CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

St 18,1-10a; Lc 10,38-42

Chủ đề: Hiếu khách đối với Chúa:
đón rước Chúa vào nhà và chăm chú lắng nghe Lời Chúa.

* St 18,1.8: Đức Chúa hiện ra với ông Abraham… ông lấy sữa… thịt… mà đãi khách; 18,10: và khách nói với ông: “Sang năm tôi trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai.

* Lc 10,38b: Cô Matta đón Người vào nhà… và tất bật lo việc phục vụ (c.40a); Còn cô Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.

Hôm nay  là Chúa Nhật XVI C Mùa Thường Niên. Lời Chúa trình bày cho chúng ta gương hiếu khách của Abraham (bài 1) và của các thành viên gia đình Bêtania (Tin Mừng). Hiếu khách là một tập tục đẹp, chung cho mọi dân tộc. Tuy nhiên đối tượng được tiếp đón thường là người thân quen. Riêng đối với những dân có nguồn gốc du mục thì việc đón tiếp khách lữ hành lỡ đường là một bổn phận buộc, bởi vì giữa sa mạc, hoang địa mênh mông thì một túp lều đúng là “Đất hứa Trời ban”, nhất là đối với các lữ khách đang kiệt lực. Nếu người chủ lều từ chối đón tiếp, giúp đỡ thì đồng nghĩa với việc đẩy người lữ hành vào con đường chết. Tổ tiên là dân du mục được Chúa dẫn đi lang bạt khắp nơi trước khi được định cư tại Đất Hứa (x. Gs 24,2-12) thế nên đối với dân Do Thái “Hiếu khách” là luật buộc: phải đón tiếp và bảo vệ khách cho dù phải gánh chịu những thiệt thòi lớn lao nhất (x. St 19,8; Tl 19,23tt…). Đón tiếp không phải vì phép lịch sự, xã giao mà là tạo điều kiện thuận lợi để lữ khách nghỉ ngơi, hồi phục, được bồi dưỡng hầu có thể lên đường tiếp tục cuộc hành trình giữa hoang địa của khách. Và việc xúc phạm đến lữ khách thì đáng phải chịu những hậu quả thê thảm (x. St 19,11; Tl 20,1tt). Chính Đức Giêsu cũng hoan nghênh tập tục hiếu khách khi Người kể dụ ngôn “người bạn quấy rầy” để khích lệ chúng ta kiên trì cầu nguyện (x. Lc 11,5-8).

Đối với người Kitô hữu, hiếu khách là dấu biểu lộ của lòng thương xót, của Luật yêu người, của tình bác ái kitô giáo đối với mọi người như trong kinh “thương người có 14 mối”: CHO KHÁCH ĐỖ NHÀ.

Riêng với Chúa Nhật XVI C, khách đến viếng thăm Abraham và gia đình Bêtania là CHÍNH THIÊN CHÚA: Ngoài việc đón tiếp, phục vụ, điều quan trọng hơn là chủ nhà phải biết CHĂM CHÚ LẮNG NGHE LỜI CHÚA và TIN VÀO SỨ ĐIỆP mà Chúa muốn gửi tới khi Chúa đoái thương ngự đến nhà chúng ta.

Bài đọc 1 nêu lên tấm gương mẫu mực về hiếu khách của Tổ phụ Abraham: ông không làm lấy có, làm với thái độ của kẻ ban phát ơn cho khách; Trái lại, được khách đồng ý ghé thăm là một ơn huệ cho ông (18,3). Do đó ông đón khách với tất cả chân tâm:

– Vừa khiêm tốn: ông sấp mình lạy khách, khẩn khoản mời khách ghé vào nhà, đem nước ra cho khách rửa chân: đây là nghi thức truyền thống của việc ước muốn đón tiếp khách; Rửa chân để làm dịu mát bàn chân mỏi mệt vì dặm đường xa và tẩy đi những bụi bặm để thoải mái bước vào lều – thường thì trải thảm – để ngơi nghỉ (x. Monique Piettre – “Comprendre la parole Année C p.97), rồi dọn chỗ mát cho khách nghỉ ngơi.

– Vừa ân cần và quảng đại: lúc đầu ông nói “tôi xin lấy ít bánh…” nhưng cái “ít bánh”  ấy là ba thúng tinh bột (khoảng 30 lít: Paroles sur le chemin C p.352). Một con bê non béo tốt rồi thêm sữa chua, sữa tươi… nghĩa là đãi khách với tất cả những gì là ngon nhất của một người du mục. Rồi ông, bà Sara, tôi tớ hợp lực phục vụ khách tận tình (St 18,5-8) dù thực sự ông chưa quen biết ba vị khách này (18,1-3).

Tuy nhiên cái chính yếu mà ba vị khách muốn Abraham đón nhận nơi các ngài là NGHE và TIN vào SỨ ĐIỆP mà các Đấng muốn mặc khải: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai” (18,10a). Lối thể hiện lòng hiếu khách, cách đón tiếp làm đẹp lòng Chúa nhất chính là LẮNG NGHE LỜI CHÚA. Đó là sứ điệp của Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng thuật lại việc tiếp đón Đức Giêsu của hai thành viên trong gia đình Bêtania: Matta và Maria với hai cung cách đón tiếp khác nhau:

– Matta tất bật lo tất cả mọi việc bên ngoài để lo đón khách.

– Maria chỉ “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”

Đức Giêsu không khước từ tấm chân tình của Matta, không hề coi nhẹ việc phục vụ của bà. Thế nhưng việc phục vụ ấy đã đưa bà tới thái độ cáu kỉnh đến độ bày tỏ công khai sự bực mình của mình đối với khách. Bà coi cách đón tiếp của bà là duy nhất, cả nhà phải xúm vào lo chung: “Thầy coi, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”. Và nếu ý nguyện của Matta được thực hiện thì cả nhà đã bỏ Đức Giêsu ngồi một mình để… chờ bữa ăn!

Cũng như bài đọc 1, sứ điệp Tin Mừng không nằm ở bữa ăn mà là nằm ở Lời do Đức Giêsu mang tới cho gia chủ. Vì thế Đức Giêsu đã lưu ý Matta rằng việc cần thiết duy nhất mà Chúa mong đợi khi ta rước Chúa vào nhà là LẮNG NGHE LỜI CHÚA.

Hiếu khách, tiếp đón, phục vụ tha nhân chắc chắn là đẹp lòng Chúa! Đón Chúa vào nhà chúng ta, chắc Chúa cũng rất vui lòng! Nhưng đối với Chúa, điều quan trọng hơn là động cơ, mục đích của việc đón Chúa. Lòng hiếu khách của chúng ta phải đưa chúng ta đến chỗ để Chúa làm chủ nhà chúng ta: lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho chúng ta. Đó mới là điều cần thiết, là “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42).

Bài 2

Cô Matta đón Đức Giêsu vào nhà… cô em là Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy… Chúa nói: … chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi (Lc 10,38b.39b.42).

Lời Chúa của Chúa Nhật XV C mặc khải cho chúng ta con đường phải đi để “có được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Đó là MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Và Tin Mừng tuần trước cũng minh họa cho chúng ta thế nào là yêu người ngang qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu.

Lời Chúa hôm nay Mùa Thường Niên XVI C tiếp tục hướng dẫn chúng ta một cách thức sống cụ thể hồn sống MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI, vẫn thường gặp trong cuộc sống thường ngày để cho lời Chúa thấm nhập vào cuộc sống chúng ta: Đó là thái độ HIẾU KHÁCH. Hiếu khách là một tập tục tốt đẹp, chung cho mọi dân tộc… Riêng đối với các kitô hữu, hiếu khách là dấu biểu lộ của lòng thương xót, của luật yêu người, của lòng bác ái kitô giáo đối với mọi người như trong kinh “Thương người có 14 mối”: CHO KHÁCH ĐỖ NHÀ (xem Bài “Chủ đề” Mùa Thường Niên XVI C).

Chính Thiên Chúa cũng hoan nghênh lòng hiếu khách: Lời Chúa hôm nay là một minh họa rõ ràng. Trong bài đọc 1, chính Thiên Chúa, dưới dạng ba người lữ khách đã đón nhận lòng hiếu khách thảo kính của Abraham; Trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu đã vui vẻ đón nhận lòng hiếu khách của các thành viên gia đình Bêtania. Tuy nhiên khi Chúa đến với chúng ta – như Đức Giêsu sau này nói thẳng – không phải để được phục vụ mà để phục vụ. Thật vậy bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay cho thấy Thiên Chúa đón nhận bữa ăn của Abraham – cũng như Đức Giêsu đón nhận lòng hiếu khách của gia đình Bêtania – là để mang lại cho ông (họ) một quà tặng quý giá hơn:

– Chúa đến để loan báo cho Abraham và Sara đang tuyệt vọng vì son sẻ, một tin mừng: sang năm họ sẽ có con.

– Đức Giêsu đến gia đình Bêtania mặc khải cho họ “phần tốt nhất không bao giờ bị lấy đi”.

Chúa đến nhà chúng ta là để khởi sự, từng bước một mời chúng ta cộng tac thực hiện dự tính từ ngàn đời của Chúa. Chúa đến không để thỏa đáp những khát vọng của chúng ta theo những ước mơ nhân loại.

Vậy điều chính yếu không là sự kiện đón tiếp khách. Sứ điệp mà lời Chúa hôm nay muốn gởi đến là VỚI TƯ CÁCH NÀO mà tôi đón Chúa? Tôi sẽ đóng vai chủ để điều khiển, phục vụ Chúa theo kiểu của tôi? Hay là tôi sẽ để cho Chúa làm chủ và bày tỏ ý định của Người cho tôi? Chúng ta nhớ chuyện hai môn đệ làng Emmau? (Lc 24,13-32): Hai môn đệ trong vai chủ nhà nài ép Đức Giêsu ở lại dùng bữa với họ, nhưng trong lúc ăn, người giữ vai chủ nhà là Đức Giêsu khi “cầm lấy bánh, dâng lời Chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ” (Lc 24,30). Chính khi trao lại cho Chúa quyền làm chủ, họ mới thực sự đón tiếp Người và nhờ đó được thông hiệp vào mặc khải Người muốn mang đến cho họ.

Vậy khi đón Chúa vào nhà (biểu lộ lòng hiếu khách) thì người tín hữu đồng thời cũng phải chấp nhận trao quyền làm chủ nhà lại cho Chúa, để Chúa biến nhà mình, con người mình thành nơi, công cụ để Thiên Chúa hoàn tất ý định cứu độ của Người.

BÀI ĐỌC I: St 18,1-10

Bài đọc 1 là trích đoạn trong sách St 12,1 -25,18 nói về tổ phụ Abraham. Nguồn gốc của ông là dân ngoại ở vùng đất Ur vùng Lưỡng Hà. Tên ông là Abram. Sau di cư đến Haran (St 11,31-32). Tại Haran, Yavê đã đến gọi Abram rời bỏ xứ sở, gia tộc, thần linh… để đi tới vùng đất mà Người sẽ chỉ cho. Lời mời kèm theo một lời hứa: ban đất mới, ban một dòng dõi và một lời chúc lành (St 12,1-3). Lúc đó Abram cũng khá giàu có, lớn tuổi và vô sinh. Nhưng ông đã tin vào lời Yavê nên lên đường lúc 75 tuổi (St 1,4).

Như vậy Yavê đến với Abram trước tiên là để mang lại cho ông một tin mừng: sẽ có đất, có con cái dòng dõi và được phúc lành. Nhưng đó chỉ mới là lời hứa, đồng thời lại kèm theo một yêu sách: từ bỏ tất cả những an toàn tiện nghi đang có để đi theo tiếng gọi của Người.

Abram đã tin, đã đón tiếp Yavê, đón tiếp lời hứa của Người và đồng ý để Người thực hiện dự tính của Người trên ông: Ông ra đi theo như tiếng Yavê mời gọi.

Tuổi càng già, niềm hy vọng càng lụi tắt: hy vọng có con càng xa vời. Ông vẫn vững tin, nhưng ông đã đón nhận Ý Chúa theo kiểu suy luận phàm trần của ông. Ông lấy vợ bé và quả thật đã sinh con. Nhưng Chúa đến với ông không để thỏa mãn các mơ ước của ông. Người đến với ông, mong ông cộng tác với Người để thể hiện Ý Người qua phận làm người của ông. Người lại đến với ông nhiều lần để củng cố đức tin và hy vọng của ông.

Và hôm nay, Người đến cách cụ thể dưới hình dạng ba con người để nói rõ cho ông Ý Người: sẽ ban cho ông và Sara một con trai. Lúc đó Chúa đã đổi tên ông thành Abraham rồi. Và với con người mới này Chúa thực hiện lời hứa cách cụ thể: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10).

Bài đọc 1 là trích đoạn Chúa đến Abraham, sau khi đổi tên ông, dưới dạng ba lữ khách. Ông đã tiếp đón họ cách cung kính theo luật hiếu khách và ông được các vị khách không mời ấy loan báo tin mừng.

1/ Bối cảnh chung của truyện tích Abraham:

Abraham giàu có, nhưng vô sinh.

Chúa mời ông đi theo Chúa kèm lời hứa với ba điều (x. St 12,1-3)

Yếu tố nền và phải có ngay trước mắt để ba điều hứa trên có nền tảng để thực hiện: Abram và Sarai phải có một đứa con. Thật vậy, không có con làm sao có giòng giống? không có con thì được của cải đất đai bao la thì được ích gì, chỉ thêm đau lòng vì tài sản phải để lại cho ngoại tộc (x. St 15,1-6).

Abram tin vào Lời Chúa (St 15,6) nhưng ông vẫn còn những toan tính theo lẽ khôn ngoan của loài người (và điều gì Chúa đã dựng nên thì Chúa không hủy bỏ, Chúa vẫn tôn trọng) nên Abram có được một con trai theo lẽ tự nhiên: Ismael (St 16) và ông tưởng như thế là đủ. Thế nhưng đổ vỡ gia đình đang rình rập và mẹ con của Ismael có nguy cơ diệt vong nếu Thiên Chúa không xót thương can thiệp (x. St 16,8; 21,8-16). Tuy nhiên Thiên Chúa đã tận dựng những sai sót – do thiện chí – từ phía của Abram để răn dạy, chỉnh sửa và từng bước một đưa Abram vào đường lối Chúa. Chúa đổi tên Abram – Sarai thành Abraham và Sara, và với con người đã được đổi tên, đổi mới đó, Thiên Chúa kết giao ước “cắt bì” với Abraham; Và nói rõ dự tính của Người: bà Sara (con người mới) 90 tuổi sẽ sinh con, Abraham (con người mới) 100 tuổi sẽ có con.

Tuy nhiên đổi mới tên tuổi, bề ngoài chưa đủ. Cần thanh luyện nội tâm cho Abraham (St 17,15-21) và cho cả Sara nữa (St 18,12-15) để hai ông bà hoàn toàn tín thác đón nhận Lời tin mừng Chúa ban.

2/ Đón tiếp Chúa:

Thiên Chúa luôn đi bước trước đến với con người (c.1), và Chúa chờ con người mở lòng đón cái bất ngờ mà Người gởi đến. Chúa đến mang tin vui đến cho con người, nhưng trước tiên Chúa vẫn muốn làm “người thọ ơn”. Ở đây Chúa đón nhận lòng hiếu khách của Abraham trước khi trao cho ông niềm vui “vợ chồng già sinh con nối dõi”. Chúa đã dùng một tập tục tốt lành của con người để chỉnh sửa, giáo dục, đưa dẫn Abraham vào đường lối Chúa: tập tục HIẾU KHÁCH.

Một cách đột ngột, không có điềm báo trước nào, Yavê đến với Abraham dưới hình hài ba lữ khách vào thời điểm nóng bức nhất trong ngày. Abraham không biết nguồn gốc các vị này, họ xuất hiện đột ngột: Abraham vừa ngước mắt lên (chắc ông đang mơ màng ngủ trưa) thì thấy ba vị đã đứng gần ông. Do đó, Abraham không có thời giờ chuẩn bị; Phản ứng của ông là tự nhiên phát xuất từ bản chất của con người ông, vẫn luôn hiếu khách như thế với tất cả mọi người:

– Ông sụp xuống đất lạy khách: đây là cung cách đón khách rất độc đáo và đầy lòng trọng kính theo kiểu Đông Phương (St 33,3; 37,10), chứ không phải là một cử chỉ thờ phượng (CGKPV “Kinh Thánh” 2011, trang 55 nốt “I”). Ông nhiệt tình, chân tâm cung kính đón tiếp khách.

– Rồi dọn bữa ăn đãi khách. St 18,6-8 cho thấy bữa ăn là thịnh soạn.

– Trong khi khách dùng bữa, ông đứng hầu.

Yavê đã vui lòng đón nhận thái độ hiếu khách đó của Abraham. Thiên Chúa yêu thích lòng thảo hiếu của con người.

3/ Thiên Chúa bày tỏ ý định của Người cho Abraham (c.10)

*Bà Sara, vợ ông đâu?

Theo tập tục đông phương, không bao giờ một người khách lạ được phép hỏi chủ nhà những thông tin về vợ chủ nhà, đó là điều bất lịch sự trầm trọng (Comprendre la Parole C3 p.98). Nhưng ba vị khách này của Abraham thật khác thường: họ hỏi Abraham về vợ ông; họ lại biết rõ tên MỚI của bà là Sara; biết vợ chồng ông là không có con. Họ là ai? Sau khi đón nhận lòng hiếu khách của Abraham, Ba Vị này báo cho Abraham một tin vui: không phải một tin vui nhất thời mà là một tin vui thay đổi cả vận mạng của Abraham, của Sara và của toàn thế giới: Hai nhân vật già cỗi, vô sinh vừa được Yavê đổi tên ở St 17, trong tư cách mới với tên mới, sẽ sinh con; với người con này Yavê sẽ kết giao ước vĩnh cửu (St 17,19)

Yavê đã viếng thăm nhà Abraham để mang tin vui đến thay đổi vận mạng đời ông; ông đã đón tiếp Người và nhất là dám để Người xen vào nội bộ nhà ông, trao cho Người làm chủ nhà ông và cuối cùng dám tin vào tin mừng mà Yavê mang đến dù ông không còn gì để hy vọng (x. Rm 4,18).

*Ba vị khách hé lộ vinh quang và ý định thần linh (c.10)

Khi tiếp đón khách vào nhà, chắc Abraham không biết đó là Thiên Chúa. Ông cư xử theo luật hiếu khách. Nhưng qua một số chi tiết, tác giả St 18 dần hé lộ dung mạo thần linh của các vị khách

– Biết tên mới của Sara, là tên do Yavê đặt cho (St 17,15)

– Biết vợ chồng ông vô sinh và biết lời Yavê hứa cho hai ông bà (St 12,1-3)

– Dám hứa với hạn kỳ rõ ràng là “sang năm… Sara sẽ sinh con”, nghĩa là dám cho lời Yavê hứa một thời điểm rõ ràng.

– Và cuối cùng trong chương 18 này khi Sara “cười” thầm trong lều thì, ba vị khách biết rõ (St 18,10-15: không đọc trong phụng vụ hôm nay).

Và trong chủ đề của Chúa Nhật XVI C, trọng tâm chính là lời công bố tin mừng cho vợ chồng Abraham – Sara: năm sau hai người sẽ có con.

Mặc dù được Chúa coi là người công chính nhờ tin (St 15,6), nhưng trước tin vui vượt quá lẽ thường, vượt quá mọi hy vọng phàm nhân, hai ông bà vẫn bị cám dỗ “không tin”; Thế nhưng Chúa đến là để đem tin vui cho con người. Và như thế thì “hiếu khách” đối với Chúa là đón Chúa vào nhà rồi trao cho Chúa quyền làm chủ cuộc đời chúng ta, nhận ra Chúa muốn gì khi đến nhà ta và sẵn sàng để Ý Chúa thể hiện trong cuộc đời ta.

TIN MỪNG: Lc 10,38-42

Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường tiến về Giêrusalem. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu được hai chị em Matta và Maria đón tiếp. Bản văn không ghi rõ nơi Đức Giêsu được tiếp đón là nơi nào, chỉ nói cách chung là “Đức Giêsu vào làng kia”. Tuy nhiên các chi tiết về hai chị em trong nhà này gợi lên hình ảnh gia đình Bêtania của Ga 11,1; 12,1-3. Theo Ga 11,1-3 thì gia đình này rất thân thiết với Đức Giêsu và họ tự hào là em trai Ladarô là “người được Đức Giêsu yêu mến”.

Chủ đề của Chúa Nhật hôm nay là lòng hiếu khách. Trong bài đọc 1, nói đến lòng hiếu khách đối với những người xa lạ, chưa quen biết; còn trong Tin Mừng đối tượng là những người đã thân quen với nhau. Matta và Maria đều quý mến Đức Giêsu và tận tình đón tiếp Người với tất cả lòng yêu mến.

Matta đón Chúa theo cung cách bình thường: phục vụ các bữa ăn chu đáo, đầy đủ, tạo các tiện nghi để khách theo năng lực, cung cách, suy nghĩ của mình, mà mình cho là tốt nhất. Nói cách khác, mình đóng vai chủ nhân, đạo diễn và khách chỉ thụ động đón nhận “thiện chí”, “lòng tốt” của mình.

Còn Maria? Cô này biểu lộ tinh thần, đón khách bằng một cung cách độc đáo: dường như là cô quấy rầy khách, không tạo các điều kiện thoải mái cho khách, không để khách có giờ nghỉ ngơi…: cô bám riết theo Đức Giêsu, “ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Người dạy”. Đó là việc duy nhất mà cô làm (trong khi đó thì Matta băn khoan lo lắng nhiều chuyện quá). Và thật bất ngờ: Đức Giêsu đẹp lòng với điều duy nhất mà Maria đã làm để đón rước Người hơn là tất cả những việc bề bộn lăng xăng mà Matta đã cố làm để phục vụ Người theo ý của cô ta.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay thoạt nhìn rất đơn giản, dễ nhớ, chỉ có ba nhân vật với các tình tiết ngắn gọn, không lý luận dài dòng. Nhưng các suy niệm về trích đoạn này thật phong phú. Chúng ta nhắc lại vài lối suy tư của các giáo phụ mà ít ra đã nghe được một lần; rồi sau đó sẽ suy tư thêm một góc nhìn mới.

1/ Các cách chủ giải trong truyền thống (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C Mùa Thường Niên 216 – 218)

*Cách chú giải của Origène đã có ảnh hưởng lớn trên truyền thống tu đức Hy lạp và Latin.

“Người ta có thể chấp nhận là Matta tượng trưng cho đời hành động và Maria cho đời chiêm niệm. Mầu nhiệm tình yêu không còn trong đời sống hoạt động nữa, nếu lời dạy và huấn đức không đưa tới việc chiêm niệm: vì hoạt động và chiêm niệm không thể tách rời nhau”.

Ở đây, đối với Origène, hai chị em tượng trưng cho hai thái độ đạo đức mà một môn đệ trọn lành không thể tách rời được: họ phải vừa là con người hoạt động vừa là con người chiêm niệm; nhưng hoạt động của họ phải được quy hướng về chiêm niệm.

*Thánh Ambrôsiô trình bày một lối chú giải tương tự, nhưng sát nghĩa hơn:

“Qua mẫu gương của Matta và Maria, nơi đây công việc của bà này ta thấy một sự tần tâm hoạt động, nơi bà kia một tâm hồn đạo đức biết lắng nghe Lời Chúa; nếu phù hợp với đức tin thì thái độ đó giá trị hơn các việc làm, như đã chép: “Maria đã chọn phần tốt hơn, sẽ không bị giật mất” – Vì thế chúng ta hãy chuyên lo chiếm hữu điều không ai có thể cất khỏi chúng ta được… Như Maria, anh chị em hãy hăng say khao khát sự khôn ngoan: đó là việc quan trọng và trọn hảo hơn. Chớ gì mối quan tâm mục vụ không làm cản trở việc tìm hiểu Lời Thần Linh… Tuy vậy, người ta không chỉ trích Matta vì những công việc tốt lành của bà: nhưng dù sao Maria được ưu đãi hơn vì đã biết chọn cho mình phần trọn hảo hơn”.

Như thế, đối với Ambrôsiô cũng như đối với Origène, hai chị em tượng trưng cho hai cách hoạt động phải luôn luôn cùng hiện diện nơi người tín hữu.

*Thánh Augustinô lưu tâm đến hình ảnh Giáo Hội hơn là giáo huấn tu đức:

“Matta tiếp đón Chúa trong nhà mình, ám chỉ Giáo Hội hiện nay tiếp đón Chúa trong lòng mình. Maria, em bà ngồi dưới chân của Chúa và nghe lời Ngài, ám chỉ cùng một Giáo Hội đó, nhưng trong một thế giới sắp đến, khi mà Giáo Hội hết phục vụ kẻ bần cùng mà chỉ vui hưởng sự khôn ngoan thôi. Thế nên Matta bận rộn lo phục vụ nhiều điều, vì Giáo Hội bây giờ đang thi hành các công việc ấy. Nếu bà than phiền vì em bà không chịu phụ giúp bà, thì đây là cơ hợi để Lời Chúa chỉ cho thấy Giáo Hội này còn quá bận tâm lo lắng đến nhiều chuyện quá, trong lúc đó chỉ có một điều cần thôi mà người ta đạt được nhờ việc làm công phúc của Giáo Hội. Nhưng Chúa nói Maria đã chọn phần tốt hơn sẽ không bị mất: phần đó tốt vì nhờ đó mà người ta đạt đến mục đích và vì nó không bị lất mất đi, nhưng phần của việc làm, cho dù tốt, cũng sẽ bị mất đi, khi không còn sự bần cùng mà Giáo Hội từ trước đến nay đã phục vụ”.

Với thánh Augustinô, hai chị em biểu hiện hai giai đoạn tiếp nối nhau của Giáo Hội: chiến đấu và khải hoàn. Theo cách chú giải này thì câu chuyện Matta và Maria không còn mang tính cách huấn đức như với Origène và Ambrôsiô nữa, nhưng là một lời hứa nhằm mục đích khơi dậy niềm hy vọng nơi các tín hữu.

2/ Chú giải theo lịch sử cứu độ

*Câu 38: Đức Giêsu và các môn đệ đang tới gần Giêrusalem, nghĩa là thời điểm cứu độ đã tới gần.

Một làng không tên biểu tượng dòng lịch sử cứu độ phổ quát: mọi thời, mọi nơi, mọi lúc; ám chỉ toàn thế giới, toàn nhân loại. Đức Giêsu là lời Chúa đến với vũ trụ để mang lại ơn cứu độ cho mọi loài.

Chúng ta đang ở trong văn mạch: Niềm vui tràn đầy hy vọng của Đức Giêsu:

– Vui vì sứ vụ 72 môn đệ thành công, vì tên của họ đươc ghi trên trời (10,9-20)

– Vui vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho người bé mọn (10,21-22)

– Ngay tiếp đó, Đức Giêsu nói RIÊNG cho các môn đệ cái hạnh phúc mà họ đang được hưởng (10,23-24).

– Móc nối với niềm vui của môn đồ “được ghi tên trên trời”, trích đoạn tiếp theo là câu hỏi của người thông luật “PHẢI LÀM GÌ để được THỪA KẾ sự sống đời đời?”. Câu đáp là mến Chúa yêu người kèm theo một dụ ngôn minh họa “người Samaria nhân hậu”. Rồi Đức Giêsu kết luận: “hãy về và làm như thế” (10,25-37)

– Tiếp nối chiều hướng đó, trích đoạn hôm nay (10,38-42) tiếp tục soi rõ hơn thái độ phải có để được THỪA KẾ Nước Trời: thái độ đó là lắng nghe Đức Giêsu như người (trong tư cách là) người môn đệ

Đức Giêsu vào làng kia: cách nói ám chỉ Thiên Chúa đến với con người

*Matta và Maria:

Ám chỉ dòng lịch sử cứu độ và hai cách đáp trả từ phía con người theo hai giai đoạn lịch sử cứu độ. Cả hai đều cần thiết và bất khả thay thế:

– Matta biểu tượng cho Giao ước Sinai: giai đoạn đầu của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa ban “Mười Lời”, nhờ đó đám nô lệ trở nên dân Chúa, dân tự do, dân tư tế. Nhưng rồi dân đã biến Mười Lời ấy thành 613 điều khoản (“băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá”). Và dân cứ tưởng như thế là đón tiếp Chúa, là phục vụ Chúa, là yêu Chúa.

Nhưng việc cố giữ 613 luật đó (băn khoăn nhiều chuyện) trở nên một gánh nặng làm cho dân lo lắng, tị nạnh với tha nhân, bắt bẻ nhau, “thử” nhau… Đó là phản ứng của “người thông luật”, của “tư tế”, “Lêvi” trong dụ ngôn, của Matta trong Tin Mừng hôm nay.

– Maria là biểu tượng dân mới, các môn đệ. Đối với đoàn dân mới này điều quan trọng không chỉ là giữ đủ Mười Lời mà là dám bỏ tất cả mọi sự: bán tất cả, bố thí hết rồi đến mà theo Đức Giêsu (Mc 10,20-21).

*“Xin Thầy bảo nó giúp con một tay

Vào thời của Đức Giêsu và của các tông đồ, việc loan báo Tin Mừng của và về Đức Giêsu luôn bị những người Do Thái vụ luật chống phá. Rồi khi tới khi các dân ngoại xin gia nhập kitô giáo thì những người Do Thái đòi dân ngoại phải chịu phép cắt bì, giữ luật Môsê trước (Matta xin Đức Giêsu bảo Maria bỏ nghe Đức Giê =su để làm những việc lăng xăng mà Matta đang vướng phải). Cái sai lầm của Matta không nằm ở việc lăng xăng phục vụ mà là ở chỗ đòi Chúa ép Maria phải làm như bà và bỏ Đức Giêsu: bà quá chắc chắn về phán đoán của mình đến nỗi với một giọng điệu trách móc, bà đòi Đức Giêsu phải chia sẻ quan điểm, cách hành động của và, ép Maria phải theo.

*Đáp trả của Đức Giêsu (cc.41-42)

“Chúa” trách Matta lo lắng nhiều chuyện quá mà quên đi điều cần thiết. Cái đáng trách của Matta là đã để các bận tâm phải làm ngay tức thời trước mắt mà quên đi điều cần thiết độc nhất làm nền tảng cho đức tin, là cái hồn cho việc giữ luật: đó là lắng nghe lời Đức Giêsu.

Vậy vấn đề không phải là tranh hơn thua giữa cách đón tiếp của Matta với cách đón của Maria. Nhưng với Đức Giêsu, có một bậc thang giá trị; và Người kết thúc câu chuyện bằng một lời khen ngợi và một lời hứa cho Maria: “cô đã chọn phần tốt nhất sẽ không bị ai giật mất”.

Tóm: nhìn vào dòng lịch sử cứu độ đã được Chúa mặc khải, con người có nhiều bổn phận đối với Chúa: phải lo lắng đón nhận luật Chúa và thi hành. Tuy nhiên một khi tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa là Đức Giêsu đã xuất hiện thì điều cần thiết nhất mà người môn đệ phỉa ý thức và cố thực hành tiên quyết là LẮNG NGHE LỜI ĐỨC GIÊSU. Đó là sứ điệp của câu chuyện hôm nay: người môn đệ đích thực là người biết đặt việc lắng nghe lời Chúa là bận tâm duy nhất của mình trong niềm phó thác mọi sự khác Chúa sẽ ban thêm; Hiếu khách đối với Chúa là để Người vào nhà và trao lại cho Người quyền làm chủ, điều khiển cuộc đời chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC