỏ đi các lỗi suy nghĩ “tư tưởng phàm nhân” để đón nhận “tư tưởng của Thiên Chúa” làm lẽ sống cho cuộc đời mình; Rồi Người khẳng định một cách dứt khoát: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Sở dĩ có cái nhìn lệch lạc về “đường Thập Giá” như thế là vì tội lỗi đã làm con người sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa nên không còn đủ sáng suốt để nhận ra ý định tốt lành từ thưở ban đầu của “con đường Thập Giá” đã được Thiên Chúa an bài trong định luật sáng tạo. Thật vậy, “đường Thập Giá” là đường ý định của chính Thiên Chúa đã được Người đặt để làm một định luật trong công trình sáng tạo để mọi loài có thể góp phần cộng tác với Thiên Chúa đưa công trình sáng tạo đến chỗ hoàn tất: Chúa muốn mọi loài thọ tạo đều là cộng sự viên của Chúa và riêng con người thật sự là “hình ảnh Thiên Chúa”, “bá chủ vũ trụ”.

Đọc kĩ lại sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng thấy rằng, Thiên Chúa không dựng nên mọi vật đầy đủ ngay tức khắc: Người chỉ dựng nên những gì cơ bản, ban cho chúng mầm sống và quy luật phát triển. Định luật đó được Thiên Chúa đặt để trong ngày thứ ba (St 1, 11-18) và sau này Đức Giêsu đã nhắc lại dưới một cách diễn tả khác: “hạt giống phải chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

Vậy việc phải chết đi (Thập Giá) dể sinh nhiều bông hạt (phục sinh) là QUI LUẬT CỦA CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO.

Và trong thực tế của cuộc sống hôm nay, định luật ấy vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhân loại: muốn làm ăn thì việc làm trước tiên là phải chịu thiệt, bỏ ra vốn trước để đầu tư; Để có vụ mùa tốt, việc trước nhất là phải để ra những hạt lúa tốt nhất để quăng xuống ruộng… Và trong tầm nhìn đó của công trình sáng tạo thì định luật “ Thập Giá – Phục Sinh” là một con đường an bình phẳng phiu mà Thiên Chúa đã dựng nên để mọi loài và nhất là con người có thể cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Nhưng vì con người đã muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, nên “con đường phẳng phiu” của sáng tạo đã dần xuống cấp: ổ gà, ổ voi, sình lầy…gây khó dễ cho con người và vì thế muốn né đi con đường đó, muốn tạo ra một con đường dễ dãi trước mắt theo ý riêng mình….Tiếc thay, đó là cơn cám dỗ dẫn tới hư vong.

Không bỏ mặc con người trong hư vong, Thiên Chúa can thiệp cứu vớt (St 3, 15); chóp đỉnh và việc Đức Giêsu đến đảm nhận trọn vẹn phận làm người để kiên trì hướng dẫn, giáo dục chỉ lại cho nhân loại con đường cứu độ phải đi là “Thập Giá – Phục Sinh”.

BÀI ĐỌC I: Gr 20, 7-9

Bài đọc 1 trích từ phần đầu của Sách Giêrêmia (1,1 -25,13a). Nội dung là các sấm ngôn được Giêrêmia công bố, đặc biệt dưới triều vua Giôgiagim (7, 1-20,18). Sấm ngôn lên án Giuđa và Giêrusalem vì nhữung lầm lạc của họ. Bằng những hành vi, cử chỉ lạ kì do Thiên Chúa gợi ý và buộc phải làm, cuộc đời Giêrêmia trở thành dấu chỉ báo trước số phận hẩm hiu của Giêrusalem. Dân thành cứ ỷ lại là có Đền Thờ, nghĩa là có Chúa ở giữa thành, Chúa phải bảo vệ thành, để rồi cứ sống bê tha tội lỗi, không chịu hoán cải. Giêrêmia cảnh báo dân rằng Thành sẽ mất, dân sẽ bị lưu đày, nhưng chẳng có ai chịu nghe, ngược lại họ lại còn ghét bỏ, thù nghịch với ông.

Văn mạch gần từ chương 19 là một minh hoạ rõ rệt cho thực tại này. Trước những chống đối, bách hại, Giêrêmia bị khủng hoảng: ông muốn không làm, không nói theo ý Chúa nữa; nhưng rồi Lời Chúa cứ thôi thúc ông khiến ông không làm như ý mình muốn được. Trước những giằng co ấy, ông tâm sự với Chúa (20, 1-18). Bài đọc 1 trích 3 câu đầu của bài tâm sự này.

CẤU TRÚC Gr 20,7-9

1/ Lời trần tình như than như trách của Giêrêmia dâng lên Đức Chúa (7abc)

  • Trách Chúa đã dụ dỗ ông.

  • Tự trách mình đã để Chúa dụ

  • Trách Chúa đã dung cường lực thắng ông (hàm ý ông không thể cưỡng lại được).

2/ Hậu quả của việc bị dụ: (7dđ – 8abcd)

* một số phận hẩm hiu

 các ý đối xứng từng cặp tạo nên một bao hàm (inclusion)

* ý trung tâm: một sứ mạng đầy tính gây hấn (20, 8ab) mỗi lần nói đến đều là báo hoạ: “bạo tàn, phá đổ”.

3/ Tâm trạng giằng co của Giêrêmia (9)

* Theo tính khí tự nhiên:

– không nghĩ đến Chúa nữa
– không làm Ngôn Sứ cho Chúa nữa – 9bc
* Nhưng rồi ân huệ Thiên Chúa vẫn thắng nơi Giêrêmia:

          – Lời Chúa đốt cháy tâm can, xương cốt
          – đè nén không được, phải đi làm sứ mạng – 9dđef

SỨ ĐIỆP PHỤNG VỤ

  • Quyền năng Thiên Chúa giúp ngôn sứ vượt thắng được những yếu đuối của mình để thực thi sứ mạng Chúa trao cho bất chấp nghịch cảnh.

  • Tuy nhiên, trước những tiêu cực, người của Chúa, Ngôn Sứ cũng bị giằng co giữa một bên là ơn gọi và sứ mạng, còn bên kia là thực tại đáng buồn mà Ngôn Sứ gặp phải.

  • Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là nghe theo tiếng Chúa.

Qua đó, Phụng Vụ mời tín hữu – bất chấp số phận long đong thiệt thòi, khó khăn vây bủa – hãy nhận ra đường lối, ý định Thiên Chúa muốn nơi mình và can đảm đi theo như một môn đệ hơn là đợi Thiên Chúa làm theo ý mình.

SUY NIỆM

* “Quyến rũ”: pittah có nghĩa là dụ dỗ một thiếu nữ với ý định muốn chiếm đoạt (x. Xh 22, 15). Xét theo tiêu chuẩn luân lý thời nay, động từ mang ý nghĩa xấu, tiêu cực. Nhưng xét theo nhãn giới Kinh Thánh, chủ từ ở đây là Thiên Chúa, việc Thiên Chúa muốn chiếm đoạt ai có nghĩa là Người muốn dành riêng người đó cho một sứ vụ, sứ vụ giải cứu. Phương thức Chúa áp dụng vừa mang tính dụ dỗ (các lời hứa), vừa mang tính áp đặt, ép (Chúa đã chọn ai thì không bao giờ bỏ cuộc, tìm đủ mọi cách: trường hợp Giona là điển hình), sao cho để người được chọn phải đáp lại, phải “để mình bị dụ”.

     * Chắc là, ở đây, trong cơn bĩ cực do sứ vụ gây ra, Giêrêmia đã nhớ lại ơn gọi của mình mà trần tình, trách móc Chúa: lúc gọi ông, Chúa như giăng bẫy chộp bắt ông bằng nhữung lời hứa (x. 1, 18-19) – dù ông đã chối từ (c.6)- mà không hề nói rõ ra cho ông biết những khổ đau mà ông sẽ phải gánh chịu khi nghe làm theo Lời Chúa. Do đó, ông đã “để mình bị dụ”.

Chúa mạnh hơn con…”, Cha Thuấn dịch “Chúa đã uy hiếp tôi”. Hàm ý: “thống trị”, dùng uy lực bắt phải theo (x. Ed 34,4). Lời trách thứ 2 của Giêrêmia là Chúa chèn ép, buộc ông phải nhận sứ vụ (x. 1,17e). Chúa đã định sẵn tất cả (1,5).

Tóm lại, c.7 là những phản ứng rất con người của Giêrêmia trước thực tế phũ phàng khi thi hành sứ mạng và khi nhớ lại ơn gọi của mình. Tuy nhiên, cái tình cảm con người ấy đã không thắng được ý định của Thiên Chúa nơi Giêrêmia (c.9 cho thấy như vậy: Trong Tin Mừng ta cũng thấy tranh chấp giữa “ tư tưởng của anh và tư tưởng của Thiên Chúa”: Mt 16,23).

* “Bạo tàn, phá hủy”: đó là nội dung sứ điệp Giêrêmia đã nhận từ Thiên Chúa và phải hô to lên cho dân chúng (x. 1, 15-16). Kết quả là ông bị chế giễu, nhạo cười bởi vì dân cứng lòng, cho những lời tiên báo của ông là huyễn hoặc (x. CGKPV “Các Sách Ngôn Sứ” trang 222)

* Cơn cám dỗ tìm giải pháp nhất thời trốn tránh khổ đau trước mắt: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Giêrêmia như không muốn nghĩ đến Thiên Chúa, lẩn tránh Thiên Chúa, ông muốn tìm sự bình an tưởng tượng cho mình (không làm sứ mạng cho Chúa nữa thì chắc sẽ bình an(?)) bằng sức riêng, sự cô độc của mình. Ông bị cám dỗ đi vào con đường của Ađam trong vườn Eden: bỏ ngoài tai lời nói, dự tính từ muôn thưở của Thiên Chúa để chạy theo ước vọng nhất thời và ảo tưởng của mình: không làm ngôn sứ cho Chúa nữa để được an thân. May thay Thiên Chúa tiếp tục hoạt động trong ông, thiêu đốt ông nên cuối cùng ông vẫn giữ vững được lòng trung tín.

* Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim…Con nén chịu…nhưng làm sao nén được: cuối cùng Giêrêmia đã phải thân thưa cùng Chúa rằng ông khuất phục Thánh Ý. Câu này cho thấy sức mạnh của Lời được ví tựa ngọn lửa âm ỉ tận tâm can, cốt tủy khiến Giêrêmia không thể khước từ làm ngôn sứ cho Thiên Chúa.

TÓM KẾT:

Bài 1 diễn tả sự giằng co nội tâm của Giêrêmia để chọn lựa: hoặc can đảm chấp nhận thực tế khổ đau, phũ phàng và tiếp tục sứ mạng Chúa đã trao ban với tất cả những hệ quả của nó; hoặc trốn chạy thực tại- trong ảo tưởng là mình sẽ được an bình – bằng cách im đi, coi như không có Chúa trong đời mình, không nói lời Thiên Chúa cho dân nữa. Nói cách đơn giản: hoặc chọn đường lối của Chúa trên đời mình, hoặc tự vẽ ra cho mình một thứ hạnh phúc, an ổn theo ý riêng mình. Một cây “trái cấm” đang hiện ra trước mắt Giêrêmia.

Cuối cùng, may thay, mặc dù bất an, bực bội, Giêrêmia vẫn chọn theo ý Chúa, vì Lời Chúa như ngọn lửa thôi thúc tâm can, đốt cháy tim ruột ông. Nhờ Lời Chúa mà những gian truân trong sứ mạng, những cám dỗ tìm an thân…đã không tách được ông ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, không quyến rũ được ông đi theo ý riêng ông; chỉ có Thiên Chúa mới quyến rũ được ông.

Người của Chúa vẫn chỉ là một con người với những nét đặc trưng của từng cá nhân biệt vị. Nhưng người ấy đã được Chúa chiếm đoạt, đã được Lời Chúa thấm nhập, tôi luyện, đổi mới để luôn có thể chọn làm theo ý Chúa dù những yếu đuối của kiếp người vẫn còn nguyên và không ngừng đeo bám (dưới sự điều động của Xatan) làm khổ người ấy. Để chọn đúng phải kiên cường chiến đấu.

Ngang qua tâm tình bực dọc, uất ức của Giêrêmia và qua sự chọn lựa chung cuộc của ông, ta nhận ra sức mạnh vô song của Lời Chúa. Chỉ có Lời Chúa mới giúp ta vượt qua được những giới hạn của kiếp phàm nhân tội lỗi mà đến cùng Thiên Chúa cách trọn vẹn.

TIN MỪNG Mt 16, 21-27

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là đoạn tiếp nối ngay sau bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật trước. Trong cùng một khung cảnh là cuộc tỏ mình của Đức Giêsu cho đám môn đệ thân tín; cốt truyện vẫn xoay quanh 2 nhân vật chính là Đức Giêsu và Phêrô. Và điểm trung tâm quy tụ mọi chi tiết đó là ý Cha, tư tưởng của Thiên Chúa. Chính mối tương quan của con người đối với ý Cha được mặc khải qua Đức Giêsu sẽ quyết định số phận mỗi người. Thật vậy, 2 câu chuyện kế tiếp nhau, xảy ra trong cùng một bối cảnh, chắc cách nhau chỉ một khoảng thời gian ngắn, nhưng đã đưa đến 2 kết quả hoàn toàn trái ngược nhau:

* Trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật trước, Đức Giêsu đã cố tình tách các môn đề ra khỏi những tác động của phàm nhân đến từ Do Thái giáo: địa lý, cái nhìn dân tộc chủ nghĩa về Đấng Meessia, “men” Herode, biệt phái, Xa đốc. Để rồi Người tỏ mình cho các môn đệ cách kín đáo qua câu hỏi đầy gợi ý “CON NGƯỜI” là ai? Và kết quả thật đáng mừng. Các môn đệ hoàn toàn rập khuôn, đi vào đường lối của Thiên Chúa. Thật vậy, trước câu đáp của Phêrô (16,16), Đức Giêsu đã hân hoan khen ông nức nở: Anh thật có phúc, vì anh được Cha mặc khải thánh ý Người và anh đã tuyên tín rập khuôn theo ý Cha. Và Đức Giêsu đã đổi đời cho Simon, đổi tên ông thành “Phêrô”, là “Tảng Đá” trên đó Người xây Giáo Hội Người.

* Thế nhưng, trong câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, mối tương quan giữa Đức Giêsu với Phêrô lại hoàn toàn đảo ngược lại. Đức Giêsu tiếp tục hé mở thêm dự tính cứu độ của Người cho môn đệ: Lộ trình mà Người sẽ đi để biểu lộ căn tính “là Con Người”, “là Mêsia”, “là Con Thiên Chúa” lại là con đường mà ý phàm nhân chẳng hề mong muốn: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (16,21). Nghe đến “khổ đau”, “bị giết chết”, Phêrô đâm hoảng, ý cuối cùng “ngày thứ ba sẽ sống lại” dường như ông không nghe; Lúc ấy, những gì “Cha Thầy Đấng ngự trên trời” mặc khải (x. Mt 16, 17) dường như biến mất khỏi ông, nơi ông chỉ còn lại tư tưởng của phàm nhân (x. Mt 16, 23). Và một khi chỉ hành động theo ý phàm nhân thì “ Tảng đá làm nền để xây dựng Giáo Hội”  ngay tức khắc bị biến chất, trở thành “ Kẻ cản lối Thầy” và Đức Giêsu đã không ngần ngại nặng lời với Phêrô “Sa tan, lui lại đằng sau Thầy”.

           Yếu tố nào đã tạo nên tương quan đảo ngược kinh khủng giữa Đức Giêsu và Phêrô như thế?.  Bài đọc Tin Mừng hôm nay mở đầu như thế này: “TỪ LÚC ẤY”,  Đức Giêsu Kitô “BẮT ĐẦU” tỏ cho các môn đệ biết về những khổ đau, sự chết và sự sống lại của Người. Như vậy đây là thời điểm Đức Giêsu khởi sự một chiến lược hoạt động mới. Thật vậy, đọc tổng thể Tin Mừng Matthêu cũng như Nhất Lãm thì biến cố tuyên tín và việc bắt đầu loan báo tỏ tường cho các môn đệ về Thập Giá và Phục Sinh được coi là “Bản lề” của Tin Mừng Matthêu. Thật vậy:

          Trước tuyên tín, công việc chính của Đức Giêsu là rao giảng cho đám đông, lôi cuốn dân chúng bằng những bài giảng hay đầy uy quyền (x. Mt 7, 28- 29), những cuộc tranh luận hấp dẫn, thuyết phục, và nhất là Người làm trong giai đoạn này rất nhiều phép lạ. Hình ảnh một Đấng Mêsia vinh thắng đang dần dần hình thành trong đầu óc đám đông (x. Ga 6, 15). Trong giai đoạn này, uy quyền Đức Giêsu áp đảo đối thủ từ lời nói đến việc làm; khía cạnh Thập Giá chỉ nhắc qua cách mơ hồ (x. Mt 12, 14; 16,4).

          Nhưng sau tuyên tín, khởi sự TỪ LÚC ĐÓ, Đức Giêsu Kitô BẮT ĐẦU nói nhiều về Thập Giá, về một Đấng Mêsia phải chịu nhiều đau khổ theo dung mạo NGƯỜI TÔI TRUNG trong Isaia Đề Nhị. Các phép lạ ít hẳn lại: Từ lúc đó cho đến TIỆC LY, Mathêu chỉ còn nhắc tới ba lần phép lạ (x. Mt 17, 14-18; 19,2; 20, 29-34); Và đối tượng mà Đức Giêsu tiếp xúc cũng thu hẹp lại, hướng nhiều vào Nhóm Môn đệ thân tín hơn là vào đám đông.

          Tóm lại, yếu tố chính được mặc khải trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đã làm thay đổi mối tương quan giữa hai Thầy trò Giêsu – Phêrô là: CÁCH THỨC mà Thiên Chúa đã chọn để Đức Giêsu hoàn tất sứ vụ thiên sai, bày tỏ cách trung thực căn tính thần linh của Người… nói cho dễ hiểu: Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là Đấng Mêsia cứu thế đúng như lời Phêrô tuyên xưng. Tuy nhiên phương thức mà Đức Giêsu phải chọn, theo ý Cha, để hoàn tất công cuộc Cha trao phải là:

  • Đi lên Giêrusalem

  • Chịu nhiều đau khổ

  • Rồi bị giết chết

  • Vào ngày thứ ba được sống lại (Mt 16, 21b)

Chỉ với cách suy nghĩ của phàm nhân thôi thì Phêrô không chấp nhận được phương thức làm việc như thế. Ông đã cản Đức Giêsu và còn dám gán luôn cho Thiên Chúa cái tư tưởng phàm trần của ông “xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy (16,22). Câu 16,22 đúng là một lời xuyên tạc trắng trợn đường lối của Thiên Chúa. Đây là cơn cám dỗ mà Rắn đã đánh lừa Eva ở vườn Eđen (x. St 3,4) và Xatan dụ dỗ Đức Giêsu trong hoang địa (x.Mt 4,8). Tất cả chỉ là một MÁNH: xuyên tạc đường lối của Thiên Chúa: xúi con người làm những điều Thiên Chúa không muốn và cản trở con người làm những điều Chúa muốn. Đó là cách thức tinh vi ma quỷ xúi giục con người chống phá chương trình cứu độ của Thiên Chúa. May cho nhân loại là Đức Giêsu trong thân phận của một con người, Người đã trao phó tất cả cuộc đời theo Ý Cha (x. Mt 26,39.53-54; 27,46-50), nên Đức Giêsu đã nhận ra được mưu đồ thâm độc của Quỷ ẩn núp bên trong cái tâm tình “lo lắng cho Thầy” của Phêrô, do đó không ngần ngại mắng Phêrô nặng lời là “Xatan”.

          Lương thực của Đức Giêsu là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Người và hoàn tất công trình của Đấng đó (x. Ga 4,34). Còn phần các môn đệ, ai muốn theo Thầy cần nhớ “trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ” (x. Mt 10,24). Do đó lẽ sống của môn đệ là “hãy đến mà xem” (x. Ga 1,39.46), “ở lại với Người” (x. Ga 1,39b; Mc 3,14) rồi “đi theo Người, được đào tạo, cuối cùng được trao ban Thánh Thần và sai đi thi hành ý định từ ngàn đời của Cha (x. Ga 20,21-23). Vì vậy tất cả những gì cho dù tốt đẹp đến đâu đi nữa, nhưng khởi xuất từ một thời điểm nhất thời trong cuộc sống đều phải nhường bước trước dự tính cứu độ vốn đã có từ muôn đời trong Thánh Ý Chúa vì lợi ích cứu độ cho nhân loại và từng cá nhân.

CẤU TRÚC Mt 16, 21,-27

  1. Mặc khải mầu nhiệm Đức Kitô thập giá (c. 21)

* Thời điểm: ngay sau phần tuyên tín và Đức Giêsu lập Giáo Hội: Từ lúc đó

* Tư cách: Giêsu Kitô

* Nội dung mặc khải: – nơi chốn chịu khổ: Giêrusalem
                                   – sự kiện: chịu đau khổ…rồi bị chết
                                   – thủ phạm: kỳ mục, các thượng tế, kinh sư

  1. Những phản ứng trước mặc khải (c. 22-23)

2.1 Phản ứng lệch lạc của Phêrô (c.22)

* Kéo riêng Đức Giê su, trách Người: làm vai trên, soán vị trí của Thầy
* Lời trách: – xưng hô với Đức Giê su bằng từ KUPIE

                    – xin (Thiên Chúa) ưu ái, nhân từ đối với Thầy
                    – Điều đó chắc chắn sẽ không (xảy ra) cho Thầy

2.2.Đức Giê su điều chỉnh lại (c.23)

+ Đưa Phêrô về lại đúng vị trí

         -“quay lại” nghĩa là không theo hướng níu kéo ra riêng của Phêrô
         -“Xatan, hãy xéo đi, ra đằng sau Ta”.

+ Giải thích sự lệch lạc của Phêrô:

        – kẻ cản lối Thầy (x.CGKPV Tân Ước 115 m)
        – chỉ suy nghĩ theo lối phàm nhân, đó không là tư tưởng của Thiên Chúa

  1. Mặc khải con đường giúp đi vào tư tưởng của Thiên Chúa (24-27)

* Đối tượng: tất cả môn đệ
* Nội dung: điều kiện theo Thầy

         – từ bỏ mình – vác Thập Giá mình

* Giải thích lý do đòi hỏi trên: 3 lý do

          – tự sức mình, con người không giữ được sự sống; mạng sống chỉ giữ được khi dám liều mất vì Đức Giêsu (25)
           – mà mạng sống thì quý hơn tất cả (26)
           – lý do cánh chung: Đức Giêsu chính là Thẩm phán chung cuộc (27)

* Điềm báo quang lâm: biến cố năm 70 (x.CGKPV 116 p ): 1 dấu chỉ cho thấy những lời Đức Giêsu là bảo đảm sẽ xảy ra.

SỨ ĐIỆP PHỤNG VỤ:

Đức Giêsu quả thật là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống như lời tuyên tín của Phêrô. Nhưng con đường Thiên Chúa muốn Người trải qua để biểu lộ trọn vẹn và trung thực căn tính thiên sai thần linh của Người lại là con đường “Thập Giá-Phục Sinh”. Đường lối này vượt mọi tưởng tượng, suy tư của trí tuệ phàm nhân nên dễ dàng là cớ vấp phạm cho những ai tôn thờ lý trí, thực dụng. Tuy nhiên, trong tư tưởng của Thiên Chúa, đó lại là con đường buộc; Nên Đức Kitô đã mời gọi những ai muốn làm môn đệ Người hãy can đảm đi con đường Thập Giá. Nó sẽ giúp môn đệ giữ được mạng sống và được sự sống vĩnh cửu trong ngày chung thẩm.

SUY NIỆM

*“Từ lúc đó…” đó là thời điểm các môn đệ nhận ra Người là Mesia, Con Thiên Chúa, và cũng là thời điểm Chúa thiết đặt nền tảng Giáo Hội. Chính ngay sau thời điểm ấy, Đức Giêsu “BẮT ĐẦU” nghĩa là khởi sự mở ra một cái gì mới mẻ: cái mới đó chính là con đường Thập Giá. Đức Giêsu mặc khải cách thức Người sẽ dùng để hoàn tất sứ vụ thiên sai, Con Thiên Chúa của Người; không cách nào khác có thể giúp môn đệ nhận chân trung thực căn tính Đức Giêsu.

* Đức Giêsu Kitô: trong Mattheu chỉ có ba lần tước hiệu kép này được sử dụng:

1/ 1,1: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô…”

2/ 1,18 mở đầu trình thuật truyền tin cho Giuse: “sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô”

Cả hai lần này đều để giới thiệu căn tính Thiên Sai của Đức Giêsu và có thể hiểu mạnh hơn là giới thiệu cả tử hệ thần linh của Người. Và lần thứ ba là ở đây, ngay sau tuyên tín. Như vậy một lần nữa Đức Giêsu xác nhận lời tuyên tín của Phêrô, đồng thời Người với tư cách ấy đã công bố mầu nhiệm thiên sai thập giá. Lời dạy đầu tiên, công khai với tư cách thiên sai vừa được tuyên tín là Thập Giá và Phục Sinh. “Thập giá và Phục Sinh” là “tư tưởng của Thiên Chúa chứ không phải của con người”. (c.23)

Cả ba lần danh hiệu kép này đều đưa chúng ta vào mầu nhiệm TỪ MUÔN ĐỜI của Thiên Chúa: con đường duy nhất giúp nhận ra Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta.

*“PHẢI” đau khổ nhiều…bị giết… chữ “PHẢI” phát xuất từ miệng Đức Giêsu nói về chính mình Người, do đó nó không có nghĩa là một định mệnh áp đặt, nhưng nó diễn tả sự tự nguyện, quyết tâm của người trong cuộc, đang từng bước thực hiện dự tính của Thiên Chúa và cũng là của mình (đừng quên Đức Giêsu nói câu này với tư cách là Giêsu Kitô). Chữ “PHẢI” này nói lên khía cạnh quyết tâm, tự nguyện của Con trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Đó là ý thần học của Mattheu chứ không phải là mô tả kiến thức tiên tri của Đức Giêsu.

* Tác nhân nhân loại của Thập Giá: “các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư”, là các thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái giáo.

* Và ngày thứ ba sẽ sống lại: tư tưởng của Thiên Chúa không dừng lại ở cái chết. Người muốn hồi phục và ban sự sống vĩnh cửu cho con người vốn là phải chết. Hóa ra con đường thập giá là con đường chấp nhận cho đến cùng thân phận con người đã bị thoái hóa do bất tuân, nhưng nay đã được Thiên Chúa đảm nhận nơi Đức Giêsu, chẳng những hồi phục mà còn ban cho sự sống vĩnh cửu của Người.

“Ngày thứ ba”: một lối nói ngạn ngữ gợi lại Hs 6,2 hàm ý là trong một thời gian ngắn.

Như vậy khổ đau và cái chết là một giai đoạn ngắn ngủi mà kiếp nhân sinh phải trải qua trước khi được thông hiệp vào vĩnh cửu. Sở dĩ có khía cạnh hung tàn của cái chết làm con người kinh hoảng là vì nguyên tổ đã khước từ con đường làm người mà Thiên Chúa đã tặng ban trong công trình sáng tạo; Nay Con Thiên Chúa trong thân phận con người đã đi trọn kiếp người kể cả chết để mở lại đường đưa nhân loại tới vinh quang. Đây không phải là chuyện đối phó vì tổ tiên loài người đã sa ngã, nhưng là dự định từ muôn thuở của Thiên Chúa. Con người sợ thập giá là vì trong giới hạn kiếp người, ta chỉ thấy khổ đau và sự chết (đã bị Xatan biến thành công cụ hù dọa con người khi tổ tông sa ngã), nay Đức Giêsu đến cho thấy đằng sau thập giá là phục sinh, là sự sống vĩnh cửu.

* Phản ứng của Phêrô: vì chỉ suy nghĩ theo xác phàm, Phêrô đã làm một cử chỉ bước lui và Đức Giêsu phải chỉnh lại:

– Người vừa khen ông là có phúc vì lời tuyên xưng của ông không do tư tưởng phàm nhân mà là mặc khải của Thiên Chúa (c.17). Thế nhưng thái độ bước lui trước thập giá đã đưa ông trở về lại tư tưởng người phàm chứ không còn ở trong dự tính của Thiên Chúa nữa. (c.23b)

– Người vừa đặt ông làm KEPHA, nền tảng vững chắc cho Giáo Hội, giờ đây ông lại trở thành ĐÁ VẤP PHẠM (skandalon: cớ gây vấp ngã) cho Người.

* Thái độ của Phêrô là thái độ của người làm chủ, chỉ đạo. Ông “kéo riêng Người ra” nghĩa là lôi Đức Giêsu đi lệch khỏi đường lối Thiên Chúa mà Người vừa mặc khải. Và như một vai trên, ông “TRÁCH” Người, làm như điều Người nói ra là sai trái; thêm vào lời ông kèm theo: “Thầy ơi (có thể dịch “Chúa ơi” vì chữ Hy Lạp là Kupiε)”. Thiên Chúa nhân ái (có hảo ý) đối với Thầy, Điều đó không xảy đến với Thầy đâu!”. Tất cả gợi lại hai hình ảnh cám dỗ:

–  Nguyên tổ Eden bị quỷ xuyên tạc ý định của Thiên Chúa bằng cách nói tương tự, phủ nhận lệnh truyền của Thiên Chúa “chẳng chết chóc gì đâu, nhưng các người sẽ nên như những thần linh” (St 3,4-5). Chính lời xuyên tạc ý Chúa đó giờ này được lặp lại cho Đức Giêsu qua miệng Phêrô. Nguyên tổ đã bị rắn đẩy trệch khỏi đường lối Thiên Chúa.

– Cơn cám dỗ lúc đầu sứ vụ của Đức Giêsu: Xatan tiếp tục dụ Người đi lệch khỏi đường lối Chúa bằng cách phủ nhận thập giá của phận làm người: ông là Đức Kitô, vậy hãy sử dụng quyền năng của Đấng thiên sai đi chứ: biến đá thành bánh; nhảy từ cao xuống….để khuất phục thiên hạ. Và cơn cám dỗ ấy còn lại đến với Đức Giêsu lần nữa trên cây thập giá.

Tóm lại qua hành động, lời nói của mình, Phêrô được trình bày như một kẻ lấn sân: lợi dụng sự hiểu biết được Cha mặc khải để đòi làm người chỉ đạo, kéo Đức Giêsu ra khỏi lộ trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn cho Người. Nói cách khác là ông không giữ đúng vị trí của mình trong chương trình của Thiên Chúa; như một kẻ dám bóp méo ý định của Thiên Chúa khi mạnh miệng nói với Thầy mình: “Thiên Chúa thương Thầy, điều ấy không xảy ra đâu”. Chính vì vậy Đức Giêsu phải điều chỉnh lại, đã nặng lời với Phêrô: Xa tan! Chữ “Xa tan” cho thấy sự trầm trọng của phản ứng sai lầm của Phêrô.

* Điều chỉnh của Đức Giêsu: “Xéo đi, ra sau Thầy, hỡi Xatan”.

– Upage = xéo đi: lời Đức Giêsu dùng để dứt khoát xua đuổi Xatan khi y cám dỗ Người trong sa mạc (x. Mt 4,10) và ở đây Đức Giêsu cũng mắng Phêrô là Xatan. Lời trách của Đức Giêsu thật quá nghiêm khắc, nhưng nó cho thấy mức độ nguy hại nghiêm trọng của lời can ngăn của Phêrô. Lời đó phá hoại chương trình cứu độ của Thiên Chúa, lời đó có nguy cơ làm “Đá Tảng” cộng tác với Đức Giêsu để xây Giáo Hội, trở thành “đá vấp phạm” cho Người, thành bàn tay nối dài của Xatan. “Chính vì trong cả 2 trường hợp, Phêrô và Xatan đều nghĩ rằng, vì là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ lợi dụng tư cách đó như 1 đặc quyền cá nhân để chiếm đoạt 1 vinh quang thuần túy phàm trần”. (chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A, Mùa Thường Niên trang 254).

  May thay, đối xử với Phêrô, Đức Giêsu không dứt nghĩa đoạn tình như đối với Xatan trong Mt 4,10, Người thêm “ra đằng sau Thầy”, Người đưa ông về lại vị trí của người môn đệ. Chúa lấy lại vai chủ động (trong cơn cám dỗ, Phêrô chủ động kéo Đức Giêsu riêng ra và trách Người), Người đã đưa Phêrô về lại với TƯ TƯỞNG CỦA THIÊN CHÚA, tư tưởng mà ông đã nhận được khi tuyên tín và đã được Đức Giêsu khen “tư tưởng của anh….là của loài người”. Ở đây Matthêu cho thấy Đức Giêsu là Adam mới, một Adam biết đóng trọn vai thủ lãnh điều chỉnh lại sai trái của người cộng sự với mình ( đang là 1 Xatan nối dài: so với Eva), chứ không chiều theo như Adam trong sách Sáng Thế ( lúc Eva đưa trái cấm, Adam không nói được “đó là tư tưởng của con Rắn, của em, của tạo vật chứ không phải là của thiên Chúa”, Adam đã không lấy lại được vai thủ lãnh chủ động của mình nên nhân loại đã trầm luân), nhờ vậy cứu được Phêrô và cứu được toàn thể công trình sáng tạo.

          Trong trình thuật này, cái tự nhiên phàm trần “thịt và máu” đã vượt thắng hơn mạc khải của Cha trong Phêrô (như Eva nghe con rắn hơn lệnh Chúa), do đó ông không còn là Đá tảng xây nhà Giáo Hội được nữa. “Tất cả mọi tác giả Tin Mừng đều đặt sự tương phản giữa sự yếu đuối của Phêrô và cái tên KÊPHA của ông. Chính họ đã cố tình nhấn mạnh sự đối nghịch đó để cho thấy chính nhờ ân sủng, nhờ Thiên Chúa lựa chọn, chứ không phải nhờ các đức tính tự nhiên mà ông là ĐÁ TẢNG trên ấy Đức Giêsu xây dựng Giáo Hội Người…” (Sđd 252).

          Đức Giêsu đã hoàn toàn nắm lại vai chủ động, điều chỉnh lại những sai trái của Phêrô, hồi phục ông, đưa ông về lại MỐI PHÚC ông đã được hưởng là nói, hành động theo mạc khải của Thiên Chúa chứ không theo tư tưởng của con người.

          * Ai muốn theo tôi: mời bất kỳ ai muốn không riêng gì các môn đệ.

Vậy những đòi hỏi sau đây là nét cơ bản dành cho mọi Kitô hữu chứ không riêng nhóm đặc biệt nào. “Nếu ai muốn đến đằng sau tôi” ( Opisô : cùng 1 từ với lời Đức Giêsu điều chỉnh Phêrô “ra đằng sau Thầy”), nghĩa là LÀM MÔN ĐỆ. Tất cả đều được mời gọi làm môn đệ Đức Giêsu.

          Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình: đây là điều kiện buộc để có thể theo được Đức Giêsu. Nói cách khác, phải từ bỏ tư tưởng của loài người và mang lấy tư tưởng của Thiên Chúa vào con người của mình. Chúa không bảo vác thập giá, từ bỏ cách chung, nhưng là “từ bỏ CHÍNH MÌNH” “thập giá CỦA MÌNH” nghĩa là mỗi người theo Chúa cách biệt vị, với tất cả những gì là độc đáo nơi bản thể mỗi người, với tất cả những gì tạo nên con người mình bất kể tốt xấu. Vấn đề là phải sử dụng chấp nhận tất cả để thể hiện “tư tưởng của Thiên Chúa” trong cuộc đời mình.

          Tuy nhiên nếu ta chỉ xem 3 yếu tố: từ bỏ, vác Thập giá và theo Đức Giêsu như là những điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu thì chưa đủ, bởi vì gương Phêrô nhắc cho ta rằng dù đã là môn đệ, được khen là có phúc, được đặt làm thủ lãnh… Phêrô đã nhiều phen đánh mất bản chất môn đệ (cám dỗ Chúa, chối Chúa). Do đó phải đi tới mức làm sao cho ba yếu tố trên cấu thành hiện sinh của người môn đệ. Thật vậy, Đức Giêsu đã từ bỏ chính mình (vốn dĩ là Thiên Chúa mà …), đã sẵn sàng vác Thập Giá, thì môn đệ không lí do gì mà đi khác con đường Thầy đã đi: “môn đệ không thể hơn Thầy” (Ga 15, 20).

*“Ai muốn cứu mạng sống mình…” (c25): để đi sâu vào tinh thần của lời khẳng định này, cần xét lại thế nào là CHẾT theo Kinh Thánh. Dưới cái nhìn của mặc khải chung cuộc, CHẾT không chỉ là “hết thở”. Vì trong những chương đầu sách Sáng Thế, Chúa nới “… ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết” (2,17). Nguyên tổ đã ăn, họ đâu có chết theo nghĩa “hết thở”; họ chỉ bị đuổi ra khỏi Eden, sống trong tình trạng xa cách Thiên Chúa và họ còn sinh con đẻ cái nữa. Vậy CHẾT là tình trạng xa cách Thiên Chúa. Điều này cũng được Mt 25, 31- 46 và Giáo lý Công giáo xác nhận: cuối cùng xác loài người được sống lại, tất cả được tụ họp để chịu phán xét, người lành sẽ vĩnh viễn ở với Chúa, kẻ ác sẽ xa Chúa mãi mãi.

Vậy CHẾT, SỐNG ở đây chủ yếu không chỉ nhắm tới cái chết thể xác hữu hạn, mà nhắm tới ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu. Câu “Ai muốn cứu mạng sống mình…” trong văn mạch Kinh Thánh và trong những lời Phêrô cám dỗ Chúa, có thể hiểu là một cách nói khác của việc khước từ hay đón nhận Thập Giá của Đức Giêsu: Chúa loan báo lên Giêrusalem để chịu chết, Phêrô không chịu, ông muốn cứu sự sống nghĩa là muốn trốn Thập Giá và hậu quả chắc chắn là phần xác trước sau gì cũng “hết thở” lại thêm mất luôn sự sống vĩnh cửu, là vĩnh viễn xa nhan thánh Chúa. Vậy c.25 có thể nói “ai không đón nhận Thập Giá Đức Giêsu mang tới sẽ vĩnh viễn sống xa Thiên Chúa và ngược lại. Ở đây không hề có vấn đề coi thường sự sống thể xác, vì đó cũng là ân huệ Chúa ban và Chúa buộc chúng ta phải tôn trọng sự sống ấy. Ngay cả trong trường hợp vì Chúa mà phải tử đạo thì cũng chẳng có ai ra vỗ ngực xưng tên để bị giết, trốn được là cứ trốn. Tóm lại, chỉ có con đường Thập Giá mà Đức Giêsu mang tới mới đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu cả thể xác lẫn linh hồn. Người môn đệ không thể đi con đường nào khác hơn con đường mà Thầy mình đã đi.

*“Nếu được lời lãi cả thế gian…” (c.26): đây là cơn cám dỗ muôn thuở mà môn đệ Chúa phải luôn đối đầu. Thật ra “cả thế gian” tức là tạo vật đã được Thiên Chúa ưu ái trao ban cho con người như một ÂN HUỆ: hãy làm bá chủ chim trời, cá biển…(x.St 1, 26; 2, 19). Tuy nhiên nếu các thọ tạo ấy góp phần làm ta đi trệch ra khỏi đường lối Chúa (cụ thể là con đường Thập Giá) thì ta phải can đảm chọn lựa từ bỏ chúng. Chính Đức Giêsu trong thân phận làm người cũng đã phải đối đầu quyết liệt với thực tại ấy: quyền năng trên tạo vật (hóa đá thành bánh), các dấu lạ (nhảy từ nóc Đền Thờ xuống), của cải thế lực trần gian…đã bị quỷ bóp méo làm cớ cho Đức Giêsu đi xa con đường Thập Giá của Thiên Chúa…Ích gì nếu được tất cả những thứ đó mà lìa xa ý Chúa? Đức Giêsu đã thắng, chọn ý Chúa. Nói nôm na là nếu cả cuộc đời trần thế này, ta khước từ Thập Giá để tìm những an nhàn thư thái, tiện nghi thế gian…thì sẽ có nguy cơ mất ơn cứu độ, bị sống xa Chúa vĩnh viễn, mất linh hồn, vậy được ích chi?

Câu này cũng cho thấy cùng đích, ý nghĩa của cuộc đời môn đệ Đức Giêsu và ý nghĩa của vũ trụ: tất cả phải đưa con người vào ơn cứu độ và “Thập Giá” là việc con người phải giữ sao cho mỗi vật ở vào đúng vị trí của chúng ta trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

*c.27 mang chiều kích cánh chung, đưa ra lý do tối hậu vì sao ta phải tin lời Đức Giêsu, chọn con đường Thập Giá: vì Người là vị Thẩm Phán tối cao, chung cuộc của vũ trụ này; Người là “CON NGƯỜI” mà Kinh Thánh đã từng loan báo (x. Đn7, 9-14); phán quyết của Người là chung thẩm định đoạt số phận vĩnh cửu của mỗi người và mọi người. Trong văn mạch, tiêu chuẩn xét đoán là con đường Thập Giá mà Người đã mặc khải trong Thân phận Giêsu.

*c.28 ý nghĩa x.CGKPV Tân Ước trong 116 nốt “p”

*c.28 được coi như một dấu chỉ cụ thể trước mặt người ta có thể kiểm chúng được, mà Thiên Chúa ban giúp kẻ tin vững tin vào lời mặc khải về Thập Giá và về phán xét cánh chung. Dấu chỉ đó là biến cố Giêrusalem bị hủy diệt năm 70.

TÓM KẾT: Phụng vụ hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thập Giá trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng đề nghị thái độ phải có trước mầu nhiệm ấy. Vì từ nay, trong Đức Giêsu, con đường ấy là Thánh ý Thiên Chúa rõ ràng, không còn gì “úp mở” nữa (x. Mc 8, 32 a), và đó cũng là con đường mà ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu đều phải đi qua. “Môn đệ” là người nhận ra được tư tưởng, quyền năng, tình yêu Thiên Chúa ngang qua Thập Giá và cụ thể hóa niềm tin ấy trong cuộc sống thường ngày của mình.

Điều quan trọng là đừng lẫn lộn những khổ đau vốn là hậu quả của phận tội nhân với Thập Giá cứu độ của Đức Giêsu. Thập Giá của Đức Giêsu phải đưa tới phục sinh. Cái gì không nâng con người lên tới Chúa, không đưa tới ơn cứu độ đều không phải là Thập Giá Đức Giêsu. Khổ đau, tiêu cực vốn là hậu quả của phận tội nhân, chỉ kéo con người đi xuống; nhưng trong Tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đảm nhận tất cả những nét tiêu cực ấy làm số phận của Người để làm đổi hướng đi của đau khổ, thay vì kéo con người đi xuống, trầm luân, thì đưa nhân loại đi lên, đến phục sinh, đến cùng Thiên Chúa.

          Vậy Lời Chúa mời chúng ta chấp nhận thân phận con người như nó là trong sự khám phá và tuân phục ý Chúa nhờ tin, kết hiệp với Đức Giê-su Thập Giá. Nhờ đó, phận người với tất cả mọi hệ lụy tích cực lẫn tiêu cực đã trở thành “Thập – Giá – Phục – Sinh” vinh hiển. Tuy nhiên trong giới hạn của phận người, bộ mặt dữ dằn bên ngoài của Thập Giá luôn là một thách đố cho môn đệ Đức Giêsu. Nó che vinh quang phục sinh khỏi tầm nhìn xác phàm, xúi dục con người trốn chạy Thập Giá với ảo tưởng đó là đường “cứu mạng sống mình” mà Phêrô là điển hình: Chính khi trốn chạy Thập Giá, Phêrô mất tất cả, trở thành “Xa-tan”.  May thay Đức Giêsu vẫn giữ vững vai trò của người thủ lãnh, đưa Phêrô về lại vị trí môn đồ và tái khẳng định cho tất cả mọi người rằng Thập Giá là đường vinh quang của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC